Bà Thợ Và Đôi Rắn Thần Chương 1

Chương 1
Kể lại quá khứ.

Cuối năm 1855, có một thiếu phụ tuổi mới gần 30 mà đã sớm vướng víu khổ lụy vì tình. Bà bị trắc trở đường tình duyên khi vừa mới lấy chồng được một năm, nên cô rời bỏ gia đình ở Chợ Lớn (đất Sài Gòn Gia Định) theo ghe đi về biên giới phía Tây và dừng chân ở tỉnh lỵ Châu Đốc xa lạ.
Sở dĩ bà Lê Thị Thơ, tên người thiếu phụ bạc phận này chọn vùng biên giới Thất Sơn này để dừng chân là do qua lời đồn bà có nghe về một ngôi chùa mới xây dựng của đức Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyền, là chùa Tây An. Vốn nghe danh phật thầy, nên bà Thơ chọn Tây An Tự để xin vào chùa làm công quả. Ngày đó còn nhiều người trú chân tại ngôi chùa này, mà trong số đó có một số người biết bà Thơ khi bà ở Chợ Lớn. Họ gọi tên bà là bà Thợ thay vì là bà Thơ, bởi họ biết khi còn là con gái bà vốn làm nghề thợ may. Cái tên Thợ là chết danh cho người con gái có cái tên đẹp như thơ, cô Thơ, chuyên nghề Thợ.


Tu ở chùa Tây An chỉ được hơn một năm, nhưng nhận thấy nơi đây quá đông người, thành phần phức tạp, luôn bị chính quyền địa phương dòm ngó, vì nghi số đông đó có thể có những thành phần gây nguy hại cho nền tự an. Bởi thế, nhân khi Đức Phật thầy Tây An viên tịch (ngày l2-8-1856), bà Thợ (Lê Thị Thơ) đã có ý định rời Tây An Tự.
Một hôm, bà đi bộ vòng theo chân Núi Sam, qua sườn phía Tây, nhận thấy nơi này còn hoang sơ, nhưng phong cảnh đẹp và khí hậu ôn hòa, bà liền lần mò leo lên sườn núi.
Lên trên lưng chừng núi bà nhận ra nơi này cảnh quan thanh tịnh, rất thích hợp cho người có tâm trạng như bà. Tò mò hơn, bà lần bước theo đường đá cheo leo, cuối cùng phát hiện ra ở đó có một hang sâu mà hình như chưa có dấu chân người lui tới!
Nếu gặp người phụ nữ khác thì đã sợ, rút lui ngay, nhưng bà Thợ thì không. Bà nghĩ: tại sao mình không chọn nơi này để ở, vì chỗ Tây An Tự quá đông người?
Nghĩ là làm ngay. Bà Thợ dùng tay không bẻ cành lá, dọn đường ngay khu vực miệng hang, ngẫu nhiên có một nơi trú ngụ lý tưởng vô cùng. Từ hôm đó, bà Thợ ở lại luôn, không trở về Tây An Tự, nhiều người trong chùa đồn rằng bà đi lang thang lên núi đã bị hùm beo ăn thịt rồi!
Một thân một mình, không thức ăn, nước uống, lại không có chăn màn để ngủ, vậy mà người phụ nữ gan dạ đó đã trụ lại được ở hang đá. Để có cái ăn, bà tự đi tìm đào củ khoai dại ăn đỡ đói, nước thì hứng sương đêm bằng lá cây chứa vào một hốc đá, uống dần. Thỉnh thoảng, bà mới mò xuống chân núi tìm mua một vài thứ cần thiết rồi lại trở lên hang ngay.
Mỗi ngày bà bới đất chung quanh hang, gieo trồng nhiều loại hạt, cả hạt lúa kiếm được từ dưới núi mang lên và tối thì hứng sương, khi có mưa hứng nước mưa, để dành tưới cây hoa màu. Chẳng mấy chốc quanh bà đã có hẳn một điền trang thu nhỏ, đủ nuôi sống bà quanh năm. Rồi trong bà nảy sinh một ý nghĩ lập một ngôi chùa tại đó.
Đầu tiên bà gom đá nhỏ, đá lớn, lắp ghép thành bậc thờ, rồi hình phật Tổ, Phật Bà tuy không sắc sảo, nhưng cũng tượng trưng được cho lòng mộ đạo, kính Phật của bà và từ đó hình thành một ngôi chùa trong hang mà bà tự đặt tên là Phước Điền Tự. Tên đó có nghĩa “ngôi chùa giữa ruộng nương mang lại phước lộc cho mọi người”.
Bà Thợ đương nhiên thành người sáng lập và là trụ trì đầu tiên của Phước Điền Tự, hay còn gọi là Chùa Hang sau này.
Ăn chay, sống thanh tịnh, ngày ngày chỉ biết tụng kinh, gõ mõ và gieo trồng cho cái điền trang ngày càng xanh tốt, nên bà Thợ, với pháp danh Diệu Thiện từ lúc tu ở Tây An Tự, không hề để ý gì những chuyện khác. Nhất là bà không bao giờ phải lo sợ chuyện hùm beo, thú dữ mà thời đó còn đầy rẫy ở đỉnh Núi Sam. Bà nghĩ, thú dữ sẽ chẳng bao giờ sát hại người tu hành. Cho đến một hôm…
Lúc đang ngủ, nửa đêm chợt có tiếng lạ phát ra từ phía bên trong hang sâu. Nơi đó từ gần một năm rồi khi đến đây tu hành bà Thợ chưa hề bước chân vào. Tiếng động càng lúc càng lớn và kèm theo là một mùi tanh hôi kỳ lạ bay ra.
Bà Thợ căng mắt nhìn vào hang tối thì giật mình, bởi từ trong đó có bốn đốm sáng như bốn ngọn đèn pha chiếu ra:
- Cọp beo cơ?
Bà Thợ nghĩ ngay tới những con cọp thường xuống núi quấy phá mà lâu nay cư dân hay đồn đãi, lo sợ. Bà chẳng biết phải làm gì, ngoài việc ngồi xếp bằng giữa miệng hang, chấp tay hướng về bậc thờ Phật, mắt nhắm nghiền và lâm râm niệm kinh.
Phút giây này bà không hề sợ chết mà như chờ đợi nó đến. Lòng bà thanh thản lạ thường…
Mùi tanh hôi càng lúc càng tăng và tiếng phì phò càng lớn hơn, cộng với tiếng di chuyển của vật gì đó khá lớn. Nó đang hướng thẳng về phía bà Thợ đang niệm kinh, rồi dừng lại.
Vẫn không mở mắt ra, bà Thợ niệm thành tiếng vừa đủ cho ai có mặt trong hang nghe được:
- Nếu ai muốn tới để chấm dứt số phận của kẻ này thì xin hãy ra tay ngay, để xác thân này lấy hang này làm đất chôn. Còn nếu không muốn giết thì xin để kẻ tiện nữ này được yên hầu tiếp tục nhang khói cúng Phật.
Lời bà hình như có tác dụng. Bởi sau đó đến gần nửa giờ mà vẫn không thấy động tĩnh gì thêm. Mùi tanh cũng bớt đi…
Bà Thợ từ từ mở mắt. Và bà không tin vào mắt mình nữa! Ngay trước bà, cách chỉ năm bảy bước chân, có hai con rắn nằm khoanh tròn lớn như hai bồ lúa.
- Mô phật! Mô phật!
Bà Thợ niệm liền mấy tiếng và thấy hai cái đầu lớn như hai trái dừa khô cứ lắc lư, lắc lư…
Hễ bà ngưng niệm Phật thì hai con rắn tỏ ra không bằng lòng, chúng lại phát ra tiếng phì phò liên tục. Bà Thợ chợt hiểu, hai con rắn bị tiếng niệm kinh thu phục.
Do vậy, bà lại cất tiếng niệm Phật với tất cả sự thành kính. Giọng bà vang vang, đều đều và rõ ràng hai con rắn nằm im.
Không biết là bao lâu. Bởi bà Thợ hầu như không còn nhớ thời gian. Bà bị hút vào kinh kệ và đến một lúc như không còn nhớ là bên cạnh đang có hai con ác thú.
Đến gần sáng…
Lúc bà Thợ bừng mắt ra thì không còn thấy hai con vật đâu.
Mãi khi mặt trời lên cao thì bà Thợ mới đi ra ngoài, “Điền trang” của bà đang chờ bà tưới nước. Đang lúc làm thì chợt có ba người đàn ông từ đâu đi tới. Có một đạo sĩ trong số đó, còn hai người thì có vẻ bặm trợn, tay cầm cung nỏ ra dáng như đang đi săn thú.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t105835-ba-tho-va-doi-ran-than-chuong-1.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận