Thúy Thúy bỏ chạy vào rừng tre, ông già cũng mãi không chịu xuống đưa đò, việc này theo cách nhìn của cậu Hai Na Tống, chỉ chứng tỏ tiền đồ rõ ràng có chút bất lợi. Tuy trong lời lẽ ông quản đò, không lời nào không cho biết “việc này có hy vọng”, nhưng cách nói rụt rè, ấp úng rất không đắc thể. Cậu Hai nghĩ đến anh và hiểu sai sự việc đó đi. Cậu có chút phẫn uất và tức giận. Hôm thứ ba sau khi về nhà, bên Trung Trại có người đến thăm dò. Người ấy ở nhà ông Thuận Thuận và hỏi ông chủ nhà để biết cậu Hai nghĩ thế nào, phải chăng cậu còn có ý tiếp nhận nhà xay xát mới dựng? Ông Thuận Thuận quay sang hỏi con, xem ý kiến cậu như thế nào. Cậu Hai nói:
- Cha ạ, nếu cha thấy việc này là vì cha, nhà ta có thêm nhà xay xát, có thêm người, như thế sống vui hơn thì cha cứ nhận lời. Còn nếu việc này là vì con thì con phải nghĩ thêm cho kỹ, ít lâu nữa rồi hãy nói. Con còn không biết con nên có nhà xay xát hay nên có con đò, bởi vì số mệnh con có lẽ chỉ cho phép con được đưa đò.
Người thăm dò ghi nhớ lời nói đó, trở về Trung Trại để báo tin. Khi về đến bến đò ở núi Bích Khê, người ấy gặp ông quản đò. Nhớ tới lời cậu Hai nói, bác ta không khỏi tủm tỉm cười. Sau khi hỏi và biết bác ta là người Trung Trại, ông già lại hỏi bác ta đến Trà Đồng làm gì. Người Trung Trại trong lòng có mực thước ấy đáp:
- Chẳng có việc gì cả, chỉ đến chơi nhà ông quản bến Thuận Thuận ở phố bờ sông thôi.
- Đến chơi hẳn phải nói chuyện gì chứ?
- Cũng có nói mấy câu.
- Nói những gì?
Người ấy nín thinh, ông quản đò lại hỏi:
- Nghe nói người Trung Trại bên bác có ý biếu nhà xay xát cùng cô con gái cho ông Thuận Thuận ở phố bờ sông, việc này đã có chút manh mối gì chưa?
Người Trung Trại cười:
- Việc này đã ngã ngũ rồi. Tôi đã hỏi ông Thuận Thuận, ông ấy rất muốn kết thông gia với người Trung Trại. Ông ấy còn hỏi cậu con...
- ý cậu con thế nào?
- Cậu ấy nói, trước mắt con có một nhà xay xát và một con đò. Con vốn muốn có con đò nhưng bây giờ con quyết định chọn nhà xay xát. Con đò thì chuyển chỗ luôn luôn không cố định như nhà xay xát. Chàng trai ấy thế mà biết tính toán.
Người Trung Trại là người lái buôn gạo, lời nói ra rất đúng cân đúng lạng. Bác ta biết rõ con đò có ý chỉ ai nhưng không nói trắng ra. Thấy ông già chở đò mấp máy môi toan nói, bác ta liền nói chẹn ngang:
- Tất cả đều có số mệnh. Đáng thương cho cậu Cả nhà ông Thuận Thuận, tướng mạo đường đường như thế mà lại chết đuối!
Ông già bị câu nói đó đâm một nhát vào tim, đành nuốt lại lời định hỏi. Sau khi người Trung Trại lên bờ đi khỏi, ông lái đò buồn bã đứng ở đầu đò, ngơ ngẩn một lúc lâu. Nhớ lại thái độ lạnh nhạt của cậu Hai lúc qua đò hôm trước, lòng ông rất sầu muộn.
Thúy Thúy đang chơi rất vui dưới chân tháp, em tới mỏm đá bên suối định đòi ông hát cho nghe. Thấy ông ngoại không để ý gì đến mình, em vừa chạy xuống suối vừa oán trách ông. Tới bờ suối rồi, em mới thấy vẻ mặt ông hết sức buồn bã nhưng em không hiểu vì nguyên nhân gì. Thúy Thúy đến bên, ông ngoại nhìn khuôn mặt rám nắng hớn hở của cháu gái thì cười ngượng nghịu. Bờ bên kia có người gánh hàng hoá muốn qua đò, ông già không nói gì nữa, lặng lẽ đưa đò sang bờ bên kia. Đến giữa suối, ông bỗng cất tiếng hát vang. Sau khi khách lên bờ, ông già nhảy lên bến đò tới bên Thúy Thúy. Ông vuốt ve trán cháu và vẫn ngượng nghịu cười. Thúy Thúy hỏi:
- Ông làm sao thế? Ông phát ban đấy à? Ông ra chỗ mát mà nằm nghỉ, để cháu trông đò.
- Cháu trông đò à? Tốt lắm, hay lắm, con đò này do cháu trông nom đấy!
Ông già dường như phát ban, phát chẩn thật rồi! Lòng buồn bã, tuy làm ra vẻ cứng rắn trước mặt cháu, nhưng khi một mình trở lên nhà, ông tìm một vài mảnh sứ vỡ, rạch vào tay, vào chân cho ra hết máu đen rồi lên giường nằm ngủ.
Thúy Thúy trông đò, lòng cô bé vui sướng lạ thường, tự nhủ: “Ông không hát cho mình nghe thì mình tự hát vậy!”.
Thúy Thúy hát rất nhiều bài. Nằm nhắm mắt trên giường, ông quản đò lắng nghe từng câu một. Lòng rối bời nhưng ông biết đây không phải bệnh nặng có thể đánh đổ được ông, ngày mai ông sẽ bò dậy thôi. Ông nghĩ, ngày mai phải vào thành, đến phố bờ sông xem thế nào. Ông còn nghĩ rất nhiều chuyện khác nữa.
Ngày hôm sau, tuy ông trở dậy nhưng đầu vẫn nặng. Ông ốm thật rồi! Thúy Thúy tỏ ra rất hiểu việc, em sắc một nồi thuốc cho chẩn phát hết ra và nài ông uống. Em còn ra vườn rau sau nhà hái một ít mầm tỏi bỏ vào cháo làm món cháo mầm tỏi cho ông ăn. Em vừa trông đò, vừa thỉnh thoảng nhân lúc rảnh chạy lên nhà trông nom ông, hỏi này hỏi nọ. Ông ngoại không nói gì, chỉ âm thầm đau khổ. Nằm ba ngày rồi ông lão cũng khỏi ốm, đi ra được phía trước, phía sau nhà. Xương ông còn rắn chắc lắm. Trong lòng còn vướng bận một việc nên ông chuẩn bị vào thành để đến phố bờ sông. Thúy Thúy không đoán được ông có việc gì quan trọng, cần kíp mà phải vào thành ngay nên em khuyên ông đừng đi.
Ông già vặn hai tay vào nhau, tính toán xem có nên nói cho cháu gái biết cái lý do ấy không. Nhìn khuôn mặt trái xoan rám nắng và đôi mắt long lanh của cháu, ông thở dài, nói:
- Ông có việc cần kíp, hôm nay thế nào cũng phải đi.
Thúy Thúy cười buồn:
- Việc cần kíp nhất lại chẳng phải la...
Ông già biết tính cháu. Nghe giọng nói của cháu có phần không vui, ông không nói phải đi nữa, bỏ lại ống tre và đẫy vải hoa định mang đi lên tràng kỷ rồi cười với vẻ nịnh:
- Thôi không đi nữa. Cháu lo ông ngã mà chết thì ông không đi nữa! Ông thấy buổi sáng trời không đến nỗi nóng nên muốn vào thành, làm xong việc là về ngay... Thôi, không đi cũng chẳng sao, ngày mai ông đi vậy!
Thúy Thúy dịu dàng nói khẽ:
- Ngày mai ông đi thì hơn, chân ông còn yếu mà!
Ông quản đò dường như vẫn chưa cam tâm, buông thõng hai tay đi ra. Đến bậc cửa, cái dùi dùng để khâu giày cỏ suýt nữa ngáng ông ngã. Khi ông đứng vững rồi, Thúy Thúy cười buồn, nói:
- Ông ơi, ông thấy chưa, thế mà còn muốn đi nữa!
Ông già nhặt cái dùi lên, ném vào góc nhà, nói:
- Ông già rồi! Nhưng mà mấy ngày nữa, ông đánh con báo cho cháu xem!
Đến chiều, mưa một trận nhưng ông già vẫn thương lượng với cháu để ông được vào thành. Thúy Thúy không thể đưa ông đi, bèn bảo con Vàng cùng đi với ông. Vào đến thành, ông quản đò còn bị một người quen kéo lại nói một thôi một hồi về giá muối, giá gạo, rồi hai người đến nha môn Thủ bị xem con la mới được mua. Sau đó ông mới tới nhà ông thuận Thuận ở phố bờ sông.
Đến đấy, ông thấy ông quản bến đang cùng ba người nữa đánh bài. Ông không tiện nói chuyện, bèn đứng đằng sau xem đánh bài một lúc lâu. Sau đó ông Thuận Thuận mời ông uống rượu, ông lấy cớ vừa mới khỏi ốm nên không dám uống rượu mà từ chối. Cuộc bài vẫn chưa tan, ông quản đò lại không muốn về ngay, còn ông quản bến dường như không hiểu ông đợi vì việc gì, chỉ chú ý đến lá bài trên tay. Lúc sau, vẻ mặt ông quản đò được một người nhận ra, liền hỏi ông phải chăng có việc gì muốn nói. Bấy giờ ông già mới rụt rè vặn hai bàn tay to bè vào nhau theo thói quen, rồi nói không có việc gì khác, chỉ muốn nói vài câu với ông quản bến mà thôi.
Ông quản bến bấy giờ mới hiểu lý do ông đứng xem bài mãi, bèn quay lại cười với ông rồi bảo:
- Sao ông không nói sớm? Tôi lại tưởng ông đứng xem để học cách chơi bài kia đấy!
- Không có việc gì đâu ạ, chỉ muốn nói dăm ba câu. Tôi không tiện làm ông mất hứng nên không dám nói ra.
Ông quản bến bỏ bài xuống bàn, mỉm cười đi vào nhà trong, ông quản đò đi theo sau.
- Việc gì thế? - Ông quản bến hỏi với vẻ mặt dường như đã biết trước ông đến đây định nói chuyện gì. Vẻ mặt ấy có đôi phần thương hại ông quản đò.
- Tôi nghe một người Trung Trại nói ông định kết thông gia với ông tổng đoàn ở Trung Trại, việc ấy có thật không?
Ông Thuận Thuận thấy hai mắt ông quản đò nhìn dán vào mắt mình như muốn có được câu trả lời mãn ý, liền nói:
- Có chuyện đó thật! - Câu trả lời còn có ý nữa là: “Có chuyện đó thật thì sao nào?”.
Ông quản đò hỏi lại:
- Thật vậy ư?
Ông quản bến đáp rất tự nhiên:
- Thật vậy! - ý của câu này vẫn là: “Thật vậy thì đã sao?”.
Ông quản đò làm ra vẻ ung dung hỏi:
- Cậu Hai thì thế nào?
Ông quản bến đáp:
- Cháu nó ngồi thuyền xuôi xuống Đào Nguyên đã mấy ngày nay rồi.
Việc cậu Hai xuôi thuyền xuống Đào Nguyên hoá ra vì trước đó cậu đã cãi lộn với cha một trận. Ông quản bến tuy là người rất rộng rãi và phóng khoáng, nhưng lại không muốn hỏi cô gái đã gián tiếp làm người con trai cả của ông bị chết về làm vợ người con thứ hai. Nếu theo phong tục của địa phương, chuyện này người ta chỉ cho là chuyện trẻ con, không việc gì đến người lớn. Cậu Hai thực sự yêu Thúy Thúy, Thúy Thúy cũng yêu cậu Hai, ông quản bến cũng không phản đối cuộc hôn nhân có mối tình nhằng nhịt đó. Nhưng không hiểu tại sao, điều ông quản đò quan tâm lại làm hai cha con nhà ấy hiểu lầm ông. Nghĩ đến những việc gần đây của gia đình mình, ông quản bến cho rằng những việc không may ấy đều có dính dáng đến cái ông già hiếu sự này. Ông quản bến không muốn cho ông quản đò có dịp nói nữa, nên nói hơi thô lỗ:
- Thôi đi bác ơi, cái miệng chúng ta chỉ nên uống rượu thôi, không nên chỉ muốn hát thay cho cháu gái nữa. ý bác thế nào, tôi hiểu cả rồi. Bác có ý tốt nhưng tôi cũng xin bác hiểu cho ý của tôi. Tôi cho rằng chúng ta chỉ nên nói chuyện trong phận sự của mình, không thích hợp nghĩ đến chuyện của con trẻ.
Sau khi bị đòn quyền ấy thoi gục, ông quản đò vẫn còn muốn nói vài câu nữa, nhưng ông Thuận Thuận không để cho ông nói, kéo luôn ông ra chỗ đánh bài.
Ông quản đò không còn nói vào đâu được nữa. Nhìn sang ông quản bến thì ông này đang cười nói nhiều chuyện buồn cười nhưng trong lòng dường như rất bực, thường quật mạnh bài xuống mặt bàn. Ông quản đò không nói gì nữa, cầm nón đội lên đầu rồi ra về.
Trời hãy còn sớm, ông quản đò buồn bã trong lòng liền vào thành tìm ông quản ngựa họ Dương. Ông Dương đang uống rượu, ông quản đò tuy thoái thác là mới ốm khỏi nhưng rồi cũng uống dăm ba chén. Về đến núi Bích Khê, ông đi đường thấy nóng bức nên vốc nước suối vã lên người. Ông cảm thấy rất mệt mỏi, dặn Thúy Thúy trông đò rồi lên nhà nằm ngủ.
Tới hoàng hôn, trời vô cùng oi bức, trên mặt suối chỗ nào cũng thấy chuồn chuồn ớt bay. Mây kéo đến đầy trời, gió nóng thổi ào ào vào rừng trúc giữa hai quả núi, xem chừng đến tối thế nào cũng mưa to. Thúy Thúy trông đò ở dưới bến, nhìn những con chuồn chuồn bay đi bay lại trên mặt suối, lòng cô bé cũng rối bời. Thấy sắc mặt ông ngoại thê thảm quá, em không yên tâm, chạy lên nhà xem thế nào. Em tưởng ông đã đi ngủ từ nãy, hay đâu ông vẫn còn ngồi trên bậc cửa bện giày cỏ.
- Ông ơi, ông cần bao nhiêu giày cỏ nữa nào? ở đầu giường chẳng phải còn đến mười bốn đôi sao? Sao ông không nằm mà nghỉ?
Ông quản đò không nói gì, chỉ đứng dậy ngửa đầu nhìn trời, rồi khẽ nói:
- Thúy Thúy, tối hôm nay trời mưa to mà có sấm chớp nữa đấy. Cháu phải cột con đò của chúng ta dưới mỏm núi. Mưa to lắm đấy!
Thuý Thuý nói:
- Ông ơi, cháu sợ lắm!
Dường như cô bé sợ không phải chỉ vì mưa to tối hôm nay. Ông quản đò dường như cũng hiểu ý đó, liền bảo cháu:
- Sợ cái gì? Cái gì phải đến tất sẽ đến, không việc gì phải sợ!.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !