Mười sáu tuổi Nilam đã làm cho lũ trai làng ngả nghiêng, đi đường thì sa chân xuống ruộng, đi cạnh hồ thì sảy chân xuống hồ. Có đứa còn mang sáo đến thổi, thổi mà ngồi dưới gốc cây bồ đề tít tắp đằng xa, đến tai người đẹp thì chỉ còn là tiếng dế kêu hoang vắng.
Sau mùa mưa, nhờ có người quen đến xin giúp, cha mẹ gửi Nilam lên thủ phủ học nghề hộ lý. Cô và một cô gái khác thuê chung một căn phòng nhỏ của một bà chủ trọ đầy ý thức giữ gìn gia phong nếp nhà. Người như bà ta mỗi khi nhận đủ tiền thuê nhà thì lập tức trở thành viên cảnh sát mặc váy, thậm chí thành một mái gà xù lông xòe cánh che chở cho lũ vịt con ấp hộ mà chỉ sểnh ra là bị quạ và chuột tha đi mất.
Cạnh phòng hai cô là hai chú sinh viên trường tổng hợp. Lạ gì cái thứ con trai như thế, ở nhà trước mặt cha mẹ thì mặt gằm xuống, con gái đi qua trước mặt cũng chẳng dám nhìn, nhưng trọ học xa nhà thì như một lũ hổ đói sổng chuồng. Cả hai gã giống nhau là đều có một ánh mắt lục lọi. Khác nhau là một gã chỉ lục lọi nhìn Nilam, gã kia thì cái nhìn lục soát cả hai cô. Cô bạn gái tố váo với viên cảnh sát mặc váy. Bà ta tức tốc gõ cửa một phòng trọ, vừa gõ vừa gọi một người nào đó tên là Ravi. Chàng Ravi mở cửa đi ra. Mắt sâu, râu quai nón, mỗi bước đi là một bước tự tin. Bà chủ giao cho Ravi việc để mắt trông chừng hai gã tổng hợp và hành động kịp thời khi cần. Thế là thành một cái dây: Hai gã kia nhòm ngó hai cô. Ravi canh chừng hai gã, bà chủ thì bao quát tất cả. Cuối tháng bà xua hai gã đi nơi khác và lấy lại phòng trọ.
Một sáng chủ nhật Ravi cho Nilam đi xem phim Mỹ. Cùng lúc cô phạm hai điều răn. Con gái quê không được phép có bạn trai trước khi lấy chồng, càng không được đi cùng bạn trai đến nơi công cộng. Con gái quê cũng không được xem phim Âu Mỹ. Nilam trước đây chỉ xem toàn phim Ấn Độ, có nhảy nhót ca hát, có những người hùng đi báo thù và giải thoát cho người đẹp. Phim Mỹ này thì người hùng chẳng ra người hùng, cũng chẳng có nhảy nhót hát hò í ới mà lại nhiều pha trần trụi ghê người. Nilam run rẩy bấu chặt tay vào vai Ravi lúc nào chẳng rõ. Anh điềm tĩnh gỡ tay cô ra, nắm chặt hồi lâu cho tới khi Nilam thật bình tâm mới nhẹ nhàng trả tay cô về chỗ cũ.
Chủ nhật sau không phim Mỹ cũng chẳng phim Ấn Độ. Hai người đi dạo trong khu vườn kim tước rậm rạp như rừng. Đang mùa hoa. Những chùm hoa kim tước rủ xuống như những chùm nho vàng tươi trong suốt, cả một vườn kim tước bừng sáng xõa ra như mái tóc vàng của người đẹp ngủ trong rừng. Ravi đột nhiên ghé sát lại, má áp vào má Nilam. Cô nhắm nghiền mắt, môi mím chặt, sợ tái người cái cảnh môi bập vào môi trong phim Mỹ. Nhưng Ravi chỉ để cho chóp mũi chạm vào chóp mũi Nilam, rồi hai cái chóp mũi Ấn Độ, hai tác phẩm tuyệt đẹp của tạo hoá cứ thế mà trườn lên nhau, cái này trơn trượt trên đường cao thanh tú của sống mũi của người kia. Vào chính lúc mũi của hai người gần như bắt cùng một nhịp thở, thì Ravi bỗng rung giật toàn thân và bật người ngồi thẳng dậy. Họ tựa vào nhau như hai con sóc đất gặp mưa cho tới khi qua cơn run rẩy.
Tối đến, cô bạn gái chợt hỏi xem Nilam có coi Ravi là chàng trai tốt và người tốt có được phép đến khi vực đèn đỏ không. Khu vực đèn đỏ là thế nào? Cô bạn ghé tai giải thích một câu làm Nilam rùng mình. Đó là nơi những đứa con gái bị bắt cóc từ Nepal sang, hoặc gái quê được dỗ ngon dỗ ngọt là sẽ có việc làm ở thành phố, rút cục phải bán thân nuôi chủ chứa. Chiều nay chính mắt cô thấy Ravi đi vào một nhà chứa, cách nơi họ ở mấy dãy phố. Nilam nhẩm tính và nhận ra rằng nếu thực sự Ravi tới đó thì anh đã tới sau lúc hai người chia tay.
Cô bạn không muốn để Nilam coi mình là kẻ điêu ngoa dựng chuyện. Một buổi tối, cô ta từ đâu xồng xộc chạy về phòng, lôi tuột Nilam lao ra phố. Hai cô gái len lén bám theo sau Ravi, lẩn quất quanh co qua những đường phố tối. Đến trước ngôi nhà mờ mờ đèn đỏ có mấy cô gái Nepal đang chờ khách, Ravi rẽ vào.
Nilam trở về, ngồi chờ Ravi trước cổng nhà. Chờ hơn một giờ, thời gian đủ để ứa hết nước mắt tới mức khi Ravi bước vào cổng thì mắt Nilam đã trở nên khô khốc. Ravi, anh đi đâu về? Ravi là người không thích nói dối, nên chỉ sững lại trước giọng nói ngàn ngạt và âm sắc quá lạnh lùng, và khi Nilam nói rằng cô biết rất rõ anh vừa từ đâu ra thì Ravi tin ngay rằng mình có lỗi. Một chàng trai Ấn đứng đắn là người trong cơn yêu vẫn biết giữ gìn sự trinh trắng cho người mình yêu. Đó là lời giải thích hợp lý đối với một cô gái Ấn Độ mặc dù không thể chấp nhận được.
Sáng hôm ấy Nilam chuẩn bị tới bệnh viện thực tập thì bố mẹ từ quê lên. Nilam được phép thu xếp đồ đạc trong vòng nửa giờ để ra tàu về quê lấy chồng. Chú rể là Raja, không ai khác ngoài cái anh chàng dạo trước mang sáo đến thổi mà không dám đứng gần nhà, âm thanh xa xôi như tiếng dễ kêu trên đồng bãi. Thực ra bố mẹ Nilam đã chọn Raja từ lâu, nhưng mãi tới nay mới tạm lo được khoản hồi môn trị giá 60.000 rupi nhà trai thách cưới. Đấy là khoản hồi môn phải chăng nhất ở làng mặc dù gia đình Nilam cũng phải bòn vét tới hạt lúa mì dự trữ cuối cùng để lo cho đủ. Lý do này khiến nhà gái chẳng thể trì hoãn để bỏ lỡ. Chậm một vài năm nữa thì không thể cưới chồng cho Nilam với giá ấy.
Cứ ào ào như nước tràn qua đập. Thôi thì bỏ hết, bỏ cả lớp y tá, chỉ cần bà chủ trọ biết là đủ. Ravi thì ở trường đến chiều mới về. Chỉ mới cách đây mấy hôm, Nilam đã bắt anh phải thề trước thần tình yêu Kama và thần lửa Agni rằng sẽ không bao giờ mò tới khu vực đèn đỏ. Làm như vậy mà vẫn phải giữ trinh tiết cho người mình yêu là một việc quá đỗi khó khăn, nhưng Ravi đã thề. Thần Kama chứng giám cho tình yêu của anh.
Nhưng từ đây Nilam không còn là của anh nữa, cô muốn nhắn anh rút lại lời thề. Nhắn cho trai qua bà chủ thì không một cô gái nào dám làm.
Lễ cưới được tổ chức tằn tiện trong ba ngày. Các cuộc tế lễ của ngày đầu tiên đều xuôi xẻ thuận chiều. Raja sướng phát cuồng, rủ bạn bè ra chân đồi, chui vào bụi uống hết hai chai rượu dấm dúi mua giấu các vị phụ huynh. Ngồi trên lưng con ngựa trắng đến nhà gái để làm lễ thề nguyền trước thần lửa. Raja hát rống lên trong nước mắt chan hòa. Anh em bằng hữu tháp tùng có thể nhảy múa hát hò tuỳ thích, chú rể thì không. Lại càng không được để rơi nước mắt. Người ta lôi Raja xuống, lau sạch nước mắt, trang điểm lại, nhưng anh ta vẫn hát ra rả đến mức có người định lấy giẻ nhét vào mồm, sợ nhà gái biết được. Rồi Raja nhất định không chịu leo trở lên lưng ngựa mà lao vào giữa đám bạn bè, nhảy múa cười hát như đi dự lễ cưới của một người khác.
Tin bay tới nhà gái. Kẻ được kén làm rể hóa ra là một tên rượu chè be bét. Hắn lại còn không chịu leo lên lưng ngựa, khác nào hắn tự chối bỏ quyền được làm chú rể. Đám rước chú rể bị yêu cầu dừng lại giữa đường. Đại diện nhà gái đùng đùng kéo sang nhà trai, hùng hồn tuyên bố rằng Raja là một kẻ không được chấp thuận trong quan hệ thông gia. Phía nhà trai như bị sét đánh, dúm dó cả lại trong nhục nhã ê chề. Thôi thì rõ ràng là lỗi ở con trai chúng tôi, nhưng huỷ bỏ một đám cưới thì làm sao cứu vớt được danh dự cho gia đình này, mong nhà bên ấy
độ lượng suy xét lại. Giờ thì chúng tôi sẵn lòng chỉ nhận
55.000 rupi.
Bớt được năm ngàn để nhận một món hàng kém phẩm chất như thế thì đến lượt nhà gái bị ô danh. Cứ xem hàng may sẵn ê hề ngoài chợ kia, lỗi mốt một cái là bị hạ giá năm mươi, sáu mươi phần trăm, thậm chí giảm tới tám mươi phần trăm mà có ma nào thèm nhìn tới.
Cơ quan đầu não của nhà trai hoàn toàn bị tê liệt, nhưng hình như cái ngọ ngoạy của một ngón tay đã cứu được cái cơ thể gần chết cả mười phần. Amar, thằng em con chú của Raja, ghé tai ông bác thì thầm, từng lời như liều thuốc hồi sinh tưới vào cái tử thi xám ngoét của ông. Rồi cứ như kẻ bị nhập đồng, nghe được câu nào ông để cho nó văng ra cửa miệng câu ấy. Thằng Raja nó đốn mạt, chúng tôi xin nhận lại cháu để dạy trong nhà, nhưng nó còn hai đứa em trai, mười tám đôi mươi cả, thêm thằng Amar nữa là ba. Xin nhà bên ấy chọn cho một đứa làm rể để đổi lấy thằng Raja, và chúng tôi chỉ xin lấy 50.000 rupi hồi môn.
Thôi cũng đành. Thầy tử vi lập tức được gọi đến kẻ kẻ vẽ vẽ. Ban đầu dường như Nilam hợp với cả ba ứng cử viên loại hai kia. Đến phép cuối cùng thì cung Song Ngư của Nilam loại bỏ không thương tiếc hai chú em ruột của Raja, mà chỉ còn hợp với cung Tranh Nữ của Amar. Cái thằng Amar tẩm ngẩm tầm ngầm, ai cũng bảo là hiền lành, đột nhiên thành cái đầu của cả họ, rồi nhảy lên lưng con bạch mã cứu vớt thanh danh cho cả họ.
Nilam về làm dâu nhà Amar. Con chú con bác sống chung một nhà nên cô không sao tránh mặt Raja. Ngày nào Raja cũng mang sáo ra thổi, giờ thì tiếng sáo rất gần, ở ngay trong nhà, thật là phẫn, thật là não nùng đến mức Nilam phải nhân lúc vắng người nói với Raja rằng nếu anh cứ thổi sáo như thế một tháng nữa thì cô sẽ phát điên lên mất. Raja không nói gì, lẳng lặng bỏ ra ngồi bên miếu thờ Siva cách xa nhà, tiếng sáo chỉ còn vo ve như tiếng muỗi.
Cưới nhau gần một tuần, Nilam vẫn còn là gái trinh. Nhà không dành phòng riêng cho cặp vợ chồng mới cưới, nếp nhà trong những gia đình như thế buộc đàn ông ngủ ở phòng đàn ông, đàn bà ngủ bên phòng đàn bà. Nilam ngủ cùng với mẹ chồng và hai cô em chồng đã bắt đầu hấm hứ xét nét. Một hôm hai đứa em đã ra đồng thu hoạch hạt cải, nhà chỉ có Nilam và bà mẹ chồng, thì giữa buổi sáng Amar đột nhiên bỏ cửa hàng tạp hóa về nhà, kêu nhức đầu, rồi vào phòng đàn ông đóng cửa lại. Nhìn căn nhà vắng, bà mẹ hiểu thời cơ đã đến, bèn bảo Nilam đun nóng một cốc sữa tươi bê vào cho chồng. Amar không hề nhức đầu. Anh ta cuống cuồng khóa trái cửa, ừng ực uống cốc sữa nóng, rồi sùng sục vồ lấy Nilam, vồ trượt mấy lần như vồ một con gà trên cái sân rộng. Không có môi chầm bập lấy môi như trong phim Mỹ. Cũng chẳng có cử chỉ dịu dàng chạm mũi như của Ravi. Chỉ có tiếng sáo của Raja rên xiết ngoài xa.
Tháng ngày cứ trôi, đàn ông cứ ngủ trong phòng đàn ông, đàn bà cứ ngủ phòng đàn bà, Nilam cứ thỉnh thoảng ê chề trên chiếc giường đàn ông, bất động như một xác người bị đâm chết. Bao giờ cũng vào buổi sáng, sau một cái đưa mắt đầy âm mưu của hai mẹ con Amar, sau một cốc sữa tươi tồng tộc vào miệng Amar, được xem như một liều tăng lực cho người đàn ông. Tiếng sáo của Raja thì ngày càng lãng đãng phiêu diêu như một tiếng say, mặc dù anh chẳng khi nào động đến rượu nữa.
Nilam sinh con gái. Sinh một đứa con gái tức là bắt đầu một cuộc ráo riết gom góp hồi môn cho nó lấy chồng mười mấy năm sau. Cả nhà đều thở dài ngao ngán trước sự khởi đầu không may mắn. Amar còn hai cô em gái đã đến tuổi gả chồng nhưng đánh tiếng mãi mà chưa ai đến. Nhà có hai con gái, của nả trong nhà sẽ phải chia đều thành hai món hồi môn. Giá như chỉ có một đứa con gái thôi thì chắc đã có người tới. Nay lại thêm một một đứa cháu gái nữa. Nilam bị nhiếc móc là cái thứ đàn bà đến đẻ cũng chẳng nên hồn.
Lại nữa, sau khi Nilam đã về nhà chồng, người ta mới làm phép tính cộng đơn giản, cộng dây chuyền, vòng tay, vòng chân, nhẫn và hoa tai vàng với cái tivi và một số đồ dùng gia đình, cộng cả cái xe máy mua cho Amar, thì đáp số mới chỉ xấp xỉ 40.000 rupi. Dào ôi, không đủ tiền hồi môn thì cứ cho con gái ở nhà, cái lối đâu lại nhập nhằng gian dối như thế. Cha mẹ Nilam thú thực rằng đã bòn vét cả gia sản mới được chừng ấy, xin hãy tạm bằng lòng để chờ lo liệu trả nốt 10.000 rupi còn thiếu.
Nilam lại mang bầu. Bà mẹ chồng vào ra gầm ghè. Quân này chỉ đẻ rặt con gái cho mà xem, rồi thành quân ăn tàn phá hại trong nhà bà. Của rẻ mạt, người ta nhận cho với cái giá đổ đi mà còn tính gian lận 10.000 rupi, nhà bên ấy thật đúng là phường lừa đảo. Đến lúc ấy, Nilam không im được nữa, vì người ta đã động đến cả gia đình cô. Ái chà, danh gia vọng tộc gớm nhỉ, bùn đất chui ra, sâu bọ lên làm người, muốn giỏi muốn tốt thì bà sẽ cho về làm bùn đất làm sâu bọ. Nilam bị cuốn vào việc ăn miếng trả miếng. Chưa biết ai phải làm sâu bọ phen này, các vị thần linh đều đã chứng giám đây là nhà chồng cô, cô sẽ không dễ để cho người ta đẩy đi đâu khác.
Bà mẹ chồng coi đó là lời tuyên chiến. Chiến sự nổ ra hai ngày sau, sau mấy cuộc đấu khẩu đàn bà làm cả hai phe đều hóa điên. Bà mẹ chồng uất lại càng tỉnh, càng nhảy chồm nhồm như bị phụt lửa. Nilam uất đến xỉu đi. Trong cơn mê, Nilam thấy người ta tưới nước sông Hằng lên người mình và đặt lên giàn hỏa táng. Lửa ngùn ngụt trùm lên. Cô vùng dậy lao ra sân, gào thét kêu cứu, thoáng thấy bóng mẹ chồng quăng chai xăng bỏ chạy. Raja từ xa buông rơi cây sáo phóng tới, giật tấm vải trải giường trên dây phơi quấn quanh người Nilam rồi ôm lấy cô mà lăn tròn trên sân. Rồi anh bế thốc Nilam chạy ra gọi xe đi
bệnh viện.
Nilam qua bệnh viện huyện rồi lên bệnh viện bang. Vào đúng cái bệnh viện ngày trước cô học làm hộ lý, gặp đúng bà giám đốc ngày trước là cô giáo của mình. Cô không chết, nhưng gương mặt biến dạng. Raja đến thăm, nhìn mặt cô đăm đăm, ôm mặt cười hồi lâu rồi bỏ ra sân bệnh viện. Tiếng sáo vang lên sằng sặc giãy giụa như tiếng khùng tiếng điên cho đến khi người ta phải lôi anh xềnh xệch vứt ra ngoài cổng.
Nilam đẻ non, lại một đứa con gái. Mười mấy năm sau sẽ phải lo cho nó như lo cho con chị, lại mất 50.000 rupi hồi môn, chưa tính trượt giá. Nó lại sẽ bị cò kè giá cả, bị tưới xăng lên người đốt, gọn gàng nhanh chóng, đỡ phải đem ra bãi hỏa táng với bao nhiêu thủ tục phiền hà.
Bà giám đốc bệnh viện là người hoạt động xã hội, bà tự thấy có trách nhiệm phải thăm hỏi vỗ về tất cả những bệnh nhân nghèo khổ thua thiệt. Chị tên là gì, bao nhiêu tuổi, quê quán nơi nào, gia cảnh ra sao? Bà không nhận ra cô học trò yêu sau những hố mắt hố mũi và những gò đống lởm chởm. Chị đặt tên con là gì, đã làm giấy khai sinh cho cháu hay chưa? Nilam lắc đầu, cười nhạt qua hàng môi sứt sẹo. Một đứa con gái cần gì có tên trên cõi đời này, càng chẳng cần một tờ giấy lộn khai sinh.
Bà giám đốc đi rồi, sản phụ ở giường bên thò tay sang bóp nhẹ vai Nilam, giúp cho cô bình tĩnh lại. Sản phụ này đã gần hai chục năm thâm niên lăn lóc trong làng chơi, cộng cả đứa mới đẻ, chị ta có cả thảy năm đứa con gái. Một cỗ máy cái cung cấp sản phẩm cho các nhà chứa Ấn Độ. Có con gái tốt chứ, rất dịu dàng tình cảm, không đểu cáng bạc bẽo như lũ con trai, đứa lớn nhà chị ta đã bắt đầu tiếp được khách kiếm tiền giúp mẹ nuôi em. Chị ta đưa cho Nilam một chén rượu, kèm theo cái nhìn đầy cảm thông. Lần đầu tiên Nilam uống rượu. Lần đầu tiên Nilam hiểu rõ rượu vô tội, nó không đáng bị thành kiến đến thế. Và cô hiểu tại sao Raja đã uống say trong lễ cưới đến mức bị tước quyền làm chú rể.
Xong hai chén rượu thì trời vừa tối. Nilam loạng choạng bế con ra hành lang. Đời con gái là thế đấy, hoặc là bị nhà chồng đốt thành thân tàn ma dại, hoặc được khen ngoan vì biết kiếm tiền trong khu đèn đỏ nuôi gia đình. Hành lang vắng ngắt. Nilam tiến lại gần một thùng rác thì thấy có bóng người ở đằng sau. Cô rẽ sang phải, đi một đoạn nữa lại gặp một thùng rác. Vẫn có một bóng áo choàng trắng ở phía xa. Nilam không vào thang máy mà theo cầu thang đi lên tầng trên. Một thùng rác nữa. Lần này không có một bóng người đằng trước cũng như đằng sau. Nilam ấp cái khăn mặt ướt lên mặt đứa con, nó giật mình khóc khẽ, nhưng khi được đặt vào thùng rác và nắp thùng đã đậy lại thì không sao nghe tiếng khóc nữa.
Nilam xiêu vẹo đi được mấy bước thì có tiếng chân người gấp gáp đuổi theo. Bà giám đốc bệnh viện đã kịp mở thùng rác, lấy ra một đứa bé bình yên vô sự. Chị không được làm như vậy trong bệnh viện của tôi, cũng đừng phân bua làm gì, tôi rất thông cảm. Đã có nhiều sản phụ làm như thế ở đây, cho nên tôi cảnh giác và theo dõi chị ngay từ đầu. Con lạy cô, cô hãy để con giải thoát cho cháu khỏi kiếp làm gái khổ nhục ở cái cuộc đời này, cô hãy nghĩ tình thầy trò mà thương con. Phải nói đến thế, phải thêm vài câu nhắc nhở, bà giám đốc mới nhớ ra Nilam. Bà ôm lấy hai mẹ con Nilam mà khóc. Ngày hôm sau, bà tự tay lái xe riêng đưa mẹ con họ về làng. Bà trách Nilam không tới bệnh viện siêu âm từ sớm, nếu phát hiện con gái thì có thể bỏ được. Từ khi bệnh viện của bà thành công trong kỹ thuật soi chiếu này, hàng vạn gia đình đã được giải thoát khỏi tai ách lơ lửng trên đầu, mà chỉ mất chừng 500 rupi tiền dịch vụ. Một số báo chí đã lôi chuyện này ra, đòi cấm, đòi xử phạt "con mụ phù thuỷ mắc tội diệt chủng". Vậy nhân đạo là cứ để cho những đứa con gái ra đời, nuôi cho chúng khôn lớn, kiếm đủ tiền cho chúng về nhà chồng và không sao kiểm soát được số phận con mình nữa, bỏ mặc nó cho gia đình nhà chồng hành hạ hay sao? Bà may mắn có một con trai, anh này cũng thành bác sĩ, và ngay sau khi có con trai bà đã triệt sản, không dám sinh thêm một đứa con gái.
Về gần đến làng, Nilam xin bà bác sĩ cho xuống. Bà cho cô 500 rupi. Số tiền đủ trả cho một lần soi chiếu lỡ cô có mang một lần nữa. Nilam ghé vào một cửa hàng rượu bia, chìa năm chục rupi mua một chai rượu nhỏ. Người ta không bán rượu cho đàn bà. Cô bỏ đi quanh quẩn trong khu chợ, mãi mới tìm được quầy rượu thứ hai. Lần này Nilam phải nằn nì mua rượu cho chồng đang nằm nhà thì mới được. Cô bế con lên ngọn đồi trọc, nhìn xuống bao quát khắp làng, thấy cả mái nhà của những kẻ khốn kiếp đã bị cảnh sát bắt giam nhưng được tha về vì Nilam chỉ khai là vô ý bị lửa bén vào tấm sari lúc đang đun bếp, thấy cả mái nhà của cha mẹ mà cô quyết không trở lại sau một lần làm dâu tàn tật. Nilam uống nửa chai rượu, đổ nửa chai vào cái khăn mặt bông rồi tấp cái khăn ướt sũng lên mặt con bé sơ sinh. Cô dùng con dao đào một cái hố nhỏ. Đứa bé chỉ giãy nhẹ mấy cái rồi lịm dần, xem ra nó cũng là đứa hiền lành. Hiền lại càng không nên sống, chỉ tổ cho cái cuộc đời nanh nọc và độc địa này vùi dập. Nilam đặt cái thi thể còn ấm của đứa con vào trong hố, lấp đất, rồi cầu cho Thần Chết Yama lên đường may mắn đứa nó về trời, cầu Thần Bảo Vệ Visnu che chở cho nó, cầu Thần Tái Tạo Siva cho nó một kiếp trai ở lần đầu thai sau.
Nilam bẻ một quả kim tước dài như quả núc nác, lấy một cái hạt ủ trong lớp đất trên mộ con. Cô lấy một hạt nữa gieo vào nấm đất cô mới đắp bên cạnh. Đấy là nấm mồ của cô Nilam xinh đẹp không một chút dị dạng ngày trước.
Nilam xuống chân đồi, dựng một cái lều làm nơi trú ngụ. Cô vỡ đất trồng một cánh đồng cải hoa, bán hạt cho người ta làm dầu mù tạt. Không ai bảo được cô quay về sống cùng cha mẹ. Người ta thương mà khuyên thế, cô cũng thừa biết con gái đã đi làm dâu mà thất bại trở về là cái nhục lớn nhất cho gia đình. Còn đứa con gái nhỏ một lần nhìn thấy bộ mặt như sườn đồi xói lở của Nilam thì khóc ré lên bỏ chạy. Người nhà Amar bảo đấy là quỷ Raksa để nhát nó mỗi khi nó hờn dỗi.
Một lần trong làng có sản phụ không kịp đưa đi bệnh viện, người ta vội đi gọi Nilam đỡ giúp. Cả nhà kinh hoàng khi biết lọt lòng mẹ là một đứa con gái mập mạp nặng hơn bốn cân. Nó là đứa con gái thứ tư trong một gia đình không có con trai. Người mẹ van xin Nilam hãy mang nó đi, hãy giải thoát cho nó. Người cha lẳng lặng chìa cho Nilam một chai rượu nhỏ 30ml. Nilam nhận đứa bé và chai rượu rồi âm thầm biến vào đêm tối.
Đường thì xa, trời thì nhiều gió, đến chân đồi thì chiếc khăn bông ướt phủ lên mặt đứa bé đã khô. Con bé khỏe thật, cứ giãy giụa vùng vằng như đòi bỏ cái khăn che mặt, nó muốn nhìn đời. Nilam hé khăn cho nó thấy một bầu trời đen kịt như hắc ín. Đậy khăn lại, nó vẫn quẫy đòi, lần này chắc nó muốn nhìn người. Nilam bật một que diêm soi vào tận mặt mình cho đứa bé nhìn thấy những cái hố sâu và những ụ những tảng sẹo chằng chéo. Mặt người đấy, nhìn một lần cho biết đi con. Đến mức ấy con bé mới bớt giãy đạp, nhưng nó vẫn thở đều. Trên đồi trọc lấy đâu ra nước để nhúng khăn. Nilam đành vén tấm sari ngồi thụp xuống, tiểu tiện vào cái khăn. Cái khăn ướt lần này có tác dụng.
Nilam không quên ươm trên mồ con bé một hạt kim tước.
Thấm thoát cả một quả đồi phủ đầy kim tước, mỗi cây là một trinh nữ được đưa về trời từ lúc lọt lòng mẹ. Không ai bảo ai, cũng chẳng ai đồn đại với ai, hễ sắp sinh nở là người ta cho mời Nilam tới. Các sản phụ giấu sẵn ở đầu giường một chai rượu. Sinh con trai, người ta trả cho chị một món tiền nhỏ và biếu chai rượu mừng cháu. Sinh con gái, người ta chỉ dúi cho chị chai rượu và nhờ mang đứa bé đi.
Có lần người ta quên mất thủ tục, kèm theo đứa bé gái và chai rượu còn đưa thêm mấy đồng rupi. Nilam dứt khoát trả lại, khi làm phúc có ai nhận tiền bao giờ.
Đầu mùa khô là mùa hoa kim tước. Cả một vùng đồi sáng bừng lên hắt ánh vàng rực xuống làng khiến cho những cánh đồng hoa cải chỉ còn là một màu vàng hấp him nhợt nhạt hết sức thiểu não. Từng cây kim tước cao lớn rũ hết lá xanh chỉ còn giữ lại vòm hoa vàng buông xõa thướt tha như mái tóc vàng của đám con gái tuổi mười bảy. Một người đàn ông lang thang qua những gốc cây, thỉnh thoảng hái một chùm, nâng niu trên tay như nâng chùm nho vàng mọng, rồi móc chùm hoa vào lỗ khuyết áo trước ngực, rút cây sáo ra thổi. Bài ca về chàng Krisna hào hoa tinh nghịch đùa giỡn với các nàng mục đồng Gopi, thu nhặt tất cả áo và sari của các nàng leo lên cây khiến họ chỉ còn cách ở dưới hồ nước mà cầu xin trả lại xống áo. Nghe tiếng sáo thì biết đấy là tiếng sáo của thần linh chứ không phải của người phàm trần. Nilam đi tới, giật mình, hóa ra là Raja. Nhìn thấy người đàn bà tật nguyền, Raja cười ngơ ngẩn, hỏi xem bà ta có thấy Nilam ở đâu không. Nilam nắm tay anh ta, dẫn đi qua những gốc cây con gái, chỉ vào cây to nhất. Nilam đấy. Cây kim tước ấy trồng trên mộ nàng Nilam. Raja quỳ xuống, ôm lấy gốc cây kim tước mà vuốt ve, mà gọi tên Nilam, xin được cưới Nilam làm vợ. Rồi anh vun lá đốt lên một đống lửa, tay vin một cành kim tước như nắm tay cô dâu mà đi vòng quanh đống lửa bảy vòng. Thế là Thần Lửa Agni đã chấp nhận họ thành vợ thành chồng. Raja từ nay đã có vợ.
Sẩm tối một ngày kia, Nilam mới từ ngoài đồng trở về túp lều thì có tiếng đàn ông ở bên ngoài hỏi xin nước uống. Nilam đi ra, suýt nữa buông rơi cốc nước. Trước mặt chị là Ravi,Raviphong nhã và điềm đạm của hai chục năm trước, chỉ thiếu chút tự tin trong mắt. Đêm lặng lẽ buông. Nilam bảo anh nghỉ lại, mai hẵng đi tìm, vì biết là hai chục năm nay anh vẫn đi tìm. Chị bê ra sân một cái chõng dây cho anh ngủ. Chị chuốc rượu cho mình say, cho cả anh cùng say. Chén này chén cay, chén này chén đắng, chén này tủi nhục vô duyên. Nhưng không có chén hận thù.Ravibấy lâu vẫn đi tìm một người, lần mò mãi mới được chút tin tức, mới được người ta chỉ tới vùng này. Chừng ấy năm anh vẫn không lấy vợ, cùng lắm chỉ đánh bạn với những cô gái làng chơi, duy nhất điều anh không giữ được như đã hứa với nàng Nilam thuở trước. Khi đã ôm người đàn bà tật nguyền,Ravimới hỏi xem chị ta có biết trong làng có ai tên là Nilam.
Không có hôn môi, không có chạm mũi, bàn tayRavicuống cuồng tìm tới kết cục. Các cô gái làng chơi đã làm hỏng anh tới mức ấy 960 kia ư, họ thì đâu có cần hôn, đâu có cần cái vuốt ve êm dịu của hai sống mũi. Nhưng Nilam đã ghìm được anh lại, từng chút một ký ức được gọi về. Chóp mũi củaRavitưởng đã quên dần dần khôi phục những đường trượt đường vờn nhè nhẹ trên cái chỗ đã từng là chóp mũi của Nilam, cố nhớ cho ra một cái gì thân quen lắm mà không nhớ nổi.Ravithành người bị thôi miên, quá khứ thôi miên, sức thôi miên của phù thuỷ.
Ravirời túp lều lúc nửa đêm về sáng. Nilam thì xách cái xẻng và chai rượu đi như người mộng du lên đồi. Chị đào một cái huyệt cho mình, uống hết chai rượu cho say rồi nằm xuống đấy mà lịm đi. Không cần phải lấp đất thì chị cũng biết hôm nay mình sẽ chết.
Gần sáng có một trận cuồng phong chưa từng thấy. Cơn lốc lồng lên đồi, quật ngã toàn bộ rừng kim tước. Nilam chết rồi. Dường như tất cả đàn bà sinh con gái trong làng đều trút ra một hơi thở phào, góp thành cơn lốc kia, xóa sạch mọi bằng chứng và dấu vết mà họ vẫn nơm nớp lo lắng bấy nay.
Sáng ra, lốc tan.Ravivào tận trong làng rồi mới nhớ ra cái điều đáng lẽ phải nhớ lúc ban đêm khi mũi anh bị vờn đuổi trên gương mặt của người đàn bà nọ. Anh vội vã quay lại chân đồi với Nilam, đó đích thực là Nilam rồi. Túp lều đã tan hoang. Anh chạy lên đồi, lao qua những gốc cây kim tước gẫy gập, các cô trinh nữ giờ xõa tóc vàng nằm ngổn ngang không than thở. Cuối cùng anh tìm được Nilam trong cái huyệt tự đào, một thảm hoa vàng phủ lên che lấp cả gương mặt, chân tay, chỉ còn in rõ những đường nét của một thân hình thiếu nữ.
Cách đó không xa, có một người đàn ông buông rơi cây sáo, đang ôm lấy một cây kim tước đổ mà than khóc.