Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa Chương 50


Chương 50
Yên tĩnh

Cuối mùa thu 1836 chiếc tàu Italia bẩn thỉu từ cảng Livornô tới thả neo ở cửa sông Nêva, ngay nơi đối diện với đảo Galerơ.
Đúng lúc những trận mưa tuyết đầu mùa. Tuyết từ các cột buồm thô rơi xuống thành từng lớp và đọng lại thành lớp băng mỏng trên trục buồm. Trong ánh hoàng hôn, con tàu phủ tuyết trắng được các ngọn đèn soi sáng, ngay cả các thủy thủ trên tàu cũng thấy nó tráng lệ hơn và thanh thoát hơn.

Tàu chở đến một món hàng hiếm. Những bức tranh mới nhất của các họa sĩ Nga sống ở Rôma. Những bức tranh của Brulốp và Bruni, các chân dung của Kiprenxki và tranh khắc gỗ của Iorđan được đóng gói cẩn thận và xếp trong khoang tàu bỏ không. Những người mê hội họa ở Pêterburg mong đợi con tàu đã lâu. Người đầu tiên tìm ra bến tàu là nhà văn Nextor Kukônich. Ông phủi tuyết trên vạt áo và mũ rồi bước thẳng vào phòng thuyền trưởng.

Một ngọn nến lung linh trên chiếc bàn sơn đen soi sáng mấy quả cam đựng trong chiếc lọ thủy tinh đầy bụi bám. Thuyền trưởng đang ăn cam. Nước cam thơm ngon chảy theo những ngón tay đen xạm của ông. Kukônich cười và nói rằng cuối cùng ngay ở đây, ở Pêterburg này ông cũng đã được thở hít không khí của nước Italia. Thuyền trưởng làu bàu câu gì không rõ, vừa nhai nốt miếng cam, vừa kéo chiếc ngăn bàn. ở đó giữa những tấm bản đồ và quân bài nhầu nát có một phong thư. Thuyền trưởng đưa cho Kukônich. Nhà văn xé phong bì và bắt đầu đọc: “Cuối tháng chín Orext Kiprenxki bị một cơn sốt dữ dội, nhờ có sự tận tình của thầy thuốc ông đã hồi tỉnh và bắt đầu đi lại được. Nhưng ông bỗng bị cảm lại, bệnh sốt tái phát. Nhà họa sĩ đã không trở dậy được nữa. Ông đã qua đời ở đây, ở Rôma, ngày ba tháng mười qua...

Kukônich đứng dậy.

- Ông đã mang đến một tin nặng nề, - ông nói với thuyền trưởng hơi hoa mỹ quá một chút. - ở Rôma vừa qua đời một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ chúng ta, người đồng bào của tôi. - Orext Kiprenxki.

Thuyền trưởng không trả lời. Ông xếp lại các quả cam. ở tầng trên các thủy thủ đang í ới gọi nhau. Tiếng Italia nghe âm vang đặc biệt trên thảm tuyết dày phủ kín các đại lộ hoang vu và các cung điện thành Pêterburg.

Thuyền trưởng chọn quả cam to nhất, tung nó trên lòng bàn tay.

- Đây, xin ngài hãy cầm lấy, - ông nói và mỉm cười. Hàm răng lấp lánh làm thay đổi hẳn vẻ mặt ảm đạm của ông. - ở Italia cam không bao giờ ngừng chín và các họa sĩ cũng không bao giờ ngừng nảy sinh.

Kukônich từ biệt ra về. Ông bỏ quả cam vào túi áo khoác, suốt dọc đường luôn cảm thấy sức nặng và mùi thơm của nó.

Kukônich đi chậm rãi, lấy tay che miệng cho khỏi gió và nghĩ rằng không chỉ ở Italia mà ở cả Pêterburg nữa sẽ không bao giờ ngừng nảy sinh ra các họa sĩ. Orext thần kì đáng yêu đã mất nhưng còn Brulôv, Ivanốp và Utkin.

Những tòa nhà Pêterburg nhuốm màu chanh xanh nhạt, màu xám nom như được làm bằng sứ. ánh đèn rung rinh trên mặt tiền các tòa nhà cổ kính.

- Đúng là thành Rôma vĩ đại giữa các đầm lầy và rừng miền Bắc! - Kukônich thốt ra, nghĩ tới Pêterburg. - thành Rôma vĩ đại trong tuyết, trong bóng tối của đêm. Số phận của nó sẽ tuyệt đẹp.

ý nghĩ đó đem lại niềm an ủi.

Không một tờ báo, không một tạp chí nào nhắc đến sự qua đời của Kiprenxki. Kukônich thấy khó hiểu, khó hiểu lý do sự im lặng vây quanh cái chết của bậc thầy này.

Gần tháng sau ngày Kiprenxki qua đời, Kukônich viết mấy dòng buồn bã trên báo Văn nghệ:

“Cái chết của Kiprenxki, - ông viết, - đã bất ngờ cướp đi của nước Nga một trong những họa sĩ xán lạn nhất, thoáng qua trên mặt báo chí hiện hành như một cái bóng ngả xuống từ một đám mây đen bị cuồng phong cuốn trôi. Quả là có ít chi tiết về những ngày cuối cùng của Kiprenxki lọt đến kinh đô miền Bắc nhưng vì sao không thấy vang lên khúc bi ca quen thuộc của giới báo chí trước cái chết của một con người lừng lẫy. Tại sao nhà họa sĩ không được dành một sự kính trọng xứng đáng cuối cùng! Vì sao? Chúng tôi không thể biết được, nhưng những lý do rồi sẽ rõ.

Lý do thật đơn giản. Nước Nga của vua Nikôlai không cần đến Kiprenxki cũng như nó cũng không cần đến những Phêđôtốp, Puskin, Rưleep, Lermôntốp, Gôgôn và Ivanốp (1).

Kiprenxki đã sống một cuộc đời ngắn ngủi. Nó bắt đầu một cách chói chang, nhưng đã tắt đi thật xuẩn ngốc và đáng buồn. Nước Nga đã túm lấy cổ ông, dí xuống đất cho đến khi ông chịu quì gối trước bọn quyền thế Nga hoàng và Benkenđorf(2). ______________________________

1. Những văn nghệ sĩ nổi tiếng của nước Nga.

2. Trùm mật vụ cảnh sát của Nga hoàng.

Kiprenxki, nhà nghệ sĩ đã đi lạc đường và đã chết sớm hơn, trước khi Kiprenxki, con người, đã u mê và chết hẳn.

Quả cam Italia nằm lâu mãi trên bàn viết của Kukônich. Nó làm cho không khí trong phòng đầy mùi sách cũ và ám nến dịu hẳn đi. Kukônich đã cố giữ gìn nó và luôn cố gắng nhớ lại câu chuyện Kiprenxki đã kể năm năm trước đây về trái cam. Sau này ông nhớ đến luôn và đã ghi lại, nhưng cũng như bao lần đã xảy ra, ông đã để lẫn mất những điều ghi chép được trong vô vàn những nhận xét về hội họa và những bài thơ bị bỏ dở.

Còn nhớ những lúc Kiprenxki kể về tuổi thơ của mình, ông thường không hào hứng nhắc tới đoạn đời này- cái thời đã trôi qua trên khu nhà vườn ở Orenienbaum. “Orenienbaum” tiếng Đức có nghĩa là “nước cam hay cây cam”.

Các cụ già còn nhớ thời Elizavet bảo rằng cái tên đó được đặt không phải ngẫu nhiên. Ngay từ hồi Mensikôv người sáng lập ra thành Orenienbaum còn sống người ta vẫn hái cam chín trong các lồng kính thuộc hoàng cung. Thậm chí trên huy hiệu thành phố Orenienbaum có vẽ hình cánh đồng màu bạc trồng những cây cam đầy quả chín.

Các cụ già còn nhớ thời Elizavet là những lão thủy thủ sống ở viện dưỡng lão hải quân, là những người hướng dẫn, dạy bảo đầu tiên của Kiprenxki. Người ta còn gọi họ là “Những con gấu biển”. Các cụ thường ngủ hoặc chậm rãi chuyện phiếm với nhau.

Chuyện họ kể thường là các trận bão đổ xuống các con tàu thiết giáp hạm, về tiếng sóng gầm, tiếng dây chão đứt tung. Nghe chuyện các cụ tưởng chừng như thế giới chỉ toàn là những cơn bão lạnh buốt, mây khói mịt mùng dữ dội, gió mưa và dông. Họ nói về bão như chính họ gây ra chúng vậy.

Vẻ ảm đạm trong các chuyện kể của các cụ thật phù hợp với thiên nhiên chung quanh - bầu trời trắng bệch trải dài trên bờ vịnh Phần Lan đầy đầm lầy và những mùa thu, mùa đông u ám mệt mỏi nối tiếp nhau trôi qua.

Chú bé hay nóng ruột Kiprenxki - cả đời Kiprenxki luôn sốt ruột và nóng nảy - mong chờ mùa hè tới, khi mặt trời nhuộm mặt nước trên vịnh thành màu vàng nhạt và rọi những tia nắng dài vàng chói vào đám lá cây những khu vườn thượng uyển.

Mùa hè các lão thủy thủ đi tắm nắng. Họ mỉm cười móm mém với những hàng cây rì rào, với tiếng chim hót rụt rè. Chuyện kể của các cụ cũng thay đổi. Giữa những cơn ngang trái của thời tiết cũng có những đoạn dừng yên tĩnh. Các thủy thủ nhớ tới nước Italia, lẫn lộn cả tên tuổi của các biển phương Nam. Ký ức của họ vất vả luồn lách qua những chặng dài của những năm làm nghề đi biển nặng nhọc, qua những màn sương xám như chì, qua làn nước ngầu đục của trí nhớ lú lẫn người già, bất chợt lóe lên ánh sáng của những xứ sở đầy ánh nắng, ngập mình trong các dải vườn ôliu và vang rền tiếng chuông ngân.

Trong những câu chuyện các lão thủy thủ kể vào mùa hè luôn thấy có một niềm tin tưởng vững chắc: tiếp sau những cơn bão táp, những lúc nắng mưa, trái gió trở trời bao giờ cũng là những bến bờ yên tĩnh.

 

*

* *

 

Chú bé Kiprenxki là con trai ngoài hôn thú của người đội trưởng Điakônôv. Bố chú đã giao chú cho bác nông nô Ađam Svanbe nuôi dạy và từ bé đã luôn được tự do. Chú có thể ngồi hàng giờ liền nghe các bác thủy thủ kể chuyện hay chạy tới các khu vườn Aranienbaum và nấp trốn những người làm vườn và gác cổng ở đấy.

Những khu vườn này nổi tiếng vì những con kênh. Mỗi lần xuân đến những bụi tử đinh hương nở đầy hoa soi mình xuống đó. Những bức tượng bằng đá hoa nhìn xuống mặt nước xanh lơ của những mặt ao lạnh giá với những đàn cá hương bơi lượn.

Oranienbaum làm chú kinh hãi vì sự vắng vẻ. Nhà hát và những cung điện do Raxtreli xây dựng đã từ lâu hoang vắng. Trên đồi Katal đã bao năm rồi không nghe thấy tiếng rít của những cỗ xe ngựa dượt chơi. Những khu vườn tưởng như mãi mãi lịm đi dưới những bụi cây um tùm. Những gương mặt trong cung điện chẳng hề soi bóng ai, còn những phòng lớn đã bao năm liền không được nghe tiếng chân người và tiếng quân nhạc thời vua Pavel.

Chú được tự do đưa vào đó những nhân vật anh hùng do mình tưởng tượng ra và những người đàn bà kiều diễm. Chú làm điều đó hết sức say mê và hoàn toàn tin vào sự tồn tại của họ.

Từ tuổi ấu thơ Kiprenxki đã quen mơ mộng như vậy. Qua tháng năm cái tính mơ mộng đầy can đảm ấy đã truyền vào các tác phẩm của ông một vẻ diễm lệ đặc biệt. Đó là vào những năm tháng khi Kiprenxki từ một chú bé nông nô trở thành một họa sĩ, và cả châu Âu nói về “ngọn bút thần” của ông.

ở Oranienbaum ít khi Kiprenxki lọt được vào tận cung điện qua các trạm gác kẻ sọc của lính thủ pháo. Chú bé thận trọng leo lên lan can, áp trán vào mặt cửa kính lạnh lẽo và chăm chú nhìn vào những bức tranh treo trong phòng. Chú nhìn mãi đến nhức nhối cả thái dương.

Các đức vua và hoàng đế trên những bức tranh chậm rãi phóng ngựa trong khói súng vàng khè. Những ánh lửa đỏ của đạn đại bác soi sáng những bộ mặt khắc nghiệt ngạo nghễ. Những tà giáp bào lấp lánh. Những lá cờ phần phật bay dưới những đám mây dông màu lam bị khung tranh nặng nề mạ vàng cắt đứt.

ở nhà Kiprenxki vẽ lại những bức tranh đó theo trí nhớ và Ađam Svanbe tốt bụng bí mật đem cho chủ của mình là Điakônôv xem. Những bức tranh đó đều khá và Điakônôv quyết định đưa đứa con còn bé bỏng vào học ở Viện hàn lâm Mỹ thuật.

Mặc dầu Kiprenxki là con Điakônôv, nhưng trên giấy tờ chính thức bố đẻ lại là Svanbe. Ngay sau khi chú bé ra đời Điakônôv đã ra lệnh cho Svanbe nhận làm con nuôi và khai sinh lấy họ là Kaporxki - tên thị trấn Kopore gần Oranienbaum - nơi chú bé sinh ra. Kiprenxki sống dưới cái họ ấy cho tới khi vào Viện hàn lâm mỹ thuật.

ở viện hàn lâm người ta đổi họ cho chú là Kiprenxki. Hồi ấy những trẻ em ra đời không hợp pháp, muốn đổi họ bao nhiêu lần cũng là thường thôi.

Cả tuổi thơ, tuổi thanh xuân của Kiprenxki trôi qua trong Viện hàn lâm.

Những câu chuyện của “các con gấu biển” về các trận bão, những khu vườn thượng uyển và những bức tranh trong bóng tối đã in sâu vào trí nhớ Kiprenxki suốt đời.

Có thể ông đã phải mang ơn các lão thủy thủ về tình yêu đối với các trận bão, các cơn dông, và những lúc động trời mà ông thường thể hiện hết sức mãnh liệt.

Đó là thời kỳ nổ ra cuộc Cách mạng Pháp, khi ngọn gió của chủ nghĩa lãng mạn ào ào thổi qua khắp châu Âu. Các nhà thơ mặt nhợt nhạt trong ánh chớp nguồn, trong bão táp và sấm rền, hát những bài ca đầy cảm hứng về vẻ đẹp của tình hữu nghị, về những hành động cao thượng, về tự do và lòng dũng cảm.

Những tên lính của Napôlêông mang tới tận những xóm làng hẻo lánh vinh quang của các chiến thắng, những đạo luật cách mạng, tiếng cờ bay loạt xoạt. Sự lo âu đã làm cho các trí tuệ thoát khỏi sự trì trệ và điệu bộ kiểu cách của thế kỉ 18.

Trong thời gian học tập ở Viện hàn lâm Kiprenxki đã bị chủ nghĩa lãng mạn chinh phục. Ông tìm kiếm nó ở khắp mọi nơi. Sau những giờ phút mệt nhọc ngồi vẽ ở lớp hình ảnh thần Zớt(1) và Aphrôđila(2), Kiprenxki đi ra bờ sông Nêva. Ông đi lang thang và đọc những câu thơ của một nhà thơ không quen biết.

Đêm đã trùm bóng đen lên những mảnh vườn già cỗi

Gió lạnh rít lên, gào thét trên các cánh đồng.

Và trái tim dịu dàng trong lửa cháy, đau thương

Quằn quại suốt thâu đêm đến lúc trời rạng sáng

Than ôi, những con cưng của thi ca, số tôi đã định rồi!

Tiếng kèn trận vang lên lúc nửa đêm soi mói

Những đám mây cuồn cuộn bay, số phận vung tay

Thanh gươm nặng nề phạt xuống mái đầu non trẻ.

Những câu thơ này làm Kiprenxki ứa lệ. Trong đó chứa đựng tất cả những gì ông yêu quý từ tuổi thơ. Những khu vườn già, những cơn gió lạnh, những đám mây đen và tấm lòng dịu hiền. Về sau, tình yêu đối với thiên nhiên dữ dội và trái tim trăn trở của con người lại được thời gian làm cho vững chắc hơn.

“Tôi thường mơ thấy hàng cây xao động. - Sau này Kiprenxki đã viết. - Đất đai tưởng như đã hóa đá và đến nay vẫn còn giữ nguyên vẻ khủng khiếp”.

Không phải ngẫu nhiên trên những bức chân dung Kiprenxki đã vẽ trong tuổi thanh niên đằng sau những gương mặt đầy xúc cảm, đằng sau những thi sĩ, những quân nhân, những người ______________________________

1. Thần ánh sáng.

2. Thần Sắc đẹp.

đàn bà sầu não, bao giờ cũng là bầu trời dông tối mịt. Bất giác ta cảm thấy tiếng sấm vọng từ xa và hơi thở của những trận mưa rào như vẫn phủ lên những bộ mặt đầy xúc cảm của họ.

Cả một đám người kỳ lạ và hấp dẫn ấy như vừa từ con tàu bước xuống bờ sông Nêva, những con người từ vùng đất Bairơn(1) sáng tạo ra, từ xứ sở, nơi những cuộc chuyện trò thông minh và những tình cảm sôi bỏng làm cho cuộc đời đẹp đẽ khác thường.

Ugrumốp và Đôiten - những thầy giáo của Kiprenxki ở Viện hàn lâm, có thái độ hết sức say mê và nghiêm khắc đối với hội họa. Họ đòi hỏi học sinh phải vẽ được cả khi đã bịt mắt lại. Đôien bắt buộc các học sinh ở Viện mỹ thuật phải biết cách bôi màu sao cho có soi kính lúp lên cũng không nhận ra vết bút nữa. Mặt tranh phải nhẵn lỳ như mặt xương được mài bóng. Chỉ có sau đó Đôien mới cho phép các họa sĩ trẻ được thoải mái dùng những mảng màu rộng.

Tất cả thời gian đều dành cho việc học vẽ. Kiprenxki học được cách sử dụng bút chì chính xác như nhà phẫu thuật dùng dao mổ. Không còn đâu thời giờ để học sách nữa.

Levitxki, một người Ukraina khôn khéo và hiền hậu, người đã sáng tác những bức chân dung thiên tài các tay kavaleâr(2), các mệnh phụ phu nhân thời Ekatêrina là người đã ngự trị trí tuệ của các họa sĩ thời bấy giờ.

Mọi người đều bắt chước cái màu vàng ấm áp trên những bức tranh của ông. Các họa sĩ trẻ quyết nắm bắt bằng được sắc màu ấy của ông và nghiên cứu ở khắp mọi nơi trong các lớp học đầy bụi của Viện mỹ thuật khi mặt trời hoàng hôn chiếu ______________________________

1. Thi hào vĩ đại người Anh.

2. Kavaler: Người nam giới đang theo đuổi, săn sóc, che chở phụ nữ, hay cũng có khi là người bạn nhảy trong vũ hội.

những tia sáng xiên nghiêng xuống mặt sàn gỗ, trong ánh phản quang của các vòm mái tròn, những phong hỏa đài bằng đồng, trong con người của các mỹ nhân lấp lánh nến vàng.

Trên những bức tranh cuối cùng của Levitxki màu vàng bỗng biến mất, nó thay bằng màu tím và màu huyết dụ - những màu lạnh và già nua. Điều đó đã khiến cho Đôien đọc trước các học sinh một bài về sự cảm thụ màu sắc khác nhau ở tuổi thanh niên, tuổi trưởng thành và tuổi già.

- Tuổi trẻ thường ưa các màu sặc sỡ, tuổi trưởng thành đã chuyển sang sử dụng các màu ấm và sâu có mực thước và tinh tế hơn; tuổi già - những màu xanh và màu lạnh rất giống màu những đường gân xanh nổi trên bàn tay người già, - Đôien nói và khâm phục sự tinh tường của chính mình. - Không phải chỉ có mỗi giai đoạn đời người mới có những màu sắc được ưa thích khác nhau, mà ở mỗi xứ sở, mỗi thế kỉ cũng vậy, trong suốt chiều dài tồn tại của loài người. Hãy nghiên cứu mặt người và màu sắc của thế kỉ mình sống, nếu muốn được trở thành họa sĩ của nó.

Kiprenxki tuân theo lời khuyên của Đôien. Anh nghiên cứu mặt người và màu sắc của thế kỉ với sự sốt sắng sẵn có của anh. Giống như Puskin, khi mới ra khỏi trường Litxê, Kiprenxki đã sống ở Peterburg một cuộc sống phóng đãng.

Nhưng cả giữa cuộc sống sôi nổi nhẹ nhàng giữa các đêm vũ hội, những đêm mất ngủ, sự say mê những người đàn bà đẹp. Kiprenxki vẫn có những giờ phút sống tập trung, chăm chú. Những khoảnh khắc ấy đến bất chợt. Nó chớp lấy nhà họa sĩ ở giữa đường phố, hay trên chiếc xe ngựa vừa từ nơi thù tạc với bạn bè về, có khi trong lúc chuyện trò sôi nổi.

Dường như cuộc sống nội tâm sôi nổi đã làm biến đổi cả thế giới chung quanh. Nhìn đâu cũng thấy những màu thuần khiết nơi đậm, nơi nhạt được tạo nên bởi mặt trời miền Bắc, tuyết và các ngọn đèn.

Trái đất quen thuộc trong những giờ phút ấy dường như những tác phẩm của các nhà họa sĩ kiến trúc thiên tài. Sắc trời và mây tưởng như được vẽ nên bằng bàn tay của những người Vơnidơ; còn các chân trời xanh biếc qua làn không khí trong suốt tưởng như được vẽ nên bởi ngọn bút chì không hề biết sai lệch của Raxtreli.

Một buổi sớm mùa đông Kiprenxki đi thăm bạn về. Anh đi trên cầu qua sông Nêva, đầu cúi xuống và không suy nghĩ gì - anh buồn ngủ. Một chiếc xe tam mã muộn màng lướt qua. Bụi băng sắc cạnh bắn vào mặt anh.

Anh choàng tỉnh, ngẩng đầu lên và dừng bước. Cảnh tượng anh nhìn thấy trước mặt giống như một giấc mơ uy nghi hơn là một buổi sáng ở Peterburg.

Đêm không muốn rời khỏi kinh thành. Nó trải những màn sương xám dày đặc quanh chân những tòa nhà và chiều sâu thăm thẳm của các thửa vườn.

Mặt trời mọc lên. ánh sáng đỏ rực đã hửng lên trong các cửa sổ của cung điện, tỏa xuống dưới, xuống bóng tối, làm lộ ra nơi là chòi canh kẻ sọc, nơi là tượng đài kỷ niệm vị tướng lĩnh mình phủ đầy bụi tuyết trắng, kia nữa là những đỉnh trụ các hàng cột trang điểm bởi những đám lá cây cứng lạnh hình akant(1). Bầu trời Italia trải ra chân trời với những lớp mây nhẹ nhàng phơn phớt hồng. Tuyết dày chậm rãi rơi. Điều đó thật khó hiểu giữa tiết trời trong sáng. Tưởng chừng như những bông tuyết được sinh ra trong không khí tinh khôi giữa trời và đất.

Kiprenxki nhìn mãi cảnh tuyết rơi trang trọng trên các quảng ______________________________

1. Kiểu vẽ trang trí tường hình sóng lượn.

trường câm lặng vắng ngắt. Tuyết thận trọng sa xuống các hàng rào ngang trên các cầu, đậu vào cổ áo và lưng của các bác xà ích đang ngủ gà ngủ gật.

Kinh đô tắm mình trong ánh sáng trắng lấp lánh. Tiếng chuông đồng hồ ở xa điểm bảy giờ. Khắp chung quanh thoang thoảng mùi thảo mộc của các khu rừng kế cận Pêterburg từ phía Bắc và phía Đông.

“Thật hạnh phúc là ta đã sinh ra ở nước Nga” Kiprenxki thầm nghĩ. Trong phòng riêng Kiprenxki bỏ áo khoác ngồi gần lại lò sưởi đang cháy.

“Tìm đâu ra, - anh buồn rầu nghĩ. - Tìm đâu ra đủ màu sắc để thể hiện nên sự tịch mịch này của trời đông, ánh hào quang lấp lánh và những cung điện đã mất hết cả sức nặng và hình khối, và cuối cùng cả sự xôn xao trong lòng ta nữa. Ta biết lấy đâu ra ngọn bút thần để truyền đạt cái vẻ hân hoan câm lặng của buổi sáng này?”

Sang sáng hôm sau, sau những suy nghĩ ấy, chàng họa sĩ trẻ tuổi vốn là một tay ăn chơi bạt mạng đã quên đi tất cả, xếp bút lại, vội vã đi dự buổi duyệt binh của quân cấm vệ. ở đó, những trung đoàn đang đứng lặng đi trên một chân, chân kia giơ lên, trước con mắt ướt át và điên dại của hoàng đế Pavel.

ở đó đã có một cô gái ham thích các buổi duyệt binh quân cấm vệ đang đợi anh.

ánh gươm lấp lánh lên trời, tiếng trống rập rình, các trung đoàn nhịp bước diễu qua trước mặt hoàng đế mũi hếch làm cho cô gái thán phục.

“Tôi chỉ có thể hiến trái tim mình cho một quân nhân mà thôi”, có lần cô đã nói với Kiprenxki.

Buổi duyệt binh lần sau, Kiprenxki vượt qua hàng ngũ lính tráng lao đến chân hoàng đế Pavel và thốt lên:

- Tâu hoàng đế! Tôi là một họa sĩ, nhưng tôi muốn đổi ngọn bút lấy cây gươm. Tôi cầu xin cho tôi được gia nhập quân ngũ.

Pavel chau mày nhìn chàng công tử trẻ tuổi và kìm ngựa:

- Dẫn nó đi! - Lão nói qua hàm răng rin rít. - Cuộc duyệt binh là một điều bí ẩn. Không ai được phép làm nó mất đi vẻ thiêng liêng bằng những tiếng kêu điên dại.

Kiprenxki bị cấp trên khiển trách nặng nề, cảnh cáo trước tất cả các học viên Viện mỹ thuật. Các bạn bè nhún vai phật ý. Thật khó hiểu, một chàng trai tài hoa như vậy mà lại muốn vứt bỏ tài năng đi một cách nhẹ dạ như vậy, chỉ cốt để lấy lòng một người đàn bà.

Kiprenxki khổ sở vì xấu hổ, nhưng mau chóng quên đi câu chuyện ở buổi duyệt binh. Anh không chỉ bồng bột lúc còn trẻ trung mà cả sau này, lúc đã trưởng thành cũng vậy. Cái tính thiếu kiên định trẻ con và cái tính thích chạy theo vẻ hào nhoáng bề ngoài cuối cùng đã giết chết anh.

Ngay từ hồi còn ở học viện Mỹ thuật, Kiprenxki đã vẽ bức tranh “Mặt ao” đầy vẻ đẹp và sự yên tĩnh - một trong những bức tranh phong cảnh đẹp nhất của nền hồi họa Nga.

Mặt ao lững lờ, mặt nước phẳng như gương mờ mờ tỏa hơi nước. Cảnh tượng lúc trời rạng sáng và hoàng hôn thường như vậy.

Những hàng cây cao vời vợi đứng sững, những khóm rừng sẫm tối im phăng phắc trên bờ ao. Trên trời nhởn nhơ những đám mây xám mọng nước.

Một bức tượng thiếu nữ bằng đá hoa đứng trên bờ buồn bã nhìn xuống mặt nước trong veo.

Về sự giản dị và vẻ dịu dàng bức tranh này của Kiprenxki có thể sánh ngang với những khúc bi ca của Puskin. Chất thơ của buổi hoàng hôn được mô tả với một tài nghệ hết sức tinh tế.

Bạn bè của Kiprenxki nói rằng anh giống như loài chim ăn đêm, chỉ bắt đầu sống từ lúc hoàng hôn

Bất giác ta tưởng như hai câu thơ bị lãng quên trong một bài thơ bỏ dở của Puskin là nói về Kiprenxki:

Ôi đêm đen, hãy nói cùng ta

Vì sao người làm ta vui sướng thế!

Câu thơ sau bị đứt quãng nhưng ý nó đã rõ ràng. Màu đêm đen dễ ưa hơn ánh sáng ban ngày thường làm lộ ra tất cả. Các nhà lãng mạn thường bị hoàng hôn hấp dẫn nhiều hơn vì khi đó không chỉ thiên nhiên thôi mà cả những mặt người nom cũng có vể bí ẩn hơn và nhiều cảm hứng hơn.

Cùng thời gian đó Kiprenxki hoàn thành bức chân dung cha ông.

Nhiều năm sau ông đem bức họa này triển lãm ở Nêapôn. Các họa sĩ Nêapôn đã vô cùng sửng sốt. Kiprenxki được mời tới gặp Nikôlini, chủ tịch Viện hàn lâm mĩ thuật Nêapôn,

Người Italia già nua cáu kỉnh này gặp Kiprenxki đầy nghi hoặc. Ông nói rằng những chuyên gia thành thạo nhất về hội họa đã nghiên cứu kĩ bức tranh này và kết luận rằng nó không thể do một họa sĩ thuộc thế kỉ 10000 19 vẽ nên. Người ta cho đó là tác phẩm của Rubenxơ và Kiprenxki đã mạo nhận là của mình. Thực ra ý kiến của các chuyên gia cũng còn chưa nhất trí. Người thì bảo đó là tranh của Van Đâyich, người lại cho là của Rembrand.

Kiprenxki phá lên cười vào mặt ông chủ tịch. Nikôlini thét lên rằng các họa sĩ Nêapôn không cho phép một anh chàng ngoại quốc nào đó đánh lừa mình trắng trợn đến như thế.

Kiprenxki đã chứng minh chẳng khó khăn gì bức họa đó là của anh và về sau còn nhạo báng mãi những người Nêapôn nọ.

Năm 1803 Kiprenxki đã tốt nghiệp Viện hàn lâm mĩ thuật một cách chói lọi. Những năm đẹp nhất của đời anh bắt đầu.

Không phải vô cớ Kiprenxki đã nghe lời khuyên của Đôien - nghiên cứu nét mặt của những người cùng thế kỉ. Anh đã sáng tạo một loạt chân dung trong đó mỗi gương mặt đều có cá tính riêng và thể hiện được hình ảnh nội tâm hoàn chỉnh của mỗi con người. Trong sáng tác của mình ông đã làm nổi lên những nét độc đáo.

Trong khi nghiên cứu những bức chân dung của Kiprenxki ta thấy lòng mình đầy xúc động tựa hồ như ta đang trò chuyện cùng với tất cả các tướng lĩnh, thi nhân, nhà văn và những phụ nữ đầu thế kỉ 19.

Trong những bức chân dung ấy không chỉ nổi bật lên những gương mặt mà cả cuộc sống của những con người đó nữa: nỗi đau khổ, những cao trào của tâm hồn, lòng dũng cảm và tình yêu của họ. Tất cả những cái đó đều để lại dấu vết trên nét mặt họ và được thể hiện trên nền vải.

Một người cùng thời với Kiprenxki nói rằng đứng một mình với những chân dung của họa sĩ, ông ta nghe thấy tiếng nói của họ.

Trong đó có phần sự thật. Cái ấn tượng sống động thật lớn lao đến mức nhìn vào chân dung Puskin ta tưởng như nghe thấy tiếng nói thân thuộc từ lâu của nhà thơ đang nói với chúng ta, lớp con cháu xa xăm.

Loại tranh chân dung của Kiprenxki thật đa dạng. Đó là các bức tranh tự họa tuyệt tác, chân dung trẻ em, những người cùng thời: nhà thơ, nhà văn, tướng lĩnh, chính khách, thương nhân, những người ham mê hội họa, diễn viên, nông dân, những người đi biển, những người Tháng Chạp, họa sĩ và những hội viên tam điểm, nhà điêu khắc, người sưu tầm, những phụ nữ có học vấn, các kiến trúc sư.

Chỉ cần nêu lên một vài tên tuổi cũng đủ thấy được Kiprenxki đúng là người họa sĩ của thời đại mình: Puskin, Krưlốp, Batiuskốp, nhà thơ mù Koztốp Rastốpsin, nữ bá tước Kốtsubây, nhà nghiên cứu nghệ thuật Olênin, Gôlênisêva - Kutudốp, hội viên hội tam điểm Komoropxki và Gôlitxưn, đô đốc Kusêlốp, Brulốp, diễn viên Mốtsalốp, dịch giả cuốn “Iliad” Gnêđits, chỉ huy kị binh nổi tiếng Đênixơ Đavưnốp, - “Người chiến sĩ tóc quăn đen với mớ tóc trắng xòa trên trán”, du kích quân Fignerơ, người xây dựng cảng Ođetxa Đơ Volan, chiến sĩ tháng chạp Muraviep, thi sĩ Viademxki và Giukốpxki, nhà kiến trúc Gvarenghi.

Đó là bản liệt kê chưa đầy đủ những họa phẩm của Kiprenxki thời trẻ. Ông còn để lại những bức chân dung tự họa.

Khi thì ông vẽ mình là một người thợ vẽ phụ, khi là một chú bé mơ mộng đang ngâm thơ, khi là một thanh niên quí phái linh lợi và trang nhã, mang trong mình hình ảnh kết hợp của cả Môda(1) và Ônêghin(2)

Trên tất cả những bức chân dung tự họa ấy, ông đều có những nét chung: bồng bột, tế nhị, đôi lông mày cong nhíu lại. Bạn bè gọi ông là “chàng công tử dịu hiền”, một người còn để lại nhận xét ngắn ngủi nhưng rất hàm xúc. “Người tầm thước, hơi thanh mảnh, dễ coi, và thích hơn cả là luôn làm đẹp mình”.

Trước cuộc chiến tranh 1812 không lâu Kiprenxki được cử đến phụ việc cho nhà điêu khắc Martôxơ ở Matxcơva. Lúc đó Martôxơ đang dựng tượng Minin và Pagiarxki(3)

ở Matxcơva, Kiprenxki tiếp tục vẽ với tình cảm sôi bỏng và nghệ thuật điêu luyện như trẻ. Anh mơ ước được sang Italia, sang Rôma, tổ quốc thứ hai của các họa sĩ, nhưng các biên giới đều đóng cửa.

Quân đội của Napôlêông đang diễu hành trên khắp châu Âu ______________________________

1. Nhạc sĩ áo thiên tài

2. Nhân vật trong tiểu thuyết thơ của Puskin.

3. Nhân vật lịch sử đã đánh đuổi quân ngoại xâm bảo vệ Matxcơva.

trong tiếng gầm của các trận kịch chiến và chiến thắng. Các viện bảo tàng rung chuyển dưới làn đại bác. Đạn rơi cả xuống các đường phố thành Viên, thủ đô âm nhạc. Các họa sĩ rút lui, nhường chỗ cho các cỗ xe đại bác, các đoàn quân cận vệ bụi bậm và các xe tải thường.

Kiprenxki chịu nhịn và tận tình giúp đỡ Martôxơ, nhà điêu khắc thông minh, tiếng tăm lừng lẫy về đài kỉ niệm quận công Risexe ở Ôđexa.

Thời gian này tài năng của Kiprenxki đã đạt tới sự phát triển hoàn hảo. Cái tính bồng bột tưởng chừng như đã xa rời Kiprenxki. Ông cảm xúc sâu sắc mãnh liệt và thể hiện những điều mình rung cảm một cách khéo léo và táo bạo.

Ông làm việc thật dễ dàng, đúng như người ta nói “Là đứa con cưng của hạnh phúc”.

Từ Matxcơva, Kiprenxki về Tveri, nơi con gái của Pavel đệ nhất thời đó đang sống. Công chúa Ekatêrina Paplovna vời ông đến và ân cần chiều chuộng ông.

Cung điện của Ekatêrina Paplovna biến thành câu lạc bộ văn học. Những con người xuất chúng của Matxcơva vẫn thường lui tới tự nhiên.

Các cửa sổ cung điện bừng sáng hàng trăm ngọn nến. Trong phòng khách người ta hút thuốc, bàn cãi, đọc thơ. Các văn sĩ, thi sĩ, các bậc đỡ đầu nghệ thuật và các họa sĩ trổ tài hùng biện.

Chiến tranh tới gần. Hơi thở của các trận đánh, những cuộc chuyển quân, sự lo lắng đã bao trùm lên đất nước. Những điều đó kích thích những suy nghĩ căng thẳng và làm người ta luôn xúc động.

Đôi khi vào quãng nửa đêm, một vị khách bất ngờ tới, tấm áo choàng ông ta sực mùi gió, mùi đồng ruộng. Người khách xa đã sốt ruột phóng ngựa từ Matxcơva tới Tveri trên những con ngựa được thay thế, để báo tin mới nhất về những trận kịch chiến và nghe những câu thơ bốc đồng, những cuộc tranh luận om xòm và nồng nhiệt. ánh đèn mờ nơi đặt thanh chắn Tveri và ông già gác cổng tàn tật trong những ngày ấy đã gặp bao con người được cả nước Nga biết tiếng.

Kiprenxki cùng với mọi người sống một cuộc sống đầy hưng phấn và không ngủ.

Nhưng rồi một tối kia không ai tới nữa. Trung đoàn các thương kỵ binh lầm lũi tiến vào thành phố và đồn trú tạm bợ trong các lán trại. Các đống lửa cháy làm sáng lên những hạt mưa đen. Tiếng ngựa ngáp ồn ào. Mùi khói, mùi phân, mùi mồ hôi, mùi bánh mỳ nồng nặc lẫn với tiếng chửi bới đến khản cổ, tiếng kèn đồng run run. Napôlêông đã chiếm Matxcơva.

ở Tveri yên tĩnh. Không có ai tới nữa. Kiprenxki chẳng còn ai để vẽ. Lúc đó ông bèn vẽ chân dung những người nông dân, phong cảnh ngoại ô Tveri và dọc bờ sông Vonga.

Chiếc bút chì đã thay cho chiếc bút lông, Kiprenxki chỉ cần đánh bóng những hình vẽ với một sự tinh xảo đến lạ lùng,

Vinh quang của Kiprenxki trẻ tuổi lên vùn vụt. Anh từ Tveri trở về Matxcơva gần như một thiên tài được thừa nhận. Những lời đồn đại về anh lan sang tới tận Tây Âu. Cả thủ đô nói về cây bút chì thần diệu của nhà họa sĩ. Những bức tranh được vẽ một cách dễ dàng đến nỗi người ta coi là một phép mầu.

Kiprenxki được mời vào hoàng cung vẽ chân dung các đại thần. Những người có danh tiếng của Matxcơva đều muốn có vinh dự được ngòi bút Kiprenxki làm cho bất tử.

Sự thừa nhận đương nhiên của những người có uy tín trong hội họa, trong xã hội thượng lưu Peterburg đã biến thành một cái mốt trống rỗng thái quá. Tranh Kiprenxki là một món thời trang được ưa chuộng cũng như phụ nữ chuộng dây chuyền bằng san hô và đàn ông chuộng đồng hồ “sarivari”.

Kiprenxki bắt đầu vẽ tốt hơn trước. Nghệ thuật vẽ chân dung, đặc biệt là chân dung Khvốxtốp đã đạt tới tột đỉnh tài năng của con người. Peterburg chớp lấy một câu văn hoa mỹ của một người nào đó phát ra nói rằng màu sắc của Kiprenxki tác động lên con người như rượu thần. Nó làm tâm trạng người ta biến đổi, từ chỗ đang mỉm cười thành nỗi buồn vô cớ, từ hân hoan chuyển sang ưu tư.

Kiprenxki có tài ứng tác tuyệt vời nhất, nhưng thiếu các hiểu biết cơ bản, thiếu sự kiên trì và lòng dũng cảm, ngập chìm trong hào quang của vinh quang.

Anh không biết thương mình. Cảm hứng- cái trạng thái khó hiểu, tột đỉnh của ước mơ của bao họa sĩ và thi sĩ- kéo dài hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng liền.

Cảm hứng bắt anh phải cười lên vì sung sướng trước mỗi nét vẽ thành công, chịu đựng những cơn mất ngủ, đi lang thang ở Peterburg trong ánh sáng xanh và hào quang của những đêm trắng, nhìn vào mặt nước nhiều màu yên tĩnh để sau này lột tả bằng màu sắc ấy trên nền tranh.

Lòng tin ở sức mạnh, ở tài năng xán lạn của bàn tay, đôi mắt, của sự cảm nhận thế giới luôn làm cho họa sĩ sống trong sự run rẩy căng thẳng không ngừng trong nội tâm.

Từ xưởng vẽ bốc mùi sơn dầu, anh đi về cung đình, ở đó anh cảm thấy không khí cũng cao quí vì hương vị của vô số tranh, đồ gỗ, đồ đồng được làm nên bởi bao bậc thầy lừng lẫy. Ra khỏi cung điện bạn bè náo nức, nhộn nhịp chào mừng anh. Anh gặp những phụ nữ công khai mỉm cười với anh, với vinh quang và tuổi trẻ đầy hạnh phúc của anh - những người đàn bà tuyệt đẹp, đang chờ đợi một tình yêu cũng tuyệt đẹp.

Đầu óc quay cuồng- Ngày tháng lướt qua trong căng thẳng cật sức. Đâu đó ở sâu trong bộ não sự mệt mỏi đã ngấm vào như một con chuột nhắt và nó bắt đầu gặm nhấm, đầu tiên còn rụt rè, thận trọng, gây nên những cơn nhức đầu. Kiprenxki đã nhậm chìm sự mệt mỏi và những cơn nhức đầu trong rượu.

Kiprenxki không biết và cũng không thể biết được vinh quang đối với những con người như anh còn đáng sợ hơn cả cái chết.

Anh ngắm nghía vinh quang, hãnh diện vì nó. Anh thật thà tin ở những lời phỉnh nịnh và những lời tán dương của các nhà báo. Anh nghĩ rằng thế giới đã ở dưới chân anh, bị chinh phục bởi nghệ thuật của anh.

Anh có biết đâu rằng tài năng không được rèn đúc trong những khối nghiêm khắc của văn hóa thì chỉ một tia lửa lóe lên là sẽ cháy thành tro bụi. Anh quên rằng hội họa tồn tại không phải vì vinh quang. Anh đã khinh thường lời nói của Puskin “Sự phụng sự nghệ thuật không thể chịu được tính lăng xăng - Cái đẹp phải đường bệ... ”

Vì điều đó sau này anh đã phải trả giá tàn nhẫn và nặng nề. Ai mà biết được những ngày căng thẳng này sẽ kết thúc như thế nào nếu không có chặng nghỉ lấy sức. Kiprenxki được phép sang Rôma để “hoàn thiện nghệ thuật hội họa”.

Có thể Kiprenxki đã cạn sức mà chết như nhiều người tài năng ở Nga hồi đó. Có thể, nếu được sống gần Giucốpxki và Puskin, những người biết rõ sự mất cân bằng về tinh thần của anh, có lẽ anh đã không bao giờ biến nghệ thuật thành phương tiện thành đạt của cuộc đời. Ai biết được!

Trong thâm tâm anh cũng biết mình phạm sai lầm nhưng không quen phân tích trạng thái tinh thần của mình, không tìm được cách thoát khỏi sự lầm lạc.

Anh mơ hồ thèm muốn một người bạn biết giữ anh khỏi cuộc chạy đua vì sự thành đạt và sự hào nhoáng bên ngoài, chữa khỏi bệnh nhu nhược, truyền cho sự sáng suốt của một tâm hồn lớn và sự khiêm nhã của một thiên tài chân chính. Sự khao khát của một người bạn biết giữ gìn này theo đuổi Kiprenxki tới tận lúc chết, nhưng sự ham muốn cuộc sống dễ dàng và sự thành đạt đã át đi tất cả.

Từ Peterburg đi Lubec, Kiprenxki đi tàu thủy. Biển nổi bão. Kiprenxki đầy thán phục. Ông tưởng con tàu đang đưa mình tới những đất nước lãng mạn mờ sương mà ông đã mơ ước tới từ thời ấu thơ.

Lubec hoang vắng đến ngạc nhiên. Những trung đoàn cuối cùng của Napôlêông mới rút khỏi đây không lâu. Nước Đức đón ông bằng tiếng rì rào của những rặng thùy dương ven đường và tiếng reo của con sông Rây chảy siết. Cuối cùng xe ngựa của Kiprenxki tới biên giới nước Thụy sĩ. Ông trông thấy đỉnh núi Alpơ.

“Tôi nhìn thấy những dãy núi suốt đời bị băng bao vây hãm”. Ông reo lên trong thư gửi Ôlênin.

Kiprenxki dừng chân ở Giơnevơ, nơi ông vẽ một vài bức chân dung và được bầu làm hội viên Hội mỹ thuật. Việc bầu này ông xem là tự nhiên.

Từ Giơnevơ ông đi Italia. Niềm vui không lúc nào xa rời ông. Thiên nhiên xa lạ đầy hoa thơm, cỏ lạ mang lại cho ông một thế giới hội họa mới mẻ.

Những khu rừng rậm trên bờ hồ Lagô-Mađgiô rì rào chào đón ông. ánh nắng lung linh trên các vòm lá như trên mặt biển. Những chùm nho đỏ mọng như những chuỗi hồng ngọc. Những xóm làng soi mình trong làn nước xanh lam. Tiếng nói lạ tai vui vẻ của những người chăn cừu vang lên trong không khí ấm áp lặng lẽ.

ở Milan, Kiprenxki quanh quẩn mấy ngày liền bên bức tranh “bữa ăn tối cuối cùng của chúa Giêsu và các tông đồ”của Lêôna đe Vanhxi. Người trông coi bức tranh đã kể cho ông nghe rằng Napôlêông đã ngồi tư lự sâu xa suốt mấy giờ liền trước tác phẩm của Lêôna. Cuộc tiếp xúc với “bữa ăn tối” đã truyền cho Kiprenxki một niềm tin mới ở sức lực của mình.

“Khi tiếp xúc với sáng tạo của thiên tài - ông viết, - tự nhiên nảy sinh ra sự táo bạo có thể thay cho mấy năm kinh nghiệm.”

ở nhà hát Milan, Kiprenxki lần đầu tiên nghe vở “Chiếc sáo thần kì của Môda”. Những âm thanh trong vắt trong âm nhạc của Môda giống như tiếng kèn bạc làm ông thán phục. Kiprenxki tìm thấy trong âm nhạc của Môda lời biện bạch cho bản thân mình. Vì chính Môda, người sáng tạo ra thứ âm nhạc cao cả này là người giăng gió khó chiều như một người đàn bà, sống thâu đêm suốt sáng bên các bàn tiệc và trong các cuộc ân ái.

Nhưng Kiprenxki không biết rằng Môda không bao giờ chịu để âm nhạc khuất phục sự thành đạt thấp kém của cuộc đời.

Chiếc xe ngựa đến Rôma lúc trời tối. Nó đã bị chậm lại ở Albani. ở đó những viên cảnh sát lười nhác phun nước lưu huỳnh lên hành lý của hành khách. Chung quanh Rôma bệnh dịch tả đang hoành hành. Khi tiếng bánh xe thôi không lóc cóc trên mặt đường, Kiprenxki nghe thấy tiếng rì rào từ những đài phun nước trong thành phố. Tiếng nước rì rào ca hát thành tiếng ru ngủ ban đêm của thành phố.

Trái tim Kiprenxki đập nặng nề. Người ta đưa ông vào căn phòng mái vòm của khách sạn và châm nến.

Ông đã tắt nến ngay và mở rộng cửa sổ. Đêm vĩ đại như quá khứ xa xăm trùm lên thành Rôma, tưởng như những vị thần khổng lồ đang đỡ bầu trời đêm trên đôi vai rộng của mình và đang cúi đầu thấp xuống hơn nữa vì mệt mỏi làm cho các ngôi sao sà xát xuống mặt đất.

Cả một thành phố chưa được biết rõ nằm trước một nhà họa sĩ. Kiprenxki chăm chú nhìn hồi lâu, cố gắng phân biệt những đống hoang tàn hùng vĩ và rùng mình(1). Trong bóng tối hiện lên sừng sững một vòm mái tròn khổng lồ nặng nề còn đen hơn cả đêm. Đó là nhà thờ thánh Pêtrô.

Kiprenxki bỗng thấy hoảng sợ. Ông nhớ lại những năm cuối cùng ở Peterburg. Sự mệt mỏi bất ngờ làm trí não ông lộn xộn.

“Ta đã cạn hết sức lực vì đã làm việc điên cuồng ở Peterburg chưa? - Kiprenxki nghĩ, bước rời xa khỏi cửa sổ - Còn đủ sức để tiếp tục cái đã bắt đầu thành công đến như vậy không? Có thể vươn tới đỉnh cao Rafaen hay không? Mà phải vươn tới. ”

“Không!”- Một người nào đó nói dóng một trong bóng tối ngoài cửa sổ.

Kiprenxki vội quay lại - đó là tiếng chuông nhà thờ nặng nề điểm giờ.

“Không!”Tiếng chuông nhắc lại rồi im bặt. Nhưng bóng tối còn rung lên mãi về cái tiếng đồng âm vang của nó.

Đúng hai giờ đêm. Sức lực đã xa rời Kiprenxki. Ông ngủ thiếp đi vẫn mặc nguyên quần áo.

Còn buổi sáng đến bầu trời Rôma dày đặc như sà xuống sát mặt. Không khí xanh biếc tràn ngập căn phòng. Các đài phun nước ca hát. Tiếng chuông đổ hồi. ở phía dưới, trên quảng trường các cô gái bán rau người Italia cãi lộn nhau và những tay chăn la la hét ầm ĩ.

Kiprenxki nhanh nhẹn rửa mặt vừa huýt sáo vừa nhảy xuống bậc thang, hòa vào đám người muôn vẻ đang dãn ra trước chiếc xe kiệu đỏ của đức Giáo chủ.

Gió bay trên thành Rôma mang theo những đám mây bồng ____________________________

1. Hậu quả của những trận động đất.

khô khan, đúng hệt như trong những bức tranh của các bậc thầy tuổi tác. Kiprenxki bị vinh quang đầu độc như người lạc giữa thành Rôma bí ẩn.

Càng ngày ông càng thấy rõ rằng những đỉnh cao của Rafaen là không thể với tới được. Ông trải qua cái cảm giác như Gôgôl mô tả: “Những sáng tạo vĩ đại của ngọn bút hiện lên mờ ảo trước mắt anh, trên những bức tường tối sẫm, còn hoàn toàn chưa hiểu nổi và không tài nào bắt chước được”.

Cái bí quyết của Rafaen là gì? Cái quyến rũ của các bậc thầy là ở chỗ nào? Làm thế nào mà phát hiện được điều bí mật đó và đưa lên mặt tranh cũng dễ dàng như ngọn bút của ông ta?

Kiprenxki không biết. Ông muốn chinh phục Rôma như đã chinh phục Peterburg cách đây không lâu. Ông hấp tấp và vì thế đã đi theo con đường dễ dàng nhất.

Những bức tranh của Rafaen được họa lên một cách tinh tế và nhẵn bóng. Kiprenxki quyết định cũng vẽ những họa phẩm của mình tỉ mỉ như Rafaen và Kôrêđôgiô. Các bức tranh thành ra khô khan, cứng nhắc. Nhà họa sĩ đã phản lại mình. Đôi mắt ông hầu như không nhìn thấy những màu sống nữa.

Thay cho những bức chân dung tuyệt tác, ông bắt đầu vẽ những cảnh Giêsu buồn tẻ được vây quanh bởi đám hài đồng, đầu các cô digan xinh xắn, có cài hoa hồng.

Ông muốn chinh phục Rôma, nhưng không biết Rôma.

Một lần Kiprenxki nghe thấy ở ngoài phố người ta vui vẻ hát về Brulôp. Lần đầu tiên lòng ghen tị đã cắn rứt ông. Rôma - Rôma vĩnh cửu! Hát về người họa sĩ Nga trẻ tuổi, nhưng không hát về ông, về Orext chói lọi.

Kiprenxki xa lạ đối với Rôma. Bảo tàng tranh Ufitxi ở Florăngxơ đặt ông vẽ một bức chân dung của chính ông. Nhưng Kiprenxki cho thế còn là ít. Nhiều người biết về bức chân dung này, nhưng không phải là tất cả Rôma.

Kiprenxki muốn mình không chỉ là một con người chói lọi trong hội họa mà trong cả đời sống hàng ngày, ở khắp mọi nơi- trong các quán ăn, trong các cung điện, ở Vaticăng, Viện hàn lâm, giữa các cô gái Rôma xinh đẹp và các họa sĩ đầy ghen tị - vinh quang to tát phải bay theo ông, làm chóng mặt, mang lại sự giàu có, vô tư, tình yêu và sự sùng kính.

ở Rôma đã đến lúc phải lựa chọn giữa cuộc sống nghiêm khắc của người họa sĩ chân chính và sự tồn tại vàng son của nhà hội họa thời thượng. Kiprenxki đã chọn cuộc sống thứ hai.

Lúc đó cơn dông chiến tranh đã tàn lụi. Napôlêông đã đi đày ở một hoang đảo ngoài biển xa. Những tiếng sấm của cách mạng đã tắt đi trong không khí ngái ngủ của châu Âu.

Chủ nghĩa lãng mạn đã chết không tìm được chỗ dựa trong cuộc sống chung quanh - chỗ của các anh hùng cũ và những người đàn bà đã thay thế bởi những Tsitsikôp và Khlextakôp(1). Chủ nghĩa lãng mạn đã chết và họa sĩ Kiprenxki cũng chết cùng với nó.

Các họa sĩ Nga ở Rôma đã làm cho Kiprenxki chóng chán.

Suốt ngày họ huýt sáo miệng như những con sáo làm việc sau giá vẽ trong những căn phòng chật chội của mình, tối đến họ quây quần trong quán rượu ở quảng trường Ixpani nhấm nháp loại rượu rẻ tiền, tranh cãi vô bổ với nhau.

Họ để râu cho giống với các họa sĩ bậc thầy thời phục hưng, cẩu thả khoác lên vai những chiếc áo gió, mơ ước vinh quang của Kanôva(2), luôn đau ốm vì bệnh sốt Rôma và thỉnh thoảng lại có người chết vì thổ huyết. Khí hậu Rôma rất độc hại với ____________________________

1. Những nhân vật châm biếm của Gôgôl

2. Nhà điêu khắc Italia nổi tiếng.

người miền Bắc.

Chỉ có hai người Nga làm Kiprenxki để ý. Đó là Brulôp và Tamarinxki rụt rè bị bệnh thổ huyết.

Ông không thân được với Brulốp. Ông ta thường im lặng đến khó chịu trong khi xem những bức tranh mới nhất của Kiprenxki ở Italia, Kiprenxki hay nghi hoặc xem đó là sự ghen tỵ. Tamarinxki cũng im lặng, nhưng trong ánh mắt không có vẻ chê bai. Thậm chí ở Rôma lúc nào ông cũng quàng khăn len lên chiếc cổ khẳng khiu và luôn than phiền vì hơi đêm ẩm ướt - buổi tối gió đưa mùi đầm lầy từ Kampani tới.

Tamarinxki là con một thầy dòng. Bố ông đã ngã gục vì kiệt sức khi đọc kinh phúc âm tại buổi thánh lễ trước mặt hoàng đế Pavel. Bạn bè cho vì thế mà sức khỏe của Tamarinxki yếu kém. Vì Tamarinxki ra đời sau sự việc này một năm.

Tamarinxki quen với Torvanxen, nhà điêu khắc trứ danh người Đan Mạch, người đua tranh với Kanôva đang sống ở Rôma thời đó. Torvanxen vừa hoàn thành bức tượng bán thân huân tước Bairơn. Cả Rôma còn đang bàn tán về chuyến viếng thăm thành phố của nhà thơ người Anh này.

Kiprenxki còn giữ trong lòng mình từ ngày còn ở Peterburg kỉ niệm về Bairơn. Ông chua chát oán trách số mệnh đã đưa ông đến Rôma khi Bairơn đã rời khỏi đây. Thậm chí ông còn ghen tị cả với những tên hầu trong các quán nước đã được nhìn thấy người Anh tuyệt vời này.

Kiprenxki rủ cả Tamarinxki cùng đến Torvanxen xem bức tượng Bairơn và nói chuyện về nhà thơ.

Hồi đó Kiprenxki đang vẽ những bức tranh phỏng dụ theo “Ngôi mộ Anakrêôn”và “cô gái digan cầm cành hương đào”. Ông vẽ một cách mềm mại, cố gắng dùng những mẫu dễ ưa và cách bôi màu mịn màng để gây ra sự thán phục của công chúng Italia.

Những bức tranh được khen ngợi, đặc biệt là “Ngôi mộ Anakrêôn”. Nhà thơ Italia Gôti, thậm chí còn ca ngợi bằng những câu thơ khá nặng nề. Nhưng không như xưa nữa - trong những lời khen ngợi không có sự xúc động chân thành, bởi màu sắc không có được vẻ sống động và nét bút không có khoáng đạt nữa.

Cuộc thăm Torvanxen đã mang lại niềm vui và sự đau khổ lớn nhất cho Kiprenxki.

Người Đan Mạch tóc trắng thói thường vẫn vô tư và uể oải, tối hôm đó tỏ ra cáu kỉnh và xúc động. Khi Kiprenxki cùng với Tamarinxki leo lên những bậc thang sắt cót két dẫn vào xưởng vẽ của Torvanxen, thì từ cửa xưởng chạy bổ ra một người phục phịch. Vừa quạt mặt đẫm mồ hôi bằng một chiếc mũ phớt, người đó lao qua Kiprenxki và suýt làm ông trượt ngã. Kiprenxki nhận ra đó là một nhà điêu khắc nổi tiếng về những bức tượng làm khéo nhưng không có sức sống. Cánh cửa xưởng vẽ bỗng bật mở. Torvanxen xuất hiện.

- Tôi lấy răng gặm đá hoa còn tốt hơn cả anh dùng dao đấy! - Ông kêu lên với nhà điêu khắc đã bỏ chạy và sập cửa.

Kiprenxki do dự và gõ cửa. Người đầy tớ ra mở cửa. Torvanxen đi lại mau lẹ trong xưởng. Trên ghế đi văng là Kamutsimi khôi ngô,nhà họa sĩ vẽ đề tài lịch sử, tay cầm mũ trụ đang ngồi cười nhìn Torvanxen.

- Tôi lấy làm lạ là một người có đầu óc có thể cười được. - Torvanxen nói và quay lại. Cơn thịnh nộ của ông đã qua mau. Một phút sau ông đã rót rượu vào cốc và đuổi những con chó lông xù đang lấy chân cào vào cái ghế nhung của khách.

Họ sôi nổi nói chuyện về điêu khắc. Kiprenxki nói ông cảm thấy Vaticăng trong đá hoa như chết và nó không gây ra niềm xúc động như các sáng tác vĩ đại của nghệ thuật.

- Anh bạn của tôi, - Torvanxen vừa cười vừa giơ cốc rượu lên ánh sáng, nói: - Anh bạn người Nga trứ danh của tôi. Để đến đêm nay tôi chỉ cho bạn xem những đá hoa này và anh sẽ thay đổi ý kiến nông nổi của mình.

- Sao, giữa ban đêm à? Kiprenxki thốt lên.

- Ta không vội vén bức màn bí mật lên quá sớm- Torvanxen láu lỉnh nói.

Kamutsini mỉm cười độ lượng.

- Không được phỉ báng đá hoa. Không có gì thể hiện tốt hơn sự trong sạch của thân thể con người. Nó quá thanh cao đối với bàn tay thô thiển của tôi. Tôi cúi đầu trước con dao khắc của Kanôva. Từ thuở bé tôi quen khắc tượng bằng gỗ. Tôi giúp bố tôi. Bố tôi người ái nhĩ lan, là người chuyên khắc gỗ ở Kopenhao - khắc những hình thù bằng gỗ cho các mũi tàu. Ông là một họa sĩ tồi. Những con sư tử của ông giống những con chó béo, còn những nữ thần biển lại giống như những cô bán cá.

Torvanxen bật cười:

- Bố tôi buồn phiền vì công việc không thành công. Buổi tối, mấy giờ trước lúc tôi sinh, mẹ tôi ngồi quay tơ. Vì sắp đẻ, mẹ tôi đãng trí và quên không nối một sợi tơ. Cái đó người Đan Mạch chúng tôi xem là điềm lành. “Anh Peter, - mẹ tôi nói, sau khi đã sinh ra tôi, - anh đừng buồn. Em quên không nối sợi tơ đứt. Như thế con sẽ mang lại hạnh phúc cho chúng ta”. “Anh không biết điều đó là thế nào! - Bố tôi nói”. “Em cũng không biết rõ điều đó, - Mẹ tôi đáp lại, - nhưng em nghĩ kẻ nào mang lại hạnh phúc cho nhiều người thì đó là kẻ hạnh phúc. ”

Torvanxen rót rượu cho Kiprenxki.

- Uống đi. Các bà mẹ đều nói sai về con mình. Mẹ tôi đã nhầm khi nói về tôi. Tôi kể cho anh, người bạn Nga trứ danh của tôi là để giãi bày cái khái niệm ngây thơ về hạnh phúc của mẹ tôi. Tôi ghen tị với anh đấy. Anh phải trở thành một người hạnh phúc vô tư. Tôi biết các công trình của anh ở Peterburg. Vì vậy hãy cạn chén và đừng hỏi gì về tượng Bairơn nữa. Tôi không cho bạn xem được.

- Vì sao?

- Về điều đó ta sẽ nói chuyện trên đường tới Vaticăng.

Kiprenxki thắc mắc. Họ đi ra. Đêm Rôma đầy bóng tối, ánh lửa, tiếng bánh xe chạy xa dần và mùi hương hoa nhài.

- Tại sao bạn lại không cho chúng tôi xem tượng Bairơn? - Kamutsini hỏi. - Chả lẽ chúng tôi không xứng với điều đó sao,

Torvanxen dừng lại bên một quầy bán hoa quả, châm tẩu thuốc vào một ngọn nến to được móc vào bên quầy. Những chùm bắp ngô khô treo lủng lẳng giữa những cành cam,

- Các bạn đừng phật ý vì điều đó. - Torvanxen nói. - Tôi không cho các bạn xem tượng Bairơn vì nó không hoàn thiện, không thể hiện được tâm hồn của thi hào, khi Bairơn bước vào xưởng vẽ tôi đã quá mừng như trẻ con ái nhĩ lan mừng ánh nắng hè sau mùa đông. Tôi vừa hát vừa tạc tượng, mặc dầu kiểu làm mẫu của Bairơn thật kinh khủng. Nét mặt ông thay đổi không ngừng. Không có một giây nào nó tĩnh lại. Hàng nghìn tình ý biểu hiện trên gương mặt đẹp đẽ này như hàng nghìn lời nói khi vui, buồn, khi sắc sảo tuôn ra từ miệng ông. Tôi nhắc ông, nhưng không ăn thua gì. Khi tôi làm xong, Bairơn liếc nhìn bức tượng và bảo: “Bạn không tạc tôi mà là một anh chàng yên ổn. Tôi không giống bức tượng này”. “Có gì là xấu nếu người ta sung sướng?”Tôi hỏi. “Torvanxen, - ông nói và mặt ông tái đi vì tức giận- hạnh phúc và sự yên ổn cũng khác nhau như đá hoa và đất sét. Chỉ có những kẻ ngu và những người tâm hồn thấp kém mới tìm kiếm sự yên ổn trong thế kỉ chúng ta. Chẳng nhẽ trên mặt tôi không có nét nào nói lên sự đắng cay, lòng can đảm và đau khổ của suy nghĩ ?”Tôi cúi đầu và trả lời “Người nói đúng - con dao khắc đã phản tôi. Tôi nhìn người và vui mừng quá - mà niềm vui làm đôi mắt sai lệch”. “Chúng ta còn gặp nhau”. Bairơn nói, bắt tay tôi rồi đi ra. Mấy hôm sau, một người Nga giàu có hỏi mua bức tượng với giá một nghìn xêkhin

- Thế sao? - Kiprenxki vội vã hỏi.

- Không sao cả. Tôi trả lời người đó “Thưa ngài nếu ngài trả tiền để tôi đập vỡ bức tượng ra thì tôi sẵn sàng lấy tiền. Tôi không bán sai lầm của mình. ”

Torvanxen bật cười. Kiprenxki im lặng. Những lời của Torvanxen làm ông đau lòng. Người Đan Mạch đã chạm đúng vết thương.

- Ta còn mang lại hạnh phúc cho nhiều người như trước nữa không. - Kiprenxki nghĩ! - Chả lẽ chỉ có những thằng ngốc mới thu xếp cuộc sống yên ổn thôi ?...

Những ý nghĩ đó đứt đoạn khi họ đến Vaticăng. Torvanxen đưa cho người gác cổng giấy phép của Đức giáo chủ.

Dưới ánh sáng của ngọn nến mờ, họ đi vào những gian phòng tối và âm vang, nơi hàng trăm năm nay đã từng sống trong sự tịch mịch những bức tượng, những bức bích họa, phù điêu và các loại tranh. Ông thầy dòng già lão đi theo Torvanxen.

Torvanxen dừng lại giữa gian phòng thênh thang. Đá hoa trắng lên mờ mờ trong các hốc tường.

- Thưa cha! - Torvanxen khẽ gọi ông thầy dòng. Ông lão lại gần. Torvanxen cầm lấy cây đuốc từ trong tay ông mà trước đó Kiprenxki không nhận thấy và châm lửa vào ngọn nến.

ánh lửa hồng hắt lên trần nhà, bất thần những tượng người sáng lên trong ánh sáng bập bùng.

- Bây giờ các bạn hãy nhìn đi! - Torvanxen khẽ nói.

Các họa sĩ đứng lặng người. Kiprenxki nhìn vào ánh sáng ẩn hiện trên mặt đá ấm. Ông chăm chú ghi lại trong trí nhớ sự uyển chuyển của bóng tối khiến cho bộ mặt của các anh hùng và các nữ thần trở nên sống động lạ thường.

Cái cảm giác quen thuộc ở Peterburg gần như đã quên đi làm toàn thân ông run lên. Nước mắt trào ra làm cổ họng nghẹn ngào.

- Thế nào, đá nó sống đấy chứ! - Torvanxen khẽ hỏi.

- Sống thật! - Kiprenxki trả lời giọng khản lại

- Sống thật! - Kamutsini và Tamarinxki nhắc lại.

- Các bạn ạ! - Torvanxen nói chắc nịch, - các hình tượng của nghệ thuật điêu khắc cổ đại chỉ nảy sinh ra như vậy và những qui luật nghệ thuật trong nơi bí ẩn của tâm hồn chúng ta cũng được tạo nên như vậy. Các họa sĩ đứng không nhúc nhích. Họ im lặng. Ngọn lửa cháy phần phật soi sáng các gian phòng vô tận.

Suốt đêm hôm đó Kiprenxki không ngủ. Chuông nhà thờ vẫn vang rền như mọi khi và những giọt nước mắt làm trái tim đập nặng nề.

- Ta đã làm mất đi những qui luật nghệ thuật ở đâu, trên những đoạn đường nào? Ta lại có thể trở nên tự do nữa hay không? - Kiprenxki tự hỏi mình, nhưng tức khắc cái ý nghĩ ấy chìm vào cơn buồn ngủ và vần điệu của những câu thơ đã lãng quên.

Và trái tim dịu dàng trong lửa cháy đau thương

Quằn quại suốt thâu đêm đến lúc trời rạng sáng

Nhà họa sĩ mệt mỏi thiếp đi. Bình minh tỏa sáng trên thành Rôma.

Cơn chấn động trong các gian phòng Vaticăng không phải trôi qua mà không để lại dấu vết gì. Kiprenxki lại bắt đầu làm việc với sự rung cảm trước đây. Ông vẽ chân dung hầu tước Gôlitxưn, một trong những tác phẩm giàu chất thơ nhất của nền hội họa Nga.

Kiprenxki lại đạt tới sự mô tả thấu đáo trước đây nhà quí tộc, con người thần bí, bạn riêng của hoàng đế Alêchxanđrơ đệ nhất.

Bức họa này Kiprenxki vẽ bằng màu nâu mịn màng sâu thẳm và màu lam. Đằng sau vị hầu tước tái nhợt đang ngồi là vòm mái nhà thờ cổ thánh Pêtrô, những hàng cây tối đen và bầu trời phủ đầy mây dông cuồn cuộn - đúng như trên các bức tranh của các bậc thầy xưa.

Bức tranh thứ hai - bá tước tiểu thư Serbatova, - Kiprenxki vẽ bằng những màu dịu dàng, tươi sáng, mềm mại như chiếc khăn san lụa choàng lên vai bá tước tiểu thư. Tất cả những gì tốt đẹp nhất còn lại trong các cuộc tiếp xúc với những phụ nữ trong cuộc sống thường ngày Kiprenxki đã thể hiện trong hình tượng Serbatova - vẻ tư lự, vẻ dịu dàng và sự trinh bạch của người thiếu nữ.

Có lẽ đó là những họa phẩm cuối cùng của Kiprenxki, nếu không kể đến chân dung cuối cùng của Gôlêniseva- Kutudova và vài bức họa khác. Lần cuối cùng Kiprenxki đã dùng ngọn bút khơi ra từ trí tưởng tượng sâu sa hình ảnh của những con người và những phụ nữ yêu quí - họ không còn có trong cuộc đời thực nữa. Đó là ánh chớp trước lúc lụi tàn.

Sau đó Kiprenxki đã vẽ những bức tranh ngọt ngào, giả tạo - những mụ địa chủ õng ẹo, những người giàu có buồn tẻ, đại diện của giới quí tộc dửng dưng. Ông định thay thế những cá tính sắc bén trước đây bằng sự mô tả những chi tiết sinh hoạt. Ông ngây thơ nghĩ rằng những y phục, những nhẫn, những ghế bành và ống điếu có thể kể về con người nhiều hơn là ngọn bút thiên tài của ông trước đây.

Cử động thoải mái của người trong tranh được thay thế bằng dáng điệu đần độn cứng nhắc. Màu sắc trở nên hoen bẩn, mờ đục làm cho mắt khó chịu. Đơn đặt hàng trút xuống như mưa. Trong ngăn kéo giấy bạc xếp thành tập và có cả tiếng vàng xủng xoảng nữa.

Khoảng thời gian đó xảy ra một sự kiện bí ẩn để lại bóng đen trong cả quãng đời tiếp theo của Kiprenxki.

Để làm bức tranh “Ngôi mộ Anakrêôn”, Kiprenxki đã tìm một người mẫu xinh đẹp. Chị đã có một con gái - cháu bé Mariutsa. Kiprenxki vẽ cả mẹ lẫn con.

Một buổi sáng người ta thấy chị người mẫu chết. Chị chết vì các vết bỏng. Trên mình chị phủ một tấm vải có đổ dầu nhựa thông và cháy nham nhở. Mấy ngày sau người đầy tớ của Kiprenxki, một người Italia trẻ và táo bạo - chết trong bệnh viện thành phố vì một bệnh không ai biết.

Những tin đồn âm thầm bò lan trong thành Rôma. Kiprenxki khẳng định rằng tên đầy tớ đã giết người mẫu. Cảnh sát Rôma trễ nải bắt đầu cuộc điều tra mãi sau cái chết của người đầy tớ và tất nhiên chẳng xác định được điều gì.

Những người dân thường Rôma, và sau họ cả một vài họa sĩ đã công khai nói rằng chính Kiprenxki, chứ không phải là người hầu đã giết chị người mẫu.

Rôma ngoảnh mặt đi với họa sĩ. Khi ông ra phố, bọn trẻ con ném đá vào người ông từ sau các hàng rào và huýt sáo, còn những người láng giềng - các thợ thủ công và thương nhân - dọa giết ông.

Kiprenxki không chịu nổi sự săn đuổi chạy khỏi Rôma sang Pari

Trước khi đi ông đưa bé Mariutsa đến nhà nuôi các cháu gái mồ côi và phó thác cho đức giáo trưởng. Ông để lại khoản tiền ăn học cho cô bé và yêu cầu vài họa sĩ ít ỏi còn chưa quay lưng lại với ông, chăm sóc Mariutsa và báo cho ông biết về số phận cô bé.

ở Pari, các họa sĩ trước là bạn của Kiprenxki đã không tiếp ông. Tiếng đồn về vụ án mạng lan đến tận đây. Các cánh cửa đóng sập trước ông một cách thù địch. Cuộc triển lãm tranh ông tổ chức ở Pari bị lãnh đạm, báo chí không thèm nhắc tới

Kiprenxki bị ném ra khỏi xã hội. Ông cảm thấy oán hận. Không có đường về Italia. Pari không tiếp nhận ông, chỉ còn một nơi trên trái đất mà ông có thể nương náu qua những ngày tháng khủng khiếp và lại cầm lấy ngọn bút. Đó là nước Nga, tổ quốc đã xa rời, đã chứng kiến giờ phút tài năng ông đạt tới đỉnh cao và vinh quang,

Năm 1823, mỏi mệt và căm giận, Kiprenxki trở về Peterburg.

Bầu trời xám Peterburg hàn gắn chậm chạp những vết thương. Những người bạn cũ gặp nhau không biết nói chuyện gì. Không ai hỏi Kiprenxki về Italia. Những câu chào đơn điệu và cố tình vui vẻ khi gặp nhau: “Chà, Orext, anh vẫn cứ nguyên như vậy”, làm họa sĩ chán ngấy đến tận cổ.

Kiprenxki hiểu rằng tình bạn lung lay vì xa cách. Nhớ lại quá khứ, ông chỉ thở dài, hoặc dửng dưng, buồn chán.

Chỉ có những thửa vườn, sông Nêva và bầu trời vẫn như xưa. Tình bạn của chúng là mãi mãi, là không gì chia xẻ được. Nó không đòi hỏi phải đáp lại.

Kiprenxki làm việc, nhận được các đơn đặt hàng xứng đáng, vào hoàng cung vẽ lại từ bức tượng của Torvanxen, hoàng đế Alêchxanđrơ đệ nhất vừa quá cố, thỉnh thoảng một người đỡ đầu và bạn bè lại đến thăm.

Nhưng thời xưa đâu còn nữa. Mắt đã mờ đi, luôn lộ vẻ lo lắng, giọng nói yếu hơn. Sáng dậy họa sĩ nằm trên giường hàng giờ liền, không suy nghĩ gì, không nghe ngóng gì.

Có khi vừa bôi lên vải màu xám hay màu hồng sữa và hầu như không nhận ra màu chết lặng, Kiprenxki đột nhiên ném bút xuống sàn như một người điên chạy ra phố. Ông đi, không còn biết ai ở chung quanh,về vùng ngoại ô thành phố, nơi những căn nhà gỗ tối tăm đã mục ra trong sương mù và đến đêm mới trở về.

Trong thời gian đó thỉnh thoảng cuộc sống chung quanh ở Peterburg lại có gì đó gợi nhớ đến Italia. Niềm nhớ tiếc không khí trong sáng, những hàng cột tròn cổ kính nóng ấm ánh mặt trời và mùi hoa nhài luôn luôn và luôn luôn làm trái tim đau đớn âm thầm. Với vẻ kiên trì đến khó hiểu, Kiprenxki cho các bạn bè xem những bức tranh vẽ ở Italia và đòi hỏi lời khen ngợi. Tất cả những gì đã làm được ở Italia ông đều thấy tuyệt mĩ. Bạn bè nhăn mặt, nhún vai ngơ ngác.

Kiprenxki vẽ chẳng hay mà cũng chẳng dở, một cái gì đó đã tắt đi ở bên trong. Một lần Berkenđorf cử người đi tìm ông. Bá tước muốn Kiprenxki vẽ những đứa con của lão.

Kiprenxki tặc lưỡi đồng ý. Lúc này ông mặc tất, muốn vẽ ai cũng được - dù đó là Puskin, Berkendorf, Kukhenbeckerơ hay Arađseep. Sự thối trí của mình Kiprenxki cố tình che đậy bằng cái tính xốc nổi bên ngoài và cố không nhớ lại lời ông đã từng nói trước đây nhiều năm khi người ta khuyên ông vẽ chân dung Arađseep.

- Vẽ hắn không phải bằng màu mà bằng máu và những thứ bẩn thỉu. Bảng màu của tôi không có những thứ đó.

Chỉ có hai sự kiện trong những năm cuối cùng ở Peterburg ấy làm Kiprenxki ghi nhớ: trận lụt năm 1824 và việc vẽ chân dung Puskin.

Trong ngày xảy ra trận lụt, Kiprenxki không lần nào nhớ tới Italia. Buổi sáng ông thức dậy vì tiếng đại bác làm rung chuyển cả nhà cửa. Gió rít lên trong các hành lang tối tăm của căn nhà trống trải. Kiprenxki mở tung cửa sổ xưởng vẽ và cười to, người đang còn ấm vì giấc ngủ, ông bị hơi nước biển ập vào. Bầu trời tối om ảm đạm ngoài cửa sổ đang không ngừng xô về phía đông.

- Bão! - Kiprenxki rú lên và chạy đến cửa sổ.

Bão đang tung hoành trên thành Peterburg như tuổi xuân đang trở lại. Mưa thưa thớt đập vào cửa sổ sông Nêva mỗi lúc một to lên trông thấy và tràn qua bờ đá. Người ta đang chạy dọc theo các tòa nhà tay giữ lấy vành mũ. Gió làm bay tung các tà áo. Một thứ ánh sáng mờ ảo dữ dội và lạnh giá khi thì tối sầm lại, khi thì sáng lên theo chiều những cơn gió đang xô dạt những đám mây trên thành phố.

Kiprenxki xuống phố. Tiếng đại bác nổ mau hơn và đáng lo ngại hơn. Những lính thương kỵ binh ướt át phi nhanh trên các con đường ngập nước làm nước sủi bọt ầm ĩ. Những con thuyền trát nhựa buộc dây chòng chành bên các hàng rào gang. Sông Nêva chuyển động, cả một khối nước khổng lồ nặng nề gầm rú bên những trụ cầu. Trong các nhà đều thắp nến sáng.

Một niềm hân hoan khó hiểu tràn vào tâm hồn Kiprenxki. Ông run lên vì rét và vì hưng phấn. Họa sĩ vội quay về nhà, châm lửa trong cái bếp lò tròn bằng gang và vơ lấy hộp màu. Biết lấy gì để mô tả màu sắc của cơn động trời này? Ông trộn màu nâu nhạt. Ông dùng một chiếc lông ngỗng uyển chuyển bắn tung tóe nước màu. “Trận lụt”đã ra đời như vậy.

Khi Kiprenxki vẽ chân dung Puskin, nhà thơ có vẻ đang tư lự mặc dầu cố tình đùa vui.

Kiprenxki quyết định tất cả vẻ đẹp của thơ ca Puskin không thể hiện trên bộ mặt lúc đó đang có vẻ mệt mỏi và lại hơi vàng vọt nữa, mà qua đôi mắt và những ngón tay. Họa sĩ truyền cho đôi mắt một vẻ trong sáng, trong sáng đến mức người ta gần như khó có thể đạt tới được cùng với sự tinh nhanh và bình tĩnh, còn những ngón tay thì đầy vẻ xao xuyến tinh tế và sức mạnh.

- Anh phỉnh tôi đấy, Orext ạ! - Puskin buồn bã vừa khẽ nói, vừa nhìn bức chân dung hoàn thành.

Một lần Puskin đọc cho Kiprenxki những câu thơ về nước Italia hầu như cảm thấy nỗi buồn nhớ “đất nước của những cảm hứng cao cả”mà họa sĩ mới rời bỏ:

Nơi Torkvato vĩ nhân đã hát

Mà giờ đây trong bóng đêm đen sẫm

Những con sóng của biển Ađriatich

Vẫn hòa theo giọng hát của ông

Nơi Rafaen đã tung hoành ngọn bút

Và Kanôva với con dao khắc thần kì

Bắt đá cũng phải sống như những con người

Nơi Bairơn người thích giày vò khắc khổ

Đã đau, đã yêu thương, nguyền rủa.

Kiprenxki nghe, cúi đầu, cây bút dừng lại trên mặt vải. Lúc đó ông đang vẽ đến đôi môi của nhà thơ, Puskin đang đọc thơ nên làm hỏng đường nét khép kín thật giống với đôi môi của lứa tuổi thiếu niên.

- Alêchxanđrơ Xergâyevits, - Kiprenxki nói vẫn không ngẩng đầu lên, - tôi muốn mang theo giọng nói của anh xuống mồ.

- Đủ rồi, Orext, - Puskin trả lời và bỗng nhiên kêu lên bằng một giọng kim mà các cô gái Phần Lan bán hoa quả thường rao:

- Ai mua nham lê! Ai mua nham lê! Quả ngon đây!

Kiprenxki bật cười và dễ dàng hạ ngọn bút trên mặt vải.

Nặm 1827 Kiprenxki đi Rôma. Ông những tưởng ở Rôma vinh quang xưa sẽ trở lại. Nhưng cuộc đời đã gần kết thúc và tài năng đứt đoạn một cách tàn tệ.

ở Rôma, Kiprenxki buồn chán. Ông mong chờ các sự kiện, những đổi thay. Mariutsa đã lớn trở thành một cô gái thon thả đáng yêu. Kiprenxki đã yêu cô, nhưng tự giấu điều đó với mình, với Mariutsa và số bạn bè ít ỏi của mình.

Vì buồn bực và vì nỗi lo âu khó tả ông bắt đầu uống rượu. Ông không biết ở đời còn có phải làm gì nữa. Công việc làm ông chóng mệt, mà không làm thì thiếu tiền. Và Kiprenxki làm việc cũng như hàng trăm họa sĩ thủ công, sao lại những bức tranh của Rafaen, Koređgiô, Mikêlangiêlô cho những người ngoại quốc giàu có. Ông thường vẽ theo yêu cầu chân dung của những người ông thấy dửng dưng và ngáp vặt vì buồn chán.

Rôma vẫn như xưa dù họa sĩ đang chết mòn. “Vẫn những làn gió ấm ấy xào xạc trong các vòm cây, vẫn mùi hoa hồng ấy, và tất cả cái đó - là cái chết. ”

Những buổi hoàng hôn vẫn rực lên hùng vĩ như trước đây họa sĩ đã từng nhìn ngắm từ trên đồi Pintsiô. Gôgôl đã từng yêu cái ánh sáng dữ dội và bóng tối của cái buổi chiều ở Rôma. Ông đã từng đứng xem hoàng hôn cùng với các họa sĩ và bực dọc khi có người gọi ông:

- Đừng quấy rầy tôi, - ông kêu lên. ít ra cũng nên để cho con người trở nên tốt đẹp hơn trong một khoảnh khắc giữa cuộc đời chẳng lấy gì làm âu yếm này.

Những sàn đá trong các quán ăn Italia vẫn bốc lên mùi rượu, nơi chiều chiều Kiprenxki gặp gỡ với người bạn mới của mình, nhà khắc gỗ Iorđan. Iorđan mến Kiprenxki và gọi ông là “một tấm lòng vô cùng hiền hậu”.

Mười năm ở Rôma, Iorđan đã dùng để khắc gỗ bức tranh “Sự biến đổi”của Rafaen. Sàn gạch trong buồng bên giá khắc chân ông đã giẫm mòn thành một hố sâu. Gôgôl thích kể cho các họa sĩ nghe về chuyện này. Các nhà họa sĩ đều kính nể Gôgôl nhưng e ngại ông - vì nhà văn không ưa giao tiếp và ít nói.

Ivanốp hồi đó đang vẽ tranh “Đức chúa Giêsu giáng thế. ”

Kiprenxki thì ngồi lì trong quán rượu. Ông mang theo bánh mì và ném cho các con chó hoang ăn. Chó theo ông hàng đàn, nhưng chúng không được phép vào quán ăn. Lúc đó chúng ve vẩy đuôi, nhẫn nại ngồi đợi bên cửa ra vào. Nhìn đàn chó tụ tập bên cửa này hay bên cửa kia quán rượu mà những người đặt hàng tìm được họa sĩ. Người ta thường bắt gặp ông ngồi bên chiếc bàn chất đầy các chai rượu. Ông thường đòi người hầu bàn thắp nến ở trước mặt và trước khi uống rượu lại giơ cốc lên soi qua ánh sáng.

- Thật đáng tiếc, anh bạn thân ơi, - một lần ông nói với Iorđan, - là không thể vẽ bằng rượu. Nếu được thế, chúng ta sẽ đưa vào tác phẩm thêm bao ánh sáng và sự rung động.

- Những màu của ông, ông Orext, - Iorđan lịch sự trả lời - không hề thua kém vẻ óng ả của rượu vang chút nào.

Kiprenxki nhăn mặt không bằng lòng và quay đi

- Cái gì đã qua là mất hẳn - ông nói giọng khàn khàn.

Kiprenxki không biết làm gì trong quãng đời còn lại. Cuộc sống thật thiếu ấm cúng và cô đơn. Lúc đó Kiprenxki quá quẫn trí đã phạm thêm một sai lầm cuối cùng. Ông lấy Mariutsa. Cô không yêu ông, nhưng gắn bó với ông con người đã cứu cô khỏi sự bần hàn đói rét. Kiprenxki đã nhập đạo Giatô để được lấy Mariutsa. Cùng với Mariutsa ông đi Nêapôn. Cuộc sống sáng sủa lên chẳng được bao lâu. Từng giờ nhà họa sĩ bệnh hoạn và buồn bã luôn cảm thấy sự có mặt của cô gái Italia trẻ trung bên cạnh. Cô đọc cho ông nghe những cuốn sách về lịch sử nước Italia, những bài bình luận về hội họa và thi ca. Kiprenxki theo dõi từng cử động của cô cố tránh cho Mariutsa khỏi những khó khăn bé nhất của cuộc sống, che chở khỏi sự buồn tẻ.

Tiền tiêu mất nhiều. Kiprenxki sẵn sàng làm mọi chuyện để kiếm tiền. Ông bắt đầu vẽ những bức tranh phong cảnh ngọt ngào tả núi lửa Vêduvi, bán ở Peterburg những bản sao các bức tranh của những người Italia nổi tiếng, khúm núm trước bá tước Seremetiép vẫn hay giúp ông tiền nong, viết cho bá tước những bức thư có vần bông đùa thảm hại:

Trời đã sắp sang hè

Mà tôi chẳng còn xu

Ông yêu cầu Berkenđorf cho vay hai mươi nghìn rúp trong năm năm. Ông gợi ý rằng vì những công lao về hội họa trong quá khứ Kiprenxki đáng phải được tặng thưởng huân chương. Nhưng Peterburg im lặng.

Sự suy sụp của họa sĩ tất yếu phải xảy ra. Ai biết được Kiprenxki có hiểu đến gốc rễ sự bất hạnh của mình không? Nỗi bất hạnh gây ra bởi sự nhu nhược, sự rượt theo các thành đạt của cuộc đời, không có thị hiếu và quan điểm vững vàng.

Nếu ông không hiểu được điều đó, chắc ông cũng phải hiểu rằng trong ông đã hình thành một con người nhỏ nhen, hèn kém và đã biến mất trong sương mờ của quá khứ hình ảnh chàng thanh niên thiên tài vui tính, đứa con của thế kỉ lãng mạn.

ở Nêapôn, Kiprenxki thu hết tàn lực vẽ nên bức chân dung đầy chất thơ của Gôlêniseva - Kutudova. Bức chân dung này hiện lên giữa những họa phẩm rẻ tiền bất hạnh của Kiprenxki như một tia chớp lòe cuối cùng của quá khứ.

Từ Nêapon, Kiprenxki cùng Mariutsa đi Flôrenxi và Bôlônhi, rồi từ đó về Rôma. Ông nhìn những thành phố hoang vắng này bằng đôi mắt tàn lụi, uể oải dạo bước trên đường phố ngập trong đám cỏ trổ hoa và lảng tránh những hồi ức. Sự huy hoàng của quá khứ đối với ông xa tắp, ông chỉ còn thèm muốn sự yên tĩnh, rượu vang, những giấc ngủ yên tĩnh, có tác dụng như một liều thuốc để quên đi những lo âu của những năm cuối đời.

ở Rôma, Kiprenxki sống trong cung điện cổ Klavđia, nơi trước đây họa sĩ người Pháp Loren đã từng sống.

Kiprenxki uống rượu nhiều và đêm nào ông cũng trở về say khướt, dẫn theo một đàn những tay khả nghi nhẵn mặt ở các quán rượu.

“Cô vợ trẻ của ông, - Iorđan viết, - không muốn thấy nhà họa sĩ vĩ đại trong cái tư thế không đẹp mắt như vậy và không cho ông vào nhà. Ông thường ngủ đêm trong hành lang của nhà mình. ”

Trong một đêm như vậy tháng mười năm 1836, Kiprenxki bị cảm. Ông ốm mất mấy hôm rồi nằm xuống hẳn. Mariutsa cho gọi bác sĩ Rikarđi, chuyên chữa chạy cho các họa sĩ Nga tới.

Ông già đầu hói luôn cựa quậy, giống như hình nộm bụi bậm của một con chim bước vào căn phòng mái thấp, nơi Kiprenxki đang nằm. Từ các bức tường đá trống trải toát ra hơi lạnh. Ông già nhìn ngó chung quanh, lông mày nhíu lại - trong phòng ở của nhà họa sĩ trứ danh chỉ treo một bức tranh - bức chân dung chưa hoàn thành của Mariutsa.

Kiprenxki đang trong cơn mê sảng.

Có tiếng chân người vội vã bước từ các căn phòng bỏ trống phía xa vọng lại. Bóng tối dày đặc tụ lại ở các góc phòng và dọc hành lang dài bằng đá. Sống trong một căn nhà như vậy thật cô đơn và lạnh lẽo.

Rikarđi nghe bệnh nhân. Gió đêm thu xào xạc trên thành Rôma. Cung điện cổ đầy tiếng âm vang kì lạ, tiếng hát trầm của các ống khói lò sưởi, tiếng va đập của các thành cửa sổ, tiếng cọt kẹt của bản lề cửa.

Rikarđi nhìn 1163 hồi lâu bộ mặt nhợt nhạt của Kiprenxki, gạt khỏi trán những sợi tóc đen bóng lên vì mồ hôi.

- Xihora, - ông nói với Mariutsa, - chồng bà bị bệnh sốt vì sưng phổi. Tiếng gió thổi làm tôi không nghe ông ấy được kĩ lắm. Tình trạng xấu lắm. Phải trích huyết.

Mariutsa im lặng. Cô thấy sợ hãi phải ở đây một mình với con người đang mê sảng bỗng trở nên hoàn toàn xa lạ với cô.

Trong cơn mê Kiprenxki nói tiếng Nga. Mariutsa gần như không hiểu gì cả. Cô òa lên khóc. Kiprenxki tỉnh lại nhìn Rikarđi và nắm lấy tay ông:

- Alechxanđrơ Xergâyêvits(1) - ông nói se sẽ và nước mắt ông trào ra đôi má không được cạo, - cám ơn, sao anh đi xa thế, anh bạn thân yêu... Đêm trời xấu thế này mà anh không đành rời tôi...

Rakirđi cúi xuống gần bệnh nhân.

- Ai thế? - Kiprenxki lo lắng hỏi. Txiriunich?

- Tôi là bác sĩ, - Rikarđi trả lời. - Hãy tỉnh dậy, tôi là bác sĩ. Nói đi.

- Máu tôi nặng quá, - Kiprenxki bình tĩnh nói. - Máu đọng lại trong mạch máu. Hãy trích huyết cho tôi, nó không còn sức sống nữa. Nó làm trái tim lạnh giá.

- Tốt lắm! - Rikarđi nói.

- Ông hiểu gì được, - Kiprenxki thì thầm, những người vĩ đại, cao thượng, có tài năng và trí tuệ chói ngời đã ái mộ tên tôi, Giukốpxki đã hôn lên đầu tôi. Puskin đã có các bài thi ca tặng tôi và các nhà quân sự trứ danh coi bàn tay tôi cũng chính xác như mũi gươm của họ.

Ông giơ cánh tay khẳng khiu lên và hồi lâu nhìn nó qua ánh sáng. Rikarđi nhanh nhẹn nắm lấy khuỷu tay Kiprenxki, kề chiếc chén nhôm lại gần đấy và lấy con dao mổ sắc nhọn rạch da. Máu đen phọt ra.

- Miserere mi Đomine - Kiprenxki nói và thở sâu. - không ai biết, chỉ có mình tôi nhớ họ, những lời thân thiết, tình yêu của lòng tôi...

Ông dừng lời rồi nói khẽ:

______________________________

1. Tên gọi Puskin.

Và trái tim dịu dàng trong lửa cháy đau thương

Quằn quại suốt thâu đêm đến lúc trời rạng sáng.

Nước mắt lại chảy trên gò má.

- Các bạn ơi! - Kiprenxki bỗng kêu lên điên dại và ngồi nhổm trên giường, chiếc chén nhôm lật úp xuống, máu chảy ra cả mặt gối và tấm vải trải giường. Các bạn ơi!

Ông ngã xuống giường, gục xuống các vết máu. Mặt ông từ từ và uy nghi tái đi. Những cây nến cháy yếu ớt. Rikarđi đặt má lên môi Kiprenxki.

Cung điện cổ kính ào ào tiếng gió như một dàn nhạc dây khổng lồ đang chơi bản nhạc tang thầm lén.

Có tiếng bước chân ai đang vội vã bước trong các căn phòng trống trải. Torvanxen nhanh nhẹn bước vào. Ông nhìn thấy bộ mặt Kiprenxki đã rũ sạch mọi đau khổ, thói hư tật xấu và bệnh hoạn - gương mặt còn đẹp hơn cả đá hoa của các bức tượng thời cổ đại.

Torvanxen ngả mũ, quỳ xuống bên Kiprenxki, úp trán vào cánh tay buông thõng của ông.

Gió thu ào ào thổi trên thành Rôma.

 

1936

 

Mộng quỳnh dịch

 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87056


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận