Chết Ngạt Trong Nhà kính Truyện 3

Truyện 3
Trở về với nàng

 

 

 

 

 

 

 

Reset

TRUYỆN NGẮN ĐÀM THÙY DƯƠNG

Trở về với nàng

1

Đó là lúc nàng gần anh nhất. Hay chỉ là nàng đang tự huyễn hoặc mình - như Nhật Thực. Mặt Trăng, Mặt Trời có bao giờ gần được với nhau. Tại con người tự ý vần xoay ý nghĩ để có cái xao động tâm óc, bớt nhàm chán. Nhưng nghĩ như vậy, cũng chẳng sao mà.

* * *

Anh mặc chiếc sơ mi trắng cách điệu, có phần thênh nhẹ như mây. Hôm nay mắt anh có vẻ hồn nhiên. Gương mặt ấy làm nàng nhớ đến cậu bé trong phim Ở nhà một mình láu lỉnh, ngây thơ, đắc chí.

Một bộ phim cũ, nên ai cũng muốn mình đã biết.

* * *

Nàng đang gần anh nhất. Anh đang giảng bài, nàng đứng bên ngoài căn phòng có anh, sát chỗ anh. Nếu như không có tấm kính sáng đục, nhăn nhúm nhó, có lẽ anh đã chạm vào nàng.

Vô ý thôi.

Không. Có lẽ là cố ý. Cố ý. Nàng mong như thế.

* * *

Nàng giả vờ tới sớm để đứng vào vị trí ấy. Nơi nàng biết anh cũng sẽ đến, đứng chỗ tấm kính, và quan trọng là tấm kính đang ởsát cạnh nàng. Nàng không dám cúi người xuống để tì vào ban công như thói quen của mình. Ai dám nói thói quen là thứ khó có thể thay đổi trong phút chốc. Nàng đứng thẳng, hai tay buông thõng, đôi giày cao gót giúp mắt nàng gần mắt anh, môi nàng gần môi anh, cánh tay nàng gần cánh tay anh, dù tấm kính kia có làm kẻ ngáng đường, thì hôm nay, nàng cũng thấy mình thật hạnh phúc.

Thấy như hơi thở của anh đang phả vào nàng, thấy như đôi môi anh đang chuyển động trên thân thể nàng.

Khi sát cạnh, Mặt Trời và Mặt Trăng có đốt cháy lẫn nhau không?

* * *

Nàng đã có chồng. Chồng nàng có những ngón tay gầy guộc, thân yêu và đắm đuối. Những móng tay được nàng cắt tỉa sạch sẽ, đơn giản, nhẹ tênh có lẽ cũng giúp chồng nàng đánh gục được nhiều cô gái khác. Trước khi hôn nàng, chồng nàng thường miết những ngón tay ấy ven theo bờ mi mỏng mảnh của nàng, nói để nó bớt đa tình. Nàng nghe tiếng rùng mình của gối, của chăn, của căn phòng thoảng nhẹ. Chồng nàng không biết về anh. Nàng nhét anh trong sâu thẳm của riêng nàng, như một chiếc rương xưa cũ, chỉ để gợi trí tò mò.

Nàng thì ưa những gì xưa cũ. Ưa kỳ lạ. Nàng ước chồng nàng giàu có, thật giàu có và nàng chỉ có mỗi việc ngồi ở ngôi nhà thênh thang đẹp đẽ, cố bóc từng lớp trầm tích đeo bám trên những thứ thuộc về nàng. Biết đâu nàng sẽ tìm thấy một con đường. Con đường ấy chỉ đủ cho một mình nàng. Chỉ có điều nàng chưa nghĩ ra nó sẽ dẫn nàng đi đến đâu. Chồng nàng thì không. Chồng nàng lại sợ những gì xưa cũ, dường như vì thế mà quá vô tư. Tình yêu, giữa vợ chồng nàng, đã cũ, nên nàng cứ tiếc nuối mãi, nàng muốn tình yêu ấy hóa thạch, không bao giờ muốn nó bỏ đi. Còn chồng nàng không nhận ra điều ấy. Có lẽ là không baogiờ.

* * *

Cô giáo của nàng thông báo bận từ buổi trước, nhưng nàng vờ không nghe thấy điều đó. Nàng chưa nghe thấy gì đâu đấy. Thật đấy. Đừng ai biết điều gì. Nàng đến lớp, sau khi khoác lên mình chiếc váy màu kem điểm đám hoa li ti màu tím bạc. Mùa thu nhìnnàng lạ lẫm, mùa thu thích lả lơi, man mác. Mùa thu không thích những gì quá sâu thẳm như đôi mắt nàng lúc này. Nàng vẫn đứng ở ban công ấy, chờ anh.

Anh đến, áo sơ mi màu tím nhạt. Nàng khẽ cười, nàng cảm thấy như anh đã cố ý chọn màu áo ấy, để mùa thu sẽ ghét anh, chỉcòn anh và nàng, chỉ còn anh và nàng chìm trong sâu thẳm của hai người. Nàng ra về, lớp học hôm nay được nghỉ. Nói nhỏ thôi. Bây giờ nàng mới biết điều đó.

* * *

Nàng lướt trên những con phố Hà Nội đậm mùi hương, liếc mắt vào tất cả các cửa hàng bán sơ mi nam rồi chọn mua một chiếc màu tím nhạt, giống hệt anh, và có lẽ rất đồng điệu với chiếc váy của nàng lúc này. Hà Nội có những căn nhà thật lạ, những căn nhà cũ nhưng lại kiêu hãnh quá mức nó cần có.

Chồng nàng ngoan ngoãn ướm thử chiếc áo, ngoan ngoãn để nàng cài từng hạt nút bé xíu như móng tay. Nếu chuyện gì trên đời này cũng có những chiếc nút xinh xắn nằm đúng chỗ thì hay biết mấy. Nàng tưởng chồng nàng như một đứa trẻ thơ, dễ bị người lớn dắt vào những câu chuyện cổ tích huyễn hoặc mà ở đó nó là chàng hoàng tử hào hoa nhất. Tiếc thay, nó không biết rằng nó chỉ là bản sao của chàng hoàng tử lịch lãm trong đêm dạ tiệc. Nàng liếc nhìn đêm thật nhanh, cố cất lại những suy nghĩ dột nát, ác tâm, nhưng không kịp nữa rồi.

Nàng nghĩ về một đêm tối như hằng tối, nàng sẽ đi, nàng sẽ đến, nàng sẽ tìm thấy chàng hoàng tử giữa hàng trăm người trong bữa tiệc.

* * *

Nàng vân vê chiếc áo bằng ánh mắt mình. Chiếc áo có hai đường xếp điệu đà chạy dọc thân. Chồng nàng cười, có lẽ đã lâu nàng mới có một cử chỉ đáng yêu với chồng đến thế. Sự đáng yêu giả tạo. Sự đáng yêu mù mờ. Nàng thấy chóng mặt. Chồng nàng vẫn cười. Đừng cười, hãy nói là không thích, hãy nói là màu tím quá buồn quá viển vông. Nàng sẽ ném nó đi, ném sâu thẳm của mình đi để dụi đầu vào ngực chồng nàng như một chú mèo con. Dù rằng nàng ghét mèo, loài động vật yếu ớt, nũng nịu, naitơ, nhưng lại tinh anh bóng tối hơn ai hết.

* * *

Nàng đến lớp học ngoại ngữ ấy thường xuyên và chuyên cần như một bé gái tám tuổi đến lớp tiểu học của mình, đơn giản như chỉ vì đó là mối quan tâm duy nhất của nó khi nó tám tuổi. Nàng quen với chú bảo vệ, với nữ tiếp tân, cả cầu thang, cả chiếc xe của anh, cả lớp học của anh, những học trò của anh, những người mà nàng nghĩ đến chính anh cũng không thể nào nhớ hết được. Đôi khi nàng không hiểu được mình đang làm gì, khóa học này kết thúc rồi nàng và anh sẽ đi về đâu?

Nàng sẽ học nữa, học tiếng Anh, rồi Trung, Nhật, Hàn... Cứ thế, cho đến khi nàng biết mình nên làm gì?

Anh là một giáo viên tận tụy, dù nét mặt linh lợi khiến nàng cảm thấy anh nên là một anh chàng phóng khoáng và đa tình, bốc đồng, liều lĩnh, như thế hình như nàng có nhiều thứ hơn để mong chờ. Có lúc anh cũng tới trước nàng, ngồi ở băng ghế chờ bọc da màu đỏ thẫm, chiếc ghế làm nàng tưởng đến phòng chờ ở sân bay, ở đó, có nghĩa là người ta sắp được đi và đến. Hay sắptrở về?

Và cũng có khi anh đã cười lúc nàng bước vào. Nụ cười khiến nàng chết trong day dứt chứ không phải là hạnh phúc như nàng đã nghĩ. Nàng muốn bóp nát những vì sao trên trời, để nó vụn ra như nàng, trước anh.

* * *

Nàng không bao giờ để chồng đưa đón khi đến trung tâm mỗi tối. Dù mỗi đêm đi trên đoạn đường đó, nàng tưởng mình sẽ chết bởi những mảnh sao vỡ. Nhưng nàng tự biết mình không có quyền đòi hỏi gì ở chồng hơn những cuộc ái ân, tiền bạc và cái vỏbọc bình yên, cũ nát đến khác lạ. Nàng không thể biến chồng nàng thành tòng phạm trong những cuộc hoan lạc tâm trí của riêng nàng. Với chồng, nàng lúc nào cũng mong manh và ngây thơ. Hình như chồng nàng có một đức tin rằng nàng sẽ không thay đổi, không bao giờ thay đổi. Nàng vẫn thích sơn hồng những ngón tay, vẫn thích yêu chồng bằng hàng mi dài cong chớp chớp cọ lên mũi, lên mắt, lên môi chồng. Nàng vẫn là một bé con hay sợ hãi kỳ lạ. Đôi khi cảm giác thương hại, hả hê, lén lút, đê mê đè nặng lên nàng.

Nàng chấp nhận.

Chấp nhận giận dỗi, như một người bất chợt gặp mưa vào sáng sớm, hờn mát ông trời cứ thế đội mưa, đi, đi, đi mãi...

2

Nàng chưa đến, nhưng có một tối như hằng tối.

Nàng đã trở về. Sau khi đi siêu thị với chồng nàng trở về. Nàng đã trở về. Thật sự. Còn nguyên xưa cũ.

* * *

Câu chuyện bà ngoại hay kể. Ông cố ngoại đã trở về sau khi chết một ngày. Người ta nói ông chưa đủ tuổi, kiểu như đi để xem một bộ phim rùng rợn, một bộ phim khiêu dâm nhưng chưa đủ tuổi. Chỉ đến được cổng, rồi phải quay về, nên đâu biết được sau đó là những gì. Nếu biết được, ông có đâu trở về. Và cho dù có trở về theo một nghĩa nào đó, ông đã không còn là ông nữa.

Nàng chưa đi. Nên. Nàng có đâu trở về, khi trở về, nàng có đâu là nàng nữa. Nàng phải hết xưa cũ rồi.

* * *

Là anh. Nàng đã thấy anh. Anh đang ở phía bên phải, song song với nàng, chỉ cách một dãy kệ chất đầy những gói bột nêm, bột ngọt, muối, đường, tiêu, ớt. Chỉ có thế thôi, nhưng làm sao nàng xuyên qua đó được. Nàng thậm chí còn không biết mình có muốn xuyên qua đó hay không. Không phải là tấm gương đục mờ ngăn cách thì lại là đây, là bột ngọt, là muối, là đường, là tiêu, là ớt, là hàng đống mùi vị trộn lẫn vào nhau, ép vào lưỡi, vào mắt, vào môi, vào cánh tay, vào kẽ móng. Dồn dập, cạn kiệt, chấpchoáng trong nàng, khiến nàng không thể biết được thực ra nàng đã nếm gì, ngửi gì, cái nào đến trước, cái nào đến sau, cái nào nàng cần, cái nào nàng ghét.

Nàng bỗng thấy muốn cười. Chuyện gì khiến nàng cần phải cười? Chỉ thấy mọi thứ thật vô lý. Tại sao lại là kệ hàng đó. Tại sao giữa nàng và anh lại là tiêu, ớt, bột ngọt, đường, muối?

Quá nhiều.

Quá vương vãi.

Nàng chỉ biết cuộn tất cả vào mình, bên phải, là anh, bên trái, chồng nàng. Bàn tay dịu khờ với từng món đồ, và nhẹ nhàng với từng mùi vị. Nàng bước qua ngọt, đắng, cay, mặn... Anh bước qua. Chồng nàng bước qua.

* * *

Là chiếc áo tím nhạt.

* * *

Là chiếc áo đó. Khi chồng nàng kéo nhẹ nàng qua khỏi kệ hàng, nàng đã thấy anh. Nàng đã thấy anh. Nàng đã thấy chiếc áo đó. Anh trong chiếc áo đó mới thực là của riêng nàng. Nhưng nàng thấy sợ. Ngay khoảnh khắc đó nàng biết chẳng có cái gì là củariêng nàng cả. Chính nàng cũng có lúc không của riêng nàng. Không biết nữa, cảm giác như từ trong sâu thẳm có một người từ mấy kiếp không gặp vừa bước ra chào hỏi. Anh phải không? Phải anh không? Áo tím nhạt. Chồng nàng

bên cạnh kìa. Áo tím nhạt. Ai là người từ lâu không gặp, chồng nàng, anh? Hay nàng lâu không gặp mình nữa.

Cảm giác. Lại là cảm giác, cuộc sống chỉ là sự nối tiếp của cảm giác. Nàng thấy mình vừa trở về sau cơn đau dài. Đau như thể bịrơi mất trái tim từ tòa nhà cao nhất thành phố. Lúc chạy xuống đến nơi thì ai đó đã đánh cắp rồi.

Không phải anh.

* * *

Chồng nàng không bao giờ là người hờ hững như nàng mong cầu, để mặc nàng được không? Trong lúc này.

* * *

Phòng tắm. Nàng vừa trở về đây. Nước xối xả như trả thù ngàn năm nàng vắng mặt. Nàng đóng cửa, với lấy chiếc áo tím nhạt, với lấy chiếc lưỡi lam trong dao cạo râu của chồng.

Từng nét, như vẽ. Từng nhát, như đâm. Từng đường, như đi. Bức tranh tơi tả như nơi nàng vừa từ đó trở về.

Nàng ước gì chồng nàng giàu có, thật giàu có. Nàng sẽ nhắc mình yên lặng trong phòng gỡ những lớp trầm tích để tìm lại nàng. Nàng mong manh và ngây thơ. Lúc nào cũng thế.

* * *

Đêm. Kỳ lạ không? Không có anh. Không có chồng nàng. Chiếc áo về một mình, dùng hai cánh tay, siết cổ nàng thật chặt.

Cuối tháng Chín năm Lẻ Tám

Đôi giày màu biển buồn

Tôi như bay trên cầu. Tôi không biết mình đang đi hay đang chạy về phía ấy, nơi ánh trăng đêm rằm nuốt dần mặt sông mù mờ ma quái. Tôi sợ mình không kịp mất. Không kịp cái gì chính tôi cũng không hiểu được. Đôi giày hình như còn nhanh hơn tôi. Đôigiày màu biển buồn, xanh lơ lớ, dải kim tuyến màu bạc viền hờ hững, có lúc lóe lên theo bước đi như nén nhang ai thắp gọi hồn.

Tôi không dựa vào thành cầu, đứng chơ vơ nhìn xuống bãi sông. Đêm và trăng dìu những đôi si nhau vào mộng mị. Trên bãi sông, đêm, trăng, ruồi, muỗi, rắn, rết, kim tiêm, bao cao su, mùi hôi thối, tình yêu, sự ham muốn... đứng chen chúc nhau không hề có ý nhân nhượng. Đừng kéo tôi vào đó. Đừng kéo tôi vào đó. Tiếng nói không thoát ra khỏi cuống họng. Trăng đã kịp bao phủ lên tôi thứ ánh sáng cà sa đậm đặc trơn tuột trên da thịt. Đứng lặng, muốn nhìn hay muốn tham gia vào trò chơi bóng tối ấy, tôi không rõ, chỉ biết đã đứng rất lâu. Tôi đang muốn tìm một cái gì. Mấy đôi non tơ như cánh bướm ngày càng gầy guộc leo lét dưới ánh nắng ơn huệ của mặt trời mê mải nắm tay nhau lần đầu, đôi mắt nghẹn ứ niềm tin. Mấy đôi không non tơ chưa nắm tay nhau lần nào cả, nhưng không cần, để làm gì? Tôi đang tìm gì? Đôi mắt lướt nhanh hơn đêm, không thấy, chỉ cảm nhận được chân hình như bốc hơi. Đôi giày màu biển buồn đang khóc.

* * *

Tôi bị sốt. Cơn sốt dìm tôi vào không gian bức bí ngạt thở mộng mị. Trong những cơn mê ngắn và dồn dập, tôi thấy tôi một mình trên cầu, chỉ một mình tôi thôi với đôi giày màu biển buồn. Tôi thấy con trai tôi trần truồng xám ngoét quơ mấy ngón tay nhỏ xíu trong không khí. Anh chưa kịp nắm lấy ngón tay máu mủ đó. Anh khóc những giọt nước mắt kỳ lạ buốt giá, đóng băng ngay sau khi tôi kịp nhìn thấy nó. Tôi thấy đêm lạnh lùng ăn nửa cơn mê, tối sầm, hun hút, bỗng chốc dải kim tuyến màu bạc lóe lên, kéo lê trên mặt sông thâm đen... Tôi thấy những bầu ngực trinh nguyên rơi lệ. Tôi thấy những ham muốn cười khả ố chế giễu niềm tin.Tôi thấy những xác người ướt sũng nhảy múa trong bóng tối. Hình như trăng không sáng. Hình như...

* * *

Hình như anh không đến. Chỉ có mẹ ngồi trong chiếc ghế bành màu vàng nâu cũ kỹ đưa đôi mắt hư vô nhìn qua cửa sổ vắt những thanh sắt im lìm. Mẹ trách tôi không nghe lời đi mua đôi giày đó. Mẹ đặc biệt kiêng kỵ việc mua đồ cũ. Tôi không hỏi tại sao. Đôi giày khép mắt dưới chân ghế bành. Nếu anh đến tôi sẽ nói với anh nó không phải là thủ phạm. Tại mấy hôm đêm nào tôi cũng đòi lên cầu bằng được đó thôi. Nhưng nếu anh hỏi để làm gì, nếu đôi mắt anh lại quét lên người tôi

từng đợt sóng dò xét, nếu anh thật sự muốn biết tôi lên đó làm gì, tôi cũng chỉ biết cụp mi để nước mắt rơi xuống dễ dàng hơn.Tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết tôi cần đi, chỉ biết tôi cần tìm... Chỉ biết đôi giày màu biển buồn có làm gì đâu? Hay nó cũng ốm,hay nó cũng khép mắt để cho mộng mị dìm chết, mấy đêm nay đêm nào nó cũng cùng tôi lên cầu.

* * *

Đêm mưa, tôi xỏ đôi giày màu biển vào. Rồi lên cầu. Như biết bao đêm như thế rồi, tôi bước theo đôi giày lên đó. Mẹ sẽ buồn nếutôi lại một mình hứng nỗi buồn tủi của bãi sông, nhưng tôi không cưỡng được. Đôi giày đưa tôi đi, tin hay không cũng được nhưng rõ ràng nó đang đưa tôi đi, đến nơi quen thuộc hằng đêm tôi vẫn đứng cô độc thả ánh nhìn lành lạnh xuống sông. Dừng lại đi. Dừng lại. Tôi mệt rồi, ngón tay rã từng sợi vân rơi phơ phất xuống cầu. Tôi sợ hãi. Tôi hoang mang. Đêm khóc những giọt lạnh giá trên vai, không có người mấy, hay chỉ tôi thôi cũng nên. Đôi giày ôm siết chân, màu xanh về càng thêm đêm tê buốt. Trước tôi ai đã ủ ấm đôi giày này, sao lại bán nó đi, sao ông trời khiến xui cho tôi mua được nó? Tôi không biết, không ai trả lời cho tôi biết, mặt sông gật gờ nổi những đốm bóng mưa rồi vụt mất trong giây lát. Mặt sông lắc đầu, đêm lắc đầu, mưa lắc đầu... Tôi lắc đầu. Tôi biết mỗi lần đứng trên cầu, ở vị trí này, đôi giày màu biển buồn đã khóc.

Đôi giày khựng lại, một khắc thôi, nhưng cũng đủ để day dứt trào lên cắn xé con tim mình. Đôi giày khựng lại như mắc nợ khi thấy mẹ. Mẹ tôi đó. Mẹ tôi đang lầm rầm những lời vô vọng trước bàn thờ. Con trai tôi. Bài vị không tên óng ánh. Tôi buồn cười, tôi cười, tôi giằng lấy những nén nhang trong tay mẹ. Mẹ làm gì? Không được thế. Không thể như thế. Con đã giết nó, con đã giếtnó mẹ còn cầu khấn nó làm gì? Con không nên đẻ nó ra, con không được đẻ nó ra, con không có quyền mà! Con làm vậy là đúng. Đúng mà mẹ. Mẹ khấn để nó phù hộ cho con, phù hộ cho ba nó quay về với con, hay phù hộ cho mấy đứa em nó sau nàykhông chết tức tưởi như nó. Để con quên nó đi! Để con quên! Quên hết đi!

Giống như anh đã quên.

* * *

Anh không đến. Dù anh có đến hay không thì anh vẫn là Thượng Đế. Anh biết vậy, nên không đến. Anh sợ cái nhìn của bàn thờ, anh đã nói thế, là ngụy biện, hay là anh day dứt thật, ông trời chắc cũng không biết, còn chính anh, thì tôi cố tin chính anh cũng không biết vì sao anh lại đối xử với tôi như một kẻ phụ phàng. Anh giận tôi. Đáng lẽ tôi không được cho con tôi chạm vào bầu hồ nghi tù đọng trong thế giới này, đáng lẽ tôi không được cho nó nghe những câu hát ru vờ mừng rỡ khi có nó, đáng lẽ tôi phải để cho nó chết trong tôi, để nó mãi mãi là một sinh linh trọn vẹn tinh khôi, không biết gì đến buồn và khóc. Nhưng tôi đã làm ngược lại mất rồi. Tôi đã sinh nó ra. Tôi đã khiến tiếng khóc chào đời của con trai tôi hoen ố. Con tôi giận tôi đi mất, và anh cũng giận tôi đi mất. Trường học của tôi, bạn bè sinh viên của tôi, giảng đường ngọt như ướp mật của tôi cũng đi. Đi mất.

* * *

Những cơn sốt triền miên nhét tôi vào dòng mê man vô tận. Anh không đến nữa, mẹ nói đừng chờ, có như mẹ chờ cả đời thì cũng chỉ như vậy thôi. Tôi chìm dần trong hình bóng ngày xưa đẹp đẽ rồ dại. Mẹ là gương, và tôi đâm đầu vào cái gương đó đến nát óc, gương cũng vỡ. Nếu được, tôi không muốn gương vỡ. Tôi đã cố gắng giữ cho gương không vỡ. Vì nó chỉ đứng soi những lỗi lầm của tôi cũng đã đau đớn lắm rồi. Tôi không làm được. Tôi có tội với mẹ, với con, may tôi không có ba, chứ không thì tôi lại mắc tội với một người nữa, tội tôi nặng lắm, qua hết cầu Nại Hà chắc gì đã được vơi đi?

* * *

Tôi bứt ra khỏi giường, người rã ra từng khúc, nhưng chân tôi buồn đi. Đôi giày màu biển buồn thở khó nhọc dưới chân ghế bành. Hai chúng tôi cùng lên cầu, nơi những đôi non tơ và không non tơ vẫn mê đắm nhau như mọi ngày. Tôi hơi lạnh. Gió từ đâu không biết làm những cuộc chạy đua trên da thịt tôi. Mắt tôi lướt trên màu thẫm đen của bãi sông. Dưới đó phải có một cái gì thuộc về tôi? Hay trong đời sống này tôi đã không còn gì cả? Nhưng đã bao giờ tôi có một cái gì đó thuộc về tôi chưa? Đã bao giờ tôi nắm được những cái gì mà tôi nghĩ nó là của mình chưa? Đã bao giờ chưa? Không, tôi không biết, không cần biết, ở dưới bãi sông phải có gì đó của tôi. Đôi mắt róc rách lòng tin, đôi tay mê muội, ruồi muỗi, mồ hôi, đêm... Đôi giày màu biển buồn khócdưới chân, là của tôi?

* * *

Mẹ đốt đôi giày màu biển buồn, nước mắt của nó không đủ để dập tắt những quầng lửa dịu dàng thâm độc, lừa dối người ta bằng vẻ ấm áp thân tình. Tôi ghét những thứ tương tự như thế, nhưng mọi thứ hình như đều như thế cả. Nhưng biết sao? Đôi giàykhóc kìa. Chiếc ghế bành điềm nhiên như nó vốn thế. Tay tôi buông thõng xuống thành giường, dẫu biết với không bao giờ tới,nhưng tôi không muốn đôi giày cháy đi, thành tro tàn, rồi tôi sẽ quên nó mất, rồi ai nhớ là đã từng có nó trong đời sống này? Trođôi giày mẹ đem rải xuống sông. Đúng cái nơi tôi lúc nào cũng cho rằng đứng ở đó nhìn xuống bãi sông là đẹp nhất. Đúng cái nơi tôi tưởng mình đã chết trong vòng vây của đêm, của bãi sông trần trụi, của vết thương điêu tàn sâu tận trong lòng. Khi đã hóa thân thành tro rồi nó vẫn màu biển buồn, vẫn lóe lên những tia sáng ma quái, vẫn khóc, vẫn khóc. Mặt sông buồn đón đợi. Gió đưa đôi giày về hóa thân thành sóng. Tay tôi lạnh, tay tôi đầm nước mắt, và tay tôi vô nghĩa khi thả nắm tro màu lơ lớ bay đi, bay đi để hòa vào đời sống.

Dưới bãi sông vẫn cảnh tượng đó. Tôi ơ thờ. Si mê rồ dại khờ khạo đó tôi cũng từng có, chẳng qua là cho đi hết rồi. Có giữ lại gì nữa đâu. Mà cũng cần gì nữa đâu. Bãi sông, non tơ, muỗi, ruồi, mùi hôi thối... đang ngắm nhìn tôi. Cũng thế thôi, chẳng gì hơn cả. Tôi thả xong nắm tro cuối cùng, bảo mẹ, về thôi. Còn bãi sông cứ ở lại. Cứ ở lại mà gặm nhấm dần bóng tối. Đêm xuống lâu rồi.

* * *

Mẹ nói tôi đã sốt hết chín ngày và lên cầu mười bốn lần. Đuôi mắt bà khẽ cựa quậy theo lời. Tôi không nhớ mấy, đôi giày màu biển buồn chết rồi, có ai biết tôi đã lên đó để làm gì nữa đâu. Mẹ

đưa cho tôi nén nhang, biểu thắp. Con khấn đi, khấn tạ ơn con trai con phù hộ. Tôi không dám cãi lời. Như vậy chắc là tội cũng nhẹ bớt. Bài vị khẳng khiu, điềm tĩnh. Con trai tôi. Chắc nó cũng muốn tôi nhẹ bớt.

* * *

Trong khắc chạm mặt sông, (...) bị thắt chặt. Vòng vây hối hận, ham muốn, tiếc nuối bỗng dưng siết (...) như trả đũa sự ơ thờ, vô cảm của (...) trước đời sống. (...) bỗng thấy không cam tâm, sao lại thế, (...) không tin đã không còn gì. Trước lúc bỏ đôi giày màu biển buồn lại trên cầu, (...) đã đứng suốt chiều nhìn bãi sông mà có thấy cần gì, muốn gì nữa đâu. Nhưng trong rơi, trong khắc chạm mặt sông đen ngòm, (...) muốn đôi giày màu biển buồn ấy giúp (...), làm gì cũng được, miễn là đừng dứt (...) ra khỏi đờisống này, đừng tuyệt giao, đừng ơ thờ. Nhưng (...) không còn nữa. Và đôi giày phải về. Vì (...) không thấy gì hơn nữa, mười bốn lần lên cầu, đứng đúng chỗ (...) gieo mình, (...) cũng không thấy gì hơn nữa, đủ rồi, vậy là đủ, tìm nữa, càng biết mình không cógì. Ngày thứ bốn bảy, (...) báo mộng cho người mẹ để lấy lại đôi giày màu biển buồn. Người mẹ tưởng (...) là đứa bé trai ngắn kiếp phù hộ cho cô gái trẻ. Cũng không sao. Hiểu lầm cũng không sao. Nó ngắn kiếp cũng không sao. Ở thế giới này, thực ra (...) đâu có gì, nó cũng đâu có gì? Đừng để nó tin rằng nó có gì, như (...) đã tin, như (...) đã không tin nữa.

Tháng 5/2008

Loài chim lạ

Hạnh thả những con chữ bình thản xuống tấm drap màu biển. Cô không trách Lân. Cô biết mình không có quyền gì để trách Lân càng không có quyền níu anh lại bên mình. Cô nhìn ra ngoài trời, tự nhiên thấy rất lạ khi trời cũng mang màu biển. Căn hộ chung cư lơ lửng, vẫn chỉ có loài chim lạ hót mãi mà không biết về đâu.

* * *

Đám bạn cười rúc rích khi Lân đến. Mày kiếm đâu ra thế? Đúng như mơ ước của bé nhỉ? Đẹp trai, có tiền, biết nấu ăn lại không cần cưới xin. Tài thật, tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi. Hạnh nghe chỉ cười nhẹ không tỏ thái độ gì. Lân tự đến với cô đơn giản như cái kiểu đến tuổi thì người ta không còn thích, không còn dám ào xuống biển để mong khám phá nơi ở của con gái Long Vương như cái thuở đôi mươi mười tám. Cô không biết như thế là tốt hay xấu. Cô đón nhận anh như đón nhận những rủi ro. Cái thái độ ngang bướng ơ hờ ấy, Lân luôn hằng mong sẽ thay đổi được ở Hạnh làm cô cảm thấy anh thật đáng yêu. Cô ngơ ngác nhìn ngắm trái tim mình, nó không khóc vì Lân đã bỏ cuộc. Nó lặng lẽ thở dài, hòa cùng tiếng hót của loài chim lạ.

Lân không phải là người buông thả, ngay từ lần gặp đầu cô đã hiểu điều đó mặc dù với nhiều người, Lân không thể đứng đắn được trong cái đám hào quang xung quanh mình. Anh đẹp trai và có tiền, chưa vợ. Riêng Hạnh cho rằng cũng không có gì lạ, đàn ông thường say mê với sự nghiệp, có khả năng thì cứ bay, thế có khi lại tốt. Rồi cô nghĩ thầm chắc lại thù ghét đàn bà. Mắt ướt thế kia thù dai lắm. Lân cười phá lên khi khám phá ra những suy nghĩ ấy nơi Hạnh. Cô mất mấy phút sững sờ nhận ra rằng cô đã đánh rơi vẻ bất cần lạnh lùng của mình vào những tiếng cười kia mất rồi. Hạnh thấy khó khăn vì phải chấp nhận sự thật ấy. Sự thật là cô đã bắt đầu thấy nhớ anh, thấy chờ đợi sms của anh, thấy thiếu vắng tiếng cười và đôi bàn tay anh. Hạnh đưa taylên ngực trái như muốn ngăn cản nó rung theo nhịp tiếng cười trong ấm làm cô bối rối. Hạnh cố gắng lắm mới chọn khuôn mặt im lặng cho mình, mỉm cười hài lòng với khuôn mặt của mình. Lân cũng cười, cười và nhìn cô như nhìn cô bé mười ba tuổi không hề biết buồn khi đi ngủ. Anh bảo chỉ tại chưa đến duyên đến số. Cô phì ra, bây giờ mà anh còn tin vào duyên số.

Phải tin chứ! Nếu không em nói xem mấy con chim kia vì đâu mà đến đây? Đến đúng nhà em nhé. Không phải ở cái khu chung cư này chỉ mình nhà em ở tầng thứ sáu cũng không phải chỉ mình nhà em sơn màu biển, có tấm drap màu biển đâu nhé. Hạnh nhìn anh lắc đầu, chịu không nói được. Thế ra đó là duyên số! Lân đến với cô chắc hẳn cũng là do cái duyên số ấy, muốn tránhcũng không

thể nào tránh được. Cô không thắc mắc nữa, mà thắc mắc cũng chẳng để làm gì. Loài chim lạ đến đây vì duyên số cứ hót cứ hót và mãi mãi vẫn không được gọi đúng tên.

* * *

Hạnh thu mình trên chiếc ghế mang màu của nắng ngày không có Lân. Tiếng nồi niêu chén bát từ căn hộ có người đàn bà luôn nhìn Hạnh dò xét như chưa bao giờ thấy phụ nữ độc thân cứ âm vang ngay bên cạnh, khiến cô muốn ngủ quên mãi trong bàn taybây giờ chỉ còn là tưởng tượng của Lân. Anh là người đầu tiên mang đến cho cô cảm giác cần che chở, cần dựa dẫm, như cần một người cha. Chỉ duy nhất, cái suy nghĩ điên rồ của anh rằng sẽ làm cô thay đổi, kéo cô trở về, ủ ấm cô trong hạnh phúc gia đình làm cô cảm thấy Lân thật khờ dại. Hạnh nhìn cái mong muốn đó của Lân với cái nhìn của một cô bé đã đi qua tuổi mẫu giáo nhìn đứa em trai của mình loay hoay bắt chước những mẫu quảng cáo trên truyền hình. Cô cười thầm vì không ngờ Lân của cô cũng có những lúc ngây thơ như thế, thôi cứ để mặc cho anh làm những gì anh thấy cần.

* * *

Lân muốn cô cùng về thăm bố mẹ một buổi chiều cuối đông trời vội vã thả những cơn gió ngu ngơ đi khắp chốn không để làm gì. Bố mẹ anh ở trong căn nhà vừa vặn quét màu xanh chưa đậm biển ngoại ô thành phố. Hai người bề ngoài trí thức có vẻ rất hòa thuận và thân ái như kiểu thân ái với tuổi già. Có vẻ thôi, Hạnh không dám khẳng định. Mọi thứ đến đi với cô trong cuộc sống này đều được tiếp đãi ơ thờ như những con sóng có cố gắng đến đâu cũng chẳng bao giờ đi đến tận cùng của cát, kể cả Lân. Kể cái buổi chiều này, khi cô khoác lên mình cái tấm áo nàng dâu tương lai thùng thình, và hơi buồn cười nữa. Hạnh cứ bay vô định trong chiếc áo ấy, cô không biết mình sẽ đi đâu về đâu, sẽ nương vào cái gì. Lân, cô sẽ để mặc Lân thắt chiếc áo cho vừa vặn với những khuôn mặt của mình. Lại làm khó Lân đấy!

Lân lại muốn về nhà thăm bố mẹ Hạnh, thăm em trai Hạnh. Anh hay nói đến nó với vẻ rất thần bí. Anh bảo nếu cô có một chút vẻ mềm mỏng không quá cần thiết cho một đứa con trai của nó thì tốt biết mấy. Cô chỉ cười, lúc xách đồ ra khỏi nhà bốn năm trướchình như cô đã mong muốn điều đó. Nhưng bây giờ thì không, Hạnh nghĩ như thế là tốt cho Hạnh, và cả cho bố mẹ. Bố mẹ Hạnh cũng sống trong một ngôi nhà nhỏ nhàn nhạt màu nắng, hoặc là nhỏ quá và nhạt quá so với Hạnh. Ông bà đón tiếp Lân niềm nở, những nụ cười vội vã che lấp những khe nứt, những lỗ hổng vô hình của gia đình có vẻ yên ổn này từ khi Hạnh ra đi. Hạnh cảm thấy bóng dáng của ngày xưa hiện về nhạo báng cô bằng những ngón tay không có móng rờ rẫm trên lưng.

Hạnh nép sát vào Lân khi bố mẹ hào hứng xa hoa những câu chuyện, những lời tán thưởng về chính cô mà sao cô nghe quá xa lạ. Cô chợt nghĩ đến bố mẹ Lân buổi chiều hôm trước. Hay họ cũng thế, cũng khóa kín nhà bếp đầy khói và ám bụi, chỉ khoe ra phòng khách đầy những hoa tươi vàng rực rỡ nhưng thật ra đã úa từ gốc? Hạnh không tưởng tượng được khuôn mặt mình trong những vở kịch đó sẽ ra sao. Những vở kịch không hề có lỗi, có lẽ bố mẹ cô cũng từng ngày oằn mình cõng những vai diễn trên những con đường Hạnh phải đi. Bên góc phòng, em trai cô thận trọng lau bụi quấn chặt cái piano màu nâu cũ kỹ. Hạnh chợt nghĩ nếu như nó biết lâu nay cái mà nó chăm chút tự hào chỉ là vẻ ngoài, là cái vỏ rỗng không thì nó sẽ thế nào? Hạnh không biết. Hạnh

không muốn và cũng không thể phân thân khóa một nửa mình trong nhà bếp, nhưng còn Lân. Cô nhìn sang anh, anh mỉm cườivới em trai Hạnh. Cô thấy cả hai đều khờ dại, mà không, tất cả, bố mẹ cô, cả cô nữa cũng đều khờ dại. Khờ dại đến tội nghiệpkhi nghe Hạnh bảo con với Lân chia tay rồi cũng không ai phản ứng gì. Em trai Hạnh bỏ bộ xa lông ra cái piano sầu muộn của nó.Còn bố mẹ nhìn cô với con mắt tự ngàn xưa không thay đổi. Chỉ lắc đầu thở dài. Cũng đã quá quen với những tiếng sét mà Hạnh có thể đem đến bất cứ lúc nào.

* * *

Con chim lạ cứ hót mãi phía bên ngoài cửa sổ tầng chung cư thứ sáu lơ lửng giữa trời. Có lần cô bảo với Lân nó thật khờ dại,hót mãi hót mãi mà không để làm gì. Em đã để ý đến nó là nó thành công rồi đấy. Làm cho em để ý rồi thắc mắc không dễ đâu. Hạnh cũng không nghĩ mình ơ thờ đến mức ấy, có lẽ cũng vì cô đã trở nên như thế quá lâu rồi. Kể cả lúc này, khi Lân ra đi.

* * *

Những con chữ nằm thảnh thơi trên tấm drap màu biển. Lân không nói điều gì quá to tát, cũng không nói yêu cô cho dù thật sự Hạnh muốn nghe. Lân bảo anh gặp cô là do duyên số, đến bên cạnh cô là duyên phận, nhưng không thể cùng Hạnh trả cho nhautrọn vẹn cái mà anh gọi là duyên nợ. Anh lúc nào cũng cho rằng vợ chồng có đến với nhau, bên nhau trọn đời chính là để trả nợnhau. Lân nói đúng hay sai Hạnh cũng không biết nữa, có lẽ đúng, chắc là kiếp trước cô không nợ ai nên bây giờ rất ơ hờ đi bênlề cuộc sống này.

Sự ơ hờ Hạnh cố giữ lấy bên mình, dù đôi lúc nó làm cô mất đi nhiều cái, làm cô chai sạn. Nhưng biết sao được? Hạnh không đủcan đảm giữ Lân lại, cô biết cô sẽ không thể làm một người vợ người mẹ đúng nghĩa, đúng như Lân mong muốn. Lân nói cô chưa thử làm sao biết. Hạnh không trả lời, chắc là Hạnh cũng không muốn biết.

Lân hỏi sao cô lại chuyển ra ngoài, bố mẹ và em trai cần cô, tự hào về cô đến thế? Cô không biết trả lời thế nào, bâng quơ nhìn mấy sợi tóc mai mất trật tự bên thái dương của anh. Tự hỏi nếu mình nói ra cái suy nghĩ ngu ngốc là cô thấy bố mẹ mình sống giả quá, sống tội nghiệp quá thì mấy sợi tóc ấy chắc cũng phá lên cười mất. Lân trách cô ngang bướng, bố mẹ hiền và thân tình đến thế. Ừ thì Hạnh ngang bướng. Hạnh cười nhạt nửa đùa nửa thật bảo với Lân em ác quá làm sao sống với những người hiền lành như thế được. Lân nhìn cô ngạc nhiên, hình như có ý trách móc. Hạnh bỗng thấy tức giận anh. Tức giận bố mẹ mình. Đáng lẽ anh phải bênh cô, anh có biết bố mẹ chính là nguyên do khiến cô trở nên ngang bướng, trở nên chai sạn và nhút nhát trước tình yêu của anh. Có những lúc Hạnh muốn mở lòng với anh, muốn ở bên anh, muốn làm anh hạnh phúc. Nhưng cô không thể, cô không muốn mình và Lân rồi cũng trở nên giả dối ngay trong mái ấm của mình, giả dối với con cái, với nhau, và cả với chính mình. Hạnh không nói với Lân những điều đó. Cô sợ mình sẽ lôi Lân vào những suy nghĩ ấy, lôi Lân vào việc sợ sệt hôn nhân, sợ sệt gia đình. Hạnh biết là mình lo xa, Hạnh biết là mình tự cực đoan mình, nhưng cô không thể làm khác được, không thể thử được, vì cô biết, như thế chỉ có Lân sẽ khổ.

* * *

Hạnh nghĩ vậy là tốt hơn cho anh. Kiếp trước anh không hề nợ cô cái gì, mà có thì cô cũng không muốn đòi gì ở anh cả. Anh đã đến bên cô, ủ ấm cho bàn tay cô, cho tấm drap biển và cho cả tiếng hót của con chim lạ ngoài cửa sổ. Thế là đủ! Anh sẽ tìm thấy một người con gái không quá lạ lẫm, dị ứng với việc khóa một nửa mình trong nhà bếp. Lân từng bảo anh không cần một ngườinhư thế, nhưng cô biết rằng những người phụ nữ thường khóc rả rích trong đêm cần anh hơn cô.

Đám bạn cười nhăn nhó khi nghe tin anh chàng trong mơ đã rời xa Hạnh. Lần này thì Hạnh thấy đau. Mày định như thế hoài hả bé (gần hai mươi bảy tuổi đầu vẫn bị đám bạn gọi là bé). Người ta có làm gì mày đâu mà sao cứ đem những suy nghĩ điên rồ của mày đổ lên người ta thế? Mày tưởng mày đủ mạnh mẽ để sống một mình đến hết đời à? Không hiểu nổi nữa. Mà Hạnh cũng thấy không hiểu nổi mình thật. Cô biện minh cho mình, cô không muốn làm Lân khổ. Lân chỉ bảo, thế em nghĩ xa em anh sung sướng lắm à? Không, cô biết là không, vì cô cũng không sung sướng gì. Nhưng Hạnh không đủ bản lĩnh thay đổi mình, không đủ bảnlĩnh đạp đổ bức tường xấu xí về gia đình mà cô đã dựng nên. Hạnh chấp nhận vây mình trong đám ngổn ngang đó, chứ không muốn kéo Lân vào, càng không thể phá bỏ nó. Trong cô rối bời, và cô để anh đi. Con chim lạ kia còn ở lại. Có lẽ kiếp trước nó nợ cô quá nhiều, nhiều hơn Lân.

* * *

Chiếc ghế ngày không có Lân hình như lạnh hơn, nhưng Hạnh không hối hận. Cô chỉ thấy thiếu những ngón tay mềm ấm củaLân, những ngón tay đầu tiên cô cho là đã khẽ khàng chạm được gương mặt cô không son phấn. Con chim lạ kiêu hãnh hót mãi, như Hạnh dựng mãi cho mình cái bộ dạng lạnh lùng bất cần. Sẽ không ai biết rằng cô không bao giờ đủ can đảm khóc trước mặtmình. Hạnh không muốn ai phải biết.

Năm 2008

Ngón tay run rẩy

1

Biển rưới nhẹ lên chiều đầy đủ u sầu. Người đàn ông đi bộ ra biển, dắt đám ám ảnh mộng mị đoàn đoàn lớp lớp. Không dắt thì chúng tự động theo, cứ như dính chặt vào gót chân, cứ như bóng, cứ như thân, cứ như hình. Thôi thì biết làm thế nào? Thà rủ chúng đi còn hơn. Vẻ đương nhiên ngơi nghỉ trên khuôn mặt, ngón tay nhặt nhạnh chút cảm xúc sót lại, ngón tay run khi chạm cát.

Trời âm u, mấy đám mây phồng lên như đống rơm thả mình trôi lơ lửng không định sẵn. Một vài người trẻ tuổi đi lại trên bờ, vẻ háo hức lạ, có lẽ là khách du lịch, ở vùng biển này mãi rồi còn có ai yêu thương nó như lúc đầu nữa đâu. Sóng đập vào cát những lời trách móc, ngàn năm rồi vẫn thế. Trách cát làm gì, trách người đúng hơn, người chỉ yêu biển theo mùa, hoặc người chỉyêu biển vì biển là tiền, là nhà cửa, là nơi chôn giấu. Ông không yêu biển, ít nhất những ngón tay của ông không yêu biển, nhưng cũng không biết gọi thứ tình cảm không phải là tình yêu ấy là gì. Ngưỡng mộ, sợ hãi, tò mò, căm hận, tôn thờ?

2

Mơ thấy mình chết lần nào chưa?

* * *

Giấc mơ thằng con trai mười tám đè nặng lên tôi từng phút, từng giây, làm sao chịu nổi. Mười tám là tuổi không có bí mật, vì không giữ được. Mơ thấy mình trần truồng trong phòng tắm nhà hắn. Phòng tắm xám ngoét, toang hoang, chỉ có khuôn ngực chị chúm chím mời mọc. Tôi thường phập phồng chờ chị ở đó. Cảm giác tội lỗi với hắn cũng có, nhưng qua nhanh, chỉ qua một đợt sóng, ào ạt rồi mất hút trong khao khát thúc giục về chị. Tôi ít khi mộng mị (mà cũng không thích mộng mị) hoặc là những cơn mộng mị đã bị tôi vứt đi không thương tiếc khi tỉnh giấc. Tôi thô bạo. Phòng tắm toang hoang, bủa vây, giam cầm không dùng sức mười tám lao ra được. Không biết tôi có chết lần ấy không, trong giấc mơ ấy không? Nếu có thì khi sống dậy tôi đã chết thêm nhiều lần nữa. Giấc mơ theo tôi như bóng, nhảy múa mỗi khi gặp hắn.

* * *

Có bao giờ muốn tự giết mình không? Rồi sẽ có cả cuộc điều tra đấy, hay nhỉ, điều tra vì sao lại muốn chết. Thì sống hết rồi, chếtthì kỳ lạ lắm sao. Có lúc nghĩ chết như là cái gì đấy hay lắm. Chết là hết, nhưng cứ cảm như chết là mới lạ lắm. Và tự hào nữa, đâu phải ai cũng có thể chết mà tự nguyện chứ. Không dễ chút nào. Nhìn đám còng gió này, chạy loanh quanh như thế mà cũng hết một kiếp, cần gì to tát đâu. Không có gì to tát cả.

* * *

Hắn xua đôi bàn tay sạch sẽ vô trùng lên trời như muốn xua nắng đi, xua bụi đi cho xung quanh thật sạch, thật sạch rồi mới mở miệng ra nói. Từng động tác của hắn như cuốn phim đang quay thật chậm, thật chậm, thật chậm, đều, suôn, không vấp và hình như không có ý định dừng lại. Hắn làm tôi bức bối. Tôi ghét phải chờ đợi. Chờ. Chờ. Chờ mà không biết một chút gì về phía trước. Đôi lúc, tôi muốn hét thật to, biển vỡ tung, bung ra đám sóng dữ dằn hoang dại đập nát sự điềm tĩnh đáng ghét của hắn,sự điềm tĩnh nuốt trơn nỗi hồ hởi, cấp bách, nghiêm trọng của tuổi mười tám.

* * *

Mẹ nói chết là lên trời đấy, con người chỉ là tạm, đất là tạm. Lúc nhỏ tin là thật, tin lắm, vì tin mẹ, mẹ nói, mẹ còn cả chứng minh. Lúc mẹ mất được bốn chín ngày thì ngày nào cũng thấy mẹ đang vui chơi trên đó. Muốn lên lắm, nhưng mẹ nói phải làm xong việc, làm người lớn hoàn toàn rồi mới được lên. Cố mãi, mà bây giờ mới có mười tám tuổi, chưa đi đâu được. Cứ phải như thế này mãi. Phải nhìn biển khóc mãi, tại sao nó cứ khóc mà mình không thấy động lòng, mà mình sẽ bỏ đi không biết nữa.

* * *

Tôi nằm yên không dám thở, không dám chớp mắt. Tôi sợ hãi, hay đúng hơn là e ngại. Không giống tôi, nhưng hắn khiến tôi như thế. Tôi ghét mình, tôi muốn bịt miệng hắn lại, ngăn cản hắn nói về những thứ viển vông. Biển đang ào ạt, dữ dội quậy phá, saohắn có thể coi thường, sao hắn có thể nhẹ bâng?

Đám khói cuối chiều lởn vởn quanh chúng tôi múa điệu vũ nào đó tiễn mặt trời vào biển. Tôi sợ hắn không nói nữa, thì hắn không còn việc để làm, cũng biến thành khói mà bay đi mất. Hắn thảy viên sỏi màu đục xám như giấc mơ của tôi nghe đánh tõm. Sỏi chết nhanh hơn mặt trời. Hắn nói, để chị yên. Chỉ có biển mới giữ nổi bí mật của ba đứa mình. Để biển giữ hết, như viên sỏi xám đục, nằm yên dưới đáy. Còn tôi, thì quên đi.

3

Đã lâu lắm rồi người đàn ông có những ngón tay dửng dưng một cách ấm áp ấy mới trở lại nơi này. Gia đình gấp gáp chuyển ông thật xa nơi có biển. Hoặc là ông sẽ tự đi thôi, làm sao ở lại

được với những ám ảnh cào xé về cái chết, về sự ra đi. Tuổi mười tám và biển là nhau, hoang dại và ngu ngốc, chỉ có điều biểngiữ được những bí mật, còn tuổi mười tám của ông thì không hề. Hôm đi ông lén ra chính chỗ này để múc một lon sữa bò đầy cát, mặc sóng gào thét đến cạn lời. Người đàn ông đã bịt chặt lon sữa bò quá, đến độ cuối cùng chẳng có hạt cát nào vùng vẫy thoát được để đầu thai.

Ông đã bị cách ly khỏi quá khứ. Cũng đúng thôi, sau những biến cố đó không ai có thể để quá khứ gặm nhấm ông cho đến lúc cạn kiệt mọi thứ. Nhưng hắn như thứ vi khuẩn bất trị len lỏi, xen lẫn, từ từ, chậm rãi như chính tính cách muôn đời của hắn. Hắn kéo chị về trong giấc mơ. Chị đã chết, nhưng còn hắn?

Người đàn ông chưa trở lại nơi này lần nào kể từ khi ấy, những ngón tay vẫn run rẩy như ngày ông chôn đám cát kia vào lon sữabò. Biển u hoài. Ông nhíu đôi mắt thững thờ tưởng tượng một ngày tìm ra viên sỏi xám đục sau bao nhiêu năm. Ông cố không biết điều đó là vô lý. Không thể được. Viên sỏi ấy, giấc mơ ấy, bí mật ấy đã được biển chôn sâu, không ai biết. Chỉ có hắn, nếu hắn còn ở một nơi nào đó trên đời này. Ông cố đi tìm lại phòng tắm xám ngoét ngập đầu. Không thấy nữa, làm sao mà thấy được, chỉ còn lại trong những giấc mơ mà thôi.

4

Chị chỉ thế thôi. Để mà ngắm. Không ngắm nữa thì chết. Tóc chỉ nên để qua vai chút thôi. Dài hơn lấy kéo tự cắt đi. Dài hơn nữakhông đẹp. Không nên để luyến tiếc những cái gì mình biết là không đẹp. Chị thì hay tiếc lắm. Hoa hái về để đến tàn úa, heo hắt, đau đớn. Con diều gãy cánh để đến mục nát, tang thương. Chớm tàn đã nên vứt nó đi, giấu nó đi, trốn tránh nó đi. Ngồi nhìn nó tàn úa vui sướng gì đâu chứ? Biển khôn ngoan lắm, chỉ chớm cát đã quay vào rồi. Nếu đi đến nơi tận cùng của cát, nó còn gì đâu để mong chờ? Biết biển thế nên có bao giờ động lòng đâu? Không có gì tự nguyện, mà cũng không có gì tự nguyện không có lý do. Kể cả tự nguyện làm người lớn hoàn toàn. Mẹ không tự nguyện. Mẹ nói thế.

* * *

Chị thường khom mình đuổi những con còng gió. Cười như dại. Chị dậy thì muộn. Hắn hay sợ những thằng con trai mười támngỗ ngược như tôi, như hắn làm đau khoảng thời gian đẹp đẽ nhất ấy của chị. Hắn tôn thờ chị. Tôi tầm thường hơn, tầm thường để thích chị. Tôi thích tầm thường hơn làm người xa vời như hắn. Ngón tay mười tám của tôi run trong tóc chị, trên viền môi chị,lướt trên khuôn ngực chúm chím của chị. Tôi ghét kiểu tôn thờ đó. Tôn thờ là định nghĩa của đàn bà, tuổi già, bất lực, của sự yếu đuối trong tìm kiếm, trong chiếm hữu. Tôi cười nhạo hắn. Biển dưới chân ì ầm, biển đứng bên tôi, chưa bao giờ chảy trôi về phía hắn.

* * *

Chị không khác được. Chị phải cười như dại. Nếu không chị không đẹp nữa. Thật đấy mà. Có hôm bắt còng gió rồi chị khóc mãi vì sợ còng gió bay mất. Thấy chị sao mà xấu thế. Thấy thương chị nữa. Lấy chân gí nát nó ra, an ủi chị như thế nó không bay được, mãi mãi bên chị, nhưng chị vẫn khóc. Chẳng là chị. Thấy bực bội chị. Muốn được làm Người lớn hoàn toàn, nhưng còn vướng chị. Nếu không có chị thì đã khác, đã tự nguyện rồi.

* * *

Hắn với chị, ngoài việc ở chung nhà tôi không rõ còn có mối quan hệ nào khác nữa. Chỉ biết là hắn tôn thờ chị. Đi đâu cũng mangtheo chị trong mắt. Đôi mắt ứa đầy cát và hình bóng chị. Tôi tầm thường hơn (lúc nào tôi cũng cảm giác thế, tầm thường thì có sao đâu, thậm chí còn tự hào vì điều đó), gắn chị vào cánh cửa mở của phòng tắm màu xám ngoét. Mười tám như con thú hoang đẩy tôi vào chị. Còn hắn, hình như không có tuổi.

5

Mấy con còng gió đuổi nhau vô tư lự. Bờ biển thưa dần. Hắn chưa bao giờ nói với ông thế nào là người lớn hoàn toàn. Người đàn ông mò mẫm tìm kiếm với những ngón tay run rẩy của mình. Không ai cho ông câu trả lời. Hắn và chị biến mất khỏi đời ông nhẹ như bọt nước.

Ông chưa thể làm người lớn hoàn toàn. Cuộc sống cuốn ông đi, đôi lúc ông không thể biết mình đang sống hay đang bị cuốn. Hắn và chị không buông tha người đàn ông với những ngón tay run rẩy của ông. Một du khách trẻ, có lẽ là người Nhật, nằm uể oải trên cát, tóc đen dài rũ mệt. Hình ảnh cuối của chị ập về. Tóc rũ mệt. Khi nào? Khi nào ông mới làm xong việc?

Người đàn ông có bao giờ tự trách mình ngốc khi nghĩ rằng lúc đó hắn không hề biết gì chuyện giữa chính ông, chị và phòng tắm. Giấc mơ là điềm báo. Ông đã thấp thỏm chờ đợi sự trừng phạt từ đâu đó xa xăm và vô hướng. Hắn đã biết, đã tha thứ ném lỗi lầm của ông xuống biển từ hôm ấy, nhưng những ngón tay dắt ông đi lạc hướng, ông lại ngu ngốc cho rằng hắn đang im lìm.Hắn đang thản thợt với lương tâm ông, đang dần bào mòn những ngón tay ông. Chị trinh nguyên không đánh mất vẻ ngây thơ.Người đàn ông chờ đợi sự trừng phạt đến mỏi mòn tuổi mười tám vô lo nghĩ. Có lúc ông đã thật sự muốn hắn kéo ông ra cái bểnước xám ngoét ấy, muốn hắn đem ông dìm vào biển. Để mắt mặn xè. Để thân ướt đẫm. Để được trong suốt như biển. Để ông được mãnh liệt một cách thực thà như biển. Nhưng rồi ông trốn tránh, hoặc là ông đã tầm thường quá để quên đi lỗi lầm của chính mình.

Lúc nào người đàn ông cũng tự dối mình ngón tay của mình rằng ông đã dần không còn khờ dại, nhưng không phải. Biển trước mặt mênh mông rộng lớn. Mười tám hay bây giờ cũng như nhau, chỉ khác ở chỗ bây giờ chấp nhận sự ngu ngốc thật bình thản, còn mười tám thì không như vậy.

6

Tìm thấy chị, còn hắn thì biệt tích. Tôi tức tốc bị ép rời xa biển. Tôi muốn cưỡng lại, tôi tầm thường. Tôi tầm thường thì có được đạp nát phòng tắm đó để xóa đi dấu tích, dù vô lý, dù có vô lý? Hắn trừng phạt tôi. Sao hắn không ngang tàng nói ra, sao hắn không vin vào tuổi mười tám của mình để cuồng dại. Không ai trách hắn. Kể cả tôi.

Đám tang chị không được dự. Chỉ nghe nói chị đã tan. Thành tro và tan vào biển.

Tất cả nhìn tôi thương hại, lảng tránh, e ngại. Bộ ba sau một đêm trở nên tang thương. Tôi không dám đến gần chị. Tôi còn tệ hơn biển. Tôi khóc. Dù khóc đối với thằng con trai mười tám như tôi giống như một sự sỉ nhục không hơn không kém. Nhưng vìsợ. Vì giấc mơ phòng tắm trần trụi. Vì sự im lìm của hắn. Vì điệu cười như dại. Tôi khóc. Nước mắt lăn từ những ngón tay xuống cát, run rẩy, tủi hổ đến tội nghiệp.

Chị nằm như ngủ. Tóc cũn cỡn lòa xòa mấy sợi vương lẫn vào cát, phủ lên đôi mắt nhắm nghiền. Những sợi nhỏ, ngắn, vương vãi. Cát thẫm màu máu đỏ. Sóng không tài nào cuốn nổi chị. Biển không tài nào cuốn nổi chị. Có lẽ hắn đã cắt tóc cho chị. Có lẽ hắn đã thay áo cho chị. Có lẽ hắn đã nhìn ngắm chị, đã nâng niu, đã vuốt ve chị suốt đêm. Chiếc áo sơ mi trắng có chiếc cổ cao may những đường cầu kỳ uốn lượn như sóng. Chị ghét kiểu áo thắt chị vào những khuôn khổ. Nhưng hắn cố chấp. Hiểu hắn quá làm tôi thấy sợ chính mình. Tôi hoảng loạn. Ánh mắt hắn luồn qua khe cửa phòng tắm, ứa ra đầy cát.

* * *

Vướng chị. Cứ thế này làm sao làm người lớn hoàn toàn được. Biển cười nhạo mình mãi. Ừ, không tự nguyện. Nhưng đã làm hết sức đấy chứ. Cố hết sức giữ chị. Nhưng chị không đẹp nữa. Chị không trinh nguyên nữa. Chị không dại nữa. Giữ chị lại như thế càng khổ chị. Sau hôm nay biển sẽ không cười nhạo mình nữa. Biển lúc nào cũng ỷ lại vào bí mật nó cất giữ để cười nhạo mình. Bây giờ thì thôi, bây giờ thì mình còn vướng gì nữa đâu, bây giờ thì mình có thể đi làm cho xong việc.

* * *

Không phải chạy trốn. Khác với chạy trốn. Hắn muốn được tự nguyện đi làm Người lớn hoàn toàn. Hắn muốn lên với mẹ. Vướngchị thì không được. Hắn đã nói thế. Có lẽ hắn đã chần chừ rất nhiều. Chần chừ trong im lặng. Chần chừ trong lúc tôi sợ hãi. Còn chị thì ngây thơ cười như dại. Phòng tắm mở toang hoang. Hắn lúc nào cũng khép.

Tôi hét lên. Không phải chạy trốn. Khác với chạy trốn. Đừng nghĩ rằng hắn đang chạy trốn. Chị nằm bất động. Hắn để lại đám mộng mị chật chội. Không ai dám ngăn cản tôi cào cấu, cắn xé cát bên chị. Không ai dám kéo chị ra sự bủa vây của biển, củasóng, của cát, của màn đêm đang rập rình. Ai dám? Ai dám đụng vào chị? Ai dám phá vỡ hình ảnh chị, phá vỡ sự toàn bích cuối cùng của chị mà hắn đã sắp đặt.

Tôi không dám. Giữ chị của hắn như thế. Để chị yên.

7

Hắn đi biệt tích. Người đàn ông không thắc mắc, cũng không mong chờ hắn trở lại. Biết đâu hắn đã làm xong việc, đã về với mẹ. Như thế với hắn là thỏa nguyện. Ông thì tầm thường hơn. Ông không hiểu thế nào là người lớn hoàn toàn, ông không biết khi nào là đủ, khi nào là điểm dừng. Ông không thanh thản cũng không sợ hãi. Biển hoang tàn trước mặt.

Biển hoang tàn. Bí mật của người đàn ông trong biển cũng hoang tàn. Ông ghét tuổi mười tám cuộn những ngón tay ông, cuộnhắn vào nhau, rồi lại cuộn hai người trai mười tám vào chị. Con còng gió chợt khựng lại như nhận ra người quen cũ. Lâu lắm rồi người đàn ông không dám trở lại nơi này.

Sau đám tang chị, ông biết mình như phát dại. Ông không cười, chỉ phát dại âm thầm. Không ai tin hắn muốn tốt cho chị, không ai tin hắn đi làm cho xong việc chứ không phải chạy trốn. Thì ông tin. Thật sự ông không biết mình có tin không nữa. Nhưng đó là cách duy nhất, duy nhất để ông tự bao biện cho chính những lỗi lầm của ông, với chị. Mỗi sáng, những chiếc mắt phao đỏ nổi lập lềnh trên mặt nước in hình giọt máu đến rợn người. Ông một mình trở lại phòng tắm đó. Ngậm tuổi mười tám hoang thú, ngậmánh mắt ứa đầy cát của hắn mà phát dại.

8

Chị đẹp, nhưng không toàn vẹn nữa. Sao lại rời đi?

Cuối cùng vẫn đẹp, nhưng chỉ là vớt vát lừa dối thôi. Biết mọi chuyện sao không nói?

Thế cũng được, không vướng chị nữa.

Bí mật xuống biển rồi, sao còn vì nó mà bắt chị đi? Mọi thứ thế là ổn.

Đi biệt tích là hay ho à?

Cuối cùng cũng rảnh rang đi làm người lớn hoàn toàn. Biển cười nhạo kìa, thấy không?

Tự nguyện nữa chứ. Làm người lớn hoàn toàn rồi chết. Đi luôn đi, đừng dắt chị về phòng tắm ấy nữa.

Cứ để mọi người nghĩ là đang chạy trốn.

Cứ tầm thường, cứ mười tám không được sao? Đã tha thứ rồi, xong hết.

Đi luôn đi. Đừng kéo chị về theo. Xong hết.

Mang những câu hỏi đi luôn đi. Xong hết.

9

Hắn vẫn là hắn, chị vẫn là chị, còn tuổi mười tám đã trở thành người đàn ông. Bí mật mãi mãi là bí mật.

* * *

Biển buổi đêm hoang vu thả mình trên ngón tay người đàn ông như dạo những phím đàn. Ông đến đây làm gì? Ông quay lại đấy chứ. Điềm tĩnh búng những viên cát tròn con còng gió cất công xe lại, ông ngồi đúng nơi chị đã nằm.

* * *

Nghĩ. Ông đã nghĩ suốt ba mươi năm rồi. Ông ngắm nhìn những ngón tay run rẩy của mình và nghĩ. Rốt cuộc cũng không hiểu gì hơn mười tám tuổi. Biển hôm nay có hoang tàn hơn mười tám tuổi. Ông nghĩ nếu gặp hắn về ông sẽ hỏi. Tại sao?

Người lớn hoàn toàn.

Chị không đẹp. Chị ngủ triền miên. Hắn biệt tích.

Lỗi lầm mười tám bị chôn giấu không thực thà.

* * *

Đừng chờ nữa. Hắn không biết đâu, hắn đuổi theo những cảm giác. Không ai tường tận mọi thứ. Chỉ có tôi. Tôi đang từ biển nhìn lên. Bởi vì tôi là Bí mật.

Đôi bàn chân nghiêng

Nhan không cầm máy mấy ngày nay. Đơn giản vì Nhan không có gì để nói. Điện thoại nhấp nhổm trên bàn. Màn hình hiện lên hết ảnh người này đến người khác. Nhan mặc kệ. Bất hiếu, lạnh lùng, vô cảm, hơn nữa thì cũng thế thôi.

* * *

Nhan không nói là Nhan không về nữa. Nhan chưa bao giờ nói. Nhan có xách đi tất cả đâu. Quyển sổ ghi chép công việc thường ngày, chiếc áo khoác tai thỏ, vài thứ lặt vặt khác, chỉ có thế. Nếu đi chắc chắn Nhan sẽ mang theo chiếc chuông gió trong suốt, kêu lách cách mỗi khi anh đến, (chỉ có anh là có đủ chiều cao để khiến nó rung động), dù có là đi đâu chăng nữa. Chẳng biết vì sao không ai hiểu ra điều đó giúp Nhan với nữa.

Chỉ có điều Nhan đi hơi lâu so với một chuyến công tác hoặc một tour du lịch. Cũng không sao. Hãy xem Nhan như một đại gia, tiền thừa, thời gian cũng thừa. Đi lâu mặc kệ. Nhan giải thích mãi rồi. Tự nhiên Nhan thích thế. Ai cũng tự nhiên như Nhan thì thế giới này loạn hết. Loạn thì loạn. Thế giới này toàn những người bình thường không thích tự nhiên cũng đã loạn rồi, loạn thêm chút nữa thì có sao đâu.

* * *

Ngày Chủ nhật thứ hai

Sang anh lấy dù.

Gỡ chuông gió xuống.

Đặt may áo ấm cho mẹ và bố.

Đi siêu thị, nhớ mua bấm móng tay. Xong bài thứ Hai.

* * *

Nhan ngồi tưởng tượng sáng mai ngủ dậy đồi thông buồn rầu lặng lẽ kia sẽ biến thành biển. Tại Nhan cũng có lúc thèm biển. Nhan thèm cát. Nhan thèm ánh mắt ngô ngố của đám dã tràng nhìn Nhan khi Nhan cong người bắt nó. Thế. Nhưng Nhan chẳng bao giờ thích thừa nhận là mình

nhớ nhà. Nhan đã tự mình muốn đi. Mà nhớ nhà thì có gì là xấu đâu. Nói bâng quơ vậy ai hiểu được là Nhan đang nhớ nhà cũngđược mà không cũng không sao. Thành phố trước mắt Nhan xa lạ nhưng quá đẹp. Vì buồn mà đẹp. Sương kéo mình ấp trọn đồi núi, Nhan không thích sương lắm. Sương không cho ai một lối thoát nào, kể cả Nhan.

* * *

Ngày thứ Năm

Lao ra khỏi quán kệ trời đang mưa, cũng không thèm lấy dù. Nhan không muốn ở đó một phút nào nữa. Nhan không muốn nhìn thấy người đó thêm một phút nào nữa. Anh ngồi như bị ai đó dán chặt vào ghế. Tâm lý chung là muốn được người đó kéo lại. Còn Nhan thì không, Nhan muốn được sự tỉnh táo kéo lại.

Nhất định gỡ chuông gió xuống. Đã quyết định như thế từ hôm nào không biết. Chỉ là không làm được. Nhan tỉnh táo chứ, tỉnh táo đến độ biết mình không thể làm được, không xóa anh được.

Lúc vừa về đến nhà mẹ Nhan đang ngồi đan áo. Hình như phụ nữ lớn lên ở phía Bắc ai cũng biết đan áo. Nhan nghĩ mình không đủ kiên nhẫn. Mà Nhan cũng không muốn mẹ phải kiên nhẫn. Đan. Móc. Luồn mũi này qua mũi kia, thắt mũi này không thắt mũikia. Nhan ghét nhìn cái vẻ cam chịu đó.

Nhớ mua bấm móng tay. Xong bài thứ Hai.

* * *

Nhan một mình lang thang trên con dốc. Những quán cà phê nằm nghiêng, dựa vào nhau, nối tiếp nhau như lớp vảy trầm tíchcủa một ngọn núi già cỗi ương lì nào đó ở một nơi tận cùng nào đó. (Ở đó có thể có kho báu nữa). Con đường nghiêng, cây cốinghiêng, mọi thứ đều nghiêng. Nhan thích quán có tên L'amour. Nó cũng đứng nghiêng trên triền dốc. Ghế nâu, chiếc dù màu kem bung tròn hớn hở. Nhan nhẹ nhàng bước vào, cất giấu hy vọng có thể theo dù, bung ra rồi bay lên.

Nhan nghĩ những người phục vụ ở đây chắc cũng có đôi bàn chân nghiêng. Nước da trắng và đôi bàn chân nghiêng phẳng phiu.Phù hợp với màu sương hơn và lên dốc, xuống dốc dễ hơn nhiều. Nhan nghĩ thế. Rồi Nhan bỗng thấy mình thật lạc lõng. Ở chỗ Nhan, chân víu vào cát đến cong queo kỳ cục và nắng ngủ trên da.

Nhan thò tay vào áo khoác. Hơi lạnh. Đôi tai thỏ đong đưa, ước gì Nhan là thỏ thật.

* * *

Ngày thứ Tư

Thứ Năm ở chỗ hẹn cũ.

Gỡ chuông gió xuống. Nhất định. Đưa mẹ đến nhà dì.

Nhớ mua bấm móng tay.

Xong bài thứ Hai.

* * *

Ngày thứ Ba

Đắn đo mãi mới hẹn cuộc hẹn ấy. Dự tính nhức nhối. Dự tính là cách ly. Cách ly toàn phần, nhưng cái gì không rõ ràng Nhan không chịu được. Nhan không chấp nhận. Nhan cố chấp thật. Nhan biết tình yêu chết từ lâu rồi. Anh xem Nhan như số mệnh. Cưới cũng được, không cũng được. Nhan ghét cái kiểu đó.

Nhan ngó đăm đăm cái chuông gió. Muốn lấy nó xuống, bưng ghế đến, lại cất ghế vào chỗ cũ. Nó kêu mãi. Nhan không muốn nghe.

Nhan lúng túng bấm những dòng sms dối. Hôm nay con bận. Mai thứ Tư nghỉ, con đưa mẹ đến nhà dì. Thực ra là Nhan sợ. Nhan muốn lảng tránh. Tránh lời thăm dò của mẹ, của dì, tránh ánh mắt háo hức của đứa em họ muốn mặc đồ đẹp đi ăn cưới. Nhan biết mình không tránh được mãi. Nhưng Nhan không muốn nghĩ, tới đâu thì tới. Nhan đưa mình ra biển. Cát chen vào kẽ chân. Nhan bám vào cát, nắng bám vào Nhan. Nhan bỏ những ý nghĩ ra khỏi đầu, đặt xuống đất bên cạnh đôi guốc, chạy chân không xuống nước. Nhan nhẹ bâng, có bao giờ chìm được.

Cái bấm móng tay lần trước bấm cho anh, giận dỗi vứt đi đâu đó ngoài không trung rồi không nhìn thấy nữa. Những ngón tay buông lơi trong tim Nhan.

Xong bài thứ Hai.

* * *

Nhan đánh rơi quyển sổ.

Nhan đang mải mê nhìn con ngựa trắng thong dong giữa dốc. Tường quán café đối diện màu xám mạnh mẽ, ghép những viên đágạch lục giác góc cạnh nhưng đều đặn, xuôi theo dốc, nhìn như miếng bánh sandwich hình tam giác. Và theo logic đó, con ngựatrắng như món đồ kẹp giữa. Nó có đôi mắt to. To kỳ lạ. To như chứa đủ cả thế giới.

Nhan bật cười, đánh rơi quyển sổ. Đôi bàn chân nghiêng nhanh hơn Nhan, nhặt nó, đặt lên bàn và quay đi khi Nhan chưa kịp nhoẻn miệng cười. Nhan bị hẫng một chút. Tại Nhan thấy cái miệng mình vô ích quá. Cả tay, cả chân, cả người, vô ích. Nhan không có bàn chân nghiêng? Nhan ở đây làm gì?

* * *

Ngày Chủ nhật thứ nhất

Ở chỗ hẹn cũ. Nói chuyện với anh về chuyện cưới. Mang chiếc chuông gió đi lau thôi.

Tìm cái bấm móng tay.

Xong bài thứ Hai tuần tới.

* * *

Ngày thứ Sáu

Nhắc anh đến đúng giờ. Ở nhà hôm nay có việc. Giỗ ông nội của bố, tức là ông cố nội của Nhan. Mọi người cũng muốn biết mặt con rể tương lai. Anh phải đến thôi. Ăn uống xong, nói chuyện phiếm bâng quơ bóng gió xong, dọn dẹp xong, Nhan kéo anh lênphòng, sợ anh choáng ngợp. Trước giờ hai đứa không nói đến chuyện này.

Chuông gió kêu leng keng. Anh cao quá, cứ chạm nó, nó phản ứng cũng phải thôi. Nhan mỉm cười nhìn anh, không nói gì. Nhan nhướn lên đánh chiếc chuông gió rung loạn xạ rồi rụt cổ chạy về phía cuối phòng, có anh.

Nhan bấm móng tay cho anh. Đôi tay anh gầy guộc thẳng tuột đến tội nghiệp. Nhan yêu vẻ cam chịu của anh, yêu sự nhường nhịn của anh. Anh không nhu nhược, mà là một cái gì đó giữa bất cần và nhu nhược. Bất cần thì nhiều hơn.

Nhan vứt cái bấm móng tay hình con mèo Kitty mẹ mua ra cửa sổ. Anh về. Nhan khởi động máy mail cho anh.

Tiện thể tìm tài liệu cho bài thứ Hai tuần tới.

* * *

Nhan không thích có đôi bàn chân nghiêng. Thứ nước Nhan đang uống ở quán café này có màu nâu như những chiếc ghế. Nhan tưởng đến đất đang quẫy đạp dưới mấy lần xi măng gạch đá dưới chân. Mọi thứ đều thật đồng điệu. Đôi bàn chân cũngđồng điệu. Trừ có Nhan. Nhan không thích có đôi bàn chân nghiêng. Nhan sợ khi Nhan về Nhan không còn những ngón chân cong queo bám víu vào cát nữa, Nhan sợ Nhan sẽ trượt nhanh về phía không có ai đỡ lấy Nhan. Nếu Nhan có đôi bàn chân nghiêng, có phải là Nhan sẽ phải ở đây mãi mãi?

Nhan không cầm máy. Nhất định không cầm máy. Sms tới. Khuôn mặt bất cần nhu nhược của anh. Anh đang ở khách sạn củaNhan, để tìm Nhan.

Nhan thấy không nên quan tâm đến chuyện đó. Phía trước chỗ Nhan ngồi có đám hoa ti gôn trắng đang cười đùa. Nhà Nhan ít khi kiếm được hoa ti gôn. Nhan thích hoa hướng dương hơn. Anh nói sở thích của Nhan sặc mùi triết lý. Nhan không biết.

* * *

Ngày thứ...

Ở chỗ hẹn cũ.

Mua chiếc chuông gió trong suốt. Mua áo ấm cho bố mẹ.

Thứ Hai tuần... nộp bài.

* * *

Nhan sms cho anh. Anh đến trong khoảng mười tám phút. Nhanh quá. Nhan không nhớ trong mười tám phút đó Nhan làm gì, nghĩ gì. Chỉ biết là khi anh đến, Nhan đã nghĩ hay anh có đôi bàn chân nghiêng?

Anh không hề nói gì đến chuyện quay về. Anh hỏi Nhan có vui không. Anh hỏi Nhan có nhớ nhà không. Anh hỏi Nhan có sợ lạnh không. Nhan chợt nghĩ đến những bộ phim Hàn mà mình đã xem. Đến lúc nữa, một lúc nữa thôi, khi hai đứa ra khỏi quán cafénâu này, đi đến cuối con dốc kia, anh có dùng những ngón tay gầy guộc của mình nắm lấy tay Nhan không? Anh có nói là thật ra anh rất yêu Nhan không? Anh có nói là Nhan hãy quay về với anh không? Anh có rút ra từ đâu đó chiếc chuông gió trong suốt của Nhan và nói cả nó và anh sẽ mãi mãi ở bên Nhan không?

Nhan không chờ đến lúc đó đâu, nếu chờ thì Nhan không phải là Nhan nữa. Còn nếu anh thực như trong những tưởng tượngđiên rồ thì anh cũng đâu phải là anh của Nhan nữa. Nhan nói Nhan để anh đi. Anh muốn đi đâu cũng được. Nhan nói anh đừng có đóng phim nữa. Vì anh xấu trai, anh có được như diễn viên Hàn đâu.

Nhan nói nhưng mà Nhan không về.

* * *

Ngày thứ...

* * *

Anh vòng những ngón tay gầy guộc bất cần nhu nhược từng của Nhan qua chiếc ly, chiếc ly thủy tinh màu nâu vàng óng ánh. Nhan thấy ghen tị, nhưng thôi. Anh không thuộc về Nhan nữa. Nhan không buồn. Nhan nhất định không buồn.

Nhan thò tay vào áo. Tự dưng thấy lạnh buốt. Đôi tai thỏ đung đưa. Ước gì Nhan là thỏ thật.

Nhan hỏi thăm chiếc chuông gió của mình. Anh nói nó bình yên. Nhan kể cho anh nghe câu chuyện về đồi thông, về đôi mắt kỳ lạ của con ngựa, về con dốc, và đương nhiên là về đôi bàn chân nghiêng. Về chiều sương đến nhiều hơn, Nhan tưởng không thấy anh nữa dù anh trước mặt. Mông lung quá.

Vài hạt mưa rơi nghiêng xuống. Đôi bàn chân nghiêng vội vã đẩy thêm chiếc dù nữa đến chỗ anh và Nhan. Nhan chỉ thấy thoáng thế thôi. Tại sương dày quá, hay tại đôi bàn chân nghiêng trắng quá. Nhan thấy thèm màu nắng.

* * *

Ngày thứ...

* * *

Bước ra khỏi màu nâu, Nhan và anh quyết định đi chợ mua áo ấm cho bố mẹ. Chợ nằm ở đầu dốc. Ở thành phố này chỗ nào cũng là dốc. Nhan bắt đền anh chiếc bấm móng tay.

Nhan vấp ngã ngay đầu dốc. Lại dốc. Anh đùa không sao, tại em không có đôi bàn chân nghiêng thôi. Ở đây ai không có bàn chân nghiêng thì bị ngã.

Nhan không có đôi bàn chân nghiêng. Ngã cũng đúng thôi. Ngón chân của Nhan cong queo để bám vào cát, nắng trên da Nhan.Nhan nhìn sương, xung quanh những đôi bàn chân nghiêng qua lại. Chiếc xe ngựa ngang qua, kêu lách cách. Nhan nhớ chuông gió trong suốt của Nhan. Nhan nhớ bước chân anh đến.

Nhan không có đôi bàn chân nghiêng. Ở đây Nhan chỉ có chiếc áo khoác có đôi tai thỏ nhủng nhẳng trên đầu, Nhan thò tay vào túi, mong chờ nhặt được một viên kẹo có phép màu như lúc nhỏ, nhưng không có. Nhan không thể biển thành thỏ được. Nhan chỉ có quyển sổ tay, quyển sổ tay chỉ là quá khứ, nó không thuộc về Nhan.

Đôi bàn chân nghiêng cũng không thuộc về Nhan.

Bình thường

1

Em cong hai chân, cố tạo thành hình trái tim trên giường. Nắng gan lì nhướn mình chui tọt qua khe cửa cào xước lòng bàn chân, cảm giác nhồn nhột, gai gai. Bây giờ là một giờ trưa, theo em nghĩ thì em có quyền được ngủ trưa.

Em đành bước ra vườn, bỏ cái trái tim bằng chân trong tưởng tượng nằm chơ hơ giữa não, nắng lì lợm quấy rồi làm em không ngủ được, cũng không làm gì được. Bông hoa em cho là đẹp nhất lại nằm phía bên kia hàng rào. Hoa dã quỳ rực rỡ một cáchngu ngốc xa vời, rực rỡ đến độ không ai dám trồng ở vườn nhà. Làm kiếp hoa cũng thú thật. Em cười. Em biết là em đang cười, chỉ không thể giải thích được là em đang cười vì cái gì, cười thế nào, cười nụ, cười nhoẻn hay cười phớt lờ mọi thứ.

Có chú chuồn chuồn vờn vờn ở khoảng eo. Em đưa mắt nhìn nó. Thì ra chuồn chuồn có đôi mắt đen tròn cung cúc. Đôi cánh mỏng mảnh lấp lánh những đường sáng cầu vồng. Em thấy nó tội nghiệp, mà mọi thứ trên đời sinh ra đã tội nghiệp.

Má em không tin rằng em đã thấy người đó. Má thấp khoảng mét năm, da trắng, mặt phúc hậu sáng ngời. Do đó em suy ra những người thấp khoảng mét năm, da trắng, mặt phúc hậu sáng ngời thường không tin những lời em nói, hoặc là không tin chuyện em nói dù nó có phát ra từ bất kỳ đâu. Má em nói em hoa mắt, còn em thì tự an ủi mình là má chỉ sợ em lo sợ và suy nghĩ lung tung. Đôi khi lời nói dối cũng làm người ta hạnh phúc.

Nói chung là không ai tin trong nhà có ma.

2

Em ngồi đong đưa trên gốc cà phê lúc nhỏ em đã chọn làm chỗ đi ị lý tưởng. Ba má bây giờ bỏ nghề cà phê nhưng vì em thích nên cắn răng cắn lợi để lại gốc cây có hai nhánh có cái dáng y hệt cái bồn toilet hiện đại nhất thế giới hiện giờ. Ngó vậy thôi chứ gốc này bán cũng được khối tiền. Xung quanh không có gì, thứ đất đỏ bazan em thấy chẳng khác gì ớt bột. Ba má em đã bỏ nghề trồng trọt

cắt xén, chuyển sang nghề buôn lậu. Cái nghề này hơi ngược với bề ngoài của má, nhưng em biết làm sao được, sự thật nó vốn thế.

Nhà còn mình em. Mấy con bướm sâu vàng nhạt chúm chụm lại với nhau trên đám dã quỳ, em phóng chiếc xe đạp địa hình nhỏ xíu vào đó. Cười hả hê, bọn bướm khóc nhau rấm rứt, bấn loạn, bay hoảng hốt ra tứ phía. Em nghĩ em chẳng cần tội nghiệp chúng nữa. Em thấy tội nghiệp mình quá. Em đang làm những việc điên rồ thì phải.

Em không dám nói với ba. Ba em nói con gái lớn đi kiếm chồng mà lấy, nói bậy bạ. Ba để râu quai nón để hù kiểm lâm cửa khẩu đại loại thế. Em cũng sợ. Em chẳng dám nói chuyện với ba lâu nữa. Em thích nói chuyện với người đó hơn. Người đó chẳng nói em là con ngẩn như ba.

3

Vườn cà phê rộng, cái hố sâu hoắm lổn ngổn rác, phế thải, những thứ bị lãng quên, bị hắt hủi, bị bỏ rơi. Có lần em khóc. Ngồi trên nhánh cà phê đơn độc, bên cạnh hố rác ruồi mở buffet hằng ngày, em nhìn chân trời rồi khóc. Hàng lưới B42 khoang tròntừng mảng chiều đỏ chót như những hố mắt thăm thẳm. Hàng lưới đó đã có người chết. Hàng lưới đó ba em giăng điện để giựt chết cha thằng ăn trộm, thế mà nó chết, cha nó thì không. Ba em thuê em ghi tấm bảng điện chết người, vẽ cái hình đầu lâu nhão nhoẹt rúm ró như sắp rơi nước mắt. Nhưng rồi cũng có người ăn trộm, cây giống, hay quả đu đủ ở góc vườn. Em thì làm được gì. Cái loa xã xoen xoét, một mình. Em nhìn nó, tưởng đến cái phễu đong dầu hỏa trong nhà. Xám xịt.

Ba má không có nhà. Em ngồi chờ. Người đó sắp đến. Mỗi lần người đó đến chiếc loa xã xa tít trên cột điện bỗng hức rù rù lênmột tiếng. Em biết. Thì đương nhiên là em phải biết. Người đó cố tình cho em biết. Nếu không em sẽ sợ lắm. Em sợ cái gì đó bấtngờ.

Đám dã quỳ như đám mặt trời đêm. Chạng vạng, gió hôn mê muội lên cánh hoa vàng chót rũ rượi về phía mặt đất. Càng về đêm người ta càng sống hướng về đất. Trời lúc này có ý nghĩa quái gì đâu ngoài những ngôi sao.

Gió bắt đầu vờn em, len vào đến từng khía gót chân nứt nẻ, từng khía môi, chìm trong những sợi mi khô khốc, thường tình. Gió vun đầy từng nét vân tay, đắm đuối trong da thịt. Gió kéo khóe môi em. Gió cào xước móng tay em. Là người đó.

Người đó rất lạ. Không cho em thắp nhang, cũng không cho em niệm Phật, cũng không thấy lạnh, cũng không quên một thứ gìkhi còn sống, cũng không nhất nhất cho rằng mình chưa chết. Em hiểu gì đâu. Em nghĩ như người đó chắc phải hận đời lắm. Nếu là em thì em sẽ thế. Em ghét phải làm cái loại lơ lơ lửng lửng, như em này, ai cũng nói em ngẩn nhưng tự em thấy em bình thường. Chẳng qua là hơi bất cần một tí.

Em chỉ nghĩ thôi. Em nhét những suy nghĩ sâu buồn của mình vào đâu đó. Trong em có những góc khuất gọi là đâu đó. Gió khóc rấm rứt bên tai. Người đó nói cái gì chẳng có cá biệt, giống nhau hết còn gì cười nhạo nữa, bận tâm làm gì?

Em bận tâm làm gì? Người đó biết tất cả. Thảnh thơi một chút đi.

4

Ba lại về giữa đêm. Em cun cút mở cửa, mấy chiếc nút kim loại trên chiếc quần ka ki màu bộ đội lóe lên hằn lên bức tường loanglổ, ngang dọc dấu tích của một loài cây leo em không biết tên nhưng dám thề sống thề chết nó là loài cây lì nhất thế giới, cứ chặtđi chặt lại rồi cứ leo đi leo lại. Ba đi mười mấy ngày về mặt cứ tươi hơn hớn. Ba có phải người thường đâu. Ba nói thế. Em hai tay xách can rượu vô nhà. Ba thích rượu Lào. Lần nào cũng xách về vài lít.

Cảnh đêm chỉ có thể tả bằng một từ. Đen.

Má đi ăn cưới mấy hôm không về. Ba chẳng hỏi gì. Em tự nhiên nói thế thôi. Nếu không em có việc gì để nói với ba? Nói chuyệnngười đó. Ba sẽ bắt em đi kiếm chồng. Em thì yêu gốc cà phê của em lắm lắm.

* * *

Giữa đêm, nhưng hình như ba không hề có chút ý định nói tới chuyện đi ngủ. Ba chạy lại soi gương. Em lạ lắm. Giữa đêm soi gương chỉ có thể bị người âm theo thôi. Nếu thế, em nghĩ con ma nào cũng ngốc thật, đã là ma muốn ám ai thì ám lại đi ám ba em. Mất công. Ba em không ám ai đã là may lắm rồi.

Ba nhăn mặt. May quá, má nói người bị vong âm theo phải cười một mình giữa đêm mới đúng. Ba nói là ăn xôi với Bà đẹt nhiều quá, nóng nổi đầy mụn bọc. Cái xứ Lào quái quỷ điên rồ, đã nóng còn suốt ngày ăn xôi với đồ nướng với mắm với ớt cay. Cái mụn mủ to oạch căng như sắp nổ tung. Nhưng thôi, mụn phát thì tiền cũng phát. Ba cười khà khà, bấu hai móng tay cái dày cục nặng nề vào gần mũi, mụn phụt ra, em nhắm mắt, mở ra đã thấy cái gương lèm nhèm mủ máu. Em ghê quá. Em đứng yên không động đậy. Ba không nhìn em, cứ đứng ngắm mình qua lớp máu mủ đó. Ảnh ba cờn cợn, cờn cợn trong gương.

Em chạy vào phòng, đóng sập cửa. Ba kêu, con ngẩn, sao không lau đi?

5

Em muốn hỏi về cuộc sống của người đó. Chiếc loa hức rù rù, đó là lúc gió bắt đầu cuộc ái ân đơn phương trên da thịt em. Có gì đó mơ hồ, sợ sệt, buồn nản lăn theo từng mắt lưới B42 kết nối chụp tù em. Những mắt lưới co lại, co lại dần thắt cuộn thít em, một ngón tay cũng không lọt qua được. Bông hoa đẹp nhất lại nằm phía bên kia hàng rào. Con chim nâu nhỏ xíu mong manh ở quá cao. Em mặc kệ, em chỉ cần biết là người đó đang tới, em còn bận nói chuyện, em không thèm để ý

nữa. Đóa dã quỳ vàng lắm, em cứ nói là hoa dã quỳ vàng lắm, chói lắm, mãi nhưng thấy vẫn chưa đủ. Em tưởng đến đám vàng mã má em nâng niu khấn vái. Em sẽ kết dã quỳ thành áo, má em có đốt cho em không?

Người đó ơn ba em. Em phì cười. Ba em cũng có người ơn. Bằng gì? Tiền. Ngoài tiền ra ba em có gì, mấy cái mụn mủ trắng đụcnhờ nhờ như giọng cười? Bộ râu xồm xoàm? Mấy cái nút kim loại? Gió đi đến vành tai. Con chim nâu nhỏ nhấp nha nhấp nhổm đi ra đi vào nơi cái hộp điện cũ gỉ sét trên cột. Mẹ nó chắc chưa về. Con chim ngơ ngác ngóc mỏ lên trời. Nó đập chiếc cánh buồn thảm bay đến đậu trên hàng lưới B42. Em nói với người đó. Đó, chỗ con chim đậu là có người chết. Lúc em ra ba má đã kịp thắp nhang ở đó rồi. Má đòi ba dỡ hàng lưới đi, má sợ hồn hồn vía vía. Ba thì không, đã nói mà, ba em không phải người thường đâu. Ba em nói để xem còn thằng nào mò tới nữa không. Người đó gật gù ừ ba em không phải là người thường. Không nói gìhơn nữa. Người đó lạ thật. Người đó bình thường với mọi thứ.

Phía xa trời tỏa ra những tia đỏ cam đen của buổi chiều tối, mây là những dải dài rơi rớt như đang khóc. Tại sao người ta yêu nhau lại thề hẹn đi đến nơi chân trời góc bể. Em thấy chân trời vô định quá. Người đó bảo cái gì cũng vô định, kể chi chân trời?

6

Ba gọi về, đang kẹt ở Lao Bảo. Má thả cái điện thoại đánh rụp. Thích Lào cho lắm vào. Ở luôn bên đó về làm gì mà chả mắc kẹt. Người Lào dễ lừa. Ba nói thế và sướng lắm. Chúng nó chẳng biết xẻ gỗ làm nhà gì, mà có biết cũng chẳng làm, bọn lười thối đất.Lười thì để đấy cho ông mày xơi vậy.

Ba nằm đó mất mấy ngày, lâu lâu gọi về la ó, cái bọn ngu này, tiền nhét đến tận họng còn không nuốt. Biết ở luôn Lào đi té nước phải hay không? Chắc ba không còn biết gọi cho ai nữa. Chứ ba gọi về má cũng có thèm nghe đâu. Má nói rồi ba lo được hết. Ba chứ có phải chó mèo gì đâu.

Trời mưa kinh khủng. Em mỗi tối ra vườn khóa cái cổng sau thì cao thêm năm bảy xăng-ti nữa. Đất đỏ bám vào đôi dép lệt bệt, nhão nhoét, lì lợm. Ở cái xứ này cái gì cũng lì lợm, đóa dã quỳ trong mưa mặt ngất ngất phong trần, màu đỏ cam nhuộm chút trong suốt buồn phiền hơn hẳn. Vậy mà người tự tử chết cũng nhiều. Mùa cà phê người ta chết nhiều nhất. Xác có nhà lại đem chôn trong vườn, cà phê lại nở hoa trắng muốt. Chỉ đợi trời thương.

Má nhìn cái gương đến phát tởm, nghe em kể chuyện cái mụn của ba càng phát tởm, tại từ bữa đó em không dám đụng chạm đến nó, máu mủ khô lại dính chặt trên gương, không nói được là màu gì nữa. Choảng. Má phi cái ổ khóa vào đó. Vi khuẩn bay tứ tung trong nhà. Hình má trong từng miếng gương vỡ vụn, lắp ghép, đầy rẫy, biến hóa. Em chóng mặt.

Em chạy vào phòng, đóng sập cửa lại. Má kêu, con ngẩn, sao không dọn đi.

7

Chiều mưa em trốn vườn, cuộc đơn phương của cơn gió trộn với mưa ươn ướt làm em thấy buốt lạnh không chịu nổi. Dù em mong chờ người đó đến phát điên. Em muốn nghe tiếng chiếc loa xã xám xịt bí tị hức rù rù một tiếng, nhưng mưa to quá, sấm séthành hạ mấy cánh dã quỳ khóc than rũ rượi.

Người đó có tìm em không? Người đó có chờ em không? Em biết là người đó tìm em, chẳng qua là không đến bên em được, đến làm sao khi trong nhà má thờ Bồ tát, bùa thỉnh tận trên Đà Lạt. Em biết nhưng cũng không ra vườn. Cửa sổ vuông vắn khiếnnhững đường mưa rơi thẳng thớm hơn, trật tự hơn, yêu kiều hơn. Em co hai chân vào gối. Người đó ướt đẫm ngoài mưa. Em khóc không thành tiếng. Nhưng em phải suy nghĩ, em phải nghĩ xem người đó ơn gì ba em. Ba đang kẹt ở Lao Bảo, có phải người đó ơn ba nên mới đến bên cạnh em, nên mới trò chuyện với em, rồi sẽ xa em?

Người đó đã nói em đừng khóc. Khóc là tự làm khổ mình. Khóc là hành hạ mình. Em biết, nhưng vẫn cảm thấy khó khăn, và em thấy lạ nữa, người đó rất lạ. Em không thích làm cái kiểu lơ lửng như người đó, hồn sống mãnh liệt nhưng thân xác thì vụn vữa. Nơi nào? Em không biết, người đó không nói. Nếu nói có lẽ em đã đoán được người đó ơn gì ba em. Ba mãi không về, má ngồigác chân lên chiếc gạt tàn gỗ quý hiếm của ba xem bộ phim Hồng Kông sướt mướt lừa đảo.

Trời thâm đặc mây. Nước mắt lăn tuột trên gương mặt phúc hậu sáng ngời của má, vì diễn viên chính hình như mới bị gãy móng tay. Em co chân vào gối, ngủ quên mất người đó đang chờ em, gần gốc cà phê hàng độc có một không hai và hàng lưới B42 có người chết. Em gắng không mơ.

8

Má cuống lên. Họ đến đòi hàng còn ba thì chưa về. Má chụp lấy cái điện thoại, gọi ba, không nhớ số, chạy vội vàng vô phòng lấy cái di động. Chả hiểu có gì mà phải thế, ba có bao giờ như thế đâu. Hình như má sinh ra chỉ để mặc áo quần. Em nói thế này có hỗn không? Chẳng biết được, chỉ biết là sự thật nó vốn thế.

Ba gắt, làm gì mà ầm ĩ, có mấy cây gỗ làm nhà cũng ầm ĩ. Bảo nó sang đây mà lấy gỗ. Gỗ có phải mọc sẵn trên mặt ông mày như mọc mụn đâu. Nói nó xây sân xây vườn xây nhà vệ sinh trước đi. Ồn ào mãi, ông mày sướng lắm chắc?

Má bật loa ngoài cho cả làng nghe. Mấy con bướm sâu đậu trên đám dã quỳ em ngó được từ cửa sổ cứ ngơ ngơ ngác ngác. Ngày nắng ở vùng đất này cái gì cũng rực rỡ. Đất đỏ, dã quỳ cam vàng chói lọi, con bướm sâu đua đòi vàng chanh mỏng mảnh đến trong suốt. Em tưởng đến một đêm về sáng, sân vườn vàng thắm, những con bướm sâu chết như hoa giấy rụng đầy vườn. Bước đi cũng làm lay động. Biết vậy sao con bướm sâu không làm kiếp hoa giấy, có phải dễ dàng hơn?

Người đó nói làm kiếp nào cũng có cái lý của nó thôi, có cái này mới có cái khác, có thế này mới có cái khác. Thắc mắc cũngkhông làm gì. Trời lúc mưa lúc nắng, không gọi tên thẳng được là mùa nào. Mưa em lại trốn vườn, nắng lại chờ mong buổi chiều có hơi hướm đất, có hơi hướm chú chim non chờ mẹ, có hơi hướm của người đã chết ở đó.

Chiếc loa vẫn miệt mài bào mòn không gian bằng những âm thanh hức hức rù rù mỗi buổi chiều. Người đó đến đều đặn như em đã mong chờ. Nếu không em phải thế nào? Em thèm cảm giác căng đầy gió trong da thịt. Gió theo chân người đó, hay là người đó, hay ngược lại. Em không rõ. Những buổi chiều như thế cắn vào da thịt em, gởi lại những vết bầm thâm không tài nào xóa được. Người đó ơn ba em, còn em thì sợ. Người đó nói đừng sợ. Có gì phải sợ, ba em không phải là tốt hay xấu, ba em là ba em, ba em như thế là cái lý của ông trời. Em không chịu, ba em như thế là cái lý của ba em thôi.

9

Ba vẫn chưa về. Ba em đi Lào lần này là lâu nhất. Má lượn lờ để em lại với những buổi chiều chỉ biết cắn đau nhói. Với người đó. Người đó bí hiểm quá, em cũng không thích nữa, nhưng em vẫn muốn người đó đến.

Con chim nâu chiều nào cũng chờ mẹ nó. Em chờ người đó. Em không hiểu vì sao em thích người đó đến vậy. Em cô đơn quá, em hiu quạnh quá. Không phải, những điều đó với em xa lạ. Chỉ là hơi tò mò, chỉ là em muốn biết cái ơn của ba em, chỉ là em muốn biết cái cách người đó bình thường với mọi thứ, không, nói thật ra em muốn biết ba em thì ơn được cái gì. Sao em lại cay cú với ba em, có trời mới biết.

Má cứ về nhà là la lối om cả xóm. Đi buôn lậu còn bày đặt làm ơn làm phước. May tui đi bói, tui mới biết. Ông để nó ở lại đi. Ông định đem về làm sụp đổ cái nhà này chắc. Ông thấy chưa, dính vô là thiệt thân. Chưa chi ông đã bị giữ lại ở đó, mà từ trước tớichừ cả đời cả kiếp có khi nào bị đâu. Thầy nói rồi, nó khắc ông, ông muốn tan gia bại sản thì ông thích làm chi thì làm.

Ba nói, kệ tui, biết gì mà nói, chưa chi đã lu loa lên. Điếc đít.

Em chẳng biết ba làm gì, em thấy sợ thôi, ba đem cái gì đó về. Tự dưng em lại thấy mình sắp mất đi một cái gì đó thật quan trọng. Đánh đổi. Em mơ hồ thấy mình phải đánh đổi. Nó có liên quan gì đến người đó không? Người đó có vì việc đó mà quá vui mà quá buồn mà quá lạ không? Em sợ cái ơn đó trả được rồi, người đó sẽ tan biến mất.

Ngoài biết sợ, em không biết gì nữa.

10

Em không nói chuyện này với người đó. Nhưng em nghĩ là người đó biết, không cần em. Chiếc loa xã vẫn mài từng cơn gió bay ngang qua nó, hức hức rù rù. Người đó đến không như ngày trước. Em không định rõ được, em ghét em quá, cái gì cũng không định rõ, không định rõ.

Hàng lưới đứng chếch chếch về phía ngoài, như trên trời vừa đổ xuống cơn lốc dữ dội xoáy thẳng vào vườn, mọi thứ rạp xuống, tiêu điều. Đám dã quỳ nghiêng ngả, chỉ có màu của nó thẳng đứng hướng về trời. Em không nghĩ người đó chính là người đã chết ở hàng lưới kia. Vì nếu chết ở đó thì có gì là mang ơn ba nữa, hận ba mới đúng. Hay vì ba em đã giải thoát cho người đó, vìngười đó muốn chết. Không, người đó không phải là người muốn chết, người đó nói em là cái gì cũng có cái lý của nó, sao lại muốn chết?

Người đó vẫn bình thản. Cũng không có lý do gì khiến người đó không bình thản. Em hỏi trả được ơn người đó sẽ làm gì? Không trả ơn, có những cái không có ai cũng không có cách gì trả được.

Hố rác vang tiếng bụp, con chuột vừa rơi vào đó, trời chập choạng, mà không, nó nhảy vào đó thì đúng hơn. Vài đường lóe sáng, chớp giựt, lỗ chỗ chiếu lên cột điện. Mảng sáng không hiểu vì sao phản lên ảnh của ba và má. Em hoảng hốt. Em muốn la lên,em muốn níu lấy tay người đó, em muốn chạy trốn, nhưng em không thể.

Đám gương vỡ vụn nằm ngoan trong cái hố lổn ngổn rác. Trong đó, tất cả đều là những thứ bị bỏ rơi.

11

Ba xách về cái hũ nhỏ hơn hũ rượu thường. Em đỡ nó đem vào bếp. Má kêu, con ngẩn, xách lên bàn thờ cho ba mi thờ, cốt người đem xách xuống bếp.

12

Buổi chiều của em rộng hơn. Hàng lưới bị ba dỡ bỏ nằm im lìm bên hố rác. Ba nói kiếm người mà bán ve chai. Ba lúc nào cũngbảo em kiếm người, vì em lúc nào cũng bị thiếu người.

Vì người đó không đến nữa.

Gió phớt qua đôi gò má em như người dưng.

Má truy ba đến cùng. Ba có phải là người thường đâu. Ba nói mất chuyến này còn chuyến khác. Nghề của tui bà sợ mòn đi chắc. Má nhất quyết muốn hiểu. Ba sao lại bỏ cả chuyến hàng để xách cái hũ tro đó về. Ba nói tui hiểu tui chết liền. Người ta chết rồi bà cứ chì cứ chiết thêm mang tội. Mà cái gương đâu rồi? Bà đập bể thì bỏ tiền túi mua cái khác, để tui còn ngó mụn.

Ảnh ba má vụn vỡ trong những mảnh gương buổi chiều hôm đó làm em muốn khóc thét. Em hoảng loạn quá. Hoảng loạn vìngười đó không đến, vì ba em làm ơn đường đột. Em cũng không hiểu, nhưng không muốn hỏi ba, ba lại kêu, con ngẩn, lớn rồi không lo kiếm chồng mà lấy, nói bậy bạ. Em không nói bậy bạ nữa, với lại người đó cũng nói cái gì cũng có cái lý của nó. Ba em quen với người đó, có lẽ thế, và nghĩ như thế cũng có gì mất mát đâu. Quá lắm cứ nghĩ là ba em với người ấy gặp nhau trong một cơn mơ.

Buổi chiều không có hàng lưới đó dường như cũng chẳng có gì mất mát, vẫn thản nhiên cắn em những miếng đau nhói buốtlạnh. Đám dã quỳ bình thản trong tầm tay, hố rác vẫn lổm nhổm sự lãng quên khổ sở, gốc cà phê em yêu thích. Mọi thứ oằn xuống bởi sự u ám heo hút cuối ngày. Buổi chiều tự cắn mình thành những miếng vuông tròn đỏ chót.

Gió không còn làm chiếc loa xám xịt hức lên mỗi khi ghé lại. Gió lướt trên đám dã quỳ vàng óng. Gió khiến con chim nâu run rẩy trên cao. Em nhìn chân trời và khóc, thèm gió nhưng gió như mọi thứ, vô định khôn cùng.

Người đó không đến nữa. Mọi sự trên đời đều có cái lý của nó. Em nói với mình thế. Bây giờ em mừng vì người đó không lơ lửngnữa. Người đó thật lạ. Người đó thật bình thường.

13

Má đi chùa thường xuyên hơn. Má không sợ bị ám, không sợ ở cùng nhà với ma. Má sợ tan gia bại sản, thầy đã nói rồi, mà thầythì nói gì cũng đúng. Má gởi hũ tro lên chùa, làm một cái bảng Vô danh.

Ba mặc kệ, làm gì thì làm, bằng cách nào thì cách, lòng nghĩ sao thì nghĩ, cứ cố lo cho người ta yên ấm là được.

Còn em. Là một con ngẩn theo lời ba và má thì nói. Vô ích quá. Người đó lúc nào cũng yên ấm bình thường.

 **** THE END ****

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ! 

Nguồn: truyen8.mobi/t58179-chet-ngat-trong-nha-kinh-truyen-3.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận