“Béo,” Porm gọi khi thấy tôi im lặng. “Cậu không sao đấy chứ?”
“Ý cậu là gì?” Tôi nhìn nó.
“Như kiểu… thất vọng, tiếc, đại loại thế.”
Tôi vẫn im lặng.
“Vậy là?” Nó bướng bỉnh.
“Mình không biết phải nói sao với cậu.” Tôi thở dài.
“Cậu sợ phải nói về chuyện này, đúng không?”
“Mình không biết!” Tôi lắc đầu. “Ngay bây giờ mình không suy nghĩ rõ ràng được.”
Nó nhìn tôi cảm thông. “Cậu nghĩ những người thi trượt sẽ nói thế nào với mọi người?”
“Làm sao mình biết được?” Tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu. “Có thể họ sẽ khóc hết mước mắt, nhốt mình trong phòng, tuyệt thực từ ngày này qua ngày khác hoặc treo cổ tự tử để chấm dứt mọi thứ.”
“Đấy không phải cách đối thoại với mọi người mà là từ chối đối mặt với sự thật.” Porm phản đối thẳng thừng. “Sớm hay muộn cũng sẽ có ai đó đến lôi cậu ra ngoài kia thôi.”
“Vậy ta cùng nghe xem cách của cậu là gì.” Tôi chán ghét nhìn nó.
“Đầu tiên, cậu phải hiểu là kỳ thi này hay việc được vào đại học tự bản thân nó không có ý nghĩa thật sự. Nó chỉ là một tục lệ xã hội thôi. Chúng ta nên cảm thấy tự hào vì giá trị tự thân của mình chứ không phải là những giá trị do người ngoài áp đặt vào. Khi cậu tự hào vì bản thân mình, cậu sẽ thôi cảm thấy bị bó buộc bởi những quy tắc xã hội cũ kỹ và cậu sẽ đủ tự tin đối mặt với mọi thứ một cách kiêu hãnh.”
“Nói suông thì ai mà chả nói được,” tôi chỉ trích, “nhưng liệu bao nhiêu kẻ làm được như lời họ nói.”
“Thì bây giờ cũng có mình còn gì,” Porm thân thiện đáp.
“Cậu điên rồi.” Tôi cười nhạo. “Khi nào thì cậu mới dừng việc vớ vẩn này?”
“Thế hoá ra cậu nghĩ những gì mình vừa nói là vớ vẩn à?” Lời nhận xét của tôi có vẻ không chút ảnh hưởng tới nó.
“Đúng.” Tôi gật đầu. “Chẳng ai nghe những tuyên bố ấy từ những người như cậu nữa đâu.”
“Mình lấy làm tiếc.” Hai mắt nó tối lại. “Tiếc cho cậu, vì lối suy nghĩ của cậu nông cạn như tất cả bọn họ.”
“Không cần phải lấy làm tiếc,” tôi phun ra. “Người lấy làm tiếc phải là mình, vì có một người bạn như cậu.”
“Cậu bị làm sao thế, Béo?” Giọng nó căng như dây đàn. “Cậu bị làm sao thế?”
Bốn mắt chúng tôi nhìn nhau. Trong thoáng chốc, tôi thấy nỗi thất vọng ánh lên trong đôi mắt kiên cường của nó. Tôi nhìn đi chỗ khác, dần bước đi qua nó mà không chào tạm biệt hay quay đầu lại.
Tối đó, mẹ vẫn chưa đi ngủ khi tôi về đến nhà. “Mày đấy hả Nat?” bà hỏi khi tôi nhón chân qua cửa phòng.
“Vâng ạ,” tôi trả lời đoạn đứng sững lại.
Tiếng lách cách vang lên rồi mẹ mở cửa, bước ra nhìn tôi trong ánh sáng hắt ra từ phòng bà. Chúng tôi không nói gì. Chỉ có tiếng thở gấp gáp chen giữa không gian tĩnh mịch.
“Vậy thì…” Bà gật đầu. “Đi ngủ đi.”
Tôi lặng lẽ đi qua mẹ. Ánh sáng từ phòng bà vẫn hắt ra dọc hành lang. Đến lúc tôi dừng lại trước phòng mình, ánh sáng đèn mới tắt và cửa phòng bà mới đóng lại.
“Mày định sắp tới sẽ làm gì?” mẹ hỏi thẳng khi tôi đặt thìa dĩa xuống đĩa.
“Con vẫn chưa quyết định ạ,” tôi trả lời khẽ, lãng tránh ánh mắt của mẹ và mọi người khác quanh bàn ăn sáng.
“Tham gia một khoá học cấp tốc nào đó rồi năm sau thi lại đi,” Ning gợi ý.
“Thế trường đại học dân lập thì sao? Bác có thể lo cho cháu một chỗ,” bác Amorn gợi ý.
“Tao thấy thà mày ở nhà một thời gian giúp tao trông coi nhà hàng rồi làm gì thì tính sau…”
“Nhưng con nghĩ…” Ning chen vào.
“Ừ, ừ. Hay cháu thích trường dạy nghề hơn?” bác Amorn đề xuất.
“Tao thấy thế không ổn lắm. Có mày đỡ đần, tao có thể quản lý mọi thứ dễ dàng hơn.”
“Nhưng con nghĩ…” Ning nói.
“Mẹ!” Tôi đứng bật dậy. “Cho con suy nghĩ một lát, được không?”
“Ô, thế hoá ra mày nghĩ là tao đang chõ mũi vào chuyện của con cái, đúng không?” mẹ tuôn một tràng. “Tao thấy thương mày mới cố nghĩ cách giúp mày bận bịu mà hồi tâm lại, còn mày thì lại nói với tao bằng cái giọng như thế đấy!”
“Con chỉ muốn nói…”
“Nếu tao để mày tự lo liệu, mày sẽ chẳng bao giờ quyết định được chuyện gì cả.”
“Mẹ…”
“Thôi nào, đủ rồi!” bác Amorn đứng dậy. “Em không thấy là con trai em đang không vui à? Hãy để thằng bé yên một lúc. Nat, cháy lên phòng đi.”
Tôi rời khỏi bàn ăn sáng lặng lẽ lên gác, để mặc tương lai của bản thân cho mẹ và bác Amorn bàn bạc.
Tôi mở cửa vào phòng, đi tới ngồi xuống chiếc ghế bên bàn vẽ, cảm thấy cô độc. Tôi với lấy tất cả những bức tranh đã từng vẽ, vo lại ném từng viên vào sọt rác. Mấy bức vẽ đầu tay thì chẳng đẹp đẽ gì lắm, nhưng một vài bức khác, theo tôi thấy, cũng không đến nỗi tồi, trong đó có bức tôi vẽ Jom vào lần đầu tái ngộ sau khi chị đi Anh về.
Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, tay vẫn cầm bức tranh. Tôi đã không gặp Jom ba tuần nay. Chị có gọi tới vài lần trong đợt tôi đang ôn thi, nhưng ngay khi biết sắp đến kỳ thi, chị liền bặt vô âm tín.
Tôi cuộn bức vẽ lại, lôi đôi giày vải từ gầm giường ra, xỏ vào chạy ra khỏi nhà.
Tôi đến nhà Jom lúc mười giờ kém mấy phút. Một người giúp việc ra mở cửa đón tôi vẻ lạnh nhạt. Tôi ngồi chờ Jom ở chòi nghỉ trước nhà. Một lúc lâu sau, chị xuất hiện, dáng điệu nom bơ phờ.
“Chị rất xin lỗi. Béo, để cậu chờ lâu như vậy.” Chị ngồi xuống cạnh tôi và thô bạo lùa tay vào tóc. Tóc chị dài hơn hẳn, khiến khuôn mặt buồn bã của chị trông càng xanh xao hơn.
“Không sao đâu,” tôi nói cho phải phép và quan sát chị kỹ càng. Trông chị khác với Jom mà tôi từng quen, một bức tranh u sầu thay vì tươi vui như ngày trước.
“Mẹ chị thế nào rồi?” tôi hỏi một cách máy móc.
“Khá tệ.” Chị co vai lại và siết chặt hai bàn tay vào nhau. “Từ đầu tháng này, sức khoẻ mẹ chị liên tục giảm sút. Mẹ phải tiêm nhiều mũi một ngày, uống từng vốc thuốc, và cứ rên rỉ về chuyện còn bao lâu nữa bà mới được giải thoát khỏi cái thung lũng nước mắt này.”
“Chẳng phải mẹ chị đã nói sẽ chăm sóc chị cho đến khi học hành xong xuôi sao?”
“Dạo này mẹ yếu đi nhiều.” Jom thở dài đầy mệt mỏi. “Còn kẻ ở đăng kia thì ngày càng quá quắt.” Chị hất cằm về phía ngôi nhà nhỏ.
“Thế bố chị thì sao?” tôi dịu dàng hỏi.
“Bố không có thời gian cho cái gì ngoài công việc cả. Ông ấy còn chẳng ở nhà mấy. Khi nào ông ở nhà, mụ đàn bà kia liền bấu chặt lấy. Một tuần nay ông ấy chưa đến thăm mẹ chị rồi.”
“Em muốn vào thăm bác một lúc.”
“Để sau đi,” Jom từ chối. “Mẹ chị đang ngủ. Bác sĩ cho bà dùng thuốc an thần.”
Tôi không hiểu sao Jom không muốn tôi gặp mẹ chị, nhưng đây không phải là việc tôi có thể tọc mạch. Chúng tôi ngồi im lặng một lúc lâu, đắm hìm trong những suy tư riêng.
“Béo, cậu đến gặp chị có việc gì không?” Jom bất chợt hỏi.
“Không.” Tôi lắc đầu. “Em nhớ chị, thế thôi.”
“Cám ơn.” Chị cười buồn bã. “Cậu lúc nào cũng là bạn tốt của chị.”
“Đây, cho chị này.” Tôi đưa chị bức tranh.
“Cái gì thế?” Jom bối rối nhận bức tranh mở ra, và khi đã nhìn rõ rồi, hai mắt chị mở lớn đầy hạnh phúc. “Cậu tự vẽ à?”
“Ừ đấy.” Tôi gật đầu, khiêm tốn mỉm cười.
“Tuyệt quá!” Chị giơ bức chân ra ngắm với vẻ ngưỡng mộ không giấu giếm. “Cậu sẽ trở thành một hoạ sĩ lớn, chị chắc chắn.”
Tôi cúi đầu tránh ánh mắt chị khi quay lại nhìn tôi.
“Cậu không có chuyện gì thật chứ?” chị hồ nghi hỏi.
“Không, không,” tôi vội vã phản đối. “Thôi, em đi đây.”
“Này!” Jom ngẩng đầu lên nhìn khi tôi đứng bật dậy.
Tôi bước ra khỏi ngôi nhà chính, đi dọc theo con đường rải sỏi nhỏ hẹp dần tới cánh cổng, Jom vẫn nhìn theo từ chòi nghỉ. Tới góc ngôi nhà, tôi suýt nữa đụng phải một người thanh niên tám thước đang chăm chú đi. Anh ta ngước lên nhìn tôi, không dừng lại. Khi quay lại nhìn ngôi nhà chính trước khi bước qua cổng, tôi thấy Jom vội vã bước xuống cầu thang chào người thanh niên rồi sóng bước cùng anh ta dọc con đường rải sỏi ấy.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !