Tôi không có thứ vũ khí và quyền lực gì khác để chống lại thời gian và thế giới, ngoài việc viết văn. Người ta chia cắt và gán ghép nhiều quốc gia, bắt các dân tộc làm nô lệ để xây dựng những kim tự tháp của những ý tưởng tức thời, chà đạp lên các thỏa ước, làm nổ tung những cây cầu nối con người với con người... Vì sao tôi vẫn chịu đựng? Tôi sống vì điều gì, tôi tin vào điều gì? Tôi sống chỉ vì tin rằng tinh thần tỉnh táo, trong sáng, đích thực, không khoan nhượng và không thể an ủi, là vĩnh hằng, là không thể xúc phạm, không thể phủ nhận mà không bị trừng phạt, không thể giả mạo nổi, và nó sẽ vượt qua tất cả, mạnh hơn tất cả. Tôi chỉ tin điều đó, chỉ sống vì điều đó, chỉ vì thế mà không tự sát. Cầu Chúa phù hộ cho tôi.
Tự bạch
Tôi sinh ra lúc tám giờ tối, trời đầy gió
Tôi yêu Kassa và những bài thơ
Yêu phụ nữ, rượu vang và trọng danh dự
Yêu lý trí gần gũi với con tim
Tôi không yêu gì khác nữa
Tất cả những thứ khác đều là bí mật
Tôi không cầu xin, và đừng thương hại.
Kiểm tra
Nhà văn không thể bỏ qua việc người đọc không hoàn thành một trường trung học khác, vô hình, mà giấy chứng nhận tốt nghiệp không thành văn của nó tạo cho họ khả năng cảm thụ tác phẩm. Nhà văn buộc phải đoán định độc giả của mình; đẳng cấp của anh ta buộc anh làm điều đó. Phải viết như viết cho Goethe vậy. Có thể khiêm nhường hơn; chỉ có điều như thế thì không đáng viết.
Số ấn bản
Ông tổng biên tập của một tạp chí nhỏ, nhiệt tình và đứng đắn, xin phép được đăng một bài báo của tôi, bài này đã đăng trong số kỷ niệm của một tờ nhật báo lớn. Số báo kỷ niệm của tờ nhật báo lớn kia được in hai chục ngàn bản; tạp chí này ra tổng cộng có ba trăm bản. Ông tổng biên tập muốn đưa bài báo của tôi ra công khai, một cách thông minh và công bằng; vì thế mà ông xin phép được đăng.
Yêu cầu ấy không có gì quá đáng. Ba trăm người đọc ấy bao giờ cũng có nghĩa là sự công khai đích thực. Những người khác không đáng kể. Đa số những bài viết của tôi từ nhiều thập kỷ nay được đăng hàng triệu bản, hoàn toàn khép kín trước công luận.
Nhật ký
Tôi không bao giờ thật sự thích nhật ký, đó không phải là thể loại của tôi. Nếu ý nghĩa của nhật ký chỉ là viết “hàng ngày”, và bên cạnh công việc chính là ghi chép lại cả sản phẩm phụ, giữ lại những vụn vặt tức thời, thì những ghi chép ấy đối với tôi có nghĩa là nhật ký; nhưng tôi không thể viết khác, mà chỉ có thể viết cho sự công khai vô hình, đúng như tôi viết những ghi chép này lên mặt giấy, nghĩa là có tựa đề, có chủ ý, với nội dung được dàn dựng... Liệu đây có phải là sự phù phiếm chăng? Hay là sự ràng buộc của nghề nghiệp? Thế còn nhật ký, những áng văn “tự bạch lớn”, được viết với ý đồ ít phù phiếm hơn, ít dành cho công chúng hơn ư? Tôi nghi ngờ chuyện đó. Nhà văn bao giờ cũng liếc mắt để ý đến xung quanh, ngay cả khi anh ta ghi chép vào cuốn sổ riêng tư: “Hôm nay không xảy ra chuyện gì.” Hay: “Chiều nay tôi hút thuốc.” Tất cả những việc đó anh ta đều coi là việc chung, chính vì anh là nhà văn. Nhật ký, ngay cả thứ riêng tư nhất, bao giờ cũng được viết cho mọi người, và vì vậy có lẽ chân thực hơn, nếu ta thành thật thú nhận rằng chúng ta không thể trở nên hoàn toàn trung thực - chúng ta, những nhà văn - trong bất cứ văn phẩm nào, ngay cả trong thư từ và những ghi chép của mình. Hơn nữa, hỡi người viết nhật ký, tôi không ái ngại lắm về sự chân thực riêng tư kia, hãy giữ lấy bí mật của anh - và viết trong bí mật và chân thực, với tựa đề, có cấu trúc, có chủ đích, đúng như cách thức một mình anh có thể viết và nên viết.
Nhà thơ già
Trên đại lộ, một nhà thơ già đang đi về phía tôi. Ông mặc chiếc quần đen kẻ sọc, áo khoác đã sờn, đội chiếc mũ cứng đã mòn tróc. Mái tóc bạc trắng như tuyết cắt ngắn lộ ra ở hai bên gương mặt. Ông đi chậm rãi, như người đã biết đến tất cả mọi cái đích, và biết rằng không việc gì phải vội vã.
Ông đi giữa những chuyến xe điện, xe hơi, giữa những cột quảng cáo và đàn bà, giữa những cửa hàng và những viên công chức, dưới ánh sáng đèn nê ông màu đỏ hồng. Ông đi ngang qua đại lộ, như mang theo mình tri thức và nỗi buồn, trong sự hỗn độn của thế giới. Gương mặt trẻ thơ và già nua của ông, đôi mắt ông trân trối nhìn những vật chiếu sáng nhân tạo kia, phản chiếu hồi ức của sự ghê tởm. Cứ như ông đã có lần thấy một nỗi khủng khiếp, và ông không thể quên nổi điều đó, ông muốn hiểu được nó. Điều khủng khiếp ấy là thế giới này.
Di sản
Trong di sản của nhà thơ có cả những cách ghép vần và cách chơi chữ, những phôi bào cong queo, những mảnh vụn có điểm trang. Những thứ đồ vớ vẩn này là phế liệu của đa số “tác phẩm”, chất liệu cho cuốn sách bổ sung mà sau này độc giả lật giở với sự lượng thứ và kêu lên: “Ông ấy mới phong phú làm sao!”
Chắc hẳn, một nhà văn cũng chính là những gì mà ông ta chơi, ông ta quăng quật, ông gọt giũa bằng dao nhíp và bằng ngòi bút, lơ đãng nhưng vẫn tinh khôn. Cái “phụ phẩm” này đôi khi còn nói lên nhiều điều hơn cả “chính phẩm”. Trong tác phẩm của mình, nhà văn đánh bộ đuôi tôm, ngực gắn các loại huân chương, những thứ mà đôi khi chỉ là những huy hiệu dát vàng, là biểu tượng của hư danh. Nhưng những phế liệu ông ta để lại, đó chính là nhà văn, cũng như sự lầm lỡ của ông, như giấc mơ của ông. Việc bới móc những phế liệu đó chẳng hay ho gì, nhưng đôi khi qua một bãi nước bọt lại có thể chẩn đoán ra bệnh, một câu nói lỡ lời lại cho thấy điều thực muốn nói, di cảo, những phụ phẩm lại cho một tín hiệu để làm sáng tỏ tác phẩm, làm rõ con người và những thứ khác.
Khởi đầu
Dù bạn có biết điều mình muốn nói, cũng vô ích: sự khởi đầu văn chương là một hành động cổ xưa nào đó, gần như độc lập với trí tuệ và ý muốn của chúng ta. Ta nghe thấy một âm thanh, nhìn thấy một ánh sáng nào đó, bỗng nhiên câu văn bắt đầu ngân lên. Và bạn cảm thấy bình tâm: “Một điều gì đó đã diễn ra, như thế này, giờ đây tất cả đều ổn.”
Nhưng thỉnh thoảng bạn không nghe thấy âm thanh ấy, không thấy bất cứ ánh sáng nào; và bạn lúng túng lắp ghép ngôn từ, bạn tìm tòi cái nhịp điệu bí ẩn sẽ khởi động tất cả, tạo cho câu văn trôi chảy. Bạn gắng sức xoay xở, chải chuốt nhưng câu văn vẫn cứ như câm điếc. Không thể bắt đầu viết văn một cách ép buộc. Cũng như mọi công việc sáng tạo, cần một điều gì đó nữa. Điều cần thiết đó là gì?... Có lẽ là ý Chúa.
Những hiểm họa
Viết, trong thời đại ngày nay bắt đầu trở thành một nghề nguy hiểm bậc nhất. Viết có chủ đích thì xưa nay vẫn thế, nhưng ngày nay nếu có ai viết về mùa thu, hay ghi lại cảm xúc khi nhìn thấy một bông hoa anh thảo, hay viết về các loài côn trùng, thì việc đó cũng trở nên nguy hiểm - viết gì cũng nguy hiểm, vì nó có nghĩa như sự nổi loạn chống lại quy luật và thị hiếu của đám đông, vì sau mỗi ngôn từ là cá tính, tức là sau văn chương có sự phản kháng. Viết là đáng ngờ, giống như một mật ngữ, một tín hiệu phát ra. Và lẽ phải thuộc về những kẻ hoài nghi - đó cũng là mật ngữ, là tín hiệu.
Niềm vui
Không phải viết là một cuộc tranh đấu, vật lộn, là sự chuyển dịch hoang mang trên các sa mạc và cánh đồng tuyết phủ của trang viết - thỉnh thoảng có những ngày và những tuần, khi viết là niềm vui, khi những thế lực khủng khiếp mà anh từng vật lộn với nó sẵn sàng hỗ trợ anh, và chúng làm cho cuộc sống cũng như công việc trở nên thanh thản hơn, chúng giải thoát khỏi những quy luật của trọng lực, có những ngày viết là hạnh phúc, khi anh tiến về phía trước nhẹ nhàng và như có cánh, bay trong chất liệu bí ẩn của ý tưởng và hình thái! Những ngày như thế thật hiếm hoi, thời gian ấy thật ngắn: và chắc chắn đó không phải là thời gian làm việc lý tưởng! Những ngày làm việc sung sướng thường khiêm tốn. Những ngày như thế anh không viết một cách quả cảm. Nhà văn thường viết một cách từ tốn vào những lúc như thế, như một cách tạ ơn - vào buổi sớm mai, cúi rạp người trên trang giấy - sự khoan dung không thể hiểu nổi và ân huệ của Chúa mà anh chưa hiểu tường tận, và anh còn ngấm ngầm hơi coi thường điều đó.
Tuổi vị thành niên
Thời gian, khi vì một câu thơ ta bán cả ông bố già lão của mình, cái thời kỳ gàn dở, văn chương ấy, khi nhà văn nhìn thế giới và cuộc đời chỉ như một nguyên cớ tầm thường để diễn đạt những gì thuộc về và không thuộc về con người: đó là tuổi vị thành niên của nhà văn. Với một số người thời kỳ này kéo khá dài; với Flaubert(*)_ chẳng hạn, nó kéo dài tới khi chết.
Nhà văn sẽ trở thành đàn ông, khi không còn đánh giá - không chỉ ông bố già của mình, mà ngay cả thân phận một con người đớn hèn, kém cỏi nhất - thấp hơn một câu thơ dù hoàn mỹ nhất; và còn viết ra điều đó.
Khó khăn
Nhiệm vụ và khó khăn thực sự của nghề viết chỉ bắt đầu khi nhà văn không còn muốn sửa chữa, gọt giũa và hoàn thiện từng câu chữ, mà là ý tưởng.
Renard_(*)
Ông đã viết những vở kịch thành công, những bức vẽ nho nhỏ, một số truyện ngắn. Tất cả đều đã thất tán. Và ông viết suốt đời, không chú tâm lắm, viết để giải khuây hoặc làm mình thêm bực bõ, những ghi chép nhỏ về tất tật những gì tận thấy dưới mặt trời, về những gì mà đời thường xô đẩy đến với cuộc sống nhà văn, về đàn bà và các tính ngữ, về nông dân và các trọng âm, về hoa và sự so sánh, về tình yêu và về vai trò của tình yêu trên sân khấu, về vợ ông và về tính hiếu danh của ông, cả về những khát vọng tình dục của ông, về sự thù ghét của các nhà văn già đã lỗi thời, về hoàng hôn và về cái chết của người cha, về tình thương và về việc ông không bao giờ có thể ngồi cùng phòng với mẹ, về Sarah Bernhardt và về con chó của ông, về những diễn viên tồi và về việc Anatole France đã nói gì sau lưng ông về vở kịch ông viết ngay hôm diễn thử, về những người Pháp và về lòng yêu nước, hai khái niệm không đồng nhất... Ông đã ghi chép trong hơn hai chục năm. Ông luôn mong muốn viết một “tác phẩm lớn”, như tất cả các nhà văn thực thụ; và “tác phẩm lớn” ấy không bao giờ thành. Khi ông mất, cả thế giới mới kinh ngạc và khâm phục nhận ra rằng nhật ký ông để lại, những ghi chép vụn vặt, những phụ phẩm của một đời văn đúng là một “tác phẩm lớn”, ngang tầm với một văn nghiệp lớn. Trong khối di cảo ấy có tất cả những gì mà một nhà văn có thể nói về thế giới.
Ông là hiện thân của một bon sens_(1), của trí tuệ Pháp vừa tỉnh táo vừa hoài nghi, vừa sùng mộ vừa say đắm: mỗi thứ chỉ đúng liều lượng cần thiết để một thiên tài vẫn là một người thợ giỏi, và người thợ đừng diễn trò thiên tài quá mức. Ông biết bí mật của sự cân đối, nghĩa là biết bí quyết của nghiệp viết.
Những kẻ đáng ngờ
Viết về cuộc sống, về tất cả những con người mà anh đã biết và yêu quý, như những nhân vật trong một tiểu thuyết trinh thám. Bỗng nhiên anh nhận ra tất cả đều đáng ngờ: tất cả đều hốt hoảng chứng minh tình trạng ngoại phạm của mình, đâu đâu cũng thấy những vật chứng, những vật vô tri, chúng bắt đầu sáng lên ý nghĩa đặc biệt dưới ánh chiếu rọi của ngọn đèn ngờ vực; và những người hôm qua còn vui vẻ tẩn mẩn, hay đục đẽo chiếc ghế luca_(1) chuẩn bị cho ngày lễ, bỗng nhìn viên thám tử to lớn với gương mặt méo mó. Viên thám tử tất nhiên là người ham thích nghệ thuật, có thể là một cô gái trẻ tò mò, hay một bà già ngớ ngẩn. Không cần thiết gọi tên rõ ràng tính chất của “tội ác”; một điều gì đó đã xảy ra, ở đâu đây, và tất cả ghê tởm tới mức những người trong nhà và xung quanh chỉ dám đưa tay che miệng thầm thì về chuyện đó... Hành động tội lỗi ấy là gì? Chúng ta không thể nói, vì ngay cả viên thám tử cũng không dám kêu tên thật của những kẻ tội phạm và hành động của chúng. Chúng ta có thể làm gì để chống lại chúng? Nhìn vào đâu chúng ta cũng thấy bí mật, tín hiệu và dấu chân. Hãy gọi điện cho cảnh sát.
Giếng phun
Thứ nguyên tố cổ xưa được ép thành hình thể này, loài thú dữ được thuần phục để giải trí này - nước, trong khuôn phép của giếng phun: bạn có nghĩ rằng một điều gì tương tự đang diễn ra với chúng ta - những nhà văn - trong nền văn minh hiện nay? Nào, lại đây, ta hãy viết một cái gì đó dễ thương đi.
Blaise Cendars_(*)
Trong con người này và trong tác phẩm của ông - trong cuốn Vàng - còn thấy hơi thở thực sự của những cuộc phiêu lưu lớn. Nó được hòa trộn từ rượu rum và máu, từ trò biển thủ công quỹ và nỗi nhớ quê hương, từ xứ nhiệt đới và băng giá phương Bắc, từ sự xa lạ không thể hóa giải, và từ ký ức về vatermôrderes_(1) cũng như từ truyền thống không thể hóa giải, từ sự rủi ro và may mắn ngẫu nhiên, từ vàng và từ nỗi u buồn: đó còn là vẻ lãng mạn thật sự, tính quả quyết, nỗi bất hạnh và phong cách mạnh mẽ. Còn hơn cả một văn sĩ lớn, ông là một nhà thông thái, vì ông chỉ viết bằng đúng những gì mình đủ vốn liếng.
Văn xuôi
Hàng ngày, hàng tuần trôi đi, khi điều ta muốn nói vẫn chỉ là văn xuôi: nó không đủ sức cất cánh... Câu văn dù sắc sảo hay có âm điệu, hoặc được sắp xếp dồn dập mạnh mẽ, nhưng không có dòng chảy ngầm của nó. Cả chương cứ trúc trắc, lủng củng, không có sức sống nội tại. Không, văn xuôi không thể khô khan, tầm thường. Văn xuôi có sức tải lớn nhất, nó có sức cuốn hút, có hình thái chặt chẽ còn hơn cả thi ca. Văn xuôi cùng lúc là ý thức trọn vẹn và ân đức trọn vẹn. Nếu không, nó chỉ còn là câu, chương, luận đơn thuần. Bí mật của thứ văn xuôi lớn, có sức sống là gì? Đôi khi tôi đã bắt đầu nghĩ rằng đó chỉ là sự thật.
Cháu ông thợ may
Khi cả thế giới đã biết đến tên tuổi ông, khi ông đã là tác giả của Werther và Faust, bạn thân của hoàng tử, là bộ trưởng, một quý ông, và trên hết là Goethe, tuy thế ở Weimar, những công chức nhỏ và lũ văn sĩ ghen ghét vẫn thường thầm thì sau lưng ông, và chúng bảo: “Ông ấy là cháu lão thợ may.”
Khi sáu mươi tuổi, bằng cách nào đó ông đã tạm ổn về mặt tiền nong; còn từ trước cho tới lúc ấy, ông sống qua ngày đoạn tháng, giữa những lo toan nhỏ về lương bổng, thu nhập và các khoản vay. Thế giới kính nể ông, nhưng ông không “thành đạt”, Kotzebue đã thành đạt, và đối với ông, điều còn đau đớn và xúc phạm hơn là Schiller(*)_ đã thành đạt. Khi ngoài bốn mươi tuổi, ở Roma, trước mộ Cestius(*)_, ông đã điểm lại cuộc đời. “Điều gì nữa sẽ tới?” - ông nghĩ, trong cô đơn, không gia đình, tình nhân, bè bạn - “Tám, hoặc mười năm làm việc nữa. Rồi thế là hết tất.” Nhưng ông còn sống thêm bốn mươi ba năm và còn phải chứng kiến cái chết của người con trai đang độ tuổi bốn mươi, ở gần nấm mồ Cestius, đứa con mà trong chuyến ông đi Roma ấy còn chưa chào đời, và ông còn sống thêm hai năm nữa.
Ông là “cháu người thợ may” đối với Weimar, ông là một parvenu(1)_ bí ẩn, đột nhập đỉnh Olympus. Một người nhân từ, một công dân thế giới, một á thánh ghê gớm. Chỉ mãi sau này, ở Weimar, người ta mới nhận ra rằng trong khi đó, như một lẽ thường tình, ông còn là Goethe.
Schiller
Ông là kẻ đố kị, ở mọi nơi mọi lúc ông đều lăng mạ, đưa tin nhảm về Goethe, gièm pha những yếu điểm của Goethe, rỉ tai những người chưa biết rằng nhân vật đáng kính của Weimar “không có thành công” - và đúng là ông đã gặt hái hết mọi thành công, ông là “người bạn dân”, ông là nhà cách mạng, người khéo chọn vợ giàu sang, khéo lựa cho mình những người hữu ích, người sống xa hoa, và ở tỉnh nào của nước Đức ông cũng chinh phục được những trái tim. Goethe không được cuộc sống ban cho những ân sủng như thế.
Chỉ có một thứ Schiller không được số phận mang lại: sự thanh thản, sự chấp nhận, niềm vui đớn đau của sự thanh thản. Sau này hai ông làm bạn với nhau; nhưng Schiller đã chết một cách nhợt nhạt vì bệnh tật, trong nỗi đố kị vì ông không thể tha thứ cho Goethe bởi những gì Goethe có nhiều hơn, chân thực hơn, bình thản hơn và vĩnh hằng hơn ông. Đúng, làm thi sĩ cùng thời với Goethe là một gánh nặng tinh thần khủng khiếp. Cần có sự khiêm nhường và lòng vị tha cao cả, để giữa những thành công được đám đông chào đón ầm ĩ của Schiller, vì sự dài hơi, hùng biện và khoa trương lòng yêu nước của ông, người ta quên đi một điều khác, quên đi “sự thất bại” đáng sợ mà chính ông, Schiller, biết rằng nó đồng nghĩa với sự trường tồn. Ông cũng đã không thể chịu nổi điều đó, ông vội vã viết hết tất tật, và ông đã chết cũng là vì thế.
Chạy trốn
Tôi không có thị thực đi nơi khác, cũng chẳng có tiền. Giai cấp của tôi - giai cấp tiểu tư sản - không còn là một hình thái khép kín nữa, nó không còn giữ nổi, cũng không bảo vệ nổi nội dung của nó - công dân - nữa. Tôi biết trốn đi đâu?
Tất nhiên tôi trốn vào công việc, vào sự đày ải câm lặng trên trang giấy trắng. Tôi chạy trốn vào công việc, nó cùng lúc là cách sống và hiểu biết thực tại, là chân lý và sự hoài nghi, là sự kiềm chế và phong cách. Đó là Tổ quốc thứ hai của tôi. Một Tổ quốc nhọc nhằn, không có thứ hạnh phúc như trong vườn địa đàng. Nhưng nó vẫn là Tổ quốc, là nơi cư ngụ buồn và đích thực, là tổ ấm duy nhất của tôi trên thế gian này.
Nhà văn già
Đôi khi ông còn gầm gừ một tiếng, ráng hết sức, trước hết bằng mũi và cẩn thận hít hơi qua miệng, căng lồng ngực thận trọng để khung xương già nua, vôi hóa đỡ kêu lên rệu rã. Rồi ông gầm gừ, ầm ào, đòi hỏi như một miệng núi lửa già cũ đã từ lâu hiền lành vui vẻ chấp nhận những quy luật của thế giới quanh mình, và chỉ phun đúng kỳ hạn, theo đúng sự điều hành của nhà chức trách, mỗi ngày hai lần, sáng và tối, trong vòng ba mươi phút.
Cơn bột phát của ông có chủ ý, bày đặt sẵn và tuyệt vọng, nhưng bao giờ cũng làm tôi bàng hoàng. Dòng phún thạch giờ đây đang chảy hiền lành phải đạo kia đã có lúc thiêu hủy bao làng mạc. Nghe tiếng gầm của nó, cách đây chưa lâu, dân cư của bao thành phố đã run sợ. Nhà văn già - ngọn núi lửa cũ - cố tình nổi cơn thịnh nộ; những ngọn núi lửa trẻ - những kẻ hậu sinh - nhìn ông há hốc mồm ghen tị. Chỉ có điều, ông - ngọn núi lửa già - không còn đủ sức hủy diệt thế giới. Vì vậy mà ông buồn bã và chán chường như thế.
Ít nhất
Tôi không biết Giáo đường - tuyệt tác của quê hương tôi - hoàn hảo đến thế, đó là một công trình hoàn mỹ được xây dựng công phu qua hàng thế kỷ. Tôi ngắm từng tảng đá làm nên nó với niềm xúc cảm tuyệt vời. Ở châu Âu không có nhiều công trình như thế, có lẽ con số là khoảng hai mươi hay hai mươi lăm. Vài tháp Giáo đường như ở Chatres, Reims, Kôln, Kassa, chúng là châu Âu vĩnh hằng trong quá vãng.
Nhưng những Giáo đường ấy còn nhắc nhở ta một điều gì đó. Hướng ngọn tháp cụt như một bàn tay bị thương cụt ngón trỏ lên trời cao, nó nhắc: “Trong thành phố này, một công trình nào đó đã được xây dựng, một công trình nổi danh tầm thế giới, một tuyệt tác. Hãy cẩn thận ngước nhìn lên cao, rồi hãy cúi đầu kính cẩn! Con người chỉ đáng giá bằng chừng mức anh ta hiểu được những biểu tượng lớn. Con người chỉ tồn tại khi anh ta dựng lên một công trình nào đó. Ít nhất là một Giáo đường, cho những thế kỷ. Hãy hiểu điều đó!”
Tôi hiểu và buồn rầu bước tiếp.
Gide
Bao giờ tôi cũng đặc biệt lúng túng trước những cuốn sách của ông. Dường như không phải về chuyện những cuốn sách ông đã viết: tác phẩm của ông đây, trên giá sách văn học châu Âu, những cuốn sách bằng cố gắng lớn nhất và dụng ý trong sáng muốn nói lên một điều gì đó... điều gì nhỉ? Dù sao cũng không phải và không chỉ là điều mà cuối cùng được đưa vào trong các cuốn sách.
Cứ như tác phẩm của ông nằm ở nơi khác, chứ không phải trong những cuốn sách. Chính vì thế mà tôi cảm thấy ông bi kịch. Vậy tác phẩm của ông ở đâu, và liệu một nhà văn có thể có tác phẩm khác với tư tưởng đã gửi gắm qua con chữ? Tôi không quan tâm đến đời tư của ông, hôm nay và một trăm năm sau nữa tôi cũng chẳng bận tâm vì đã có lần Wilde giới thiệu ông với một nhạc công trẻ người Ả rập, và sau đó ông bị hấp dẫn bởi những mối tình cùng giới, và sau đó nữa ông trở thành người cộng sản. Tất cả những thứ đó không phải là tác phẩm, mà là định mệnh. Tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy những cuốn sách ông viết chỉ là phụ, và hiện tượng mới là chính yếu. Tác phẩm của ông, đúng hơn là cá tính của ông mà những cuốn sách cố thể hiện một cách vô vọng; kiến văn nghề nghiệp gần như hoàn hảo, cả Đức Thánh Linh mà ông vật lộn - đều vô ích. Gide là một trong số ít, rất ít các nhà văn đem lại ảnh hưởng bằng sự phát xạ vô hình toát ra từ nhân cách và cuộc đời ông, bằng ý muốn hơn là bằng những gì ông viết; ông là nhà văn mà khi nhận ra ý đồ của ông chúng ta không thấy chán nản; đúng hơn là sự hoàn hảo lạnh lùng của văn ông thường làm ta thấy chưa thỏa mãn. Gide là nhà văn không tác động bằng những gì ông sáng tạo ra, mà bằng chính sự tồn tại của ông. Phải chăng đó là một tác phẩm phù sinh, nó diễn đạt bản chất, nhưng không lưu giữ con người ông?
Đôi khi tôi nghĩ một cuộc đời và một tâm hồn như thế có khi lại trường tồn hơn những hệ lụy của nó - những cuốn sách mà ông viết.
Nghiệp viết
Sau mấy tháng chán chường và kinh ngạc, gục ngã và hoang mang, lạnh lùng và ngơ ngác đến ngốc nghếch, tôi thấy mình lại ngồi trước bàn, viết những dòng chữ là bộ phận hữu cơ của một phần lớn hơn đã dự định trước. Tôi vào rừng, căng óc tìm tòi những câu văn mới làm sống dậy một cách chính xác hơn, sinh động hơn, đầy đủ hơn và gần gũi hơn nhân vật mà tôi muốn khắc họa. Tóm lại là tôi viết, viết nhiều như cần phải làm, như người thợ sửa giày làm công việc của mình; tôi viết vì tôi sống.
Nghiệp viết, cái công việc diễn đạt thử nghiệm bằng ngôn từ và khái niệm này chưa khi nào tác động đến tôi một cách khó hiểu ghê gớm như lúc này, chưa bao giờ tôi cảm thấy nó ma mãnh, nó vô vọng khủng khiếp, nó hấp dẫn lạ lùng đến thế. Tôi có thể nói gì bằng nghiệp viết?... Tôi đã qua tuổi bốn mươi, đã trải qua tất cả những gì cuộc sống có thể mang lại, nỗi cô đơn và bè bạn, sự sinh nở và lụi tàn, ái tình và sự thành đạt, thất bại và nhục nhã. Như một nhà ảo thuật về già, tôi biết những chất liệu và bí mật của nghề nghiệp, không còn bất ngờ vì chuyện gì, ngay cả nếu bỗng nhiên lôi ra được một chú thỏ nhà từ trong chiếc ống trước đó rỗng không. Nhưng viết văn là bất ngờ. Tôi còn có thể nói gì về cuộc đời, với những kinh nghiệm sẵn có, chúng dạy ta rằng, không có quy luật, chỉ có sự bất ngờ? Vì sao tôi viết? Tôi muốn gì với ngôn từ? Có lẽ: cần nói thêm rằng, không có quy luật, chỉ có sự bất ngờ.
Đọc
Đọc thôi không đủ. Đọc lại - theo tất cả những chuyên gia - là quan trọng nhất.
Và 10000 cần đọc lại, không chỉ những cuốn sách mà ký ức về nó mờ nhạt dần hoặc lần đọc đầu tiên chúng ta không hiểu kỹ: phải đọc lại cả câu, danh từ, tính từ nhằm xác định một điều gì đó vĩnh viễn trong cuốn sách. Một cuốn sách muốn gì? Muốn được hiểu đúng. Điều đó diễn ra từ từ, chậm rãi và phức tạp gần như trong cuộc đời. Các cặp vợ chồng có khi mất hàng chục năm để người nọ làm người kia hiểu rõ mình. Sách vở cũng là những người quen thân khó nắm bắt như thế.
Đọc theo danh mục, theo mốt hay theo truyền thống chưa đủ; phải tìm đến sách theo cảm giác, cuốn sách có thể nói - với chúng ta, trực tiếp - một điều gì đó. Phải đọc thường xuyên, như người ta thường ăn, ngủ, yêu đương và hít thở vậy. Những cuốn sách, cũng như con người, chúng chỉ trao gửi cho bạn những bí mật, sự tin cậy của chúng khi bạn cũng trao hết mình cho chúng.
Tôi không muốn viết sách kiểu khác, chỉ viết những cuốn thuộc sở hữu của mình. Làm chủ tư tưởng và kiến thức có trong cuốn sách chưa đủ. Hãy làm chủ toàn bộ cuốn sách, như một túi càn khôn của ý tưởng - vô điều kiện, như người ta khao khát một người tình.
Cuộc đời
Nhà thơ trẻ tuổi muốn viết một cuốn sách lớn duy nhất, dày cả ngàn trang, và thích đặt tên cho cuốn sách là Cuộc đời. Chàng muốn viết tất cả những gì nghe thấy và nhìn thấy, tất cả cảm nhận và trải nghiệm trong cuốn sách. Những đám mây và hoa hồng, những con lạc đà và những bà lão cô đơn, nắng, những bệnh tật khủng khiếp, những tính cách và hình thù những loài thú hiếm. Chàng muốn viết mọi thứ vì chàng còn trẻ, số phận của chàng là cầm cây đàn lire trong tay và nghe thấy một giai điệu, còn hơn nữa, chàng không thỏa mãn với ấn tượng của cuộc sống; chàng muốn ghi lại dấu ấn về tất cả.
Nhưng công việc của nhà thơ không phải là ghi lại dấu ấn và dựng bia tưởng niệm về tất cả những gì cuộc sống đem lại. Không được viết cuốn sách lớn trong đó “có tất cả”. Chỉ được nói về những chi tiết, về một đóa hoa hồng, về một con người có tên là Edit hay Lajos, về một buổi hoàng hôn hay về căn bệnh ung thư mà ta biết. Và phải nói về điều đó như thể cuộc sống là một hiện tượng tuyệt vời, như một giấc mơ nào đó: giấc mơ hãi hùng và tuyệt diệu. Và về những điều đó phải nói thật chính xác, bao giờ cũng bằng một-hai từ hoặc một-hai ngàn từ cần thiết để viết về bệnh ung thư, về con người hoặc về hoa hồng. Và bao giờ cũng phải nghe thấy một âm thanh, cùng lúc vang lên từ thế giới và từ tâm hồn của nhà thơ. Phải ghi lại âm thanh ấy. Nhưng điều đó mãi sau này thi sĩ mới học được, khi chàng không còn muốn viết bất cứ cuốn sách lớn nào nữa.
Khiêm tốn
Không, chắc hẳn tôi không phải là một kẻ khiêm tốn. (Khi người ta khen trước mặt ông một nhà văn trẻ là khiêm tốn, O. nghiêm khắc hỏi “Khiêm tốn vì cái gì?”) Ta sẽ hết khiêm tốn trong giây phút ta bắt đầu hoài nghi giá trị, chất lượng tác phẩm của mình, khi ta so sánh, và nhận thấy mình yếu hơn, cẩu thả hơn, kém mạnh mẽ hơn những người mà ta muốn giống họ. Con người sẽ không còn khiêm tốn khi ngước nhìn lên. Chỉ nhìn xuống là dễ trở nên khiêm tốn hơn. Tôi cúi rạp mình, ngả mũ cúi chào trước người thợ vụng. Tôi nhìn trực diện với Shakespeare suốt cuộc đời. Đúng là giữa chừng, tôi lim dim nhìn xuống, như người nhìn mặt trời mà trong tay chỉ có chiếc đèn pin.
Hiếu kỳ
Maeterlinck(*)_ đã nhìn vào đõ ong mật, vào tổ mối, vào đài hoa, ông xem xét, ngửi và sờ mó mọi thứ, rồi viết. Sự hiếu kỳ thi sĩ ấy khước từ việc mang tính chuyên môn, nhưng tận tụy và sâu sắc, niềm đam mê khám phá ấy ban đầu được nhen nhóm từ tình cảm, và chỉ sau đó mới được nuôi dưỡng bằng sự trải nghiệm. Sự cảm nhận thi sĩ ấy biến lòng sùng mộ của tâm hồn thành kinh nghiệm chính xác và tỉnh táo: có lẽ đó là con đường của khoa học. Con người trước hết cảm thấy, rồi nhận biết một điều gì đó, rồi trở nên tò mò, sau đó anh ta sẽ thở dài trong trạng thái vô thức, giống như một thi sĩ, và cuối cùng là kiểm chứng, như một nhà khoa học. Goethe cũng đã mường tượng việc nghiên cứu như thế. Sự khách quan trong những cuốn sách khám phá của Maeterlinck mang tính lý tưởng và đậm chất thơ. Một chuyên gia khi nhìn vào đõ ong chỉ thấy đàn ong mật; nhà thơ Maeterlinck nhìn rất rõ đàn ong và sau chúng là thế giới mà ông đang sống.
Say
Tác phẩm của nhà văn ấy là một cơn say triền miên. Một sự say sưa qua mấy ngàn trang sách. Ông sinh ra, rồi ăn nhậu, tóm lại là say thế giới, và sau đó - với khăn ướt đắp trên trán, thuốc đau đầu trong túi, với tất cả những tác phẩm của Freud Sigmund và thư từ của các Tông đồ - ông bắt đầu than van. “Ôi, thế giới!” ông rên rỉ. “Ôi, tình yêu! Ôi thiên nhiên!”
Hỡi các nhà phê bình, hãy thương lấy ông ấy một lần: Hãy dành cho ông ta đôi lời, một chút cá mòi, và một vại bia hơi.
Vì sao?
Đêm qua tôi đã đọc - lần thứ tư - tiểu thuyết của Wilder(*)_, cuốn Cây cầu của San Luis Rey. Trong văn học đương đại, tôi không biết một tác phẩm nào dám diễn đạt với sức mạnh và diễn đạt được câu hỏi lớn nhất của đời sống như cuốn tiểu thuyết này.
Câu hỏi muôn thuở chỉ thế này: “Sao lại là chính tôi?” Nữ hầu tước Esteban, bác Pio, và cả người đọc cũng hỏi câu ấy, khi gấp cuốn sách tuyệt vời này lại. Vì sao lại chính là tôi mắc bệnh, vì sao định mệnh lại giáng xuống đầu tôi sự cùng khổ, bất hạnh, kiếp nô nệ hoặc bệnh đậu mùa? Vì sao chính tôi lại là một trong năm người phải đi qua cây cầu của vua San Luis trong giây phút hiểm nghèo ấy, vì sao tôi là nhân vật chính của bản tin trong ngày, người bị xe cán trên góc phố Üllői, vì sao lại là tôi bị buộc thôi việc, vì sao chính tôi bị sét đánh, vì sao? Wilder, một cách nhỏ nhẹ, đã thét lên trời xanh câu hỏi ấy.
Ông cũng không trả lời nổi. Lời đáp của ông có chừng này: “Có điều gì đó, mà thiếu nó, không có nó người ta không thể sống?” Điều đó là gì? Tình thương? Ý chí? Lòng nhân ái? Nhà thơ không đáp. Nhưng ông đã kêu lớn câu hỏi ấy với toàn thế giới; và dường như Thượng Đế, giữa sự ồn ào trần thế, trong một khoảnh khắc đã chú ý tới tiếng kêu ấy.
Người bay
Như một phi công trước chuyến bay vòng quanh thế giới cẩn thận vứt bỏ tất cả những gì làm nặng máy bay, anh không mang theo quần áo ấm, đồ len đan, bỏ lại đôi ủng da có khi đắc dụng trên những đầm lầy Xiberi mà ngẫu nhiên anh phải hạ cánh, trong giây phút cuối cùng, anh bỏ lại cả những phích đựng đầy sô cô la và nước cà chua pha chanh có thể làm nguôi cơn khát trên sa mạc, vứt lại cả chiếc mũ lông thú có thể giữ ấm cái đầu hói của anh chống lại chứng đau thần kinh và gió tuyết trên những cánh đồng Greenland băng giá, và cuối cùng chỉ mang theo một bộ quần áo mỏng, một chiếc bánh sandwich, một ngụm nước - vâng, vào giây phút cuối anh rút chiếc ví, trong đó anh giữ ảnh của người cha đã khuất và ảnh cậu con trai, vì chiếc ví cũng nặng vài lạng, nên vì thế anh quăng nó cho người thợ máy, qua cửa sổ máy bay đang rung lên bần bật, thế là anh đã bỏ lại mặt đất tất cả, và giá như có thể, anh sẵn sàng đánh trần và bỏ lại hết kỷ niệm thừa cùng những thứ trọng lượng chết mà leo lên máy bay, chỉ để có thể đem thêm nhiều xăng dầu và các thứ nhiên liệu khác: vì anh muốn bay xa hơn và cao hơn, và anh sẵn sàng đổi mỗi giọt máu mình thành xăng để bay xa hơn và cao hơn! Con người ta sống như thế, viết như thế, chuẩn bị cho chuyến bay cuối cùng như thế, vứt bỏ khỏi cuộc đời mọi thứ thừa như thế, để mang theo mình nhiều nhiên liệu hơn, và đi xa hơn.
Quen
Những bài thơ đích thực đều quen thuộc. Cứ như ta đã đọc một lần từ lâu. Như ta đã biết mỗi dòng của bài thơ ấy. Dường như thứ cảm xúc từ mạch nguồn nóng bỏng, bí ẩn, nuôi dưỡng những dòng thơ là cảm xúc của chúng ta. Như thể mối tình mà thi sĩ tụng ca chính là tình yêu riêng tư và định mệnh của chúng ta, như thể nỗi đau mất nước mà thi sĩ khóc than chính là nỗi đâu vì Tổ quốc của chúng ta, như thể lời nguyền giáng xuống nhân loại bật ra từ vòm họng chúng ta vậy. Chính vì thế mà những áng thơ chân chính, vĩnh hằng và vĩ đại đều mang tính “quốc tế”, theo ý nghĩa phức hợp và cao cả của từ ngữ, và chúng tìm đến trái tim độc giả ở Bolivia chẳng hạn, cũng như ở đất nước đã sinh ra chúng. Thi sĩ bao giờ cũng chào đón, vinh danh và khóc thương người yêu ấy, tổ quốc ấy, nhân loại ấy. Thi sĩ phải có trái tim lớn: cảm nhận thay cả một thế giới. Vì thế mà ta cảm thấy những bài thơ của họ gần gũi. Tất cả chúng ta, những người đang sống, là tuổi ấu thơ của thi nhân. Chúng ta cảm thấy như thế, thi sĩ nói ra điều đó; chúng ta trải nghiệm ấn tượng, còn thi sĩ ghi lại ấn tượng ấy thành thi ca.
Câu chuyện với các nhà văn
Chúng ta luôn nói về những chuyện khác. Về chính trị. Về việc J. ly hôn, B. phản bội thế giới quan của mình, Z. ngốc nghếch, A. đang xuống dốc. Chỉ về nghề, về điều duy nhất mà chúng ta am tường, là chúng ta không nói.
Các nhà văn ngại nói về nghề, họ khư khư giữ kín những bí mật bếp núc nghề văn. Nhà thơ chỉ viết về ars poetica khi không còn muốn làm thơ nữa, và lạnh lùng vứt bỏ những bài học, những kinh nghiệm cũng như bí mật của mình. Chúng ta không nói về những trải nghiệm khi viết tiểu thuyết, nhưng hăng hái tranh cãi về ưu điểm của chế độ kỹ trị và của phương pháp chữa bệnh mới nhờ các tuyến tiết dịch. Chúng ta nói về mọi chuyện mà thực chất chúng ta ít có liên quan, trong khi chúng ta không nói về những gì ta biết, những bài học mà học phí chúng ta đã trả bằng máu và bằng vàng, về những điều ta hiểu biết.
Maugham
Somerset Maugham gần như là một nhà văn lớn. Ông có tất cả để trở thành nhà văn lớn: tài năng, học vấn, sự chuyên cần, đạo đức và lòng quả cảm để làm những gì vô lương, sự hiểu biết thế giới, sự sùng mộ con chữ và cuộc sống. Ông biết rõ sự khác biệt khi so sánh văn phong của Shakespeare với câu nói hay nhất của G. B. Shaw. Ông là người trong cuộc và khiêm nhường. Thiếu chút nữa ông là một nhà văn lớn, ông hiểu biết thế giới thật cặn kẽ như cần phải thế, ông am hiểu bản chất của văn chương và có vốn từ ngữ đủ cần thiết để tạo dựng hình ảnh mà ông nhận thức về thế giới.
Hiềm một nỗi, trong phút cuối, bao giờ ông cũng chững lại trước sứ mệnh, và cuối cùng ông chỉ gần trở thành một nhà văn lớn. Ông viết những vở kịch với sự khinh thị bất đắc dĩ, như người đến xứ thuộc địa, sống trong môi trường khỉ ho cò gáy giữa các đồn điền trong bốn chục năm, để sau khi trở về cố quốc có thể dùng số tiền kiếm được ở thuộc địa chuộc lại điền trang thái ấp của tổ tiên rồi sống ở đó trong yên bình theo nếp cũ, chế biến rượu vang hảo hạng và đọc các tác phẩm của Horatius(*)_. Nhưng có vẻ như ông lên cơn sốt ở xứ thuộc địa, mắc một căn bệnh bí hiểm nào đó, một loại trùng gây sốt của thứ thành công mà ông rất khinh thị đã hành hạ ông. Ông là một nhà văn khá, chỉ có điều trong giây phút cuối, bao giờ ông cũng đưa vào tác phẩm một điều gì đó rẻ tiền, một điều gì đó gây tác động khôn ngoan và đáng ngờ, như án mạng, âm mưu hay ái tình. Và ông sử dụng ngôn từ như người không có trái tim, ông viết những thứ đó bằng tất cả cố gắng, niềm tin và mọi hệ lụy. Péguy_(*) nói có những nhà văn rứt ngôn từ ra từ thân xác mình, những người khác rút ra từ túi áo khoác của họ những cách diễn đạt cần thiết, bằng động tác nhẹ nhàng và tự nhiên. Maugham là nhà văn như thế. Ông có những chiếc áo khoác tuyệt hảo và ngôn từ tuyệt hảo. Đáng tiếc là ông không làm được nhiều hơn thế.
Tiền
Văn học, đồng thanh và giả dối, coi thường tiền bạc. Nó chỉ coi tiền bạc là đạo cụ mà người ta đưa cho nhân vật trước lúc phông màn được kéo lên, như một thứ tiền giả vô giá trị trên sân khấu, chỉ đóng vai trò thứ yếu trong một cảnh lớn. Trên thực tế, tiền có vị trí trong cuộc sống, cũng giống như tình yêu hay nỗi sợ hãi cái chết, hoặc như khát vọng, như tình yêu Tổ quốc; trên thực tế tiền là một ấn tượng nhạy cảm hơn nhiều. Người ta không viết về ấn tượng thường nhật của tiền, về sự căng thẳng mà khoản chi riêng hai chục pengő_ hay khoản thu năm chục pengő_ mang lại cho đời sống, về cái cảm thức hỗn hợp vụn vặt thường ngày xoay quanh đồng tiền tích tụ trong cuộc sống chúng ta còn phức tạp hơn cả tình yêu và khát vọng, người ta không viết về những nỗi bàng hoàng tám pengő_ rưỡi, về niềm hân hoan hai mươi sáu pengő_, về nỗi thất vọng mười hai pengő_. Văn chương, trong đa số các trường hợp, chỉ viết về những thái cực, về đồng tiền không có hay số tiền nhiều không đếm xuể. Nhưng trên thực tế, chúng ta sống giữa số không và vô cùng, ta tính đếm, ta xúc cảm, ta hứng khởi và ta rơi lệ. Giữa chết đói và bạc triệu diễn ra ấn tượng đích thực của tiền, nó có thể đa sắc, phiêu lưu, hấp dẫn và đáng sợ trong khoảng bốn trăm tám mươi pengő_ hàng tháng, như một chuyến đi tới Mũi Hảo Vọng, như nạn chết đói ở Trung Hoa hay như sự phá sản của gia đình Fugger_(1).
Thất bại
Trong một thất bại lớn, thực sự có một điều gì đó nâng bổng ta lên và trấn an ta. Một buổi sớm anh thức dậy và biết rằng cuốn sách, vở kịch, hay một hoạt động tinh thần hay vật chất của anh đã thất bại. Anh không biết điều đó từ mục phê bình của các báo, cũng không từ tin báo thông báo phá sản. Thất bại quá rõ ràng. Anh đi trên đường phố và cây cối cũng quay đi, trong các cửa sổ đèn bỗng tắt. Những kẻ ở đậu ăn nhờ và suốt đời vay nợ cũng quay mặt đi, nhổ bọt khi thấy anh lại gần. Anh nghĩ tới mai sau cũng vô ích; không có niềm an ủi. Khôn ngoan nhất là phẩy tay cho qua những ám chỉ thoáng qua, những lời động viên nhẹ nhàng và rụt rè của gia đình, người thân, bè bạn. Không cần tới mai sau, không cần tới cao dán. Thất bại này, một trạng thái cổ xưa, một thứ gì đó trong sáng, chân thực và mạnh mẽ. Thất bại không phải điều tồi tệ; ta cảm thấy mình đã làm điều gì đó và xảy ra một điều gì đó trên thế gian này. Chỉ người muốn một điều gì đó mới thất bại: nhưng điều đó cũng không là niềm an ủi. Không còn sự lầm tưởng nữa. Hãy bình tâm đứng lại, nhìn trực diện vào bóng tối! Anh đã thất bại.
Có đi có lại
Vì không chỉ có bạn viết nên cuốn sách; cùng lúc đó cuốn sách cũng viết nên bạn. Đó là sự có đi có lại vĩnh hằng, bạn đừng quên điều đó.
Số nhà
Tàu điện chạy qua ngôi nhà tầng trệt trên một đường phố ở Kassa, khi tôi thoáng thấy căn nhà và số nhà, một tia sáng mạnh hơn tia lửa điện cảnh báo: “Đây rồi!”
Đúng, đây là ngôi nhà R. - con trai ông đại tá - đã sống, ở đây “đã xảy ra chuyện gì đó”, sau này tất cả đã thành sách và huyền thoại, một chương trong tiểu thuyết đã diễn ra ở đây, sau những bức tường kia, sau số nhà với số địa bạ bí ẩn kia. Tất cả những điều đó tôi không nhớ bằng trí não nữa, mà bằng thể xác. Tàu điện đã vụt qua, không còn nhìn thấy ngôi nhà, ta hãy sống và viết tiếp. Nhưng đừng bao giờ quên rằng hiện trường, đạo cụ, tất cả vẫn còn ở đâu đó, với sự bướng bỉnh khó hiểu, và đòi dự phần vào tác phẩm của bạn. Không phải bạn đã dọn sạch hết dấu vết; ở đâu đó vẫn lộ ra một số nhà.
Chuyện kể
Trong âm hưởng của những thi phẩm, tiểu thuyết hay những cuốn sách khoa học lớn, có một điều gì đó đơn giản và trẻ thơ như trong một truyện cổ tích. Những cuốn sách lớn bao giờ cũng là một cuốn chuyện kể. Kinh Thánh là như thế, Tolstoy là như thế, những bài thơ hay bao giờ cũng như thế, một câu chuyện muôn thuở. Vì tận cùng cuộc sống và tâm hồn là một câu chuyện kể, đôi khi là truyền khẩu - viết bởi dân gian -, đôi khi là đức tin, viết bởi các đấng tiên tri, đôi khi là một câu chuyện được viết bởi các nhà văn lớn: nhưng âm thanh và thái độ mà những áng văn ấy muốn nói với thế giới bao giờ cũng kiệm lời, đó là âm hưởng và cách ứng xử của chuyện kể. Nhân loại chờ đón những câu chuyện kể, và đấng tiên tri, nhà văn, nhà khoa học chỉ có thể tiếp cận tâm hồn con người thực sự và mãi mãi bằng âm hưởng của chuyện kể. Vì tất thảy các nhà văn đều sống một chút ở phương Đông, ngồi dưới gốc chà là, dân chúng ngồi vây quanh anh ta và bảo: “Nào, hãy kể chuyện đi!”
Turgenev_(*)
Một người ngồi rất thoải mái trong salon ở Paris, trong văn học Pháp. Gương mặt xanh xao, bộ râu bạc trắng, trang phục kỹ lưỡng và sang trọng, cái nhìn thân thiện và thông tuệ, đôi bàn tay trắng mềm mại, âm hưởng Pháp tinh tế trong giọng nói của ông, tất cả đều cuốn hút cử tọa. “Ông đúng như một người Pháp!” - họ nói. “Một bậc thầy!” - họ tấm tắc.
Đúng, ông đúng như một người Pháp. Nhưng con người ấy, trong salon và trong văn học Pháp, đã sống và sáng tạo cả một đời từ nỗi hoài nhớ quê hương gắn liền với nước Nga. Gắn với nước Nga, nơi ông không thể sống nổi, ông luôn trốn chạy khỏi nơi đó, để rồi ông - người bạn của của anh em nhà Goncourt_(*), con cưng của giới trí giả châu Âu - trong những salon Pháp, vẫn luôn luôn nghe rõ tiếng nói của các điền chủ và những người muzijk ở các điền trang nước Nga, tiếng gió rít từ những cánh rừng Ural, tiếng chó sủa trên những cánh đồng cỏ linh lăng bên bờ sông Volga, tiếng thét của một đứa trẻ Nga hay tiếng văng tục của một gã công chức tỉnh lẻ láo xược. Ông sống giữa thành trì của văn hóa châu Âu, và ông chỉ nghe, chỉ nhìn, chỉ viết được, chỉ mơ về những điều đó. Và trong mười tập sách, ông đã tái tạo nước Nga, nơi ông không thể sống nổi. Một con người bị xua đuổi đã một lần nữa cẩn trọng tạo dựng nên kiệt tác mà ông đã trốn bỏ. Vì ông là một người Nga và là một nhà văn. Ông là “một người Pháp” đến mức ấy.
Năm dòng, mười dòng
Tôi chỉ còn sống vì vài dòng này nữa, vì năm dòng hay mười dòng mà tôi sẽ viết lúc mặt trời lặn vào cuốn vở này hay vào nhật ký, như một người lính bị thương nằm yên lặng suốt ngày trên bãi chiến trường, mê man vì vết thương, trong máu và trong những hồi tưởng, và tối đến, khi những đồng đội của anh - lần mò giữa những tử thi và bờ bụi - đến bên anh, bằng một cử chỉ yếu ớt anh giơ tay lên và ra hiệu mình còn sống.
Anh ta vẫn còn sống, và có lẽ chưa bao giờ anh đã sống mãnh liệt, đầy đủ như trong những giờ câm lặng ấy, giữa trời và đất, giữa sự sống và cái chết, và có lẽ chưa khi nào anh diễn đạt với sức mạnh hoang dã như thế, rằng anh còn sống bằng động tác yếu ớt kia. Quanh tôi không còn “công xưởng” và cuộc sống văn chương ồn ã nữa. Tôi viết năm và mười dòng như người ra hiệu, không phải cho thế giới, cũng không phải cho những đồng ngũ, chỉ cho chính bản thân mình. Tôi không còn muốn viết những tác phẩm để được người ta vỗ tay tán thưởng. Tôi chỉ còn muốn viết sự thật, không một điều gì khác. Và cũng như ở Bungary, người ta phải ép hàng ngàn đóa hoa hồng để nhỏ xuống duy nhất một giọt dầu hoa hồng, và cũng như phải yêu để từ cơ thể con người phun ra một chút tinh dịch - hiện thân của sự sống và cái chết, và cũng như phải cảm thấy hết sự đau đớn để từ trái tim và đôi mắt con người nhỏ ra một giọt lệ, phải sống, chờ đợi, lưu tâm, nhìn vào bản thân ta và thế giới, phải đọc, phải chơi, phải cười, phải lẩm bẩm một mình và hồi tưởng như thế để viết ra năm hay mười dòng. Tôi không còn muốn viết gì khác. Xin chào tất cả, những cạnh tranh văn chương, những tham vọng hư danh, những cuộc giao đấu nảy lửa... Các người cứ tiếp tục, nhưng vắng ta. Tôi chỉ muốn viết năm dòng, vào chập tối, khi trước cửa sổ kia những bông hồng quanh lăng mộ Gül Baba_(1) còn hít thở một lần nữa; năm dòng, có thể mươi dòng.
Ngươi là ai?
Hãy nhìn xung quanh và tạ ơn Trời, và hãy bình tâm! Ngươi là ai và là gì? Ngươi là một văn sĩ Hungary, loại nhà văn không biết viết gì khác, ngoài những gì ngươi thích, nghĩa là một kẻ hành khất, đôi khi là hành khất chơi sang, đôi khi là một gã ăn mày tư sản, nhưng luôn luôn là kẻ chịu ơn sở thích đỏng đảnh, khó chiều của một đất nước nghèo nàn và buồn tẻ. Ngươi không phải là nhu cầu thiết yếu hàng đầu của dân tộc. Trường hợp may mắn nhất - nếu người ta còn chịu đựng ngươi... Ngươi là văn sĩ Hungary, nghĩa là vị hôn phu của đói nghèo, nghĩa là ngươi lê la trên lưng hay bên lề xã hội, như những người Digan, thi thoảng mới có người tử tế và quyền thế - những người có nhà cửa, danh tước và phẩm hàm - bắt chuyện và vỗ vai ngươi, thường xuyên hơn là họ chỉ ném vào đĩa cho ngươi vài xu bố thí nếu ngươi đàn hay hát ngọt.
Ngươi là một văn sĩ Hungary, ngươi đại diện cho sự nghiệp của một dân tộc trên thế giới này, ngay cả khi dân tộc ấy không muốn biết tới điều đó. Hãy hướng con tim về phía những người cùng khổ. Tất cả những thứ khác chỉ là trò bịp, phù hoa, xảo trá. Tất cả chỉ có thế.
Lời tạ ơn ngỏ
Và dẫu sao tôi vẫn mắc nợ một lời tạ ơn, một lời tạ ơn ngỏ, vì nỗi hổ thẹn, sự cùng khổ của tôi đều công khai, và đồng thời cả niềm hạnh phúc u buồn cũng công khai, niềm hạnh phúc vì Số phận đã ban tặng khả năng diễn đạt, vì tôi nói lên được những điều tôi chứng kiến trên thế gian này, và trong những khoảnh khắc ân đức, đôi khi tôi diễn đạt nổi cả những gì không thể nói. Tôi phải tạ ơn một điều gì đó, không thể làm khác. Phải cảm ơn vì tôi biết những từ ngữ của con người, biết nghe và biết cảm nhận, hiểu và đoán nổi những ngôn từ ấy, biết ý nghĩa và hương vị của chúng, và bằng những ngôn từ ấy tôi có thể nói lên tất cả những gì mà tôi muốn, tôi có thể nhờ những ngôn từ ấy để làm mọi người, con trẻ, có khi cả cảnh vật và những người đã khuất hiểu mình. Tất cả thuộc về tôi, mọi ngôn từ. Tôi thật giàu có, nhưng đồng thời cũng cùng khổ và nghèo nàn. Xin được công khai tạ ơn vì điều này, vâng, qua báo chí.
Utrillo_(*)
Những góc phố, quảng trường, bờ sông với những ngôi nhà, bầu trời với những gác chuông lẻ loi hay những tháp nhà thờ trong tranh ông bao giờ cũng vẫn như thời Trung đại, ngay cả khi ông vẽ một đường phố của Paris hay Provence ngày nay. Những ô cửa chớp màu xanh, đỏ, đen bao giờ cũng khép, rèm cửa khi nào cũng buông. Trời nắng, bóng các khối đá khi nào cũng sâu và đen, người thợ làm bánh mì nằm ngủ trong gian chứa đồ phía sân sau, dân chúng sống trong thành phố, những viên đá lát, nhà cửa, giáo đường được xây dựng lên là vì họ. Nhưng trên những bức tranh của Utrillo không bao giờ thấy những con người ấy xuất hiện.
Nhưng từ những khối đá, bức tường và những mái nhà, những gác chuông và tháp giáo đường, từ dãy tường khuôn viên cũ kỹ, đổ nát, xiêu vẹo dưới ánh nắng và bóng tối vẫn tỏa ra những bí mật con người. Sau những khuôn cửa chớp vẫn cháy bỏng những đam mê, tình yêu và tội ác vẫn gào thét, một gã cuồng đếm những đồng tiền vàng, một thiếu phụ có đôi môi nóng bỏng, nồng nàn đang thiếp ngủ trên tấm thân trần của người tình. Ông đã vẽ những gì không thể nhìn thấy dưới dạng hình học chuẩn. Ông vẽ cuộc sống trong không gian của những ngôi nhà một tầng. Ông đã vẽ sự vô thủy vô chung của con người, và trên bức họa chỉ thấy một ngõ phố không có bóng người, đầy nắng. Một họa sĩ lớn, một nhà văn lớn, một nghệ sĩ chân chính vẽ một khung cửa chớp đóng kín, nhưng phía sau khung cửa ấy ta cảm thấy đầy đủ cuộc sống bi kịch và hạnh phúc của con người. Xem một bức họa đường phố mang tên Phố cây lê, và ta như nhìn thấy cả địa ngục.
Siêng năng
Tay nhà văn ấy thật chăm! Anh ta xem hết mọi cuộc hành quyết có thể xem, xem người đẻ và chứng kiến những ca mổ rùng rợn, quan tâm đến sự bắn phá nguyên tử, đã đàm đạo dài dài với Einstein, với Max Planck(*)_ và Katherine Hepburn(*)_, anh thuộc lòng hàng trăm dòng trong các tác phẩm của Shakespeare, anh đánh hơi và luôn có mặt ở bất cứ nơi nào xảy ra chuyện gì đó khác thường với con người, dù là việc kinh khủng hay tuyệt vời. Anh đã chuẩn bị hoàn hảo cho nghề văn. Chỉ có điều anh không khi nào có thời gian viết - anh bận, không có thời gian để viết những gì anh đã thấy.
Lữ khách
Giờ đây, khi trên thế giới này, có vẻ như lực hút kết dính mọi thứ - nhà cửa, thiên nhiên, tâm hồn con người, các vì sao và các hệ thống luật pháp - không còn gắn kết nữa, tôi lại trở về với những cuốn sách. Tôi đã thất vọng với tất cả những gì thuộc về con người, vì tôi đã tìm con người không đúng chỗ. Tôi tìm trên đường phố và trên giường ngủ, trong cửa hiệu và trên chiến trường, trên sân thi đấu và trên sân khấu, trong các bệnh viện và trong nhà thổ, trong các gia đình và trong tu viện. Tôi tìm khắp chốn, những nơi mà con người hoạt động, chỉ không tìm ở nơi có con người. Con người chỉ tồn tại trong tâm hồn mình.
Vì thế mà tôi trở về với những cuốn sách. Vĩnh viễn. Tôi sẽ để lại đây cho các bạn tất cả những gì hôm qua còn rất quan yếu với tôi và với các bạn. Nay không còn quan trọng nữa. Người khách lữ hành khi cất bước ra đi hãy chỉ đem theo những gì cần thiết nhất. Một bàn chải răng, bộ đồ lót và tâm hồn con người.
Tompa
Ôi, chứng loạn thần kinh bị dồn ép vào những bản thánh ca, vào tình yêu nước u buồn, vào thi phẩm về hoa và những biểu tượng này, sự bất hạnh và phản kháng được kìm nén bằng ý chí này, tiếng kêu thương dồn nén của con người, trong đó hòa trộn số phận đất nước với số phận Mihály, số phận của linh mục với số phận của thi sĩ, kinh cầu nguyện và khúc hát đưa tang với niềm vui và tiếng kêu thương - hãy nhớ lấy lời ông, hỡi những nhà thơ! Cuối cùng thì tất cả những tâm hồn vĩ đại và bị tổn thương - những Thánh tông đồ và các nhà thơ - đều chỉ cho ta những lời khuyên rất giản đơn, nhưng những lời khuyên ấy vang vọng đến mai sau. Ông đã nói gì, đã khuyên điều gì? “Hỡi các con, hãy hát lên!”
Các phụ âm
Các phụ âm không có thi sĩ của chúng. Rimbaud, bằng một ngón tay mềm mại và phép pha màu, đã cho những “O”, “Ô”, và “Ê” màu sắc thực của chúng. Rồi sau đó các nhà thơ im lặng, như vô tình. Đến một ngày, ai sẽ viết ý nghĩa thực của chữ “R”, cái tiếng lắc rắc, rào rạo nghe như tiếng cây cỏ gãy rạt dưới bàn chân người tù Xiberi chạy trốn trên đồng cỏ băng giá của nước Nga, ai sẽ viết hơi thở của chữ “H”, như một cô gái mười lăm mặt ửng đỏ hà hơi lên mặt cửa kính bám đầy hoa tuyết, ai sẽ tả tiếng lạo xạo của chữ “S” gợi nhớ đến giây phút đôi gót chân trần của Savonarola(1) bắt đầu bước lên những cành khô trên giàn lửa, ai sẽ nói về giá treo cổ “F” hiểm ác đang chờ treo lão “O” béo hay ả “Ü” đĩ thõa, một ả gián điệp ngầm mặc áo xanh? Chỉ có chữ “V” trong văn chương, như đàn sếu bay trong những bài thơ phương Bắc. Hãy làm việc, hỡi các thi nhân biếng nhác! Hãy biết quý chất liệu của mình, hãy khám phá ý nghĩa của những con chữ. Xét cho cùng, đó là việc của chúng ta.
Ibsen_(*)
Ông mãi mãi là một dược sĩ.
Với chiếc kính mũi, mái đầu bạc bù xù cúi trên chiếc bàn cẩm thạch làm hóa nghiệm của nhân loại, ông cúi thấp, cẩn trọng và kỹ lưỡng mày mò trong những độc tố và những chất liệu bí ẩn đánh ba dấu chữ thập(1)_. Bằng những ngón tay nhạy cảm bị axit ăn mòn lỗ chỗ, ông trộn một nhúm bột đau đớn với hai phần hư danh, một lít nước cất bất hạnh, vài hạt bột đố kị, thỉnh thoảng ông với về phía những giá đỡ phía sau lấy xuống một lọ thủy tinh lớn, rồi hòa tan tất cả trong một dung dịch hy vọng màu xanh nhạt. Nhưng thường xuyên nhất là ông pha trộn các chất độc, những độc tố của cuộc đời, với liều lượng chính xác tới mức không ai chết vì nó, kể cả những khán giả khi ra khỏi nhà hát mang trong tim mình tất cả những đau buồn, cái nhìn khách quan và nỗi thất vọng trong những vở kịch của ông.
Ông là một nhà chuyên môn: cứ như ông có bằng cấp để làm việc ấy. Đó là một con người ít nói và cay đắng. Ông phục vụ con người theo những quy tắc ông đặt ra và bằng tất cả hiểu biết của mình, trong khi ông biết rằng lẽ ra phải tiêm thuốc phiện cho tất cả những gì thuộc về con người.
Nữ văn sĩ
Không hiểu vì sao, bao giờ cũng vậy, cứ mỗi lần nhìn thấy nàng trong tiệm cà phê, khi nàng đang cúi xuống bản thảo, cố gắng đưa vào truyện ngắn và các đoạn văn những mô tả ủy mị về khát vọng, hận thù và sự thất tình, tôi muốn lại gần nhẹ nhàng và thân thiện rút cây bút khỏi tay nàng và bảo: “Hãy cẩn thận với cây bút, bà bạn ơi! Nó là một công cụ sắc nhọn, không dành cho phụ nữ đâu. Có ngày nó sẽ làm đứt bàn tay xinh đẹp của quý bà đấy.”
Âm điệu
Từ những tiếng ồn ào của đời sống, bỗng thấy tách biệt rõ âm điệu - âm nhạc từ sự ầm ĩ, trong sự tinh lọc tuyệt vời này có âm thanh và tiếng động thường ngày được chắt lọc thuần khiết như tội lỗi trong lời cầu nguyện, như ánh nhìn phản chiếu của Eros(1)_ trong nụ cười năm mươi pengő_ của cô gái làng chơi. Đâu đâu cũng tiếng ồn ào, nhưng bạn hãy chỉ chú ý lắng nghe lấy âm điệu.
Phê bình
Tôi phải xem lại các bài phê bình những tác phẩm của mình theo yêu cầu của một nhà xuất bản. Tôi thấy hàng trăm, hàng ngàn bài phê bình đóng thành từng tập, những bản án chết người trên những trang giấy gấp góc, những bài ca ngợi vồn vã, những lời thô lỗ láo xược.
Tôi thong thả lật giở những mẩu báo cũ, và nghĩ: “Xét cho cùng, mình còn sống là một điều kỳ diệu. Theo những quy luật của chân lý và luận lý thì từ lâu tôi đã treo lủng lẳng trên cành một cây sồi ở đâu đó trong rừng Kamara, trong gió thu, với những lá thư tuyệt mệnh trong túi. Theo đúng lẽ - đặc biệt là theo lẽ của những bài phê bình này - lẽ ra tôi đã tự treo cổ mình từ lâu mới phải. Sao tôi chưa làm chuyện đó?... Có lẽ vì bài phê bình hay nhất, đúng nhất cũng chưa tác động đến tôi thật sự, cũng như bài viết đê tiện nhất. Không thể xúc phạm nổi một nhà văn dày dạn. Có thể gây phiền nhiễu cho nhà văn, có thể cướp đi bánh mì, tự do, đôi khi cả cuộc đời họ, chỉ không thể cướp đi nổi cảm hứng bí ẩn và cay đắng của nhà văn. Chỉ nhà văn có thể tự tước bỏ cảm hứng của mình. Và tôi đang làm việc đó.”
Công việc
Đôi khi tôi ngạc nhiên thấy hàng ngày mình làm việc quá ít: có khi chỉ vài phút buổi sáng hay buổi chiều, khi không còn có thể trì hoãn thêm nữa, và khi - tự buộc mình - nguệch ngoạc vài dòng sau này trở thành bài viết, bài báo, biên khảo hay một trang sách.
Đúng, nếu như người ta trả công cho tôi tính theo giờ, thì có lẽ tôi đã đi ăn mày. Tôi nghĩ mình chỉ làm việc không quá một tiếng hay bất quá là tiếng rưỡi mỗi ngày. Phần lớn mọi người có thể ghen tị với các nhà văn, chỉ thấy họ lang thang, nhìn ngắm, đứng vẩn vơ đâu đó, đọc sách, và thi thoảng viết một cái gì đó. Tôi không phản đối sự ghen tị đó. Tôi chỉ muốn nói rằng, chính tôi cũng ghét đa số những công việc vớ vẩn mà người ta mất thời gian hay bỏ cả cuộc đời vào đó. Một công việc như ngồi trong công sở mười tiếng mỗi ngày, hay thu tiền hoặc “xử lý” giấy tờ sổ sách chẳng hạn. Có thể xã hội cần đến những công việc buồn tẻ ấy. Có điều tôi không trọng những công việc đó.
Lao động không thể vì mục đích riêng. Lao động chỉ có ý nghĩa khi con người ta sáng tạo ra một điều gì đó: như làm một đôi giày - ở trình độ tinh nghệ - mà người khác không làm nổi, hay viết một tiểu thuyết - ở trình độ bậc thầy - mà người khác không viết nổi, hoặc chữa bệnh tài giỏi như được Thượng Đế mách bảo cho bí quyết vậy. Tôi vĩnh viễn biết ơn số phận, vì mình không biết lao động, chỉ biết sáng tạo.
Thi ca
Có lẽ đến một ngày ta sẽ trở thành nhà thơ thực sự, khi tất cả những gì thuộc về con người và thiên nhiên trên thế gian - không khí oi bức của một buổi tối cuối tháng Chín, tiếng đàn dương cầm, một mùi hương hoa quả hoặc đồ vật của một người đã khuất - tác động đến ta gần gũi và mạnh mẽ đến nỗi ta không muốn diễn đạt nó thành lời. Những thi sĩ lớn, vĩ đại cũng chỉ làm thơ. Thi ca rộng lớn hơn các bài thơ. Đến một ngày ta im lặng trước thế giới, và lim dim đôi mắt. Đó là giây phút ta thật sự là thi sĩ.
Jacobsen_(*)
Quanh ông là sự thanh bình và hương thơm như trong một khu vườn cuối thế kỷ trước, ở đâu đó về miền Tây Bắc, gần biển. Giữa những khóm hoa hồng là những viên thủy tinh màu tím, đỏ hay vàng gắn trên những cây cọc gỗ nhỏ sơn dầu màu trắng. Từ khu vườn không nhìn cũng không nghe thấy biển, nhưng có thể cảm thấy hơi thở lên xuống của thủy triều. Một thiếu nữ tóc vàng, dáng cao cao đi trên con đường rải sỏi trắng, đôi vú nàng căng tròn và môi nàng đỏ như son. Người phụ nữ kia - người mù cũng thấy - không bao lâu nữa sẽ chết lúc nhan sắc đang lên hương. Khi đó bao nhiêu người sẽ gào thét, đưa nắm tay lên miệng, trong nỗi đau đớn bệnh hoạn. Vì phía sau sự thanh bình, sau sự yên tĩnh của hoa hồng và của khu vườn đẹp đẽ kia là biển cả, sau trật tự ngăn nắp là sự bộn bề lộn xộn bao giờ cũng có tên là định mệnh và cái chết, sau tâm trạng là khát vọng và đau đớn gào thét, cũng như sau văn chương - dù ai đó có ra sức phủ nhận - là cuộc đời.
Giao điểm
Người trung bình, nhà văn tồi, người suy nghĩ nhạt nhẽo và biếng nhác nhìn và cảm nhận thế giới theo phương nằm ngang. Người có đủ can đảm để cảm nhận thực tế nhìn thế giới thu hẹp và thế giới rộng lớn theo chiều thẳng đứng. Hai quan điểm không bao giờ chồng lấp lên nhau, nhưng gặp nhau ở đâu đó, tại một giao điểm duy nhất. Giao điểm ấy có khi là cây thánh giá, có khi là giàn lửa.
Đàn lire
Như người bị mất cắp, ban đêm hốt hoảng nhìn quanh, đưa tay lên sờ túi ngực, và không biết nên gọi cảnh sát hay kêu toáng lên, thỉnh thoảng tôi tự hỏi: những bài thơ đâu rồi? Ai đã lấy những bài thơ của tôi? Ai đã lấy thi ca của tôi? Vì sao tôi không bao giờ làm thơ nữa, ai đã đánh đổi chuỗi ngôn từ vàng ngọc của tôi thành những đồng xu, ai đã lấy đi của tôi áng thi ca khác - sự im lặng và lan tỏa, vẻ đẹp và sự sùng mộ duy nhất của cuộc đời? Cây đàn lire ấy đâu, như các nhà thơ nói, cây đàn lire mà Arany ôm vào lòng nếu “Thần Chết đến”, ai đã bẻ gãy cây đàn, không có cây đàn lire tôi biết làm gì trên thế gian này, với máy chữ và bút bi ư, tất cả có nghĩa gì nếu thiếu cây đàn?
Một lần nữa
Một lần nữa, hỡi đàn lire, một lần nữa thôi! Một lần nữa thôi hãy rung lên, một dây thôi, khàn đục, sao cũng được. Hãy nói đi, cây đàn bụi bặm, đừng hổ thẹn! Vì ta không thể nói được nữa bằng lời. Chỉ ngươi nói được mà không cần đến ngôn từ, trên một dây đàn.
Ngoan ngoãn
Tôi viết một cuốn sách, đã được khoảng một phần ba hay phần tư, và diễn tả một quá trình kỳ diệu không thể hiểu nổi, khi đó tôi không còn “viết” sách nữa, mà đơn giản chỉ ghi lại những gì các hình tượng và nhân vật của tôi nói và hành động. Tôi thấy họ đi lại trong phòng, trong thời gian, trong thế kỷ trước. Đôi khi tôi bất ngờ, đôi khi thích thú nhận thấy người này có nốt ruồi bên cánh mũi, người kia có suy nghĩ về một hành động nào đó khác hẳn với sự mường tượng của tôi, người thứ ba té ra là một gã đểu cáng, còn người thứ tư có chiếc áo khoác màu vàng. Lúc này họ cứ thế đi đứng, trò chuyện, ứng xử, sống và chết, và tôi chẳng còn việc gì khác hơn là chú ý và cẩn thận ghi chép lại những gì họ nói. Tôi không can dự vào câu chuyện của họ nữa, chỉ ngoan ngoãn lắng nghe.
Vajda_(*)
Ông viết bằng than, lên tro. Giữa chừng thỉnh thoảng ông hộc lên, đóng cửa nhốt vợ trong phòng, ra tiệm ăn gọi món thịt bò rán với hành phi. Hoặc ông lên Viên và đạp vào người vợ mình đang bụng mang dạ chửa làm nghề may vá hiện sống trong nghèo đói, khiến bà sảy thai. Rồi ông khóc. Rồi làm thơ từ máu, từ khói bụi, hoa hồng đen, từ lửa địa ngục, từ niềm đam mê bất lực. Thỉnh thoảng ông đưa tay lên trời, ngơ ngác, miệng vẫn ngậm tăm và bứt một vì sao. Rồi sau đó, bằng những lá thư rất lịch thiệp, ông xin tiền những nơi công quyền. Rồi ông viết một chữ bằng tiếng Hung, con chữ ấy bắt đầu sáng lấp lánh như được nung trong lửa luyện ngục.
Cuộc đua
Cần phải sống vượt qua những đề tài lớn, những đề tài đích thực. Cuộc chạy đua với đề tài có khi diễn ra trong khoảng hàng chục năm - một cuộc đua marathon. Trước hết phải xảy ra một việc gì đó, rồi phải hiểu điều đó, rồi hãy xét đoán, đánh giá nó, sau đó phải giải thoát khỏi ấn tượng, rồi lùi ra xa, thật xa như nhìn vào quá khứ. Khi đó đề tài mới bắt đầu sống, thật sự. Nonum premateur in annum?(1)_ Đúng, nhưng không chỉ cần lưu giữ cuốn sách đến chín năm, mà cả chất liệu làm ra nó nữa.
Quả táo
Bạn hãy xem nó mới hoàn hảo làm sao! Màu sắc của nó, sắc đỏ, sắc vàng nhạt, hình dáng nó, một hình thể có chủ đích và khép kín, thể hiện sự hài hòa giữa bên trong và bên ngoài, như những bài thơ hay, như những pho tượng được gọt đẽo công phu hay những con người thư thái. Mùi hương của nó sang trọng nhất, bất kỳ một nhà máy mỹ phẩm nào trên thế giới cũng không bắt chước nổi, vị của nó như ta cắn vào da thịt của một tiên nữ trên Acropolis_(2), ở đâu đó trên đỉnh Olympus. Bạn muốn viết được như trái táo kia? Tôi tin là như thế.
Truyện ngắn
“Chỉ có nhà thơ mới biết mình có thể mang lại cho đề tài đã lựa chọn một sức hút kỳ lạ như thế nào...” - Goethe nói với Eckerman. Ông nói điều đó về một truyện ngắn ông chuẩn bị viết trong ba chục năm, và cuối cùng ông cho công bố dưới tựa đề “Novel”.
Ông còn nói: “Nói về những dự định của mình chẳng hay ho gì.” Mỗi nhà văn hãy ghi tạc vào tâm khảm mình lời khuyên này. Nói về dự định của mình không hay vì người ta không thể hiểu sức quyến rũ và chất thơ trong một tác phẩm chỉ có chừng này: một con sư tử sổng ra khỏi cũi, và một cậu bé đã dụ được con thú dữ quay lại bằng tiếng sáo và khúc hát... Goethe đã sáng tạo nên điều kỳ diệu như mơ từ những chi tiết nhỏ bé này. Chỉ thi sĩ mới biết phía sau đề tài là gì, là ánh sáng, là sự mờ tỏ, là những mối ràng buộc ra sao. Schiller không hiểu Goethe muốn gì với chất liệu của “Novel”. Nhưng nhà thơ đã chờ ba chục năm, lặng lẽ, rồi quả quyết và mạnh mẽ sáng tạo ra tác phẩm của mình, tác phẩm mà ông không thoát khỏi sức mê hoặc của nó.
Hãy im lặng, chú ý và mơ mộng. Rồi viết, khi thời gian đã điểm.
Mann_(*)
Dường như cuối cùng có một người đã bước vào phòng. Ông mặc quần áo đi đường màu xám, tóc hoa râm, đeo kính mũi gọng vàng. Thỉnh thoảng ông gỡ kính, lấy khăn lau và mỉm cười với đôi mắt cận.
Vì khi mở một cuốn sách bất kỳ của ông, ta đều có cảm giác như có một người bằng xương bằng thịt bước vào phòng. Ông không sống trên đỉnh Olympus như Goethe, cũng không sống trong địa ngục khổ nạn như Dostojevski, đầu ông không chạm tới các vì sao như người bất hạnh vĩ đại Tolstoy. Ông nhỏ hơn, nhưng cũng lớn hơn những người kể trên. Ông là người nhìn nhận những vấn đề tư tưởng, văn chương, mức độ, đạo đức, niềm vui theo cách của con người. Ông ít nhiều có tính cách của một người thầy, và ông biết điều đó, chấp nhận nó với sự tự trào khôn ngoan. Ông không thể khác, vì ông là như thế. Ông mỉm cười và kể chuyện. Như một nhạc công bị các bậc thánh xua đuổi khỏi xứ sở của âm nhạc. Giờ đây ông chỉ là người kể chuyện. Nhưng khi nghe những lời ông nói, ta vẫn thấy tiếng nhạc, như kẻ lưu đày nghe thấy âm hưởng hoài nhớ quê hương.
Phản đối
Tôi phải thấy điều gì vậy? Tay nhà văn ấy đã khua chân múa tay ầm ĩ trong thành công, giờ đây hắn lại tự rắc tro lên đầu, cúi rạp mình cầu cạnh, khoác áo szőrkámzsa_(1), tìm lời nhũn nhặn, nói năng kiệm lời, cúp mắt lân la về phía “văn chương cao đạo” hay đúng hơn về phía những gì có chất văn chương mà gã lầm tưởng là văn học. Hỡi những chiến binh mang gươm giáo! Hãy ra tay, vệ binh, và các nhà phê bình! Hãy đuổi hắn đi! Hãy thét lớn và nghiêm khắc:
- Ngươi muốn tới đâu? Đồ bất lương! Hãy quay lại với thành công!
Kosztolányi_(*)
Ông ăn mặc như một gã hề trong ngày rỗi việc vì buổi diễn tối bị hoãn lại. Lúc chập tối, gã hề mặc quần áo thường đi lang thang trên những phố xá tranh tối tranh sáng. Nhưng dân chúng vẫn nhận ra và nhìn theo gã. Dân chúng nhận ra ông, ngay cả khi họ không biết ông là thi sĩ. “Có kẻ đi qua đây,” - họ nghĩ. - “Hắn không thuộc giới của chúng ta! Ai thế nhỉ?... Một nghệ sĩ. Có lẽ là gã hề trong gánh xiếc.”
Ông biết tất cả về bản thân mình, gần như tất cả. Ông ăn mặc như một gã hề rỗi việc là có chủ ý: chải chuốt, cổ áo bẻ cứng, cravat nhỏ hay khăn quàng lù xù quấn quanh cổ, lọn tóc rủ xuống trán. Lúc nào ông cũng khư khư chiếc cặp đựng bản thảo bên mình, cứ như có việc gì quan trọng, như phải bán chác hay phải giải thích điều gì. Khi trò chuyện ngoài phố, với một người thợ, một thi nhân hay một vị tướng, ông đều cố ý ngả đầu ra phía sau. Ông nói giọng lưỡi một điều gì đó, âm “r” thường rung lên. Nhưng người nghe phải kinh ngạc, vì bao giờ ông cũng chỉ nói sự thật, như những vì sao. Mắt ông sáng như ánh kim cương, nhìn xuyên thấu con người. Ông biết hết, thấy hết, hiểu hết. Chính vì thế mà ông không tha thứ cho điều gì. Chỉ có những nhà thơ dở, những nhà văn tồi là không ngừng tha thứ cho thế giới. Ông chỉ nhìn và khẳng định, nhưng sau đó là vĩnh hằng.
Thế giới
Gide viết trong nhật ký, người nghệ sĩ không chỉ đem đến “một điều gì đó mới mẻ” - và cái đó cũng đã là nhiều - mà còn sáng tạo ra một thế giới mới, anh ta mãi mãi nắm trong tay chiếc chìa khóa để bước vào thế giới ấy. Và còn một bí mật nữa: người nghệ sĩ am hiểu tâm trạng vui vẻ, tin cậy.
Tôi nghĩ, tất cả đúng là như thế, đó là một cụm từ đúng và chính xác: nghệ sĩ sáng tạo ra thế giới mới, thế giới ấy cũng có những quy luật vật lý, có mặt trời lặn, có thế giới động thực vật, có xã hội riêng của nó. Về mặt này anh ta là người cạnh tranh với Thượng Đế. Một bài toán cực khó không thể “giải” một cách hoàn hảo, và đến ngày thứ Bảy, không thể ngồi nghỉ, mãn nguyện đan hai bàn tay trước ngực và bảo: tốt rồi. Không bao giờ đủ “tốt”. Hãy thương người nghệ sĩ.
Ràng buộc
Tiểu thuyết - như một thể loại khép kín - là sự ràng buộc: một sự ràng buộc tuyệt vời, nhưng vẫn là ràng buộc; đến một ngày bạn nhất định muốn thoát khỏi sự giam hãm của nó. Tiểu thuyết có mở đầu và kết thúc, có quy luật cấu trúc, có dung lượng mà ta không thể bỏ qua, nó có những chương hồi và diễn biến, nó đòi hỏi nhà văn tôn trọng những quy tắc của thể loại. Điều đó rất tuyệt và đầy đủ, nhưng dẫu sao, dẫu sao tôi vẫn cảm thấy giá như có thể dấn thêm một bước. Có cái gì đó sơ khởi và nô dịch trong những đòi hỏi của thể loại. Ta muốn cuối cùng sẽ có lần viết không theo thể loại, chỉ viết giống như tư tưởng và cảm xúc - không có thể loại, ta muốn diễn đạt bản thân mà không cần lưu ý tới những tỉ lệ và đòi hỏi của thể loại, trong một dòng hay một trang, bắt đầu ngay từ giữa hay từ cuối... Có thể nghề viết kết thúc ở chỗ này, nhưng cũng có thể nó bắt đầu từ một nơi nào đó cũng ở chỗ này.
Bầu không khí
Hãy cẩn thận với từ ngữ. Cẩn thận bao nhiêu cũng chưa đủ. Bạn viết: “bầu không khí”, và bạn viết “bầu không khí quanh một con người”, và liệu bạn có biết rằng, không có hiện tượng nào rắc rối và phức hợp hơn “bầu không khí” này, nó cùng lúc là tính cách và y phục, thậm chí nó là cả việc người đó cất giữ quần áo mùa đông trong tủ bằng băng phiến hay bằng giấy báo, hay dùng một loại long não có tên là globol để chống dĩn, và cả việc người ấy dùng kem đánh răng Anh hay bằng lòng với hàng sản xuất nội địa, cả việc anh ta đòi hỏi ở phụ nữ điều gì khi ngủ với họ, và cả việc anh ta có đưa tay lên che miệng khi xỉa răng không, việc anh ta có cảm thấy hổ thẹn khi phải chiêm ngưỡng một sáng tạo mới rất thành công của nước Mỹ trong rạp chiếu phim, cả việc anh ta có đọc Rilke hay không - vì chắc anh ta phải đọc -, việc anh ta có biết bằng cả trái tim và lý trí rằng tất cả mọi cuộc tình đều phù du, và cả việc dẫu sao anh ta vẫn muốn có tình yêu và hạnh phúc vô vọng, cả việc anh ta có hiên ngang chống lại thế giới, có thể và dám mặc cả với thực tại một cách hèn mọn, và cả việc anh ta sử dụng dầu oải hương hay dùng nước hoa để xức lên tóc... Bạn viết: bầu không khí! Hãy cẩn thận với ngôn từ, vì chúng hơi phức hợp.
Tri ân
Tôi đã cân nhắc kỹ điều này và bây giờ xin nói: trong cuộc đời này, những gì đáng quý nhất và đẹp nhất tôi phải chịu ơn không phải là những thắng cảnh và những thành phố, không phải niềm vui thù tạc quanh bàn, cũng không phải những ân huệ của phái đẹp hay tình bạn của các đấng mày râu. Vì những điều to tát và tao nhã nhất trong cuộc sống, tôi phải tạ ơn các nhà thơ. Đôi khi họ đã mang lại cho tôi, chỉ qua một câu thơ, một ý tưởng lóe sáng, điều mà tôi hoài công tìm kiếm trên biển cả và núi rừng, giữa đám đông và trong vòng tay phụ nữ, chính họ và chỉ có họ đã cho tôi sự hứng khởi và quên lãng, nhịp đập của con tim và cảm giác tuyệt diệu đến rơi lệ mà vì chúng, ta thấy đáng sống và đáng làm người! Petőfi và Rilke, Arany và Verlaine(*)_, Goethe và Vôrôsmarty, Swinburne_(*) và Juhász Gyula, Byron và Tóth Árpád(*)_, Berzsenyi và Horatius, họ đã cho tôi những điều đáng giá nhất, chân thực và cao cả nhất trong cuộc đời. Những thứ khác đều hỗn mang và chưa hoàn thiện. Giờ đây tôi xin nói lời tri ân về điều đó, sau khi đã cân nhắc kỹ.
Shakespeare
Ông là thi sĩ nam tính duy nhất trong văn học thế giới. Nam tính, nghĩa là e thẹn.
Hàng thế kỷ nay người ta đào bới bí quyết của ông, bằng dao chạm và gậy sắt, như đào bới một ngôi mộ Pharaoh, trong đó có thể tìm thấy tất cả những bí ẩn và châu báu của quá khứ. Người ta đã mổ xẻ các nhân vật của ông, phân tích từng lời nói của họ, khảo sát nội dung của chúng dưới ánh sáng và trong bóng tối. Người ta còn hoài nghi liệu ông đã từng sống? Cứ như linh hồn của thế giới đã lên tiếng vào một ngày nọ, đầy bí ẩn, linh hồn con người, trực tiếp và vô danh. Rồi những nhà nghiên cứu chán nản nhún vai. Không thể “giải mã” nổi. Cũng không thể giải mã vũ trụ. Phải chấp nhận sự tồn tại của nó.
Những nhân vật của ông sùi bọt mép nói về tất cả những gì là ý nghĩa và vô nghĩa của đời người, khật khưỡng những Hamlet, Lear, Prospero, Iago, Kẻ sát nhân thứ nhất, Kẻ sát nhân thứ hai, chúng nịnh bợ, thề thốt, giả dối, tuốt kiếm, giết người và tự hiến thân mình. Nhưng ông, Shakespeae, thì im lặng. Một lời mà thế giới tội lỗi chờ đợi ở thi sĩ và nhà tiên tri - ngôn từ của sự tha thứ, thì ông không bao giờ nói ra. Ông không nói vì ông là đàn ông và là thi sĩ, nghĩa là ông e thẹn. Ông bảo: “Và phương Đông mở cánh cửa sổ vàng.” Hay một câu gì đại loại như thế. Ông khoác chiếc áo choàng ngắn cổ tròn đứng trên tất cả, với bộ râu cắt tỉa kỹ lưỡng. Đôi mắt nhìn bao quát, không thiên tư, cái miệng nhỏ mím lại. Ông biết tất cả và không tha thứ. Hãy biết run sợ.
Ngôi nhà của Krúdy
Một buổi trưa tháng Giêng nắng lấp lóa trên lớp băng tuyết, tôi đứng trước ngôi nhà của Krúdy trên phố Nhà thờ ở Óbuda_(1). Căn nhà một tầng rách nát, mỗi bên cổng có hai đôi cửa sổ. Sau mấy khung cửa sổ bên trái là căn phòng, nơi Krúdy đã qua đời trong ánh nến.
Đó là thực tế, tôi nghĩ. Nhà văn đã thực hiện được việc mà một nhà văn có thể làm: sáng tạo ra một thế giới khác biệt, của riêng mình, với ngôn ngữ, thời tiết, đạo đức, truyền thuyết và những loài thú dữ riêng - từ hư vô ông đã tạo ra cái mới. Ông là nhà văn sang trọng nhất, lớn nhất, trong số những nhà văn cùng thời, ông là người tôi kính trọng một cách có ý thức nhất. Số phận con người ông đương nhiên là tuyệt vọng. Ông mất trong ngôi nhà khiêm nhường này, bên ánh nến, chẳng khác một nhạc công đàn Ximbalum hay mộ 10000 t gã đua ngựa về già. Như thế cũng là đúng: một nhà văn Hungary thì phải chết ở đâu? Trong lâu đài riêng, tại một phố nhỏ ở Fauburg St. German, trong vòng tay của các công nương và tì nữ, trước cổng một chiếc Roll-Royce đang chờ?... Thật vớ vẩn. Nhà văn chân chính phải trở về đây, về Óbuda hay một vùng ngoại ô hẻo lánh như thế, để cuối cùng ngả đầu nằm nghỉ. Đừng bảo ông đã phung phí tiền nong vào chơi bời và bài bạc nhiều hơn cả một tay giám đốc ngân hàng, lẽ ra ông có thể sống trong một biệt thự trên đồi Hoa Hồng, nếu ông muốn. Trước hết, trên thực tế, ông không thể sống ở đó, vì thứ nhạc trong sáng và sang trọng - cũng là bí quyết và nghệ thuật của ông - không thực sự cần thiết cho mọi người. Bao giờ người ta cũng chỉ cần cái trung bình, giả dối, cái xuất hiện với nhu cầu của nghệ thuật giản đơn, và khi nghe thấy nó độc giả sẽ reo lên: “Tôi là người trong cuộc!” Krudy không cho một ai “ vào cuộc”, vào những bí mật trong thế giới của ông. Ông phớt lờ độc giả, phớt lờ thế giới. Với chủ ý trong sáng ấy, kết cục chỉ có thể là căn nhà một tầng ở Óbuda này. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể đạt được. Đó là sự thật.
Câu thơ
Từ một bài thơ hay, được cấu thành bởi chất liệu cổ xưa của thi ca, còn lại trong tiềm thức của chúng ta một hay vài dòng. Người đọc thường không “học thuộc” thơ, mà chỉ đọc, và chừng nào còn sống sẽ còn nhớ đến câu: “Hoa vườn còn nở trong thung” hay: “Cứ đàn đi hỡi chàng Digan, hãy quên hết ưu phiền!” hay: “Vùng lên hỡi dân Hung, Tổ quốc đang gọi ta!” Một bài thơ hay trao cho ta câu thơ bí ẩn của nó, câu thơ đỡ cho cấu trúc của cả bài thơ. Một bài thơ hay bao giờ cũng được nhớ đến bởi một câu nào đó. Câu thơ vô tình còn lại trong tâm thức người đọc ấy là minh chứng và sự bảo đảm chữ tín của nhà thơ.
Có những nhà thơ viết những bài thơ xuất sắc, nhưng hoàn toàn khô khan; những bài thơ hào phóng và ầm ĩ, cao sang và hứng khởi; ta có thể nhớ tới nội dung của chúng, nhưng không nhớ nổi một dòng nào. Những bài thơ ấy có thể hấp dẫn hoặc tuyệt vời, nhưng không phải thơ thực sự. Chúng thiếu một câu, câu thơ mà thi sĩ không viết bằng trí tuệ, mà viết bằng cảm thức, bằng sự liên tưởng, bằng trái tim và bằng ảo giác của mình. Không có một dòng như thế chỉ có thể viết những bài thơ hoàn hảo, còn thơ đích thực thì không bao giờ.
Thời gian chín
Tôi đang viết những trang cuối của một cuốn sách, nó đã sống, đã ăn ngủ cùng tôi sáu tháng nay. Những lúc như thế này ta đã thù ghét công việc, chán ngấy đến tận cổ, chẳng thiết tha gì nữa.
Nhưng ban đêm tôi tìm thấy trong ngăn kéo các phác thảo đầu tiên của cuốn sách: một vở kịch một màn, viết từ mười chín năm trước - ở Berlin, khi còn chưa thạo cả tiếng Hung lẫn tiếng Đức - và mấy tờ giấy xé ra từ một cuốn sổ ghi chép, cách đây đã tám năm, ghi ở London. Trong cả hai tôi đều cố thử ghi lại nội dung cuốn sách mà cuối cùng, sau sự trì hoãn và chuẩn bị suốt mười chín năm và tám năm, tới nay tôi đã viết. Khi làm việc, tôi đã quên khuấy những ghi chép và thử nghiệm ấy; khi viết tôi cảm thấy đề tài có vẻ hoàn toàn mới, nó đã chinh phục và cuốn hút tôi; và bây giờ tôi mới thấy, mười chín năm trước mình đã khảo sát rất chi tiết đề tài, tám năm trước tôi đã tập hợp những ghi chép về nó, rồi sau đó tôi luôn luôn lẩn tránh nó vì tôi cảm thấy chưa đủ tự tin để viết. Cuối cùng sau hai thập kỷ ấp ủ, tôi đã viết cuốn sách như một việc phải như thế.
Không thể rút ngắn thời gian ấp ủ, thời gian chín muồi. Nhà văn không thể viết tác phẩm của mình sớm hơn một ngày, chỉ khi đề tài đã thật chín muồi. Con người cần chín tháng để chuẩn bị chào đời, giống voi cần một năm rưỡi, một cuốn sách có khi cần hai mươi hay bốn mươi năm. Không cần vội, cũng không thể vội. Phải chờ, phải xem xét. Điều phải đến sẽ đến, sách cũng thế.
Arany
Nhắc đến tên ông, trong tâm trí chúng ta tràn ngập những hình ảnh sinh động. Ta thấy một bức tranh phong cảnh: rặng sồi, đồng bằng bát ngát, lau sậy và đầm lầy, những thành phố màu trắng giữa đồng bằng, những thảm lúa mì xen lẫn anh túc dại, cái giếng có cần kéo nước, rừng rậm, những hồ trên núi, vách đá cheo leo có những mỏm cao tuyết phủ như viết lên mây trời. Ta nghe thấy tiếng vĩ cầm, như tiếng chí chóe của dân Digan vùng Nagyrida. Ta nghe tiếng khóc vọng ra qua cửa chớp của một nhà quyền quý: tiếng khóc con của mẹ Toldi. Âm thanh ấy nghe trầm đục như tiếng của một người đàn ông, chỉ nói những gì cốt yếu, vì đã chuẩn bị đàng hoàng cho phút giã biệt và cho cái chết. Ta nghe thấy những từ ngữ dịu dàng, hoang dại, êm ả, có hương vị, lấp lánh, sâu lắng, mạnh mẽ, chính xác, lóe sáng, như thể vạn vật và cuộc sống lần đầu tiên được mang lại ý nghĩa trong những ngôn từ ấy. Trong mỗi chữ, mỗi lời ông nói ta đều cảm thấy sự hoàn mỹ. Ta lúng túng trong sự phong phú dư giả ấy. Như một người lạc trong thế giới của vàng. Đúng, ông là Arany.
France
Ông như người bước vào salon, mỉm cười và bằng giọng nói rất khẽ khàng, nhưng không khoan nhượng, ông bảo: “Việc đọc tất cả những gì mà các cha cố và các tác gia cổ đại từng viết đã thuyết phục tôi rằng thế giới là vô vọng và không thể chịu đựng nổi. Cho tôi xin một tách trà! Xin cảm ơn!”
Than
Hãy thổi từng từ, như thổi than hồng! Hãy phả hơi ấm, đốt nóng từ ngữ bằng tâm hồn! Hãy nhấc chúng ra từ lò luyện bằng hai vốc tay, đừng sợ bỏng da, hãy hà hơi, hãy thổi cho chúng rực lên và bốc thành lửa. Từ ngữ chỉ bắt đầu sống nếu bạn nuôi dưỡng, phả sức sống vào chúng bằng cả tâm hồn. Chúng chỉ hồng rực và phát ra những tia lửa, bốc thành ngọn lửa, chúng chỉ nóng bỏng và quyến rũ, chỉ có sức mạnh sưởi ấm hay hủy diệt, chỉ trong sáng như lửa nếu bạn nuôi dưỡng chúng bằng cả tâm hồn. Bằng không, chúng chỉ là một đống chất liệu chết. Hãy nói lên từng từ bằng cả tâm hồn, bằng không chúng là những từ ngữ chết. Thổi đi, hãy phả sức sống lên câu chữ - bạn sẽ thấy chúng đang rực lên như than hồng.
Mục đích
Anh ta thật cố gắng và khổ sở, thật đáng thương! Anh muốn viết một bài thơ tuyệt vời và hữu ích, lý tưởng và có mục đích, hào sảng và cô đọng. Và sự cố sức ấy mới vô vọng làm sao. Anh muốn làm một cái gì “thật ý nghĩa”, nhưng anh không biết rằng thơ trước hết không thể tiếp cận bằng ý nghĩa, với thơ nội dung không phải là mục đích, cũng không phải sự cao sang hay cô đọng, thơ chỉ có một ý nghĩa duy nhất, đó là thông điệp, là hình ảnh trong mơ, một điều gì đó thần tiên và đáng sợ, cùng lúc là nhịp đập của con tim và ảo ảnh, hồi ức và sự rung cảm... và không thể diễn đạt nổi bằng lời. Thơ không muốn chinh phục trí tuệ, thưa bạn đọc, nó chỉ gợi hình ảnh. Ngôn từ của những bài thơ lớn thường đơn giản, như nước vậy, sâu sắc và khó hiểu. Khi thi sĩ viết: “sầu đau”, không phải là sự đau đớn có thể tra trong từ điển, mà là một ký ức cùng tuổi với nhân loại. Thơ không có mục đích. Anh không hiểu điều đó ư? Thế thì cứ viết đi, anh bạn đáng thương kia, viết một cái gì đó khích lệ và cô đọng.
Lý thuyết
Tôi đã học được nhiều điều từ thực tế: cảm nhận sâu sắc đã dạy bảo tôi một điều gì đó, sự nhận biết thế giới, sự tiếp cận hiện thực. Tôi học được nhiều điều từ sách vở, những cuốn sách viết về thực tế một cách khách quan và trung thực, không thừa một chữ, và chúng đưa tin về những gì xảy ra trên thế giới. Tôi cũng học được nhiều điều từ những cuốn sách khó hiểu, không có chủ đích, hay và đẹp, viết về những gì lan tỏa và trang trọng có đầy rẫy trong cuộc sống, những thứ không thể ghi lại bằng máy móc và kinh nghiệm, chỉ có thể bằng cảm giác và giấc mơ. Từ tất cả những thứ trên, tôi đã học được một điều gì đó chân thực và đáng tin cậy. Chỉ từ những cuốn sách - muốn chứng minh những luận thuyết, đưa ra những định lý thay vì thực tiễn, những hệ thống thay vì những ước mơ và điều diệu kỳ, và muốn xây dựng nên những công thức từ ngẫu nhiên và điều tuyệt diệu mà tổ hợp của chúng tạo ra thế giới - là tôi không học được điều gì. Không khi nào tôi học được điều gì từ những cuốn sách ấy. Và vì thế, một cách thận trọng, tôi không cầm những cuốn sách như thế lên tay.
Rilke
Một âm thanh vang lên trong thế giới. Thế giới là chất và lực, lý trí và hiện tượng. Nhưng âm thanh ấy sống biệt lập với tất cả. Như đâu đó trong sâu khuất những căn nhà và những căn phòng lúc nào cũng có người cầu nguyện. Nhưng không phải lời nguyện cầu của người có đức tin. Lời cầu nguyện như của người tha lỗi cho tất cả mọi người và mọi điều, cả cho Thượng Đế. Trong một căn phòng có ánh nến, một người đàn bà đang hấp hối. Trên chiếc giường nhỏ, một thiếu phụ đang nhắm mắt trao thân cho một gã đàn ông, nàng buồn. Trong một tòa lâu đài, người đàn ông gương mặt tái dại đang nạp đạn vào súng ngắn, đôi bàn tay trắng nhợt đang lục tìm trong đống đồ vật và thư từ. Một con chim chết rơi xuống biển, hai cánh xõa trên mặt nước. Một vòm cổng tối dần bởi những hồi ức và tiếng thở dài. Ở đâu đó có tiếng nhạc, tiếng lóc tóc sơ khai, một người muốn diễn đạt những khát vọng của mình qua cây vĩ cầm. Một bàn tay chìa ra cửa sổ về phía biển, rồi buông xuống. Âm thanh ấy biết tất cả. Đó là Rilke.
Đối thủ
Nếu là nhà thơ, tôi sẽ vắt óc suy nghĩ xem văn học của các loài thú có thể như thế nào? Loài kiến, con voi thông thái, con sư tử khát máu sẽ viết những gì, và một con linh cẩu hay chó rừng sẽ viết gì? Goethe bảo các loài vật chỉ cảm nhận thế giới qua những giác quan của chúng, vì thế mà hiểu biết của chúng khiếm khuyết, thiếu hoàn hảo so với những hiểu biết của con người. Con người cảm nhận thế giới bằng trí tuệ và cảm xúc của mình. Một người mù, câm, điếc, cụt cả chân tay - nếu có một người như thế - cũng còn biết nhiều hơn về thế giới so với một con chim sơn ca.
Văn chương của các loài vật có lẽ sẽ khách quan và đam mê. Sư tử sẽ kể về những ấn tượng của nó - như Gide; voi sẽ viết về sự cảm thông - như Maeterlinck(*); sơn ca sẽ viết về hạt cỏ linh lăng, về loài ruồi và về niềm hạnh phúc căng đầy lồng ngực chúng khi vào mỗi buổi sớm chúng bắt đầu cất tiếng hót trên những cánh đồng ban mai - như những nhà thơ. Tôi nghĩ sẽ là thứ văn chương không tồi: không có những ý tưởng giả dối, các loài vật sẽ viết và ngợi ca thực tại cùng sự say mê, những tình tiết của cuộc sống và cái chết, những điều không thể hiểu nổi chứa đựng trong mỗi cuộc đời. Sẽ là thứ văn chương cảm nhận, tựa như văn học Trung Hoa. Hỡi thi nhân, hãy chú ý! Có một ấn tượng chung, ấn tượng gần gũi của cả loài vật và con người, mà các loài thú - những đối thủ cao thượng - chưa viết ra! Hãy chú ý và viết, viết trước các loài thú!
Sự giám sát của cảnh sát
Một nhà văn - do thái độ chính trị của mình - bị đặt dưới “sự giám sát của cảnh sát”, tìm gặp tôi. Ông kể về những nỗi lo lắng, ông giải thích hoàn cảnh của mình, chúng tôi thì thầm như những kẻ âm mưu.
Mà chúng tôi đúng là thế: là những nhà văn, nghĩa là những kẻ có âm mưu, đồng lõa, những phần tử được người ta chịu đựng và để mắt tới, và chúng tôi sống ở đâu đó bên lề xã hội, bên lề thế giới, nơi chốn của những kẻ phiêu lưu, những sát thủ. Nhà văn bị cảnh sát quản chế nói rằng ông không được gọi điện thoại, gửi điện báo, không được ra khỏi thành phố, không được đi xe điện và các phương tiện công cộng, mười giờ phải có mặt ở nhà, không thể đến nhà hát và có mặt ở chỗ đông người. Tôi lúng túng nghe ông, miệng lẩm bẩm điều gì đó.
Tôi cảm thấy giờ đây, lần đầu tiên trong đời, ông sống đúng như một nhà văn phải sống.
Thế là đủ
Tôi không tin rằng, một người viết, đến một ngày nào đó không chán ghét tất cả những khả năng của “nghề nghiệp” lại thực sự là một nhà văn. Sẽ đến một ngày tất cả các nhà văn - đúng theo ý nghĩa định mệnh của từ này - sẽ hét lên: “Thế là đủ!” Quá đủ với kiếp nô lệ của nghề nghiệp, với những gì là thể loại, quá đủ với việc ta có thể viết những cuốn sách, những cuốn tiểu thuyết hay đơn giản chỉ là những tuyệt tác, - ta thật chán ghét những tuyệt tác có chủ ý! - tất cả sự trung thành và tận tụy mà nhà văn hiến dâng cho thể loại mới đê tiện và thấp hèn làm sao, sự cẩn trọng, những kỹ năng, sự am hiểu! Cứ như tất cả chỉ có thế. Một nhà văn yên tâm ngả đầu trên gối mỗi đêm với ý thức chắc chắn rằng ngày mai mình cũng sẽ làm việc được, sẽ không mắc lỗi lớn, và sẽ viết những điều tuyệt vời - là một nhà văn mới đê tiện làm sao! Hãy cứ sai lầm! Hãy quên đi các thể loại! Hãy sẵn sàng chờ đón sự bùng nổ, sự hồi sinh trong từng giây phút, hãy chuẩn bị cho sự bất ngờ, cho cái kết cục mà tên cuối cùng của nó không phải là “văn học” mà là sáng tạo! Tôi chán ghét văn chương. Tôi tin vào sự sáng tạo. Tôi run rẩy và chạy trốn.
Dụng cụ đo
Nghệ thuật không phải là mô tả, mà là sự lan tỏa.
Nhưng sự lan tỏa ấy chỉ có những người - mang trong mình những khí cụ bí ẩn, còn nhạy bén hơn cả lá cây và màng mỏng, những thứ ghi lại nghệ thuật và truyền tải tới tâm hồn khán giả, thính giả, độc giả - mới cảm nhận và hiểu nổi. Người như thế rất hiếm; họ ít ỏi gần như nhà văn và nghệ sĩ. Những người khác chỉ viết và đọc hoặc vẽ, và phê bình. Tất cả những thứ đó chẳng liên quan gì tới nghệ thuật, tới sự lan tỏa.
Số đông con người còn ít nhạy cảm hơn cả loài vật. “Nhìn này, có vẻ giống!” - họ bảo. Hay là: “Trúng lắm!” Hay là: “Ông ta viết cứ như việc đã xảy ra đối với tôi vậy.”
Hãy nhắm mắt lại, nút tai lại, hãy im lặng và làm việc! Đừng chờ đợi họ điều gì: họ không có khí cụ để cảm nhận những gì bạn nói hay muốn nói.
Villon_(*)
Hãy chú ý đừng để ai nhận ra, giây phút khi chàng lẳng lặng, thận trọng trốn về Paris, từ dưới vành mũ kéo sụp xuống trán với ánh mắt vô hại, chàng bước qua cửa ô, vì những tên chó săn của Procureur du Roy_(1) rình rập chàng, vì gã vô lại Colin đã khai trong phòng tra khảo, vì chàng đã viết xong Testament, vì ả béo Margot, Marta, Jehan Cotart và tất cả đàn bà và đàn ông Paris đã bỏ rơi chàng. Chàng đã ngoài ba mươi, đã già. Xương cốt chàng đau nhức vì bệnh tật, vì hồi ức, vì chui lủi và vì những sâu bọ của đam mê. Chàng đã viết xong những bài thơ của mình, viết như chơi vậy thôi: chàng là thi sĩ đầu tiên trong văn học thế giới, ngay cả dưới giá treo cổ, biết tất cả những gì mà sau này Mallarmé(*)_ biết trong phòng làm việc của ông, nhưng vẫn chỉ là nhà thơ tay trái, giống như chàng đẽo gọt những bài thơ châm biếm ngắn, như những gã trai nghèo lang thang giữa hai vụ trộm hay giữa hai lần treo cổ. Những cô gái Paris nhận ra chàng trên đường phố. Họ không bán rẻ chàng. “Villon đáng thương!” Răng chàng sứt mẻ, cái có cái không, áo chàng rách nát. Chàng đi ngang một giáo đường và làm dấu thánh. Chàng đi ngang một nhà thổ và tạt vào. Chàng đi ngang một quán rượu và ở lại. Quanh chàng là sương khói của thời Trung đại, với đức tin và nỗi đam mê, với hương thơm và mùi xú uế, với khói hương và máu chảy, với sự phóng đãng và nhẫn nhục. Đúng, chàng đã ba mươi tuổi. Chàng còn nhớ có lần chàng muốn yêu một người. Nhưng bao giờ cũng chỉ có những người đầy tớ giúp đỡ chàng. Chàng làm dấu thánh. Rồi chàng tung quân xúc xắc. Rồi chàng mượn bút, mực, ngay trên bàn trong quán rượu, tay run run, chàng bắt đầu viết: “Je sans mon coeur quy s’affoiblist...”(1)_. Và: “Premier, je donne ma povre ame...”(2)_. Bóng tối dần buông xuống quanh chàng. Ta chỉ còn nghe thấy tiếng nói khàn đục và tiếng rên rỉ của chàng. “Item, mon corps j’ordonne et laisse, A nostre grand mere la terre”(3) _- chàng rên rỉ. Ta trào nước mắt. Người anh em hoang dã của chúng ta, chàng viết bằng máu.
Après_(4)
Sau khi hoàn thành cuốn sách trong suốt tám tháng đã đòi hỏi tất cả cuộc sống, sức khỏe, tinh thần, hạnh phúc, tự do và thời gian của mình, tôi thấy mình trở nên lúng túng lạ thường. Tôi cảm thấy như người vừa thoát khỏi kẻ đã giam hãm tra tấn mình, cảm nhận tự do, tôi muốn thận trọng hân hoan và thét lên mừng rỡ, vì cuối cùng không phải suốt ngày đêm bận bịu với ý nghĩ ngông cuồng và ý tưởng áp đặt ấy nữa, cuối cùng tôi đã vặn gãy cổ gã và thoát khỏi gã, tên chủ nô và cai ngục, đao phủ và kẻ tra tấn tôi! Và đồng thời tôi cảm thấy bơ vơ như kẻ vừa bị đày xa khỏi ngôi nhà và đất nước quá quen thuộc, ở đó tất cả đều đáng ghét, nhưng cùng lúc tất cả cũng rất thân thương, gần gũi và tin cậy. Vì công việc cũng là Tổ quốc, nó cùng lúc là sự giam hãm nhưng cũng là tự do. Như thế, tôi vừa đặt dấu chấm, cuối cùng tôi được tự do. Và tôi hốt hoảng nhìn quanh: tôi biết làm gì với tự do này?
Bất ngờ
Cần phải viết như người không biết rằng ở câu sau điều gì sẽ xảy ra. (Sống cũng phải như thế, viết và sống cũng như nhau.) Không thể viết “theo kế hoạch”; số phận chúng ta không “theo kế hoạch”. Chỉ có viết là động chạm, biến cải tôi thật sự, chỉ có viết là tác động đến tôi, là biết sáng tạo, thứ văn chương mà tôi cảm thấy nó đã trào lên mặt giấy trong trạng thái say mê, ngây ngất và sùng mộ. Chỉ có thứ văn chương mà trên mỗi dòng đều cảm thấy sự bất ngờ: bất ngờ của sự tồn tại và sáng tạo, là xứng đáng với con người - một đòi hỏi ghê gớm. Đó là thứ văn chương sáng tạo, sơ khởi như Kinh Thánh. Những thứ khác chỉ là bài văn.
Dấu chấm, dấu phẩy
Chú ý đến việc bỏ dấu trong câu bao nhiêu cũng chưa đủ, vì chúng dễ can dự vô lối vào câu văn: dấu chấm phẩy bắt đầu làm bộ quan trọng, dấu gạch ngang muốn có vai vế, dấu ba chấm tự ái đòi vị trí dưới mặt trời, dấu hai chấm nhấn mạnh sức nặng tình cảm của mình, và dấu chấm, dấu phẩy cũng sấn sổ ngồi vào câu văn với đòi hỏi vượt quá tầm quan trọng của chúng. Như thế, chúng ta đặt vào chỗ này một dấu chấm. Và nên nhớ rằng ý tưởng chỉ nhượng bộ quyền năng ghê gớm của các dấu nếu chúng không thêm vào, cũng không bớt đi chút gì của ý tưởng.
Và tất cả xem ra thật nghèo nàn. Chấm, phẩy, hai chấm, dấu hỏi và chấm than, chấm phẩy, gạch ngang, ba chấm: những dấu hiệu ít ỏi để diễn đạt sức nặng và nội dung tình cảm của ý tưởng! Văn học làm việc với những công cụ khiêm tốn đến bất ngờ, cứ như Praxiteles(*)_ gọt đẽo cẩm thạch bằng dao nhíp vậy. Có lẽ cũng nên tìm ra những công cụ, những đồ nghề mới. Chỉ viết không đủ, cần có những công cụ.
Cơ cấu
Xét cho cùng nhà văn cũng chỉ là một cơ cấu. Trong anh ta lóe lên một tia lửa của thần linh. Nhưng ngoài ra anh ta có hoạt động của các tuyến, bệnh tật hay bình thường, có hệ thần kinh có thể gây ảnh hưởng, có nhịp điệu sống bí ẩn và không thể thay đổi - đúng như quy luật chuyển động của các vì sao. Ta phải xem xét tất cả những điều đó khi đánh giá tác phẩm của một nhà văn. Sự hoàn hảo của cơ cấu hay hoạt động bất ổn của nó xác định kích cỡ, dung lượng, sự hoàn mĩ, tính chân thực của tác phẩm. Bao giờ cũng phải nói về cả hai: không chỉ về Chiến tranh và hòa bình, mà còn về Tolstoy, không chỉ về Werther, mà còn về Goethe. Cả hai đem lại sự đầy đủ: tác phẩm, tuyệt tác. Hãy đọc tác phẩm, nhưng hãy cảm thông với cả nhà thơ.
Petőfi
Chàng như đứa em trai của chúng ta, chàng ra trận và chết vì một điều gì đó, đó là ý nghĩa của cuộc đời.
Trong gia đình, chúng ta cũng thường nói về chàng như thế, như về một người họ hàng còn trẻ mà yêu quý nhất đã chết. Chàng để lại quá ít: một bức vẽ chân dung đã mờ, một dải băng với ba màu dân tộc_(1), một chiếc mũ không vành, chiếc áo khoác. Và những gì chàng đã viết. Nhưng là những thứ thân thương nhất: chúng ta nhìn các di vật đó qua những trang sách.
Và vì quanh chàng là huyền thoại, như thường xảy ra với những người trẻ tuổi nhất và yêu quý nhất, chúng ta chỉ lặng lẽ nhớ về chàng. Thỉnh thoảng có những người từ xa đến, họ thầm thì bảo đã tìm thấy mộ chàng trên đất Nga xa xôi. Những lúc ấy chúng ta nhìn nhau, lắc đầu. “Mọi người có nghe không!” - chúng ta bảo. “Có người đã nhìn thấy mộ chàng!” - Ta lúng túng nhớ lại. Chàng thế nào nhỉ?... Chàng còn rất trẻ. Trong chàng có lửa. Chàng cẩu thả và nhẹ nhàng, chàng là một thẩm phán và mang hàm thiếu tá, chàng hai mươi sáu tuổi và chàng là Petőfi, chàng biết tiếng Anh và tiếng Pháp, chàng đã làm thơ và chết vì Tổ quốc. Chàng là người trẻ nhất, là một Benjamin(1)_ của dân tộc, đáng yêu và được cưng chiều. Chúng ta nói về chàng nhẹ nhàng, tin cậy. “Người như thế chỉ có một” - chúng ta khẽ bảo. Và áp tập thơ của chàng lên ngực, phía trái tim, như những bà mẹ nâng niu chiếc giày của đứa con đã chết.
O’Neil
Những nhân vật của ông bước ra từ nội chiến, từ hôn nhân tan vỡ, từ quần đảo Antilles_(2) hay từ giáo xứ lân cận, họ mặc quần áo thường, trong túi là định mệnh mà ngay lập tức, bằng lời nói và động tác ban đầu, họ lấy ra một cách tự nhiên và trao cho ta hệt như cách thức những người khác tặng hoa hay bánh nướng vậy. Ngay lập tức, từ khoảnh khắc đầu tiên họ bước ra sân khấu với tất cả số phận, nghĩa là không chỉ với những gì thuộc về nội dung vở diễn, mà cả với những gì họ đã yêu thương và căm ghét thuở thiếu thời, với những kỷ niệm của nỗi buồn và sự nôn nóng thời tuổi trẻ, với những mảnh vụn ký ức của một cơn giận dữ độc ác hay mươi phút làm lành. Họ xuất hiện như thế, và nói ngay thế này: “Hãy giết đi!” Hay: “Hãy yêu!” Hay: “Tôi thù ghét cô, đồ đĩ thõa thối tha!” Hoặc: “Dẫu sao hãy yêu em!” Họ mang bên mình định mệnh, như người khác mang một cây bút hay một chiếc khăn mùi soa vậy. Nhưng ông, nhà văn, không xuất hiện công khai một giây phút nào, không nhắc vở; cứ như thể ông biết hết về các nhân vật, về tất cả các dạng người và các hoàn cảnh, và ông hơi e sợ những điều mình biết.
Không gian
Không chỉ có sân khấu, tiểu thuyết cũng có không gian riêng. Cái “ngoài đời” dài một mét, trong tiểu thuyết không hẳn là một mét. Cái trong cuộc sống là danh hiệu và đẳng cấp, trong tiểu thuyết không nhất thiết là danh hiệu và đẳng cấp. Người ngoài đời tóc vàng, trong tiểu thuyết sẽ biến thành nâu không thể nhận biết, chiều sâu và độ cao đổi chỗ cho nhau, những gì vụn vặt ngoài đời trở nên có ý nghĩa quyết định trong tiểu thuyết, một chiếc đồng hồ có khi bắt đầu tích tắc chỉ thời gian trong không gian tiểu thuyết, trong khi ngoài đời nó chưa bao giờ chỉ được dù là một phút đáng chú ý đến. Không gian thế giới, những đơn vị đo lường biến đổi khác lạ trong tiểu thuyết, giống như những số đo của châu Âu lục địa không giống ở Anh, một ki lô mét ở đây, ở bên kia là một dặm, ở đây là lít, bên ấy là pint, ở đây là lạng bên đó là lat, cái ở ngoài đời là cảm xúc và bi kịch, trong tiểu thuyết là sự giả dối và nực cười, và cái trong tiểu thuyết là thảm kịch, đôi khi ngoài đời nó chỉ lướt qua và biến thành buồn tẻ. Người từ không gian của cuộc đời bước vào không gian tiểu thuyết hãy phủ nhận những quy luật trọng lực. Như người từ mặt đất bước vào không gian và vùng ảnh hưởng của Hỏa Tinh, phải sống, đi lại, hít thở theo cách khác. Hãy trấn tĩnh.
Chi phí
Nếu người ta biết, nếu người ta ngờ rằng nhà văn chi phí bao nhiêu vào công việc! Nếu người ta biết viết văn tốn kém như thế nào! Nó tổn hại trí não và tâm huyết, tổn hao cả thể xác, phải hy sinh cả lối sống, mỗi dòng đều đòi hỏi sự tự chủ ghê gớm, sự ma mãnh, chăm chú, hoài nghi, xả thân, lôi cuốn, kìm nén, tóm lại là trạng thái sẵn sàng toàn diện. Và phải sống, mơ mộng, đọc, đi đây đó, xê dịch bao nhiêu, rồi phải sống khổ hạnh, cũng phải trở thành bất hạnh, và đôi khi còn phải hạnh phúc và phóng túng, tất cả chỉ vì trong một khoảnh khắc bí ẩn nào đó, khi không thể tránh khỏi sự bắt buộc của công việc, thì ta phải có mặt, presente (xin giới thiệu)! - và có thể viết được. Vâng, nghề viết cũng có chi phí của nó, nhiều hơn và ghê gớm hơn một nhà máy. Chi phí ấy là gì? Là tất tật, là cả cuộc đời.
Số liệu cá nhân
Tác giả những vở kịch hiện đại xác định các nhân vật theo kiểu giấy khai sinh: “Jenő, 33 tuổi và Gizella, 28 tuổi”. Shakespeare chưa bao giờ dùng những con số để đánh dấu tuổi các nhân vật của ông trên kịch bản. Độ tuổi, những đặc điểm hình thể, tất cả số liệu cá nhân của nhân vật đều toát lên rõ ràng và không thể hiểu lầm nổi từ hành động, từ nội dung kịch. Chúng ta biết - dù tác giả không báo trước - vua Lear bảy mươi, Ophélia hai mươi, Hamlet ba lăm, Titania mười tám, Lady Macbeth bốn mươi lăm và Puch không có tuổi.
Nhà văn không thông báo trước tuổi tác của các nhân vật như người quản lý sổ hộ tịch. Không thể bớt của các nhân vật một hai năm, cũng không thể cho thêm họ dù chỉ một ngày. Các nhân vật có tuổi, có giới tính, có họ tên, có nhà cửa và số nhà, nhưng tất cả những thứ đó là của họ, suy ra từ số phận và định mệnh của họ, và độc giả hay khán giả chỉ có thể suy ra từ định mệnh ấy. Trong văn học không có “Jenő, 33 tuổi”. Nhưng một lời nói hay một hành động của Jenő sẽ tiết lộ không thể nhầm lẫn rằng anh ta 33 tuổi. Nghĩa là văn học có cách vào sổ sách kiểu khác. Và những “số liệu cá nhân” trong văn học vẫn đáng tin cậy đúng như những số liệu trong thực tế. Ở đây không thể lừa dối, không thể giả mạo giấy tờ; sự ngụy tạo sẽ vỡ lở ngay từ câu đầu tiên.
Trước khi viết
Sự hồi hộp không thể gọi thành tên, không giảm và không dứt qua năm tháng, sự căng thẳng và phập phồng lo âu vẫn đeo bám ta trước khi bắt tay vào việc - sự trì hoãn bắt tay vào việc, vào buổi sáng hay buổi tối, việc đẩy lui thời gian viết, sự chuẩn bị, cảm giác lười nhác, đốt thuốc, đọc, hy vọng thầm kín và lặng lẽ rằng biết đâu một điều gì đó chẳng xảy ra vào phút cuối, sự lo ngại rằng lạy Chúa đừng xảy ra chuyện gì vào phút chót, nhịp tim đập gấp không hề nguôi theo năm tháng và sự trải nghiệm. Rồi giây phút không thể trì hoãn thêm nữa cũng đến, và từ ngữ đã chín muồi và các dấu muốn được biểu thị. Khi ta vứt thuốc lá, chán ngán đứng dậy đến bên bàn viết, ngồi xuống, hai tay vò đầu và cảm thấy không thể trốn chạy khỏi số mệnh, giống như một cuộc hò hẹn đáng ngại với người tình. Như thế, ta đã bắt đầu viết, và sự căng thẳng, hồi hộp cũng nguôi dần.
Thế giới lên tiếng
Đôi khi thế giới can dự vào tác phẩm, vào công việc của chúng ta, áp đặt cho ta từ ngữ, làm thay đổi cấu trúc câu văn theo yêu cầu và sở thích của nó, hoán vị các tính từ. Thế giới mạnh mẽ và nguy hiểm. Không thể coi thường vũ khí và phương pháp của nó. Nhà văn cứ viết và nghĩ rằng không gì có thể động chạm đến các con chữ. Nhưng thế giới thường xuyên tác động, làm ta khó chịu hay can thiệp vào công việc, ngay cả khi bạn tưởng rằng bạn làm chủ chất liệu, khi bạn tin rằng chỉ có một mình bạn với công việc, bạn là người thợ điều hành công việc theo ý thích và niềm tin của mình. Và có lúc bỗng nhiên bạn cảm thấy mình đã lựa chọn một từ không như lẽ ra phải chọn, đã tuân phục một định ngữ, một câu văn yếu ớt hay có sức diễn đạt không mạnh mẽ, bạn cảm thấy một sức mạnh vô hình ảnh hưởng đến câu văn bạn viết, làm cho nó trở nên hiền lành, giả tạo hay nhạt nhẽo... đó là lúc thế giới lên tiếng. Những lúc như thế hãy buông ngay cây bút. Hãy lắng từng động tĩnh, hãy chú ý như loài hoang thú đánh hơi linh cảm thấy hiểm họa. Hãy gập cuốn sách, khép kín con tim lại, hãy căng mắt nhìn quanh, xem xét lại trái tim và lý trí. Thế giới sẽ can dự vào công việc và không buông tha bạn. Bởi thế, hãy phòng vệ, nếu bạn là nhà văn, chừng nào bạn còn sống!
Chi tiết
Mùa xuân, cây cối nở hoa, trên những cánh đồng tuyết tan lấp lánh, nước chảy tràn, những dòng sông vạm vỡ, gió bắc cuốn theo những hạt hoa, trời nắng, lạnh lẽo như tia nhìn của một gã công tử bột đỏm dáng... Tất cả là gì vậy? Đó là những chi tiết, những thành tố của công việc, là cuộc đời, số phận của bạn, chúng vừa tự biến cải đồng thời vừa là công cụ, chất liệu mà bạn làm việc, cũng như bùn với thợ đắp lò, vải với thợ may, thế giới với Thượng Đế, nghệ sĩ với cuộc đời, nó vừa là số mệnh, nhưng cùng lúc cũng là thành tố và nguyên liệu, nó trao cho bạn hiểu biết, kiến thức chuyên môn, nỗi đam mê và sự lãnh đạm.
Thế là tốt?...
Theo Kinh Thánh, Chúa đã sáng tạo ra thế giới, và đến ngày thứ Bảy “Người nghỉ ngơi và thấy thế là tốt”.
Chỉ có con người nói ra điều đó, Chúa thì không bao giờ. Chúa đã sáng tạo ra thế giới, nhưng chắc chắn không bao giờ Người cảm thấy thế là tốt. Đó là sự mãn nguyện của người thợ vỗ bụng tự hào khoe sản phẩm của mình, một chiếc nôi, một chiếc quan tài, một đôi giày - “Ông thấy không, tốt lắm.” Chúa không khi nào thỏa mãn như thế. Chúa và người nghệ sĩ - chỉ có họ là biết rằng không bao giờ có sự hoàn hảo, rằng tất cả sự sáng tạo, dù là thuộc về con người hay thần thánh, đều không hoàn mỹ, vì mong muốn cháy bỏng của sáng tạo không bao giờ tắt, nó bao giờ cũng muốn một điều gì khác hơn, con người hơn hay thần thánh hơn... Đừng vội mừng, đừng xoa tay, nheo mắt mãn nguyện. Không có gì hoàn hảo cả đâu. Chỉ việc nó tồn tại - thế là đã quá tốt rồi.
Viết dễ
Tay nhà văn ấy khoe mình “viết dễ”, không gặp trở ngại gì. Anh ta không biết rằng anh vừa nói ra lời khai tử với sự khoe mẽ kia.
Viết văn không phải là năng suất, mà - trước hết - là cuộc vật lộn với sức cản mà chất liệu phát ra, chất liệu mà chúng ta gia công, gọt giũa để nó trở thành ý tưởng, mang hình hài, diện mạo... Viết trên hết là sự chiến thắng sức cản ấy, và cuộc vật lộn đó là bộ phận hữu cơ của quá trình sáng tạo không kém gì chính sự diễn đạt và sáng tạo. Người “viết dễ” hoàn toàn không viết kiểu gì hết, chỉ buông con chữ lên mặt giấy. Giống như một ai đó bảo: “Tôi sống nhẹ nhàng và chết nhẹ nhàng, chẳng vướng mắc điều gì.”
Bí quyết
Bí quyết của sân khấu, của nghề viết kịch bản: nói nhanh, nói liến thoắng, không cần rành mạch! Người ta nói về điều đó như nói về màn trình diễn của một nhà ảo thuật. Thực tế đơn giản và đáng sợ hơn nhiều.
Hãy tìm một tính cách, tất cả nhiệm vụ là thế. Tìm một tình huống xuất phát từ tính cách đó. Ghép tính cách ấy với thế giới và với số mệnh trái ngược với nó: kịch tất cả chỉ có thế (xem Hamlet). Còn bạn - tác giả hay nhà thơ - đừng lên tiếng trên sân khấu, hãy lưu ý để các nhân vật bao giờ cũng chỉ nói về điều gì thực sự quan trọng và mang tính định mệnh trong tính cách và tình huống của chúng. Hãy chú ý để các nhân vật nói ngắn gọn và quả quyết, ngay cả khi họ nói: “Xin tha thứ!” hay “Anh yêu em!” Những chuyện khác hãy để sân khấu và thời gian lo liệu. Đó là tất cả bí quyết.
Thi sĩ khuyết danh
Nhà thơ khuyết danh sống ở một nơi nào đó, ở Bồ Đào Nha hay ở Kiskunfélegyháza(1)_, chàng không gửi bài cho các tạp chí, không có mặt trên tờ rơi thông báo của những buổi đọc thơ, thơ của chàng không được các ban biên tập hay hội quán bình xét giá trị, đúng, thế giới không biết đến tên chàng, chính chàng cũng không muốn chính thức trở thành thi sĩ có vòng nguyệt quế và bổng lộc, với những lời bình phẩm, với người hâm mộ và kẻ ganh ghét, có số điện thoại và quán cà phê thường lui tới: chàng chỉ là nhà thơ, như một cây xanh tỏa vòm lá dưới bầu trời, chỉ là nhà thơ vì con tim chàng cháy bỏng và tỏa sáng một điều gì đó, chàng chỉ là nhà thơ vì Thượng Đế đã chạm tới vầng trán của chàng, và vì chàng biết các mối liên quan và nghe thấy thứ âm nhạc khác vang lên từ đồ vật, từ tâm hồn của các loài thú, loài cây cỏ cũng như từ trái tim con người. Chính vì thế chàng là thi sĩ. Tôi nghĩ chàng mới là thi sĩ đích thực.
Thời gian biểu
Thi sĩ ơi, đừng sợ thời gian biểu! Anh không phải là một con báo, cũng không phải một nguồn nước phun xứ Iceland. Anh đóng thuế, có hai phòng ở và phòng khách với lò sưởi trung tâm, máy hút bụi và điện thoại, tên và dữ liệu cá nhân của anh được lưu giữ trong các sổ sách chính thức - đừng sợ thời gian biểu! Và đừng có muốn thể hiện mình theo cách của một con báo hay một mạch nước phun, đừng tưởng rằng cảm hứng và công việc của anh có thể nâng anh khỏi thế giới mà anh đang sống, cái thế giới được tổ chức một cách chính thức: với cảnh sát, với bảo hiểm xã hội, với nhà tù và có ba tháng báo trước khi thôi việc. Anh phải làm nhà thơ trong xã hội ấy, vì thế mà hãy sống đúng quy tắc, hãy làm thi sĩ từ hai đến bốn giờ chiều, theo thời gian biểu. Anh không phải là con báo, cũng không phải một mạch nước phun, đừng quên điều đó. Anh là nhà thơ, nghĩa là một kẻ phản kháng văn minh, vì thế hãy phản kháng theo thời gian biểu, lịch sự, đúng quy định và không khoan nhượng theo cách cần và có thể.
Montherlant_(*)
Ông vẫn còn chất gì đó của một người đấu bò, vĩnh viễn. Một gã đấu bò vì sở thích, hậu duệ của một dòng họ quý tộc Pháp giàu có và yêu thể thao, ông giết bò, chinh phục phái đẹp và viết tiểu thuyết vì đam mê.
Sự khinh mạn cái chết, lòng kiêu ngạo kẻ cả, sự coi thường hiểm nguy như một sở thích của ông trong một thời gian dài làm độc giả chán ngán. Chúng ta, nhà văn và độc giả, đã quen tôn trọng hiểm nguy. Văn học là thứ nguy hiểm chết người. Montherlant thúc ngựa như người biết rằng người ta để ý đến mình, và ông vui mừng vì điều đó. Nhưng rồi ông thuyết phục chúng ta phải tin rằng, đúng là ông sẵn sàng phơi thây trên đấu trường. Đấu trường ấy có thể là trường đấu bò, là giường ái tình phụ nữ và bản thảo.
Vì vậy mà ông có quyền là người như thế. Vì thế mà ông thuyết phục ta rằng những lời nói kiêu ngạo của ông là lòng can đảm thực sự. Ông sẵn sàng chết vì những gì mình viết. Điều đó rất quan trọng. Nhà văn bắt đầu từ chỗ này và cũng kết thúc ở chỗ này.
Những vầng mây
Đúng, anh là nhà thơ và yêu thích những vầng mây, nhưng cũng đừng phủ nhận rằng anh thích món thăn lợn nấu đậu hạt và khoai tây rán. Anh thích thương đau, nhưng cũng vui vẻ cười trong rạp chiếu bóng. Cả khi xem phim Walt Disney nữa. Anh coi trọng nước mắt - những giọt lệ cao quý của tang tóc và đau đớn - hơn tất cả, nhưng anh còn thích rượu trái mận, uống với thịt hun khói khi bụng cồn cào đói vào mỗi sáng mùa đông. Anh yêu rừng thu, nhưng anh đã ngồi trong quán cà phê bao lần, và trong quán anh cảm thấy dễ chịu hơn dù thiếu rừng và màu sắc rực rỡ của rừng. Anh tôn thờ tình yêu bất tử và cao thượng, nhưng rồi cuối cùng anh cũng bằng lòng với những ả đàn bà không bất tử và cũng chẳng cao sang gì. Anh thích ánh sáng, nhưng anh vẫn gào lên khi thấy hóa đơn tiền điện quá cao. Anh thích cõi vô biên, nhưng anh vẫn cẩn thận mua vé xe điện. Anh yêu những vầng mây vì anh đã từng là thi sĩ, và đừng coi rẻ món sườn lợn nấu hạt đậu.
Thành công
Mọi thành công đều đáng ngờ. Ta biết làm gì với lời khen của người chạy thư? Con người tử tế ấy là một người chồng, một người cha, một nhân viên và một công dân tốt nhất. Nhưng tôi đâu cần tới sự đồng cảm nhiệt thành và sự nhất trí của người chồng và công dân tốt nhất, mà cần tới cuộc đấu với độc giả phê phán, am tường và ngang tầm. Không thể chinh phục nổi thế giới, chỉ có thể chiến thắng. Kẻ chinh phục - được thế giới ôm vào lòng - bao giờ cũng là kẻ tự hiến mình; người thuyết phục bắt một ai đó hoặc một cái gì đó phải quỳ gối - là con người hay một sự ngu xuẩn nào đó. Tôi đi tìm thứ thành công khác trong đời, thứ thành công bao giờ cũng chỉ có thể là riêng tư: thuyết phục mỗi tâm hồn. Đó là điều lớn lao nhất. Những gì còn lại chỉ là số ấn bản và sự thanh quyết toán.
Cánh bướm
Trong nháy mắt, một ý tưởng vụt lóe như cánh bướm, nhưng bạn đã chú ý đi nơi khác. Một người nào đó đang nói, bạn mơ tưởng đến điều gì đó, rồi một cái gì làm khó chịu hay sao nhãng. Và khi bạn nhìn lại thì ý tưởng đã vụt bay mất như cánh bướm.
Vì vậy, bạn hãy nhớ rằng suy nghĩ một cách tập trung là không thừa. Chú ý bao nhiêu cũng không đủ, nếu bạn muốn suy nghĩ. Chỉ thỉnh thoảng, một ý tưởng nhỏ vụt lóe, có khi không to tát gì, có khi chỉ ngồ ngộ, một cái gì đó nên cẩn thận dùng ngón tay nhón lấy, xiên vào một chiếc kim và đặt dưới lớp kính mãi mãi; vì nếu bạn không để ý, chút sắc màu ấy sẽ bay đi không bao giờ trở lại, và thế giới sẽ trống trải hơn, nghèo nàn hơn. Bạn hãy chú ý, dù quanh bạn người ta nói những gì. Hãy chú ý đến cánh bướm bay ngang qua tia sáng của trí tuệ, nó lấp loáng, phập phồng, nhảy múa, nhưng bạn đừng khi nào biếng nhác, mệt mỏi hay thờ ơ, hãy đưa tay đón lấy nó.
Hai tay
Hãy viết bằng hai tay, hào phóng. Đừng nghe theo thị hiếu, lời khuyên, theo mốt, theo mệnh lệnh của họ. Hãy để họ cứ tranh cãi, quyết định - còn bạn hãy cứ viết, bằng cả hai tay, trao gửi hết mình, đừng lưu tâm đến điều gì khác. Đừng tiếc nửa giờ hay nửa ngày cần thiết để viết một câu, để câu văn đầy đủ, chân thực, đúng chỗ, giàu sức diễn đạt và đồng thời không khoan nhượng, chừng mực và sinh động. Đừng tiếc mười năm hay hai chục năm cần cho cuốn sách, để nó đủ thời gian chín, và đến một ngày bạn phải viết vì không thể trì hoãn nữa. Đừng tiếc hy sinh cả cuộc đời, cuộc đời có đáng gì nếu bạn trao hết cho nghề viết, cả sức khỏe và hạnh phúc, một hay một trăm năm sau, việc bạn hạnh phúc hay đau ốm có đáng kể gì, nếu bạn không làm xong công việc, không hoàn thành sứ mệnh của mình. Hãy hy sinh tất cả, và viết bằng cả hai tay, hào phóng, không ngại ngần. Điều gì sẽ đến nếu bạn hy sinh tất cả ư? Chẳng có gì hết. Đơn giản là phải làm như thế, vì đó là công việc của bạn, của nhà văn.
Kẻ chạy trốn
Có cả chuyện một nhân vật bỗng đột nhiên biến khỏi tiểu thuyết. Hắn biến đi đâu? Hắn vừa ở quanh đây, quãng trang một trăm, hắn vừa sang sảng đọc thơ, vừa ba hoa khoác lác, vừa làm bộ làm tịch, nghĩa là hắn vừa có mặt. Rồi trong một khắc sao nhãng, ở trang một trăm mười bốn, hắn lủi ra khỏi phòng, khỏi câu chuyện, khỏi tiểu thuyết, có dùng bánh mật cũng không dụ hắn quay lại nổi.
Sao hắn lại bỏ đi? Hắn nhớ ra điều gì ư? Hay hắn bị xúc phạm? Tính nết hắn là thế?... Phải rất chú ý tới các nhân vật tiểu thuyết, cũng như những con người ngoài đời. Đôi khi họ độc đoán và thất thường. Sự nổi loạn và phá phách không chỉ đặc trưng cho thể loại tiểu thuyết hiện đại, mà cả cho cách ứng xử của các nhân vật tiểu thuyết trong thể loại này. Là nhà văn, bạn sẽ làm gì với nhân vật tiểu thuyết nếu giữa chừng hắn ta nổi loạn, bỏ lửng nửa chừng câu nói, lững thững đi ra và không trở lại? Hãy để hắn đi. Đó là một nhân vật tồi. Hắn chạy mất còn hơn bạn dùng vũ lực giữ hắn lại, giống như người ta giữ những nhân vật trong tiểu thuyết duy thực qua hàng trăm trang sách, với sự nghiêm khắc và cố ý bướng bỉnh không thể hiểu nổi của người viết. Hãy bảo bọn hắn, những kẻ muốn chạy trốn: “Được rồi, mi cứ biến đi, đừng để ta phải thấy mặt ngươi. Rồi ngươi sẽ quay lại, ở đâu đó gần cuối tập hai. Nhưng khi đó thì đã muộn, và ngươi sẽ chết trên một đống rác, chứ không phải trong lịch sử văn học.” Khi đó hắn sẽ khóc lóc và van xin. Nhưng bạn hãy cứ nghiêm khắc.
Một từ
Đôi khi chỉ thiếu một từ, đúng một từ, nó làm cho câu văn đó, cho một chương, có lẽ cho cả cuốn sách trở nên sống động hơn, sâu sắc hơn, chân thực hơn. Nó nói lên sự thật, nhưng mềm mại và mạnh mẽ, du dương và đáng sợ, chân thực và quả quyết như cần phải gọi tên định mệnh. Đôi khi, nhiều khi chỉ còn thiếu một từ này. Câu văn đã lai láng, tất cả đã ở đúng chỗ, định ngữ, động từ và danh từ, tất cả đã nhất quán, đầy màu sắc. Chỉ có điều câu văn còn vô nghĩa vì thiếu một từ, một từ duy nhất - đó là từ nào? Khoan đã, tôi nói ngay đây, nó đã ở trên đầu lưỡi.
Âm hưởng
Âm hưởng của một đoạn văn sẽ khác khi ta đọc nó trong bản thảo, sẽ khác khi nó đến tay ta trên một bản in thử, sẽ khác khi nó xuất hiện trên mặt báo hay tạp chí, sẽ khác khi nó được in thành sách, sẽ khác khi nhiều năm sau khi xuất bản, ở đâu đó ta bắt gặp một cuốn đã cũ, sẽ khác nếu ta mua nó ở một hàng đồng nát, và cuối cùng, sẽ khác khi ta đọc thấy nó trong một tuyển tập. Sự âm vang, giá trị của từ ngữ mỗi lần sẽ khác. Trong lúc viết lên mặt giấy những dòng chữ ấy, nhà văn phải biết lắng nghe trong thời gian. Những gì huyên náo và trôi chảy trên bản thảo có khi vụng về và điếc lác trong bản in, và sau hai mươi năm cũng đoạn văn ấy có thể hồi sinh. Phải biết nghe thấy âm hưởng của ngôn từ trong thời gian. Đây là vấn đề nghe âm hưởng của văn chương - có thể đó là bí quyết của nghề viết.
Juhász(1)
Thi ca của ông được viết ra từ chỉ một hồi ức duy nhất, cũng như thế giới là một cuốn sách duy nhất. Hồi ức ấy không phải là Anna, không. Đó là hồi ức về nỗi thương đau.
Nỗi thương đau nơi tận cùng sự việc, nơi đáy sâu những hồ nước, nơi tận cùng những khát khao của đàn ông và đàn bà. Nó vận hành thế giới như gió thổi, như ánh sáng. Một thứ ánh sáng tăm tối. Nó ùa ra từ mọi nẻo, ngày và đêm, cả trong giấc ngủ. Tâm hồn thi sĩ đầy ắp thứ ánh sáng màu đen như thế. Ông hồi tưởng về nỗi thương đau như về ký ức của sự sáng tạo và sinh tồn. Ông đam mê nỗi thương đau một cách mãnh liệt như người yêu cất giữ kỷ niệm về người tình đã mất. Ông nâng niu trong vòng tay như bà mẹ nâng niu thi thể mềm mại của đứa con đã chết. Ông lim dim mắt, nói về nó như thể ông vĩnh viễn nhìn một bầu trời khác màu đen nơi xa xăm, không phải ở trên cao mà ở dưới đáy sâu tiềm thức của con người. Ông mời gọi, ông hát ru nỗi thương đau, ông yêu nó như người ta chỉ có thể yêu nỗi đam mê - bao giờ cũng chỉ là yêu nỗi đam mê, chứ không khi nào là người mà nỗi đam mê hướng tới và khao khát.
Thế giới
Văn học không chỉ là những gì mà nhà văn viết, cũng không chỉ là phạm vi tư tưởng và thế giới tâm hồn của các nhà văn, văn học bản thân nó cũng là thế giới, cũng sinh động và khó hiểu như Hệ Mặt Trời, với những quy luật, với không gian, với tầng bình lưu, và với những hành tinh - một thế giới mà ta không biết những chiều kích của nó, ta chỉ ngờ rằng nó là vô biên. Người bước vào thế giới này biết rằng, những gì ta học được trên Trái Đất không hẳn có hiệu lực. Bạn sẽ hít thở khác, nhịp đập trái tim của bạn sẽ khác trong bầu khí quyển của thế giới ấy, bạn sẽ sống và chết khác theo những quy luật bí ẩn của hệ thiên hà ấy. Hãy thận trọng, hỡi lữ khách, đó là một thế giới không ít hiểm họa.
Holy Spirit_(1)
Ông gửi cho tôi tập thơ mới đóng bìa vải, chữ trên bìa màu vàng của ông, với lời đề tặng rất nồng nhiệt. Tôi đọc những bài thơ vào buổi sớm, lúc còn đói bụng.
Đó là những bài thơ hay. Trong đó có cảm xúc, ý tưởng, sự hứng khởi, sự gợi cảm, có Mallarmé, Rilke, Arany, Babits(*)_ và Kosztolányi, có vần điệu, có lối so sánh gợi mở. Đó là những bài thơ có không khí và dễ đọc, âm vang và dễ chịu, kịch tính và náo nhiệt. Trong những bài thơ ấy có đủ mọi thứ, chỉ thiếu Holy Spirit. Vì thế, tôi ngáp dài, buông cuốn sách.
Nhân vật tiểu thuyết
Một nhân vật tiểu thuyết của tôi bước vào phòng, húng hắng ho với vẻ bất an, xì mũi, rồi nói với giọng hơi nghèn nghẹn và bức xúc:
- Xin ông hãy hiểu cho. Tôi không thích thú tất cả những chuyện này. Tôi cũng không yêu cô Olga đâu.
Tôi rời mắt khỏi tập bản thảo mình đang gọt giũa từng từ, đẩy kính lên trán, ngẩng lên và nghiêm khắc bảo:
- Tôi không yêu cầu ông phải yêu cô Olga. Tôi đâu phải là Thượng Đế để đòi hỏi những điều bất khả ở con người. Tôi chỉ là người viết tiểu thuyết. Và tôi đòi hỏi những nhân vật của mình hãy chấp nhận số phận của họ. Tôi không quan tâm đến tâm tư của anh. Anh đừng yêu cô Olga, nhưng hãy trốn đi cùng cô ấy, vì quy tắc - quy tắc bí mật, quy tắc và mệnh lệnh của tiểu thuyết tôi viết - đòi hỏi như thế. Và hơn nữa, anh đừng đi lang thang ngoài đời khi không được phép. Chỗ của anh lúc này là ở trang một trăm ba mươi, chứ không ở bất cứ nơi nào khác. Đồ du đãng, hãy quay lại tiểu thuyết! - tôi chồm lên, chỉ tay vào gã, tức giận quát.
Định ngữ
Càng ngày tôi càng ít tin rằng có thể xác định những bộ phận của một câu văn, có thể lựa chọn như chọn trong một hàng bán hoa những bông hoa rực rỡ hương sắc cho một bó hoa đẹp. Định ngữ có thể tự đến và khi đó thì nó rất “phù hợp”, hoặc là phải tìm kiếm, và khi đó nó không bao giờ thật hoàn mỹ, không thật đặc trưng, cũng chẳng “ngon lành”. Sự so sánh về cơ bản xuất phát từ tính chất của vật, người, hay hiện tượng được đem so sánh, không thể “phịa ra” được. Thi sĩ, đừng cắn bút vô ích, không thể tìm cùng trời cuối đất cái “giống như” có thể gợi nổi màu mắt của người anh yêu hay cơn giận dữ hống hách của một kẻ độc tài. Sự so sánh đúng đã sẵn có trong ta như số mệnh. Một định ngữ mạnh toát ra từ khái niệm mà nó cần bổ nghĩa như tính cách toát ra từ một con người. Và hơn nữa thế giới cũng không “giống như”. Khi thiếu định ngữ, và nó không tự đến thì đừng cố gắng đi tìm; hãy nói đơn giản, hãy để nguyên nó như thế.
Ritenuto_(1)
Hãy viết chậm lại, ritenuto. Đôi khi, nhất là về cuối một chương hoặc cuối tác phẩm, câu văn cứ như muốn trôi tuột đi, khi cả đề tài, các nhân vật và người viết cùng sốt ruột, tất cả bắt đầu tràn chảy về phía cuối, tất cả đều mong muốn cái kết của câu chuyện... Những lúc như thế phải ngăn cái dòng chảy ấy lại, phải điều tiết nỗi đam mê, câu chữ và tình cảm, phải chủ động kiềm chế chất liệu và nhịp điệu, phải có thời gian - và cũng như không thể viết nhiều hơn mức cần thiết dù một trang hay một dòng - không thể vội vàng và không được hoàn thành tác phẩm trước một ngày, một giây, chỉ khi giây phút ấy đã đến, khi cuốn tiểu thuyết đã kết thúc một cách thực sự, vĩnh viễn. Hãy viết chậm lại, chú ý đến sự ào ạt của dòng sự kiện. Hãy kiềm chế.
Thành công
Bạn đang gặt hái thành công? Hãy cẩn thận. Mọi thành công đều đáng ngờ.
Bạn vui mừng, tim bạn đập rộn vì những bàn tay nóng bỏng vỗ dồn trong không gian tối lờ mờ của một rạp hát ư? Hãy biết rằng phần tâm hồn của bạn trong thành công này khiêm tốn và phù du. Nhà hát còn là những gì thuộc về thân xác, chứ không chỉ của những gì đại ngôn và hùng biện, không, kịch trường còn là tổng hòa những tấm màn phông, son phấn, ánh đèn đẫm mồ hôi và những người soát vé, những nhân viên chạy tin. Bạn nhìn thấy bìa màu cuốn sách của bạn trong tủ kính ư? Hãy quay mặt đi nơi khác, vì tất cả những thành công đều từ sự hiểu lầm mà ra. Đúng, bạn thành công, tay thợ cạo cũng cúi chào bạn, tên bạn được nhắc trên cửa miệng những cô gái thợ may, những bà mệnh phụ ghì chặt tác phẩm của bạn vào lồng ngực, những đức ông cau có bàn luận về nó - nhưng bạn hãy thận trọng! Vì những gì thế giới công nhận, bao giờ cũng chỉ bằng và đúng bằng những thứ liên quan mật thiết với thế giới có trong bạn. Và cái đó không nhiều.
Chỉ đến khi nào
Bạn chỉ có quyền sống và viết đến chừng nào mà bạn, trong khi làm việc, trước hay sau đó, có thể vào giữa ngày, trong một tiệm cà phê hay trên tàu điện, thỉnh thoảng thấy rùng mình khi nghĩ đến trách nhiệm của nghề viết, bạn thấy sợ hãi tầm cỡ của nhiệm vụ định mệnh này và những hậu quả ghê gớm của nó, đến khi bạn cảm thấy số phận sau mỗi lời nói của con người, số phận đã lựa chọn chính bạn cho vai trò nguy hiểm này - diễn đạt thay cho con người, có thể thành công hay không thành công, cái điều mà họ cũng biết, nhưng không phải lúc nào cũng dám nói ra và dám chấp nhận mọi hệ lụy của nó. Bạn chỉ có quyền viết tới khi nào, cũng như một linh mục, chỉ có quyền trừng phạt và hóa giải chừng nào còn tin và còn cảm thấy mình có trách nhiệm trước Chúa. Nếu và 3764 o một ngày nào đó bạn không rùng mình sợ hãi, thì bạn không bao giờ còn là ai và là gì nữa, bất quá chỉ là một văn sĩ thành đạt, chứ không là gì khác.
Tôi đọc Goethe
Trong Goethe, cũng như trong tất cả những con người chân chính vĩ đại, ngoài sự sang trọng konturnus_(1) và cảm hứng đam mê mà chúng ta biết, còn có một sự hiểu biết nào đó rất trần tục và hư hỏng, một cái gì đó mà dân Pest thường gọi là “link”(1)_. Thỉnh thoảng ông bước xuống từ đỉnh Olympus, ông đứng trước ta, tay đút vào túi áo đuôi tôm, à la Napoleon, người cũng hòa trộn sự cảm hứng đam mê và sự hư hỏng đúng như thế, ông nhấp nháy mắt lắng nghe mọi người. Trong tia nhìn, trong cái hắng giọng của ông, ta cảm thấy ông là một thiên tài, người thường đàm đạo với các bậc thánh, ông biết chính xác tất cả về con người, về những nỗi lo lắng nhỏ nhặt, những đam mê rẻ tiền của họ, ông biết địa chỉ của các cô gái làng chơi mà đám đàn ông thường trốn người tình để đến với họ, biết nơi ở của những con nợ thường đi vay nặng lãi - và ông nhớ những địa chỉ này -, ông biết ban đêm họ làm gì một mình trong phòng, họ cảm thấy điều gì với những tính toán bất minh, khi họ rơi nước mắt và thề thốt... ông biết hết! Vì ông là người trong cuộc. Vì ông là thiên tài. Vì ông là một gã “link”. Không có cái hư hỏng trần tục tinh tế ấy thì không có sự vĩ đại thực sự của con người. Ông biết tất cả những điều đó, rồi ông quay về đỉnh Olympus, thổi sáo và nghe sấm động.
Sự thỏa hiệp
Đừng phê phán những thỏa thuận của họ. Xã hội loài người xây dựng trên những thỏa thuận. Hãy chấp nhận và chịu đựng việc người ta thỏa thuận với nhau trong những tư tưởng sai lạc, những viễn ảnh mơ ước mù mờ, những quy định khó chịu và buồn bã nhất định nào đó. Có lẽ không thể làm khác. Đừng động đến niềm tin, đến những ý tưởng giả tạo, những thỏa hiệp biếng nhác và bắt buộc của họ.
Chỉ nên biết rằng, khi bạn không động đến họ, không có nghĩa là bạn đã thỏa thuận với họ. Hãy lắng nghe, nhưng ứng xử như người không thể làm khác. Nếu bạn nghe như một người thỏa hiệp, thế giới không bao giờ còn đối trọng. Phải im lặng như người im lặng cả trên bàn tra khảo. Đó là việc rất khó. Im lặng lắng nghe sự thật bao giờ cũng khó khăn hơn nói ra sự giả dối.
Thời gian biểu
Mỗi ngày bạn hãy làm một chút gì đó cho tác phẩm. Thỉnh thoảng chỉ sửa một chi tiết, thỉnh thoảng khi mệt mỏi, chỉ cần sắp xếp lại, chuyển một vài câu hay vài trang về đúng chỗ. Nhưng ngày nào bạn cũng nên làm một động tác gì đó.
Đó là việc của bạn. Nhưng trong khi bồi đắp cho tác phẩm, bạn cũng đừng quên nuôi dưỡng tâm hồn mình, mỗi ngày. Bằng sự tận tụy và chăm chú. Chẳng hạn như bạn học thêm một điều gì đó, làm sáng rõ một quan niệm, kiểm chứng lại một nỗi đam mê hay tình cảm. Mỗi ngày hãy bồi đắp tâm hồn, cũng như bạn đang chăm chút cho tác phẩm theo thời gian. Hai thứ ấy - tâm hồn và tác phẩm - không phải là một. Có những tác phẩm xuất sắc và những tâm hồn ốm yếu phía sau chúng. Có những tâm hồn trong sáng, mạnh mẽ mà không có tác phẩm và những hệ lụy. Bạn hãy xây cả hai thứ, như những cộng đồng người thời xưa xây dựng cùng một lúc cả nhà thờ, sau đó sẽ là nơi cầu nguyện của họ và xây dựng cả những quy tắc của đức tin, cấu trúc của tư tưởng mà theo đó họ đặt niềm tin và cầu nguyện sau này.
Và hãy cho thể xác đáng thương của bạn sự thỏa mãn u buồn mà nếu thiếu nó thì phần thú vật trong con người bạn sẽ trở thành thú dữ. Hãy quăng cho nó một khúc xương. Hãy vỗ về, an ủi, động viên nó. Đó chính là thời gian biểu.
Cô đơn
Có thể là nỗi cô đơn sẽ đánh gục con người, như nó đã quật ngã Hôlderlin, Pascal, Nietzsche, nhưng sự gục ngã và đổ vỡ như thế còn xứng đáng với con người có tri thức hơn sự hòa đồng với thế giới, làm ta lây nhiễm bởi sự quyến rũ ngọt ngào và độc ác của con người và đẩy ta xuống hố. Hãy lún sâu hơn nữa xuống vực thẳm cô đơn và lụi tàn như thế, nhưng với thất bại ấy bạn đã cho kết cục của linh hồn và tác phẩm của mình một tư cách. Ở đây không có phương cách để mặc cả, và cũng không có những giải pháp thông thái nửa mùa kiểu Epicurus_(*) thận trọng và khôn ngoan, với khu vườn và một bà bạn: nếu muốn trả lời những câu hỏi của thế giới, chỉ có thể trả lời từ nỗi cô đơn, nó đầy đủ cũng như cuộc sống và cái chết. Và không phải nỗi cô đơn sâu sắc, đậm đặc ấy là phản nhân sinh; bạn chỉ phục vụ con người đầy đủ, nếu bạn rút lui khỏi những sự vụ của họ.
Hãy cứ cô đơn và hồi tưởng. Hãy cứ cô đơn và chú ý. Hãy cứ cô đơn và trả lời. Đừng hy vọng: không có giải pháp khác. Hãy cứ cô đơn, dù có phải chết vì nỗi cô đơn. Vẫn còn hơn sống theo những điều kiện của họ.
Hãy chú ý!
Đừng muốn nói quá hay, cũng đừng muốn nói đặc biệt bất ngờ, cũng đừng quá cá tính và độc đáo. Hãy mở mắt, và chú ý, hết sức chú ý. Rồi hãy nhắm mắt lại và cố gắng hồi tưởng. Rồi bạn sẽ nghe thấy một âm thanh, sẽ thấy một gương mặt hoặc một hình ảnh, một điều gì đó đang lấp ló hiện dần ra... Khi đó bạn hãy viết, thật chậm rãi và cẩn thận.
Những việc khác bạn hãy tin ở Thượng Đế.
Băng giá
Hãy cẩn thận với nỗi cô đơn, vì có nỗi cô đơn dịu dàng và chân thật, như một thái độ đối với con người, đó là điều tốt. Và có nỗi cô đơn bi kịch, khi thế giới xung quanh bạn trở nên băng giá, những con đường dẫn đến mọi người và đến những gì thuộc về con người đều bị băng giá phủ kín. Khi đó bạn sẽ lạc đường, và sẽ chết vì băng giá.
Bất trung
Nên, cực kỳ nên cố tránh xa tác phẩm đã hoàn thành, bằng cố gắng mà bạn đã tiến lại gần nó khi đang viết, khi nó đang hình thành và vắt kiệt sức lực của bạn. Khi đó bạn đã trung thành với kẻ độc tài bí ẩn ấy, đã trao cho nó cả cuộc sống và máu của mình. Nhưng bạn đã sáng tạo ra nó như bạn muốn, và giờ đây hãy tránh xa tác phẩm, hãy ráng sức bước đi, nhìn về phía khác, hãy sống và sáng tạo một cách bất trung. Đừng để quá khứ của bạn níu kéo. Bạn không hề có khế ước với tác phẩm của mình. Bạn không thể để một phong cách, một cách nhìn, một khả năng diễn đạt, một giọng điệu ràng buộc mình, ràng buộc chính nhà văn - người đã sáng tạo và kết hợp tất cả những điều đó. Không một điều gì, không một ai ràng buộc bạn. Những gì bạn đã viết không còn là bạn nữa, hãy quay đi khỏi tác phẩm, hãy nhìn xa hơn. Sự bất trung ấy cũng là công việc của bạn, giống như sự trung thành và đức hy sinh.
Khủng hoảng
Hãy để ý đến những ngày mà cả thể xác và tâm hồn bạn là sự phản kháng mãnh liệt công việc bạn đang làm, khi bạn tự tìm ra những căn bệnh, bạn phàn nàn về tim và dạ dày, bạn phải vứt bỏ thuốc lá, có lúc bạn thấy sợ hãi cái chết, bạn không chịu nổi thế giới, bạn tuyên chiến với mọi sự đồng thuận, và bạn cảm thấy không thể tiếp tục viết, bạn thấy mình không liên quan gì tới công việc đang làm, bạn đã nói tất cả, bạn không cảm thấy cảm giác bay bổng và bình an, thấy vốn liếng mình trống rỗng, bạn chán ngán lựa chọn giữa những ngôn từ nhạt nhẽo đã mất hết sắc thái và khả năng tỏa sáng - hãy chú ý đến những ngày như thế. Những lúc ấy bạn chống lại sự gắng sức thực sự trong công việc bằng tất cả bản ngã và số mệnh của mình, bạn muốn chống lại tất cả công việc, muốn trốn chạy. Trong những ngày như thế, bạn hãy chuẩn bị cho cuốn sách hoặc chỉ cho một trang hay vài dòng, chúng sẽ tạo nên một trong những ý nghĩa của cuộc đời hay tác phẩm của bạn. Con người cảm nhận số phận và những hiểm họa của số phận, không chỉ trong cuộc sống, mà cả trong tác phẩm của mình. Và đến một ngày, điều gì đó sẽ hóa giải sự phản kháng khó chịu ấy. Đến một ngày bạn sẽ lại làm việc, sự phản kháng kia chấm dứt, và tất cả lại trở nên tự nhiên và đơn giản. Đó là những ngày trời cho, những ngày mưa móc. Và cũng là những ngày tự đầu độc bằng nicotin. Nhưng đó chỉ là chuyện vặt. Cái chính là những câu văn, sau những ngày như thế.
Sách mới
Nhà xuất bản gửi một số sách mới cùng những bài phê bình, với mục đích giới thiệu.
Những cuốn sách để trên bàn đã mấy ngày không động đến. Đôi khi tôi liếc nhìn chúng với chút ái ngại như người có lỗi. Rồi sau đó, với sự cố gắng hết sức, tôi mở một cuốn, đọc một dòng bất kỳ ở giữa. Câu ấy thế này: “Burkus, đừng! - Andris hất hàm về phía con chó.”
Tôi gấp cuốn sách, gật gù bỏ đi. Giữa đường tôi nghĩ: “Sự quảng bá, những bài phê bình, những trích đoạn đâu có cho ta biết về nội dung thực của cuốn sách. Bản thân cuốn sách cũng tự bạch về mình trước khi ta lật giở, một cách bí ẩn, lạ lùng gần như không thể hiểu nổi. Tôi không tin là mình đã sao nhãng bỏ qua những tuyệt tác. Những cuốn sách mà ta không cảm thấy khao khát được lật giở không hề bị trừng phạt oan. Chỉ một dòng duy nhất đủ để ta biết tất cả về một cuốn sách, cũng như một từ giả dối, một hành động ti tiện duy nhất đủ để đánh giá một con người.”
Một cuốn sách có sức sống sẽ tự tỏa sáng như tất cả những gì đang sống. Một cuốn sách nhân tạo và tẻ nhạt chỉ nằm đó. Sự khác biệt có vậy thôi ư? Tôi nghĩ, chỉ có chừng đó.
Quy tắc
Nếu muốn tạo ra và gìn giữ một thế giới, trong đó con người khư khư giữ lấy những ảo vọng hão huyền và độc hại của mình, thì bạn đừng làm tan vỡ những ảo vọng ấy, những ảo vọng mà không có chúng người ta không thể sống, không thể đấu tranh, không thể duy trì trật tự, cũng không thể chung sống với nhau. Bi kịch của mọi nền văn học lớn là muốn giải thoát con người khỏi sự giả dối của họ và đến giữa chừng, lại hủy hoại những quy tắc đảm bảo cho sự chung sống mà con người có thể chịu đựng nổi.
Những mảnh phoi
Hoàn toàn không chắc là bạn sẽ sáng tạo ra “tác phẩm lớn” của đời mình khi bạn viết những tác phẩm lớn... Có thể chính khi viết những tác phẩm lớn bạn lại biến mình thành những mảnh phoi. Có thể là tác phẩm đích thực của đời bạn không là gì khác hơn vài dòng, mà bạn nghĩ rằng nó chỉ là những mảnh phoi.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !