Sau một hồi thương lượng, nhà tang lễ P. cũng chấp nhận để chúng tôi chuyển xác Em đến. Sẽ chỉ có hai giờ đồng hồ. Buổi trưa, từ mười một giờ đến một giờ chiều. Chấm hết. Không mặc cả. Không xê xích dù chỉ năm, mười phút. Thế là đã nể nhau lắm rồi.
Ông phụ trách nhà tang lễ có khuôn mặt phẳng lì, da xanh tái nhìn chằm chằm vào chúng tôi:
- Những trường hợp đặc biệt thế này, các anh các chị có đi quanh cái Thành phố này, cũng chả ai người ta chịu nhận đâu. Chết không rõ nguyên nhân thế. Chà... cái này không đơn giản đâu. Mà các anh các chị bây giờ cũng thật... Đang tuổi trẻ phơi phới như thế...
Mặt phẳng lì, da xanh tái bất chợt chững lại. Hình như không phải lúc. Người chết thì cũng chết rồi. Có ai bỗng dưng đang sung đang sướng lại đi đâm đầu vào chết đâu. Phải có cơn cớ chứ. Chết là thiệt thân. Còn rủa trách người ta làm gì. Cũng chỉ có hai giờ đồng hồ. Rồi thì đường ai nấy đi. Âm - dương không chung lối.
Đám chúng tôi, chả ai còn lòng dạ nào. Ừ thì hai giờ đồng hồ. Xúm nhau lại, mỗi người một việc. Người lo mua chè đổ vào quan tài. Người lo cắt chữ, đặt hoa tang lễ. Người lo thông báo cho bạn bè, làm việc với cơ quan. Rồi thì điếu văn. Nào đã ai quen với những chuyện bi ai thế này.
Chúng tôi chưa ai từng gặp mặt Em. Chỉ là những cuộc làm quen, chát chít trên mạng. Các buổi sinh hoạt offline Em đều từ chối. Nhưng blog của Em thường khiến người ta phải tò mò và tranh cãi rất nhiều.
Chúng tôi thường tự hỏi: Một hot blogger như Em thì có gì đặc biệt? Đặc biệt đến độ phải tìm đến cái chết để nương náu?
Chúng tôi đọc blog của Em mỗi ngày. Đọc với sự tò mò thích thú không cưỡng lại nổi. Gần đây, đọc những entry bất thường trên blog của Em, chúng tôi biết em đang gặp khó khăn, bế tắc. Những khó khăn bế tắc âu cũng là chuyện thường tình với người trẻ như Em, khi phải chống chọi đương đầu với cuộc sống phức tạp này. Chúng tôi cùng comment để chia sẻ với nhau. Cảm thấy mình được an ủi rất nhiều.
Ngay cả khi blog của Em treo hai chữ ĐÃ CHẾT trên blast, chúng tôi chỉ nghĩ đó là một trò đùa, hay một sự khủng hoảng nhất thời. Có người động viên, an ủi. Blog im hơi lặng tiếng mấy hôm, rồi lại thấy Em post tiếp. Em viết cho mẹ. Viết như trăng trối.
Chúng tôi đâu biết đó là những dòng nhắn gửi cuối cùng của Em.
Đến tận khi nhìn thấy dòng chữ treo trên blog rằng "ngày..., tại số nhà..., làm ơn hãy tới tìm xác tôi", chúng tôi - những người có trong friend list của Em mới giật mình, hoảng hốt. Điện thoại hối hả réo gọi cho nhau. Xe máy chạy như điên đến nơi.
Em nằm đó. Bên cạnh chiếc máy tính vẫn nhấp nháy sáng. Choán cả màn hình là trang blog đặt chế độ màu đen kịt. Mục "About me" ghi: KHÔNG CÒN SỐNG.
- Cả tháng nay, chỉ thấy nó quanh quẩn ở nhà (Lời bà cụ bán hàng nước trên vỉa hè, gần nhà Em thuê)
- Đã chết rồi cơ à? (Lời cô trực điện thoại cơ
- Cô ta không có tên trong sổ lương của chúng tôi. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về cái chết của cô ấy. (Lời vị lãnh đạo cơ quan Em)
Chúng tôi có lục tìm được chứng minh thư của Em. Sau đó đăng tin trên báo. Rồi lần tìm về quê Em. Mẹ Em đang ốm nặng. Người nhà đề nghị làm tang lễ cho Em trên Thành phố để mẹ không biết. Sau này, họ sẽ tìm cách thông báo cho mẹ sau.
Mọi thứ được quyết định chóng vánh.
* * *
Hai giờ đồng hồ.
Đội nhạc lễ nhìn đồng hồ trước khi chỉnh lại
nhịp phách.
Vòng hoa đến khá trễ. Ít cửa hàng có sẵn vòng hoa trắng. Phải đặt trước. Đặt rồi có khi cửa hàng đông khách quá thì vẫn phải chờ. Nhóm nhận nhiệm vụ đi đặt vòng hoa, mồ hôi nhễ nhại, đứng thanh minh thanh nga. Chả ai còn bụng dạ để nghe - dù biết người về trễ có nhu cầu được bày tỏ.
Chỉ có hai giờ đồng hồ.
Sân nhà tang lễ nóng hầm hập. Mấy cây đại lúp xúp không che nổi đám người rúm ró đứng bên nhau.
Người nhà dưới quê lên chỉ có một bà bác và một ông cậu. Mặt mũi ốm đau sầu thảm. Bố nó bỏ đi mấy năm nay rồi. Mẹ nó lấy công tác xã hội làm vui. Họ hàng nội ngoại cũng li tán cả. Mấy năm trước Em nó cũng có bà cô họ ở Thành phố này, nay thì cả nhà sang Tây làm ăn sinh sống cả rồi. Thôi thì trăm sự nhờ các cô các chú, đã thương Em nó thì thương cho trót. Gia đình gom nhau lại được chút tiền này để lo cho Em nó. Mộ phần thì đã có người lo ở dưới quê. Làm lễ ở đây xong thì xin phép các cô các chú, chúng tôi đưa Em nó về.
Tiền được quấn trong khăn mùi soa loang lổ vết ố. Nước mắt nước mũi tiếp tục quệt vào.
* * *
Họ cũng đến. Năm người. Hai đàn ông. Ba đàn bà. Đứng thành hàng, với vẻ nghiêm trang và vô cảm một cách rất công chức.
Phong bì được một phụ nữ đứng tuổi đặt lên bàn thờ nghi ngút khói hương. Đúng vai trò của một Công đoàn.
Đàn ông - mắt lé nhận thẻ nhang cháy đỏ do người nhà đưa, chuyển cho đám người đi cùng. Đoạn họ nhìn nhau ra hiệu và cùng cúi đầu. Một... hai... ba. Đều đặn.
Bài bản.
Rồi xếp hàng dọc. Đàn ông - to béo đi đầu. Mắt hạt đậu ti hí. Chân lê lệt bệt vòng qua linh cữu người quá cố. Nhưng ông ta không nhìn mặt Em qua lớp kính trên quan tài. Chỉ là bước qua chiếu lệ. Hai con mắt hạt đậu liếc xéo về phía người nhà. Bàn tay chìa ra nhũn nhẽo và lạnh ngắt. Đàn ông - mắt lé lấm lét bám theo sau. Lướt nhanh qua dãy nến bập bùng.
Những người phụ nữ đi sau hiếu kỳ hơn. Họ dừng khá lâu ở khuôn mặt Em đang nhắm nghiền như ngủ. Khuôn mặt bợt bạt, vô hồn, do phải nằm phòng lạnh mất sáu hôm. Có người đưa tay chấm nước mắt. Những cái bắt tay
hoảng hốt.
Xe biển xanh đợi sẵn dưới đường. Năm con người dền dứ nhau người trước người sau. Cửa đóng sập.
- Hôm nay tôi mời mọi người đi ăn thịt chó máy lạnh. Giải đen! - Mắt hột đậu phán.
Cả xe râm ran:
- Vâng, nhất trí.
- Cứ theo ý sếp đi ạ.
- Tháng này em cũng đang đen.
- Việc chả đâu vào đâu...
- Cái con này em bảo mà, nó hơi bất bình thường.
- Thôi đi, đằng nào thì người ta cũng chết rồi.
...
Xe mất hút trong nắng gắt. Để lại nhà tang lễ vắng hoe.
* * *
Anh ta cũng đến.
Nặng nhọc và mệt mỏi. Kiểu nặng nhọc của người không ưa vận động. Mắt dáo dác nhìn quanh. Có ý chờ đợi. Cái cằm chảy sệ ra, não nề.
Sau nhiều lần đắn đo, anh ta rời khỏi cột đá phía trước cửa nhà tang lễ, tiến vào bên trong. Suýt vấp ở bậc cửa.
Đầu cúi gằm. Vái vội. Lập cập đi vòng quanh linh cữu. Không nhìn ai. Rồi tiến nhanh ra phía cửa bên. Đi thẳng ra nhà để xe. Xe dắt suýt đổ. Rồi cũng ngồi được lên. Tra chìa vào ổ. Nhấn ga. Vào số luôn ba nhịp. Vọt đi. Mũ bảo hiểm quên đội.
Sảnh nhà tang lễ lại trống tênh. Em buồn rầu ngồi trên khung ảnh viền đen, nhìn xuống thân xác mình đang nằm im lìm trong quan tài chập chờn ánh nến.
* * *
Diệp khóc khóc mếu mếu gọi điện về cho chúng tôi. Nhờ đi viếng một đám ma. Của một người bạn mà chúng tôi đã từng gặp mặt. Em. Đương nhiên là chúng tôi nhớ. Cái dáng ngồi dè dặt. Đôi kính mắt trễ xuống ngang sống mũi, để lộ một đôi mắt xám xịt vì mất ngủ. Khi đó Em trông hơi ốm. Nói chung là một vẻ ngoài không thực ổn. Nhưng chúng tôi không nghĩ đến một kết cục bi thảm thế này. Những gì Em trải qua trong cuộc sống có lẽ không bi đát bằng chúng tôi. Vậy thì tại sao lại là một quyết định delete đột ngột thế này?
Giữa nhà tang lễ nặng nề âm khí này, bất chợt chúng tôi cùng gặp nhau ở ý nghĩ: Hội những người thích tự do - Giá như Em đến với chúng tôi sớm hơn, có lẽ Em sẽ có một lựa chọn khác? Hoặc giả, vì gặp chúng tôi mà Em mới có những hành xử tiêu cực như vậy?
Thật, Trời mới có thể biết được chuyện gì xảy ra.
Cuộc sống này, há chẳng phải là một trận chiến ư?
Cô gái nhỏ. Em chấp nhận làm kẻ bại trận? Hay đơn giản đó là một lựa chọn để khước từ cuộc chơi quá đỗi phức tạp và mệt mỏi này?
Lựa chọn thì đã lựa chọn rồi.
Làm sao có thể thay đổi đây.
Hả Em?
Liệu có thể an ủi rằng: Em đoạn tuyệt với sự tự do hữu hạn này để tìm một tự - do - vĩnh - viễn khác?
Hả Em?
* * *
Quyên.
Tóc rối bù.
Mắt sưng mọng.
Ôm chầm lấy quan tài.
Nến đổ nghiêng ngả.
Nước mắt nhòa tấm kính che trên mặt Em.
- Em ơi là Em. Sao phải khổ thế này hả Em? Chị đã bảo để chị vạch mặt kẻ phản bội thì Em không muốn. Em chịu đựng một mình. Em chết thì thiệt thân Em. Em có biết không hả Em? Chúng nó có nghĩ gì đến những khổ sở mà Em phải chịu đựng đâu, Em ơi là Em. Em bỏ lại mẹ già cho ai?
Bát hương bỗng nhiên đùng đùng bốc cháy.
* * *
Hai giờ đồng hồ cho tang lễ. Hóa ra chả biết làm gì cho hết. Vì chỉ vẻn vẹn mấy chục con người đứng túm tụm, sụt sịt, kể lể. Rầu rĩ. Não nề.
Nhân viên trực nhấp nhổm nhìn đồng hồ, chuẩn bị "thay ca". Đám kế tiếp đã sột soạt ảnh thờ và mâm cúng. Một cụ bà, thọ 84 tuổi. Khuôn mặt phúc hậu. Em có cần bạn đường không? Một trẻ, một già. Tựa vào nhau cho khỏi cô quạnh.
Mà thôi, cũng chả phải nấn ná, chờ đợi mà làm gì.
Một mình - thì đã sao? Rốt cuộc ai chả phải tự đi con đường của mình.
Vĩnh biệt Em.
Trả lại Em về với cõi ảo.
Cầu chúc cho Em hạnh phúc.