Chương 10 Chưa kịp cạo râu, tôi mặc một cái áo ấm bên trong và khoác chiếc áo choàng len bên ngoài để có thể chịu đựng được không khí buổi sáng giá lạnh của Cobh. Trước khi rời khỏi phòng, tôi đứng uống cạn tách trà, lấy chiếc áo ngủ tôi đã vắt lên thành ghế và định treo vào trong tủ kiếng. Tôi thọc tay vào túi tìm bức điện tín tôi đã cất trong đó.
Nó đã rơi đâu mất. Tôi tìm trên sàn dưới ghế. Tôi tìm khắp mọi nơi trong phòng, nhưng không thấy ở đâu cả. Tôi nhớ rõ đã nhét nó vào trong túi. Tôi không nhớ sau đó tôi có lấy ra, nhưng tôi vẫn xem lại trong hộp đựng máy đánh chữ để chắc chắn tôi không cất nó cùng với các thứ giấy tờ khác trong cái đáy giả. Tất cả đều còn đủ ngoại trừ bức điện tín. Tôi đi lên boong hóng mát với một đầu óc đen kịt. Monique đã rời khỏi phòng hồi trời mới chớm sáng lúc tôi đang ngủ. Tôi cố nhớ lại những giây phút cuối cùng trong tình trạng mơ màng, nhớ lại chiếc hôn từ giã luyến tiếc của nàng và tiếng xột soạt êm dịu của chiếc áo lụa trong lúc nàng mặc vào người. Rồi hết. Tôi đã ngủ thiếp trước khi nàng ra tới cửa.
hải cảng Cobh sáng chói lên trong nắng sớm, ánh sáng lấp lánh trên những gợn sóng lăn tăn trên mặt nước, không khí xao động với hàng trăm con Hải âu vừa bay tròn vừa phóng xuống chung quanh chiếc tàu đang chạy một cách gan dạ sát cầu nổi, những ngọn đồi xanh của Ái-nhĩ-lan dù ở giữa mùa đông mà vẫn rất tươi tốt, những ngôi nhà bé nhỏ đứng sừng sững trên mũi đất. Khu vực của hải-cảng Cobh trải dài khắp vịnh dưới một bè mây nặng trĩu. Trong lúc tôi đang nhìn ngắm, một cơn gió chợt xé rách một lỗ trên nền mây xám và ánh nắng theo đó tuôn xuống đô thị trông giống hệt một mũi lao từ trên trời phóng xuống. Ngay về phía dưới chỗ tôi đứng, chiếc xà-lan đã cặp sát tàu và các hành khách xuống bến Cobh đang thận trọng tìm đường bước xuống cầu phao dựng lên từ một boong hàng hóa về phía dưới xa. Một số người đã chen chúc nhau trên boong sau của chiếc xà-lan, đứng run rẩy trong ngọn gió lạnh buốt trong lúc họ nhìn hành lý của họ đang được đưa lên boong trước. Một trong số hành khách này là Van Layden với mái tóc vàng tro che dưới chiếc mũ đen. Van Layden chợt nhìn lên boong hóng mát phía lái tàu và vẫy tay với một người. Tôi nghiêng mình ra ngoài xa khỏi chiếc cột mà tôi đang đứng bên cạnh và nhìn theo hướng mắt của ông ta. Anson cũng đang nghiêng mình ra khỏi một chiếc cột cách xa tôi chừng mười lăm thước. Van Layden khum hai bàn tay đặt lên miệng và hét lớn mấy tiếng với Anson. Một ngọn gió bất thần đánh bạt tiếng nói về phía mũi đất. Tôi chỉ nghe được một vài tiếng: - Khách sạn Lace! Berkeley? Nhưng tôi có thể nghe Anson trả lời một cách rõ ràng bởi vì tôi đang đứng khá gần ông ta và ở về phía dưới gió: - Phải! Thứ Hai! Cái gì Thứ Hai? Hôm nay là ngày cuối cùng của Tháng Hai. Mấy tiếng đó nghe tựa hồ tóm tắt những chỉ thị về một cuộc hội họp. Khách sạn Lace. Tôi biết chỉ có một nơi thích hợp với lời nói của Van Layden: Khách sạn Lovelace ở đường Berkeley tại Luân Đôn. Khi chiếc xà lan đã nhỏ dần ở cuối đoạn đường đến Cobh và chiếc Victor ia đã nhổ neo, bắt đầu quay mũi về phía hải khẩu, tôi gõ ống điếu vào cái gạt tàn thuốc bằng sắt ở bên cạnh tôi và đi xuống để cạo râu. Vừa lướt lưỡi dao cạo trên mặt, tôi vừa nghĩ đã tới lúc vạch mặt nhân viên của Dillingham trên tàu. Theo tôi được biết thì hiện giờ tôi không gặp một chuyện rắc rối nào nhưng Đảng của Anson - tức Đảng Oui-Dire, bây giờ tôi đã rõ - đang bắt đầu ly tán, và tôi không thể nào một mình theo dõi hết bọn họ. Tôi cũng nhớ rằng người của Dillingham đang ở trên tàu để biết chắc Ted không thể đi tới bất cứ một nơi đâu. Tôi không có cách gì biết được nhân viên đó sẽ dùng những phương tiện nào. Nhưng tôi muốn anh ta xuất hiện rõ để cho ít nhất tôi có thể nhìn thấy anh ta. Tiềm thức của tôi chắc hẳn đã nhìn nhận trước khi tôi biết rõ rằng Ted chưa chết, rằng Dillingham có lý, và Ted đang muốn đi đến một nơi nào đó mà không được. Điều này không có vẻ mới lạ đối với tôi trong khi tôi vừa cạo râu trước gương vừa suy xét lại, cố gạt bỏ tính ương ngạnh thường lệ. Tôi không phải là một kẻ có nhiều tình cảm, và tôi tin mình có thể kiềm chế những xúc động, nhưng nghĩ đến điều này tôi vẫn cảm thấy cổ họng nghẹn ngào, hơn cả khi tôi nghĩ rằng Ted đã chết. Trước khi tôi mặc một cái sơ-mi và áo choàng, tôi lục trong hộp đựng khuy áo và lấy tấm Hải Quân Bội Tinh mà Dillingham đã đưa cho tôi để dùng làm dấu hiệu. Tôi gắn vào lỗ nút của chiếc áo choàng và sửa lại cho ngay ngắn. Màu kim lọai lóng lánh nổi bật trên lớp vải sậm. Nhưng gan dạ tôi không vững như thế. Martin Allen vừa ăn điểm tâm xong thì tôi ngồi xuống. Ông ta hỏi tôi: - Ông vừa lên xem Queenstown? Tôi đáp: - Vâng. Tôi thích ngắm Hải âu bay. - Hôm nay cũng là một ngày tốt cho lũ vịt trời, nếu ông muốn ngắm loài này. Nhưng tôi không biết hiện giờ có phải là mùa vịt hay không. Ông ta mỉm cười với tôi và bỏ đi. Lúc bước qua cửa phòng ăn, ông ta dừng lại để nói chuyện với MacInnes. Tôi sững sờ đến nỗi không nghe MacInnes nói với tôi trong khi ông ta ngồi xuống bàn. - Dunbar, tôi vừa chào ông, ông không nghe hay sao? - Xin chào ông. Tôi xin lỗi vì đang suy nghĩ vẩn vơ. - Tôi cũng nhận thấy thế. Ông đã lên xem Ái-nhĩ-lan? - Vâng, đó là một xứ sở tuyệt đẹp. Tôi không hiểu vì sao người Ái-nhĩ-lan đã rời bỏ miền này. - Theo ý tôi, chắc cũng chỉ vì vấn đề cơm áo. Chào ông Mackintosh, sáng hôm nay có gì đặc biệt không? Nói đoạn ông ta gọi thức điểm tâm trong lúc tôi ngỡ ngàng ngồi im. Martin Allen là người cuối cùng trên tàu mà tôi có thể nghi ngờ. Tôi đang mất xúc giác, mất cả khả năng phỏng đoán. Tôi đến gặp Allen trong phòng ông ta, trong lúc ông ta đứng ở khung cửa sổ và chăm chú nhìn quang cảnh cuối cùng của Ái-nhĩ-lan đang biến dạng vào chân trời. Ông ta quay người lại khi tôi lặng lẽ mở cánh cửa không khóa. - Chào ông Dunbar. Vụ săn vịt trời của ông ra sao? - Lúc này đâu phải mùa vịt. Ngay ở Ái-nhĩ-lan. - Chắc tôi đã làm cho ông ngạc nhiên nhiều lắm thì phải? Tôi đáp: - Phải. - Kỳ lạ. Có nhiều lúc tôi tin chắc ông đã nhận ra tôi. Nhất là khi ông nói chuyện về cô De Ménard. - Thì ra chính ông đã cố lẻn vào phòng của cô ấy. Ông ta bảo: - Mời ông ngồi. Không, tôi đã nói thật với ông về vụ đó. Theo tôi nghĩ, có lẽ là Anson, mặc dầu chuyện này khiến tôi hơi bối rối. Tôi đã cố tìm cách vào phòng anh cô ấy mà không được. Chứ không phải phòng cô ấy. - Tôi có thể cho ông hay em tôi không ở trong phòng của Ménard. Tôi đã đích thân vào trong đó. Thật ra, tôi không tin em tôi có mặt trên tàu. - Ông có muốn cá với tôi em ông ở trong phòng của cô De Ménard? Lần này cơn giận của tôi bất thần bùng nổ. Tôi phải cố gắng lắm mới xòe được bàn tay ra và ngừng nghiến răng. - Vô lý. Nhưng vừa nói xong hai tiếng đó, tôi chợt nhớ lại cử chỉ kỳ lạ của Monique những khi nàng ra vào buồng ngủ mà không chịu mở rộng cửa trong lúc tôi ngồi trong phòng khách của nàng. Và tôi cũng nhớ lại lời từ chối đầy lo âu của nàng lúc nàng không chịu để cho tôi lục soát phòng nàng giữa đêm khuya. Tuy vậy, tôi vẫn cố nói: - Vô lý. Nếu thế thì cô bồi phòng đã trông thấy. - Làm sao ông biết được cô ta không trông thấy? Chỉ cần một món tiền thưởng đặc biệt là thu xếp ổn thỏa. Dù thế nào đi nữa, mong ông vui lòng giúp tôi một dịp lục soát phòng cô ấy đêm nay. Ông hãy tìm cách làm cho cô ấy bận rộn sau bữa cơm tối. Ông có thể đưa cô ấy đi khiêu vũ hoặc đi dạo mát trên boong. Trong lúc đó tôi sẽ lẻn vào phòng và cố tìm xem. - Làm sao ông vào được? Ông ta lấy xâu chìa khóa trong túi ra và đưa cho tôi xem một chiếc. - Tôi có dụng cụ đặc biệt này để mở bất cứ ổ khóa nào. - Ông không nghĩ rằng nếu có em tôi trong đó, bọn họ sẽ cho người canh chừng cẩn mật? - Đâu cần. Ông ấy chắc đã bị tiêm thuốc mê - tôi dám cá như thế. Dù sao, tôi cũng phải chịu liều một phen. Trong nghề của tôi, tôi vẫn thường phải tùy cơ ứng biến. Ông ta nói bằng một giọng nhẹ nhàng nhưng không có vẻ vui. Khó mà giải thích được cơn giận đang ngấm ngầm sôi trong lòng tôi hay đây là một mặc cảm phản bội. Ông ta chỉ nói lên những điều mà tôi ngần ngại không muốn nói với chính mình, hoặc với cõi tiềm thức luôn luôn hướng dẫn cho lề lối làm việc trong tâm trí của tôi. Nhưng tôi vẫn cảm thấy không thích nghe những lời đó. Tôi bảo: - Được rồi. Tôi sẽ làm theo lời ông. Ông hãy đến phòng tôi sau khi xong việc và kể lại cho tôi nghe. Suốt ngày hôm ấy tôi không gặp Monique. Nàng không xuống ăn trưa cũng như ăn tối. Sau bữa ăn tối, tôi lên phòng nàng và gõ cửa. Tôi nghe ngay tiếng nàng hỏi ở sát cánh cửa: - Ai đó? Tôi đáp: - Ein Freund (1) . Stuart. Nàng chỉ mở cửa một chút xíu. Nàng đang mặc một chiếc áo lụa đen, tóc buộc lại ở phía sau bằng một dây băng màu xanh thẫm như lần đầu tiên tôi đã trông thấy nàng đêm nàng đến phòng tôi. Trái tim của tôi đập thình thịch trong lồng ngực. Nàng chào tôi với một nụ cười thoáng qua: - À, Stuart. - Suốt ngày hôm nay anh không trông thấy em. Anh lo ngại không biết có phải em bị bệnh. - Em bị nhức đầu ác liệt, nên phải nằm miết trong phòng. Tôi liền đề nghị: - Em cố lên khiêu vũ và uống một ly với anh rồi hãy đi ngủ. Chắc chắn em sẽ cảm thấy khỏe hơn. Nàng do dự một lát mới nhận lời: - Được rồi. Nhưng đi chơi với em tối nay, e anh sẽ không vui đâu. Anh cho em mười phút để em thay áo quần. Em sẽ gặp anh trên phòng khiêu vũ. Tôi có cảm tưởng như một kẻ phản bội. Nhưng tôi cần phải biết. Chúng tôi cùng khiêu vũ trong một tiếng đồng hồ và kết thúc buổi tối bên nhau bằng một cuộc dạo bộ trên boong hóng mát. Monique có vẻ nghiêm trang và gần như im lặng suốt thời gian ở bên tôi. Tôi có cảm giác tựa hồ vừa nuốt một khối chì và lúc này nó đang nằm trì xuống trong đáy bụng của tôi. Ngay cả cảm giác êm dịu của bàn tay tôi đang đặt trên lưng nàng và thân hình đàn bà đầy quyến rũ của nàng trong vòng tay của tôi, vẫn không khiến cho tâm trí tôi nhẹ nhàng khoan khoái được. Tôi có cái cảm tưởng thường gây ra do những vụ kết thúc. Frost (2) đã nói: Ah, when to the heart of man, Seemed it ever less than a treason, To bow to accept the end Of a love or a season. (Ôi, trái tim người chỉ bấy nhiêu, Dù chưa mưu phản, dối gian nhiều. Cũng đành chấp nhận cho phần cuối Của cuộc tình hay một thoáng yêu. Đan Chinh phỏng dịch) Đó là tất cả cảm nghĩ của tôi. Tôi không thể giải thích rõ vì sao tôi có ý tưởng đã tới lúc phải chấm dứt. Nhưng cảm nghĩ vẫn đến, đau buồn và không che đậy. Đang bước đi trên boong hóng mát, chúng tôi cùng dừng lại ở một khung cửa mở để nhìn những ánh đèn lấp lánh sáng của các đội cấp cứu hàng hải trên bờ biển nước Pháp. Thỉnh thoảng chúng tôi trông thấy vùng ánh sáng lờ mờ của một đô thị gần bờ bán đảo Cherbourg phía dưới đám mây đang giăng dọc theo bờ biển. Tốc độ của chiếc Victoria đã giảm bớt. Vốn là chiếc nhỏ nhất so với những chiếc Queen khác, nó hơi tròng trành khi những làn sóng lớn từ ngoài khơi Đại-tây-dương đổ vào nâng phần lái tàu lên cao. Không khí ẩm ướt và giá lạnh: hơi nước biển và hơi sương đọng lại chảy dài trên mặt kiếng cửa sổ. Nàng buồn rầu lên tiếng: - Đó là vùng đất đen tối và đẫm máu. Tôi chăm chú nhìn nàng. Nàng vẫn không hề nhìn tôi, trong lúc tôi trả lời nàng: - Phải. - Anh đã ở đâu trong thời chiến tranh? Theo các đạo quân đổ bộ? - Không, anh chỉ ở giữa Thái-bình-dương. Nàng hỏi tiếp: - Caen chỉ cách bờ biển mấy cây số về phía trong đất liền. Trong những năm đó, có khi nào anh ước ao có thể chết đi và không bao giờ phải sợ hãi nữa? - Luôn luôn. Tại Tawara, trên quần đảo Marshall, Salomon, Gu am, Iwo Jima, Okinawa. bất cứ ở đâu. Tôi biết nàng không nhận ra những cái tên đã từng được nhiều người trong bọn quân nhân chúng tôi xem như bùa chú. Tôi cảm thấy mình hơi kỳ cục nên hỏi sang chuyện khác. - Em vẫn còn nhớ những vụ đổ bộ? Nàng nói: - Hồi đó, em đang ở bên Anh. Em hãy còn là một con bé nhỏ xíu. Nhưng em không bao giờ muốn chết. Mãi tới bây giờ cũng vậy. Tôi vỗ về: - Em hãy yên tâm. Nàng quay người khỏi khung cửa mờ và nhìn tôi đăm đăm. Đôi mắt màu khói của nàng gần như u tối, con ngươi mở thật rộng trong bóng tối của boong tàu, khiến cho nàng mang một nỗi buồn vời vợi. Tôi chợt bảo: - Em đang run. Em lạnh hay sao? - Như ở dưới đáy mồ. Em nghĩ em phải về phòng ngay bây giờ. Tới cửa phòng của nàng, nàng nắm chặt và áp lưng bàn tay của tôi vào giữa ngực nàng. Nàng hôn tôi một cách nhanh chóng rồi khẽ nói: - Ngủ ngon, nghe Stuart? - Anh sẽ còn gặp lại em? - Đêm nay không được đâu. Anh Stuart, thời giờ... thời giờ của em đã đến rồi. Ngoài ra em còn bị đau đầu, đau bụng và đang cảm thấy quá buồn chán. Em rất tiếc. - Anh cũng rất tiếc. Anh sẽ gặp em sáng mai. Trong bữa điểm tâm. Nàng mỉm cười. - Ngủ ngon nghe anh Stuart. Anh hãy nhớ đến em. Nhất là về đêm. Tôi hôn nàng, cố nhận chìm cơn kích thích đang trổi lên trong người tôi. Nàng đi vào và đóng cửa. Martin Allen không có mặt trong phòng tôi khi tôi trở về. Tôi liền đến gõ cửa phòng ông ta ở hành lang phía bên trái. Không có tiếng trả lời. Cửa phòng có khóa. Tôi liền đi lên phòng ngoạn cảnh và những nơi công cộng khác. Tôi lại còn dạo một vòng quanh boong hóng mát và boong chính. Cả hai nơi này đều vắng tanh. Cuối cùng tôi trở về phòng và leo lên giường với một ly rượu nguyên chất. Vừa uống rượu tôi vừa đọc được hai chương của cuốn The Heavenly Twins mà tôi thường đem theo bên mình thì đã khá mệt và thiu thiu ngủ. Tôi đã không nhìn đồng hồ trước khi ngủ thiếp đi. Lúc tôi tỉnh giấc tôi không sao đoán biết mình đã ngủ được bao lâu. Đôi kim dạ quang trên mặt đồng hồ chỉ bốn giờ hai mươi sáu. Cuốn sách mở ra vẫn còn úp trên ngực tôi. Tôi biết mình đã ngủ khá say nên không làm rơi nó xuống. Tôi nằm im có tới mấy phút mới hiểu cái gì đã đánh thức tôi dậy - Đó là sự yên lặng. Tàu đã nhẹ nhàng vào hải cảng Le Havre và cặp bến trong lúc tôi ngủ mê. Tiếng rung chuyển nhẹ của động cơ đã ngừng. Vừa thức dậy, một cảm giác kinh hoàng mãnh liệt lướt qua tâm trí tôi làm cho tôi tỉnh táo hẳn. Tôi không có khả năng thấu thị như một số bà con miền Tô-cách-lan của tôi, nhưng tôi đã quá quen thuộc với những hồ nghi của mình. Bây giờ thì tôi có cảm tưởng chắc chắn rằng một việc gì độc đáo, khủng khiếp và nguy hiểm sắp sửa xảy ra. Cách đây mấy năm đã có một lần tôi không thể nào uống nổi cà phê. chất cafjeine đã gây ra trong tôi một cảm giác hoảng hốt, không tên và không hình dáng, tựa hồ có một con thú lớn đang rình rập sắp sửa nhảy chồm lên mình tôi. Cảm giác này lại trở về trong buổi sáng tinh sương hôm nay. tuy nhiên cảm giác kinh hoàng không phải cho chính tôi. Nó tập trung vào Monique, tựa hồ tôi có thể trông thấy rõ ràng nàng đang ở trong cơn hiểm nghèo. Tôi cố áp đảo cảm giác đó xuống càng lâu càng tốt. Rồi tôi trỗi dậy, thay áo quần và mặc luôn chiếc áo choàng dài bằng vải len. Tôi vẫn chưa có một tư tưởng minh bạch mình sẽ làm những gì, cho tới khi tôi bước ra ngoài hành lang. Rồi tôi biết tôi đang đi tìm Monique. Tôi không gõ lên cửa phòng của nàng, và vặn thử quả nắm. Tôi hy vọng như thế sẽ không làm nàng giật mình hoảng sợ. Cửa không khóa và nhẹ nhàng mở ra. Phòng khách lờ mờ sáng. Một chút ánh sáng từ những ngọn đèn của các kho hàng trên bến Le Havre lọt qua mấy khung cửa sổ vừa đủ cho tôi thấy đường. Tôi lặng lẽ băng ngang phòng và áp tai vào mặt cửa buồng ngủ. Chỉ có sự im lặng và tiếng xào xạc khe khẽ của gió thổi nhẹ trong các ống dẫn thuộc hệ thống điều hòa không khí. Tôi liếc mắt trở lui phòng khách, trông thấy chiếc trường kỷ đã được dọn dẹp, làm chỗ ngủ, chăn và ra xổ tung, nhưng không có gối. Cửa buồng ngủ cũng không khóa. Trong lúc tôi mở hé cánh cửa, tôi bắt đầu nghe những tiếng động trên bến tàu bên ngoài. Đang có hoạt động ở phía trước mũi, có lẽ người ta đang dựng cầu phao để di chuyển hàng hóa xuống bến. Chắc hành khách sắp sửa lên bờ vào khoảng bảy giờ. Tôi để cho cửa buồng ngủ tự động xoay và bước vào bên trong. Đây là một buồng ngủ có hai giường giống buồng của tôi. Tôi đi tới chiếc giường gần hơn hết. Giường không hề có ai nằm lên nhưng phía trên của tầm vải phủ đã được lật ra. Chiếc gối có vẻ như đã được ném lên trên đầu giường. Tôi cầm lên mà không hiểu vì sao mình làm như vậy. Mùi nước hoa của Monique phả vào mặt tôi. Tôi biết ngay đó là Bellodgia, thứ nước hoa nàng thường dùng ban đêm. Chiếc giường kia thì rõ ràng đã có người nằm lên. Tôi nhặt cái gối ở đây và đưa lên mũi. Không có mùi nước hoa. Thay vào đó là một mùi thoang thoảng mà tôi không sao xác nhận rõ pha trộn với một mùi khác nhẹ hơn làm tôi liên tưởng đến không khí trong các bệnh viện. Tôi đặt chiếc gối trở xuống giường và lần bước về phía cửa buồng ngủ, tâm trí quay cuồng trong suy tư. Monique hiện đang ở đâu? Đúng lúc tôi vừa tới cửa, tôi bỗng biết thật chắc chắn có một kẻ nào ở trong phòng ngay sau lưng tôi. Tôi liền quay vụt người lại, nhưng không kịp. Bị đánh một cú vào gáy, đúng phía sau tai, tôi té nhào tới trước. Tôi ngã người qua cửa ra tới phòng khách, nằm dài trên tấm thảm. Đó là ký ức cuối cùng của tôi. Tôi bất tỉnh trước khi lăn ngửa ra và nằm yên. Chú thích: - (1) Ein Freund (tiếng Đức): một người bạn (chú thích của dịch giả). - (2) Robert Lee Frost (1874 -?): Thi sĩ Hoa-kỳ (c.t.c.d.g.).