Cổ Phật Tâm Đăng Chương 14


Chương 14
Dùng hí họa tuyệt kỹ - Thiết Điệp đại chiến Lư Âu

Một hôm, Tâm Đăng đến thăm Bệnh Hiệp, được Khắc Bố báo tin rằng ngày thường Thiết Điệp thường đến thăm viếng bệnh tình của Bệnh Hiệp.

 Và bà ta đã thông báo cho các vị kỳ lão trong làng võ tập hợp trong ngôi nhà đá này để cử hành một buổi lễ liên hoan, đó là một dịp để cho các bạn già gặp mặt với nhau sau hai mươi năm trời vắng mặt.

 Ba ngày hôm sau, buổi liên hoan đại hội cử hành, trên tiệc có nhiều tay lừng lẫy trên chốn giang hồ tham gia, đó là Vạn Giao, Thiết Điệp, Cô Trúc...

 Ngoài ra còn một tên học trò của Khúc Tinh tên là Tân Trường Sơn thay mặt Khúc Tinh đến viếng Bệnh Hiệp.

 Sau khi ra tiệc, Tâm Đăng cùng với Thẩm Tiểu Thạch bước ra bên ngoài hóng mát.

 Khắc Bố trở về một ngọn đồi xa xa, nói rằng :

 - Cảnh trí ở đây thật là đẹp...

 Tâm Đăng trả lời :

 - Phải đẹp lắm, Tây Tạng chỉ có vùng này là xuất sắc nhứt...

 Thình lình Khắc Bố chợt hỏi :

 - Trong buổi tiệc hôm nay, dường như còn nhiều vị đại hiệp vắng mặt?

 Thẩm Tiểu Thạch thơ ngây trả lời :

 - Phải, còn nhiều, còn Khúc Tinh lão tiền bối chẳng hạn, người này có võ công tuyệt vời mà khinh công tuyệt diệu, Quá Thiên Phong...

 Khắc Bố nghe nói, vội hỏi :

 - Còn nữa, ta có nghe Chính Dung bảo rằng còn một bà già nào lợi hại lắm.

 Thẩm Tiểu Thạch giựt mình :

 - Chính Dung, ai là Chính Dung?

 Khắc Bố cười :

 - Chính Dung tức là Tâm Đăng chứ còn ai nữa.

 Thẩm Tiểu thạch gật gù nói :

 - Nghe đâu bà già này võ công cao cường lắm, nhưng mà đi một mắt, tính tình lại khó chịu.

 Khắc Bố chắc lưỡi :

 - Những người tâm linh cao cường phần nhiều là khó tính.

 Thẩm Tiểu Thạch tỏ vẻ lanh lợi :

 - Tôi nghe nói bà già này xấu đáo để, nhưng hồi nhỏ lại yêu một người đàn ông khá đẹp..

 Khắc Bố càng nghe càng cao hứng cắt ngang hỏi :

 - Bà ấy yêu ai?

 Thẩm Tiểu Thạch cười đắc ý :

 - Bà ta là Chung Vô Diệm, mà đi yêu một ngã thư sinh tuyệt đẹp, và nhứt quyết muốn thành thân, với người đẹp như Phan An tái thế lẽ nào đi thành thân với bà, do đó người đó uất quá mà nhảy sông tự tử.

 Khắc Bố tròn xoe cặp mắt kinh dị hỏi :

 - Sao mi biết?

 Thẩm Tiểu Thạch khoái trí lắm, nói tiếp :

 -Sao ta không biết.. con mẹ già xấu xí đó...

 Khắc Bố thình lình thấy Thẩm Tiểu Thạch trợn trừng cặp mắt nói không ra lời nữa, trong lòng lấy làm lạ, hỏi :

 - Sao mi không nói?

 Thẩm Tiểu Thạch vẫn đờ người ra như khúc ngỗ, Khắc Bố khinh hoàng nhìn theo ánh mắt của hắn, bật giác giật mình nhảy nhổm, vì cách đó chừng ba trượng, trên một cành cây cổ thụ, có một bà lão tóc bạc phơ, đang ngồi ủ rũ...

 Bà lão này hình dạng cổ quái, mù đi một mắt, da mặt nhăn nheo, miệng mồm lõm, bàn tay khẳng khiu như bàn tay ma, đang cầm một xâu tràng hạt...

 Bà trợn con mắt độc nhãn nhìn Khắc Bố...

 Khắc Bố biết bà ta là Lư Âu, nên trong lòng kinh tâm táng đởm, nghĩ thầm :

 - Bà này thật là dị tướng...

 Lư Âu thong thả đứng dậy, buông mình xuống đất, rồi lướt tới trước mặt Tiểu Thạch, nhẹ nhàng như một cơn gió thoảng.

 Tiểu Thạch nhớn nhác, hắn lùi một bước, nhưng Lư Âu đã với bàn tay khẳng khiu ra, bằng một động tác cực kỳ lanh lợi, bà bắt tay gắn lấy Tiểu Thạch, ấn vào thân cây.

 Thò tay ra bẻ lấy một cành cây nhỏ, và vạch hầu của thằng Tiểu Thạch, đoạn dùng nhánh cây ghim chặt vào thân cây, vô tình bà trói thằng Tiểu Thạch vào gốc cây bằng một hình thức lạ lùng.

 Với công lực của thằng Tiểu Thạch, nó có thể vẩy sút như chơi, nhưng không biết từ đâu có một nguồn mãnh lực đưa đến làm cho nó không dám cục cựa.

 Lư Âu thối lùi ba trượng, thong thả đưa bàn tay ra và từ lòng bàn tay đó tiết ra một nguồn nội lực, từ từ đè ép toàn thân của Tiểu Thạch, đem đến cho hắn một cảm giác thật khó chịu.

 Thế rồi Tiểu Thạch rú lên :

 - Sư phụ... cứu tôi...

 Tiếng cầu cứu thất thanh của Tiểu Thạch chưa dứt thì toàn thân hắn nhẹ nhàng thoát ly khỏi thân cây và mơ hồ như có một cơn gió nhẹ thổi qua, năm chiếc bóng mờ thình lình xuất hiện.

 Định thần nhìn kỹ, Khắc Bố thấy rõ đó là Thiết Điệp, Cô Trúc, Vạn Giao, Tâm Đăng, Tân Trường Sơn.

 Thiết Điệp thò tay ra đỡ Tiểu Thạch, sắc mặt xanh rờn, nhìn Lư Âu một cái đầy sát khí, bà nói :

 - Lư Âu! Không ngờ ngươi lại đi húng hiếp một thằng trẻ nhỏ!

 Lư Âu cười hềnh hệch :

 - Hừ... Thiết Điệp, mười tám năm nay ngươi chỉ dạy được một thằng học trò như vậy, ta xem có còn hơn không!

 Thiết Điệp nghe nói, mới phát giác lúc bấy giờ Tiểu Thạch đang đứng bên cạnh rên rỉ, bà thò tay tả ra ém vào ngực nó, hồi lâu nó mới cảm thấy dễ chịu và không rên rỉ nữa.

 Thình lình, Thiết Điệp vung ống tay áo ra thần tốc ném thằng Tiểu Thạch bay ra ngoài bốn trượng, bà hầm hè :

 - Đi cho khỏi mắt ta!

 Thằng Tiểu Thạch rơi ra ngoài xa lắc xuống một cái tạo tấn, ngồi ôm đầu mà nhìn mọi người.

 Thiết Điệp trợn mắt nhìn Lư Âu :

 - Chung Vô Diệm, ngươi rụng hết răng, mà vẫn còn nói ương ngạnh.

 Lư Âu lộ khí xung thiên quát :

 - Thiết Điệp thì ra chính mi dạy môn đệ của mi buông lời vô lễ... ta phải cho mi một bài học.

 Tâm Đăng hốt hoảng vì thấy hai bậc lão tiền bối này sắp sửa ẩu đả với nhau, mà Cô Trúc và Vạn Giao thấy đều bình thản chắp tay sau lưng mỉm cười mà xem, không hề can thiệp.

 Thái độ của Vạn Giao càng thêm đặc biệt, dường như một khán giả đang xem một tấn tuồng hát vô cùng thích thú.

 Thiết Điệp ngoài mặt ôn hòa thuần hậu, tánh mềm mỏng, nhưng bên trong thì lại vô cùng cứng rắn, bà ta đâu chịu để cho học trò của mình chịu thiệt nên lạnh lùng nói với Lư Âu :

 - Mi càng ngày càng hạ tiện, đối với một thằng con trẻ lại hạ độc thủ, điểm Nhũ Căn đại huyệt của nó.

 Câu nói bị đứt bởi một chuỗi lanh lảnh của Lư Âu :

 - Mi thật có mắt tinh đời ta đối với ai thảy đều một mực, ai bảo nó dám xúc phạm ta! Ta phải trừng trị nó.

 Thiết Điệp cười ngạo nghễ :

 - Hừ... học trò của Thiết Điệp không phải dễ trừng trị đâu!

 Lư Âu lại buông ra một tiếng cười quái dị, làm cho người nghe phải rùng mình rởn óc, bà ta nói một câu đanh thép :

 - Hay lắm! Mười tám năm không gặp ta muốn thử xem võ công của mi luyện đến mức nào!

 Câu nói chưa dứt, thì bà ta vung bàn tay hữu ra, thủ một thế Hoành Ba Lược Địa, một luồng sức mạnh ào ào tràn tới như nước vỡ bờ.

 Cùng trong một lúc Thiết Điệp đảo nhanh thân mình một cách thần tốc, từ trong ống tay áo rộng của bà có một bàn tay trắng muốt thò ra, xử một thế Lăng Không Siêu Độ, chọi lại luồng sức mạnh của đối phương.

 Hai luồng chưởng phong của hai tay cao thủ lẫy lừng, giáp công vào nhau, gây ra một tiếng động cực kỳ kinh khiếp, một luồng gió bị hắt vào mặt của mọi người, làm cho Tâm Đăng giật mình đánh theo....

 Trong một cái chớp mắt, hai chiếc bóng mờ tức tốc dang ra, để rồi lại xáp chiến với nhau một cách dữ dội.

 Tâm Đăng trố mắt ra nhìn, thấy thân mình của Thiết Điệp tung bay lả lướt, uyển chuyển nhẹ nhàng, xa trông thật như một con bướm đẹp vờn hoa trong vườn thượng uyển.

 Còn chiếc bóng đen của Lư Âu thì chập chờn như bóng ma trơi, thoạt ẩn thoạt hiện, khi tỏ khi mờ, luồn qua lách lại, toàn là tấn công vào những chỗ yếu của đối phương.

 Động tác của đôi bên thảy đều nhẹ nhàng mềm mại, nhưng biểu diễn toàn những thế lạ lùng, đẹp mắt, ngoài sự tưởng tượng của Tâm Đăng.

 Cả bốn chàng trai trẻ tuổi cùng mấy bậc kỳ lão trong làng võ thảy đều trố mắt ra nhìn, trong chớp mắt hai người đã trao đổi với nhau trên ba mươi hiệp.

 Càng đấu chiến chừng nào, thái độ của Thiết Điệp ung dung hòa nhã mà Lư Âu thì nổi giận đùng đùng, đường võ ngày càng khốc liệt cố ý muốn dồn đối phương vào tử địa.

 Cuộc chiến càng lúc càng găng, bầu không khí càng ngày càng sôi động đến tột cùng....

 Thiết Điệp không hổ danh là một con “bươm bướm sắt”, thân hình mặc dầu mềm mại nhưng thế võ của bà thảy đều là những thế võ cực kỳ sắc bén, bề ngoài mềm mại bao nhiêu thì bên trong cứng rắn mạnh bạo bấy nhiêu, phi một tay giang hồ lão luyện, không thể nào có đủ nhãn lực để nhìn thấy chỗ cao thâm của bà ta.

 Trong chớp mắt hai người đã trao đổi cùng nhau trên ba mươi hiệp, mà chiến cuộc vẫn còn ngang ngửa, chưa phân thắng bại thuộc về ai.

 Bỗng thình lình, Lư Âu hậm hực, nạt lên một tiếng hai bàn chân của bà ta không đứng theo chữ Đinh, mà cũng không phải tấn chữ Bát, liên tiếp tung ra ba thế liên hoàn.

 Ba thế võ này của bà ta sáng chế trong những ngày gần đây, đó là Chiêu Quân Xuất Tái, Tây Thi Chiếu Kinh, và Bao Tự Thượng Lâu.

 Cả ba thế võ này liên hoàn với nhau thật là chặt chẽ, bộ điệu lại rất là ngoạn mục.

 Thân hình của bà ta gầy gò khô đét, mà biểu diễn ba thế võ này bằng một tốc độ cực kỳ lanh lẹ, vì vậy mà chúng cao thủ có mặt, thảy đều thoáng trông thấy một bóng mờ ảo, như dáng của một bậc mỹ nhân, thướt tha yểu điệu.

 Chiêu Quân Xuất Tái, và Tây Thi Chiếu Kinh, là hai thế võ hoàn toàn ứng dụng theo nhuyễn công, hai bàn tay của Lư Âu lả lướt như cành liễu thướt tha trong gió.

 Nhưng mà biến hóa vô cùng kỳ ảo, làm cho Thiết Điệp có cảm giác như trước mắt mình thình lình thoáng hiện ra vô số mỹ nhân, quay cuồng hỗn loạn trong điệp khúc nghê thường.

 Đến khi đòn Tây Thi Chiếu Kinh toát ra, thì Thiết Điệp thấy những ngần ấy mỹ nhân, thảy trong tay đều cầm một món binh khí, mường tượng như chiếc kính điểm trang của đàn bà, đồng vung lên tấn công vào những yếu huyệt khắp toàn thân của mình.

 Trước thế công kỳ diệu đó, Thiết Điệp phải tạm thời giảm áp lực của mình, liên tiếp thối lui hơn hai trượng.

 Những chiếc bóng mờ ảo của vô số mỹ nhân, bám chặt lấy bà ta như bóng theo hình, tấn công tới tấp.

 Và khi đòn Tây Thi Chiếu Kinh vừa dứt thì Lư Âu bất thình lình trớ ra một đòn là Bao Tự Thượng Lâu.

 Hình dáng của Lư Âu thình lình từ chỗ mềm mại, chuyển sang cứng rắn, đánh thẳng vào đỉnh đầu của Thiết Điệp một đòn sấm sét.

 Thiết Điệp nằm dưới tình trạng đó, hai bàn chân của bà ta tức khắc sử dụng theo phép khinh công Điệp Hí Hoa, đảo vù vù sang cánh trái, mới thoát khỏi tầm áp lực của Lư Âu.

 Nhanh như chớp, Lư Âu bất thần quét ngang hông của Thiết Điệp một cước nhanh như điện rồi bay mình nhảy vù lên một tàng cây gần đó.

 Thiết Điệp không phải là một người tầm thường, ngọn cước của Lư Âu mặc dù hung bạo, nhưng bà ta bình thản mỉm cười, sử một thế Triết Điệp Trích Hoa, thân hình của bà cất lên hai trượng nhanh hơn một tia chớp, để tránh thoát đòn của Lư Âu trong đường tơ kẽ tóc.

 Ngón khinh công tuyệt diệu của Thiết Điệp, làm cho tay cao thủ thượng thừa như Cô Trúc, cũng phải tấm tắc khen thầm.

 Mọi người còn đang suýt xoa thì một việc lạ lùng ngoài tưởng tượng lại xảy ra.

 Vào lúc thân hình của Lư Âu vừa khuất trong một tàng cây rậm rạp, thì thân hình của Thiết Điệp đang nằm trong cái thế Triết Điệp Trúc Hoa lơ lửng giữa từng không.

 Mọi người thoáng nghe bà khẽ nạt lên một tiếng, dùng mũi giày bên chân tả, đạp nhẹ lên chân hữu, và hai cánh tay của bà vẫy nhẹ trong không khí, chỉ một chút động tác đó, đã làm cho thân hình của bà bay nhẹ về phía Lư Âu một cách nhẹ nhàng êm ả.

 Đứng phía dưới Tâm Đăng ngửa mặt nhìn lên, có cảm giác Thiết Điệp như là một con bươm bướm tung cánh giữa vườn hoa.

 Trong chớp mắt, hình dáng đẹp đẽ đó, khuất hẳn trong tàng cây rậm rạp.

 Và người ta thoáng nghe từ trong ấy có tiếng gió bay ra vèo vèo.

 Thì ra hai người đàn bà nổi danh trong làng võ, bây giờ đang trổ tài khinh công, giao chiến với nhau trên những cành cây mềm mại.

 Đến giờ phút này, bản lĩnh của Thiết Điệp mới hoàn toàn trổ hết ra, Tâm Đăng nhờ luyện được cặp mắt có thể nhìn rõ ràng sự vật trong bóng tối, nên những động tác lẹ làng, huyền diệu của Thiết Điệp và Lư Âu, thảy đều lọt vào mắt của chú.

 Tới chừng đó, chú mới biết được sự học của chú so với hai người đàn bà này thật còn kém xa lắm.

 Với thân pháp lẹ làng lanh lẹ kia, hèn chi mà trong giới giang hồ ban cho Thiết Điệp cái mỹ hiệu “bươm bướm sắt”.

 Hai người luồn qua lách lại giữa những cành cây kẽ lá, để mà trao đổi với nhau toàn những thế võ lạ mắt mà Tâm Đăng chưa từng thấy.

 Tiếng gió từ trong bàn tay sắt thép kia tạt ra nghe rào rào, làm cho những chiếc lá vàng lìa cành rơi lả tả.

 Vài ba cành cây trúng đòn gãy răng rắc, rơi lộp độp trên mặt đất.

 Thỉnh thoảng, hai tay cao thủ lại buông ra những tiếng thét lanh lảnh, làm vang động cả khu rừng.

 Trong khoảnh khắc, hai người đã trao đổi với nhau hơn ba mươi hiệp, làm cho Tâm Đăng càng xem càng mê mẩn tâm thần, cuộc giao chiến này, mở rộng tầm mắt của Tâm Đăng.

 Món giao chiến này trên cây, là một món sở trường của Thiết Điệp, nãy giờ bà ta đã thi thố hết môn khinh công tuyệt diệu là Điệp Hí Hoa.

 Phần Lư Âu thì lợi dụng thân hình nhỏ thó của mình, kiếm những vị trí tốt trên cây, vừa để trốn đòn vừa tung ra phía đối phương những đòn trí mạng.

 Nhưng Thiết Điệp rất khôn ngoan, thân hình của bà ta chập chờn lúc ẩn lúc hiện, khi đông khi tây, thoạt tả thoạt hữu, làm cho Lư Âu không biết đối phương đứng ở phương hướng nào mà tập trung lực lượng để tấn công.

 Hai người đàn bà nổi danh trong chỗ giang hồ đó, đuổi bắt nhau một cách ngoạn mục trong một tàng cây to lớn.

 Lại hai mươi hiệp nữa trôi qua, dáng chừng Lư Âu đã biết mình không thể uy hiếp được môn Điệp Hí Hoa của đối thủ, nên bà ta tìm hết cách để dụ đối phương về mặt đất.

 Chờ lâu lắm Lư Âu mới bắt gặp một cơ hội.

 Cơ hội đó chính là lúc Thiết Điệp bay vòng ra ngoài tạo một đường vòng cầu tuyệt mỹ, để rồi bay trở vào tàng cây, trực tấn công Lư Âu.

 Buông ra một tiếng cười đanh ác, chờ cho hai mũi hài của Thiết Điệp sắp sửa rơi vào một cành cây, thì Lư Âu vội vàng chuyển hết nội lực, dồn xuống bàn chân khẳng khiu của mình, xử một thế Thiên Cân Tấn cực kỳ hung bạo.

 Nội lực vừa tiết ra, cành cây vang lên một tiếng “rắc” và gãy ngay xuống.

 Thế là Thiết Điệp vô tình mất đi điểm tựa, chới với giữa từng không.

 Trong cơn nguy biến, Lư Âu nghiến răng kèn kẹt, tung ra một chưởng Cách Không về phía Thiết Điệp.

 Đang lơ lửng giữa từng không, thân hình loạng choạng mất thăng bằng, chính vào lúc đó thì một nguồn áp lực từ phía Lư Âu ập tới!

 Cười hậm hực Thiết Điệp nói nho nhỏ :

 - Con quái già thật là cay độc.

 Tâm Đăng lắc đầu lè lưỡi, ngỡ rằng Thiết Điệp phen này sẽ trúng đòn, và tiếng tăm sẽ trôi theo dòng nước.

 Nào ngờ bà ta lộn nhào một cái trông thật đẹp mắt.

 Thân hình của bà vừa mơn trớn, thì một bàn tay trắng muốt từ ống tay áo thò ra chọi lại một chưởng Cách Không của Lư Âu.

 Từ trong cành cây, một tiếng “bộp” vang lên, và thân hình của Thiết Điệp lại lộn nhào thêm hai vòng, mượn sức va chạm đó để thân hình bà ta rơi về mặt đất.

 Một chuỗi cười kinh rợn của Lư Âu lại vang lên, và thân hình của bà ta như một mũi tên, từ trong tàng cây bắn vụt ra bám sát theo Thiết Điệp!

 Tâm Đăng mở mắt để nhìn cho thật kỹ động tác của hai người, chú biết rằng giờ phút quyết liệt của hai cao thủ sắp diễn ra.

 Và ai được dịp mục quyết những thế võ quyết định này, thật là diễm phúc vì nó sẽ bổ ích vô cùng cho con nhà võ.

 Lư Âu bay đến nửa chừng, thì thò bàn tay ra, xỏ chéo vào nhau, xử một thế Điêu Thuyền Bái Nguyệt, để tặng cho đối phương một đòn chí mạng.

 Còn phần Thiết Điệp, chân vừa chấm đất, thì thu mình lại như một con mèo chực vồ mồi, đó là thế võ vô cùng cay độc.

 Chính vào lúc hai bàn tay sắp sửa va chạm vào nhau thì...

Hết chương 14

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/7045


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận