Chương 9 Chương Kết Ba Tốn có mặt trong đám đông khán giả tham dự. Hắn cố len lỏi bước lần ra phía trước. Tia mắt hắn dán chặt, không phải vào cành Uất Kim Hương mà là vào cái bao đựng một trăm ngàn đồng tiền vàng đặt kế bên chậu hoa.
Dân chúng lại vỗ tay sau mỗi câu tuyên bố của ông Thế Diễn. Ba Tốn vẫn nhìn chầm chập vào số vàng, như có ý sợ nó bay đi mất, nhưng hắn chưa thể bước lên khán đài để lãnh nhận được vì Hoàng tử chưa tới. Ngài sẽ trao cho hắn bao vàng và long trọng tuyên bố cành hoa này có tên là " cây Uất Kim Hương đen của Ba Tốn ". Hắn nhìn chăm chú những khuôn mặt của đám đông khán giả. Hắn rất ngại sẽ gặp khuôn mặt Mỹ Lan. Nhưng hiện thời nàng đâu rồi? Khi nàng xuất hiện liệu co điều gì rắc rối không đây? Hắn quan sát rất cẩn thận. Quả thật bóng dáng nàng không có ở đây.
Đằng xa, bên cạnh đám đông người, một cỗ xe xuất hiện. Nhưng không ai chú ý vì mọi người còn mải nhìn ngắm cây hoa Uất Kim Hương. Cỗ xe phủ đầy bụi đất, những con ngựa đều lộ vẻ mệt mõi rõ rệt? Chắc hẳn cỗ xe mới từ phương xa đến và đã trải qua một cuộc hành trình dài muôn dặm.
Bên trong xe, Văn Bách ngồi bên Đại úy Phạm Thông. Anh mỏi mệt rã rời sau cuộc hành trình vất vả, đưa tia mắt lờ đờ ngó qua khung cửa xe, hướng về phía dân chúng. Văn Bách khẽ hỏi viên Đại úy :
- Làm gì mà nhiều người bu lại ở công trường này thế? Ngày lễ hả !
- Đúng vậy! Một ngày Đại hội.
- Vậy hả? -Văn Bách tắc lưỡi, - đáng lẽ tôi cũng tham dự vào ngày hội vui này kia đấy. Nhưng bây giờ thì không còn gì có thể gọi là thích thú đối với tôi trên cõi đời này nữa.
Cỗ xe tiến dần qua hội trường. Văn Bách khẽ reo:
- Nhiều hoa quá. Bộ đây là một ngày đại hội về hoa phải không, Đại úy?
- Phải, dân chúng ở Hà Lâm yêu hoa lắm!
Gương mặt Văn Bach chợt vui tươi rạng rỡ:
- Bông đẹp ghê! Muôn màu sắt tốt tươi, rực rỡ tuyệt vời. Tôi cũng yêu hoa lắm. Đại úy ạ!
Viên sĩ quan chồm ra nói với người đánh xe:
- Dừng lại, để anh ngắm nhìn những bông hoa một chút.
- Cám ơn lòng tốt của Đại úy. Nhưng niềm hân hoan của những người khác chỉ khiến tôi thêm đau đớn, Đại úy cứ việc cho xe tiếp tục lăn bánh, tôi ngắm nhìn thế đủ rồi.
- Được, tùy anh! Tôi chỉ ra lệnh ngừng lại là vì tôi nghĩ anh yêu hoa lắm. Hôm nay lại là ngày hội để mừng một cây hoa đặc biệt.
- Hoa gì thế, Đại úy?
- Uất Kim Hương!
Văn Bách há lớn miệng, thảng thốt:
- Hoa Uất Kim Hương? A! Té ra hôm nay là ngày hội lớn của cây Uất Kim Hương đó hả?
- Phải! Nhưng nếu anh không cảm thấy thích thú gì thì chúng ta đi, nghe?
- Khoan! Có phải giải thưởng được trao nội ngày hôm nay không ?
- Vâng! Hôm nay trao giải thưởng cho cây Uất Kim Hương đen ấy đấy!
Gương mặt của Văn Bách lợt lạt:
- Tiếc quá! Nghĩ mà thương hại cho tất cả những người này, vì họ sẽ không thể trông thấy cái mà họ đang nóng lòng mong đợi.
- Anh muốn nói gì vậy?
- Họ đến đây để chiêm ngưỡng hoa Uất Kim Hương đen nhưng không ai có thể có được cây hoa ấy ngoại trừ môt người mà chỉ riêng tôi biết.
- Thì người đó đó, hôm nay, tất cả mọi người ở Hà Lâm đến để chiêm ngưỡng cây Uất Kim Hương đen mà.
Văn Bách chồm hẳn ra khỏi cửa xe:
- Cây Uất Kim Hương đen? Hôm nay? Đâu? Nó đâu? Có thật không...?
Viên sĩ quan chỉ về phía khán đài:
- Kia kìa, trên bàn đó!
- Tôi không nhìn thấy gì hết! Cho xe tới gần chút coi!
- Không được, chúng ta phải đi ngay.
- Làm ơn cho tôi ngắm nó một chút! Một chút thôi! Trời ơi! Có thể như thế được sao? Cây Uất Kim Hương đen huyền hả? Cho tôi xuống xe để nhìn rõ hơn, đi!
-Anh điên hả? Làm sao tôi có thể chấp nhận điều đó được?
- Tôi van ông mà! Trời ơi!
- Anh quên rằng anh hiện là một tù nhân à?
- Tôi là một tù nhân, nhưng ông cứ tin nơi tôi, tôi hứa với ông rằng tôi sẽ không chạy trốn đâu. Hẫy cho tôi được nhìn cây Uất Kim Hương đen một chút! Tôi van ông!
Viên Đại úy lạnh lùng ra lệnh bảo người đánh xe cho xe chạy. Văn Bách đánh liều mở tung cửa xe, bước xuống đường, viên Đại úy hốt hoảng nắm anh lại. Văn Bách năn nỉ:
- Hãy thương hại tôi! Cuộc sống của tôi tùy thuộc vào lòng tốt của ông! Cho phép tôi nhìn thấy bông Uất Kim Hương một chút, có lẽ nó là hoa Uất Kim Hương của tôi đó! Hãy cho phép tôi đi. Tôi phải nhìn thấy bông hoa bằng được. Sau đó, ông có thể giết tôi, nhưng tôi phải nhìn thấy nó đã. Nếu không....
Viên Đại úy gắt ầm lên:
- Im đi! Trở vào xe ngay! Hoàng tử đang đến kia kìa, nếu ngài thấy anh không vâng lệnh tôi, ngài sẽ trách phạt tôi đấy. Lên đi, rồi sau muốn gì thì muốn! Mau đi!
Hoàng tử đang từ đằng xa tiến đến. Văn Bách chần chừ một lúc rồi bước trở lên xe. Anh không muốn vì mình mà vị sĩ quan bị phiền hà khiển trách.
Hoàng tử và đoàn người ngựa tiến dần về phía hội trường. Lính cầm giáo đứng im phăng phắc, dàn chào hai bên đường. Một đội kỵ mã đi trước mở đường, Văn Bách thò đầu ra ngoài cửa xe lần nữa để nhìn đám rước hoàng tử đi ngang. Đúng lúc ấy, Hoàng tử sải ngựa đến gần cỗ xe. Ngài liếc nhìn Đại úy Phạm Thông, rồi Văn Bách. Chợt Ngài dừng lại, phán hỏi:
- Người này là ai?
Vị sĩ quan nhẩy vội xuống xe, đứng thẳng người:
- Tâu Điện hạ, đây là kẻ tù nhân mà hạ thần đem từ La Vạn Tân đến theo lệnh truyền của Điện ạ.
- Tốt lắm! Có chuyện gì lạ không?
- Tâu Điện hạ, ông ta muốn dừng lại đây một chút.
Văn Bách lên tiếng ngay:
- Tâu Điện hạ, kẻ hạ dân này xin điện hạ cho phép được nhìn thấy cây Uất Kim Hương đen. Khi đã được nhìn thấy nó rồi, hạ dân xin sẵn sàng thọ tử.
Vị Hoàng tử không trả lời, chỉ lạnh lùng ngó anh, đoạn hỏi Đại úy Phạm Thông:
- Đây là người tù nhân gây lộn xộn ở La Vạn Tân và định giết người cai ngục phải không?
Câu nói trên khiến Văn Bách chết điếng cả người. Anh không còn hy vọng gì nữa. Vị Hoàng tử đã biết quá rõ về anh, anh không còn thiết biện bạch và tự bào chữa cho mình nữa. Giờ đây, trước mặt vị Hoàng tử, anh chỉ như một đứa trẻ đáng thương bị bắt quả tang phạm lỗi, hết đường chối cãi.
Nhưng vị Hoàng tử đã hiểu biết anh. Ngài phán:
- Đại úy khỏi đến Tòa Tỉnh trưởng. Cứ cho tên tù nhân xuống xe, để y được nhìn cây hoa một chút. Cái nhìn của y đáng giá lắm đấy.
- Cám ơn Điện hạ, cám ơn Điện hạ vô cùng!
Văn Bách vội vàng mở cửa xe nhẩy xuống, anh luống cuống suýt té nhào xuống đất, nếu viễn sĩ quan không kịp đỡ.
Vị Hoàng tử quay đi. Đoàn người ngựa lục tục theo sau, dân chúng hai bên đường hoan hô vang dậy. Vài người tò mò ngó Văn Bách đang hấp tấp cất bước, viên Đại úy theo bén gót. Ban nhạc bắt đầu trổi khúc. Vị Hoàng tử đã ngồi xuống chiếc ghế danh dự, ngay cạnh cây hoa Uất Kim Hương đen.
Văn Bách được viên Đại úy cùng ba người lính đi kèm hai bên, tiến về phía khán đài. Càng đến gần, Văn Bách càng bàng hoàng cảm động.
Thế rồi, anh đã thấy "nó"... Bông hoa mà anh chỉ được nhìn lần đầu tiên đồng thời cũng là lần chót và sẽ không còn bao giờ thấy lại nữa. Hai hàng thiếu nữ xinh đẹp đứng nghiêm trang hai bên cây hoa. Thật là một bông hoa kỳ diệu. Càng nhìn, Văn Bách càng thấy buồn bã trong lòng, anh quay nhìn mọi người chung quanh để hỏi một câu:
-Ai là người sung sướng đã trồng được cây hoa đáng yêu này?
Không một ai biết.
Vị Hoàng tử đứng dậy. Ngài đưa mắt nhìn toàn thể khán giả tham dự, nhưng thực ra chỉ chú ý đến ba người. Trước mặt ngài là Ba Tốn đang thao láo nhìn ngài và số tiền với vẻ bồn chồn nóng nảy. Bên phải ngài là Văn Bách, đôi mắt, con tim, đời sống và tình yêu của anh như gắn chặt vào cây Uất Kim Hương trước mặt và bên trái là Mỹ Lan vừa xuất hiện, trang phục một bộ đồ trắng thật lộng lẫy, nỗi bật hẳn trên đám đông khán giả. Nhưng hàng lệ nóng đang long lanh trên đôi mắt Mỹ Lan. Một sĩ quan của Hoàng tử đứng bên cạnh để hộ vệ.
Nhìn rõ tia mắt của ba người, Hoàng tử biết rõ là họ không nhìn thấy nhau vì Hội trường đông người quá.
Cả năm mươi ngàn người lắng nghe vị Hoàng tử nói. Ngài nói một cách hiền từ, êm dịu:
- Hẳn tất cả đều biết lý do hôm nay chúng ta có mặt tại đây. Một giải thưởng một trăm ngàn đồng tiền vàng sẽ được trao cho bất cứ ai trồng được một cây hoa Uất Kim Hương màu đen và cây Uất Kim Hương đen đó đã xuất hiện. Hiện bông hoa quý đang ở đây, trước mặt chúng ta. Lai lịch của nó, được mọc ra và lớn lên như thế nào, trong trường hợp nào, tên của người trồng hoa là gì, tất cả sẽ được ghi lại trong cuốn sổ vàng danh dự của thành phố. Bây giờ hãy để chủ nhân của cành hoa Uất Kim Hương tiến lên đây. Xin mời!
Tiếng vỗ tay vang lên như sấm.
Hoàng tử theo dõi phản ứng của ba người. Ngài chú ý nhìn Ba Tốn, Văn Bách và Mỹ Lan. Ba Tốn vội vã đẩy mọi người vẹt ra hai bên để tiến lên, ánh mắt đầy tham vọng. Còn Văn Bách chỉ ngẩng lên, nhẹ nhàng tiến chút ít về đằng trước rồi dừng lại. Anh sững sờ khi thấy một người lính giúp đỡ Mỹ Lan, hướng dần cô gái bước lên khán đài. Nàng đẹp lộng lẫy, đầu hơi cúi thấp. Mái tóc vàng óng ánh xõa trên đôi vai thon nhỏ, Ba Tốn khựng lại, mặt hắn đỏ rực lên vì giận dữ. Văn Bách mừng quá la lớn:
- Mỹ Lan! Mỹ Lan! Em!
Vị Hoàng tử đứng trên khán đài chờ Mỹ Lan đến bên và hỏi:
- Hoa Uất Kim Hương này của cô nương phải không?
- Tâu Điện hạ, đúng như thế!
Và Mỹ Lan còn nói những gì nữa Văn Bách không nghe rõ.
Giọng Văn Bách lạc hẳn đi:
- Tôi bị quên lãng rồi sao? Tôi yêu nàng, và nàng đã quên tôi! Trời ơi!
Hoàng tử dõng dạc tuyên bố:
- Hoa Uất Kim Hương đen này được gọi là hoa " Uất Kim Hương đen của Mỹ Lan - Văn Bách". Văn Bách sẽ là tên được đặt trong tương lai cho thiếu nữ này.
Văn Bách chạy như bay về phía trước, lòng tràn ngập sung sướng. Hoàng tử cầm tay Mỹ Lan đặt vào tay Văn Bách. Lúc đó, mọi người thấy ông Thế Diễn khẽ đưa khăn lên chậm nước mắt, khán giả xầm xì ngơ ngác. Đồng thời lúc đó, một người vội vã rời khỏi đám đông, đó là Ba Tốn: tất cả hy vọng của hắn đã tan biến mau chóng như làn khói bay. Hắn xô vẹt tất cả mọi người hai bên cắm đầu bước đi. Cái đầu cố hữu vẫn đưa về phía trước, lắc lư. Ngày hội vui tiếp tục. Ban nhạc trổi một khúc vui tươi. Các quan khách trên khán đài lần lượt bước xuống và rời khỏi công trường. Giữa họ là Mỹ Lan, Văn Bách, tay trong tay, sung sướng đi bên nhau. Họ đến Tòa tỉnh trưởng. Cây Uất Kim Hương và bao tiền vàng được mang theo. Bỏ lại đằng sau đám dân chúng đang vui vẻ tham dự phần văn nghệ phụ diễn và các trò giải trí trong ngày đại hội.
Hoàng tử chỉ vào chiếc bao đựng một trăm ngàn tiền vàng đang đặt bên cạnh cây Uất Kim Hương nói với Văn Bách:
- Quả là khó khăn để giải quyết việc số tiền này sẽ thuộc về ai, về túc hạ hay về Mỹ Lan? Túc hạ Văn Bách, đã có công vun trồng bọc kính, nhưng Mỹ Lan lại có công trồng và săn sóc nó cho tới khi trổ hoa. Vây ta sẽ trao số tiền này cho Mỹ Lan trong dịp lễ cưới. Số tiền là giải thưởng được trao cho Mỹ Lan không những để thưởng công trồng hoa Uất Kim Hương đen mà còn để thưởng tấm lòng thành thật ngay thẳng và can đảm của cô nương nữa.
Hoàng tử lấy trang giấy trong quyển thánh kinh của Vũ Bình, đặt vào tay Văn Bách:
- Túc hạ phải cám ơn Mỹ Lan, vì cô ấy đã trồng hoa, đồng thời chứng minh được cho túc hạ là vô tội. Túc hạ được phóng thích khỏi ngục ngay từ bây giờ. Túc hạ đã bị giam trong tù vì một tội mà túc hạ không vi phạm. Nhà của túc hạ, đất đai và tiền bạc của túc hạ sẽ được trả lại tất cả cho túc hạ. Túc hạ là một người bạn tốt của anh em ông Vũ Bình. Thế hệ của túc hạ kế tiếp hai ông, nhưng túc hạ đã giữ được giá trị còn lại của hai ông. Anh em ông Vũ Bình là những người của lịch sử. Tiếc thay, họ đã bị giết vào lúc quốc gia đang thời kỳ lộn xộn, dân chúng phẫn nộ. Nhưng quốc gia của họ, nước Đại Hòa Lan rất hãnh diện về họ.
Hai kẻ yêu nhau quỳ xuống trước vị Hoàng tử. Ngài nói với giọng buồn buồn:
- Được rồi, hãy đứng lên đi, hai người sung sướng bên nhau, ta vui lòng lắm. Hai người có diễm phúc hơn Hoàng tử của hai người nhiều. Ta luôn mơ đến một ngày huy hoàng rực rỡ của nước Hòa Lan ta. Và hai người mơ một giấc mơ thực tế hơn, màu sắc rực rỡ của những bông hoa đang chờ đón trong tương lai.
Câu chuyện chấm dứt ở đây.
Văn Bách, Mỹ Lan tổ chức lễ cưới. Họ sinh hạ được hai đứa con xinh xắn và trồng rất nhiều hoa Uất Kim Hương.
Về phần Ba Tốn, hắn đi biệt tăm từ đó. Có người cho biết hắn đã tự tử chết, vì quá thất vọng và xấu hổ.
Một điều đáng nói nữa là ông già Nguyễn Quân. Ông đã đổi nghề cai ngục ra nghề gác vườn. Ông về sống với vợ chồng Văn Bách và giữ việc trông nom săn sóc những bông hoa như một người cai ngục trông coi tù nhân vậy: Nhũng bông hoa đua nở, trổ sắc thắm tươi, vươn lên hàng hàng lớp lớp, rực rỡ cả một khu vườn tươi mát. Trong vườn, Nguyễn Quân đi đi lại lại, say mê tưới nước và dĩ nhiên không một con mèo nào dám bén mảng tới khu vườn thơ mộng do ông chăm sóc.
Phía cao, trên cánh cửa căn nhà Văn Bách đang ở, một hàng chữ được kẽ rõ ràng:
"Những ai đã chịu đựng nhiều rủi ro sẽ được hưởng hạnh phúc bền lâu".
"Ở hiền gặp lành".
Lẽ đời tất nhiên là như thế.