Chương 2 May thay, gã sẽ khám phá ra bí mật sâu xa kia mà chẳng cần đến lòng tin ấy. Kẻ tụ xưng là Mal’akh(1) nhấn mũi kim vào cái đầu cạo nhẵn thín của mình, đoạn thở một hơi dài khoan khoái khi cái vật nhọn ấy chọc vào rồi lại rút ra khỏi da thịt gã. Tiếng thiết bị điện chạy ro ro khe khẽ quả thật cũng dễ nghiền… nhất là lúc cây kim ăn sâu vào lớp hạ bì và để lại chút phẩm nhuộm.
Ta sẽ là một kiệt tác.
Nhân loại xăm mình chưa bao giờ là vì cái đẹp. Mục đích thật ra là để thay đổi. Từ các thày tế người Nubia(2) da rạch nhằng nhịt khoảng 2000 năm trước Công nguyên tới các thày dòng xăm trổ đầy mình chuyên thờ Cybele ở La Mã cổ đại hay dân Maori hiện đại với những vết sẹo moko, con người luôn xăm mình như một cách tự hiến dâng phần nào cơ thể, chịu đựng nỗi đau thân xác của việc làm đẹp và thể hiện những thay đổi.
Bất chấp lời cảnh báo đáng sợ trong Sách Leviticus/ Levificus 19:28 ngăn cấm việc ghi dấu lên da thịt ai đó, xăm mình vẫn trở thành nghi lễ trưởng thành cho hàng triệu người trong thời đại ngày nay - từ các cô cậu choai choai mặt mũi sáng sủa đến con nghiện ma tuý và những bà nội trợ vùng ngoại thành.
Hành động xăm hình lên da là một tuyên ngôn về sự thay đổi quyền lực, một lời công bố với thế giới rằng: Ta nắm quyền điều khiển thân xác ta. Việc biến đổi thể chất mang lại cảm giác mê hoặc đến nỗi hàng triệu kẻ đã chạy theo đủ mọi cách thức thay đổi da thịt, nào là phẫu thuật thẩm mỹ, xỏ khuyên khắp người, nào là thể dục thể hình hay bơm chất tạo cơ bắp… thậm chí còn thay đổi thói quen ăn uống và chuyển đổi giới tính. Về mặt tinh thần, con người muốn khao khát được làm chủ cái vỏ xác phàm của mình.
Chiếc đồng hồ quả lắc thừa kế tử tổ phụ gõ lên một tiếng, Mal’akh ngước mắt nhìn. 6 giờ 30 phút tối. Buông dụng cụ xuống, gã khoác tấm áo choàng bằng lụa Kiryu quanh cơ thể trần như nhộng cao ngót 1m90 của mình và bước xuống sảnh. Hương thơm cay nồng của thuốc nhuộm da trộn với mùi khói từ những cây nến sáp ong gã thắp để khử trùng kim tạo thành một thứ không khí thật nặng nề trong toà nhà bừa bộn. Gã thanh niên cao lớn bước xuống hành lang, băng qua những món đồ cổ Italia vô giá - một bức tranh khắc của Piranesi, một cái ghế Savonarola, một ngọn đèn dầu Bugarini bằng bạc.
Lúc đi ngang qua khung cửa sổ trải suốt tử trần xuống tận nền nhà, gã đưa mắt ngắm đường chân trời ở phía xa. Phần mái vòm sáng ngời của nhà Quốc hội nổi lên rực rỡ trên nền trời đông tối thẫm, toát ra một sức mạnh uy nghiêm.
Kia chính là nơi cất giấu, gã nghĩ thầm. Người ta chôn nó đâu đó bên ấy.
Rất ít người biết rằng nó tồn tại… và số người ý thức được sức mạnh kinh khủng của nó cũng như cách thức khéo léo cất giấu nó thì càng ít hơn. Cho đến hôm nay, nó vẫn là bí mật lớn nhất của đất nước này, và cái nhóm ít ỏi nắm rõ sự thật đó đã giấu kín nó dưới một bức màn dày biểu tượng, huyền thoại và ẩn ý.
Nhưng giờ họ đã mở rộng cửa cho ta vào! - Mal’akh nghĩ.
Ba tuần trước, trong một nghi thức bí mật với sự chứng kiến của những nhân vật quyền thế nhất nước Mỹ, Mal’akh đã leo lên cấp 33, cấp tối cao của hội ái hữu lâu đời nhất còn sót lại trên thế giới. Mặc dù Mal’akh đã có địa vị mới nhưng các tín hữu vẫn chưa hề chia sẻ điều gì với gã, và cũng chẳng bao giờ họ chia sẻ, gã biết rõ như vậy.
Mọi chuyện không đơn giản như vậy. Cái gì cũng có tôn ti trật tự của nó, trong đẳng cấp luôn còn đẳng cấp. Thậm chí phải chờ đợi hàng năm trời nữa, có khi Mal’akh vẫn không giành được lòng tin tuyệt đối của họ.
May thay, gã sẽ khám phá ra bí mật sâu xa kia mà chẳng cần đến lòng tin ấy.
Vào hội là đạt được mục đích rồi.
Được tiếp sức bởi viễn cảnh sắp đến, gã sải bước về phía phòng ngủ. Khắp nhà vang vọng giai điệu quái đản của một đĩa nhạc rất hiếm ghi âm bản “Khúc an hồn” của Verdi - một lời gợi nhớ kiếp trước, hiện đang đến phần “ánh sáng vĩnh hằng” thể hiện qua giọng nữ cao eo éo. Mal’akh bấm điều khiển từ xa chuyển sang phần “Ngày phẫn nộ”. Giữa tiếng trống giữ nhịp chói tai và những quãng năm song song, gã sải bước chạy lên cầu thang cẩm thạch, chiếc áo choàng bay tung theo nhịp di chuyển của đôi chân gân guốc.
Trong lúc chạy, Mal’akh thấy cái dạ dày trống rỗng của mình quặn lên. Đã hai ngày nay, gã thực hiện phương pháp chay tịnh truyền thống là chỉ uống nước mà không ăn gì. Khi bình minh lên, cơn đói của mày sẽ được đền đáp, cùng với sự đau đớn, gã tự nhủ.
Mal’akh bước vào thánh điện phòng ngủ của mình và khoá chặt cửa lại sau lưng, thái độ hết sức sùng kính. Trên đường tiến về phía khu vực thay đồ, gã dừng lại, cảm nhận được bóng mình trong tấm gương lớn mạ vàng. Không cưỡng nổi, gã quay người và đứng đối diện với hình phản chiếu của bản thân. Bằng cử động chậm rãi như đang mở một món quà vô giá, Mal’akh cởi áo choàng để lộ ra cơ thể trần như nhộng. Những gì trông thấy làm gã sợ sệt.
Ta đúng là một kiệt tác.
Thân hình to cao của gã được cạo nhẵn nhụi. Trước tiên, gã hạ tầm mắt xuống hình xăm vảy và móng vuốt của một con diều hâu trên hai mu bàn chân. Ngược lên trên là đôi chân cơ bắp với hình xăm của những cây cột chạm khắc - chân trái là hoa văn xoắn ốc còn chân phải là những sọc thẳng đứng. Chẳng khác gì cặp cột Boaz và Jachin(4). Phần bẹn và bụng dưới trông y như một vòm cung có trang trí, lên cao hơn là bộ ngực vạm vỡ vẽ một con phượng hoàng hai đầu, mỗi đầu ngoảnh ra một phía với con mắt chính là núm vú của Mal’akh. Hai vai, cổ, mặt và cái đầu cạo trọc lốc của gã đều phủ kín các hình vẽ công phu mô tả những biểu tượng và dấu triện cổ.
Ta là một tác phẩm… một biểu tượng đang tiến hoá.
Mười tám tiếng trước, có một kẻ người trần mắt thịt nhìn thấy tấm thân loã thể của Mal’akh. Kẻ đó đã thét lên sợ hãi.
- Lạy Chúa, ngươi đúng là quỷ sứ.
- Nếu ông cho là như vậy thì đúng như vậy - Mal’akh đáp. Cũng như người xưa, gã hiểu rằng thiên thần và ác quỷ vốn dĩ giống nhau, hai nguyên mẫu có thể hoán đổi cho nhau, vấn đề chỉ là góc nhìn mà thôi: trong trận đấu, thiên thần hộ mệnh giúp con người chống lại kẻ thù sẽ bị chính những kẻ thù đó coi là quỷ sứ.
Mal’akh hơi cúi đầu xuống để nhìn phần nào đỉnh đầu mình. Ở đó bên trong một cái quầng như vương miện là một vòng da trơn xanh xao tròn nhỏ, không có hình xăm. Khoảng trống chưa vẽ được gìn giữ rất cẩn thận này là phần da thịt nguyên vẹn duy nhất còn lại của Mal’akh. Khoảng trống thiêng liêng ấy đã kiên nhẫn chờ đợi… và sẽ được phủ kín vào đêm nay. Mặc dù chưa rõ còn cần những gì để hoàn thành kiệt tác của mình, Mal’akh vẫn biết rằng thời khắc ấy đang gần đến.
Sung sướng với hình ảnh bản thân và cảm thấy quyền lực của mình tăng lên mạnh mẽ, gã khép áo choàng lại rồi tiến về phía cửa sổ, đăm đăm nhìn ra thành phố bí ẩn bên ngoài. Nó được chôn giấu đâu đó đằng kia.
Sau đó, Mal’akh đi tới bàn trang điểm, quay về với nhiệm vụ trước mắt. Gã cẩn thận thoa một lớp phấn hoá trang lên mặt, da đầu và cổ cho tới khi những hình xăm biến mất. Rồi gã mặc bộ quần áo đặc biệt và vài thứ phục sức đã lựa chọn kỹ càng cho buổi tối hôm nay. Xong xuôi Mal’akh tự soát lại mình trong gương. Hết sức hài lòng, gã đưa tay xoa lên lớp da đầu nhẵn thín và mỉm cười.
Nó ngoài kia, gã nghĩ, và đêm nay, có một người sẽ giúp ta tìm thấy nó.
Lúc bước ra khỏi nhà. Mal’akh hoàn toàn sẵn sàng cho một sự kiện sắp làm chấn động cả toà nhà Quốc hội Hoa Kỳ. Gã đã cố công gắng sức chuẩn bị mọi điều cần thiết cho buổi tối hôm nay.
Và rốt cuộc, giờ đây, con tốt cuối cùng của gã đã tham gia vào ván cờ.
Chú thích:
(1) Mal’akh là thiên thần truyền tin, thường có một đôi cánh, xuất hiện nhiều trong Kinh thánh, văn học và nghi thức tế lễ truyền thống Do Thái. Trong tiếng Do Thái hiện đại, malákh là một từ chung để chỉ các thiên thần - ND.
(2) Nubia là vùng đất ở miền Nam Ai Cập, dọc sông Nile và ở miền Bắc Sudan. Thời cổ đại, đây là một vương quốc độc lập - ND.
(3) Sách Leviticus 19:28: Chớ vì kẻ chết mà cắt thịt mình, chớ xăm vẽ trên mình: Ta là Đức Jehovah.
Leviticus là quyển thứ ba trong Kinh thánh Do Thái và Cựu ước, có nghĩa là “cuốn sách của các thầy Levi”. Về nội dung, Leviticus viết rất cụ thể những lề luật Israel phải tuân giữ để cụ thể hoá việc làm “dân riêng” của Thiên Chúa.
Trọng tâm của quyển sách này cũng nói về vai trò của hàng tư tế (các thầy Levi) trong dân tộc Israel nên người ta đã lấy tên Levi để đặt cho nó - ND.
(4) Boaz và Jachin, hai cây cột bằng đồng ở cổng vòm Đền thờ Solomon tại Jerusalem. Cột Boaz đứng ở bên trái và cột Jachin ở bên phải. Cặp cột này có kích thước dày gần 1,8 mét và cao 8,2 mét. Phần đầu cột cao 2.4 mét trên đỉnh có trang trí hoa văn hoa huệ tây - ND.