Lại là một buổi trưa nóng bức.
Liễu Địch ngồi đối diện với thầy Chương, trong tay cô là một quyển bài tập làm văn chưa mở ra. Đây là quyển vở duy nhất chưa đọc và nhận xét.
Liễu Địch ngập ngừng do dự, trong đầu cô lặp đi lặp lại câu nói: “Về đề tài “Thầy giáo của tôi”, chắc các em đã viết chán rồi. Nhưng học sinh tiểu học và học sinh cấp ba viết văn không thể cùng một đẳng cấp. Tôi hy vọng mọi người viết những điều mới mẻ, thể hiện trình độ học sinh cấp ba. Tôi chỉ đưa ra một yêu cầu: trong bài văn này, các em không được viết về tôi. Nếu vi phạm quy định, xin lỗi, tôi chỉ có thể cho 0 điểm.”
Đây là câu nói của thầy Chương khi ra đề tài. Câu nói này quanh quẩn trong đầu óc Liễu Địch suốt một tuần liền. Cả buổi trưa hôm nay, trong đầu cô toàn vang vọng câu nói của thầy.
Từ trước đến giờ, thầy Chương luôn nói một là một, hai là hai. Vì vậy, trong tất cả các bài văn cô vừa đọc, không một bạn nào dám “phạm quy”. Lòng bàn tay Liễu Địch rịn đầy mồ hôi. Cô không có dũng khí mở quyển vở đang cầm trên tay.
“Liễu Địch!” Thầy Chương lên tiếng nhắc nhở: “Nếu tôi nhớ không nhầm, trưa hôm nay em mới chỉ đọc chín bài văn?”
Cả lớp có 50 học sinh, mỗi ngày cô cần đọc mười bài văn để thầy Chương nhận xét chấm điểm. Đây là luật bất thành văn giữa Liễu Địch và thầy Chương. Cô đưa mắt liếc thầy Chương. Gương mặt thầy vẫn nghiêm túc, lạnh lùng, có một uy lực không thể kháng cự và tôn nghiêm không dễ xâm phạm. Haiz… chuyện gì đến cũng sẽ đến, ai bảo cô… Liễu Địch cắn môi, hít một hơi sâu rồi mở quyển bài tập.
“Câu chuyện về một người thầy.” Cuối cùng, Liễu Địch cũng đọc ra miệng: “Thầy Chương Ngọc là thầy giáo ngữ văn thời cấp ba của tôi…”
Thầy Chương sửng sốt, sống lưng thầy bất giác cứng đờ. Đôi lông mày của thầy bắt đầu nhíu chặt, cơ thịt trên khuôn mặt căng cứng: “Đừng đọc nữa, không điểm!” Thầy cất giọng nghiêm nghị và đanh thép.
Liễu Địch ngừng một hai giây, nhưng cô vẫn đọc tiếp: “Thầy dạy tôi tròn hai năm…”
“Không điểm!” Thầy Chương lặp lại một lần, thanh âm của thầy lạnh lẽo đến cực điểm. Thầy mím chặt môi, lồng ngực phập phồng, tựa hồ thầy đang cố gắng đè nén cơn giận dữ trong lòng.
Liễu Địch vẫn đọc đều đều: “Lúc mới nhập học, tôi không ngờ thầy là một người khiếm thị…”
“Được rồi, em đừng đọc nữa!” Thầy Chương đứng bật dậy như bị điện giật. Sắc mặt thầy tái mét, lồng ngực phập phồng kịch liệt, mũi thầy thở phì phò như dã thú: “Không điểm! Không điểm! Không điểm!” Thầy liên tiếp phun ra ba từ “không điểm”, thanh âm mỗi lúc một cao, mỗi từ như quả đạn pháo bắn về phía Liễu Địch không một chút lưu tình.
Liễu Địch bắt đầu sợ hãi. Cô không ngờ thầy Chương tức giận. Bởi vì cô chưa từng bắt gặp thầy Chương nổi nóng, hơn nữa còn giận dữ như vậy. Trong ký ức của cô, thầy Chương chưa bao giờ cất cao giọng nói, thầy luôn mang lại cảm giác lạnh lùng như núi băng ngàn năm không tan. Ai có thể ngờ, núi băng này cũng có lúc phun trào ngọn lửa? Liễu Địch cảm thấy trái tim cô sắp nhảy ra khỏi lồng ngực. Cô đấu tranh tư tưởng vài giây, cuối cùng vẫn đọc tiếp: “Tôi càng không ngờ, thầy mang đến cho tôi chấn động và ảnh hưởng to lớn vô cùng. Thầy đã để lại dấu ấn vĩnh viễn không phai mờ trong lòng tôi…”
Đọc xong câu này, Liễu Địch mềm nhũn người, ngả về thành ghế phía sau. Cô không còn can đảm đọc tiếp. Chỉ một đoạn mở đầu đã tiêu hao hết dũng khí cô tích tụ suốt một tuần.
Thầy Chương đột nhiên ngẩn người, phảng phất có một cây gậy phép thuật khiến thầy hóa đá. Thầy bất động vài giây, nộ khí trên mặt từ từ biến mất. Sắc mặt thầy chuyển sang trắng bệch.
“Liễu Địch.” Thầy lên tiếng, thanh âm khôi phục sự bình tĩnh thường lệ: “Đây là bài văn của em đúng không?”
“Vâng ạ.” Liễu Địch nói nhỏ. Đây là lần đầu tiên, thầy Chương hỏi đến tác giả của bài văn.
“Vậy thì…” Thầy Chương từ từ ngồi xuống: “Em có thể đọc hết bài văn đó.”
Trong lòng Liễu Địch đột nhiên dội lên một sự cảm động không nói thành lời. Cô lờ mờ hiểu ra, lúc đưa yêu cầu làm văn, thầy Chương cũng có nỗi khổ riêng. Vì vậy, vào thời khắc này, cô thật sự cảm nhận được, thầy Chương phải có dũng khí và nghị lực lớn đến mức nào mới đưa quyết định đó. Liễu Địch mở quyển tập làm văn, cô cố đè nén tâm trạng xúc động, từ tốn mở miệng.
Bài văn rất dài, Liễu Địch gần như thổ lộ mọi điều đè nén trong lòng cô suốt hai năm qua. Cô kể về tiết dạy đầu tiên của thầy Chương và lần đầu tiếp xúc với thầy sau tiết học. Cô viết, trong buổi chào cờ hát quốc ca, hơn một nghìn thầy trò toàn trường, chỉ có thầy Chương hát theo tiếng nhạc. Cô đề cập đến chuyện thầy Chương nhận xét bài văn, cũng viết cảm nhận của cô trong lúc tiễn thầy Chương ra trạm xe buýt đợi ô tô…
Thầy Chương lặng lẽ lắng nghe, thầy không nói một lời, gương mặt thâm trầm không có bất cứ biểu hiện nào. Cuối cùng, Liễu Địch cũng đọc đến đoạn kết của bài văn:
“Đây chính là thầy Chương. Thầy là một câu đố, một câu đố không lời giải đáp. Tuy tôi chưa bao giờ thử tìm cách đi giải câu đố này, nhưng trong lòng tôi vẫn xuất hiện nhiều nghi vấn…” Liễu Địch bỗng dừng lại, ngập ngừng nhìn thầy Chương mà không chịu đọc tiếp.
“Em cứ đọc đi, đừng sợ chạm đến vết thương trong lòng tôi.” Thầy Chương lên tiếng.
Trái tim Liễu Địch rung lên một nhịp. Tuy đôi mắt mù lòa, nhưng thầy Chương có thể “nhìn” thấu tâm tư của cô. Điều này khiến cô kinh ngạc và chấn động. Cô cất giọng trong trẻo: “Mắt thầy tại sao bị mù? Thầy có người thân không? Tại sao thầy có kiến thức sâu rộng nhưng lại chỉ tốt nghiệp phổ thông trung học? Thầy gặp phải tai họa như thế nào mới khiến gương mặt thầy vĩnh viễn mất đi nụ cười… Tôi không tìm ra câu trả lời, cũng không rõ sự tò mò của tôi liệu có gây thương tổn cho thầy? Có lẽ cũng vì nguyên nhân này, thầy Chương mới tạo ra vỏ bọc lạnh lùng. Nhưng dù thế nào, tôi đều cho rằng tôi đã gặp được người thầy xuất sắc nhất. Mỗi lần tiếp xúc với thầy, tôi luôn phát hiện ra điều mới mẻ trên con người thầy, đó là những thứ thuộc phương diện tình cảm và tư tưởng. Những thứ đó luôn khiến tôi kinh ngạc. Thầy sở hữu những thứ mà người khác khó lòng đạt được, đó chính là tư tưởng vĩ đại và tinh thần cao thượng. Tôi chỉ có thể tổng kết con người thầy như sau: câu chuyện cuộc đời thầy trong quá khứ, lúc ẩn lúc hiện như đom đóm phía xa xa; tư tưởng của thầy sâu xa như núi cao rừng rậm; thế giới tình cảm của thầy như đại dương cuộn trào; tâm linh của thầy giống mỏ vàng dồi dào…”
Liễu Địch đặt quyển bài tập, thở một hơi dài nhẹ nhõm. Cô nhướng mắt nhìn thầy Chương, muốn tìm ra điều gì đó từ biểu hiện của thầy. Nhưng gương mặt thầy Chương vẫn vô cảm, như một tờ giấy trắng tinh.
Văn phòng vô cùng yên tĩnh, chỉ có chậu hoa nhài nhỏ lặng lẽ tỏa ra hương thơm dìu dịu khắp căn phòng.
Một lúc lâu sau, thầy Chương mới mở miệng: “Em thật sự không muốn giải câu đố này hay sao? Không, tôi biết em rất muốn. Em chỉ là giữ lời hứa của mình, không muốn động đến vết thương trong lòng tôi, nên em mới đè nén sự hiếu kỳ suốt hai năm. Đã hai năm trôi qua, thật làm khó cho em quá.” Thầy Chương nhíu mày, bờ môi thầy bật ra tiếng thở dài rất khẽ: “Em muốn biết những chuyện liên quan đến tôi đúng không?” Thầy cất giọng nhẹ nhàng, như đang hỏi Liễu Địch, cũng giống hỏi bản thân.
“Được.” Sau đó thầy hạ quyết tâm. Thầy gật đầu, thanh âm vừa lạnh nhạt vừa kiên quyết: “Tôi sẽ thỏa mãn nguyện vọng của em, kể cho em nghe câu chuyện cuộc đời tôi.”
Liễu Địch giật mình, mở to hai mắt, hốt hoảng nhìn thầy Chương. Điều này quá bất ngờ, thật… không thể tin nổi.
“Thưa thầy…”, Liễu Địch lắp bắp: “Thầy không cần kể. Nếu thầy cảm thấy…”
Thầy Chương xua tay, ra hiệu cô im lặng. Thầy cầm cốc trà, chậm rãi thưởng thức một ngụm, phảng phất hồi tưởng vị đắng chát của nước trà. Sau đó, thầy bắt đầu kể câu chuyện cuộc đời mình. Thanh âm của thầy rất bình thản, rất tự nhiên, như đang trần thuật sự việc không liên quan đến bản thân:
“Tôi không phải là người bản xứ, quê tôi ở Tô Châu. Bố tôi là thầy giáo mỹ thuật dạy ở trường phổ thông trung học. Bởi vì ông không thể thực hiện ước mơ trở thành họa sỹ, nên ông gửi gắm niềm hy vọng vào tôi. Có lẽ do gien di truyền từ bố nên từ nhỏ tôi đã rất nhạy cảm với màu sắc và ánh sáng, cũng luyện được một đôi mắt biết quan sát vạn vật. Tuy nhiên, tôi lại yêu thích văn học một cách điên cuồng. Nhờ có khả năng thiên phú về mỹ thuật, tôi rất giỏi quan sát và nắm bắt chi tiết của cuộc sống, có thể nhanh chóng đúc kết yếu tố tôi cần để tiến hành cấu tứ và sáng tác. Sự phát hiện những nét đẹp và sự nhiệt tình đối với cuộc sống của các nhà nghệ thuật đã đốt cháy ngọn lửa sáng tác của tôi. Chắc em cũng biết, điều này có ý nghĩa như thế nào với một người yêu thích văn học và sáng tác. Tôi chìm đắm trong văn học đến mức không thể thoát khỏi. Thế là, lúc thi đại học, tôi đã giấu bố tôi đăng ký khoa Trung văn của Bắc Đại và được tuyển chọn với thành tích đứng đầu toàn tỉnh.” (Bắc Đại tức Đại học Bắc Kinh, trường đại học hàng đầu của Trung Quốc)
Thầy Chương đột nhiên ngừng lại. Thầy cầm cốc trà nhưng không đưa lên miệng, trầm tư suy nghĩ một lát, thầy nói tiếp: “Liễu Địch, sau này thi đại học, em hãy đăng ký vào Bắc Đại. Nơi đó thật sự là thánh đường của tinh thần và tri thức nhân loại.”
Liễu Địch ngẩn người, cô có thể nghe ra một sự quan tâm sâu sắc, khó phát giác từ trong câu nói bình thản của thầy Chương. Liễu Địch chưa kịp suy nghĩ sâu hơn, thanh âm của thầy Chương lại vang lên bên tai cô:
“Tôi đến Bắc Đại, chỉ có thể hình dung bằng bốn từ “như cá gặp nước”. Tôi vùi đầu vào đại dương kiến thức, bắt đầu điên cuồng hấp thu. Khả năng thiên bẩm và sự chăm chỉ phấn đấu nhanh chóng biến tôi trở thành người xuất sắc trong các bạn cùng khóa. Lúc đó, dùng từ “nổi bật” để hình dung địa vị của tôi cũng không quá đáng. Tôi sở hữu một thứ mà bất cứ người học văn nào cũng ngưỡng mộ, đó là đôi mắt biết quan sát và tâm linh biết cảm thụ. Cứ như vậy, tôi trải qua ba năm đẹp đẽ trong cuộc đời ở Bắc Đại. Vào kỳ nghỉ đông năm cuối trước khi tôi tốt nghiệp, do bố mẹ tôi chuyển đến làm việc tại một thành phố cách Bắc Kinh không xa, nên tôi đến ăn Tết cùng bọn họ. Một ngày trước hôm tất niên, ở đó đã xảy ra vụ hỏa hoạn vô cùng đáng sợ…”
Cây bút trong tay Liễu Địch rơi xuống bàn. Cô nhìn thầy Chương chăm chú. Không hiểu tại sao, cô mong thầy Chương dừng câu chuyện tàn khốc này. Thầy Chương cuối cùng đưa cốc trà lên miệng, uống một ngụm. Nước trà đã nguội, có lẽ sẽ càng đắng hơn.
Đặt cốc trà xuống bàn, thầy Chương không dừng câu chuyện như mong đợi của Liễu Địch, thầy tiếp tục cất giọng trầm thấp và bình tĩnh:
“Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ ánh lửa đêm đó. Ánh lửa sáng rực, sáng rực, sáng rực chưa từng thấy… Tôi luôn nghĩ, bố mẹ tôi lên thiên đường trong ngọn lửa rực cháy đó, họ nhất định sẽ rất vui vẻ. Tôi thật sự muốn đi cùng họ lên thiên đường, để cảm nhận những điều đẹp đẽ và vui vẻ. Nhưng tôi không có cơ hội… cảnh tượng cuối cùng đập vào mắt tôi, là bức tường đổ ụp xuống người tôi trong ánh lửa. Sau đó… khi tôi tỉnh lại, trước mắt tôi là một màu đen tối, đen tối vĩnh viễn.”
Cuối cùng, thầy Chương cũng kết thúc câu chuyện. Sắc mặt thầy vẫn không một chút xao động. Liễu Địch chống một tay lên trán, trong lòng cô tràn ngập một nỗi đau không tả nổi. Lời trần thuật như nước chết của thầy Chương có một sức mạnh vô hình to lớn, bóp nát lục phủ ngũ tạng của cô, khiến toàn bộ sợi dây thần kinh của cô chấn động. Liễu Địch không chảy nước mắt, cô không khóc nổi, cô chỉ cảm thấy trái tim cô đang từ từ rỉ máu.
“Thế nào? Nghe xong câu chuyện của tôi, em có cảm nghĩ gì?” Thanh âm của thầy Chương bình thản và tự nhiên, tựa hồ thầy vừa phân tích một cuốn tiểu thuyết với học sinh, bây giờ thầy hỏi cảm nhận của mọi người.
“Đau khổ!” Liễu Địch khó nhọc thốt ra hai từ.
“Em nói gì?” Thầy Chương đứng dậy. Thân thể thầy run rẩy, tựa hồ bị một cơn chấn động bất thình lình.
“Đau khổ!” Liễu Địch lặp lại một lần. Ngoài từ này, cô không biết diễn tả như thế nào.
Khóe miệng thầy Chương run run. Thầy vội vàng quay người về đằng sau, tay sờ soạng bám lấy thành cửa sổ, phảng phất để khống chế bản thân. Vài giây sau, thầy tựa hồ đã lấy lại bình tĩnh, bóng lưng thầy hoàn toàn bình thường. Nhưng bàn tay bám cửa sổ của thầy nổi hết các khớp và gân xanh.
Một lúc lâu sau, thầy Chương vẫn đứng quay lưng về phía Liễu Địch, thầy chậm rãi mở miệng: “Em có biết không? Trước đây, khi tôi kể câu chuyện quá khứ với người khác, tôi cũng từng hỏi cảm nghĩ của bọn họ. Câu trả lời của bọn họ không ngoài hai từ: “đồng tình” và “đáng thương”.
Liễu Địch sững sờ. Vào thời khắc này, cô bất chợt hiểu thầy Chương sâu sắc hơn hai năm qua. Cô đột nhiên hiểu ra nhiều vấn đề trước đây cô mù mờ. Cô hiểu tại sao thầy Chương luôn một thân một mình, xa lánh mọi người, cô hiểu thái độ lạnh lùng của thầy Chương là bất đắc dĩ, cô cũng hiểu tại sao thầy Chương lại tin tưởng cô, chấp nhận sự giúp đỡ của cô.
Ai muốn sống cô độc một mình, muốn tách khỏi thế giới? Ai muốn không được người khác biết đến, không được người khác chấp nhận? Thế nhưng, bản thân sự “đồng tình” và “đáng thương” chính là một loại kỳ thị. Hành động giúp đỡ xây dựng trên “đồng tình” và “đáng thương” chính là phủ nhận và cười nhạo tôn nghiêm của thầy Chương. Vì vậy, thầy Chương mới dùng thái độ lạnh lùng và cao ngạo để che giấu bản thân. Thầy thà cự tuyệt sự quan tâm chân thành, cũng không muốn chấp nhận sự giúp đỡ xuất phát từ thái độ kỳ thị của người khác. Thầy tự nguyện xa lánh cuộc đời. Mặc dù sự xa lánh này không mang lại niềm vui và hạnh phúc cho thầy, nhưng ít nhất, nó giúp thầy tránh xa phản ứng “đồng tình” và “đáng thương” mang tính lăng nhục. Chỉ làm vậy, thầy mới có thể giữ lại tôn nghiêm của mình.
Chuông báo vào học đột nhiên vang lên. Thầy Chương quay người, sắc mặt thầy đã hồi phục sự lạnh nhạt. “Liễu Địch!” Thầy nói: “Vào học rồi, chúng ta đi thôi!”
“Nhưng…” Liễu Địch nhìn quyển vở trên bàn: “Bài văn của em…”
“Không điểm.”
Liễu Địch ngây người mất vài giây. Cô nhìn thầy Chương chăm chú, muốn nói điều gì đó nhưng không biết mở miệng thế nào. Sau đó, nước mắt trào ra khóe mi, làm mờ tầm nhìn của cô. Cô cầm bút viết số không lên quyển vở. Do dùng sức quá mạnh, đầu bút chọc thủng trang giấy trắng.
“Tôi không thể làm trái nguyên tắc của mình.” Thầy Chương nói rành rọt từng từ một: “Nhưng tôi có thể cho em biết, tôi không hối hận nghe bài văn này, cũng không hối hận kể câu chuyện cuộc đời tôi với em.”
Nước mắt chảy giàn giụa trên gò má Liễu Địch. Nó hoàn toàn xối đi giọt lệ thất vọng và tủi thân trước đó, đôi mắt Liễu Địch trở nên sáng lấp lánh. Thầy Chương trầm mặc, chủ động giơ tay về phía Liễu Địch. Liễu Địch rùng mình, sau đó nhẹ nhàng cầm tay thầy. Hai thầy trò sánh vai đi khỏi dãy nhà phía bắc, tới khu phòng học ở phía nam như thường lệ.
Trời đột nhiên nổi trận gió lớn, cơn gió hy hữu của mùa hè. Cả sân chơi lập tức trở thành thế giới cát bay mù mịt. Bóng lưng của Liễu Địch và thầy Chương, dần trở nên mơ hồ trong gió cát. Một giọng hát trong trẻo không biết từ ô cửa nào đó vang vọng khắp không gian:
“Anh hãy đưa tay,
Để em nắm lấy.
Đi qua sa mạc hoang vắng,
Tìm kiếm ốc đảo khao khát bấy lâu…”
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !