Bóng Ma Trong Ngôi Đền Chương 3

Chương 3
Địch công đến thăm một họa sĩ vẽ tranh phong cảnh. Mã Tông nghe được những tin tức đáng ngờ.

Khi Địch công và Mã Tông bước xuống bực thềm rộng rãi trước cánh cổng chính của tòa án, họ thấy đường phố chính dẫn đến cổng thành phía Nam đã rất đông đúc mặc dù hãy còn khá sớm và cái nóng bắt đầu oi bức. Ngọn tháp mảnh mai của ngôi chùa trong Hồ Sen chỉ mơ hồ nhìn thấy được vì bị đám sương mù ẩm ướt trong thị trấn che phủ.

Quan án đi trước. Không ai nhận ra ông là quan án sát vì ông vẫn còn mặc chiếc áo dài màu xanh đơn giản của mình, và đã thay đổi chiếc mũ thẩm phán có cánh chuồn bằng bằng một chiếc mũ tròn nhỏ. Mã Tông, người theo sát phía sau ông, mặc bộ đồng phục của công sai Tòa án: một chiếc áo dài màu nâu viền đen và chiếc thắt lưng đen, đầu đội một cái nón phẳng màu đen.

Sau khi họ đi qua một số đường phố, Mã Tông đột nhiên dừng lại. Đi phía trước cách anh vài bước là một cặp đôi có vóc dáng to lớn, người đàn ông với đôi mắt cháy bỏng tạo cho anh ta có cái nhìn chằm chằm khắc nghiệt. Anh nhìn lướt qua bộ mặt đẹp trai nhưng nhợt nhạt, một phần được che khuất dưới mảnh vải người phụ nữ đi cạnh đội trên đầu, một người phụ nữ trong trang phục Tartar. Cô ta cao một cách bất thường. Anh ta có vẻ sẵn sàng làm những gì cô muốn, hai người giúp việc mang một chiếc hộp bằng gỗ lớn trên đôi vai của họ. Khi họ đã đi qua, người phụ nữ bị hòa lẫn vào đám đông.

Địch công quay lại với anh ta và chỉ vào mái nhà nhô cao của đền thờ Khổng Tử phía trước.

- Cửa hàng nằm trên ngã rẽ thứ hai bên phải phía sau ngôi đền – ông nói.

Sau đó, nhìn thấy khuôn mặt ngơ ngác của Mã Tông ông hỏi:

- Chuyện gì xảy ra với anh bạn?

- Tôi vừa nhìn thấy một người phụ nữ thật phi thường, thưa đại nhân. Cô ta có đôi mắt rất to và …

- Ta không muốn anh suốt ngày nhìn chằm chằm vào bất cứ người phụ nữ nào mà anh thấy – quan án cáu kỉnh nói – Đi nào, chúng ta không có nhiều thời gian!

Đường phố phía sau ngôi đền rất vắng người. Một bầu không khí dịu mát khi họ bước vào bên trong một cửa tiệm nhỏ bán đồ cổ tối mờ mờ. Một ông già với bộ râu dài rậm rạp vội vã chạy đến quầy khi nhận ra quan án.

- Tôi có thể giúp ngài điều gì , thưa đại nhân ? – ông già hỏi với nụ cười móm mém.

- Khi ta đến đây vào buổi sáng – Địch công trả lời – ta quên rằng ta cũng muốn mua một vật gì đó xinh đẹp bằng ngọc bích. Một cặp vòng đeo tay hay một cái trâm gì đó.

Ông chủ tiệm lấy ra một cái khay hình vuông.

- Đại nhân tha hồ chọn lựa trong số này.

Quan án lục lọi các vật trang sức trên khay. Ông chọn ra một cặp vòng đeo tay bằng ngọc bích trắng được khắc hình dây nho. Đặt sang một bên, ông hỏi giá của chúng.

- Một lạng bạc. Một mức giá đặc biệt cho một khách hàng đặc biệt!

- Ta sẽ mua chúng. Sẵn dịp cho ta hỏi ngươi đã mua cái hộp gỗ mun mà ngươi bán cho ta lúc sáng từ đâu? Ta luôn muốn biết nguồn gốc của những món đồ cổ mà ta mua, ngươi có hiểu không?

Ông già đẩy cái nón ra và gãi mái đầu tóc bạc.

- Để tôi nhớ xem nào. Cho phép tôi xem lại trong sổ mua hàng của tôi, thưa ngài. Một chút xíu thôi, xin phép ngài.

- Tại sao đại nhân lại đi mua một món đồ rẻ tiền như thế? – Mã Tông hỏi một cách phẫn nộ- Chỉ một lạng bạc! Một món đồ xoàng xỉnh như thế cho một dịp sinh nhật!

- Các vòng đeo tay rất có giá trị. Và ta tin chắc đệ nhất phu nhân của ta sẽ thích chúng.

Ông chủ tiệm xuất hiện từ phía sau cửa hàng. Ông đặt một cuốn sổ ghi chép lên quầy hàng. Lần ngón tay trên những hàng chữ ghi trên đó, ông nói:

- Phải, tôi đã tìm thấy nó! Tôi mua cái hộp đấy cách đây bốn tháng từ ông Lý Cố.

- Đó là ai ? quan án hỏi cộc lốc.

- À, Lý Cố có thể xem như là một họa sĩ nhỏ, thưa đại nhân. Ông ta chuyên vẽ tranh phong cảnh. Ông ta vẽ tranh cả ngày nhưng rất ít người quan tâm và mua chúng! Ai mà muốn mua tranh phong cảnh, tôi hỏi ngài, thưa đại nhân? Hình ảnh những ngọn núi quanh đây mà mọi người có thể xem miễn phí hàng ngày ngay bên ngoài thị trấn của chúng ta! Nếu đó là những hình ảnh cổ xưa, khi đó…

- Ông Lý sống ở đâu ?

- Không cách xa nơi đây, thưa đại nhân. Trên đường phố bên cạnh Tháp Chuông. Đó là một căn nhà cũ và bừa bãi, thưa ngài! Phải, bây giờ tôi nhớ ra rồi! Cái hộp đó nằm trong một giỏ rác mà ông Lý muốn xử lý. Nó đã bị bùn đất bao phủ. Nếu mà ông Lý thấy được cái hình chữ “Thọ” trên nắp hộp … Cái miệng móm của ông già nở một nụ cười ranh mãnh. Nhưng sau đó ông nhanh chóng nói thêm: “ Tôi đã trả một giá xứng đáng cho cái hộp đó, thưa đại nhân! Anh trai của ông Lý sở hữu một cửa hàng vàng bạc, tuy không phải là lớn, nhưng … Tôi muốn ở cạnh gia đình nhà ông Lý. Tôi có thể buôn bán với ông Lý Mai, một ngày nào đó…

- Nếu Lý Cố có một người anh trai giàu có, tại sao ông ta lại sống trong nghèo khổ? Địch công hỏi.

Ông chủ tiệm nhún đôi vai gầy guộc của mình.

- Họ đã có một cuộc tranh cãi vào năm ngoái, người ta nói thế. Thưa đại nhân, ngài biết bây giờ như thế nào rồi, người ta không hiểu mọi chuyện giữa người cha và những đứa con, anh trai và em trai không thể sống cùng nhau. Tôi luôn nói…

- Đồng ý. Cầm lấy tiền này. Không, ông không cần phải bọc chúng lại.

Quan án bỏ cặp vòng ngọc vào tay áo của mình. Khi họ đã ra khỏi cửa tiệm ông nói với Mã Tông:

- Tháp Chuông chỉ cách đây mười phút đi bộ. Vì mục đích của chúng ta là điều tra về việc này, chúng ta có thể đến gặp ông Lý Cố.

Họ đi qua các đường phố chính một lần nữa và đi vòng quanh cái bục cao của Tháp Chuông. Bề mặt bằng đồng của quả chuông lớn treo lơ lửng trên xà nhà sáng lấp lánh. Nó được đánh lên vào mỗi buổi sáng, kêu gọi dân chúng thức dậy lúc rạng đông. Một người bán nước giải khát hướng dẫn họ đi đến một khu phố có những căn nhà bằng gỗ trong một đường phố chật hẹp, rõ ràng đó là nơi sinh sống của các chủ tiệm nhỏ.

Cánh cửa trước nhà rất đơn giản, các vết nứt trên cửa được sửa chữa một cách vụng về. Các cánh cửa sổ hai bên được đóng kín.

- Nhà của Lý trông không giàu có lắm - Địch công nhận xét như thế khi ông gõ cửa.

- Anh ta đã trở thành một ông chủ - Mã Tông nhận xét chua chát.

Họ nghe tiếng buớc chân nặng nề. Thanh ngang cài cửa được dỡ lên và cánh cửa bật mở.

Một người đàn ông dáng cao ráo, ăn mặc cẩu thả xuất hiện và bước lùi lại.

- Ai thế … cái gì …? Anh ta lắp bắp.

Rõ ràng ông mong đợi những người khách là thương gia. Địch công lặng lẽ quan sát khuôn mặt gầy gò của chủ nhà với bộ ria mép đen mỏng và đôi mắt to đầy vẻ nghi ngờ. Anh ta khoác một chiếc áo dài màu nâu trên đó dính đầy các vết màu vẽ và đội một chiếc mũ màu đen bằng nhung đã mòn xơ xác.

- Ông Lý Cố, họa sĩ ? Địch công hỏi một cách lịch sự. Và khi người kia lặng lẽ gật đầu, ông tiếp tục:

- Tôi là quan án Địch và đây là phụ tá của tôi, Mã Tông.

Nhận thấy gương mặt của Lý Cố có vẻ nhợt nhạt, ông nói tiếp một cách ân cần:

- Đây là một chuyến viếng thăm không chính thức, ông Lý! Ta quan tâm đến những bức tranh phong cảnh, ông sẽ thấy, và ta nghe nói anh là một chuyên gia. Khi đi bộ vào buổi sáng ta đi ngang qua khu vực này, ta quyết định ghé vào đây thăm xưởng vẽ của anh.

- Một vinh dự tuyệt vời, thưa đại nhân! Một vinh dự quá lớn lao, thật thế! – Lý Cố nhanh chóng trả lời. Sau đó anh xụ mặt xuống: “ Thật không may, nhà tôi đang ở trong tình trạng khủng khiếp. Trợ lý của tôi không về nhà đêm qua. Anh ta luôn dọn dẹp nhà cửa cho tôi, ngài biết đấy. Nếu đại nhân có thể đến thăm tôi vào lúc khác…

- Ta không để ý đến đâu! Quan án ngắt lời anh ta một cách vui vẻ và bước vào căn phòng mờ tối.

Người họa sĩ đưa họ vào một căn phòng lớn có trần thấp, ở phía sau lờ mờ hai khung cửa sổ được dán bằng giấy đã bị bẩn. Anh ta đẩy một chiếc ghế xiêu vẹo vào chiếc bàn vẽ đặt giữa nhà và mời Mã Tông ngồi vào một chiếc ghế bằng tre.

Khi Lý Cố bước vào trong để pha trà. Địch công tình cờ liếc nhìn các cuộn giấy, lụa và cọ vẽ đặt trên bàn. Màu vẽ trong chiếc đĩa đã khô và trên bề mặt bị nứt nẻ, một lớp bụi mỏng bao phủ trên nó. Người họa sĩ có vẻ như vừa dùng xong bữa ăn sáng, trên chiếc bàn vẽ đặt một bát cháo và bên cạnh đó là vài miếng dưa cải muối đặt trong miếng giấy dầu.

Phía bên trái bức tường treo hàng chục bức tranh phong cảnh, tất cả được thể hiện bằng hai màu đen trắng. Một số bức tranh quan án nghĩ là rất ấn tượng. Khi ông quay sang nhìn chằm chằm vào bức tường đối diện nơi treo các bức tranh khác thì ông lại cau mày. Tất cả các bức tranh đều thể hiện về đề tài Phật giáo. Nhưng nó không phải là những hình ảnh của những vị thần và nữ thần xinh đẹp đại diện cho Phật giáo, chúng là những hình ảnh trần truồng và đáng sợ, thể hiện những con quỷ trong trường phái bí truyền. Chúng có rất nhiều đầu và cánh tay, khuôn mặt quái dị, đôi mắt lồi ra và miệng mở rộng, đeo vòng cổ là những chiếc đầu người bị chặt đứt. Một số siết chặt những người phụ nữ trong vòng tay của chúng. Những hình ảnh được thể hiện với màu sắc rực rỡ chủ yếu bằng màu vàng và xanh lá cây.

Khi Lý Cố đặt hai tách trà lên trên bàn, quan án nhận xét:

- Ta thích những bức tranh phong cảnh, ông Lý. Nó đã thể hiện được cái thần của những danh họa trước đây.

Hoạ sĩ có vẻ hài lòng.

- Tôi yêu phong cảnh, thưa ngài. Vào mùa xuân và mùa thu, tôi thực hiện những chuyến du ngoạn sâu vào vùng núi phía Bắc và phía Đông của thị trấn chúng ta. Tôi nghĩ rằng không có một ngọn núi cao nào ở huyện này chưa từng in dấu chân tôi! Trong những bức tranh của tôi, tôi cố gắng lột tả những điểm độc đáo nhất phong cảnh thiên nhiên mà tôi đã thấy.

Địch công gật đầu đồng ý. Ông quay lại và chỉ vào những bức tranh tôn giáo.

- Tại sao một họa sĩ tài năng như anh lại hạ thấp bản thân mình để vẽ những bức tranh kinh hoàng, man rợ như thế này ?

Lý Cố ngồi trên một chiếc ghế tre đặt trước cửa sổ. Mỉm một nụ cười nhẹ, anh trả lời:

- Những bức tranh phong cảnh không đem lại bát cơm cho tôi, thưa đại nhân! Nhưng có một nhu cầu rất lớn đối với những bức tranh về Phật giáo của những người dân Uigur và Tartar tại thị trấn này. Như ngài biết đấy, những người này tin rằng tín ngưỡng mới ghê tởm dạy rằng sự giao hợp giữa một người đàn ông và người phụ nữ là một bản sao của quá trình giao phối của Thiên đàng và Hạ giới và đó là một phương tiện để đạt được ơn cứu độ. Các tín đồ này tự xác định bản thân mình như là những vị thần khốc liệt với các đối tác nữ của họ. Các nghi lễ bao gồm…

Địch công giơ tay.

- Ta đã biết tất cả về những hành động thái quá khả ố, núp bóng dưới chiếc áo choàng tôn giáo. Nó dẫn người ta đến những hành động dâm dục và tội ác đen tối. Khi ta làm thẩm phán tại Hán Dương, ta đã phải đối phó với một vụ án giết người kinh tởm trong một tu viện đạo Lão với những nghi lễ bí mật của nó ( xem truyện “ Xử án trong tu viện” ). Cho dù các Phật tử nói rằng nghi lể này xuất phát từ Đạo Lão hay ngược lại, ta không cần biết và cũng chẳng quan tâm.

Ông giận dữ giật mạnh râu của mình. Sau đó ông nhìn người hoạ sĩ với cái nhìn sắc bén:

- Anh nói thế có nghĩa là những nghi thức khủng khiếp vẫn đang được tiến hành ở thị trấn này?

- Ồ không, thưa ngài. Không phải bâygiờ. Khoảng tám hoặc mười năm trước đây, có lẽ thế, ngôi đền Tử Vân nằm trên ngọn đồi phía Đông ngoại thành thuộc về giáo phái đó, và có rất nhiều tín đồ Tartar và man rợ khác đã vượt qua biên giới để đến thờ cúng tại đó. Nhưng sau đó các cơ quan có thẩm quyền can thiệp và các vị tu sĩ tại đó phải rời đi. Các tín đồ của thị trấn này, tuy nhiên, vẫn còn bám víu lấy đức tin đó. Họ mua những bức tranh này về để treo trên bàn thờ nhà họ. Họ tin tưởng chắc chắn rằng những vị thần khốc liệt này bảo vệ họ chống lại tất cả các điều ác và đảm bảo cho cuộc sống lâu dài và họ sẽ có được những đứa con trai.

- Mê tín dị đoan ngu ngốc! – quan án nói với thái độ khinh bỉ - Giáo lý nguyên thuỷ của Đức phật chứa một tư tưởng cao cả. Bản thân ta là một tín đồ của Nho học như ngươi đã thấy. Ta hy vọng, ông Lý, đừng vẽ những bức tranh về Phật giáo với bất kỳ hình thức nào. Ta muốn đặt một bức tranh phong cảnh do ông vẽ. Ta từ lâu đã muốn có trong thư viện của mình một bức tranh của khu vực biên giới, cho thấy sự tương phản giữa những ngọn núi chập chùng và đồng bằng trải dài, và ta sẽ rất hài lòng nếu anh thực hiện bức tranh đó cho ta. Ta cũng sẽ sẵn sàng giới thiệu những người quen của ta cho anh. Tuy nhiên, với điều kiện là anh ngừng ngay việc sáng tác những bức tranh Phật giáo ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục!

- Tôi sẵn sàng làm theo lệnh của ngài, thưa đại nhân!

- Tốt lắm! – Địch công lấy hộp gỗ mun từ tay áo của mình. Đặt nó trên bàn, ông hỏi: Có phải cái hộp này trước đây thuộc về bộ sưu tập của anh?

Ông háo hức quan sát khuôn mặt của người họa sĩ nhưng Lý Cố cho thấy một sự ngạc nhiên khi nhìn chiếc hộp.

- Không, không bao giờ nhìn thấy nó trước đây, thưa đại nhân. Có hàng chục cái giống như thế này bán đầy ngoài chợ. Các người thợ thủ công địa phương chế tạo chúng bằng gỗ mun và người ta mua chúng để cất giữ con dấu hoặc danh thiếp. Nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy một món đồ cổ tốt đẹp như thế này. Và nếu tôi có thấy đi chăng nữa tôi cũng không có khả năng để mua chúng!

- Người anh trai của anh kh ng bao giờ mua tranh của anh à ? – ông làm như tình cờ hỏi.

Khuôn mặt của Lý Cố xụ xuống, anh trả lời cộc lốc:

- Anh trai tôi là một người buôn bán. Anh ta không quan tâm đến nghệ thuật và xem thường tất cả những người nghệ sĩ!

- Anh sống ở đây một mình cùng với người giúp việc của anh ? – Địch công hỏi tiếp.

- Vâng, thưa đại nhân. Tôi ghét những bận tâm khi phải quản lý một hộ gia đình. Giang – đó là tên của người trợ lý của tôi và anh ta là một người có khả năng. Anh ấy là một người có học và đã không thể tham gia vào kỳ thi cuối cùng vì không có tiền. Anh ta không có nhà và tôi cho anh ta ở cùng để chuẩn bị màu vẽ và những việc khác cho tôi. Đáng tiếc là ngài không thể gặp được anh ta.

Thấy quan án chuẩn bị đứng lên, anh ta nói nhanh:

- Tôi có thể mời ngài một tách trà nữa, thưa đại nhân ? Đâu phải thường xuyên tôi có thể trò chuyện với một học giả nổi tiếng như ngài và …

- Ta xin lỗi, ông Lý, nhưng ta phải quay trở về tòa án ngay bây giờ. Cám ơn ông về tách trà và đừng quên bức tranh về phong cảnh biên giới!

Lý Cố trân trọng tiễn họ ra tận cửa.

- Đó là một tên họa sĩ lươn lẹo và là kẻ nói dối đáng nguyền rủa, thưa đại nhân! – Mã Tông bực tức nói khi họ đang đi bộ trên các đường phố - ông chủ tiệm đồ cổ nói chắc chắn là ông ta đã mua cái hộp đó từ Lý Cố. Và ông ta chắc chắn không có sai lầm trong việc mua bán của mình.

- Lúc đầu – Địch công nói chậm rãi – Lý đã tạo một ấn tượng tốt đẹp với ta. Sau đó, ta cảm thấy chắc chắn là có gì đó không ổn. Ông tạm dừng giây lát rồi nói tiếp:

- Trên đường về tòa án ngươi có thể ghé vào một cửa hàng hay cửa tiệm nào đó để hỏi những người xung quanh đây xem họ nhận xét thế nào về Lý Cố. Và cũng có thể yêu cầu họ nhận xét về người trợ lý của anh ta. Nhìn quanh đây xem có bảng hiệu nào không và vào đó hỏi thăm.

Mã Tông gật đầu.

Anh thấy một bảng hiệu của cửa tiệm nổi bật trong một con hẻm nhỏ. Nó được ghi với những chữ lớn giới thiệu các loại vải tốt để may áo. Người thợ may cầm trên tay một súc lụa. Ở phía sau cửa tiệm bốn người phụ nữ lớn tuổi ngồi xung quanh một chiếc bàn dài và hẹp đang bận rộn khâu và thêu. Người chủ tiệm may chào Mã Tông rất nhiệt tình. Nhưng khuôn mặt ông trở nên bí xị khi nghe anh hỏi là có biết người hoạ sĩ.

- Nghèo như một con chuột chết đói! – ông nói với vẻ kinh tờm – tôi thỉnh thoảng nhìn thấy anh ta đi ngang qua đây nhưng chưa bao giờ anh ta may của tôi một bộ quần áo! Và tên trợ lý của anh ta chỉ là một kẻ lang thang. Hắn ta chẳng có giờ giấc cố định và quan hệ với những tên lưu manh. Hắn thường làm mất trật tự, làm khuấy động khu dân cư yên tĩnh khi hắn về nhà ca hát và la hét ầm ĩ cả lên mỗi khi say rượu.

- Người đàn ông trẻ có học mà lại xử sự như thế vào ban đêm hay sao – Mã Tông hỏi một cách dịu dàng.

- Người đàn ông trẻ có học, cái mông tôi này! Giang chỉ là một kẻ lang thang! Vẫn thích tự nâng bản thân mình lên, tất nhiên. Mặc dù anh ta đã mua một cái áo mới của tôi, nhưng đó không phải là may mắn mà là một điều tồi tệ hơn! Anh ta không trả cho tôi một đồng! Tôi đã làm toáng lên về chuyện đó, nhưng … Ông ta dừng lại và quan sát lên xuống con đường phía trước cửa tiệm “ Tôi phải rất cẩn thận, anh sẽ thấy. Không muốn anh ta đến đây cùng với một tên lưu manh nào đó, bạn của anh ta, và ném rác lên những súc lụa đắt tiền của tôi…

- Nếu Giang không phải là một người tốt, tại sao ông Lý lại giữ anh ta lại giúp việc cho mình ?

- Bời vì ông Lý cũng chẳng tốt đẹp hơn! Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã , thưa ngài! Và tại sao ông Lý lại không kết hôn, anh có biết không? Đúng là anh ta nghèo, nhưng không phải là anh ta không thể tìm được một cô gái nghèo để cùng nhau lập một gia đình như mọi người đàn ông bình thường khác. Hai kẻ đó ở chung với nhau trong một căn nhà, thưa ngài, họ thậm chí không có lấy một người phụ nữ. Chỉ có trời mới biết những gì diễn ra vào ban đêm!

Người thợ may cho Mã Tông một cái nhìn chờ đợi, nhưng khi thấy anh ta chẳng yêu cầu chi tiết, người thợ may cúi đầu và nhỏ giọng nói tiếp:

- Tôi không có một ai để nói chuyện, anh biết không. Sống và để sống, tôi luôn nói như thế. Vì vậy tôi cho anh biết một chuyện: một thời gian trước đây hàng xóm của tôi nhìn thấy một người phụ nữ lẻn vào căn nhà đó vào lúc nửa đêm, ông ta nói thế. Và người bán tạp hóa nhớ là đã thấy Lý Cố tiễn một người phụ nữ ra khỏi nhà vào lúc bình minh. Như vậy, anh ta đã làm cho khu phố mang tiếng xấu. Và điều đó ảnh hưởng đến công việc làm ăn của tôi.

Mã Tông nhận xét đó là một câu chuyện buồn. Sau khi anh biết được tên đầy đủ của người phụ tá là Giang Mậu Tề, anh nói lời tạm biệt ông chủ tiệm may. Anh quay trở lại tòa án và lẩm bẩm nguyền rủa tiết trời nóng nực.

Mời bạn đón đọc chương tiếp!

Nguồn: truyen8.mobi/t118873-bong-ma-trong-ngoi-den-chuong-3.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận