Hai người cháu của Long vương là Ma Ngang, Ma Quốc, vì tranh chấp giỏ hoa với hai vị Lam Thái Hòa và Hà tiên cô, đã bị phi kiếm của hai vị tiên chém chết, lại chém trọng thương một số dạ xoa. Chúng trốn về long cung, gặp vợ chồng Long vương, khóc lóc tố cáo Long vương, long hậu nghe tin báo, kêu to lên :
- "Tức chết đi được !", lập tức phát một vạn thần binh ở gần bờ biển, do Long vương đích thân dẫn dắt, đuổi theo để bắt hai vị tiên. Hai vị tiên giết xong anh em Ma Ngang, mới biết đó là các cháu của Long vương, vội vã trở về gặp các vị tiên khác, báo tin cho biết. Thiết Quài, Chung Li Quyền và Lã Thuần Dương đều kinh hãi, nói:
- Hai vị đã gây họa không nhỏ đâu. Vợ chồng Long vương có bốn người con và bốn đứa cháu, nay hai vị giết chết hai cháu của họ, đời nào họ chịu bỏ qua ?
Hai vị tiên nói :
- Việc này tự chúng gây ra trước. Chúng tôi mất của, chẳng lẽ lại không được đi tìm ?
Các vị tiên khác đều nói :
- Tuy nói vậy, nhưng vợ chồng Long vương không dễ đối phó đâu. Vả lại trong chúng ta có vài ba vị, từng giao hảo với vợ chồng Long vương, lúc gặp mặt nhau, làm sao ăn nói ?
Hai vị tiên vội hỏi :
- Hãy để coi họ đối xử thế nào đã. Nếu cần bàn bạc, hai chúng tôi sẽ nhận tội lỡ tay làm chết người. Thật tình, chúng tôi không biết đó là hai đứa cháu cua Long vương, nay hối không kịp nữa. Nhưng chúng đã có xuất thân tốt như vậy, tại sao chúng lại làm những chuyện càn dỡ vừa rồi ? Thêm điều này nữa : nếu chúng nói rõ lai lịch cho biết, chúng tôi đâu nỡ nặng tay, mà phải về bàn bạc cùng các vị, tìm ra một biện pháp đối phó. Như vậy tai họa làm gì xảy ra. Chúng ta hãy đem những ý nghĩ đó nói với Long vương, xem ông ta giải quyết thế nào ? Vạn nhất ông ta không hỏi tới lý do, chỉ đòi chém giết, lẽ nào chúng ta khoanh tay chịu trói. Muốn đánh một trận thì đánh, cho rõ thắng bại, rồi sau mới nói đạo lý. Các vị thấy thế nào ?
Bấy giờ, ba vị tiên Lý Thiết Quài, Lã Động Tân và Chung Li Quyền đã hiểu rõ nhân quả của chuyện này, biết số đã định trước, vợ chồng Long vương lần này phải chịu tai kiếp, nên không trách hai vị tiên Lam Thái Hòa và Hà tiên cô nữa, mà nói :
- Vợ chồng Bình Hòa đều nóng tính, cương cường, mắt thấy cháu yêu bị giết, đời nào chịu giải quyết ôn hòa ? Nhất định phải chuẩn bị một cuộc chém giết. Hai vị hãy yên tâm, chúng ta là người đồng đạo, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu, quyết không để hai vị phải độc lực gánh vác đâu.
Lam, Hà hai tiên mừng rỡ cảm tạ.
Câu chuyện chưa dứt, đã nghe biển nổi sóng đùng đùng, kim quang chớp lia lịa. Giây lát xuất hiện thiên binh, vạn mã, Long vương dẫn dắt hai tướng mạnh dưới quyền, ầm ầm từ nửa lừng trời kéo xuống. Chúng tiên vội đẩy Thiết Quài lên trước, nói chuyện với Long vương. Thiết Quài thấy Long vương, liền chắp tay thi lễ.
Long vương nhìn bọn Thiết Quài, trong đó phân nửa là chỗ quen biết, thậm chí còn chơi thân nữa, bất giác nổi giận đùng đùng, chỉ mặt bọn họ, thét mắng :
- Thì ra các ngươi giúp đỡ hai tên khốn, giết hại hai đứa cháu yêu quí của ta. Các ngươi đã là bạn bè cũ, mà ta cũng chưa hề bạt đãi các ngươi, hôm nay đi qua địa giới của ta, các ngươi chẳng thèm xuống biển thăm hỏi, lại ở trên mặt biển mà hành hung, giết chết hai cháu của ta, mối hận này làm sao tiêu trừ ? Không nói nhiều lời nữa, hạn cho các ngươi trong vòng một khắc, phải đem hai đứa hành hung nam nữ giao nộp, để quả nhân phân xử, thì mọi chuyện đều bỏ qua, cho phép các ngươi được bình an quá cảnh, bằng như có một câu cãi lại, thì… hà hà, các ngươi sẽ nát ra như cám ! Năm xưa, vợ chồng ta từng tay đôi đại náo thiên đình, khiến mọi người bở vía, sá gì bọn nô tài kém cỏi các ngươi ?
Thiết Quài tiên sinh thấy Long vương không giảng đạo lý, một mực mắng chửi thô lỗ, liền cất tiếng cười, nói :
- Mấy ngàn năm trước, thì ra chính ngươi là lão long, đã to gan làm những chuyện bất pháp như thế đấy hả ? Ôi, đáng thương cho ngươi, an hưởng vương vị, ch iếm hết phúc lộc của thiên hạ, cuối cùng không thoát khỏi kiếp nạn. Ta đang tính vì ngươi bầy mưu tính kế, tìm một cách nào cho người tránh khỏi kiếp số, tiếp tục làm Long vương gia thêm nhiều năm nữa, chẳng dè ngươi khí số đã mãn, biết làm sao đây ? Trông ngươi hò hét thế này, thật chẳng đúng khí tượng vương gia tí nào. Nghe những lời thô lỗ, lại thấy ngươi có bộ dạng yêu ma, cầm thú, không sai. Uổng cho ngươi làm đại thần của Thượng đế, tước phong vương vị, không nghĩ chuyện đền ơn đáp nghĩa, lại dám khoe khoang thủ đoạn đại náo thiên đình của kẻ man rợ. Phải biết việc trong thiên hạ có nhân có quả gieo nhân nào thì hái quả đấy. Thiên lý rõ ràng, mảy may không sai. Ngươi đại náo thiên đình, Ngọc đế không trừng trị, còn ban cho tước vị, nên tưởng rằng trong thiên hạ không ai có bản lãnh bằng ngươi chứ gì ? Có biết đâu rằng mọi việc đều có định số. Vì ngươi có công yên trị dưới biển, nên Thượng đế mới khoan thứ tới ngày nay. Tuy nhiên, đại náo thiên đình là một trọng án, bất luận thế nào, cũng phải có báo ứng. Bần đạo toán định cho ngươi, lúc này là lúc ngươi chịu báo ứng đó. Các bạn của bần đạo vốn là chỗ quen biết lâu đời với ngươi, mới cùng nhau bàn bạc, đẩy bần đạo ra thương lượng cùng ngươi, tìm ra một biện pháp, dù không tránh khỏi thảm kiếp chăng nữa, cũng cứu vãn được một vài phần, khiến cả họ nhà ngươi không tới ngày tận số. Chẳng dè vừa thấy mặt bần đạo, ngươi đã mở miệng hủy báng, thậm chí còn đem những thành tích bất hảo ngày trước của ngươi ra, để áp đảo. Đủ thấy khí số của ngươi đã mãn, sự việc không thể vớt vát được chút nào. Tiếc cho lòng tốt của ta đã hoàn toàn bị ngươi đổ xuống sông xuống biển, mất tăm tích !
Long vương từ trước đến nay, chưa bao giờ bị ai sỉ nhục, nghe Thiết Quài tiên sinh nói, liền gầm lên một tiếng, thống suất binh tướng, xông vào chém giết. Bát tiên đều rút binh khí ra, bốn mặt nghênh địch, gây nên một trường chém giết, trời sầu đất thảm, trời đất tối tăm. Đánh nhau từ giữa trưa cho tới chập tối, Long vương mới há miệng ra, phun hạt dạ minh châu, treo lơ lửng trên trời, chiếu sáng như ban ngày, để tiếp tục cuộc ác chiến. Trong bát tiên có Lã Thuần Dương cũng lấy ra một hạt châu, cầm ở tay, nhỏ bằng hạt đậu, quăng lên cao. Hạt châu bỗng phát ra ngàn vạn tia sáng, chiếu sáng không thua gì dạ minh châu. Lã tổ cười nói :
- Nghiệt long kia, bôm nay mọi người giao chiến ban đêm, chúng ta cần gì phải mượn ánh sáng của ngươi ? Hãy coi pháp bảo của ta, có bằng long đan của ngươi hay không ?
Ai ngờ bên kia, binh tướng của Long vương, vốn đã bị binh khí và pháp bảo của bát tiên đánh cho xiểng kiểng, đầu óc quay cuồng, nay lại bị ánh sáng hạt châu của Lã tổ chiếu tới, khiến cho hoa mắt, đứng ngay trước mặt mà không nhìn rõ mặt nhau. Lúc đó Thiết Quài tiên sinh mở nắp hồ lô, phát ra một trận gió lạnh, thu hút tất cả bọn chúng vào trong. Trên mặt biển chỉ còn một mình Long vương, đành phải hiện xuất nguyên hình, thành con rồng lớn, há miệng toác hoác, tính nuốt bát tiên. Chung Li Quyền cười nói :
- Trò con nít ! Trước đây ta đã từng trổ một thuật nhỏ, đủ giết chết lão giao rồi !
Tức thì lắc mình một cái, biến ra thân thể thật cao lớn, cao lớn, hơn cả lão long nữa. Rồi đưa tay bứt râu rồng, đập vào đầu rồng chan chát, khiến đầu lão long lem luốc những máu.
Phía sau, các vị tiên nhất tề tiến lên, biến ra thân thể cực lớn, cực cao, cùng nhầm vào mình rồng mà đập.
Trong lúc Long vương đang gặp khó khăn, may có Long hậu được tin Long vương đang bị vây khốn, vội dốc toàn bộ binh lính dưới biển, tự mình cùng hai vị vương tử thống lĩnh, kéo tới trợ chiến. Lúc này, trời đã rạng sáng, Lã tổ tự tay thu hồi hạt châu của mình về. Long vương cũng tính thu hồi dạ minh châu, ai ngờ dạ minh châu bay theo hạt châu của Lã tổ, như con theo mẹ. Long hậu trông thấy, vội nhảy vọt lên không trung, đuổi theo. Nhưng một tiếng nổ vang trời, cả hai hạt châu lớn nhỏ đều rơi vào tay Lã tổ Long vương mất minh châu, liền như người có ba hồn mất một, nhất thời thần trí mơ hồ. Lại bị con mãnh hổ do Chung Li Quyền cưỡi cắn vào cổ, đại bại bỏ trốn. Chung Li Quyền đuổi theo tới dưới biển, Long vương đành phải biến ra một con cá chình nho nhô, trốn vào Thủy tinh cung.
Ai ngờ Lam Thái Hòa, Hàn Tương Tử thấy mọi người đang ham đánh, đã sớm lén nhập long cung, phá nát cửa chính, đang tìm cách phóng hỏa khắp nơi, thiêu hủy cung điện. Long vương lúc đó quả là tiến không được, lùi không xong. Ông ta vốn tính ngang ngạnh, quật cường, đời nào chịu cho người lăng nhục như thế, liền gầm lên một tiếng, húc đầu vào cung, chết tươi. Thái Hòa, Tương Tử đốt xong mấy gian cung điện, lại trồi lên mặt biển, giúp bọn Thiết Quài, cùng chế ngự Long hậu. Bấy giờ, tứ hải long vương là bọn anh em Ngao Quảng, nghe tin phụ vương lâm nạn, đều dẫn dắt đám thần binh dưới quyền, kéo tới trợ chiến.
Ngao Quảng là con lớn của Long vương, là người có nhiều mưu kế, pháp thuật rất cao, vừa kéo binh tới, liền bàn bạc cùng ba em, mỗi người thu gom lượng nước thủy triều của mình lại, đợi khi giao chiến ác liệt, sẽ phóng xuất lượng nước đó ra, gây nên những đợt sóng thần, đổ úp xuống đầu bát tiên. Lúc đó chỉ thấy nước liền trời, trời liền nước, không phân biệt đâu là ranh giới. Nước cứ đổ xuống ào ào, như một thác nước khổng lồ. Bát tiên tuy có thuật tị thủy, nhưng trong lúc hỗn chiến, cũng không thể thi thố thuận tiện. Bát tiên nghiến răng nghiến lợi, nổi giận đùng đùng, mạnh ai nấy chạy, cùng nhảy vọt lên nửa lưng trời. Cứ nhìn xuống hạ giới, chỉ thấy Long hậu cùng các con, các cháu, ở bên dưới diệu võ giương oai, đẩy những đợt sóng dữ dội, tìm đánh địch nhân. Bát tiên nhìn nhau, buông tiếng thở dài :
- Nghiệt long kiếp số đã tới, còn ở đó mà ra oai. Một trận đánh này, không biết có bao nhiêu người, bao nhiêu súc vật bị dìm chết? Bao nhiêu nhà cửa, ruộng vườn bị phá hủy ?
Lã tổ mới nói :
- Chúng đã bất nhân như vậy, chúng ta vâng chiếu chỉ Thượng đế tuần du ba cõi, vì dân trừ hại, không thể tính nổi lợi hại ra sao nữa, đành phải dùng phép lấy đất chặn nước, san bằng chỗ biển rộng này, mới có thể thu phục nổi lũ nghiệt súc.
Các tiên đều hỏi :
- Tìm đâu ra số đất nhiều như thế ?
Lã tổ cười, chỉ tay về phía núi Thái sơn, nói :
- Có thể dời ngọn núi này ra biển. Nếu không lấp bằng đại hải chăng nữa, ít ra cũng chôn vùi được đám nghiệt súc này.
Các vị tiên vỗ tay hoan hô, Lã tiên liền thi triển phép dời núi, đưa cánh tay ra nắm lấy ngọn núi Thái sơn, giữ chặt toàn bộ ngọn núi đó trong lòng bàn tay, nhắm vào vùng biển bọn Long hậu đang đứng, buông tay thả xuống. Thương thay Long hậu cùng các vương tử vương tôn, và rất nhiều binh tôm, tướng cua, bị vùi lấp bên dưới, chết tức tưởi. Về sau, núi Thái sơn lại được di dời về chỗ cũ, chỉ còn lại một phần bùn đất vẫn nằm dưới đáy biển, tích lũy dần dần, tạo thành những hòn đảo nhỏ. Chỗ đó vốn sẵn có những hòn đảo, nhưng địa thế rất thấp, nay được bùn đất bồi đắp, mới cao dần lên, nhô khỏi mặt biển, trở thành những hòn đảo thật sự. Theo truyền thuyết của người sau, chỗ này chính là quần đảo Lưu Cầu hiện nay, nhưng đích xác chỗ chôn vùi Long hậu ở đâu, thì không thể biết được.
Chuyện kết thúc ở đây, sách này không tiện nói nhiều, chỉ nói tới những người trong long tộc gặp phải kiếp nạn, có một mình Ngao Quảng là được thoát thân, mới tìm tới chỗ Ngọc đế mà khóc lóc tố cáo. Bát tiên cũng đã thu hồi núi Thái sơn, đặt trở lại ở vị trí cũ. Trong sách của cổ nhân từng có câu : "Lên núi Thái sơn, thấy thiên hạ là nhỏ" 1 , cho thấy thời xưa, núi Thái sơn rất cao, có thể kể là núi cao nhất trong thiên hạ. Nhưng ngày nay, theo các nhà địa lý, Thái sơn không thể coi là hùng vĩ. Khoan nói tới toàn thể thế giới, chỉ nói riêng trong đất nước Trung Quốc thôi, cũng có những ngọn núi cao hơn Thái sơn rất nhiều. Chẳng lẽ cổ nhân là ếch ngồi đáy giếng, nói năng hàm hồ đâu. Thật ra là vì bát tiên đã nhổ Thái sơn lên, đem vùi lấp dưới biển, đến lúc thu hồi trở lại, không tránh khỏi một phần bùn đất rơi rụng xuống biển, bồi đắp thành một số đảo nhỏ, như phần trên sách đã nói tới. Vì thế, từ sau khi bát tiên qua biển, núi Thái sơn mới thấp xuống, không được cao như thời xa xưa nữa.
Bát tiên hoàn tất việc giết rồng rồi, mới kéo nhau tới Dao Trì chúc thọ. Lúc đó Ngọc đế và các vị tiên tổ đã có mặt ở đó từ trước, bát tiên mới bẩm tấu tình tiết của việc giết rồng. Ngọc đế vốn rất nhân hậu, không nhớ lỗi cũ của người ta, đã quên hết những tội trước đây của hai rồng, nay nghe tâu, ngài chẳng được vui lòng, dường như có ý trách bát tiên không nên gây việc can qua, giết các tiên quan có chức có quyền. Liền có Nguyên Thủy, Lão Quân, dẫn dắt các đại đệ tử, là hai vị chân nhân Hỏa Long và Phiếu Diều, cùng nói rõ việc hai rồng đại náo thiên cung, lý ứng phải chịu quả báo. Năm đó, Thượng đế cầu hiền, lấy người phò tá, mới phải tha tội cho vợ chồng Long vương, nay cả họ nhà rồng chịu thảm kiếp, chết về tay bát tiên, cũng là có số định trước, không nên trách cứ bát tiên. Ngọc đế nghe vậy, chợt hiểu ra, mới nói :
- Hai rồng tuy có tội, nhưng cũng có công trị thủy, lại giữ yên các biển đã nhiều năm. Nay mắc thảm kiếp này, dẫu bởi tự mình gây nên tội, tình cũng đáng thương, lòng trẫm làm sao yên được ?
Hỏa Long, Phiếu Diểu hai chân nhân mới xin cho hai rồng và các con cháu được chuyển kiếp làm người, đầu thai vào nhà lương thiện, phú quí. Con trưởng của Bình Hòa là Ngao Quảng đã thoát nạn, nghe đ âu là người có tài có trí, biết nhiều đạo thuật, lại từng trị hải lâu năm, có nhiều kinh nghiệm, xin cho được nối chức cha, để đền ơn cha mẹ hắn đã có nhiều công lao với thiên phủ, biểu thị rõ ý thiên đình thưởng phạt phân minh. Các vị tiên tổ cùng vương mẫu nghe vậy, đều xưng tụng thánh đức. Ngay sau đó Ngao Quảng từ điện Linh Tiêu chạy sang Dao Trì, khấu kiến Ngọc đế, khóc lóc tâu trình nỗi oan. Ngọc đế hiểu dụ, an ủi Ngao Quảng, lại nói rõ cho biết về tiền nhân, hậu quả, và tuyên bố thánh ý. Ngao Quảng buồn rầu, cảm kích, dập đầu lạy tạ. Ngọc đế lại cho gọi bát tiên tới, cùng Ngao Quảng ra mắt, sai Hỏa Long, Phiếu Diểu hai chân nhân giải thích rõ về nhân quả một lần nữa, khuyên hai bên không nên thù hằn nhau nữa, nếu không tuân lệnh, ắt có tội với trời.
Bát tiên cùng Ngao Quảng xin vâng, lạy tạ Ngọc đế, vương mẫu và các vị tiên. Từ đó về sau, thiên đình yên ổn, khắp nơi thanh bình, không có chuyện gì lớn cần ghi chép. Sách này đến đây cũng kết thúc.