Chuyến Viếng Thăm Của Ngự Y Hoàng Gia Vĩ thanh

Vĩ thanh
Nàng biết về vụ hành quyết một ngày sau.

Rồi, vào ngày 30 tháng Năm, ba chiếc tàu của Anh đến đón Caroline Mathilde đưa nàng tới Celle, Hanover. Lâu đài nằm ở trung tâm thành phố đã được xây dựng từ những năm 1600, bị bỏ hoang nhưng giờ đây trở thành nơi ở của nàng. Được biết nàng vẫn giữ phong cách sinh động của mình và rất quan tâm đến phúc lợi của những người dân nghèo ở Celle và đòi hỏi sự tôn trọng đối với các kỷ niệm về Struensee. Nàng thường nói về anh, gọi anh là "vị công tước kính mến" và chả mấy chốc đã trở nên được mọi người yêu quý ở Celle, nơi họ trân trọng suy nghĩ rằng nàng đã bị đối xử tàn tệ.

Nhiều người quan tâm đến vai trò chính trị của nàng trong tương lai. Christian, lúc này đã hoàn toàn ngập chìm trong bệnh tật, vẫn còn là Nhà vua và người con trai mà Caroline Mathilde đã sinh hạ cho ngài đã được tấn phong kế vị ngôi vua. Bệnh tật của Nhà vua đã tạo ra, giống như trong quá khứ, một khoảng trống ở trung tâm, nay được lấp đầy bởi những kẻ khác thay vì Struensee.

Kẻ nắm quyền thực sự giờ đây là Guldberg. Trên thực tế, ông ta trở thành người cai trị tuyệt đối với chức vụ thủ tướng; nhưng sự bất bình ngày càng dâng lên trong một số nhóm ở Đan Mạch, và có những kế hoạch được cân nhắc để phục hồi Caroline Mathilde cùng người con của nàng thông qua một cuộc đảo chính lật đổ Guldberg với nhóm của ông ta.

Vào ngày 10 tháng Năm năm 1775, những ý đồ manh nha đã bị tan vỡ khi Caroline Mathilde đột nhiên chết một cách không giải thích được vì một "cơn sốt truyền nhiễm". Tin đồn nàng đã bị hạ độc theo lệnh của chính phủ Đan Mạch không bao giờ được khẳng định.

Lúc đó nàng mới hai mươi ba tuổi. Nàng không bao giờ được gặp lại những đứa con của mình. 

Cuộc cách mạng mà Struensee phát động đã nhanh chóng bị dập tắt; chỉ mất vài tuần mọi thứ bị lật ngược trở về như trước kia hoặc về thời trước nữa. Như thể sáu trăm ba mươi hai đạo luật trong thời gian hai năm được gọi là "thời kỳ Struensee" chỉ là những con chim sẻ bằng giấy, vài trong số đó đậu lại, trong khi những con khác vẫn chập chờn trên bề mặt của cánh đồng mà cũng không thể đậu được xuống phong cảnh của Đan Mạch.

Thời đại Guldberg tiếp theo và tồn tại tới tận năm 1784 khi ông ta bị lật đổ. Thật rõ ràng là mọi thứ lại trở về như cũ trong thời kỳ của ông ta, và cũng rõ ràng là chẳng có gì trong thời Guldberg còn tồn tại.

Sản phẩm chính trị lớn lao của Struensee thật đáng kinh ngạc. Nhưng liệu có bao nhiêu phần trong đó trở thành hiện thực?

Hình ảnh của anh chỉ là một trí thức bàn giấy có được một năng lực phi thường cũng không thật chính xác lắm. Nước Đan Mạch chẳng bao giờ trở lại như dưới thời Struensee. Nỗi lo sợ của Guldberg đã chứng tỏ là đúng; căn bệnh của thời kỳ Khai sáng đã bắt rễ khá chặt; những lời nói và tư tưởng không thể bị chặt đầu được. Và một trong những cải cách mà Struensee chưa bao giờ xoay xở để thực hiện được, việc xóa bỏ chế độ cho vay lãi và chủ nô, đã trở thành hiện thực vào năm 1788, một năm trước cuộc cách mạng Pháp.

Struensee vẫn sống theo một cách khác.

Louise Augusta, con gái của Struensee và Caroline Mathilde, được nuôi dưỡng ở Đan Mạch; anh trai cô, đứa con trai duy nhất của Christian, đã đóng một vai trò tích cực trong cuộc đảo chính năm 1784 lật đổ Guldberg và năm 1808, anh đã kế vị người cha ốm yếu của mình lên ngai vàng.

Về mặt khác, cô con gái lại gặp một thân phận khác. Cô được tả lại là rất đẹp, với sức sống "đáng ngại". Hình như cô cũng chia sẻ quan điểm chính trị cơ bản của người cha, rất thích thú những sự kiện của cuộ c cách mạng Pháp, có tình cảm với Robespierre và người cha mình mà theo cô lỗi lầm duy nhất là ông sở hữu "nhiều tinh thần hơn là sự khôn ngoan".

Có lẽ đó là một sự phân tích đúng đắn. Vẻ đẹp của cô và nét sống động của cô đã làm cô thật hấp dẫn, mặc dù không phải lúc nào cũng là một đối tác bình yên. Cô lấy công tước Frederik Christian av Augustenborg người chưa phải tương xứng với cô về mọi thứ. Tuy nhiên cô có ba người con với ông ta, một trong số đó là gái, tên là Caroline Amalie, kết hôn năm 1815 với Hoàng tử Christian Frederick, người kế vị ngôi vua của Đan Mạch, do vậy mọi việc lại đi vòng tròn tại triều đình Đan Mạch.Với cách đó, nhiều người thuộc dòng dõi của Struensee đã trượt vào những ngôi nhà hoàng gia bí hiểm và đặc thù của châu Âu mà chả mấy chốc tan rã, nơi ông đã từng là một người khách ngắn ngủi chẳng mấy được hoan nghênh. Cháu nội đời thứ ba của ông là Augusta Victoria kết hôn với nhà vua Đức Kaiser Wilhelm II và có tám người con. Ngày nay hiếm có gia đình hoàng tộc châu Âu nào, kể cả Thụy Điển, không có gốc gác, không có chút ít dây mơ rễ má với Johann Friedrich Struensee, nàng công  chúa bé nhỏ người Anh của ông và đứa con gái bé bỏng của họ.

Có lẽ điều này cũng có chút ý nghĩa. Nếu như thỉnh thoảng, khi ở trong tù, Struensee đã có một giấc mơ về sự trường tồn thì đó là về sinh học và cuộc sống trường tồn có nghĩa là tiếp tục tồn tại qua con cái của mình, vậy ước mơ của ông đã được chấp thuận. Ước mơ của ông về trường tồn và quan điểm của ông về con người, cả hai ông chưa bao giờ thực hiện được - điều mà ông cùng với sự thoảng qua lý thuyết của mình, cố gắng mô tả như "cỗ máy người". Nhưng cái gì là sự thật về một con người, mà thể xác đã bị chặt ra từng khúc, phanh thây, treo lên cọc và để cho bánh xe lăn qua, về mặt nào đó vẫn còn sống mãi? Vậy điều thiêng liêng đó là cái gì? "Điều thiêng liêng là cái mà một con người thiêng liêng làm", ông đã nghĩ: con người là một số lượng những sự lựa chọn tồn tại và hành động. Nhưng cuối cùng, không gì khác, một điều quan trọng hơn, là vẫn còn lại thời Struensee. Không phải về sinh học, không chỉ là hành động, mà là một giấc mơ về những khả năng của nhân loại, điều thiêng liêng nhất trong tất cả và khó khăn nhất để nắm bắt, cái tồn tại như là một tiếng sáo giản dị và dai dẳng từ  thời kỳ Struensee và nó không chịu  bị cắt bỏ đi.

 

Một buổi tối tại Nhà hát Hoàng gia vào tháng Chín năm 1782, Đại sứ Anh từ nước Anh đã báo cáo với chính phủ Anh về một sự kiện.

Trong buổi gặp gỡ với vua Christian VII và Thủ tướng Guldberg, Christian gợi ý rằng Struensee vẫn còn sống và Keith nhận thấy vẻ giận dữ, dù hết sức kiềm chế, từ phía Guldberg.

Mọi người đều nói về thời đại Struensee. Điều đó không công bằng. Điều đó không công bằng!

Sau buổi tối ấy, Christian biến mất.

Ông ta đi đâu vào buổi tối hôm đó, chúng ta không được biết. Nhưng người ta vẫn biết nơi ông ta vẫn thường xuyên biến mất và điều này diễn ra luôn. Và với ai. Và như vậy có thể hình dung điều gì diễn ra trong cái buổi tối đặc biệt đó: ông ta đã đi bộ một quãng ngắn từ Nhà hát Hoàng gia tới một ngôi nhà ở trung tâm Copenhagen, trên khu Studiestræde. Và ông ta, cũng sau sự kiện mà Keith mô tả, bước vào một căn nhà ở khu Studiestræde để gặp một người đàn bà mà ông ta vẫn khăng khăng gọi là Bà chúa của nhân  gian, người đã trở lại, người duy nhất mà ông ta có thể tin cậy, người duy nhất ông ta yêu với cách yêu đặc biệt của mình, người bảo trợ duy nhất cho đứa trẻ hoàng gia mà lúc này ba mươi ba tuổi, người mà cuộc sống đã bị đối xử thật khắc nghiệt.

Đó là Bottine Caterine, người nhiều năm trước, sau khi ở Hamburg và Kiel, nay đã trở về Copenhagen. Giờ đây, theo như sự mô tả, bà ta tóc đã bạc, mập hơn và có lẽ cũng khôn ngoan hơn.

Người ta giả thiết là vào tối hôm đó cũng vậy, mọi nghi thức đều diễn lại như cũ, những màn yêu đương đã khiến cho Christian có thể sống được khá nhiều năm ở ngôi nhà điên. Ông ta ngồi dưới chân cô trên một chiếc ghế nhỏ ông luôn sử dụng và rồi bỏ bộ tóc giả, thấm ướt một mẩu vải trong bát nước lau sạch những vệt phấn và hóa trang trên khuôn mặt mình, sau đó cô ta chải tóc cho ông trong khi ông ngồi đấy, thật yên tĩnh, đôi mắt khép lại, ngồi yên trên ghế dưới chân cô với mái đầu tựa vào đầu gối cô.

Và ông biết rằng cô là Bà chúa của nhân gian, cô là người bảo trợ cho ông, cô dành thời gian cho ông, cô có tất cả thời gian và cô chính là thời gian.

Nguồn: truyen8.mobi/t87528-chuyen-vieng-tham-cua-ngu-y-hoang-gia-vi-thanh.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận