Chênh Vênh Hai Lăm Tản văn 23 - 24


Tản văn 23 - 24
Mắt đời

Tản văn 23 : Mắt đời


Có lần, câu chuyện của hai đứa nhỏ, một giàu, một nghèo dạy cho người bài học về giá trị cuộc sống.

Đứa giàu nói:

“Nhà nghèo như bạn, chắc không bao giờ hiểu được cảm giác muốn mua món đồ chơi gì là cầm tiền ra mua ngay cái đó đâu ha.”

Đứa nghèo trả lời:

“Nhưng mình tin chắc rằng nhà giàu như bạn, cũng không bao giờ hiểu được cảm giác mỗi ngày nhịn ăn sáng, dành dụm tiền để mua một món mình thích. Rồi đến khi mua được, nâng niu nó trong tay mà vui mừng muốn khóc luôn đâu.”

Cuộc sống là vậy, giá trị của tất cả mọi thứ nên được đánh giá tùy vào vị trí mà mỗi cá nhân đang đứng.

Chẳng bao giờ chúng ta có thể nhìn bằng con mắt của người khác, nên chắc chắn cũng chẳng bao giờ thấy được thứ mà người ta đang thấy.

 

 

Tản văn 24 : Chuyện facebook


Facebook có một cái nút HOME, có nghĩa là NHÀ.

Thế nên khi vào facebook của ai đó cũng giống như vào nhà người ta, nên biết phép lịch sự tối thiểu của chủ - khách.

Trước khi tìm hiểu coi người đó là ai, đừng nên dùng lời lẽ suồng sã, quá lố.

Thấy người ta nói chuyện, đùa giỡn với bạn bè thân, không có nghĩa là mình cũng có thể nói đùa kiểu đó, vì mình đang thuộc dạng “thân ai nấy lo.”

Nói chuyện lịch sự để thể hiện rằng mình là người được giáo dục, chí ít là biết giao tiếp thông thường.

Tuyệt đối không săm soi giới tính của người đó, người ta có là gì đi chăng nữa cũng vốn không ảnh hưởng đến bản thân ta hay hòa bfnh thế giới, thế nên đừng chỉ trích.

Với người lạ, khen được thì khen, hạn chế chê, muốn góp ý thì dùng từ đàng hoàng, lịch sự. “Mình tôn trọng ý kiến của bạn, nhưng mình nghĩ…”

Nên đọc nhiều thứ của người ta chia sẻ rồi hãy chia sẻ cùng, đừng thấy một hai cái status buồn, chán rồi phán người ta sống bi quan, không tích cực, hay một hai hình ảnh lung linh thì cho rằng đây chỉ là kẻ đi chụp hình đẹp để dụ dỗ thiên hạ.

Bên cạnh đó, facebook mặc dù là của cá nhân, nhưng phải ý thức rằng những gì ta viết sẽ thể hiện ở trang bạn bè, thế nên cũng cần tránh vài chuyện nho nhỏ, đừng thể hiện quá đà những thứ sau:

1. Mâu thuẫn cùng gia đình.

Bạn có thể post một cái status than vãn rằng nhà gia đình mình thường xuyên cãi nhau, bạn không vui vì điều đó. Nhưng liên tục dùng những lời lẽ không hay nói về gia đình, người thân, chỉ khiến mọi người hiểu rằng bạn là một người con bất hiếu.

2. Mâu thuẫn với đồng nghiệp.

Khi đi làm, dĩ nhiên không thể lúc nào mối quan hệ cùng đồng nghiệp và sếp cũng tốt đẹp, tuy nhiên với facebook thì nên tránh thể hiện sự bức xúc lên đó. Bạn có chắc rằng đồng nghiệp không có cách facebook của mình, và những gì bạn nói sẽ không đến tai sếp để mang tiếng chia rẽ nội bộ?

3. Người yêu cũ.

Nhớ về mối tình đã qua luôn tốt, nó thể hiện rằng bạn là người biết trân trọng quá khứ. Nhưng nếu suốt ngày than vãn về nỗi đau đó, chỉ làm những người muốn đến bên cạnh bạn sẽ phải e ngại, biết đâu trong số đó lại là một người tốt cho tương lai. Càng không nên nói xấu người yêu cũ, vì điều đó chẳng bao giờ khiến bạn đẹp hơn.

4. Tài sản cá nhân.

Bạn có thể rất giàu có, điều đó sẽ được nhiều người vui mừng vì hoàn cảnh bạn tốt. Nhưng việc suốt ngày post ảnh chụp cùng cả xấp tienf, những chiếc giỏ xách đắt đỏ, những đôi giày hàng hiệu, những bộ thời trang tính bằng triệu… chỉ khiến mọi người cho rằng bạn là kẻ khoe mẽ, và bạn biết không, xã hội không nhiều người giàu được như bạn đâu.

5. Thành tích cá nhân.

Dĩ nhiên khi bạn đạt được một thành tích nhất định, bạn luôn muốn nhiều người vui mừng cùng mình. Nhưng nếu liên tục cập nhật những thứ nhỏ nhặt, mà theo nhiều người thì nó hoàn toàn không thể được coi là một thành tích, thì sẽ dễ biến bạn trở thành một cái thùng rỗng kêu to.

Với những điều trên, không có nghĩa là bạn không được post những thứ như vậy, vì chả ai cấm được bạn sử dụng facebook cá nhân của mình ra sao. Nhưng nên học cách cân bằng cuộc sống từ những thứ mình thể hiện, đừng tự làm mình mất đi sự yêu thích của bạn bè, dẫu, chỉ là bạn bè trên thế giới ảo.

Tản văn tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/43896


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận