Chúng Đớp Đấy Chương 3

Chương 3
Chúng Đớp Đấy

Người quản quầy rượu lại đóng vai trò mình.

– Tôi mừng là ông cụ không nhận chai bia ông mời. Vào khoảng giờ này buổi tối, tôi bắt buộc không bán cho cụ nữa. Vì có lần cụ đã tính bỏ rượu.

Tallant đặt chai bia đã hết của mình tới trước:

– Hy vọng là tôi đã không làm cụ sợ.

– Sợ! Thôi được đúng là ông đã làm ông cụ sợ đấy. Làm sao mà cụ dám nhận mời uống bia của người đến từ ‘Nhà xưa Carker’ kia chứ. Theo mấy cụ đã ở đây lâu, uống như vậy là một trò cười.

Tallant cũng cười:

– Có phải nhà đó bị ma ám không?

– Không có chuyện ông mới nhắc là bị ma ám. Chẳng có con ma nào ở đó cả.

Ông ta lau mặt quầy bằng một nùi giẻ, như thể muốn bỏ đề tài này đi.

Ông trung sĩ phi hành bỏ chai cô ca xuống, lục túi tìm vài đồng bạc cắc. Ông bước sang chiếc máy bắn banh.

Cậu thanh niên trẻ nhoài lên cái ghế trống.

– Hy vọng già Jake không làm ông buồn.

Tallant cười vui:

– Tôi nghĩ rằng thành phố nào mà chẳng có những căn nhà hoang, được thêu dệt chuyện ma quái. Nhưng căn nhà ở đây lại hơi khác: không có ma, chúng lại đớp nữa. Anh có biết chuyện gì về nó không?

Cậu thanh niên nói ra vẻ quan trọng:

– Biết chút ít. Đủ để…

Tallant cố làm ra vẻ háo hức tò mò:

– Mời anh một chai và nói cho tôi nghe những gì anh biết.

Ông trung sĩ phi hành rủa cái máy đánh bạc một cách cay đắng.

Cậu thành niên nốc vài ngụm bia qua chòm râu, rồi bắt đầu:

– Sa mạc ở đây quá lớn, ông không thể ở đó một mình được đâu. Có bao giờ ông nhận thấy vậy không. Sa mạc trống lốc, trong tầm mắt chẳng có cái gì. Nhưng ở đó luôn có cái gì đó di động mà ta không thể thấy. Đó là một vật khô, tong teo và nâu, khi ông chú ý đi tìm lại không thấy. Ông đã thoáng thấy nó bao giờ chưa?

– Có thể là do thị giác mệt mỏi.

– Tôi biết là ông sẽ nói vậy. Mỗi người có cách giải thích cái chuyện hoang đường riêng. Chẳng có bộ lạc da đỏ nào không có những vật kỳ bí. Ông có nghe nói ‘Ma xó’ chưa? Vào thế kỷ hai mươi, người da trắng đến và cho là do mệt mỏi thần kinh thị giác, trông gà hóa cuốc. Nhưng vào thế kỷ mười chín thì có ‘ma xó’ thật. Còn có lũ Carkers nữa.

– Anh nói chuyện ma quái đó ở một địa phương nhất định.

– Cứ coi là vậy đi. Ông thoáng thấy vật nào đó trong trí óc giống như ông thoáng thấy những vật tong teo, khô đét qua khóe mắt. Ông đóng khung chúng vào một tình huống nhất định. Như vậy có gì tệ hại đâu. Điều đó người ta gọi là sự Mọc Lên Chuyện Truyền Thuyết, là ý thức Dân Gian Tác Động. Ông lấy chuyện lũ Carkers gắn vào với những sự vật ông không thấy rõ. Và chúng đớp.

Tallant không biết bộ râu của thanh niên này đã hút bia bao lâu rồi. Anh gợi chuyện:

– Và lũ Carkers là cái gì?

– Ông có nghe chuyện Sawney Bean ở Scotland chưa? Dưới trào James I hay James VI, tôi nghĩ tác giả truyện cổ Roughead lần này đã lầm. Hay lấy một ví dụ cận đại nhất. Ông có nghe chuyện Benders ở Kansas, thập niên 1870 chưa? Chưa phải không? Vậy thì có nghe chuyện Procrustes? Hay Polyphemus? Hay Freefifofum?

Có ba-bị, ông biết đó. Ba-bị không phải là hoang đường, chúng có thật. Một cãi lữ quán, cứ mười người khách vào thì chỉ có chín người ra. Một cái lán bằng gỗ trên núi để khách qua đường tránh tuyết; mùa xuân đến, tuyết tan, mới phát hiện xương của họ; một khúc đường vắng nhiều khách bộ hành chỉ đi được nữa đường… ông có thể tìm thấy những chuyện tương tự ở khắp nơi, ở khắp châu âu và rất nhiều trên đất nước này, trước khi có nhiều phương tiện đi lại, liên lạc như ngày nay. Một công việc đem lại rất nhiều lợi lộc. Nhưng không chỉ có lợi lộc đâu. Quán của bọn Benders kiếm được nhiều tiền thì hẳn rồi, nhưng tại sao chúng phải giết người cẩn thận tỉ mỉ như tên đồ tể (kosher) giết thịt theo đạo Do thái qui định. Sawney Bean cũng giết người, nhưng không để ý đến tiền, hắn chỉ cần có thêm thịt trong mùa Đông. Và ông thử nghĩ tới dịp may của ông có được trong một sa mạc.

– Vậy thì lũ Carkers mà anh nói tới là những ba-bị?

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t108561-chung-dop-day-chuong-3.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận