Còn Có Thể Bên Người Bao Lâu Nữa Gia Gia

Gia Gia
Giới thiệu tác giả: Lăng Thảo Hạ

Một tác giả vô cùng lười biếng, một biên tập không mấy cần cù.

Một phần truyện ngắn được đăng trên các tạp chí lớn.

Không biết từ bao giờ tôi đã trở thành một người không thích liên lạc với người khác thường xuyên, người thân đến mấy dường như chỉ sống trong kí ức của tôi. Số điện thoại của bà ngoại tôi được làm sau khi bà ốm, một năm trước khi bà mất, cho đến khi bà mất tôi cũng không gọi lấy một lần.

Đêm khuya sau khi bà ngoại mất được một năm, nhìn số điện thoại này trong danh bạ, tôi bấm nút gọi, thấy thông báo đã tắt máy.


Tôi mới hiểu ra, có nhiều việc lúc đó không làm sau này mãi mãi chẳng có cơ hội nữa.

Tôi mới hiểu ra, mẹ tôi nói: “Từ bây giờ trở đi, mẹ không còn mẹ nữa”.

1

“Gió thổi hiu hiu, đầy trời mây trắng bay, người chết như nước sông Trường Giang, một đi không bao giờ trở lại”.

Đây là câu đầu tiên trong bài điếu văn do một cụ trong hội hưu trí của thôn Đa Duyệt đọc khi bà ngoại tôi mất. giọng điệu của cụ không rõ ràng, thực ra về cơ bản, tôi không nghe nổi cụ đang đọc đọc gì. Sau đó, tôi tìm cụ để lấy bài văn tế rồi nói với cậu hai: “Cháu sẽ lưu bài văn tế này vào máy tính rồi gửi cho cậu”.

Nói như vậy mà hai năm đã trôi qua.

Tôi vẫn cảm thấy bà ngoại còn sống, và cho tới bây giờ tôi mới bắt đầu chép này dựa theo mẫu, có thể những người già trong thôn khi mất đi đều được đưa tiễn bằng bài điếu văn dựa trên tư tưởng người mẹ hiền này, khi tới một thế giới khác, những người già cũng có chủ đề chung để thảo luận.

Nếu thực sự có một thế giới khác, tôi nghĩ bà ngoại của tôi chắc chắn sẽ rất tự hào. Cả buổi tang lễ ở quê mặc dù không hào hoa nhưng cũng náo nhiệt lạ thường, hôm đưa linh cữu có cả đoàn xe gồm ba xe tải chở đầy người cùng lên núi. Cũng không biết từ bao giờ đã hình thành thói quen ba chiếc xe tải cờ màu bay phấp phới, lại thêm các đồ dùng tế lễ và vòng hoa đủ loại chất đầy lên xe, đa màu đa sắc, giữa ngày hè rực rỡ bỗng tràn ngập màu sắc vui vẻ.

Sau khi bà ngoại được hạ táng, con cháu trong cả gia đình đều quay lưng quỳ trước phần mộ của bà ngoại, các thầy được mời tới miệng đọc lẩm bẩm, rắc chỗ gạo cúng còn thừa lên áo được vén sau lưng chúng tôi, theo tập tục sau khi nấu ăn số gạo này sẽ được bảo vệ. cô em họ nhỏ tuổi nhất không hứng được gạo, gạo rơi xuống dưới, em quay lại nhìn thấy vậy liền kêu ầm ĩ: “Không làm nữa, không làm nữa, gạo của cháu rơi hết rồi! Cháu muốn có gạo, muốn có gạo”.

Cô em họ này rất giống bà ngoại tôi, thậm chí tính cách cũng giống, trong khoảnh khắc ấy dường như tôi nhìn thấy hình ảnh bà ngoại trước đây khi chơi bài với cả nhà, vì thua nên giở trò, ném bài đi, khóe miệng cong lên, điệu bộ rất không vui vẻ.

Tôi không biết mọi người nghĩ gì, hoặc là nỗi đau được tích tụ trong tang lễ đã tìm được cái cớ để giải tỏa, cô em họ làm ầm lên như thế khiến không khí bỗng dịu đi, những cái chau mày cũng được thả lỏng, khóe miệng ai ai cũng mỉm cười.

Bà ngoại sau khi được hỏa táng mới đưa lên núi, an táng trong vườn quả trúc lâm, đi mấy bước là tới phần mộ của lớn – người mà tôi chưa từng gặp mặt. Bố tôi nói, cậu lớn tôi là một nhân tài, đáng tiếc mất quá sớm. tôi nghĩ, bây giờ chắc cậu có thể ở bên mẹ cậu ấy rồi.

Tôi cảm thấy nơi ấy phong thủy rất đẹp, trên một sườn núi, lưng tựa  vào rừng trúc, trước mặt là ngọn đồi, ở giữa có một đập nước. Khi mùa xuân tới, trước mặt là một màu hoa cải vàng rực rỡ, còn mùa hè là một vùng lúa nước xanh rì, bước vào mùa thu lúa chín vàng, sắc hương hòa quyện. Vườn quả bên cạnh là nơi vô cùng quen thuộc với bà ngoại tôi, trong vườn có cây dâu, cây cam. Mỗi cây trong vườn này bà ngoại tôi đều vô cùng thân thuộc. Căn nhà cũ phía sau khu vườn quả này cũng là nơi lưu giữ tuổi thơ tôi.

Khi còn nhỏ, cứ mỗi khi được nghỉ dài ngày tôi sẽ được mẹ đưa tới đây, giao cho bà ngoại. Tôi còn nhớ bà ngoại nuôi tằm đã rất nhiều năm, bản tính tôi gan dạ  nhưng chỉ sợ nhất thứ côn trùng ghê tởm, biết loi nhoi này, nhưng đối mặt với cả căn phòng, có mười mấy cái nong lớn, hàng vạn con tằm, tôi lại cảm thấy rất thích thú. Vì thế mỗi năm khi bà nuôi tằm, tôi đều sống trong trạng thái vừa ghê sợ vừa tích cực tham gia.

Sáng tôi dậy sớm, cùng bà ngoại ra vườn dâu bên cạnh nhà hái lá dâu. Phải kiếm những chiếc lá to không già, cả phiến mở to, nhân lúc trên lá còn hạt sương phải hái ngay, sau đó  phơi trên mặt đất ở đập nước, nơi mặt trời không chiếu vào được, trước khi mặt trời xuống núi cần thu dọn ngay, như thế lá dâu tươi non và không quá nhiều nước mới phù hợp nhất để chăn tằm.

Bà ngoại dạy tôi làm thế nào để đắp từng phiến lá lên người những chú tằm con đang nằm đầy trong nong. Đây chính là lúc tràn đầy thử thách, nếu không cẩn thận sẽ bị tằm bò lên người, không thể không hét toáng lên. Bà ngoại vừa tức vừa bực đánh tôi mấy cái, sau đó lại tiếp tục đặt lá dâu.

Thực ra lúc tôi thích nhất chính là sau khi đặt xong lá dâu. Căn nhà ở quê là nhà ngói, tường đất hoàng thổ, sân trong được quay lại bởi chừng mười căn phòng, căn phòng nuôi tằm ngay sát cạnh phòng ngủ. Tôi nằm trên giường, thời tiết có phần oi bức khó chịu. Bà ngoại quạt cho tôi, còn ở phòng bên cạnh những chú tằm con đang ăn từng miếng to, âm thanh rào rào, sột soạt vang lên dày đặc, giống như tiếng mưa rơi.

“Bà ơi mưa rồi”.

“Không mưa đâu, mau ngủ đi”.

Bà ngoại béo, bận rộn cả ngày, thông thường chỉ quạt phe phẩy mấy cái là ngủ say, phát ra tiếng ngáy, thực sự tôi có cảm giác trời đang mưa to sấm chớp.

Nghỉ hè, dịp thu hoạch ngũ cốc cũng là mùa bận rộn nhất trong năm ở nông thôn. Từ nhỏ, tôi đã lười biếng, những việc nặng nhọc hay lấm bẩn chân tay tôi thường không giúp, việc tích cực nhất cũng chỉ là đun bếp khi nấu cơm, đây coi như là cống hiến lớn nhất của tôi rồi. Hơn nữa bây giờ nhớ lại mới thấy tôi nhóm lửa cũng giỏi lắm, mùa hè hầu như toàn dùng thân cây cải dầu vào tháng năm sau khi thu hoạch cải dầu để đun lửa, lúc đốt nổ lép bép, còn bà ngoại thì bận rộn bên bếp.

Thực ra bà ngoại nấu ăn không ngon, bà nấu quá mặn, hơn nữa cách làm cũng rất thô bạo, có điều món tào phớ bà làm là món ăn ngon nhất thiên hạ. Một năm bốn mùa, chỉ cần được về quê, bà ngoại sẽ làm món tào phớ cho chúng tôi ăn. Và tôi luôn là trợ thủ vàng khi làm tào phớ. Cả quá trình đều rất vui. Đậu tương ngâm nở trước một đêm, cối đá cũng phải rửa sạch sẽ trước một ngày, sáng hôm sau phải dậy sớm say đậu. Cối đá nặng hơn năm mươi cân, sau khi xoay tròn sẽ có nước làm trơn, đỡ mất sức hơn nhưng vẫn rất vất vả. Tôi  thường đứng bên cạnh giúp bà rắc đậu vào, trong muôi là ba phần đậu bảy phần nước, cho vào  cối xay, nước đậu màu vàng sữa sẽ chảy xuống thùng theo vòng cối xay.

Bây giờ nghĩ lại mới thấy cả quá trình thực ra rất khô khan vô vị, hơn nữa cối nặng như vậy bà ngoại đẩy cũng rất mệt, khi ấy bà lại béo, chẳng bao lâu mồ hôi đã lấm tấm đầy trán. Mái ngói của căn nhà cũ đều có miếng kính ở giữa các gian, đủ để ánh nắng chiếu xuống, ánh mặt trời lên chưa được bao lâu chiếu rọi xuống gương mặt bà, nửa sáng nửa tối, ẩn hiện những giọt mồ hôi.

Cứ một lúc tôi lại đẩy chơi, bà ngoại lại nhường cho tôi đẩy. cùng lắm tôi dựa vào lực quán tính của bà và đẩy được hai vòng, cả người đã mệt phờ, sau đó lại ngoan ngoãn đi rắc thêm đậu, một lát sau lại không từ bỏ, tiếp tục ra đẩy cối xay, cứ như việc ấy rất thú vị. Bây  giờ nhớ lại dường như hành động bày trò nghịch ngợm ấy của tôi trong mắt bà chính là động lực mỗi lần bà làm tào phớ cho tôi ăn. Bà vốn là một người chủ trong gia đình nông thôn, đơn giản, không khéo ăn khéo nói, bắt đầu từ khi tôi còn nhỏ, cách thể hiện tình yêu bà dành cho tôi đều thông qua hành động.

Đến bây giờ mới thấy làm tào phớ là một việc rất mất thời gian và sức lực. Đậu  sau khi nghiền xong, cho lên bếp đun sôi, sau đó vớt ra, lấy vải xô lọc bã đậu, để nước tương trong bã đậu được ép hết ra, còn phải dùng tới cối đá năm chục cân, lấy phiến đá trên cối để đè chặt bã đậu trong vải xô. Cho đến khi tất cả nước đậu tương đều đã được vắt sạch, bà sẽ để cho tôi  một ít để uống, phần còn lại sẽ cho thêm nước muối để làm đông tào phớ. Làm đông tào phớ là quá trình tôi cảm thấy vui vẻ nhất, thích thú nhất, một nồi chất lỏng sau khi được bà ngoại nhỏ thứ gì đó nhìn giống như nước thạch cao, trong chớp mắt đã đông lại thành tào phớ thơm ngon hấp dẫn. Trong mắt một đứa bé như tôi khi ấy, bà ngoại thực sự vĩ đại như một nhà ảo thuật. suốt mùa hè, bà ngoại còn dùng đậu nành tươi để làm tào phớ. Lúc này tào phớ sẽ có mùi cỏ non thơm ngậy, hơn nữa còn có màu xanh, ngon vô cùng.

Đáng tiếc là, sau khi bà ngoại chuyển nhà tới căn nhà mà cậu út mới mua trong thị trấn thì tôi chẳng được ăn món tào phớ bà làm nữa.

2

Lần cuối cùng tôi gặp bà ngoại là vào tháng 6 năm 2011. Mẹ gọi điện thoại cho tôi nói bệnh của bà đã rất nặng, không ăn được cơm nữa, chỉ dựa vào truyền dịch để duy trì sự sống. Tôi nói sao có thể, lúc tết về thăm bà chẳng phải vẫn khỏe mạnh hay sao. Năm ngoái không phải đã làm phẫu thuật rồi sao.

Tôi nói: “Trung thu con sẽ về thăm bà”.

Mẹ tôi nói: “Kiệt à, trung thu con mới về e rằng không gặp được bà ngoại con nữa”.

Tôi nói: “Vậy đợi tới sinh nhật mẹ con sẽ về.”

Tứ Xuyên tháng sáu, trời đã rất nóng, tôi vừa xuống máy bay là lên xe bus về thị trấn Đa Duyệt. Khi còn nhỏ ngồi xe đi thăm bà tôi luôn có cảm giác xa vô cùng, ngủ xong một giấc vẫn thấy đang vượt núi vượt đèo. Còn bây giờ khoảng cách luôn được tính bằng thời gian, từ Bắc Kinh tới Thành Đô mất ba tiếng máy bay, từ Thành Đô tới Nga My mất một tiếng đường cao tốc, từ Nga My tới Đa Duyệt chẳng qua chỉ mất bốn mươi phút đi đường, dường như chớp mắt đã tới.

Lúc đó tôi không ý thức được thời gian không chờ đợi bất cứ ai. Lúc ấy trong tôi dù có lo lắng nhưng vẫn lạc quan, tôi không tin người thân của mình sẽ rời khỏi thế giới này. Ở quê có rất nhiều kênh, hai bên đường đều là ruộng lúa, phía xa ruộng lúa là một rừng trúc xanh, dưới rừng trúc chính là nhà dân. Gần tới trưa, từng cuộn khói bếp xoay tròn trên bầu trời xanh hiếm thấy, gió thổi vang tiếng ve, quyện với mùi lúa thơm. Tâm trạng tôi cũng rất vui.

Trong kí ức của tôi, bà ngoại là một người béo, mặc dù năm ngoái nhìn thấy bà sau khi phẫu thuật đã gầy đi nhiều, nhưng có lẽ do mùa đông mặc nhiều quần áo nên bà vẫn là người mập mạp như trong trí nhớ của tôi. Nhưng lần này sau khi xuống xe vào thăm bà đã thấy bà gầy lắm rồi, tâm trạng vui vẻ ban nãy khi thấy bầu trời xanh lam bỗng chốc bay biến hết.

“Cháu về rồi à?”. Bà ngoại nắm tay tôi.

“Vâng, cháu về rồi”. tôi cũng nắm lấy tay bà.

Mẹ tôi nói, đợt trước bà không ăn được gì, chỉ truyền dịch, hai hôm nay tâm trạng vui vẻ nên ăn được một chút. Bữa cơm trưa, tôi nấu cháo cho bà, bà ngồi bên bàn ăn đã lâu không ngồi, nhìn chúng tôi ăn cơm. Có lẽ tâm trạng vui nên bà ăn hết một bát cháo, mọi người cũng vui lây.

Thực ra bệnh của bà tôi đã rất nặng, tôi vốn không ý thức được bát cháo này bà vốn không thể tiêu hóa nổi, nhưng tôi khi nhìn thấy bà ăn được chút đồ ăn lại rất ngây thơ cảm thấy ấm lòng, trong tiềm thức cho rằng con người chỉ cần ăn được ngủ được là sẽ không chết.

Sau bữa cơm trưa, tôi biếu bà ngoại một khoản tiền, bà không từ chối như lần trước, tôi ngồi bên bà, bà nắm tay tôi nói chuyện. nhớ lại lần gặp nhau cuối cùng ấy, chỉ cần có cơ hội là bà sẽ nắm tay tôi, bàn tay bà dù thô ráp nhưng ấm áp, giống như hồi bé vậy, chỉ là chẳng bao giờ rắn chắc như trước, giờ chỉ còn những khớp tay gầy gò.

Bà nắm tay tôi, hỏi mẹ tôi: “Mai sinh nhật con phải mua chút gì chứ?”.

“Mua gì chứ? Con không mua gì”. Mẹ tôi đang ngồi gọt táo.

Bà lấy số tiền tôi cho bà ra, đưa cho mẹ tôi một nửa: “Cầm lấy đi đánh một chiếc vòng, nếu không đủ thì bảo con trai con đưa cho”. Bà quay sang nhìn tôi, gương mặt ngập tràn nụ cười.

Sau bữa cơm tối, mẹ tôi hỏi: “Bà có muốn ra ngoài đi lại không?”.

Quả thực hôm nay tâm trạng của bà ngoại rất ổn, bà đứng dậy đi lại hai bước sau đó nói: “Đi đi, lâu lắm không bước chân ra ngoài cửa rồi”.

Chúng tôi men theo con đường trong thị trấn đi về phía làng, căn nhà cổ ở dưới làng cách thị trấn chừng hơn nửa tiếng đi bộ. dường như những kì nghỉ hè, nghỉ đông trong tuổi thơ của tôi đều trải qua ở căn nhà cũ dưới làng, bà ngoại khi ấy béo mập, nuôi tằm, nuôi gà,nuôi lợn, trồng vườn quả, trồng lúa, ngày nào giọng nói cũng lanh lảnh, tay chân nhanh nhẹn. Thế mà bây giờ, bà lại đi bộ chậm như thế.

Thôn Đa Duyệt nằm ở khu vực đồi núi, trung tâm thị trấn được đặt ở trên đập nước giữa các ngọn núi nhỏ, muốn đi xuống dưới làng đều phải đi trên đường dốc. Bà ngoại vừa đi vừa dừng, mỗi lần bước tới chỗ cao hơn, tầm mắt mở rộng hơn, bà liền chỉ về phía căn nhà mới xuất hiện trong tầm mắt và nói với mẹ tôi, đó là nhà của ai của ai, có họ hàng thân thiết lòng vòng như thế nào với nhà chúng tôi, mấy năm qua làm gì làm gì. Tôi không quen những người ấy nên chỉ đứng bên đường, nhìn bà ngoại thấp hơn tôi, gầy gò hơn tôi, dường như một cơn gió cũng thổi bay đi được, trong lòng cảm thấy vô cùng buồn bã.

Đi chừng mười mấy phút, chúng tôi đã nhìn thấy con đường nhỏ về căn nhà cũ trong núi.

Thực ra lúc ấy hoàn toàn chưa nhìn thấy nhà cũ, nhưng bà ngoại vẫn đưa tay chỉ về phía ấy, nói: “Men theo con đường nhỏ này, trèo lên con dốc kia, vòng qua khu rừng kia, đi qua nhà chú họ cháu là tới nhà chúng ta rồi. Cháu còn nhớ không? Khi còn nhỏ, mỗi kì nghỉ hè về đây, lúc cháu tức giận, cháu sẽ đeo cặp, đội mũ, bước từ trong nhà ra và nói muốn về thành phố, nhưng lần nào cháu cũng bước tới chỗ bờ ruộng và đứng đợi ở đó, ông ngoại sẽ tới tìm cháu về”.

“Cháu nhớ”. Sống mũi tôi cay cay.

Tôi nghĩ hôm ấy bà ngoại rất muốn đi về nhà cũ thăm nhà, nhưng bà thực sự không đi được nữa, chúng tôi đành quay về.

Bảy giờ tối vào mùa hè, trời Tứ Xuyên mói bắt đầu tối. Mặt trời ngả về phía Tây, rừng trúc hai bên đường và những cây khuynh diệp kéo dài chiếc bóng cuối cùng, trên núi đã bắt đầu có sương muối, xen lẫn mùi thơm của thức ăn không biết nhà ai vừa nấu bếp, máy chú chó chốc chốc lại sủa vang mấy tiếng. Bà ngoại và mẹ khoác tay nhau đi phía trước tôi, mọi thứ đều tốt đẹp như vậy, nhưng tôi thực sự cảm thấy buồn.

Buổi tối, bà ngoại ngủ say, mẹ cũng kéo tay tôi, khẽ nói: “Con trai à, đây có lẽ là lần cuối cùng mẹ làm sinh nhật mà có mẹ mình ở bên”. Nói xong mẹ bật khóc.

Lần ấy tôi ở bên bà ba ngoại ngày, lúc đi tôi nói với bà : “Trung thu cháu sẽ về thăm bà”.

Bà nắm tay tôi không muốn buông: “Trung thu cháu về e là không còn bà ngoại nữa đâu”.

Tôi nói: “Không đâu bà, mấy hôm nay bà ăn được ngủ được, bệnh tình chuyển biến tốt rồi”.

“Được rồi, vậy bà đợi cháu về”. bà nói: “Hai mẹ con đi đi, về Bắc Kinh chăm chỉ làm việc, bà không tiễn nữa”.

Lần tạm biệt cuối cùng ấy, bà thực sự không ra ngoài tiễn cửa, lúc ấy tôi cũng không suy nghĩ nhiều. Nhưng bây giờ nghĩ lại, bao nhiêu năm qua lần nào rời khỏi bà ngoại, chí ít bà đều bước tới cửa, nhìn theo bóng chúng tôi rời đi. Tôi nghĩ, bà đã cảm nhận được đó là lần cuối cùng gặp tôi, vì thế nếu thực sự bước ra ngoài tiễn tôi đi, bà sẽ khóc.

Quả nhiên bà ngoại không qua nổi trung thu, bà mất vào ngày 28 tháng 8 năm 2012, hưởng thọ bảy mươi mốt tuổi.

3

Mẹ tôi nói hôm bà ngoại mất mẹ không ở bên bà.

“Mẹ ở bên bà lâu như thế không ngờ vừa về thành phố một lúc thì bà mất”. Hôm ấy chỉ có mợ tôi ở thị trấn, mẹ không ở đó, dì cũng về dưới làng, cậu hai ở Thành Đô, cậu út thì bận rộn ở cửa hàng. Mợ tôi nói, hôm ấy tinh thần của bà rất tốt, còn bảo mợ tôi giúp bà đánh răng rửa mặt cẩn thận. “Sau đó bà bảo mợ lên gác xem ông đã ngủ chưa, bà bảo vậy mợ liền đi ngay, lúc mợ xuống gọi bà thì bà đã không đáp lại nữa, nhìn bà giống như đang ngủ”.

Tôi nghĩ chắc bà biết thời gian không còn nhiều, chỉ muốn giữ thể diện khi ra đi, không muốn bất cứ ai nhìn thấy lúc mình mất. Trước khi tới nhà tang lễ, bà ngoại được đặt nằm trong quan tài bằng thủy tinh, lúc trông đêm, thỉnh thoảng tôi lại đứng bên bà, chốc chốc lại bật khóc.

Trong thời gian diễn ra tang lễ của bà ngoại thì bất ngờ mẹ tôi lại đến tháng, theo tập tục mẹ tôi không được trực tiếp chạm vào bà ngoại, cũng không được trông đêm, đốt vàng… Mẹ tôi vô cùng buồn bã: “Con trai à, con phải giúp mẹ đốt nhiều tiền vàng cho bà ngoại con”.

“Mẹ ơi, mẹ, mẹ thực sự không muốn con tiễn mẹ chặng cuối cùng ư! Từ nay về sau con không còn mẹ nữa, mẹ còn không cho con chạm vào, con thực sự rất đau buồn, mẹ ơi…”. Trước khi hạ huyệt, phụ nữ trong nhà tôi đều vây quanh bà ngoại khóc lóc thảm thiết, mẹ tôi buồn lắm nhưng vẫn không dám tiến lại quá gần quan tài bằng thủy tinh.

“Mẹ ơi, mẹ ơi…”. Dì út khóc nức nở, trước giờ dì không khéo miệng nên cũng không biết nói gì, chỉ biết khóc lóc.

“Chị ơi, bà chị khốn khổ của em ơi, sao chị lại đi như thế? Chị của em ơi, chị của em ơi, chị đi rồi em biết tìm ai gọi chị đây?”. Bà dì tôi kêu khóc như vậy. Bà ngoại có một em gái, một em trai, dịp tết hàng năm chúng tôi đều lên nhà ông cậu ở trên núi, rất hẻo lánh, núi ở khu ấy mười năm cũng không có gì thay đổi. Tôi nghĩ những con đường trên ấy ngày bé có lẽ bà ngoại tôi đã từng đi qua.

Phụ nữ trong nhà đều khóc lóc vô cùng thương tâm, tôi không kiềm chế được bèn lên gác.

Cậu út nói với cậu hai: “Anh bảo mọi người đừng khóc nữa, bố nghe mọi người khóc như vậy e rằng sẽ không chịu nổi mất”.

“Cứ để họ khóc đi”. Cậu hai nói xong liền đi thăm ông ngoại.

Nhiều năm trước ông ngoại bị trúng gió, đi lại không mau lẹ, chừng mười năm trước ông ngoại đã chụp ảnh thờ. Cả nhà tôi hầu như ai cũng cảm thấy chắc chắn ông sẽ đi trước bà, không ai ngờ tới ngày hôm nay. Trong suốt thời gian tang lễ, ông ngoại đều ở trên gác, ngoài ăn cơm và ngủ ra ông đều ngồi trên ghế, thỉnh thoảng chào hỏi khi họ hàng tới thăm. Lúc này ông đứng dậy, khi cậu hai bước vào ông ngoại loạng choạng mấy bước, bám vào vai cậu, dựa vào người cậu, bật khóc.

Tôi thực sự không chịu nổi nữa, nấp vào trong phòng khóc lớn. Một lúc sau cậu hai bước vào: “Cháu đừng khóc nữa, có lòng hiếu kính là được rồi, ông ngoại nghe thấy lại buồn”. Mắt mũi nhòe nhoẹt, tôi bước xuống dưới lầu, nhưng vẫn không ngăn được nước mắt, tôi trốn vào phòng bà ngoại mất. Tôi là người rất ít khi khóc, tôi nghĩ hôm ấy tôi đã khóc hết nước mắt trong mười năm

Thực sự nói lời tạm biệt với bà ngoại, có lẽ là lúc ở nơi hỏa táng. Cả  nhà từng người một bước lên, bà ngoại đã không còn nằm trong quan tài thủy tinh nữa, mọi người đưa tay là có thể chạm vào mặt bà. Em họ tôi là trưởng tôn, nhỏ hơn tôi tám tuổi, bật khóc dường như chẳng có nhiều điều phải bận tâm, lúc ấy em đã khóc nức nở, em vừa lau mặt cho bà vừa nói chuyện. Từng giọt nước mắt của dì út rơi xuống má bà, trong suốt như thủy tinh.

“Cháu mau đi lau mặt cho bà ngoại, lau hộ mẹ cháu nữa, mẹ cháu không được chạm vào bà”. Nỗi đau buồn của mẹ tôi lúc ấy, tôi nghĩ mình không thể nào biết được. và tới lúc tôi chạm vào bà, tôi mới hiểu thế nào là chết chóc. Khuôn mặt bà lạnh băng, dường như đã ở thế giới bên kia.

Vĩnh biệt, bà ngoại.

Giây phút bà bị đưa vào lò hỏa thiêu, hai chân mẹ tôi mềm nhũn, cả người đổ gục ra mặt đất, “Mẹ ơi”, mẹ tôi lẩm bẩm thốt lên.

Thời gian hỏa táng rất dài, cả nhà tôi có tổng cộng ba, bốn mươi người đi, mọi người đều an ủi lẫn nhau, đến khi hỏa táng xong tất cả đều đã bình tĩnh hơn.

Mẹ tôi nói: “Khi mẹ nhìn thấy tro cốt của bà sau khi hỏa táng, mẹ cảm thấy thanh thản hơn nhiều. mẹ nghĩ, linh hồn mẹ của  mình đã cùng thể xác lên tới trời cao, bà sẽ không bao giờ phải chịu khổ nữa”.

Tro cốt của bà ngoại rất hoàn chỉnh, người ở khu hỏa táng chia ba túi đựng đầu, thân, chân do tôi, cậu út và dì út cùng ôm ngồi ở hàng ghế sau, cậu hai nâng di ảnh của bà ngồi bên ghế phụ. Theo lời dặn dò của bà mợ, chỉ đường về nhà cho bà ngoại để linh hồn của bà có thể thuận lợi về tới nhà. Tôi không biết cậu út và dì út nghĩ gì nhưng tôi chắc chắn họ không hề sợ hãi. Chúng tô ngồi trên xe, không ai nói với ai câu gì, chỉ chốc chốc lại nhìn mọi người, mỉm cười một cái. Tro cốt bà ngoại tôi đang ôm vẫn tỏa ra hơi ấm, giống như hồi nhỏ bà ôm tôi vậy, tôi rất an tâm.

4

Sau đó, tôi luôn muốn viết cho bà ngoại một bài văn nhưng viết mãi cũng không xong, thực ra bài viết này cũng không vừa ý. Trong quá trình viết tôi phát hiện có quá nhiều hồi ức ùa về, những cảnh tượng sống động như thật không ngừng hiện ra, giống như bà ngoại vẫn còn sống vậy.

Sau khi lớn lên tôi không thân thiết với bà như hồi còn nhỏ nữa, thời gian gặp bà ngoại trong một năm vốn đã rất ít, bây giờ hàng năm cũng chỉ có dịp tết mới lên núi thắp hương cho bà được. Mỗi lần trở về, căn nhà cũ trên núi không người ở lại xập xệ thêm một chút, chỉ có những bông cải dầu ngoài ruộng vẫn vàng rực rỡ, mọi thứ vẫn y như ngày tôi còn nhỏ. Trong thâm tâm tôi luôn tự nhủ, bà ngoại chưa từng ra đi.

Chỉ là tôi quên gọi điện thoại cho bà mà thôi.

Không biết từ bao giờ tôi đã trở thành một người không thích liên lạc với người khác thường xuyên, người thân đến mấy dường như chỉ sống trong kí ức của tôi. Số điện thoại của bà ngoại tôi được làm sau khi bà ốm, một năm trước khi bà mất, cho đến khi bà mất tôi cũng không gọi lấy một lần.

Đêm khuya sau khi bà ngoại mất được một năm, nhìn thấy số điện thoại này trong danh bạ, tôi bấm nút gọi, thấy thông báo đã tắt máy.

Tôi mới hiểu ra, có nhiều việc lúc đó không làm sau này mãi mãi chẳng có cơ hội nữa.

Tôi mới hiểu ra, mẹ tôi nói: “Từ bây giờ trở đi, mẹ không còn mẹ nữa”.

Ở quê tôi, mọi người gọi bà ngoại là “gia gia”, cả đời này, tôi chẳng còn cơ hội nói “ Gia gia, cháu về rồi” nữa.

Tôi không còn được nhìn thấy gia gia của tôi nữa, hàng lông mày của bà cong lên mỗi khi cười, giọng nói sang sảng của bà. Bà từng rất béo, béo tới nỗi quần áo tôi mua cho, bà cũng không mặc vừa, vậy mà sau đó bà gầy rộc đi, gầy tới mức độ một cơn gió thổi qua tôi cũng lo lắng liệu nó có thổi bà đi mất không nữa.

Trong tang lễ, câu điếu từ cuối cùng của một người già trong hội người cao tuổi là: “Muốn mẹ con gặp nhau lần nữa, trừ phi mơ giấc mộng Nam Kha”(*). Nhưng bao lâu như vậy rồi tôi không mơ thấy bà.

Cháu muốn được ôm bà nội một lần nữa, gọi bà một câu “gia gia”.

___________
(*) Mộng Nam Kha: Trong tiếng Hán có một câu thành ngữ “Giấc mộng Nam Kha”, được dùng để chỉ cõi mộng hoặc một giấc mộng không tưởng, không thể thực hiện được của một người nào đó. Thành ngữ này có nguồn gốc từ cuốn tiểu thuyết “Tiểu sử Nam Kha Thái Thú” của tác giả Lý Công Tá đời Đường Trung Quốc thế kỉ IX công nguyên.

Nguồn: truyen8.mobi/t124178-con-co-the-ben-nguoi-bao-lau-nua-gia-gia.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận