29
Một ngày trước khi khu vườn một lần nữa trở thành khu du lịch huyên náo, thằng Cu đã lén nhổ cây cọc chỗ chân rào mẹ nó bảo nó đóng hôm trước.
Nó nhớ con bé Hà.
Cách đó một quãng, thằng Lọ Nồi hồi hộp quan sát cậu chủ của mình ngay từ khi thằng Cu lúi húi bên hàng giậu.
Nó nhớ nàng Đeo Nơ.
Lúc thằng Cu vừa nhổ cây cọc lên khỏi mặt đất, Lọ Nồi lập tức lao tới, nhanh như một tia chớp, chui tọt qua lỗ hổng, phóng vụt ra đồng cỏ bên ngoài.
Chạy men theo con suối nhỏ dọc cánh đồng, mắt nó bắt gặp bao nhiêu là hoa dại, mũi nó cảm nhận bao nhiêu là hương thơm nhưng Lọ Nồi vẫn không dừng bước. Nó nghĩ: Khi quay về mình sẽ thong thả ngắm hoa và hít thở mùi vị của lá cỏ cũng không muộn!
Lọ Nồi chạy nhanh lắm, có lẽ từ khi lọt lòng mẹ đến nay chưa bao giờ nó chạy nhanh đến thế. Chân nó ngấu nghiến nuốt từng mét đất, cảnh vật loang loáng lùi ra sau đến chóng cả mặt, thế nhưng nó vẫn thấy chậm, vẫn ước gì có thêm vài đôi cánh.
Khi đến được bên hàng giậu nhà bà Tươi, điều duy nhất nó có thể làm là nằm mọp xuống cỏ thở dốc.
Nó thở và nó lắng nghe.
Tuy không trông thấy gì, nó vẫn có cảm giác nàng Đeo Nơ đang ở rất gần nó.
Linh cảm của Lọ Nồi không đánh lừa nó. Trong khi nó đang nghĩ xem nếu gặp nàng Đeo Nơ nó sẽ nói những chuyện gì, sẽ giải thích ra làm sao cái chuyện nó có mặt ở đây (lần đầu thì có thể cho là ngẫu nhiên nhưng lần thứ hai thì khó mà biện bạch), tiếng nàng Đeo Nơ thình lình vẳng tới tai nó:
- Ồ, bạn Lọ Nồi đang làm gì ở ngoài đó thế?
Giọng nàng mới du dương làm sao, Lọ Nồi ngỡ như nàng không nói: nàng vừa hát lên một câu hỏi. Nhưng nàng không gọi nó là Nắng Vàng. Điều đó khiến Lọ Nồi có cảm giác nó vừa đút đầu vào lò xông hơi.
Dùng mõm rứt một chiếc lá, Lọ Nồi ngượng ngập nhai. Đó là thói quen của nó mỗi khi hồi hộp hay xấu hổ. Nó nhai, và quay đầu nhìn dáo dác.
- Bạn tìm gì thế? Mình đứng ở đây nè!
Tiếng Đeo Nơ lại vang lên cho biết nàng trông rõ chàng heo ngớ ngẩn bên kia hàng giậu.
Lần này thì Lọ Nồi tưởng như nó vừa đút đầu vào lò xông hơi lẫn lò nung vôi cùng một lúc, cái bớt đen trên mặt nó suýt chút nữa biến thành màu đỏ. Nó rụt rè đứng lên trên bốn chân, bước tới trước vài bước và thận trọng thò đầu qua đám lá.
Bây giờ thì nó đang đối diện với nàng Đeo Nơ.
So với hình ảnh nó thường bắt gặp trong những giấc mơ, nàng Đeo Nơ ở trước mặt nó trông xinh xắn và đáng yêu hơn nhiều.
Với thân hình thon thả và làn da trắng hồng, ngay cả khi đứng yên như lúc này, nàng Đeo Nơ vẫn gợi ra trong tâm trí nó sự dịu dàng của dòng nước và sự mềm mại của những đám mây.
Lọ Nồi quên bẵng vừa rồi nàng gọi nó bằng cái tên xấu xí. Nó đã thôi xấu hổ. Lòng con heo con bây giờ chỉ tràn ngập bâng khuâng.
Chỉ khi Đeo Nơ lập lại câu hỏi Lọ Nồi mới sực tỉnh:
- Bạn đang làm gì vậy?
- Tôi có làm gì đâu.
- Thế sao bạn đến đây?
Lọ Nồi ấp úng, nó rất muốn gãi tai nhưng vướng các nhánh cây:
- À… Tôi đi lạc.
Lạc tới nơi lần trước mình mới vừa lạc thì chắc chắn không phải là đi lạc. Nhưng nàng Đeo Nơ không nhận ra điều đó, cũng có thể nàng không quan tm.
Nàng đột ngột lái câu hỏi sang hướng khác:
- Tại sao bạn có tên là Lọ Nồi?
Lọ Nồi tưởng như Đeo Nơ vừa bắn ra một mũi tên. Nó thóp bụng lại, nghe đau quặn nơi dạ dày. Có thể tin rằng nó sẵn sàng mất một cái chân hay một cái tai để không phải trả lời câu hỏi này.
- Tại sao ư? – Nó hỏi lại, máy móc và ngây ngô.
- Ừ, tại sao?
Nàng Đeo Nơ gật đầu, mắt vẫn nhìn chằm chằm chú heo trước mặt.
Đột nhiên, nàng la lên:
- A, mình biết rồi.
- …
- Đó là do cái vết đen trên mặt bạn.
- …
- Mình nói đúng không?
- …
Trong vòng năm phút, tiếng nói tuột khỏi mõm chú heo mới lớn. Nó nhúc nhích môi, nhưng không nhớ ra cái lưỡi nằm ở đâu. Dĩ nhiên Lọ Nồi có thể nói bằng mắt. Người ta vẫn bảo “đôi mắt biết nói” đó thôi. Nhưng đôi mắt Lọ Nồi lúc này đang cụp xuống. Nó không đủ can đảm nhìn nàng Đeo Nơ.
Mà nàng Đeo Nơ ấy, yêu kiều nhưng vô tâm quá. Nàngục làm trái tim chàng heo rỉ máu:
- Mặt bạn giống như trang giấy bị vấy mực ấy. Trông bẩn bẩn thế nào.
Tới đây thì Lọ Nồi tắt thở hoàn toàn. Nó không thấy không khí ra vào trong lồng ngực nữa. Nó khép mắt lại, tự an ủi dù sao nó cũng được nhìn thấy nàng heo yêu dấu lần cuối cùng trước khi từ giã cõi đời.
30
- Lọ Nồi! Mày đang ở đâu?
Tiếng thằng Cu theo gió vẳng tới lồng lộng. Con heo con đang ngỡ mình sắp chết đột ngột tìm lại được cảm giác. Nó ngúc ngoắc đầu trong đám lá và đi thụt lùi ra sau.
Cho tới khi khuất hẳn sau hàng giậu, nó vẫn không nói thêm được tiếng nào, kể cả lời chào tạm biệt nàng Đeo Nơ. Nó rất muốn làm một chàng heo lịch sự, nhưng tiếng nói vẫn chưa trở lại với nó.
Ở đằng xa, cậu chủ tiếp tục réo tên nó ầm ĩ.
Thằng Cu ồn ào thế thôi, chứ nó thừa biết chú heo của mình đang ở đâu. Nó cố tình để Lọ Nồi sổng ra cánh đồng cỏ và chạy tới đây, chỉ để có lý do lân la qua vườn nhà bà Tươi.
Lúc nãy, thằng Đuôi Xoăn cũng định xông ra theo anh nó nhưng thằng Cu đã nhanh tay cắm cây cọc vào chỗ cũ. Nó biết Lọ Nồi thích nàng Đeo Nơ. Như nó thích con bé Hà. Để thằng Đuôi Xoăn ưa phá bĩnh này bám theo thì hỏng bét.
Thằng Cu khua chân trên cỏ, lần bước tới chỗ chú heo của mình, mắt không ngừng dáo dác nhìn qua đám lá ngăn cánh đồng với khu vườn. Trông nó có vẻ lén lút mặc dù lúc này nó đang phơi mình giữa nơi trống trải. Khi tới gần hàng giậu, nó có một chút do dự. Cảm giác đó khiến nó ngạc nhiên. Rõ ràng nó đi tìm con heo bị lạc nhưng tâm trạng lại hồi hộp giống như đang làm chuyện gì phi pháp.
- Em đang làm gì đó, Đeo Nơ?
Nhỏ Hà đánh dấu sự xuất hiện của mình bằng một câu hỏi giống hệt lần trước.
Và cũng như lần trước, thằng Cu bị mái tóc ngắn tuổi mười hai bên kia hàng rào neo chân xuống cỏ.
Nó hít một hơi thật sâu để trấn tĩnh, nhưng trái tim trong ngực nó vẫn rối rít đập, thỉnh thoảng lại giật cục như bánh xe vấp phải ổ gà.
- A, lại anh Cu!
Nhỏ Hà lại reo lên, giọng như bắt được trộm.
Thằng Cu vẫn im thin thít, đã rất giống thằng Lọ Nồi phiên bản 1.0. Nó mon men đến đây chỉ để gặp nhỏ Hà, nhưng khi gặp được rồi, nó lại không biết làm gì hay nói gì. Cách chào hỏi ngang phè phè của con bé này càng làm nó quên mất kỹ năng nói. Nó chỉ còn mỗi kỹ năng nghe.
Mà toàn phải nghe những câu như đấm vào tai:
- Con heo của anh lại đi lạc nữa à?
Lúc này nhỏ Hà đã tiến sát hàng rào. Nó vít cong một nhánh lá để nhìn thằng Cu rõ hơn và để tung một cú đấm khác:
- Sao anh để nó đi lạc mãi thế?
Thằng Cu tưởng như mẹ nó đang trách nó. Đã thế, ánh mắt long lanh của nhỏ Hà bám cứng lấy gương mặt đang thộn ra của nó làm đầu cổ nó nóng ran.
- Ờ… ờ…
Mất đến vài phút thằng Cu mới tìm lại được tiếng nói. Chỉ để phát ra những từ vô nghĩa.
Nhỏ Hà nhìn thằng Cu thêm một lúc. Rồi dường như nhận ra sự bối rối của chú bé trước mặt, nó chớp mắt chuyển đề tài:
- Nghe nói các vật nuôi nhà anh biết nói tiếng người hả?
- Đâu có!
Thằng Cu đáp, nó không nghĩ thứ tiếng kia là tiếng người.
- Sao các nhà báo bảo mẹ con anh có thể trò chuyện được với con heo con chó con gà? Các nhà báo nói dối sao?
- Ờ… không… họ không nói dối…
- Họ không nói dối tức là anh Cu nói dối…
Thằng Cu đỏ mặt vì bị khoác tội danh nói dối, cả vì bị cô bé gọi bằng cái tên mà nó không bao giờ muốn xưng ra trước mặt bọn con gái.
Nó mím môi lại, mặc dù không làm thế thì đôi môi nó cũng đã bị dán chặt bởi một chiếc băng keo vô hình.
- Tôi ghét những người nói dối lắm đó.
Nhỏ Hà nói, thật thà và hồn nhiên nhưng đối với chú bé mới lớn bên kia hàng rào, người yêu dấu vừa đóng mẩu đinh cuối cùng lên nắp chiếc quan tài định mệnh.
Một chuyện tình bé con đã được khâm liệm. Mặc dù trên thực tế có vẻ như chuyện tình đó chưa kịp chào đời.
- Đeo Nơ, vào nhà đi em!
Hương thơm thoảng ra từ khu vườn lẫn mùi lá cây khét nắng làm thằng Cu ngây ngất say. Nó vẫn chôn chân trên cỏ, rất gần khu vườn nhưng hồn nó đang chông chênh bềnh bồng đâu đó. Tiếng nhỏ Hà gọi Đeo Nơ văng vẳng bên tai nó, nghe xa xăm làm sao.
Mây chớm thu lặng lẽ trôi bên trên những nhánh cây và gió trong cành lá đang bắt đầu rên rỉ. Đó là thằng Cu tưởng thế. Lòng nó đang réo rắt đấy thôi.
31
Lọ Nồi chạm nhẹ vào chân thằng Cu, như muốn báo cho cậu chủ biết là cô bé Hà đã vào nhà từ đời nảo đời nao rồi, cậu đừng có đứng phơi nắng giữa trời như thằng ngốc nữa.
Thằng Cu nhìn xuống Lọ Nồi, mấp máy môi “Chiếp chiếp gô” bằng giọng rưng rưng buồn để cảm ơn chú heo con rồi bùi ngùi quay gót.
Hai chủ tớ lếch thếch rời khu vườn ảo mộng.
Dọc đường về, Lọ Nồi chốc chốc lại va khẽ vào chân thằng Cu và ngước mắt nhìn cậu chủ như ngầm sẻ chia, an ủi. Nó quan sát thằng Cu ngay từ đầu và sau khi suy bụng heo ra bụng người nó nhận ra cậu chủ nó chẳng khá khẩm gì hơn nó trong câu chuyện ê chề này.
Nhìn thằng Cu đi đứng liêu xiêu trong bóng nắng mà nó thương quá. Tất nhiên cả hai chủ tớ đều gánh nỗi buồn trên vai mà đi, nhưng nó đi bằng bốn chân dù sao cũng đỡ vất vả hơn người đi bằng hai chân.
Lọ Nồi nghĩ bụng, khụt khịt mũi rồi ngước nhìn chủ, thấy chủ không buồn nhìn lại mình, nó khụt khịt thêm một cái nữa và bâng khuâng đưa mắt nhìn ra xa, phiền não thấy đời heo lẫn đời người đều không như là mơ.
Một dòng suối chảy ngang mắt nó. Con suối nhỏ ven làng ngời lên trong nắng như một sợi chỉ bạc thêu lên nền cỏ xanh. Lọ Nồi biết con suối đó nhưng nó chẳng thấy có gì thu hút.
Đó là nói trước đây. Bây giờ thì nó rất muốn lại gần con suối. Nó nhớ câu nói của nàng Đeo Nơ “Mặt bạn giống như trang giấy bị vấy mực ấy. Trông bẩn bẩn thế nào”. Nhận xét phũ phàng đó chẳng khác nào bản án tử hình đối với nó. Giấc mơ của nó đã chết rồi, chết thật rồi, và nó cũng biết chết bởi tay ai. “Bây giờ mình muốn biết chết bởi cái gì”, Lọ Nồi hờn dỗi nghĩ và men dần về phía con suối.
- Lọ Nồi, mày đi đâu vậy?
Thằng Cu thấy con heo con bất thần rẽ ngoặt, ngạc nhiên kêu lớn, càng ngạc nhiên hơn nữa khi lần đầu tiên nó thấy con heo con không nghe lời mình.
Lọ Nồi vẫn lầm lũi bước, trông nó nặng nề như một đám mây trĩu nước.
Thằng Cu nhìn con heo con, thở đánh thượt một cái rồi lẽo đẽo đi theo.
Lần này thì tớ trước chủ sau, cả hai im lặng lùa chân trên cỏ, chậm chạp tiến về phía bờ suối.
Chỉ đến khi Lọ Nồi dừng lại, buồn bã soi mặt xuống dòng nước, thằng Cu mới ngờ ngợ hiểu ra. Chắc thằng nhóc này vừa bị nàng heo kia chê xấu trai!
Lọ Nồi biết chủ nó đang quan sát nó từ phía sau nhưng nó lờ đi.
Nó đứng bất động như một con heo bằng gỗ, âu sầu nhìn bóng nó dưới suối, cố bới ra một chi tiết đẹp đẽ nhưng nó chẳng thấy gì ngoài vết đen “thấy bẩn bẩn”, càng ngắm lại càng thấy bẩn.
“Nàng không ưa mình là phải rồi! Chính mình còn muốn liệng đá vào mặt mình nữa là!”. Lọ Nồi cay đắng nhủ thầm.
Đột ngột nó rên lên:
- Gố gồ… gồ un… ủn gô… ô… ô… ô…
Hẳn nhiên chuỗi âm thanh của con heo con chả có nghĩa gì. Nó chỉ là tiếng thở dốc, là nỗi tuyệt vọng vẫy đạp trong lồng ngực tìm cách thoát ra.
Thằng Cu vẫn im lìm đằng sau thằng Lọ Nồi từ nãy đến giờ. Nó tôn trọng nỗi buồn của chú heo con. Nó muốn vỗ về chú heo nhưng chẳng biết nói gì.
Chỉ đến khi thằng Lọ Nồi buông ra những tiếng thở than, nó mới tặc lưỡi lầm bầm:
- Thế là… tình ta… vỡ tan… n… n… n…
Thằng Cu dịch câu nói của con heo con hay tự dịch lòng mình, chỉ có trời (và các bạn đang đọc cuốn sách này) mới biết!
32
Đuôi Xoăn và tên đệ tử Mõm Ngắn đón thằng Cu và Lọ Nồi ngay cổng. Đuôi Xoăn còn rủ bọn chíp hôi nhà chị Mái Hoa nhưng lũ gà con mải bắt giun.
Chú cún Mõm Ngắn dĩ nhiên muốn phóng ra ngoài đồng cỏ lúc nào cũng được nhưng cứ mỗi lần chú dợm chân đều bị sư phụ Đuôi Xoăn cản lại:
- Đừng đi! Cậu chủ không thích tụi mình quấn chân đâu!
- Sao thầy biết?
- Sao không biết! Khi nãy thấy ta định chạy theo, cậu chủ cắm phập cây cọc rào trước mõm, bây giờ ta còn đủ hai hàm răng để trò chuyện với trò là may mắn lắm đấy!
- Thế sao…
Sư phụ Đuôi Xoăn biết tên đệ tử định hỏi gì.
- Lọ Nồi là trường hợp đặc biệt! - Nó cắt ngang.
Cách giải thích của Đuôi Xoăn chẳng khác nào nhổ một câu hỏi ra khỏi óc thằng Mõm Ngắn để trám vào một câu hỏi khác, hóc búa hơn.
Thằng cún thấy đầu mình tối đi từng phút một. Nó định hỏi “Đặc biệt là sao hả thầy?” nhưng sợ Đuôi Xoăn chửi mình ngu, nó liếm mép hai ba cái rồi bấm bụng làm thinh - một quyết định vô cùng sáng suốt vì chắc chắn Đuôi Xoăn sẽ chửi nó ngu khi nó dám hỏi một câu mà ngay cả sư phụ nó cũng hoàn toàn mù tịt.
Bộ dạng thất thểu của thằng Cu và thằng Lọ Nồi khi trở về từ đồng cỏ càng khiến đầu óc thằng cún như vón cục lại. Nó nhớ Lọ Nồi từng tấm tắc “Ngoài đó có nhiều thứ hay lắm” nhưng nhìn vẻ nhàu nhĩ của sư phụ nó lúc này thì có vẻ như đó là một câu nói hớ.
Thằng Đuôi Xoăn nhấp nhổm đón anh mình ngay cổng cũng cốt để hỏi chuyện, nhưng bộ mặt lầm lì của thằng Lọ Nồi giống như muốn nói “khôn hồn thì đóng mõm lại” khiến nó cảm thấy làm thinh là lựa chọn tốt nhất nếu nó biết yêu bản thân mình.
Rốt cuộc, hôm đó trong vườn nhà bà Đỏ diễn lại các cảnh từng diễn ra trước đó ít hôm: Lọ Nồi nằmọp bên hàng giậu suy tư về cuộc đời, thằng Đuôi Xoăn nằm cách đó một quãng suy tư về thằng anh đang suy tư. Tên đệ tử Mõm Ngắn nằm thập thò cách đó hai quãng để rình rập cả hai.
Chỉ có bọn gà con là vô tư. Cứ chốc chốc chúng lại đảo ngang qua chỗ nằm của các ông, thi nhau há mỏ “Ăng gô gô” loạn cả lên, mặc dù chẳng ông anh nào trong ba ông anh buồn đáp lại lời chúc tốt lành của bọn chúng.
Ở trong nhà, thằng Cu cũng đang tắm mình trong nỗi buồn và bắt đầu nghĩ đến thói kiêu kỳ của bọn con gái, mặc dù cuối cùng nó cũng chẳng nghĩ ngợi được gì nhiều. Khi nó sắp sửa đạt được mục đích vạch ra tật xấu thứ nhất (trong hàng mớ tật xấu) của con bé Hà thì nó đã bị mẹ nó bẩy ra khỏi nhà để trông coi đám thợ làm vườn.
Đám thợ này do bà kế hoạch đầu tư cử tới đã nhiều ngày, và dù hôm nay là ngày cuối cùng thằng Cu vẫn thấy họ lăng xăng từ đầu này đến đầu kia khu vườn với đủ thứ dụng cụ trên tay: cuốc, xẻng, chổi, cưa, kéo, bình tưới, lưới che côn trùng. Trong không khí sực nức mùi nhựa cây tỏa ra từ những cành nhánh vừa được cắt tỉa lẫn mùi đất ẩm dâng lên từ mặt cỏ khi nước từ bình tưới tắm ướt từng rẻo vườn.
Dưới sự cố vấn của các nhà sinh học và tâm lý học, lần này ông động vật hoang dã chỉ đạo tốp thợ cố gìn giữ khu vườn trong dáng vẻ tự nhiên nhất. Ông tin rằng cảnh quan và môi trường sinh hoạt thay đổi đột ngột có thể sẽ làm các vật nuôi hoảng sợ, kéo theo sự đánh mất những thói quen kỳ diệu.
Không một chậu cây mới nào được đem tới. Các loại cây có sẵn, tốp thợ chỉ bón phân, bắt sâu và tỉa các lá héo. Các thân cây thôi uốn lượn cầu kỳ và các tán lá không còn được gọt nắn nót theo hình tròn. Dây nhợ và các bóng đèn màu giăng mắc trên các cành nhánh cũng được gỡ xuống
Khu vườn đã thôi điệu đàng.
Sự thay đổi chỉ diễn ra trong góc bếp và trong các chuồng trại.
Nhờ các khoản đầu tư, hũ gạo nhà bà Đỏ cuống quýt đầy lênCác máng ăn của mẹ con nhà chị Nái Sề, chị Mái Hoa và chị Vện ăm ắp và thơm lừng.
Túi áo của thằng Cu có lẽ không ra ngoài xu thế này. Nó sắp phồng lên nay mai, cho dù trái tim nó có vẻ như đang xẹp xuống.
Hiển nhiên, sự thay đổi không chỉ diễn ra trong nhà bà Đỏ.
Trên đường làng, các tấm panô lại được dựng lên, lần này được thiết kế và trang trí bởi các họa sĩ từng triển lãm tranh ở nước ngoài, với thù lao cao ngất. Bà y tế giành được là người chi tiền nhưng bà kế hoạch đầu tư từ chối sau khi nhã nhặn cảm ơn bằng mẫu câu thời thượng: “Chiếp chiếp gô”.
Kho bạc tỉnh, huyện, xã thay tủ sắt mới, to hơn và nhiều ổ khóa hơn, chờ cơn bão tài chính quét qua.
Ngày mai khu du lịch mới chính thức khai trương nhưng cả tuần nay làn sóng người đã nhấp nhô quanh vườn nhà bà Đỏ. Sự háo hức trong công chúng được các phương tiện truyền thông thổi bùng gây ra một đám cháy lớn trong dư luận.
Chị Nái Sề, chị Mái Hoa và chị Vện tối nào cũng lèn chặt bụng những khẩu phần thừa mứa như dành cho vua chúa. Đến mức khi chúc nhau ngủ ngon, để thốt ra từ “Un gô gô” cả ba phải kèm theo một tiếng “ợ”. Mùi thức ăn bay cả vào trong giấc mơ.
Trong những ngày này, với bà Đỏ bốn mùa đều là mùa xuân. Bây giờ, bà không chỉ cầu nguyện và tạ ơn trước khi đi ngủ mà vào bất kỳ lúc nào bà tỉnh giấc trong đêm.
Ông an ninh sau cuộc đàm thoại lịch sử với ông chủ tịch tỉnh, bắt đầu nhìn ngôn ngữ như một phương tiện văn hóa thay vì một phương tiện gây bạo loạn, đã tin vào con người hơn nhưng vẫn dè chừng với các con vật.
Chỉ đến khi xảy ra câu chuyện sau đây thì ông mới thực sự thấm nhuần quan điểm điều gì pháp luật không cấm thì con người lẫn con vật đều được phép làm, kể cả việc sáng tạo ra ngôn ngữ và cách thức sử dụ thứ ngôn ngữ đó.
33
Đêm trước ngày khai trương khu du lịch, thằng Lọ Nồi không ngủ được. Cứ mỗi lần chợp mắt, nó lại bắt gặp hình ảnh của nàng Đeo Nơ. Tất nhiên nó không định sẽ gặp lại nàng lần nữa. Sáng nay, nàng đã chế nhạo dung mạo của nó bằng thứ lời lẽ chỉ dùng để hạ nhục kẻ khác. Ừ thì nó xấu trai, nó mang một cái bớt đen trên mặt nhưng có cần phải gắn cái bớt định mệnh đó với từ “bẩn bẩn” để làm đau lòng nó không, trong khi nàng heo thừa hiểu rằng nó không thể nào xóa bỏ được vết nhọ đó trừ khi nó cắt cái mặt liệng đi.
Nàng đối xử với mình thật là tệ quá! Lọ Nồi cảm thấy nhói đau với ý nghĩ đó trong nhiều giờ liền. Nhưng không hiểu sao nó vẫn nhớ nàng. Nó nhớ chiếc nơ đỏ trên cổ nàng. Nó nhớ rèm mi dài và trắng như tơ của nàng. Mỗi khi nàng tròn mắt nhìn nó vẻ ngạc nhiên, rèm mi nàng bao giờ cũng óng ánh như có nắng chiếu qua. Những lúc đó, nó cũng ngạc nhiên tròn mắt nhìn lại nàng, tự hỏi làm sao lại có một nàng heo đáng yêu đến thế trên cõi đời này.
Bầu trời rạng xanh dưới ánh sao đêm và hương hoa dại từ cánh đồng bên ngoài thoảng vào khiến Lọ Nồi xốn xang quá. Nó vẫn dán mình trên cỏ, nhưng chất keo dán có vẻ không còn chắc chắn nữa. Lúc này nó cảm giác nó đang nằm trên một cái lò xo.
Đến một lúc, nó bật dậy trên bốn chân và nhào lại phía hàng giậu. Ngần ngừ một thoáng, nó dũi mõm vào cây cọc rào thằng Cu vẫn nhổ lên cắm xuống. Sau một hồi vừa húc vừa day, Lọ Nồi cũng đạt được mục đích. Cây cọc văng ra, và nó sung sướng trườn mình qua lỗ hổng quen thuộc.
Tất nhiên Lọ Nồi biết nó làm mọi cách sổng ra ngoài để làm gì và để đi đâu nhưng nó không hề vội vàng. Nó biết nàng Đeo Nơ không có trong vườn vào giờ này. Nó quyết định đi đến đó cũng không phải để gặp nàng.
Có một điều gì đó thôi thúc nó lần bước đến vườn nhà bà Tươi. Dù sao thì với chú heo mới lớn, khu vườn đó vẫn là nơi đánh thức trong nó những cảm xúc mới lạ cho dù không phải cảm xúc nào cũng gắn liền với sự dễ chịu. Mỗi lần nghĩ đến nàng Đeo Nơ, Lọ Nồi thường quên bẵng những phiền muộn mà nàng đemđể đắm mình trong tâm trạng êm đềm nhưng rồi lần nào cũng thế, một chốc sau nó lại nhanh chóng bị những câu nói vô tình của nàng đuổi kịp và thế là nó lại rên lên.
Nhưng Lọ Nồi không hề hối tiếc vì đã gặp nàng Đeo Nơ. Nó không muốn đánh đổi bất cứ điều gì để trở lại làm con heo vô tư như thằng Đuôi Xoăn. Một hạt mầm đã nảy ra trong lòng nó, đang lớn lên theo từng giờ và nó không thể làm ra vẻ lòng mình vẫn còn là miếng đất hoang.
Hương đồng nội quấn quít quanh chú heo con. Nó lần đi trong hương tháng tám vừa lắng tai nghe lũ dế kéo đàn trong cỏ, chẳng mấy chốc đã đến chân rào nhà bà Tươi.
Kỷ niệm dẫn nó đến chỗ trước đây nó lần đầu gặp nàng Đeo Nơ, cạnh bụi dâm bụt nơi nó thường nhai lá để che giấu tâm trạng bối rối.
Lọ Nồi bâng khuâng gieo mình xuống cạnh chân rào. Nó nằm thế thôi, chẳng để làm gì, ngoài chuyện thu xếp các ý nghĩ làm sao để đừng thấy đời quá buồn.
Chốc chốc, nó ngẩng đầu nhìn qua hàng giậu, vừa mong vừa không mong nhìn thấy nàng Đeo Nơ.
Nó ngẩng đầu lần thứ mười thì chợt nghe có tiếng rì rầm.
Tai nó lập tức dỏng lên và tim nó như ngừng đập.
Nó bấu chân xuống cỏ, cố ngăn một cú nhào lộn phấn khích theo kiểu heo.
Đầu óc rối bời, Lọ Nồi không có đủ thì giờ để ngạc nhiên về bản thân. Chỉ thoạt nghe tiếng nàng Đeo Nơ, nó đã lập tức đánh mất chính mình, đã quên phắt mình đến đây làm gì.
Tiếng thì thầm lại vang lên và lần này Lọ Nồi sửng sốt nhận ra giọng nói đó phát ra từ bên ngoài hàng rào.
Không phải nàng! Nó bần thần nhủ, và tò mò ngoảnh nhìn lại phía sau.
Cách nó chừng vài mét có ba bóng đen đang chụm đầu vào nhau.
Lọ Nồi thắc mắc quá. Nó nhổm dậy và thận trọng tiến về phía bọn người lạ.
- Trong nhà này chỉ có hai vợ chồng và một con nhóc à.
- Vậy tụi mình vào đi!
- Tối nay không được. Dắt bốn con bò ra khỏi nhà không phải dễ. Phải chuẩn bị đầy đủ rọ mõm và dây thừng đã.
- Tối mai tụi mình tập trung tại đây. Cũng giờ này.
Những lời bàn bạc rất khẽ nhưng khi lọt vào tai Lọ Nồi bỗng oang oang như phát ra trong một căn phòng kín.
Lọ Nồi thấy bụng quặn lại, chưa biết phải làm gì, một người trong bọn đã kêu lên:
- Ồ, có con gì kìa?
Như bị một phát đạn sượt qua tai, Lọ Nồi hấp tấp quay mình chạy.
- Một con heo con.
- Bắt lấy nó!
- May quá! Một bữa chén ngon lành đây rồi!
Bọn người lạ háo hức đuổi theo con heo con, bằng cả giọng nói lẫn tiếng chân.
Ở phía trước, Lọ Nồi sợ muốn són ra quần (tất nhiên nếu nó có mặc quần). Bốn chân nó khua gấp gáp, chân này chạy đua với chân kia.
Đang nhắm mắt nhắm mũi phóng thục mạng, Lọ Nồi suýt ngả lăn ra cỏ khi va phải một con heo khác đang phóng ngược lại.
- Đứa nào thế? - Nó gầm gừ.
- Em đây! Để em chặn bọn họ lại cho!
Tiếng thằng Đuôi Xoăn vang lên, nó cũng đang lảo đảo vì tông phải thằng anh một cú quá mạng.
Không để Lọ Nồi kịp hỏi thêm, vừa gượng lại Đuôi Xoăn đã lấy trớn đâm bổ vào bọn người đang rượt đuổi.
Va phải chú heo, tên chạy trước lập tức ngã chúi xuống đất, chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra đã bị tên thứ hai ngã đè lên do vấp phải đồng bọn.
Tên thứ ba nhanh mắt né người qua một bên, định tự khen mình về tài lạng lách đã bật la oai oái:
- Ối, cái gì thế này!
Một mẩu quần, và hình như có cả một mẩu mông của hắn vừa bị con Mõm Ngắn đớp cho một phát.
Con Mõm Ngắn mõm ngắn nhưng nanh không ngắn. Tên trộm vừa rối rít khua tay ra sau lưng vừa nhẠtưng tưng, giằng co cả buổi mới rút được mông mình ra khỏi cú ngoạm của chú cún.
Lọ Nồi không tham gia vào cuộc chiến. Nó cứ đứng đực ra, đầu hết quay bên này lại ngoảnh bên kia.
Ngay cả khi ba tên trộm đã vắt giò lên cổ chạy biến vào bóng tối, nó dường như vẫn chưa hết ngẩn ngơ.
34
Thằng Mõm Ngắn là đứa đầu tiên phát hiện ra hành tung của Lọ Nồi.
Mõm Ngắn từ khi được sinh ra đã quen ngủ ngày. Ban đêm nó tỉnh như sáo. Ngay từ cú húc đầu tiên của Lọ Nồi vào cọc rào, Mõm Ngắn đã biết. Nó chỉ không biết sư phụ nó chuồn ra ngoài làm gì vào lúc đêm hôm khuya khoắt như thế này nhưng nó không dám hỏi, cũng không dám tự tiện bám theo.
Nó lần mò về phía bụi chuối ở góc vườn, nơi thằng Đuôi Xoăn đang nằm.
- Thầy ơi, thầy! – Nó rụt rè kêu lên.
Đuôi Xoăn đang buồn ngủ, biết thằng Mõm Ngắn gọi mình nhưng nó vờ như không nghe thấy.
- Thầy ơi!
Mõm Ngắn lại kêu, cao giọng hơn một chút.
Thằng Đuôi Xoăn tiếp tục làm thinh, cũng chẳng nhúc nhích, như thể thỉnh thoảng nó vẫn điếc đột xuất.
Chú cún liếm mép, khụt khịt mũi, rồi lại liếm mép, vẻ phân vân. Chuyện khác thì nó không dám làm kinh động thầy nó, nhưng chuyện này thì lạ lùng quá. Nó ngước mắt nhìn lên bầu trời sao, ngần ngừ một lát rồi quyết định thử kêu thật to.
Mõm Ngắn chẳng lạ gì tính khí cộc cằn của Đuôi Xoăn. Vì thế nó cố tìm mẫu câu lịch sự nhất để nhỡ Đuôi Xoăn có bực mình nó cũng có cách chống chế.
Nó kề mõm vào sát tai Đuôi Xoăn, gân cổ hét lớn – rất giống cách ca sĩ vẫn dùng để thử mi-cờ-rô:
- Un gô gô!
Thằng Đuôi Xoăn tất nhiên biết rõ tên đệ tử đang lảng vảng bên cạnh tìm cách đánh thức mình nhưng nó không nghĩ thằng này lại làm trò điên điên như thế.
Đuôi Xoăn có cảm giác trời đang sập xuống đầu. Tai ù như xay thóc, nó nhảy bắn một phát lên không.
- “Chúc ngủ ngon” cái đầu mày!
Đuôi Xoăn giận dữ mắng khi đang lơ lửng trên không. Và khi rớt xuống đất thì không còn là mắng nữa. Nó giơ chân trước đạp lên đầu thằng cún thật mạnh, giọng bốc khói:
- Mày điên hả, thằng kia?
Mõm Ngắn sợ hãi thụt lui một bước để phòng cú đánh thứ hai.
- Dạ, em… em… chúc thầy ngủ ngon mà. – Nó đưa chân xoa đầu, ấp úng thanh minh.
Đuôi Xoăn thở phì phì:
- Ta đang ngủ ngon mà chúc ngủ ngon cái con khỉ gì! Trò làm ta mất ngủ thì có! Thật tức chết với thằng cún này!
Đuôi Xoăn không biết mình rơi vào bẫy của tên đệ tử. Khi Mõm Ngắn thấp giọng nói cho nó biết thằng Lọ Nồi đã chuồn ra khỏi khu vườn và đang đi lang thang bên ngoài đồng cỏ thì Đuôi Xoăn há hốc mõm, cơn giận thình lình trôi tuột đâu mất:
- Trò nói thật không đó?
- Chính mắt em trông thấy mà.
Một phút sau, hai thầy trò đã ở cạnh chân rào.
Đuôi Xoăn nhìn chiếc cọc nằm lăn lóc trên cỏ, ngơ ngác:
- Lọ Nồi ra ngoài giờ này làm gì nhỉ?
35
- Thế anh ra ngoài làm gì?
Đuôi Xoăn giương mắt hỏi Lọ Nồi, sau khi đã thuật cho thằng này nghe tại sao nó và Mõm Ngắn có mặt ở cánh đồng đúng lúc Lọ Nồi bị bọn người lạ rượt bắt.
- Làm gì à?
Lọ Nồi bối rối hỏi lại, thực ra là tìm cách kéo dài thời gian để nghĩ cách giải thích thế nào cho lọt tai thằng Đuôi Xoăn và thằng Mõm Ngắn. Dĩ nhiên nó không thể thú thật nó lẻn ra khỏi vườn là vì nó nhớ nàng Đeo Nơ. Nếu nàng Đeo Nơ thích nó, nó cũng đã xấu hổ chín người. Đằng này nàng chẳng xem nó ra gì, nó càng không muốn hé môi.
- Ờ… ờ…
Sự lúng túng của Lọ Nồi làm hai đứa kia ngạc nhiên quá.
Thằng Mõm Ngắn tròn mắt:
- Làm gì mà thầy cũng không biết hả thầy?
Lọ Nồi khịt mũi:
- Sao lại không biết!
- Thế thầy làm gì ngoài đó?
Hình ảnh ba tên trộm chợt lóe lên trong óc Lọ Nồi.
- Ta đi rình trộm.
- Trộm à?
Thằng Đuôi Xoăn xuýt xoa. Rồi sực nhớ bọn người khi nãy, nó khẽ kêu lên:
- Ra bọn kia là bọn trộm?
- Thì đấy!
Mõm Ngắn tò mò:
- Bọn chúng định trộm gì trong nhà mình vậy thầy?
- Bọn chúng định trộm bò nhà hàng xóm.
Khi báo tin đó với cậu chủ vào sáng hôm sau, Lọ Nồi không thể diễn tả đầy đủ ý tứ như lúc nói với Đuôi Xoăn và Mõm Ngắn.
Mặc dù thằng Cu đã dịch thứ ngôn ngữ quái chiêu của bọn nhóc ra tiếng người, cuốn “sổ tay đàm thoại” đó vẫn còn thiếu khá nhiều từ. Các từ cụ thể như “bà Tươi”, “nhỏ Hà”, các từ trừu tượng như “nhớ nhung”, “tuyệt vọng”, có gan trời nhà ngôn ngữ học tên Cu mới dám đưa vào từ điển khi mà không chỉ mẹ nó, bà Hai Nhành ông Sáu Thơm mà cả làng (có khi cả nước nữa) đang rộ lên phong trào học thứ ngôn ngữ này.
Cho nên tin tức quan trọng kia, thằng Lọ Nồi chỉ có thể thông báo trong vỏn vẹn hai từ cậu chủ từng dạy nó: “bọn trộm” và “tối mai”.
- Cái gì? - Thằng Cu giật mình - Tối mai bọn trộm đến viếng nhà mình à?
Lọ Nồi ngúc ngoắc đầu.
- Không đúng à?
Lọ Nồi gục gặc đầu.
- Tao chẳng hiểu mày muốn nói gì cả!
Cái đầu thằng Lọ Nồi đứng yên, trông nó có vẻ khổ sở và bất lực.
Thằng Cu đăm đăm nhìn con heo con, ngờ ngợ một hồi rồi ngồi thụp xuống, gãi tay lên lưng nó, giọng vỗ về:
- Mày định nói gì nói lại tao nghe nào!
- Gô ăng ăng.
- Tao hiểu rồi. Bọn trộm.
- Gô chiếp chiếp.
- Ờ. Tối mai. Rồi sao nữa?
Lọ Nồi nghe câu hỏi nhưng không thể trả lời. Nó không đủ từ ngữ để diễn đạt.
Nó cứ đứng trơ ra, giương mắt nhìn cậu chủ và bứt rứt cào chân lên mặt đất.
Thằng Cu biết Lọ Nồi đánh hơi được bí mật gì đó, nhưng thông báo cụt ngủn của con heo con khiến nó ù ù cạc cạc. Trong nhiều phút, nó nhìn thằng Lọ Nồi như nhìn một dấu chấm hỏi, cố đoán xem sự thật đang nằm ở đâu dưới cái bớt đen kia.
Cứ thế, hai chủ tớ trân trối nhìn nhau, vẻ thăm dò như trong trò chơi giải câu đố: một bên cố đoán bên kia đố gì, một bên cố đoán bên kia sắp giải câu đố được chưa.
Mười phút nữa trôi qua, và thằng Cu chấp nhận là người thua cuộc. Nó giơ hai tay lên trời, giọng đầu hàng:
- Chịu. Mày cứ im im thế này có tài thánh tao cũng không thể biết được tối mai bọn trộm sẽ làm gì!
Vừa nói nó vừa uể oải đứng lên.
Lọ Nồi thấy tim mình đột ngột thắt lại. Việc ý nghĩa đầu tiên nó có thể làm trong đời bỗng hóa thành công cốc. Nhà bà Tươi sắp gặp tai họa thế mà nó không có cách gì báo động cho mọi người biết. Ngôi nhà đó lại đặc biệt hơn bất cứ ngôi nhà nào khác: Nàng Đeo Nơ của nó ở đó, cô bé Hà của cậu chủ nó cũng ở đó. Bọn trộm xộc vào đó có khác nào xộc vào nhà chủ tớ nó. Ờ, có khác chút xíu nào đâu!
Chán chường, thất vọng, tức tối, Lọ Nồi ngẩng đầu lên trời, và từ mõm nó tuôn ra một tràn ấm ức:
- Gố gồ… gồ un… ủn gô… ô… ô… ô…
Lọ Nồi không hiểu tại sao mình lại buột ra câu đó. Đối với nó, đó chỉ là một tiếng rên, hoàn toàn vô thức, bật ra từ nỗi tuyệt vọng - như đã từng xảy ra bên bờ suối hôm nào.
“Thế là… tình ta… vỡ tan…n… n… n…”, thằng Cu lẩm bẩm, vừa đứng lên đã vội ngồi xuống. Nó nhìn sững vào mặt con heo con, khẽ reo:
- À, tao biết rồi! Tối mai bọn trộm sẽ viếng nhà bà Tươi phải không?
Lọ Nồi không ngờ sự thể lại xoay ra như thế. Nó mừng quýnh, đầu gục gặc lia lịa.
Nó không chỉ gật đầu. Nó còn vẫy tai và ngoắt đuôi. Còn bốn cái chân nữa, nó cũng ráng hết sức để nhảy cỡn lên. Và nó nói:
- Chiếp chiếp gô!
“Chiếp chiếp gô” là “cảm ơn”, nhưng ai cũng hiểu trong hoàn cảnh eo hẹp về từ ngữ, “chiếp chiếp gô” có lúc cũng được dùng như là “đúng rồi”.
Lúc đó chính là lúc này.
36
Ông động vật hoang dã, ông du lịch và bà kế hoạch đầu tư tin rằng mình là những người đến sớm nhất trong ngày khai trương.
Nhưng khi cả ba xuất hiện trước cổng nhà bà Đỏ vào lúc trời còn tù mù, họ đã thấy ông thuế vụ và bà y tế đang đứng trò chuyện trong sân.
- Un un gô – gô un un! – Ông du lịch tiến về phía ông thuế vụ, gật đầu chào buổi sáng.
Ông thuế vụ toét miệng ra cười:
- Un un gô – gô un un!
Bà y tế thấy ông du lịch phớt lờ mình, cố nặn ra một câu để mọi người đừng quên bà ta đang đứng đó:
- Chiếp un un?
Ông du lịch chưa kịp trả lời mình khỏe hay không, bà kế hoạch đầu tư đã chen ngang:
- Hai vị đến sớm quá ha!
- Làm sao sớm bằng ông an ninh! – Bà y tế nhún vai, giọng nhuốm vẻ nhạo báng – Có cảm giác tối hôm qua ông ấy ngủ luôn tại đây hay sao ấy!
Ông động vật hoang dã ngoái đầu nhìn quanh:
- Ông ấy đâu?
- Chắc ông ta đang đi lòng vòng đâu đó.
Trước đó ba mươi phút thì ông an ninh đang đi lòng vòng quanh khu vườn thật. Nhưng lúc này thì ông đang đứng đối diện với thằng Cu ở vạt đậu bắp. Chính xác là ông bị thằng Cu chặn lại.
- Chú ơi. – Thằng Cu dè dặt nói, mắt dán vào khẩu súng bên hông người đối diện, ước gì mình cũng có một khẩu như thế để canh trộm.
- Có chuyện gì thế cháu bé? – Ông an ninh hơi ngạc nhiên.
Ánh mắt thằng Cu bò từ thắt lưng ông an ninh lên hàng ria mép đen nhánh:
- Tối mai bọn trộm sẽ vào nhà bà Tươi, chú à.
- Nhà bà Tươi á? – Ông an ninh kẽ nhướn mày.
Thằng Cu đoán ông an ninh không biết bà Tươi. Nó chỉ tay về phía đồng cỏ:
- Căn nhà ở cuối cánh đồng đó chú.
Ông an ninh quay đầu nhìn theo hướng chỉ của thằng Cu.
- Làm sao cháu biết tin này? – Ông quay lại, nheo mắt nhìn chú nhóc trước mặt.
- Thằng Lọ Nồi báo cho cháu biết.
- Thằng bé đó có ở đây không?
- Có. Để cháu gọi nó.
Thằng Cu lập tức khum tay lên miệng:
- Lọ Nồi ơi! Lọ Nồi à!
Ông an ninh biết con heo con, cũng như tất thảy các vật nuôi khác trong vườn nhà bà Đỏ. Ông chỉ không biết tên nó là Lọ Nồi. Cho nên khi thằng Lọ Nồi chạy lại, ông trợn mắt lên:
- Là con heo con này sao?
- Nó đó.
Ông an ninh không giấu vẻ nghi ngờ. Dĩ nhiên ông biết các vật nuôi trong khu vườn kỳ lạ này có thể trò chuyện với con người. Nhưng báo trộm là chuyện khác. Nó không đơn giản như “Chào buổi sáng” hay “Anh có khỏe không?”.
- Thế nó báo tin như thế nào?
Không đợi cậu chủ ra lệnh, thằng Lọ Nồi hăng hái ngoác mõm:
- Gô ăng ăng.
Ông an ninh nhìn thằng Cu:
- Ba từ đó có nghĩa là tối mai bọn trộm đột nhập vào nhà bà Tươi sao?
- Không. “Gô ăng ăng” là “bọn trộm”.
Nó vỗ tay lên đầu con heo con:
- Tiếp đi, mày!
- Gô chiếp chiếp.
Lần này không đợi ông an ninh hỏi, thăng Cu nhanh nhẩu phiên dịch:
- Nó muốn nói là “tối mai”.
Lọ Nồi đột nhiên thấy mình quan trọng hẳn. Đầy phấn khích, nó hào hứng ngân nga, không nghĩ có ngày mình lại thốt ra câu này một cách vui vẻ:
- Gố gồ… gồ un… ủn gô… ô… ô… ô…
Con heo con làm ông an ninh ngẩn ngơ. Ông quay sang thằng Cu, ngơ ngác hỏi, có thể thấy mũi ông dường như dài ra thêm một tấc:
- Nó hát bài gì à?
Thằng Cu bối rối đáp, cố để đừng đỏ mặt:
- Không… không… Câu luyến láy này có nghĩa… “đột nhập vào nhà bà Tươi”.
37
Chị Nái Sề, chị Mái Hoa và chị Vện rốt cuộc là những nhân vật nổi bật nhất trong buổi sáng hôm đó.
Khác với lũ nhóc, cả ba ý thức rất rõ những lợi ích mà thứ ngôn ngữ đặc biệt của chúng đem lại.
Trong khi lũ heo con, gà con, chó con vẫn chơi đùa một cách hồn nhiên, tất nhiên không giấu vẻ khoái trí trẻ con trước sự săn đón của khách du lịch và giới truyền thông thì các bà mẹ huy động tất cả vốn từ một cách có chủ ý nhằm giới thiệu như một thực đơn hấp dẫn dành cho đám đông.
Cả ba luôn cặp kè bên nhau, thoáng thấy bóng người đến gần là lập tức trổ tài đối đáp bằng những mẫu câu đã được âm thầm tập dượt từ trước đó nhiều ngày, không chỉ nội dung mà cả cách nhấn giọng, những quãng lặng, những đoạn ngân nga khiến cuộc trò chuyện bỗng véo von như phát ra từ một dàn nhạc giao hưởng.
Đèn flash chớp nháy, tiếng máy quay phim chạy rè rè được đệm bởi những tiếng “ồ”, “à”, “ối chao” của khán giả càng làm bà mẹ heo, bà mẹ chó, bà mẹ gà kích động, mỗi lúc một cao giọng, gây cảm giác dàn nhạc giao hưởng vừa bổ sung thêm nhiều nhạc cụ điện tử để chuyển qua trình diễn loại rock nặng vẫn được biết tới dưới tên heavy metal.
So với chị Nái Sề, chị Vện và chị Mái Hoa, một nhân vật cũng lăng xăng không kém trong ngày hôm đó là bà Hai Nhành. Bà đi tới đi lui giữa các con vật để trò chuyện với chúng, chạy qua chạy lại giữa vật và người để làm phiên dịch, nhân tiện dạy cho du khách vài câu đối thoại thông dụng, để ngay sau đó những người này mon men lại gần các con vật nuôi, sung sướng thực tập thứ ngôn ngữ độc đáo, sung sướng hơn nữa khi được các con vật niềm nở đáp trả.
Một đám mây tháng tám trĩu nước bay ngang khu vườn, rắc vài hạt mưa lên đám người bên dưới nhưng không đủ làm ướt sự hứng khởi của họ.
Cha con ông chủ tịch tỉnh cũng chen lấn trong đám đông, cứ mỗi lần con gà nói chuyện với con chó hay con chó nói chuyện với con heo, mặt thằng bé nở ra mười tám phân vuông, chân nhảy tưng tưng. Ông bố nhìn vẻ háo hức của thằng con, ông không nhảy nhót vì ông là người lớn, hơn nữa vì ông là chủ tịch của một tỉnh nhưng mặt ông rõ ràng nở ra gấp đôi thằng con, tức là ba mươi sáu phân vuông.
Bà Đỏ, như thường lệ chỉ đứng trong kẹt cửa nhìn ra. Tất nhiên chân bà trong nhà nhưng tâm trí bà đang ở ngoài vườn. Bà đứng một chỗ nhưng bà thấy hết, những cành non bị uốn cong trong gió, bụi nước trong không trung, máy chụp hình và máy quay phim của nhà báo và du khách, cả những chiếc vé trong túi của đám đông bằng cách nào đó bà cũng thấy. Và bà lầm rầm tạ ơn.
Thằng Cu sau khi gặp ông an ninh vẫn lảng vảng trong vườn lúc đầu ngày nhưng khi thoáng thấy con bé Hà xuất hiện trước cổng, lòng nó lập tức chùng xuống và nó nhanh chân trốn biệt.
Lúc đầu nó tính vùi nỗi buồn vào đống rơm trước chuồng heo, nhưng sợ con bé bắt gặp, nó chạy vào nhà chôn mình trong góc bếp. Nó ngồi thu lu trên chiếc ghế con, hai tay ôm đầu, cặp mắt thẫn thờ nhìn đống chén đũa, ly tách, bát đĩa, nồi niêu, dao thớt ngổn ngang trước mắt, tự nghĩ nên làm gì trong lúc này, nên làm chảy máu mình bằng cách ôn lại những câu nói xé lòng của nhỏ Hà như mặt thớt ôn lại từng nhát dao hay nên chạy ra vườn tròng vào mặt vẻ tươi tỉnh của tên lừa đảo Frank Abagnale trong bộ phim Đố mày bắt được tao nó vừa xem trên ti vi.
Trong khi thằng Cu đang phân vân giữa hai lựa chọn, và có vẻ nghiêng về lựa chọn thứ hai khi loay hoay chuyển tên bộ phim thành Đố mày làm tao buồn, nó chợt giật bắn mình khi nghe tiếng mẹ nó oang oang:
- Cu ơi! Cu à! Mày đang ở đâu vậy, con?
Mẹ nó tuy đứng chỗ cửa, nhưng bà gọi vọng ra ngoài bằng giọng vang rền thế kia chẳng khác nào bà muốn giết nó lần nữa khi thể nào con bé Hà kiêu kỳ kia cũng không bỏ lỡ cơ hội chế nhạo nó.
Thằng Cu rầu rĩ nghĩ và lần này nó không buồn ôm đầu nữa. Chú bé mới lớn chán nản thả tay cho cái đầu rơi xuống và ở tư thế cằm tì vào xương ức đó, nó bỗng giống thằng Lọ Nồi kinh khủng khi một chuỗi rền rĩ từ ngực nó phát ra, nghe giật cục như một dãy nút áo thình lình bị bục:
- Gố gồ… gồ un… ủn gô… ô… ô… ô…
Trong hoàn cảnh này, chắc chắn câu đó không có nghĩa “đột nhập vào nhà bà Tươi” như cách đây mấy tiếng nữa.
38
Lịch sử ngành truyền thông hoàn toàn có thể chọn ngày hôm sau ngày khai trương khu du lịch nhà bà Đỏ để ghi tên vào sách Guinness.
Từ bốn giờ sáng, độc giả đã xếp hàng dày đặc trước các sạp báo, hầu hết cầm bánh mì trên tay để ăn sáng trong khi đợi đến lượt mình. Cho đến tám giờ sáng, khi lượng báo phát hành đã tăng gấp năm lần so với ngày thường, máy in vẫn sầm sập chạy. Ở bên ngoài, bất chấp trẻ bán báo đã bắt đầu nâng giá vô tội vạ, báo vẫn thiếu trầm trọng.
Nhiều người rời khỏi hàng để càn quét những tờ báo hiếm hoi được rao với giá trên trời dọc phố. Cảnh độc giả hùng hục săn báo chẳng khác gì cảnh cao bồi Texas săn vàng, chỉ thiếu mỗi màn rút súng ra để khử nhau.
Lần đầu tiên, chương trình buổi sáng của đài truyền hình được khán giả náo nức chờ đợi. Trong các khu xóm, các thị tứ, ở các cơ quan, bệnh viện, trường học, trại giam, người người bu quanh ti vi để xem các thước phim tường thuật về những con vật nuôi kỳ lạ. Bảo vệ được đóng cổng trễ, nhân viên được giải quyết hồ sơ trễ, bác sĩ được khám bệnh trễ, trẻ em được phép học trễ, tù nhân được đi lao động trễ: thế giới như ngừng lại và bị nén thành hình chữ nhật khi tất cả ánh mắt đều bị đóng khung trong màn ảnh truyền hình.
Heo hỏi han gà, gà cãi nhau với chó, chó tâm sự với heo, hiện tượng đó còn kinh khủng hơn là con này nói tiếng con kia. Chưa dừng lại ở đó, bằng thứ ngôn ngữ độc đáo và khả năng vận dụng ngôn ngữ thiên tài, con người và con vật đã có thể trò chuyện với nhau.
Ranh giới giữa các loài bị xóa nhòa. Nhiều người bắt đầu lý luận về ngôn ngữ bằng cách lý luận về Thượng Đế. Các nhà phân tích chính trị vịn vào đó để hâm nóng chủ đề hòa hợp hòa giải. Các triết gia thì rưng rưng cày xới lại thuyết nhất nguyên. Vạn vật có vẻ sắp sửa quy về một mối. Các nhà xuất bản giỏi nắm bắt thời cơ chuẩn bị in lại Kinh Vệ Đà với số ấn bản lên tới hàng vạn.
Đến khi chương trình phóng sự về khu du lịch nhà bà Đỏ đột ngột ngưng lại giữa chừng để ông chủ tịch tỉnh thông báo các chiến sĩ an ninh đã bắt được một bọn trộm bò vào tối hôm qua nhờ sự báo tin kịp thời của chú heo Lọ Nồi thì quanh các ti vi đất dưới chỗ ngồi của khán giả giống như thình lình bị sụt lở.
Âm thanh bắt đầu hỗn loạn và chuẩn bị vượt ngưỡng 100 decibel do những tiếng hò reo, tiếng hú hét, tiếng gõ bàn, tiếng nhịp chân nổ ra cùng lúc. Nhiều người chảy nước mắt vì xúc động, không ít người ngất đi vì hưng phấn quá mức.
“Lọ Nồi – thằng Cu – ông an ninh”, dường như thông tin đó đã được cô xướng ngôn viên trẻ trung kể lại lưu loát, rành rọt, thêm mắm vào những chỗ thiếu muối và thêm muối và những chỗ thiếu mắm, khiến câu chuyện bắt trộm ở nhà bà Tươi hấp dẫn và kịch tính hơn cả tiểu thuyết trinh thám do Conan Doyle và Agatha Christie cùng chấp bút.
Bà Đỏ dĩ nhiên không biết gì cho đến khi ông chủ tịch xuất hiện trên truyền hình. Nếu thằng Cu không kịp đỡ lưng mẹ thì bà đã rất giống con tàu bị cơn bão cảm xúc đánh đắm trước khi bà kịp nhớ đến chuyện cầu nguyện.
Thằng Cu nhận ra đầu óc mình đang trống rỗng. Thế giới trong lòng nó lúc này giống như trái cam được bổ đôi: tất cả những gì liên quan đến nhà bà Tươi đều chia tâm trí nó ra làm hai. Nó không biết phải hướng cảm xúc của mình vào đâu, rằng nên bắt đầu vui hay nên tiếp tục buồn.
Trong tâm trạng lơ lơ lửng lửng đó, nó ngẩn ngơ nhìn ông chủ tịch, ngạc nhiên thấy đầu ông ít hói và nhọn hơi trước. Có lẽ tối hôm qua ông ăn được và ngủ được, nó nghĩ thế và lại nhìn cô xướng ngôn viên vừa thế chỗ ông chủ tịch trên màn hình, tin rằng không ai duyên dáng và xinh đẹp hơn cô.
Nhưng đến khi phát hiện cô có nét phảng phất con bé Hà thì nó bỏ đi ra cửa.
Ở ngoài vườn, nắng lên tươi thắm.
Có tiếng gió đập sàn sạt trên giàn su su khiến nó ngước lê 8000 n. Những trái su su được mặt trời sưởi ấm đã thôi ngái ngủ, đang rủ nhau chơi trò xích đu. Nó đưa mắt mân mê trái su su gần nhất, thích thú thấy rõ cả mớ gai tơ. Nhìn một hồi, nó có cảm giác trái su su đang nhìn lại nó, thậm chí có vẻ đọc được cả tâm trạng của nó.
Thế là nó chột dạ ngoảnh mặt đi.
Đúng lúc đó nó nghe những tiếng lao xao.
39
Mười phút sau khi chương trình truyền hình kết thúc, các lối đi dẫn vào nhà bà Đỏ đã kín đặc người. Không còn chỗ chen chân, nhiều người lội cả xuống ruộng. Lúa gãy ngang và cỏ thì dập nát. Các tấm panô cắm dọc đường đổ sập. Quang cảnh rất giống một bầy bò điên xông vào làng.
Lần đầu tiên cảnh sát giao thông xuất hiện ở thôn quê để giữ trật tự. Ông an ninh, ông động vật hoang dã, ông du lịch và bà kế hoạch đầu tư họp ngay trong vườn nhà bà Đỏ, quyết định hủy toàn bộ vé cũ và in lại vé mới ngay trong buổi chiều. Để tránh tình trạng quá tải, vé mới sẽ định giờ, tham quan theo suất – giống như vé xem phim.
Khi thằng Cu ngoảnh đầu lại từ dưới giàn su su, đoàn người đã vào gần tới cổng.
Nó thấy bà Hai Nhành và ông Sáu Thơm gần như bị bẹp gí trong đám đông – những người vừa xô tới vừa gào:
- Lọ Nồi đâu? Chúng tôi muốn gặp Lọ Nồi!
Điệp khúc đó lặp đi lặp lại, oang oang như phát qua một bộ khuếch âm công suất lớn.
Thằng Cu tính chạy ra giúp bà Hai Nhành và ông Sáu Thơm thoát thân, đã vội đi giật lùi khi nhác thấy con bé Hà thấp thoáng trong đám đông.
Như một mũi tên, nó bay ngang sân và một phút sau đã biến mất khỏi đám cây lá.
Thằng Cu lại ngồi cô đơn trong góc bếp với mớ chén đũa, ly tách, bát đĩa, nồi niêu, dao thớt.
À, lần này nó không ở một mình.
Có một con chuột đang kiậ ăn đâu đây.
Thằng Cu nhặt một chiếc que, lom khom tiến lại nơi phát ra tiếng sột soạt. Nó quỳ trên hai đầu gối, khua khoắng chiếc que vào gầm chạn.
Một cái đầu thò ra – gần như ngay tức khắc. Cái đầu có một cái bớt đen trên mặt.
Thằng Cu đưa tay dụi mắt:
- Trời đất! Mày làm gì mà chui nhủi ở đây vậy hả, Lọ Nồi? Sao mày…
Tiếng nói rớt khỏi môi thằng Cu khi nó chợt nhớ ra nó cũng chẳng khá gì hơn con heo của mình. Cũng là thân phận của kẻ đi trốn cả thôi. Nó trốn con bé Hà. Còn thằng Lọ Nồi đi trốn đám đông.
- Bà con bình tĩnh, đừng làm các con vật hoảng sợ! – Từ ngoài sân vọng vào tiếng ông an ninh đang dẹp loạn. Thằng Cu nghe giọng ông vang vang, nó đoán tay ông đang cầm một chiếc loa – Tôi bảo đảm chú heo Lọ Nồi đang ở đây, ngay trong khu vườn này!
Trong một phút sau, làn sóng âm thanh của đám đông dịu đi sau lời hứa của ông an ninh, đã thôi vỗ bồm bộp vào tai người nghe.
- Đề nghị bà con xếp hàng trật tự. – Ông an ninh tiếp tục trấn an những cái đầu nóng – Trong năm phút nữa, ai cũng được nhìn thấy con heo Lọ Nồi, được chào hỏi nó, được vuốt ve nó, cả được chụp hình chung với nó…
Thằng Lọ Nồi rúm người lại khi nghe ông an ninh. Nó rục rịch định chui vào lại dưới gầm chạn nhưng thằng Cu đã kịp chộp lấy chân nó.
- Yên nào! – Thằng Cu lôi con heo con ra ngoài, nhẹ giọng vỗ về - Người ta không làm gì mày đâu! Người ta chỉ muốn chiêm ngưỡng mày thôi!
Thấy Lọ Nồi vẫn còn nhớn nhác, nó cào nhẹ lên lưng con heo con, mỉm cười:
- Sợ gì chứ! Nhờ mày mà ông an ninh bắt được trộm. Mày là một anh hùng, được bao nhiêu người ngưỡng mộ, tôn vinh. Bây giờ mày là một con heo vĩ đại. Vĩ đại hơn cả tao nữa!
Lọ Nồi không hiểu hết những lời lẽ của cậu chủ. Nhưng nó vẫn cảm nhận được nó đang được bao bọc trong vinh quang sau những gì nó đã làm.
Tim nó đập chậm lại và bốn chân nó đã bớt bồn chồn.
Nhưng gần như ngay lập tức tim nó lại đập như búa bổ và chân nó lại muốn nhảy bắn lên: Từ cửa bếp, ông an ninh và bà kế hoạch đầu tư đang lần lượt tiến vào. Nhưng nếu chỉ có thế, nó đã không phát hoảng đến vậy. Thập thò sau lưng hai người này là con bé Hà và sau lưng con bé Hà là kẻ mà nó chỉ miễn cưỡng gặp khi không còn ai trên đời để mà gặp nữa: nàng Đeo Nơ.
40
Như đã từng xảy ra nhiều lần trong đời, thằng Cu một lần nữa trông rất giống bản sao của thằng Lọ Nồi.
Nó đứng phắt dậy khi thấy ông an ninh và bà kế hoạch đầu tư, chưa kịp mở miệng chào quai hàm đã cứng đơ khi mái tóc ngắn của con bé Hà xát vào mặt nó.
- A, - ông an ninh reo lên – thì ra chú heo con này đang ở đây!
- Cả cháu bé này nữa, - bà kế hoạch đầu tư tiếp lời – sao cháu lại ở trong này?
Thằng Cu vẫn chưa phun được hạt táo vô hình chẹn ngang họng. Ánh mắt nó đi qua đi lại giữa bà kế hoạch đầu tư và ông an ninh, xẹt qua con bé Hà một tẹo, ửng mặt lên, rồi xẹt ngay lại, miệng ú ớ như kẻ đột ngột đánhơi hết vốn từ.
Người đánh thức nơron thần kinh điều khiển ngôn ngữ của thằng Cu rốt cuộc chính là kẻ đã khiến nó mắc chứng á khẩu.
- Anh Cu… - Nhỏ Hà len tới trước mặt ông an ninh, nhoẻn miệng cười – Tôi biết ơn anh và chú heo con của anh nhiều lắm đó.
Bà kế hoạch đầu tư phụ họa:
- Nếu không có hai chủ tớ nhà này, bầy bò của nhà con bé đã bị trộm khoắng sạch rồi.
Lần đầu tiên thằng Cu thấy nhỏ Hà nói được một câu tử tế, cũng lần đầu tiên nó thấy tên nó không đến nỗi quá khó nghe. Và khi con nhỏ này nói tiếp thì nó thấy không có ai trên đời tốt bằng nhỏ Hà, rằng con nhỏ này không hề kiêu kỳ chút xíu nào như nó tưởng:
- Tôi cũng xin lỗi anh về sự hiểu lầm hôm trước. Anh không hề nói dối tôi.
Trong khi thằng Cu ngẩn ra vì bất ngờ và vì sung sướng, nhỏ Hà đột ngột thò tay ra nắm tay nó, bất chấp ông an ninh và bà kế hoạch đầu tư đang nhìn chằm chằm, thỏ thẻ bằng giọng êm như gió:
- Anh đừng giận tôi nữa nhé, anh Cu!
Cử chỉ bất ngờ của cô bé khiến đầu cổ thằng Cu nóng ran. Nó không bao giờ ngờ có ngày nhỏ Hà cầm tay nó, ngay cả trong những giấc mơ táo bạo nhất. Nó có cảm giác nó đang đút tay vào ổ điện. Tay nó tê tê, giần giật và sức nóng lan từ các đầu ngón tay lên tận óc. Con gái thành phố dạn dĩ ghê! Nó nghĩ, và giống như đang bị điện giật thật, tay nó đờ ra như gỗ, nằm bất tỉnh trong tay nhỏ Hà. Nhưng giá như có thể cựa quậy được, nó vẫn muốn mãi mãi được chôn tay nó trong bàn tay êm ái đó.
Nhỏ Hà không nghe thằng Cu ừ hử gì, tưởng thằng này còn giận mình, lại nói (lại bạo dạn kiểu thành phố):
- Anh nói anh hết giận tôi, tôi mới buông tay anh ra.
- Nói đi chú bé! – Ông an ninh hắng giọng, nụ cười tinh quái thấp thoáng trôi qua hàng ria mép – Nói đi, rồi chúng ta ra ngoài kia! Hay chú mày không muốn cô bé thả tay ra!
Câu nói trêu của ông an ninh có giá trị ngang một cái véo tai.
- Ờ… ờ… tôi hết giận rồi! – Thằng Cu sực tỉnh, lắp bắp, thực ra nó định nói “Tôi có giận bạn hồi nào đâu” nhưng chợt nhớ mình quả có giận thật (không những giận mà còn định bới móc tật xấu của con nhỏ này cho bõ ghét) nó đành bối rối thú thật.
Nhỏ Hà buông tay chú nhóc, cười hì hì:
- Anh không giận tôi, mai mốt chú heo của anh lại đi lạc nữa, tôi hứa sẽ tìm phụ cho anh.
Nàng Đeo Nơ lặng lẽ chứng kiến màn làm hòa giữa cô chủ nhỏ và chú bé hàng xóm, đến lúc thấy mình không thể ra vẻ một nàng heo vô tâm được nữa.
Nó ngượng nghịu bước tới vài bước, nhìn Lọ Nồi bằng ánh mắt ngượng ngập và lí nhí bằng giọng ngượng ngùng:
- Bạn thật là tài giỏi…
41
Cũng như cậu chủ của mình trước đó ít phút, chú heo con nghe tai mình lùng bùng. Lần đầu tiên nó nghe nàng Đeo Nơ khen nó. Những sợi tơ buồn giăng giăng trong lòng nó bị lời khen và vẻ bẽn lẽn của nàng Đeo Nơ giật đứt từng khúc.
Nó nhìn rèm mi óng ả của nàng heo, bối rối:
- Chiếp chiếp gô…
- Không, mình phải cảm ơn bạn mới đúng. – Nàng Đeo Nơ vội vàng nói, bây giờ thì nàng đã hiểu được thứ ngôn ngữ kỳ lạ này.
Nàng vừa nói vừa nhích tới gần hơn, ngọ nguậy đầu làm chiếc nơ rung rung trông như một bông hoa vừa đi vừa nở.
Động tác duyên dáng của Đeo Nơ làm chú heo mới lớn nghe tim mình đập thình thịch. Nó càng muốn ngất khi nghe nàng dịu dàng hỏi, không, không phải hỏi – đó là tiếng suối róc rách chảy ra từ miệng nàng:
- Bạn có muốn kết bạn với mình không?
Nó hoàn toàn không tin cái tai nào trong hai cái tai mình. Trong đời thằng Lọ Nồi (bây giờ - sau này - mãi mãi - cho đến khi chết đi) nếu nó có thiết tha và sẵn lòng chờ đợi một điều gì thì đó chính là điều nó vừa nghe thấy. Mặc dù trọng lượng không nhẹ lắm, lúc này nó vẫn thấy mình đang lơ lửng trên mây.
Lọ Nồi đã định gật đầu, đến phút chót không hiểu sao nó vô cớ giận dỗi:
- Không!
Nàng Đeo Nơ tưởng như mặt đất đang chao đi. Nàng thốt nhiên bước lui một bước, bốn chân run lẩy bẩy và khóe mắt đã bắt đầu ngân ngấn nước.
Mặc dù ông an ninh, bà kế hoạch đầu tư và thằng Cu không hiểu nội dung cuộc đối đáp giữa hai đứa nó. Đeo Nơ vẫn thấy mình đang bị sự xấu hổ đóng đinh xuống đất. Rõ ràng nàng phải nghiến chặt răng để đừng bật ra một tiếng rên.
Lọ Nồi nhìn thấy hết, và nó bỗng nhận ra mình là con heo chẳng ra gì. Vẻ ngỡ ngàng và thất vọng của nàng heo yêu dấu làm nó nhói đau.
Lần này thì chính nó nhích về phía nàng Đeo Nơ.
- Tôi muốn kết bạn với bạn lắm đó. – Nó nói, liên tục thêm vào những tiếng khịt mũi để che giấu sự lúng túng – Nhưng bạn thì xinh đẹp, còn tôi… tôi…
Nó định nói “Mặt tôi giống như trang giấy bị vấy mực, trông bẩn bẩn thế nào” nhưng nó kịp nghĩ nhắc lại những nhận xét đó chẳng khác nào khép tội nàng heo, làm cho nàng đau khổ thêm lần nữa. Vì vậy mà nó cứ ngoắc ngứ, không làm sao nói được hết câu.
Đến lúc này thì nàng heo hiểu ra sự từ chối kết bạn của Lọ Nồi chỉ là sự giận dỗi.
- Mình lỡ lời thôi, chứ mình không có ý chê bạn xấu! – Đeo Nơ lật đật thanh minh – Hôm đó mình chỉ muốn tìm hiểu tại sao bạn có tên là Lọ Nồi…
Lọ Nồi biết nàng heo đang bào chữa, nhưng nó chẳng trách cứ nàng. Ngược lại, từng lời nói của nàng rót vào lòng nó như một loại thuốc giảm đau kỳ diệu. Nàng biết nàng có lỗi với nó, vậy là đủ rồi. Nó cũng chỉ cần thế thôi.
Nhưng nàng Đeo Nơ diễm lệ còn đi xa hơn thế. Nàng chớp rèm mi đẹp (chớp tới mấy cái liền) và cất cao giọng, không phải để chú heo nghe rõ mà để chế ngự sự thẹn thùng, nếu không nàng không đủ can đảm thốt ra những gì nàng nghĩ:
- Cái bớt đen trên mặt không che khuất được tài trí và tâm hồn tuyệt đẹp của bạn, Lọ Nồi à. Mình rất vinh hạnh được là bạn của bạn.
Thổ lộ xong rồi, bấy giờ nàng Đeo Nơ mới cảm thấy mắc cỡ (nàng là con gái mà), thế là nàng hấp tấp quay lưng chạy ra cửa.
Chú heo Lọ Nồi cần đến mười lăm giây để mật ngọt trong câu nói của nàng heo kịp ướp vào tâm hồn mình và mất thêm chừng đó thời gian nữa để cây hạnh phúc kịp trổ hoa trong lòng mình.
Tới giây thứ ba mươi mốt, giữa mật và hoa, Lọ Nồi ngước mõm lên trần nhà, và như các bạn đã từng thấy cách đây mấy chục trang, từ lồng ngực chú mới lớn bất thần nổ ra một tràn âm thanh dồn nén (lần này không phải phát ra từ nỗi tuyệt vọng nên nó giống tiếng reo hơn là tiếng rên):
- Un ún ủn… un gô… chiếp gồ… ồ… ồ…
Ông an ninh vừa mấp máy môi định bảo thằng Cu dẫn Lọ Nồi đi theo nàng Đeo Nơ, bỗng há hốc miệng trước hành vi kỳ lạ của chú heo con, hàng ria mép của ông liên tục động đậy như chính nó cũng vô cùng thắc mắc:
- Nó muốn nói gì thế, cậu bé?
Thằng Cu thoạt đầu định thú thật là câu đó chẳng có nghĩa gì hết. Nhưng nó chợt nhận thấy không có cơ hội nào tuyệt vời hơn lúc này để công khai một cách bí mật nỗi lòng thầm kín của mình với cháu bà Tươi. Thế là nó ranh mãnh đáp lời ông an ninh – nhưng mắt nó lại nhìn nhỏ Hà (tất nhiên không dám nhìn thẳng vào mắt, chỉ dám nhìn mái tóc thôi):
- À, nó nói “Tôi muốn ở… bên em… suốt đời… i… i…”.
Bà kế hoạch đầu tư suýt chút nữa ngã lăn ra nếu phút chót bà không kịp vịn tay vào vách bếp. Dù bận rộn chống đỡ thân người của mình, bà vẫn kịp bày tỏ sự ngạc nhiên:
- Hai con heo bé chừng này mà đã thích nhau á?
Ông an ninh thì cười muốn văng cả ria:
- Hà hà… Có gì đâu mà chị ngạc nhiên! Bọn trẻ bây giờ chúng lớn trước tuổi mà.
Thằng Cu không biết ông an ninh chỉ nói mấy con heo, hay gộp cả nó trong đó, vờ giấu mặt vào lưng thằng Lọ Nồi ra vẻ mình không nghe thấy gì, miệng rối rít giục:
- Ra ngoài lẹ đi, mày!
42
Thằng Mõm Ngắn nấp ngay trước cửa bếp. Lúc nãy, thừa lúc mẹ nó say sưa trình diễn trước du khách, nó tìm cách lẻn đi và vù vào đây. Nhưng nó chỉ đứng lấp ló ngoài cửa, không dám vào.
Vừa thấy thằng Lọ Nồi ló đầu ra, Mõm Ngắn nôn nóng chạy ngay lại:
- Thầy làm gì trong này lâu vậy thầy? Mọi người kiếm thầy quá trời!
Lọ Nồi vẫn chưa ra khỏi trạng thái lâng lâng. Nó nhìn tên đệ tử, ậm ừ bằng giọng của chàng trai đã yêu lần thứ tám:
- Nãy giờ ta bận giải quyết chuyện tình cảm!
- Chuyện tình cảm là chuyện gì hả thầy? – Chú cún ngây thơ liếm chiếc mũi ướt, mặt đực ra.
Lọ Nồi làm một động tác giống như là nhún vai và buông một câu giống như là nó lớn hơn thằng cún một thế hệ trong khi thực ra chưa biết đứa nào đẻ trước đứa nào:
- Ta có nói trò cũng không biết đâu. Khi nào lớn lên trò sẽ tự khắc hiểu.
Ở ngoài vườn, bà Hai Nhành và ông Sáu Thơm đang thao thao giảng bài cho du khách thứ ngôn ngữ độc đáo của các vật nuôi và giúp cho họ thực tập với chị Vện, chị Nái Sề và chị Mái Hoa. Thằng Đuôi Xoăn và lũ gà con chạy nhảy lơn tơn giữa các luống rau thỉnh thoảng cũng bị giáo sư Hai Nhành và giáo sư Sáu Thơm lôi vào để minh họa cho bài học.
Nhờ sa đà vào các tiết học ngoài trời đầy lý thú, đám đông tạm nguôi ngoai đề tài Lọ Nồi.
Khi ông an ninh dẫn đầu đám người và vật ra vườn thì khắp nơi đã tràn ngập những chiếp chiếp, gô gô, un un, quang cảnh chẳng khác mấy lễ hội ngôn ngữ quốc tế do Hiệp hội Linguafest’37 tổ chức hàng năm ở thành phố Tours bên xứ Phú Lãng Sa.
Một nhân viên mặc đồng phục cảnh sát chạy đến đưa chiếc loa cho ông an ninh và khi ông bắt đầu thông báo bằng giọng trịnh trọng sự có mặt của chú heo Lọ Nồi thì mọi cuộc thực tập ngôn ngữ lập tức dừng lại.
Trong vòng một phút, không biết chuyển động bằng cách nào, đám đông đã tạo thành một vòng rất tròn chung quanh bọn người mới xuất hiện.
Cả đống cái miệng nhao nhao:
- Lọ Nồi là con heo nào?
- Là con đeo nơ ư? – Một người nói khi nhìn thấy nàng Đeo Nơ không biết quay lại từ lúc nào và đang đứng cạnh thằng Lọ Nồi.
- Không phải đâu! Lọ Nồi chắc là con heo có bớt đen trên mặt.
Thằng Lọ Nồi lúc này đã hoàn toàn bình tĩnh. Một khi “sóng gió tình trường” đã trôi qua, con người (cũng như con heo – và tất tần tật các con vật khác) không còn thấy run sợ trước bất cứ điều gì trên đời nữa.
Như các bạn cũng đang đoán ra: Lọ Nồi lại phải trình bày cách thức nó đã báo tin cho thằng Cu về bọn trộm, lần này là trước lúc nhúc những đầu và cổ thay vì chỉ đối diện với ông an ninh như sáng hôm qua. Đủ loại máy ảnh và máy quay phim chĩa vào Lọ Nồi ngay từ khi nó xuất hiện, nhưng căn cứ vào thái độ ung dung của chú heo con có vẻ tất cả những điều đó chẳng phải là gánh nặng đối với nó.
Chú heo của chúng ta chẳng chút hồi hộp hay ngại ngùng. Khách hỏi đến đâu, nó đáp đến đấy, hùng hồn, trôi chảy, thỉnh thoảng liếc sang nàng Đeo Nơ để nở từng khúc ruột khi bắt gặp vẻ ngưỡng mộ ánh lên trong đôi mắt xinh đẹp của nàng.
Lần này, ông an ninh giành làm phiên dịch, gạt thằng Cu ra rìa. Trông ông phởn không kém gì thằng Lọ Nồi.
Nhưng thằng Cu không ghen tị với ông an ninh. Nó chỉ ghen tị với con heo con của mình. Nhìn thằng Lọ Nồi mắt liếc mày đưa với nàng Đeo Nơ, nó thấy mình còn kém con heo con của mình nhiều quá, và nó quyết khắc phục điều đó bằng cách rón rén đến bên cạnh con bé Hà nhưng mới nhích được vài bước nó lập tức dập tắt ngay ý định đó khi nhác thấy bà Tươi đang đứng bên ngoài vòng tròn nhón gót nhìn vô.
Đã thế, ngay sau lưng bà Tươi là mẹ nó. Mẹ nó không thường ra vườn trong những dịp thế này (chuyện đối ngoại toàn giao cho nó) nhưng lúc này thì bà đang có mặt chỗ đám đông, còn cao hơn đám đông một cái đầu mặc dù lúc bình thường bà thấp hơn mọi người một cái cổ.
Chắc chắn mẹ đang đứng trên một chiếc ghế cao! Để nhìn gì thế nhỉ? Hay là để xem mình có léng phéng gì với nhỏ Hà không? Thằng Cu nơm nớp nhủ bụng nhưng rồi nó tươi ngay nét mặt khi nghĩ đến những ngày sắp tới: nhỏ Hà đã hứa sẽ giúp nó tìm con heo đi lạc, có nghĩa là thằng Lọ Nồi sẽ có cơ hội đi lạc thêm nhiều lần nữa (mà thằng heo con này thì rất khoái trò đi lạc), tức là nó sẽ lại có dịp gặp gỡ nhỏ Hà, lần này chắc chắn cuộc trò chuyện bên trong và bên ngoài hàng rào sẽ dệt bằng toàn những lời thơ mộng. Và để cho sự thơ mộng thơ mộng hơn nữa, nó sẽ yêu cầu nhỏ Hà gọi nó bằng cái tên đi học, cương quyết không cho gọi cái tên ở nhà.
Trong khi bà Đỏ đứng trên cao nhìn xuống, thằng Cu đứng giữa vòng tròn nhìn ngang thì thằng Mõm Ngắn nằm bẹp dưới đất nhìn lên. Nó tò mò quan sát sư phụ nó, và khi thấy thằng Lọ Nồi cứ chốc chốc lại ngoảnh đầu liếc sang nàng Đeo Nơ, nó gật gù lẩm bẩm “Ra chuyện tình cảm tức là nhìn một ai đó rồi quay đi rồi quay lại nhìn rồi quay đi rồi quay lại nhìn rồi quay đi… đến chừng nào mỏi cổ thì thôi! Chán ngắt!”.
43
Câu chuyện này đến đây xem như đã được kể xong và cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay hoàn toàn có thể bỏ chung một túi với các cuốn sách dạng happy ending, tiếng Việt gọi là kết thúc có hậu, còn ngôn ngữ quái chiêu của các vật nuôi nhà bà Đỏ gọi là gì thì phải đợi thằng Cu và thằng Lọ Nồi nghĩ ra. Chuyện tình bé con (nếu có thể miễn cưỡng gọi đó là chuyện tình) của hai chủ tớ thằng Cu đã tìm thấy con đường để đi tiếp, còn đi như thế nào là chuyện của tụi nó, tác giả truyện này hứa sẽ bí mật theo dõi, nếu thấy gì hay hay thì rất sẵn lòng kể lại, tất nhiên là trong một dịp khác.
Còn bây giờ, trước khi các bạn khép lại cuốn sách, tác giả tin rằng có những điều cho dù tác giả không nói thì các bạn cũng có thể hình dung ra:
“Nếu có một nơi nào đó trên trái đất mỗi ngày là một ngày hội thì đó chỉ có thể là nhà bà Đỏ”.
“Nếu có một đứa con trai mười ba tuổi nào đó vừa trông nom vật nuôi vừa mong vật nuôi mỗi ngày đi lạc vài lần thì đó chỉ có thể là thằng con bà Đỏ”.
“Nếu có một con heo con nào đó “thích tạo ra những âm thanh khiến người khác giật mình và xem đó là trò vui” thì đó chỉ có thể là con heo con của bà Đỏ”.
Nhưng ở đây lại phát sinh vấn đề ngay từ nhà bà Đỏ: Lọ Nồi vẫn là một đứa trẻ (tụi Đuôi Xoăn, Mõm Ngắn và lũ chíp hôi nhà chị Mái Hoa chuyên hùa theo “đại ca” Lọ Nồi cũng là một lũ trẻ ham vui) cho nên không có gì đảm bảo một ngày nào đó tụi nó không chán thứ “âm thanh” này.
Chuyện này từng xảy ra với hiện tượng con này kêu tiếng con kia rồi.
Khác với suy nghĩ của các bậc phụ huynh Nái Sề, Vện và Mái Hoa, trong mắt bọn nhóc tất cả chỉ là trò chơi.
Thằng Cu – con người góp phần hoàn thiện trò chơi này cũng là một đứa trẻ con, và nó làm điều đó hoàn toàn do nghịch ngợm.
Nó không nghĩ đến hũ gạo như bà Đỏ, không nghĩ đến những cái két sắt như ông thuế vụ, ông du lịch, bà kế hoạch đầu tư hay bà y tế, cũng không nghĩ đến chuyện mở thêm đại lý phát hành như các nhà báo.
Do đó, nếu vào một ngày trời đột ngột trở gió, các vật nuôi nhà bà Đỏ bỗng trở lại là các vật nuôi bình thường, những tấm panô bị âm thầm tháo xuống và đường làng chợt vắng bóng người qua, các bạn cũng đừng lấy làm ngạc nhiên.
Và nhất là đừng thất vọng. Biết đâu, vào một ngày trở gió khác, thấy đời buồn như ao tù, tụi nó lại nghĩ ra một trò chơi mới và du khách lại có dịp nườm nượp kéo đến.
Xét cho cùng, những trò tinh quái của bọn nhóc tuy chưa đủ giúp người lớn trở thành triệu phú nhưng cũng đã kịp kể một câu chuyện khác về thế giới giàu có của trẻ con.
Trẻ con được quyền làm mọi thứ. Chúng được phép nói những câu kỳ quặc, và ngay lập tức được tán dương.
Người lớn thì khác. Người lớn nói năng như thế có khi lại gặp tai họa.
Như cuộc trò chuyện sau đây giữa ông an ninh và bà kế hoạch đầu tư vừa diễn ra trên đường làng, ngay cuối buổi chiều ngày du khách được diện kiến chú heo Lọ Nồi vĩ đại.
Sau khi hớn hở chia vui lẫn nhau về sự thành công ngoài sức tưởng tượng của hai ngày kinh doanh đầu tiên, ông an ninh và bà kế hoạch đầu tư cao hứng trò chuyện bằng thứ ngôn ngữ chiếp chiếp, gô gô, un un đang thịnh hành.
Đến lúc chia tay để lên ôtô đỗ trên đường liên tỉnh, ông an ninh nấn ná nói câu cuối cùng:
- Un gô gô!
Bà kế hoạch đầu tư tất nhiên vui vẻ cảm ơn lời chúc ngủ ngon của ông an ninh và bà lịch sự chúc lại:
- Chiếp chiếp gô. Un gô gô!
Cuộc đối thoại nếu kết thúc ở đây thì đời vẫn còn là màu hồng.
Đằng này ông an ninh vẫn còn hào hứng quá. Ông muốn nói thêm một câu nữa, nhưng bao nhiêu vốn ngoại ngữ đã dốc ra hết rồi. Hên làm sao (hay xui làm sao!), đôi môi ông chợt nhớ tới câu nói mới học được của thằng Lọ Nồi hồi sáng:
- Un ún ủn… un gô… chiếp gồ… ồ… ồ…
Ông chưa kịp nghĩ ngợi, câu nói đã phun ra. Nhớ được cái câu dài ngoằng đó đúng là quá tài, nhưng cuộc đời đôi khi vẫn có những tình huống tréo ngoe: trong trường hợp này thành công trong ngôn ngữ lại là thất bại trong giao tiếp, mặc dù ngôn ngữ được sinh ra là dùng để giao tiếp.
Sau khi khựng lại một giây vì bất ngờ, bà kế hoạch đầu tư chỉ tay vào mặt ông an ninh, tuôn một tràng như tát nước – bằng tiếng mẹ đẻ đàng hoàng:
- Tôi một chồng hai con rồi, ông đừng có lộn xộn!
Tất nhiên là ông an ninh đứng như trời trồng. Đến khi chiếc ôtô của bà kế hoạch đầu tư lăn bánh rồi, ông mới đưa tay lên cốc đầu mình một cái:
- Ngu ơi! Biết vậy khi nãy mình nói câu “Ăng gô gô” quách!
“CHÚC MỘT NGÀY TỐT LÀNH” là mẫu câu duy nhất mà ông an ninh chưa dùng, chỉ vì đó là câu chúc đầu ngày trong khi ông và bà kế hoạch đầu tư đang sóng bước trong ho 34d ng hôn. Giá như ông đừng khắt khe quá, cứ nói đại như bọn trẻ con thì vừa rồi ông đâu có sẩy miệng. Bọn trẻ trước khi đi ngủ, vẫn có thể hào hứng chúc nhau một ngày tốt lành, dẫu ngày hôm đó chỉ còn có một mẩu. Ờ, một mẩu có khi chừng ba mươi phút thôi nhưng nếu đó là một mẩu tốt lành thì cuộc sống vẫn vô cùng tươi đẹp.
Nếu ông an ninh có được một tâm thể hồn nhiên như vậy, có lẽ hôm nay ông đã có một ngày tốt lành trọn vẹn.
Chỉ tiếc ông đã là người lớn mất rồi.
Chợ Lớn, 23.1.2014
The end!