M ột bên miếu ni cô tại sao lại có miếu Thổ địa? Miếu Thổ địa tại sao lại có địa lao?
Ánh mắt của Đinh Hỷ đầy vẻ đăm chiêu, y nhìn chăm chú vào tấm bản bằng đá dưới bệ thần án, miệng lẩm bẩm:
- Trong am ni cô hồi xưa, chắc là có một ni cô trẻ đẹp, mới làm ra cái miếu Thổ địa bên cạnh.
Đặng Định Hầu nhịn không nổi mở miệng hỏi:
- Tại sao?
Đinh Hỷ nói:
- Bởi vì trong am không cách nào hẹn hò được, nơi đây lại rất tiện lợi.
Đặng Định Hầu bật cười:
- Hình như chuyện gì ngươi cũng biết.
Đinh Hỷ không hề khiêm tốn:
- Tôi biết rất nhiều chuyện.
Đặng Định Hầu nói:
- Ngươi có biết cái tật của ngươi ở chỗ nào không?
Đinh Hỷ nói:
- Không biết.
Đặng Định Hầu nói:
- Cái tật của ngươi là ở chỗ quá thông minh.
Y mỉm cười, vỗ vỗ vào vai Đinh Hỷ nói tiếp:
- Vì vậy ta khuyên ngươi tốt nhất nên học cái lão rùa đen, cũng làm bộ ngu ngu đi một chút.
Sau đó, ngươi sẽ thấy thế giới này còn khả ái hơn ngươi đang thấy bây giờ nhiều lắm.
Địa lao quả thật nằm ở dưới thần án.
Bọn họ lật tấm bản bằng đá lên, bước xuống dưới, không khí có mùi ẩm mốc lẫn lộn với mùi hủ nát bốc lên nồng nặc làm bọn họ cơ hồ không mở mắt ra được.
Bọn họ mở to mắt ra, vật đầu tiên nhìn thấy, chính là một cái giường.
Địa lao rất nhỏ bé, nhưng cái giường lại không nhỏ tý nào, cơ hồ muốn chiếm hết hơn cả nửa phòng.
Đặng Định Hầu thở ra trong bụng:
- Xem ra tên tiểu tử này đoán thật không sai.
Có hai chuyện Đinh Hỷ đoán không sai mảy may ...
Trong địa lao có một cái giường, trên giường có người, người dó là Tô Tiểu Ba.
Người y như một cái bánh chiên bó chặt ở đó, hai mắt nhắm lại như người đang ngủ, mà ngủ còn rất say, có người tiến vào địa lao, y cũng không mở mắt ra.
- Y ngủ say như một người chết.
- Giống hệt.
Trái tim của Đinh Hỷ chùng xuống, y nhảy một bước lại, thò tay ra nắm lấy mạch môn của Tô Tiểu Ba.
Tô Tiểu Ba bỗng nhiên cười phì.
Đinh Hỷ thở phào ra một hơi dài, lắc đầu cười nói:
- Có phải ngươi thấy thế này là thích thú lắm đấy?
Tô Tiểu Ba cười nói:
- Ngươi gạt ta đã không biết bao nhiêu lần rồi, lần này ta làm cho người nóng nảy lên chút xíu cũng là tốt thôi.
Đinh Hỷ nói:
- Còn ngươi không nóng sao?
Tô Tiểu Ba nói:
- Ta biết ta chẳng thể chết được.
Đinh Hỷ hỏi:
- Bởi vì ngươi là chồng của em gái Nhạc Lân?
Tô Tiểu Ba bỗng hết cười, y hằn học nói:
- Nếu ta không có tên anh vợ như vậy, ta còn chưa bị xui tận mạng như thế này.
Đinh Hỷ nói:
- Y bỏ ngươi lại nơi đây?
Tô Tiểu Ba nói:
- Trói gô ta lại một bó cũng là y.
Đinh Hỷ cười nói:
- Có phải ngươi hoang đàng quá, y mới đại diện cô em gái sữa trị ngươi?
Tô Tiểu Ba la ầm lên:
- Cũng không phải là ngươi không biết, cái cô em gái quý giá ấy là thứ chằng tinh, ta đã bị mụ ta hút hết cả tinh lực rồi, còn đâu mà ra ngoài bậy bạ với ai?
Đinh Hỷ nói:
- Nếu vậy tại sao y lại đi chỉnh lý ngươi quá vậy?
To Tiểu Ba nói:
- Có quỹ mà biết.
Đinh Hỷ chớp chớp mắt, bỗng cười nhạt nói:
- Ta biết rồi, bởi vì ngươi giết Vạn Thông.
Tô Tiểu Ba lại la ầm lên:
- Lúc y chết ta đang ở trong nhà bếp ăn cơm, nghe tiếng y kêu, mới chạy ra.
Đinh Hỷ hỏi:
- Rồi sao nữa?
Tô Tiểu Ba nói:
- Ta lại chậm quá, ngay cả hình bóng người đó ra sao còn không thấy rõ ràng.
Đinh Hỷ sáng mắt lên:
- Người nào?
Tô Tiểu Ba nói:
- Người chạy từ trong phòng Vạn Thông ra.
Đinh Hỷ nói:
- Tuy ngươi không thấy rõ ràng, nhưng ngươi có thấy hắn?
Tô Tiểu Ba nói:
- Ừ.
Đinh Hỷ hỏi:
- Y cao lớn bao nhiêu?
Tô Tiểu Ba nói:
- Người hắn rất cao, khinh công cũng rất cao, xẹt qua trước mặt ta một cái là biến mất.
Ánh mắt của Đinh Hỷ loang loáng, y chỉ Đặng Định Hầu hỏi:
- Ngươi thấy người này thân hình có giống hắn không?
Tô Tiểu Ba nhìn nhìn Đặng Định Hầu hai ba lần, nói:
- Không giống tý nào, người đó ít nhất cũng cao hơn y nửa cái đầu.
Đinh Hỷ nhìn nhìn Đặng Định Hầu, Đặng Định Hầu cũng nhìn nhìn Đinh Hỷ, Đặng Định Hầu bỗng nói:
- Khương Tân và Bách Lý Trường Thanh đều không thấp.
Đinh Hỷ nói:
- Chỉ tiếc là hai người đó, một người thì nằm liệt gần muốn chết trên giường bệnh, một người thì ở tuốt ngoài Quan ngoại.
Ánh mắt của Đặng Định Hầu cũng lấp loáng, y trầm ngâm một hồi nói:
- Người ở Quan ngoại có thể trở về, người bệnh liệt giường có thể giả bệnh.
Tô Tiểu Ba nhìn nhìn bọn họ, nhịn không nổi cất tiếng hỏi:
- Các ngươi đang nói chuyện gì vậy?
Đinh Hỷ cười cười nói:
- Sao ngươi càng lúc càng ngu ra vậy, chúng ta nói vậy mà ngươi nghe không hiểu, người khác tử tế với ngươi, ngươi cũng nhìn không ra.
Tô Tiểu Ba nói:
- Ai tử tế với ta đâu?
Đinh Hỷ nói:
- Ông anh vợ của ngươi.
Tô Tiểu Ba lại la ầm lên:
- Y đối xử với ta như thế này, không lẽ ta còn phải cảm kích y?
Đinh Hỷ cười nói:
- Đúng là ngươi phải cảm tạ y, bởi vì đáng lý ra, y phải giết ngươi mới đúng.
Tô Tiểu Ba ngẫn người ra, hỏi:
- Tại sao?
Đinh Hỷ hỏi lại:
- Ngươi không biết thật sao?
Tô Tiểu Ba nói:
- Quả thật ta bị làm cho hồ đồ muốn chết cả đây.
Đinh Hỷ nói:
- Nếu vậy ngươi nên mau mau chạy lại chỗ y mà hỏi.
Tô Tiểu Ba nói:
- Y đang ở đâu?
Đinh Hỷ chỉ một cái:
- Y đang ở đằng kia ... với một người chết, và hai ni cô.
Hoàng hôn.
Phía sau sân lại càng u ám, trong phòng không có đèn.
Người chết không màng gì đến trong phòng có sáng hay không, người bị điểm huyệt, dù có màng cũng không cử động được gì.
Tô Tiểu Ba lẩm bẩm:
- Xem ra cái gã anh vợ này đã ngủ thật rồi.
Đinh Hỷ cười nói:
- Ngủ say đến độ không khác gì người chết.
Nói đến hai chữ "người chết", y bất giác giật nảy mình, bỗng nhảy một bước nhanh lại, mở tung cửa ra.
Sau đó người y cũng biến thành như một người chết, toàn thân từ trên xuống dưới lạnh ngắt cứng đờ.
Trong phòng chẳng còn ai sống sót.
Cặp Nhật Nguyệt song thương bằng thép ròng đã bị người ta bẻ gãy thành bốn khúc, một khúc đâm dính trên quan tài, hai khúc bay lên nóc nhà, còn một khúc thì đâm vào giữa ngực Nhạc Lân.
Nhưng vết thương trí mạng của y không phải là do cây thương, mà là nội thương. Nội thương gây ra bởi Thiếu Lâm thần quyền.
Đại Lực Kim Cương cũng bị đồng dạng một vết thương.
Trần Hoài và Triệu Đại Bình thì chết vì lưỡi kiếm.
Một lưỡi kiếm rất hẹp, bởi vì vết thương ở chính giữa huyệt Mi Tâm chỉ dài có một tấc hai phân.
Kiếm càng hẹp càng khó luyện, trong giang hồ hiện nay cơ hồ không có ai sử dụng kiếm hẹp như vậy.
Đặng Định Hầu nhìn thi thể của Nhạc Lân và Ngũ Hổ, cười khổ nói:
- Xem ra có thêm hai người nữa đã bị ta giết.
Đinh Hỷ không mở miệng, y đang chăm chú nhìn không chớp vào vết thương trên huyệt Mi Tâm của Trần Hoài và Triệu Đại Bình.
Đặng Định Hầu nói:
- Còn hai người này bị ai giết?
Đinh Hỷ nói:
- Tôi.
Đặng Định Hầu ngẫn người ra, hỏi lại:
- Ngươi?
Đinh Hỷ cười cười, bỗng xoay người lại, bàn tay y lật ra, trong tay đã có thêm một thanh đoản kiếm chiếu sáng rực rỡ.
Một thanh kiếm dài một thước ba phân, bề ngang chừng bảy phân.
Đặng Định Hầu nhìn nhìn lưỡi kiếm, rồi lại nhìn vào vết thương của Trần Hoài và Triệu Đại Bình, rốt cuộc y hiểu ra:
- Tên gian tế này giết người bịt miệng, còn muốn giá họa cho bọn mình nữa.
Đinh Hỷ cười khổ nói:
- Giá họa kiểu này quả thật không nhỏ.
Đặng Định Hầu nói:
- Hắn giết Vạn Thông trước để bịt miệng, rồi lại giá họa cho ta, hy vọng ngươi sẽ giúp bọn họ giết ta.
Đinh Hỷ nói:
- Chỉ tiếc là ta không nghe lời tý nào.
Đặng Định Hầu nói:
- Vì vậy hắn bèn giết quách luôn hết, để kéo ngươi xuống vũng bùn luôn.
Đinh Hỷ nói:
- Tuy miệng của Nhạc Lân kín mít, cũng không kín bằng người chết.
Đặng Định Hầu nói:
- Vì vậy hắn bèn đóng quách luôn miệng của Nhạc Lân.
Đinh Hỷ nói:
- Bạn bè của Nhạc Lân không ít, huynh đệ càng nhiều, nếu biết ông giết y, dĩ nhiên sẽ không tha cho ông.
Đặng Định Hầu nói:
- Bọn họ không tha cho ta, cũng chẳng tha cho ngươi.
Đinh Hỷ thở ra nói:
- Chúng ta cắn xé như chó ở đây, cái vị nhân huynh đó thì đang ngồi một bên chờ xem nhiệt náo, làm ngư ông thủ lợi.
Tô Tiểu Ba nãy giờ đang đứng đó đần mặt ra, bây giờ mới nhịn không nổi mở miệng hỏi:
- Các ngươi nói cái vị nhân huynh này là ai?
Đinh Hỷ nói:
- Là một thiên tài.
Tô Tiểu Ba hỏi:
- Thiên tài?
Đinh Hỷ nói:
- Không những y biết phỏng nét bút người khác, y còn phỏng được vũ công của người khác; không những sử dụng Tụ Trung kiếm pháp, Thiếu Lâm Bách Bộ Thần Quyền y luyện cũng không dở. Ngươi thử xem y có phải là thiên tài hay không?
Tô Tiểu Ba thở ra:
- Xem ra tên này quả thật con mẹ nó là một đại thiên tài.
Y bỗng nhớ ra một người , bèn hỏi:
- Tiểu Mã đâu?
Đinh Hỷ nói:
- Hiện tại chúng ta đi tìm y đây.
Tô Tiểu Ba hỏi:
- Chúng ta?
Đinh Hỷ nói:
- Chúng ta có nghĩa là, ngươi đi với bọn ta tìm y.
Tô Tiểu Ba nói:
- Ta đi không được, ít ra ta phải đem thi hài của Nhạc Lân tống về nhà trước, dầu gì, y cũng là anh vợ của ta.
Đinh Hỷ nói - Không được.
Tô Tiểu Ba ngẫn người ra hỏi:
- Không được?
Đinh Hỷ nói:
- Không được có nghĩa là, bắt đầu từ đây trở đi, chúng ta đi đâu, ngươi cũng theo đó.
Y vỗ vào vai của Tô Tiểu Ba, mỉm cười nói:
- Bắt đầu từ đây trở đi, chúng ta như hai hạt nhân trong trái đào, không thể nào chia ra được.
Tô Tiểu Ba kinh ngạc nhìn y, hỏi:
- Ngươi có lầm không? Ta chẳng phải là đàn bà, cũng chẳng phải lại cái.
Đinh Hỷ cười nói:
- Dù ngươi là lại cái, ta cũng chẳng có hứng thú gì với ngươi.
Tô Tiểu Ba hỏi:
- Vậy ngươi thân mật với ta làm gì?
Đinh Hỷ nói:
- Bởi vì ta muốn bảo vệ cho ngươi.
Tô Tiểu Ba hỏi:
- Bảo vệ cho ta?
Đinh Hỷ nói:
- Hiện tại người khác đã chết hết rồi, cũng chẳng sao, chỉ còn ngươi nhất định không thể chết được.
Tô Tiểu Ba hỏi:
- Tại sao?
Đinh Hỷ nói:
- Bởi vì chỉ có ngươi là người duy nhất thấy cái vị thiên tài đó, cũng chỉ có một mình ngươi là có thể chứng minh được, Nhạc lão đại không phải bị chết về tay bọn ta.
Tô Tiểu Ba chăm chú nhìn y cả nửa ngày, rồi thở ra một hơi thật dài nói:
- Dù ngươi có muốn ta đi theo, ít ra cũng đứng xa xa ta ra một chút.
Đinh Hỷ hỏi:
- Tại sao?
Tô Tiểu Ba chớp mắt nói:
- Bởi vì bà vợ ta ghen dữ lắm.
Người lại Hạnh Hoa Thôn, ai cũng biết lão Hứa, nhưng không ai biết lão là người thế nào.
Lão ta là người tham ăn, lười biếng, thích rượu ham uống, lấy tính tình của Hồng Hạnh Hoa ra mà nói, mười người như lão cũng bị đuổi đi mất xác.
Vậy mà lão Hứa này lại chẳng bị đuổi gì cả.
Lão ta chỉ cần uống ngà ngà tới sáu bảy phần, là chẳng thèm để Hồng Hạnh Hoa vào mắt.
Nếu uống say tới tám chín phần, lão sẽ cảm thấy mình là tay đại anh hùng siêu quần, đến đây làm bồi bàn, chẳng qua là muốn ẩn tính mai danh, không thèm để ý đến chuyện giang hồ náo loạn.
Nghe nói lão có học qua vũ nghệ, còn có đi làm lính, vì vậy đến lúc say rượu mười phần rồi, không những lão bỗng cảm thấy mình là tay đại anh hùng, mà còn là một đại tướng quân.
Hiện tại xem ra lão có vẻ giống một đại tướng quân lắm, Đinh Hỷ đứng trước mặt lão, chẳng qua là một tên lính vô danh tiểu tốt bộ hạ nào đó.
Đinh Hỷ đã vào một hồi lâu, lão chỉ bất quá chỉ vào cái ghế bên cạnh nói:
- Ngồi.
Tướng quân ra lệnh, tiểu tốt dĩ nhiên phải tuân theo.
Lão Hứa lại chỉ tay vào vò rượu nói:
- Uống.
Đinh Hỷ bèn uống.
Bây giờ y quả thật rất cần uống một ly, tốt nhất là uống luôn bảy tám chục ly, nếu không y sợ mình tức quá hóa điên lên.
Lúc bọn họ lại đó, Tiểu Mã chẳng còn thấy đâu, trên giường còn để lại một cuộn vải trắng ... vốn dùng để quấn vào vết thương của y.
Xem cái dáng điệu của vị đại tướng quân đó, Đinh Hỷ cũng biết nhất định chẳng hỏi ra được gì.
Nhưng y còn không thể không thử một câu:
- Tiểu Mã đâu?
Đại Tướng Quân đưa mắt nhìn về xa xa:
- Ngựa đã ra chiến trường rồi, đại mã tiểu mã gì cũng đi hết.
Lão bỗng nhiên dùng sức đập mạnh xuống bàn, lớn tiếng nói:
- Tiếng trống trận đã vang lên dồn dập, sĩ tốt hài cốt đã chồng chất như núi, máu đã chảy thành sông thành biển, vậy mà ta còn ngồi đây uống rượu, quả thật nhục nhã ơi là nhục nhã!
Đặng Định Hầu và Tô Tiểu Ba đều nhìn đớ cả mặt ra, muốn cười mà cười không nổi, Đinh Hỷ thì đã quen quá, y nhìn như không.
Lão Hứa lại chụp lấy cạnh bàn, trừng mắt nhìn bọn họ, gằn giọng nói:
- Các ngươi đang mang nặng ơn nước, tuổi trẻ sức nhiều, không ra ngoài chiến trường tận trung báo quốc, ở nơi đây làm gì vậy?
Đinh Hỷ nói:
- Chiến sự thảm liệt, tài nguyên không đủ, chúng tôi lại đây tìm người đây.
Lão Hứa hỏi:
- Tìm ai?
Đinh Hỷ nói:
- Tìm cái tên đáng lý ra là thương binh bị thương ở đây, hiện giờ vết thương của y đã thuyên giảm, đã có thể trở lại chiến trường rồi.
Lão Hứa suy nghĩ một hồi, rồi gật đầu nói:
- Có lý, nam tử hán chỉ cần có tý hơi tàn, cũng phải ra chết ở sa trường, cho da ngựa bọc thây.
Đinh Hỷ nói:
- Chỉ tiếc là tên thương binh ấy không thấy ở đâu.
Lão Hứa lại suy nghĩ một hồi, một hồi thật lâu, suy nghĩ rất khổ sở, rốt cuộc lão cũng nghĩ ra:
- Ngươi nói đây có phải là phó tướng không?
- Đúng vậy.
- Y đã đi rồi, y đi với Lương Hồng Ngọc.
- Lương Hồng Ngọc?
- Không lẽ ngươi còn không nghe tới Lương Hồng Ngọc?
Đại tướng quân đã nổi giận lên:
- Một hạng cân quốc anh thư như bà ta, không biết hay hơn lũ các ngươi bao nhiêu mà nói, các ngươi còn không biết xấu hổ?
Lão càng nói càng tức giận, chụp lấy ly rượu, ném vào người Đinh Hỷ, may mà Đinh Hỷ chuồn lẹ.
Đặng Định Hầu và Tô Tiểu Ba động tác cũng không chậm, chuồn nhanh ra ngoài, lập tức nhịn không nổi cười lên ha hả.
Gương mặt của Đinh Hỷ làm như cả thế giới này mỗi người đều mắc nợ y ba trăm lượng bạc không bằng.
Tô Tiểu Ba cười hỏi:
- Mã phó tướng, Tiểu Mã biến thành phó tướng? Lão ta nghĩ mình là ai? Nhạc Phi?
Đinh Hỷ vênh mặt lên, làm như cả thế giới này mỗi người đều mắc nợ y bốn trăm lượng bạc không bằng.
Tô Tiểu Ba rốt cuộc nhận ra nét mặt của y đang có vẻ khác lạ:
- Ngươi đang tức ai vậy?
Đặng Định Hầu nói:
- Lương Hồng Ngọc.
Tô Tiểu Ba nói:
- Y cũng chẳng phải Hàn Thế Trung, dù Lương Hồng Ngọc có bỏ nhà theo Tiểu Mã, y làm gì phải tức giận như thế.
Đặng Định Hầu nói:
- Lương Hồng Ngọc này không phải là bà vợ của Hàn Thế Trung.
Tô Tiểu Ba hỏi:
- Là vợ của ai?
Đặng Định Hầu nói:
- Là tháp tùng của Vương đại tiểu thơ.
Tô Tiểu Ba lộ vẻ kinh ngạc hỏi:
- Bá Vương Thương Vương đại tiểu thơ?
Đặng Định Hầu gật gật đầu nói:
- Y không thích Vương đại tiểu thơ, do đó, cũng không thích Lương Hồng Ngọc luôn.
Tô Tiểu Ba nói:
- Vậy mà Tiểu Mã lại trốn theo Lương Hồng Ngọc đó mất?
Đặng Định Hầu nói:
- Vì vậy mà y tức giận.
Tô Tiểu Ba không hiểu hỏi:
- Tiểu Mã thích cô nào, tại sao phải cần y thích? Tại sao y phải tức giận?
Đặng Định Hầu nói:
- Bởi vì trời sinh y ra là để đi lo chuyện người khác.
Cổ xe còn đang chờ bên ngoài.
Gã đánh xe nhỏ thó tên là Tiểu Sơn Đông, tính tình tuy không tốt lành gì, làm công việc lại rất đàng hoàng, y vẫn còn chờ đó, không đi đâu nửa bước.
Tô Tiểu Ba hỏi:
- Bây giờ chúng ta đi đâu?
Đinh Hỷ vênh mặt, y bỗng xuất thủ, chụp ngay gã đánh xe kéo xuống.
Không phải y giận cá chém thớt.
Đặng Định Hầu bỗng phát hiện ra, gã đánh xe không còn là tên Tiểu Sơn Đông làm bộ làm tịch hồi nãy.
- Ngươi là ai?
- Tôi tên là Đại Trịnh, tôi làm nghề đánh xe.
- Tiểu Sơn Đông đâu.
- Tôi đưa cho y ba trăm lượng bạc, y hứng chí đi vào thành tìm gái rồi.
Đinh Hỷ cười nhạt nói:
- Ngươi đánh xe giùm hắn, còn đưa cho hắn ba trăm lượng, kêu hắn đi chơi bời, không lẽ hắn là cha ngươi sao?
Đại Trịnh nói:
- Ba trăm lượng bạc đó không phải là của tôi.
Đinh Hỷ hỏi:
- Của ai bỏ ra?
Đại Trịnh nói:
- Hàn chưởng quỹ của Trạng Nguyên lâu trong thành sai tôi đấy, ông ta còn nói nhất định phải đem các ông lại cho được Trạng Nguyên lâu.
Đinh Hỷ nhìn Tô Tiểu Ba.
Tô Tiểu Ba nói:
- Ta không biết cái vị Hàn chưởng quỹ ấy.
Đinh Hỷ lại nhìn Đặng Định Hầu.
Đặng Định Hầu nói:
- Ta chỉ biết có hai người họ Hàn, một là Hàn Thế Trung, hai là Hàn Tín.
Đinh Hỷ chẳng nói lời nào, bỏ Đại Trịnh ra, chui vào xe ngồi.
- Chúng ta lại Trạng Nguyên lâu?
- Ừ.
Đến Trạng Nguyên lâu, biểu tình trên mặt của Đinh Hỷ làm như trên trời bỗng nhiên rớt xuống một cục xương, đập vào mặt y.
Bọn họ không ngờ rằng, người bỏ ra một ngàn lượng bạc mời khách lại, chính là người mới hai hôm trước còn tính dùng loạn tiễn bắn vào bọn họ, Vương đại tiểu thơ.
Vương đại tiểu thơ hình như đã biến thành một người khác, cô không còn là đại tiểu thơ mọc hai mắt trên đầu, coi thiên hạ đàn ông như là một lũ vương bát đản, lại càng không phải là nữ anh hùng vác cây thương dài hơn một trượng đi khắp nơi tìm người đấu võ.
Cô bận trên người vẫn là y phục trắng tinh, nhưng không còn là kình trang, mà là quần dài chấm đất, chất liệu rất nhẹ, rất mềm mại, ôm sát tấm thân nõn nà đường nét của cô.
Gương mặt cô không thấy trang điểm, nhưng có thoa nhẹ một lớp phấn, cặp mắt sáng rỡ mỹ lệ, không còn thấy có tý gì muốn áp bức người ta, lúc nhìn còn ra chiều ôn nhu mỉm cười.
... Đàn bà con gái phải ra đàn bà con gái.
... Đàn bà nào thông minh đều biết vậy, nếu muốn chinh phục đàn ông, nhất định không thể dùng thương.
... Chỉ có nụ cười ôn nhu, mới là vũ khí hữu hiệu nhất của đàn bà.
... Hôm nay cô chuẩn bị thứ vũ khí đó, cô muốn đi chinh phục ai vậy nhĩ?
Đặng Định Hầu nhìn cô, gương mặt ngà ngà lộ vẻ mỉm cười.
Y bỗng phát hiện ra, cái vị Vương đại tiểu thơ này không những mỹ lệ hơn y tưởng tượng, mà còn thông minh hơn y nghĩ xa.
Do đó đến lúc cô quay đầu lại nhìn Đinh Hỷ, cô làm như đang nhìn một con cá sắp cắn phải mồi.
Biểu tình của Đinh Hỷ lại giống như một con mèo bị người ta dậm phải đuôi, y nghinh mặt lên nói:
- Cô đấy à?
Vương đại tiểu thơ mỉm cười gật gật đầu.
Đinh Hỷ lạnh lùng nói:
- Đại tiểu thơ muốn tìm chúng tôi, cứ đào một cái hang ngoài đường là xong, hà tất phải phí phạm thế?
Vương đại tiểu thơ dịu dàng nói:
- Chính vì chuyện hôm đó, mà tôi đặc biệt mời hai vị lại đây bồi tội giải thích đấy thôi.
Đinh Hỷ hỏi:
- Giải thích chuyện gì?
Vương đại tiểu thơ không trả lời vào câu hỏi, cô vén tay áo lên, dùng bàn tay mềm mại rót cho Tô Tiểu Ba một ly rượu.
- Vị này là ...
- Tôi họ Tô, tên là Tô Tiểu Ba.
- Tiểu Tô Tần trên Ngạ Hổ Cương?
Tô Tiểu Ba nói:
- Không dám.
Vương đại tiểu thơ nói:
- Hôm đó, tôi không lại được chỗ nhà Hùng gia, thật có chỗ khổ tâm bất đắc dĩ, xin ông thứ lỗi dùm.
Tô Tiểu Ba nói:
- Tôi mà là cô, tôi cũng nhất định không đi.
Vương đại tiểu thơ nói:
- Sao?
Tô Tiểu Ba nói:
- Một mỹ nhân tựa Vương đại tiểu thơ, hà tất phải đi múa đao múa kiếm với bọn đàn ông, chỉ cần đại tiểu thơ cười một tiếng, mười gã đàn ông đã có chín tên quỳ dưới gấu quần của cô.
Vương đại tiểu thơ nhoẽn miệng cười nói:
- Tô tiên sinh nói chuyện hay quá, quả thật không hổ danh là Tiểu Tô Tần.
Đinh Hỷ lạnh lùng nói:
- Nếu không biết nói chuyện, nhị tiểu thơ nhà họ Nhạc làm sao lại đi lấy y?
Vương đại tiểu thơ đảo quanh tròng mắt nói:
- Tôi đã có nghe nói Nhạc cô nương là một người đẹp nổi tiếng.
Tô Tiểu Ba thở ra nói:
- Và cũng là con cọp cái nổi tiếng nhất.
Vương đại tiểu thơ nói:
- Đã vậy, tôi xin khuyên Tô tiên sinh nên mau mau về nhà cho xong, không thể để tôn phu nhân chờ ở nhà nóng ruột.
Cô mỉm cười nâng ly lên, dịu dàng nói:
- Tôi xin kính Tô tiên sinh một ly này, Tô tiên sinh nên đi là vừa.
Cô cười thật ôn nhu, chỉ cần người không ngu lắm, cũng hiểu được cô đang muốn đuổi khách.
Tô Tiểu Ba không ngu, không ngu một tý nào.
Y nhìn nhìn Vương đại tiểu thơ, rồi lại nhìn nhìn Đinh Hỷ, cười khổ nói:
- Thật ra tôi cũng đang tính về nhà, chỉ tiếc có người cứ không chịu để tôi đi.
Đinh Hỷ nói:
- Người đó hiện giờ đã thay đổi chủ ý.
Tô Tiểu Ba chớp mắt, nói:
- Tại sao y bỗng thay đổi chủ ý vậy?
Đinh Hỷ nói:
- Tại vì y muốn nghe Vương đại tiểu thơ giải thích chuyện ra làm sao.
Tô Tiểu Ba uống cạn ly rượu, lập tức đứng dậy đi ra ngoài.
Đặng Định Hầu bỗng nói:
- Chúng ta đi một lượt.
Tô Tiểu Ba nói:
- Ngươi? ...
Đặng Định Hầu cười cười nói:
- Nhà ta cũng có một con cọp cái đang chờ, dĩ nhiên là phải mau mau về nhà mới đúng.
Đinh Hỷ nói:
- Không đúng!
Đặng Định Hầu nói:
- Không tốt sao?
Đinh Hỷ nói:
- Hiện giờ, chúng ta giống như đã bị sợi dây thừng buộc lại với nhau, nếu không tìm ra nút mở dây thừng ra, không ai được đi ra khỏi đây.
Đặng Định Hầu đã đứng dậy, bỗng lớn tiếng hỏi:
- Cái gã thiên tài hung thủ giết Vạn Thông ấy có chỗ nào giống ta không?
Tô Tiểu Ba nói:
- Một điểm cũng không giống.
Đặng Định Hầu hỏi:
- Có phải hắn cao hơn ta nhiều lắm không?
Tô Tiểu Ba nói:
- Ít nhất là nửa cái đầu.
Đặng Định Hầu hỏi:
- Ngươi có lầm không?
Tô Tiểu Ba nói:
- Không.
Đặng Định Hầu bấy giờ mới từ từ ngồi xuống.
Tô Tiểu Ba hỏi:
- Bây giờ ta đi được chưa?
Đặng Định Hầu gật gật đầu nói:
- Chỉ bất quá, ngươi nên để ý cẩn thận.
Tô Tiểu Ba cười nói:
- Ta biết rồi, ta chỉ có một cái đầu, cũng chỉ có một mạng sống.
Y bước ra khỏi nhà, mà giống như tù nhân bước ra khỏi nhà giam, mặt mày tươi rói, không có điểm nào là giống như bị có người sắp ám toán mình.
Đinh Hỷ nhìn y bước ra, ánh mắt bỗng lộ một vẻ biểu tình kỳ quái, hình như y muốn đuổi theo.
Chỉ tiếc là Vương đại tiểu thơ đã hỏi một câu y không thể không ở lại nghe.
- Tôi nôn nóng muốn biết, ngày mười ba tháng năm hôm ấy, anh đang ở đâu, chắc anh lấy làm kỳ lạ lắm phải không?
- Đúng vậy.
- Nhất định là anh nghĩ không ra tại sao tôi hỏi vậy làm gì?
- Tôi nghĩ không ra.
- Hôm ấy là một ngày rất đặc biệt.
Vương đại tiểu thơ cầm ly rượu lên, rồi lại đặt xuống, ánh mắt sáng rỡ đó, bỗng nhiên có một màn lệ.
Một hồi thật lâu, cô mới chầm chậm nói tiếp:
- Cha tôi chết ngày hôm đó, chết rất thảm thương, cũng chết rất kỳ quái.
Đặng Định Hầu chau mày hỏi:
- Rất kỳ quái?
Vương đại tiểu thơ nói:
- Trường thương đại kích, vốn là những thứ binh khí xung trận ngoài sa trường, trong giang hồ rất ít ai sử dụng thương, nổi tiếng nhờ thương pháp lại càng ít nữa.
Đặng Định Hầu đồng ý:
- Trong giang hồ những tay cao thủ sử dụng thương, tính ra tối đa chỉ có mười ba người.
Vương đại tiểu thơ nói:
- Trong mười ba tay cao thủ đó, thương pháp của gia phụ bày vào hàng thứ mấy?
Đặng Định Hầu không nghĩ ngợi gì lập tức nói ngay:
- Đệ nhất.
Không phải y đang nói nịnh, ba mươi năm nay, người sử thương trong giang hồ, không ai thắng nổi lão.
Vương đại tiểu thơ nói:
- Nhưng người lại chết về tay một người sử thương.
Đặng Định Hầu ngẫn người ra, một hồi thật lâu mới thở phào một hơi hỏi:
- Chết dưới mủi thương người nào?
Vương đại tiểu thơ nói:
- Không biết.
Cô lại cầm ly rượu lên, rồi lại đặt xuống, tay của cô run 48f8 ến độ ngay cả ly rượu cũng cầm không vững.
Vương đại tiểu thơ nói:
- Tối hôm đó, cũng khuya lắm, tôi đã đi ngủ, nghe lão nhân gia kêu lên thảm thiết mới bật tỉnh dậy.
Đặng Định Hầu nói:
- Nhưng đợi đến lúc cô chạy tới nơi, hung thủ đã biến mất.
Vương đại tiểu thơ dùng sức cắn chặt môi nói:
- Tôi chỉ thấy có bóng người từ cửa sổ phía sau thư phòng của lão nhân gia chạy thoáng qua.
Đặng Định Hầu giành hỏi:
- Người đó có phải là cao lắm không?
Vương đại tiểu thơ ngần ngừ, rốt cuộc gật gật đầu, nói:
- Khinh công của hắn rất cao.
Đặng Định Hầu hỏi:
- Vì vậy cô không đuổi theo?
Vương đại tiểu thơ nói:
- Tôi có muốn rượt cũng rượt không kịp, huống gì, tôi đang nóng ruột lão nhân gia không biết ra sao.
Đặng Định Hầu hỏi:
- Cô không thấy chuyện gì khác khả nghi?
Vương đại tiểu thơ cúi đầu nói:
- Lúc tôi vào phòng, lão nhân gia đang nằm gục trong vũng máu.
Máu tươi đỏ lòm, gương mặt trắng bệch, cặp mắt lồi ra, thần sắc đầy vẻ phẫn nộ và kinh ngạc.
Ông già đến phút cuối cùng cũng không tin được mình bị chết dưới mủi thương của người đó.
Vương đại tiểu thơ nói:
- Cây Bá Vương thương của người bị rớt ra khỏi tay, bàn tay còn nắm mủi thương của tên đó, mủi thương còn dỏ máu ròng ròng, máu của người.
Đặng Định Hầu hỏi:
- Mủi thương đó còn ở đây không?
Vương đại tiểu thơ đã lấy trong người ra một bọc vải màu trắng gói cẩn thận, cô từ từ mở ra.
Mủi thương làm bằng thép ròng, cán thương làm bằng gỗ thường, chỗ bị bẻ gãy không được tề chỉnh, hiển nhiên mủi thương đâm vào người lão rồi, mới bị lão bẻ gãy ra.
Đặng Định Hầu chau mày lại.
Cây thương này chẳng phải là thứ tốt, cũng chẳng có chỗ nào đặc biệt, lại tiệm binh khí phổ thông nào cũng mua được.
Vương đại tiểu thơ nói:
- Tôi luyện thương từ lúc bảy tám tuổi, trong tiêu cuộc chúng tôi cũng không ít người luyện thương, có điều chúng tôi chẳng tìm ra được đường dây mối nhợ gì từ mủi thương đó.
Đặng Định Hầu nói:
- Vì vậy cô vác cây Bá Vương thương của lão nhân gia để lại, đi tìm những tay danh gia sử thương trong giang hồ khiêu chiến, hy vọng sẽ tìm ra ai là người có thương pháp thắng quá ông ta.
Vương đại tiểu thơ cúi đầu thở dài:
- Tôi cũng biết cách này không hay ho gì, nhưng thật tình tôi nghĩ không ra cách gì hay hơn.
Đặng Định Hầu nói:
- Cô thấy thương pháp của Đinh Hỷ xong, mới nghi ngờ y là hung thủ, vì vậy mới bức bách y, hỏi y ngày mười ba tháng năm đang ở đâu?
Vương đại tiểu thơ lại càng cúi đầu thấp hơn.
Đặng Định Hầu thở ra nói:
- Thương pháp của y quả thật rất cao, ta có thể bảo đảm, trong giang hồ, ít có ai thắng được y, nhưng ta cũng có thể bảo đảm, y không phải là hung thủ.
Vương đại tiểu thơ nói:
- Bây giờ tôi cũng đã rõ, vì vậy ... vì vậy ...
Đinh Hỷ bỗng ngắt lời cô, y nói:
- Phụ thân của cô có phải bình thời đi ngủ rất trễ?
Vương đại tiểu thơ lắc lắc đầu nói:
- Lão nhân gia trước giờ sinh hoạt vốn rất quy cũ, dậy sớm, ngủ cũng sớm.
Đinh Hỷ hỏi:
- Xảy ra chuyện này, lúc đó đã khuya lắm phải không?
Vương đại tiểu thơ nói:
- Lúc đó đã qua canh ba.
Đinh Hỷ nói:
- Bình thời ông ta ngủ rất sớm, hôm ấy khuya rồi còn chưa đi ngủ, chắc là vì ở lại trong thư phòng.
Vương đại tiểu thơ chau mày nói:
- Anh nói làm tôi nhớ ra, lão nhân gia có có chỗ khác thường.
Đinh Hỷ nói:
- Một người quen ngủ sớm dậy sớm, tại sao lại phá lệ?
Vương đại tiểu thơ ngẩng đầu lên, cặp mắt sáng rỡ.
Đinh Hỷ nói:
- Có phải là vì ông ta đã biết trước tối hôm đó có người lại, thành ra ở lại trong thư phòng chờ?
Vương đại tiểu thơ nói:
- Tôi vào phòng, trên bàn hình như còn thấy bày hai đôi đũa, một ít rượu thịt.
Đinh Hỷ nói:
- Cô hình như thấy hay là chắc chắn thấy?
Vương đại tiểu thơ nói:
- Lúc đó tâm thần tôi loạn cả, những chuyện đó thật tình không chú ý lắm.
Đinh Hỷ thở ra, cầm ly rượu lên, chầm chậm nhấp một miếng, rồi bỗng hỏi:
- Cây Bá Vương thương bình thời có để trong thư phòng không?
Vương đại tiểu thơ nói:
- Có.
Đinh Hỷ nói:
- Vậy thì không phải vì ông ta biết có người lại, mới đem cây thương chuẩn bị để đó.
Vương đại tiểu thơ đồng ý.
Đinh Hỷ nói:
- Nhưng ông ta chuẩn bị rượu thịt.
Vương đại tiểu thơ bỗng đứng dậy, nói:
- Tôi nhớ ra rồi, tối hôm đó tôi bước vào phòng, quả thật có thấy hai bộ chén bát rượu thịt.
Đinh Hỷ hỏi:
- Lúc nãy cô không chắc chắn, bây giờ tại sao lại nghĩ ra được?
Vương đại tiểu thơ nói:
- Bởi vì lúc đó tôi không chú ý, về sau, có người ráng đổ rượu vào miệng tôi, chính y cũng uống hai ly.
Cô lại giải thích:
- Lúc đó tôi sắp hôn mê đi, vì vậy lúc nãy không nghĩ ngay ra được là vậy.
Đinh Hỷ trầm ngâm một hồi, lại hỏi:
- Thư phòng ấy lớn bao nhiêu?
Vương đại tiểu thơ nói:
- Không lớn lắm.
Đinh Hỷ nói:
- Dù thư phòng có lớn đi nữa, nếu có người dùng thương đánh nhau liều mạng trong đó, đồ đạc trong phòng chỉ sợ đổ nát tung beng lên phải không.
Vương đại tiểu thơ nói:
- Nhưng mà ...
Đinh Hỷ nói:
- Nhưng lúc người ta vào phòng, rượu thịt bát đũa trên bàn vẫn còn y nguyên không bị gì cả.
Vương đại tiểu thơ rốt cuộc khẳng định:
- Đúng vậy.
Đinh Hỷ nói:
- Nửa mủi thương chỉ bất quá là mủi thương thế thôi, cán thương có thể dài một trượng hoặc là chỉ có một thước.
Vương đại tiểu thơ nói:
- Vì vậy ...
Đinh Hỷ nói:
- Vì vậy hung thủ giết phụ thân của cô không nhất định là danh gia sử thương, nhưng hắn nhất định là bạn của ông ta.
Vương đại tiểu thơ không nói gì, chỉ mở tròn cặp mắt, nhìn gã thanh niên trẻ tuổi.
Ánh mắt cô lộ một nét biểu tình của một cô bé lần đầu tiên nhìn thấy châu báu.
Đinh Hỷ nói:
- Bởi vì là bạn bè, vì vậy phụ thân của cô mới chuẩn bị rượu thịt trong thư phòng đợi y, y mới có cơ hội thình lình rút cây đoản thương trong người ra, đâm vào chỗ yếu hại của ông ta.
Bởi vì phụ thân của cô không có tý cơ hội ngay cả để đề phòng, vì vậy bát đũa trên bàn cũng không bị đụng phải.
Y lại chầm chậm nhấp một miếng rượu, hững hờ nói:
- Đấy chẳng qua là tôi suy luận ra thôi, tôi nghĩ chưa chắc là đã đúng.
Vương đại tiểu thơ lại chăm chú nhìn y một hồi lâu, ánh mắt long lanh, làm như một thiếu nữ lần đầu tiên được đeo đồ nữ trang vào.
Đặng Định Hầu mỉm cười nói:
- Bây giờ cô cũng đã rõ, cái danh hiệu Đinh Hỷ thông minh ấy từ đâu mà ra.
Vương đại tiểu thơ không nói gì, cô từ từ đứng dậy.
Hiện tại cũng đã khuya lắm, ngoài song cửa sao trời lấp lánh, tựa như ánh mắt của cô.
Gió từ dãy núi xa xa thổi về, dãy núi in hình mông lung.
Cô bước lại song cửa, nhìn về dãy núi mông lung ấy, một hồi thật lâu, mới chầm chậm nói:
- Tôi có nói, ngày mười ba tháng năm là một ngày rất đặc biệt, không phải chỉ vì hôm đó cha tôi chết.
Đặng Định Hầu hỏi:
- Hôm đó còn có điều gì khác thường?
Vương đại tiểu thơ nói:
- Phụ thân của tôi đối với thân thể của mình trước giờ rất bảo trọng, bình thời rất ít uống rượu, có điều, mỗi năm đến ngày đó, người đều ngồi một mình uống rượu cho đến sáng.
Đặng Định Hầu hỏi:
- Cô có bao giờ hỏi ông ta tại sao như vậy không?
Vương đại tiểu thơ nói:
- Có.
Đặng Định Hầu hỏi:
- Ông ta nói sao?
Vương đại tiểu thơ nói:
- Lần đầu tiên tôi hỏi người, người rất phẫn nộ, còn giảng cho tôi một hồi, nói tôi không được xen vào chuyện người lớn, có điều sau này, người cũng có giải thích cho tôi biết.
Đặng Định Hầu hỏi:
- Giải thích làm sao?
Vương đại tiểu thơ nói:
- Người nói, ở Mân Nam một dãy, có phong tục ngày mười ba tháng năm, cúng lễ Thiên Đế Thiên Hậu, hôm đó, nhà nhà ai ai cũng đều tế trời đất, mở tiệc mời bạn bè, cầu xin năm mới cát lợi.
Đặng Định Hầu nói:
- Nhưng ông ta có phải người Mân Nam đâu.
Vương đại tiểu thơ nói:
- Mẹ tôi là người Mân Nam, phụ thân tôi lúc còn trẻ, hình như ở Mân Nam một thời gian dài.
Đặng Định Hầu hỏi:
- Trước giờ ta chưa hề nghe nói đến chuyện đó.
Vương đại tiểu thơ nói:
- Chuyện đó ít khi người nhắc đến trước mặt người ngoài.
Đặng Định Hầu nói:
- Nhưng ...
Vương đại tiểu thơ bỗng ngắt lời y, nói:
- Kỳ quái nhất là, mỗi năm đến ngày mười ba tháng năm, tính tình của người biến thành nóng nảy, đáng lý ra mỗi ngày người đều có luyện thương một lần, ngày hôm đó ngay cả thương cũng chẳng luyện, từ sáng sớm đã lại ngồi một mình trong thư phòng.
Đặng Định Hầu nói:
- Cô có biết ông ta ở trong thư phòng làm gì không?
Vương đại tiểu thơ nói:
- Tôi có lại nhìn trộm mấy lần, người chỉ bất quá ngồi ngẫn ra ở đó, có lúc tôi còn thấy, người còn đang vẽ một bức họa.
Đặng Định Hầu hỏi:
- Vẽ gì?
Vương đại tiểu thơ nói:
- Vẽ xong, người tính đốt nó đi, có điều nhìn đi nhìn lại mấy lần, lại không nỡ, bèn cuốn lại, dấu phía sau thư giá, trong một hộp gỗ ở chỗ rất bí mật.
Đặng Định Hầu nói:
- Dĩ nhiên cô có xem qua rồi.
Vương đại tiểu thơ gật gật đầu nói:
- Tuy tôi có xem qua, nhưng chẳng thấy có điểm gì đặc biệt, người vẽ bức họa đó xem ra cũng chỉ là một bức sơn thủy phổ thông, mây trắng núi xanh, phong cảnh rất đẹp.
Đinh Hỷ bỗng hỏi:
- Bức họa ấy còn ở đây không?
Vương đại tiểu thơ nói:
- Không.
Đinh Hỷ thất vọng chau mày.
Vương đại tiểu thơ nói:
- Lúc cha tôi qua đời, tôi mở hộp ra, trong đó thứ gì cũng có, chỉ có bức hoa. ấy là biến mất.
Đinh Hỷ hỏi:
- Cô có biết ai lấy nó đi không?
Vương đại tiểu thơ lắc lắc đầu, nói:
- Có điều tôi đã nhớ rõ từng chi tiết trong bức họa đó, lúc tôi còn nhỏ cũng đã từng có học vẽ.
Đinh Hỷ lại sáng mắt lên, nói:
- Hiện tại cô có thể vẽ lại cho giống bức họa cho chúng tôi xem thử được không?
Vương đại tiểu thơ nói:
- Không chừng tôi có thể thử xem ra sao.
Cô mau mắn đi tìm giấy bút, ngồi xuống lẹ làng vẽ ra ...
Trời xanh mây trắng, dưới mây trắng có một gò núi màu xanh, ẩn sau đó có một toà lầu màu đỏ.
Vương đại tiểu thơ đặt bút xuống, nhìn qua nhìn lại, xem ra rất vừa lòng:
- Vậy chắc cũng được, tôi vẽ tuy không hoàn toàn giống, nhưng cũng không khác bao nhiêu.
Đinh Hỷ chỉ nhìn qua một lần, đã quay đầu đi, y hững hờ nói:
- Bức họa này quả thật không có điểm gì đặc biệt, núi non sông nước như vậy, thiên hạ biết bao nhiêu mà kể.
Vương đại tiểu thơ nói:
- Nhưng trên bức họa đó còn có tám chữ rất đặc biệt.
Đặng Định Hầu hỏi:
- Chữ gì?
Vương đại tiểu thơ cầm bút lên:
- Ngũ nguyệt thập tam, viễn tỵ thanh long.
Thanh Long!
Nhìn thấy hai chữ đó, gương mặt của Đặng Định Hầu bỗng biến đổi thật dễ sợ.
Vương đại tiểu thơ quay đầu lại, nhìn y chăm chú, từ từ hỏi:
- Gia phụ còn sinh thời, thường nói rằng, người có kiến thức quảng bác nhất, chính là Thần Quyền Tiểu Gia Cát.
Đặng Định Hầu cười cười, cười rất là gắng gượng.
Vương đại tiểu thơ nói:
- Tôi biết lão nhân gia trước giờ chưa hề nói dối, vì vậy ...
Đặng Định Hầu thở ra hỏi:
- Rốt cuộc cô muốn hỏi ta điều gì?
Vương đại tiểu thơ hỏi:
- Ông có biết Thanh Long hội không?
Cô bỗng hỏi thẳng ra câu đó, Đặng Định Hầu hình như cũng giật nảy mình lên.
Thanh Long Hội!
Dĩ nhiên y biết Thanh Long Hội.
Nhưng mỗi lần y nghe nói tới cái tổ chức đó, hình như sau lưng y đang có con rắn xanh đang bò trên đó.
Vương đại tiểu thơ nhìn y chăm chú, chầm chậm nói:
- Tôi nghĩ nhất định là ông biết. Nghe nói ba trăm năm nay, tổ chức đáng sợ nhất trong giang hồ chính là Thanh Long Hội.
Đặng Định Hầu không phủ nhận, y cũng không thể phủ nhận.
Bởi vì đó là sự thật.
Không ai biết được Thanh Long Hội tổ chức ra thế nào, cũng không ai biết được thủ lãnh tổ chức ấy là ai.
Nhưng ai ai cũng biết, Thanh Long Hội tổ chức rất nghiêm mật, thế lực rất rộng lớn, thủ đoạn rất ác độc, không một môn phái nào có thể bì kịp.
Vương đại tiểu thơ nói:
- Nghe nói phân đà bí mật của Thanh Long Hội bố trí khắp nơi trong thiên hạ, tới cả ba trăm sáu mươi lăm chỗ.
Đặng Định Hầu nói:
- Sao?
Vương đại tiểu thơ nói:
- Một năm cũng tấu xảo có ba trăm sáu mươi lăm ngày, vì vậy Thanh Long hội bèn lấy ngày tháng ra làm biểu hiệu cho phân đà, "ngũ nguyệt thập tam", chắc là một trong những phân đà của họ.
Đặng Định Hầu nói:
- Không lẽ cô cho là cái chết của phụ thân cô có liên quan tới Thanh Long hội?
Vương đại tiểu thơ nói:
- Tuy người đã già rồi, tai mắt vẫn còn linh mẫn lắm, hôm nọ tôi đứng ngoài nhìn lén, không chừng người đã phát hiện ra.
Đặng Định Hầu hỏi:
- Không lẽ cô cho là bức họa ấy ông ta vẽ cốt ý cho cô xem sao?
Vương đại tiểu thơ nói:
- Rất có thể là vậy.
Đặng Định Hầu hỏi:
- Tại sao ông ta làm vậy?
Vương đại tiểu thơ nói:
- Không chừng lúc người ở Mân Nam đã có kết cừu kết oán gì với Thanh Long hội, người biết Thanh Long hội nhất định sẽ tìm lại, vì vậy mới dùng cách này để cho tôi biết.
Đặng Định Hầu nói:
- Nhưng ...
Vương đại tiểu thơ ngắt lời y:
- Lúc người còn sống không muốn nói cho tôi biết, nhưng sợ bị người khác ám toán mình, vì vậy cố ý để lại đường dây mối nhợ, để tôi biết kẻ gia hại là Ngũ Nguyệt Thập Tam, tổ chức nằm ở cái gò núi xanh xanh đó.
Đặng Định Hầu thở dài nói:
- Dù có đúng như vậy, cô cũng không nên quên bốn chữ phía sau, "Viễn Tỵ Thanh Long".
Vương đại tiểu thơ nắm chặt hai nắm tay, cặp mắt đầy những lệ:
- Tôi cũng biết Thanh Long hội rất đáng sợ, nhưng tôi vẫn phải báo thù cho lão nhân gia.
Đặng Định Hầu nói:
- Cô có đủ sức?
Vương đại tiểu thơ nói:
- Bất kể ra sao, tôi đều muốn thử trước rồi tính.
Cô dùng sức chùi sạch nước mắt, nói tiếp:
- Hiện tại tôi chỉ hận không biết cái gò núi xanh xanh này ở