Cú Vọ Và Đàn Bồ Câu Chương 35


Chương 35
Bác sĩ Livingstone

- Anh nhìn Eileen Rich kìa, tóc tai rối bù! - cô thư ký Ann Shapland dừng tay cuốc trên một luống hoa, nói - Nếu chị ta không chịu chải đầu tóc cho hẳn hoi, thì thà cắt béng đi còn hơn. Bởi cái sọ của chị ta cũng khá xinh xắn đấy chứ.

- Sao chị không góp ý kiến với bà ấy?

- Tôi với chị ta không thân nhau, nói thế nào được nhỉ? Mà anh nghĩ sao, liệu cái trường này còn mở cửa lại được không?

- Khó đoán lắm - Adam trả lời - Với tại tôi rất ít hiểu biết về lĩnh vực này.

- Tôi lại thấy anh hiểu biết về nó không kém bất kỳ ai khác. Xem chừng rồi sẽ ổn thoả thôi. Bà ta kiên trì lắm. Anh biết không, chỉ một tháng tạm đóng cửa thôi, mà tôi cảm thấy như dài cả một năm trời.



- Nếu mọi sự lại yên ổn, trường lại mở cửa, chị có ở lại đây nữa không?

- Không - Ann Shapland trả lời dứt khoát - Tôi dị ứng với các trường học rồi. Từ nay cho đến già, tôi sẽ không bao giờ vào làm cho bất cứ một trường học nào nữa. Nhất lại là trường nữ học. Tự chôn mình trong một nơi chỉ toàn giống cái cả thế này tôi không chịu nổi. Thứ hai nữa là tôi rất không thú các vụ án mạng. Nằm trên giường đọc chuyện một vụ án đăng trên báo để buồn ngủ thì được, chứ sống trong vòng không khí của nó thì chịu, vượt quá sức chịu đựng của tôi.

Một phút im lặng.

- Tôi tin rằng - cô thư ký nói tiếp - thôi việc ở đây xong, tôi sẽ lấy anh Dennis và xây dựng một tổ ấm.

- Dennis? Chính là anh chàng chị đã có lần kể cho tôi nghe rồi phải không? Nếu tôi không nhầm thì anh ta làm cái nghề luôn phải đi Miến Điện, Mã Lai hoặc thậm chí Nhật Bản nữa. Vậy mà chị định xây dựng tổ ấm với anh ta sao được?

Cô thư ký Ann Shapland bật cười:

- Có lẽ anh nói có lý.

- Tôi cho rằng chị có thể kiếm được một anh chồng khá hơn Dennis.

- Anh nói như thế là định ngỏ lời với tôi đấy phải không?

- Tất nhiên là không. Chị có nhiều tham vọng, lấy một thằng cha làm vườn, mà lại chỉ là phụ việc không hợp với chị đâu.

- Tôi đang nghĩ lấy một anh chồng làm trong cơ quan an ninh khéo lại hay.

- Cơ quan an ninh? Nhưng tôi có phải nhân viên an ninh đâu?

- Tất nhiên - cô thư ký Shapland thản nhiên đáp - Ta tạm quên đi những câu những chữ. Anh không phải nhân viên an ninh, cô bé công nương Shaila không bị bắt cóc, và khu hoa viên này mới đẹp làm sao!

Anh Shapland đưa mắt nhìn xung quanh rồi nói:

- Tuy nhiên tôi vẫn chưa hiểu gì về cái chuyện, cô bé Shaila kia sao lại trở về Thuỵ Sĩ? Thì đấy cũng là chuyện người ta kể với chúng ta lúc này. Chắc anh với các cộng sự của anh đã quá sơ suất, bởi nếu điều kia là chính xác thì tức là cô công nương kia đã bị người ta trục xuất khỏi nước Anh.

- Giữ mồm giữ miệng đấy! - Adam nói.

- Tôi cho rằng các anh chưa biết cái lõi của vụ này.

- Về chuyên ấy, chị phải đi mà hỏi ông Poirot ấy chứ.

- Sao? Cái ông hình dạng cổ quái đã tháp tùng con bé Julia về trường Meadowbank, và đã vào gặp bà hiệu trưởng Bulstrode bàn tán gì đó ấy à?

- Đúng đấy. Lão ta tự xưng là thám tử tư vấn.

- Không làm sao hiểu nổi mục tiêu các hoạt động của lão ta. Lão tìm gặp cả bà cụ mẹ tôi... Lão hoặc một người bạn của lão.

- Gặp mẹ chị?... Mẹ chị thì dính dáng gì đến những chuyện ở đây?

- Chịu, tôi không hiểu. Xem chừng lão ta thích nói chuyện với các bà mẹ! Một thích thú bệnh hoạn. Hình như lão ta đến thẩm vấn cả mẹ của cô học sinh Jennifer nữa đấy?

- Lão có đến thẩm vấn hai bà mẹ của cô giáo Rich và bà giáo Chadwick không?

- Tôi không tin là mẹ chị Rich còn sống, nếu còn thì chị ấy chẳng bỏ rơi bà cụ đâu. Còn mẹ bà Chadwick thì sống ở Cheltenham, năm nay ít nhất cũng tám mươi tuổi rồi. Tội nghiệp bà Chadwick! Bà ta trông cũng như bà già tám mươi. Kìa, bà ta đang đi về phía này đấy.

Adam ngước mắt lên nhìn.

- Tuần vừa rồi, bà ta già thêm hàng chục tuổi!

Đúng thế, bà giáo Chadwick đang chậm chạp đi tới: bà không còn chút sinh khí nào nữa.

- Bà hiệu trưởng Bulstrode muốn gặp anh đấy, Adam. Bà ấy muốn nói có với anh về chuyện trồng hoa.

- Tôi làm nốt mấy cái luống này đã - anh ta nói rồi đi về phía khu vườn lợp kính.

Bà giáo Chadwick và cô thư ký Ann Shapland cùng quay về trường.

Cô thư ký đưa mắt nhìn xung quanh, nói:

- Vắng vẻ quá! Hệt như rạp hát vắng khách ấy, và khách phải ngồi rải rác ra các hàng ghế để bớt đi cái cảm giác tàn tạ.

- Khủng khiếp quá! - Bà giáo Chadwick rên rỉ - Thật khủng khiếp! Không thể ngờ trường nữ học Meadowbank lại sa sút đến mức độ này. Tôi không biết làm thế nào bây giờ. Ban đêm tôi không sao chợp mắt được. Bao công sức ngần ấy năm trời bây giờ tan thành mây khói.

- Chắc rồi sẽ phục hồi được thôi - cô thư ký Ann Shapland an ủi, làm ra vẻ lạc quan - Người đời chóng quên lắm, bà đừng lo.

- Họ không quên nhanh như cô tưởng đâu - bà Chadwick nói rất khẽ.

Cô thư ký không trả lời, nhưng trong thâm tâm cô đồng ý với bà giáo già.

° ° °

Cô giáo Blanche vừa dạy xong giờ tiếng Pháp. Cô liếc nhìn đồng hồ. Còn đủ thời giờ để làm một việc cô dự định làm. Học sinh bây giờ còn lại ít, giáo viên rất nhàn, có nhiều thời gian rảnh rỗi.

Cô Blanche lên phòng, lấy mũ đội. Cô có tính không bao giờ đi đâu đầu trần. Rồi cô soi vào gương. Không có gì đáng ngắm nghía, bởi trông cô hoàn toàn thành một người không có nét gì đặc biệt, một người không làm ai chú ý. Blanche mỉm cười: cách này hay thật. Hình dạng của cô đã tạo điều kiện cho cô sử dụng những văn bằng chứng chỉ của chị cô, cũng làm nghề dạy học. Ngay tấm ảnh trong hộ chiếu cũng không làm ai nghi ngờ.

Nghề dạy học đúng là ngán ngẩm, nhưng dạy ở đây lương của cô lại vượt xa mọi công việc trước đây cô đã làm... Chưa kể tình hình diễn biến của các sự kiện đang rất thuận lợi. Cô giáo Blanche thầm nghĩ, tương lai sẽ khác xa thế này, do tình hình chỉ nay mai sẽ thay đổi hẳn. Cô hình dung đến lúc dạo chơi ở những thành phố nghỉ mát nổi tiếng thế giới bên bờ biển Địa Trung Hải, như Cannes hoặc Monte-carlo, trong bộ y phục sang trọng, với khuôn mặt trang điểm diễm lệ. Khi đã có nhiều tiền trong tay thì muốn gì mà không được? Cuộc sống sẽ tươi đẹp biết bao! Và quãng thời gian buồn tẻ trong cái trường học đáng ghét này ít ra cũng giúp ích cô được phần nào.

Cô giáo Blanche cầm xắc tay, ra khỏi phòng. Cô bước nhanh trên hành lang dẫn ra cầu thang. Trên đường đi, cô gặp một nữ lao công mới vào làm, đang quỳ loay hoay làm gì đó. Chắc chị ta được cảnh sát thuê để dò xét, Blanche thầm nghĩ. Bọn cảnh sát này quá ngu xuẩn, chúng tưởng mình không biết là chúng dò xét mình!

Một nụ cười mỉa mai hiện trên cặp môi, cô giáo tiếng Pháp ra khỏi trường, tiến đến ga xe buýt. Trên cơn đường thôn quê này, người đi lại vắng vẻ. Một người đàn ông đang cúi xuống đầu xe ôtô sửa chữa gì đó. Một người khác có vẻ chờ xe buýt. Gần đấy, một chiếc xe đạp dựa vào hàng rào. Hẳn một trong hai gã kia là nhân viên cảnh sát và sắp bám theo mình. Chúng làm ăn lộ liễu quá, lừa sao được mình? Cho chúng bay bám!

Xe buýt chạy đến. Mười lăm phút sau, cô giáo Blanche xuống xe, đã ở trung tâm thị xã. Cô không thèm ngoái đầu nhìn phía sau, mà đi thẳng đến một cửa hàng lớn, trong tủ kính trưng bày đủ loại y phục được coi là "sang trọng". Thật ra hết sức quê mùa, cô thầm nghĩ. Tuy nhiên cô cũng làm ra vẻ chăm chú ngắm nghía một lúc lâu.

Rồi cô đi sâu vào bên trong. Mua vài thứ lặt vặt xong, Blanche ra chỗ tiếp khách, vào một tủ điện thoại. Cô quay số, chờ. Khi thấy giọng nói đầu dây bên kia đúng là người cô cần gặp, cô ấn vào một nút, nói:

- Nhà Trắng đây. (Tên cô "Blanche" cũng có nghĩa là "Trắng")... Nhà Trắng đây. Có một khoản chưa được thanh toán... Hạn cuối cùng là tối mai. Đúng, tối mai. Khoản đó phải được chuyển vào tài khoản của Nhà Trắng, tại Ngân hàng Tín dụng Quốc gia, phố Ledbury, London. Tôi nhắc lại, khoản tiền đó là...

Cô Blanche đọc các con số rồi nói thêm:

- Nếu đến hẹn, khoản tiền kia không được thanh toán tôi sẽ buộc phải báo cáo những điều tôi khám phá ra được cho những người có trách nhiệm. Vâng, các vị còn những hơn hai mươi tư tiếng đồng hồ kia mà.

Blanche đặt máy xuống rồi ra ngoài. Một phụ nữ vừa vào sau cô, hay lại là... Dù sao chị ta cũng đến quá muộn và chưa nghe thấy mình nói gì. Cô Blanche rẽ vào nhà vệ sinh, rồi sang gian bán áo choàng, trò chuyện vài câu với một nhân viên bán hàng. Sau đó, không mua thêm gì, cô ra khỏi cửa hiệu, nét mặt rạng rỡ. Cô dừng lại trước cửa kính một hiệu sách rồi lên xe buýt trở lại trường nữ học Meadowbank.

Vậy là mọi sự ổn thoả. Số tiền cô yêu cầu không phải là quá đáng, cho nên họ có thể trả một cách dễ dàng. Số tiền ấy ít ra cũng đủ chi dùng trong thời gian này... Bởi sẽ còn nhiều "đơn đặt hàng" khác nữa. Một nguồn kiếm tiền bất tận.

Cô Blanche không hề thấy lương tâm cắn dứt. Cô nhìn thấy, và cô không có trách nhiệm phải báo cảnh sát. Cô giáo Springer kia là một con mụ đáng ghét, vô giáo dục và lại còn dò xét người khác nữa chứ!

Về đến trường, cô giáo Blanche dừng lại một lúc cạnh bể bơi. Cô giáo Eileen Rich bơi một lát, sau đó đến cô thư ký Anh Shapland, một tay nhảy cầu rất giỏi. Gần đấy, đám học sinh nội trú cười đùa vui vẻ. Đột nhiên chuông reo, cô giáo Blanche bèn vào lớp để dạy tiết của cô. Giờ học diễn ra tẻ nhạt, học sinh lơ đãng hết sức. Nhưng có gì quan trọng đâu? Công việc ngán ngẩm này sắp kết thúc rồi.

Hết tiết dạy, cô Blanche lên phòng để thay quần áo, chuẩn bị xuống nhà ăn. Cô có cảm giác mơ hồ, chỉ mơ hồ thôi, là lúc sáng mình đã sơ suất quên không treo tấm áo làm vườn lên mắc, mà vẫn vắt trên ghế tựa.

Cô soi gương sửa sang trang điểm. Đột nhiên cô không kịp chống cự: tấm áo làm vườn tụt xuống sàn rồi như thể biến thành hình người, và một cánh tay cầm cái chày giơ lên sau lưng cô, giáng xuống. Cô Blanche không kịp kêu một tiếng...

° ° °

Bà Upjohn đang ngồi bên vệ con đường chạy men theo một khe núi sâu. Bà nói tiếng Pháp, làm các điệu bộ trước một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Các hành khách khác ngồi rải rác gần đó. Lái xe và phụ lái đang loay hoay chữa xe. Bà Upjohn đã mất khái niệm về thời gian. Nước lũ chặn con đường chính và xe phải chạy theo một con đường ngoằn ngoèo trên núi cao. Vậy mà bây giờ lại còn gặp dòng suối nước dâng cao này, và họ đã phải chờ ở đây bảy tiếng đồng hồ rồi. Chưa biết bao giờ xe mới đến được Ankara.

Bỗng một tiếng người kêu to, hoàn toàn không thích hợp chút nào với khung cảnh xung quanh:

- Hình như bà Upjohn phải không?

Bà Upjohn nhìn ra, thấy một chiếc xe du lịch. Người vừa gọi bà nhanh nhẹn bước ra, mừng rỡ tiến lại. Rõ ràng là một người Anh, mặc bộ âu phục mầu ghi may cắt rất đẹp.

- Lạy Chúa! - bà Upjohn reo lên - Bác sĩ Livingstone!

- Không hẳn là như thế - người mới đến mỉm cười - Tên tôi là Atkinson, nhân viên Đại sứ quán Anh tại Ankara. Đã ba ngày nay chúng tôi tìm cách bắt liên lạc với bà mãi không được...

- Có chuyện gì vậy?

Bà Upjohn bỗng hốt hoảng đứng phắt dậy:

- Hay con tôi làm sao? Cháu Julia làm sao phải không, thưa ông?

- Không đâu, thưa bà Upjohn - Atkinson nói - Chỉ là có một chuyện rắc rối ở trường nữ học Meadowbank. Tôi đến đón bà về Ankara để bà đáp máy bay về Anh ngay.

Bà Upjohn định hỏi cho rõ thêm, nhưng lại thôi. Bà chỉ nói:

- Ông đừng quên chiếc va li của tôi. Chiếc màu xanh lam ấy.

Sau khi chào chia tay người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ rồi chào mọi người khác, bà đi theo Atkinson...

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86493


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận