CHƯƠNG 16
Reading - Chúng tôi được thuyền máy hơi nước kéo đi - Cách cư xử khó chịu của những con thuyền nhỏ - Làm thế nào mà chúng có thể ngáng đường những chiếc thuyền máy hơi nước - George và Harris lại trốn việc - Một câu chuyện đã nhàm - Streatley và Goring.
Đến mười một giờ chúng tôi nhìn thấy Reading. Sông ở đây bẩn thỉu và ảm đạm. Người ta không thể la cà quanh Reading được. Riêng thành phố ấy là một nơi nổi tiếng đã có từ lâu đời, kể từ những tháng ngày u ám thời vua Ethelred, khi người Hà Lan neo đậu tàu chiến ở Kennet và khởi hành từ Reading để cướp phá khắp miền Wessex; và tại nơi này Ethelred cùng người em trai Alfred đã chiến đấu và đánh bại họ, Ethelred thì cầu nguyện còn Alfred chiến đấu.
Thời gian sau đó, có vẻ như Reading được coi là một nơi thuận tiện để chạy đến mỗi khi ở London mọi việc không được suôn sẻ. Thông thường Nghị viện hay chạy về Reading mỗi khi ở Westminster có bệnh dịch; rồi đến năm 1625, tòa án cũng bắt chước và tất cả các phiên tòa đều được tiến hành ở Reading. Hẳn cũng bõ công khi thỉnh thoảng ở London phát sinh một trận dịch bình thường để tống khứ cả luật sư lẫn Nghị viện.
Trong thời kỳ Nghị viện phải vật lộn với bệnh dịch, Reading bị Bá tước vùng Essex vây hãm, và một phần tư thế kỷ sau, ông hoàng xứ Orange dẫn quân đội của vua James đến đây.
Henry I được chôn cất ở Reading, trong tu viện dòng Thánh Benedict do ngài thành lập mà những di tích của nó cho đến nay người ta vẫn có thể nhìn thấy; và cũng ở tu viện đó công tước John vĩ đại của thành Gaunt đã kết hôn với phu nhân Blanche.
Ở cửa sông Reading chúng tôi gặp một chiếc thuyền hơi nước thuộc quyền sở hữu của mấy người bạn của tôi, và họ kéo chúng tôi theo khoảng một cây số đến Streatley. Được một chiếc thuyền hơi nước kéo đi thật thú vị biết bao. Tôi thích thế hơn là tự mình phải kéo. Chuyến đi hẳn còn thú vị hơn nữa nếu chiếc thuyền hơi nước của chúng tôi không bị khá nhiều con thuyền nhỏ cũ nát liên tục chắn đường, và để tránh đâm phải chúng, chúng tôi liên tục phải đi chậm và dừng lại. Đúng là khó chịu bậc nhất, cái cách đám thuyền chèo tay đó chắn đường thuyền máy hơi nước đang đi trên sông ấy; phải làm gì đó để chặn việc này lại đi chứ.
Và chúng lại còn xấc xược quá đỗi. Ta cứ việc bấm còi cho đến khi sắp làm nổ tung nồi súp de thì bọn chúng mới chịu nhanh nhanh lên cho. Giá mà tìm ra được cách gì đó thì thỉnh thoảng tôi đã lôi theo độ hai ba cái để dạy cho chúng một bài học rồi.
Qua Reading một chút thì con sông trở nên rất đáng yêu. Ở gần Tilehurst đường sắt đã phần nào làm hỏng nó, nhưng từ Mapledurham đến Streatley thì thật tuyệt vời. Phía trên cửa sông Mapledurham một chút ta sẽ qua tòa nhà Hardwick, nơi Charles I từng chơi ki. Khu Pangbourne, nơi có quán trọ Thiên nga nhỏ nhắn xinh xắn, hẳn rất quen thuộc với khách quen của các triển lãm nghệ thuật cũng như với chính cư dân của nó.
Chiếc thuyền hơi nước của bạn tôi thả chúng tôi lại ngay bên dưới hang động và rồi Harris muốn làm rõ rằng giờ đến lượt tôi chèo. Đối với tôi việc này có vẻ không hợp lý chút nào. Sáng nay đã nhất trí rằng tôi sẽ đưa thuyền đi quá Reading ba dặm. Và đây, chúng tôi đã cách Reading những mười dặm! Chắc chắn giờ đến lượt bọn hắn chèo chứ.
Tuy nhiên, tôi không tài nào thuyết phục George hay Harris nhìn nhận vấn đề theo quan điểm đúng đắn này; vì vậy, để khỏi phải tranh luận tôi bèn cầm mái chèo. Tôi chèo chưa quá một phút thì George nhận thấy có vật gì đó màu đen đang lập lờ trên mặt nước, vậy là chúng tôi tiến về phía nó. Khi chúng tôi đến gần, George cúi xuống túm lấy nó. Và rồi hắn lùi lại kèm theo một tiếng kêu, mặt tái nhợt.
Đó là thi thể một người đàn bà. Nó bồng bềnh trên mặt nước, gương mặt dịu dàng bình thản. Đó không phải một gương mặt xinh xắn; nó có vẻ quá già trước tuổi, quá gầy gò và u sầu để có thể được coi là xinh; nhưng đó là một gương mặt dịu dàng đáng yêu dù đã in hằn dấu ấn của túng quẫn và nghèo đói, và trên đó là một vẻ an bình thanh thản đôi khi vẫn hiện trên mặt người ốm khi cuối cùng cơn đau cũng rời bỏ họ.
May cho chúng tôi - chúng tôi không hề muốn bị giam chân tại những phiên tòa xử các vụ chết bất thường - một vài người trên bờ cũng nhìn thấy cái xác và giờ họ sẽ thay chúng tôi chịu trách nhiệm về nó.
Sau này chúng tôi được biết câu chuyện về người đàn bà ấy. Dĩ nhiên đó là một bi kịch thông thường cũ rích. Cô yêu và bị lừa - hoặc tự lừa dối mình. Dù gì thì cô cũng đã lầm lỗi - đôi khi một vài người trong chúng ta cũng vậy - và gia đình bạn bè cô, choáng váng và căm phẫn một cách tự nhiên, đã sập cửa lại trước mặt cô.
Bị bỏ lại một mình trong cuộc chiến với thế giới, trách nhiệm nặng nề đè nặng hai vai, cô càng lúc càng chìm sâu. Có tuần cô cùng đứa con phải cầm cự bằng mười hai xu tiền công nhận được sau mười hai giờ lao động nặng nhọc một ngày, sáu xu dành cho đứa bé và sáu xu còn lại để giúp cô giữ cho linh hồn và thể xác mình gắn kết với nhau.
Sáu xu một tuần không giữ cho linh hồn và thể xác gắn kết chặt chẽ với nhau. Chúng muốn tách khỏi nhau một khi giữa chúng chỉ có mối liên hệ lỏng lẻo đến thế; và tôi cho là một ngày kia, nỗi đau và sự đơn điệu u ám của nó đã hiển hiện trước mắt cô một cách rõ rệt hơn bao giờ hết, và nỗi ám ảnh về chuyện bị chế nhạo đã khiến cô khiếp sợ. Cô kêu gọi bạn bè lần cuối cùng, nhưng trước bức tường lạnh lẽo của tư cách đáng trọng của họ, tiếng nói của con người lầm lỗi bị xã hội ruồng bỏ này chẳng được ai để ý đến; và rồi cô đến thăm con mình, ôm nó vào lòng và hôn nó trong tâm trạng mệt mỏi thẫn thờ, không để lộ bất kỳ cảm xúc đặc biệt nào, và để đứa con lại sau khi đã đặt vào tay nó hộp sô cô la một xu cô đã mua, rồi sau đó, với những đồng xu cuối cùng của mình, cô mua vé đi Goring.
Có vẻ như những suy nghĩ cay đắng nhất của cuộc đời cô đã tập trung hết ở những khúc sông cây cối rậm rạp và những cánh đồng xanh tươi quanh Goring; nhưng kỳ lạ thay, phụ nữ thường bám chặt lấy con dao đã đâm họ, và có lẽ, giữa nỗi cay đắng, cũng trộn lẫn cả những ký ức vui vẻ về những giờ phút ngọt ngào trong bóng râm dưới những hàng cây cao lớn cành lá là là.
Cô lang thang cả ngày quanh khu rừng gần bờ sông, và rồi, khi đêm xuống và hoàng hôn màu xám đã trải chiếc áo choàng tối màu của nó lên mặt nước, cô dang tay về phía con sông tĩnh lặng đã biết hết mọi niềm vui nỗi buồn của cô. Và con sông già nua đã đón cô vào vòng tay êm ái của nó, để mái đầu mỏi mệt của cô ngả vào lòng nó và xua tan nỗi đau.
Vậy là cô đã lầm lỗi trong mọi chuyện - lầm lỗi trong việc sống và cả trong việc chết. Cầu Chúa phù hộ cho cô! Và cho tất cả những kẻ lầm lỗi khác, nếu vẫn còn.
Goring bên bờ trái và Streatley bên bờ phải đều là những nơi tuyệt vời để ở lại vài ngày. Khúc sông xuôi xuống Pangbourne thì thầm dụ dỗ người ta làm một chuyến giong buồm trong nắng hay chèo thuyền dưới ánh trăng, và khu đồng quê quanh đó thì tuyệt đẹp. Chúng tôi đã định hôm đó đi thẳng đến Wallingford, nhưng vẻ tươi cười đáng yêu của khúc sông này đã dỗ dành chúng tôi nấn ná thêm chút nữa; vậy là chúng tôi bỏ thuyền lại bên cầu và vào Streatley ăn trưa ở quán Bò Mộng, một việc khiến con Montmorency quá chừng thỏa mãn.
Người ta nói rằng những ngọn đồi hai bên dòng nước từng có thời gắn liền với nhau tạo thành một hàng rào chắn ngang nơi bây giờ là sông Thames, và hồi đó con sông kết thúc ở phía trên Goring tại một hồ nước rộng mênh mông. Tôi không phản đối hay khẳng định lời tuyên bố này. Tôi chỉ nêu nó ra thôi.
Streatley là một nơi cổ kính, có từ thời Briton và Saxon, giống như hầu hết thành phố và thị trấn ven sông khác. Goring không hẳn là một chốn nhỏ nhắn xinh xắn để dừng chân giống như Streatley, nếu ta được phép lựa chọn; nhưng chỉ để đi qua đó thôi thì nơi đây cũng có nét đẹp riêng của mình, và nó lại còn gần đường ray tàu hỏa, phòng trường hợp ta muốn chuồn đi mà không trả hóa đơn khách sạn.
CHƯƠNG 17
Ngày giặt giũ - Cá và người đánh cá - Về nghệ thuật tạo dáng - Một người câu cá bằng ruồi có lương tâm - Câu chuyện về cá.
Chúng tôi ở lại streatley hai ngày và mang quần áo ra giặt. Chúng tôi cố gắng tự mình giặt giũ ở sông, dưới sự giám sát của George, và đấy là một thất bại. Thật tình nó còn hơn cả thất bại vì sau khi giặt quần áo, chúng tôi trở nên nghèo hơn trước nhiều. Trước khi chúng tôi giặt, đám quần áo rất, rất bẩn, đúng thế thật; nhưng ít ra vẫn còn mặc được. Sau khi chúng tôi giặt chúng - thế đấy, đoạn sông giữa Reading và Henley, sau khi chúng tôi giặt quần áo ở đấy thì nó sạch hơn trước rất nhiều. Mọi rác rưởi chứa trong đoạn sông giữa Reading và Henley đã được chúng tôi tập trung lại trong khi giặt giũ và cho hết vào quần áo của chúng tôi rồi.
Bà thợ giặt ở Streatley bảo bà ta cảm thấy có lỗi với bản thân khi tính tiền giặt lại chỗ quần áo ấy gấp có ba lần giá bình thường. Bà ta bảo có mà đang đào đất chứ chẳng phải giặt với chả giũ.
Chúng tôi trả tiền mà không hề hó hé một câu.
Khu vực quanh Streatley và Goring là một trung tâm câu cá tuyệt vời. Có vô khối cá để câu. Con sông đầy những cá chó, cá ratilut, cá đác, cá đục, lươn, ngay đây kìa; và ta có thể ngồi đó mà câu cả ngày cũng được.
Một số người câu cả ngày thật. Họ chẳng bao giờ câu được cá. Tôi không hề quen biết một ai từng câu được bất kỳ thứ gì trên sông Thames, trừ loài cá tuế hay bọn mèo chết, nhưng dĩ nhiên chuyện này chẳng liên quan gì đến việc câu cá! Sách hướng dẫn người câu cá địa phương chẳng đả động lấy một lời về chuyện câu được bất cứ thứ gì. Tất cả những gì nó viết là nơi này là “một địa điểm câu cá tốt”; và từ những gì quan sát được ở vùng này, tôi khá sẵn sàng xác nhận tuyên bố trên.
Trên thế giới này chẳng có nơi nào bạn có thể câu cá được lâu hơn, hoặc có thể câu trong một thời gian dài hơn. Một số tay câu đến đây ngồi câu một ngày, một số khác nán lại câu một tháng. Bạn có thể bám trụ lại mà câu cả năm nếu muốn: cũng thế cả thôi.
Sách Chỉ dẫn của người câu cá về sông Thames viết rằng, “cũng bắt được cá chó nhỏ và cá rô ở quanh đây,” nhưng về điểm này thì Chỉ dẫn của người câu cá đã sai bét. Cá chó nhỏ và cá rô có thể có ở đây. Quả thật, tôi biết chúng có ở đây. Ta có thể nhìn thấy chúng ở chỗ nước nông, khi ta đang tha thẩn trên bờ; chúng đến và nhô nửa người lên trên mặt nước, miệng há ra đớp bích quy. Và nếu ta đi tắm, chúng sẽ xúm đông xúm đỏ xung quanh, cản đường và quấy rầy ta. Nhưng chúng không thể bị “bắt” bằng một mẩu giun ở đầu lưỡi câu được, hay bằng bất kỳ thứ gì tương tự thế - với chúng thì còn lâu!
Tôi không phải một tay câu giỏi. Hồi trước, tôi từng dành khá nhiều tâm sức cho chuyện này và theo tôi nghĩ thì cũng xoay xở khá tốt; nhưng những tay câu cự phách cho rằng có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ thành thạo được và khuyên tôi nên bỏ cuộc thì hơn. Họ bảo tôi vung cần gọn ghẽ vô cùng, rằng tôi có vẻ chẳng thiếu sự tháo vát cho việc này, và cũng có đủ sự lười biếng về thể chất. Nhưng họ dám chắc tôi sẽ không bao giờ trở thành một tay câu. Tôi không có đủ trí tưởng tượng cần thiết.
Họ nói nếu là một nhà thơ, một nhà văn viết truyện ly kỳ, một nhà báo, hay bất cứ nghề gì đại loại thế thì tôi có thể đáp ứng đủ điều kiện, nhưng để giành được chỗ đứng với tư cách một tay câu trên sông Thames sẽ đòi hỏi nhiều kiểu tưởng tượng hơn, nhiều khả năng bịa đặt hơn những gì tôi có.
Một số người có ấn tượng rằng tất cả những gì cần thiết để trở thành một tay câu cá giỏi là khả năng nói dối mà không đỏ mặt; nhưng nghĩ thế là lầm to. Bịa đặt một cách nghèo nàn khô khan thì chẳng tác dụng gì; một lính mới thực thụ cũng có thể làm được việc ấy. Chính sự chi tiết trong hoàn cảnh, sự tường tận đã được thêm mắm dặm muối của các khả năng, cái vẻ tuyệt đối chân thật thông thường - gần như mô phạm - mới thể hiện dáng vẻ một tay câu kinh nghiệm đầy mình.
Bất kỳ ai cũng có thể đi vào mà nói “Ôi, tối qua tôi bắt được mười lăm tá cá rô đấy.” Hay “Thứ Hai tuần trước tôi tóm được một con cá đục nặng hơn tám cân đấy, từ đầu đến đuôi dài gần một mét.”
Những thứ kiểu như thế chẳng đòi hỏi nghệ thuật nào, kỹ năng nào. Nó cho thấy sự gan dạ, nhưng chỉ thế mà thôi.
Không; một tay câu rành ngón nghề không thèm nói dối như thế. Phương thức của ông ta rất đáng để nghiên cứu.
Ông ta lặng lẽ đi vào, mũ vẫn đội trên đầu, chọn ngay chiếc ghế bành êm ái nhất mà ngồi, châm tẩu lên và bắt đầu bập bập từng hơi thuốc trong im lặng. Ông ta để mặc bọn choai choai tha hồ khoác lác, và rồi trong lúc câu chuyện tạm thời lắng xuống, ông ta nhấc tẩu ra khỏi môi và vừa gẩy tàn thuốc vào gạt tàn vừa bình luận:
“À, tối thứ Ba tôi có một mẻ cá hồi chẳng đáng để kể cho mọi người lắm.”
“Ồ! Tại sao lại thế?” họ hỏi.
“Vì tôi không nghĩ sẽ có ai tin nếu tôi kể đâu,” ông già bình thản đáp lại, trong giọng nói không hề nhuốm vẻ cay đắng, và ông lại nhồi thuốc đầy tẩu, yêu cầu chủ nhà mang ra ba chai Scotch lạnh.
Có một khoảng dừng sau đấy, không ai cảm thấy đủ tự tin để có thể phản đối quý ông cao tuổi này. Vậy là ông tự nói tiếp chẳng cần ai khích lệ.
“Không,” ông ta tiếp tục với vẻ trầm ngâm; “chính tôi còn chẳng tin nếu có ai đấy kể cho nghe chuyện này ấy chứ, nhưng nó là sự thật trăm phần trăm. Tôi đã ngồi cả chiều hôm đó mà chẳng bắt được gì, không gì cả theo đúng nghĩa đen - trừ vài tá cá đác và hai chục con cá chó nhỏ; và tôi đang định kết thúc buổi câu tồi tệ ấy thì bỗng nhiên cảm thấy cần câu bị kéo mạnh. Tôi nghĩ lại một con be bé xinh xinh nữa đây, và tôi bèn đến giật cần lên. Ôi trời, xin cứ treo cổ tôi lên nếu tôi có thể nhúc nhắc được cái cần! Phải mất đến nửa tiếng đồng hồ - nửa tiếng, thưa các ngài! - tôi mới lôi được con cá đó lên bờ; và lúc nào tôi cũng sợ dây đứt đến nơi! Cuối cùng tôi cũng tóm được nó, và quý vị nghĩ nó là gì nào? Một con cá tầm! Một con cá tầm độ hai chục ký! Bằng cần câu, thưa quý ngài! Vâng, các vị có vẻ khá ngạc nhiên - cho tôi thêm ba chai Scotch nữa đi, ông chủ ơi.”
Và rồi ông ta tiếp tục kể về sự kinh ngạc của tất cả những ai nhìn thấy con cá; về những gì vợ ông ta nói khi ông ta về nhà và về việc John Buggles nghĩ gì về nó.
Tôi từng yêu cầu một ông chủ quán trọ bên sông, nếu điều này không khiến ông thấy bị xúc phạm, xin ông thi thoảng hãy lắng nghe các câu chuyện mà những tay câu quanh đó kể; và ông ta bảo:
“Ôi không; không phải bây giờ, thưa ngài. Hồi đầu tôi cũng ngạc nhiên vô cùng, nhưng cầu Chúa phù hộ cho ngài, ngày nay tôi và các quý cô đây suốt ngày phải nghe mấy cái chuyện ấy thôi. Chuyện đó các vị cũng quen rồi mà, các vị biết đấy. Chuyện đó các vị cũng quen rồi mà.”
Tôi từng quen một thanh niên, một gã có lương tâm nhất trần đời và khi đi câu cá bằng ruồi, hắn quyết định không bao giờ phóng đại các mẻ cá của mình quá 25 phần trăm.
“Khi tôi bắt được bốn mươi con cá,” hắn ta nói, “thì tôi sẽ kể cho mọi người rằng tôi đã bắt được năm mươi con, vân vân. Nhưng tôi sẽ không nói dối nhiều hơn đâu, vì nói dối là có tội.”
Nhưng kế hoạch 25 phần trăm có vẻ không hiệu quả cho lắm. Hắn ta chẳng bao giờ có thể sử dụng được kế hoạch ấy. Số cá lớn nhất hắn từng câu được trong một ngày là ba con, và ta không thể cộng 25 phần trăm cho ba được - ít nhất là với cá thì không.
Vậy là hắn bèn tăng tỉ lệ phần trăm lên ba mươi ba, một phần ba, nhưng thế thì vẫn rất khó xử khi hắn chỉ bắt được một hay hai con; vậy là để đơn giản hóa vấn đề, hắn quyết định cứ việc nhân đôi số lượng.
Hắn trung thành với kế hoạch này được độ vài tháng, và rồi hắn bắt đầu không thỏa lòng với nó tí nào. Chẳng ai tin khi hắn bảo hắn chỉ tăng gấp đôi số lượng, và do đó hắn cũng chẳng được vinh quang là mấy, trong khi sự khiêm tốn đã khiến hắn gặp nhiều bất lợi so với các tay câu khác. Khi hắn thật sự bắt được ba con cá nhỏ, và nói hắn bắt được sáu con, hắn hết sức ganh tỵ khi nghe một gã mà hắn biết chỉ bắt được mỗi một con, đi kể cho mọi người nghe rằng gã ta đã bắt được hai tá cá.
Vậy là cuối cùng hắn đã tự đề ra cho mình một thỏa thuận dứt khoát, một thỏa thuận mà hắn đã tuân thủ theo một cách đầy ý thức kể từ đó, rằng mỗi con cá bắt được sẽ được đếm thành mười, và giả sử mười sẽ là con số đầu tiên. Chẳng hạn nếu không bắt được con nào, hắn sẽ bảo hắn bắt được mười con - ta chẳng bao giờ bắt được ít hơn mười con theo phương pháp của hắn; đó chính là nền tảng của phương pháp này. Thế rồi nếu tình cờ có khi nào đó hắn bắt được một con thật, hắn sẽ kể là hai mươi, còn hai con thành ba mươi, ba là bốn mươi, vân vân.
Đó là một kế hoạch đơn giản, dễ thực hiện, và gần đây đã có một vài cuộc trao đổi về việc sử dụng phương pháp đó trong hội câu cá nói chung. Thật ra khoảng hai năm trước ủy ban Hội Những tay câu sông Thames đã đề xuất việc áp dụng phương pháp này, nhưng một số ủy viên cũ phản đối. Họ nói họ sẽ cân nhắc ý kiến này nếu con số được nhân đôi, và mỗi con cá được tính là hai mươi.
Nếu khi nào đó bạn có một buổi tối rảnh rỗi ở bên sông, tôi khuyên bạn hãy ghé vào một quán trọ nhỏ thôn quê và kiếm một chỗ bên quầy rượu. Chắc chắn bạn sẽ gặp một hay hai tay câu già đang từ tốn uống rượu ở đấy, và trong nửa tiếng đồng hồ họ sẽ kể những câu chuyện về cá đủ cho bạn tiêu hóa trong cả tháng.
George và tôi - tôi không biết Harris ra sao rồi; hắn ra ngoài cạo râu từ đầu buổi chiều rồi sau đó quay về ngồi suốt bốn mươi phút đánh bóng đôi giày của hắn, và kể từ lúc ấy chúng tôi không nhìn thấy hắn đâu nữa - vì thế, buổi tối thứ hai, George, tôi và con chó, bị bỏ lại một mình, bèn đi bộ đến Wallingford và trên đường về nhà chúng tôi ghé vào một quán trọ nhỏ ven sông để nghỉ ngơi này nọ.
Chúng tôi vào ngồi trong phòng khách. Ở đó có một bác già đang hút một tẩu thuốc dài và chúng tôi bắt đầu chuyện phiếm một cách rất tự nhiên.
Bác già bảo chúng tôi hôm nay là một ngày đẹp trời và chúng tôi bảo bác rằng hôm qua cũng đẹp trời, và rồi chúng tôi bảo nhau rằng ngày mai có lẽ cũng đẹp trời; và George bảo vụ mùa rồi sẽ tươi tốt lắm.
Sau đó, chuyện chẳng hiểu dẫn dắt theo kiểu nào mà hóa ra chúng tôi là những người lạ ở khu này, và rằng sáng hôm sau chúng tôi sẽ đi.
Thế rồi cuộc nói chuyện ngừng lại một lát, trong thời gian đó chúng tôi đảo mắt quanh phòng. Cuối cùng mắt chúng tôi dừng lại ở một chiếc hộp thủy tinh cũ bụi bặm được treo rất cao phía trên bệ lò sưởi bên trong có một con cá hồi. Cái con cá hồi ấy khiến tôi có phần bị mê hoặc; nó đúng là một con cá khổng lồ. Thật ra khi mới nhìn tôi cứ tưởng đó là cá tuyết.
“À!” bác già nhìn theo ánh mắt tôi và nói, “anh chàng được đấy chứ?”
“Thật hiếm thấy,” tôi lẩm bẩm; và George hỏi bác già liệu bác nghĩ nó nặng bao nhiêu cân.
“Độ tám cân rưỡi,” người bạn của chúng tôi vừa nói vừa đứng lên cởi áo khoác. “Đúng thế,” bác tiếp tục, “đến mùng ba tháng sau là tròn mười sáu năm tôi bắt được nó. Tôi bắt được nó ngay dưới chân cầu bằng một con cá tuế. Người ta bảo tôi nó sống ở dưới sông, vậy là tôi bảo tôi sẽ bắt nó, và tôi đã làm được. Tôi cho là ngày nay các vị không thấy nhiều con cá có cỡ ở đây đâu. Chúc ngủ ngon nhé, các quý ngài, chúc ngủ ngon.”
Và bác ta bỏ đi, để chúng tôi lại.
Sau đấy chúng tôi không thể rời mắt khỏi con cá. Nó quả thật là một con cá đáng chú ý. Chúng tôi vẫn đang nhìn con cá thì một bác chở hàng địa phương, vốn vừa ghé vào quán, bước đến cửa phòng với một vại bia trong tay, và bác này cũng nhìn con cá.
“Con cá to ra trò đấy nhỉ,” George nói, quay về phía bác này.
“À! Các ngài có thể nói như vậy,” bác này trả lời, và rồi sau một ngụm bia, bác ta nói thêm. “Có lẽ các ngài đã không có mặt ở đây lúc bắt được con cá này nhỉ?”
“Không,” tôi bảo bác ta. Chúng tôi là khách lạ ở vùng này.
“Ái chà!” bác chở hàng nói, “vậy thì tất nhiên làm sao quý vị biết được? Gần năm năm trước tôi đã bắt được con cá hồi ấy đấy.”
“Ô! Vậy ra ông là người bắt được con cá ấy à?” tôi hỏi.
“Vâng thưa ngài,” bác già vui tính trả lời. “Tôi bắt được nó ngay dưới cửa sông - hoặc ít ra thì hồi đó chỗ đấy cũng là cửa sông - vào một buổi chiều thứ Sáu; và điều đáng nói là tôi đã bắt nó bằng một con ruồi. Tôi định câu cá chó, cầu Chúa phù hộ, có bao giờ nghĩ đến cá hồi đâu, và khi tôi nhìn thấy cái thứ to lớn khác thường đó ở đầu cần câu, Chúa trừng phạt tôi đi nếu nó không làm tôi phải nhảy bật lại phía sau. À, quý vị thấy đấy, nó cũng khoảng hơn chục cân. Chúc ngủ ngon, các quý ông, chúc ngủ ngon.”
Năm phút sau, người thứ ba đi vào và kể tỉ mỉ vào một sáng sớm anh ta đã bắt được nó như thế nào bằng cá mương Âu; rồi anh ta bỏ đi, và một người trung niên vẻ nghiêm nghị bình thản bước vào ngồi bên cửa sổ.
Chúng tôi không ai nói gì một lúc lâu, nhưng cuối cùng George cũng quay sang người mới đến mà rằng:
“Xin lỗi, tôi hy vọng ông sẽ tha thứ cho sự mạo muội của chúng tôi - những người hoàn toàn xa lạ ở vùng này, nhưng bạn tôi và tôi sẽ biết ơn vô cùng nếu ông có thể kể cho chúng tôi nghe ông đã bắt được con cá hồi kia như thế nào.”
“Ái chà chà, ai nói với quý vị là tôi đã bắt được con cá đó thế?” một thắc mắc vô cùng ngạc nhiên đáp lại.
Chúng tôi bảo rằng chẳng ai kể cho chúng tôi nghe thế cả, nhưng chẳng biết làm sao mà chúng tôi lại linh cảm rằng chính ông ta là người đã câu được nó.
“À, chuyện này thật khác thường bậc nhất đấy,” người lạ bình thản kia trả lời, cười thành tiếng; “bởi vì, thực tế là các vị hoàn toàn đúng. Chính tôi đã bắt được nó. Nhưng cứ thử hình dung là quý vị lại đoán được như vậy mà xem. Ôi chao, chuyện này thật khác thường bậc nhất đấy.”
Và rồi ông ta tiếp tục kể cho chúng tôi nghe rằng nào là ông ta đã mất nửa tiếng đồng hồ mới lôi được con cá lên bờ, nào là nó đã làm gãy mất cần câu của ông ta. Ông ta bảo khi về đến nhà ông ta đã cân rất cẩn thận, và con cá nặng những hơn mười lăm ký lô.
Đến lượt ông ta bỏ đi, và khi ông ta đã khuất dạng, ông chủ nhà bước đến chỗ chúng tôi. Chúng tôi kể cho ông ta nghe những câu chuyện khác nhau ccd mà chúng tôi được nghe về lịch sử con cá của ông, và ông buồn cười hết sức, vậy là tất cả chúng tôi đều cười hết sức thoải mái.
“Cứ thử hình dung Jim Bates, Joe Muggles, ông Jones và lão Billy Maunders kể với các ông rằng họ đã bắt được con cá mà xem. Ha! Ha! Ha! Ái chà, thế cũng hay,” ông già trung thực nói, cười vang sảng khoái. “Đúng, bọn họ sẽ trao nó cho tôi, để treo trong quán rượu của tôi thật đấy, nếu họ bắt được nó! Ha! Ha! Ha!”
Và rồi ông già kể cho chúng tôi nghe lịch sử thật sự của con cá. Có vẻ như nhiều năm trước, hồi còn trẻ chính ông ta đã bắt được con cá; không phải do nghệ thuật hay kỹ năng gì, mà là nhờ cái vận may không thể lý giải nổi có vẻ như luôn chờ đợi một cậu chàng khi cậu ta trốn học để đi câu vào một buổi chiều rực nắng bằng một mẩu dây buộc vào đầu cành cây.
Ông ta kể rằng vì mang được con cá ấy về nhà mà ông ta đã thoát khỏi một trận đòn, và rằng kể cả ông hiệu trưởng cũng nói con cá xứng với vài tiết học lý thuyết và thực hành cộng lại.
Đúng lúc đó có người gọi ông ta ra ngoài, còn George và tôi lại chòng chọc nhìn con cá.
Nó quả thật là một con cá hồi đáng ngạc nhiên bậc nhất. Chúng tôi càng nhìn càng thấy kinh ngạc. Con cá khiến George hưng phấn đến độ hắn trèo lên lưng ghế để nhìn cho rõ hơn.
Và rồi cái ghế đổ xuống và George tóm bừa lấy cái hộp đựng con cá để tự cứu mình, rồi thì kéo nó rơi xuống đánh rầm một tiếng, George và cái ghế đè lên trên.
“Cậu không làm con cá bị thương đấy chứ?” tôi hét lên thất thanh, lao đến.
“Hy vọng là không,” George nói, thận trọng nâng người dậy và nhìn xung quanh.
Nhưng hắn đã nhầm. Con cá hồi nằm đó, vỡ tan thành nghìn mảnh - tôi nói là một nghìn, nhưng chắc chỉ độ chín trăm thôi. Tôi có đếm đâu.
Chúng tôi nghĩ thật kỳ lạ và không thể giải thích nổi là một con cá hồi nhồi trấu lại có thể vỡ tan thành từng mảnh vụn như thế.
Và việc này đúng là sẽ thật kỳ lạ và không thể giải thích nổi nếu như đó là một con cá hồi nhồi trấu thật, nhưng nó có phải thế đâu.
Con cá hồi được làm từ thạch cao Paris.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !