Chuyện Đời Tôi Chương 27


Chương 27
Trung học Lô Nam

Cả nhà đến Tứ Xuyên rồi đi Trùng Khánh. Khắp nơi hân hoan đón mừng thắng lợi. Qua hơn một năm đi bộ trên đường dài, cả nhà năm người, ngoài gói đồ sờn rách trên vai, thì chẳng còn gì, trông thật thảm hại. May sao, ở Trùng Khánh có người anh em họ của mẹ, như tôi đã viết ở trên, nhà họ Viễn là một dòng họ lớn. Lúc đó, cậu ba và mợ ba đón chúng tôi về ở chung. Các cậu, các dì khác ở Tứ Xuyên cũng đến tiếp tế cho chúng tôi đều đặn. Mẹ tôi là con gái trưởng dòng họ Viễn, lẽ ra là một tiểu thơ quyền quý đáng tôn đáng kính, nhưng giờ đây, trời đất xoay chuyển ra nông nỗi này. Gặp nhau, mọi người vây quanh ba mẹ, hỏi tỷ mỷ quá trình chạy nạn. Ai nấy nghe đều há hốc mồm, không thể nào tin được sao lại nhiều chuyện động trời đến thế, cứ dồn dập xảy ra với chúng tôi!

Người kể đến chuyện buồn, rơi nước mắt, người nghe cũng sụt sùi khóc theo. Ngồi giữa đám đông nghe ba mẹ kể hết lần này đến lần khác, tôi cũng ôn lại những năm tháng phiêu dạt đầy đau thương, khi buồn khhi vui, khi tan khi hợp. Nên chi hồi ấy, tuy tôi mới sáu tuổi, nhưng những sự việc xảy ra đều in sâu tận đáy lòng không sót điều gì.

Chuyện đi lánh nạn đã thành quá khứ. Tương lai rồi sẽ ra sao là chuyện ba mẹ đang phải lo toan. Khi đó, do không biết, ba không xin dạy học tại trường ở đó, mà lại đi dạy ở một nơi tên là Lý Trang. Vì là sau chiến tranh, nên cảnh vật tiêu điều xơ xác, trường không có nhà ở cho gia đình, chỉ có thể sắp đặt chỗ ở độc thân cho ba tôi. Ba tôi thật tình không muốn xa vợ con khi chiến tranh vừa mới kết thúc. Khi cần đoàn tụ thì lại đi dạy học ở Lý Trang! Song xa nhau là chuyện nhỏ, còn thất nghiệp mới là việc lớn đáng lo hơn. Vì thế, ba quyết định đi Lý Trang dạy học. Còn mẹ và ba chị em tôi làm sao đây? Lúc đó, dì Huân đến bảo:

- Chẳng có chuyện gì đáng lo, chị Ba và ba cháu kéo hết đến trong trường trung học Lô Nam của em! Em đang thiếu giáo viên dạy văn, chị Ba chẳng phải đã dạy học ở Hồ Nam rồi là gì? Bây giờ chị lại đi làm giáo viên giúp em!

Dì Huân là em họ của mẹ. Mẹ tôi hàng thứ ba trưởng họ, nên dì Huân gọi mẹ là chị Ba. Khi đó, dì Huân và chồng của dì huyện Lô của Tứ Xuyên, mở trường Trung học dân lập, mọi thứ đều còn mới, thậm chí thiếu cả tiền lương cho giáo viên.

Thế là chúng tôi tạm thời chia tay ba, theo mẹ đến trường trung học Lô Nam.

Trường Trung học Lô Nam (trong cuốn sách tôi viết tựa đề "Tình quê hương không bao giờ dứt", có lược kể về trường này và dì Huân của tôi) là nơi để lại trong tôi những kỷ niệm đầy hứng thú. Nó vốn là một ngôi chùa lớn được sửa thành trường học. Phòng học đặt tại điện chính của ngôi chùa, nên mỗi phòng học đều có Bồ Tát. Nhà mẹ con tôi ở là nơi tu hành của các Hòa thượng trước kia, rất đơn sơ, giản dị.

Trải qua thời gian đi lánh nạn đầy thảm khốc, bây giờ vào ở nơi đây, thật chẳng khác nào đến chốn thiên đường.

Cuộc sống của tôi chẳng mấy chốc thay đổi hết. Tôi nhớ rõ, năm ấy vui lắm. Học sinh của mẹ đều thuộc lớp đàn anh của tôi. (Ở đây tưởng cần thuyết minh một chút, Tứ Xuyên hồi ấy rất bảo thủ, rất trọng nam khinh nữ. Con gái đều ở nhà giúp việc gia đình, không mấy cha mẹ chịu cho con gái đi học. Cho dù con trai đi nữa, cũng là do dì Huân và chồng dì vận động, thuyết phục từng nhà một, tranh thủ cho các cháu đi học. Cho nên học sinh đều là con trai nhưng tuổi rất lớn, những mười tám, mười chín tuổi mà còn học năm đầu cấp trung học. Đã vậy, số học sinh này cũng không được học cơ bản ở cấp một, cho nên mẹ tôi dạy các anh ấy thật vất vả, nhưng được cái các anh ấy đều thành thật, nhiệt tình, chịu khó, đều trở thành anh cả của tôi). Những người anh này thường dẫn tôi đi chơi, bày tôi nuôi dế, cõng tôi trên vai đi hái lá dâu, đưa tôi ra bờ sông nhặt đá cuội... Tuổi thơ ấu của tôi đã sớm bị mất nụ cười và niềm vui, thì tại đây, tôi dần dần lấy lại niềm vui ấy.

Cũng trong thời gian này, mẹ tôi bỗng dưng phát hiện được sức cảm thụ văn học của tôi, lúc vui vẻ, nhàn nhã, bắt đầu dạy tôi đọc thơ Đường. Và cũng lần đầu tiên, tôi nhận ra ma lực của văn học, và bắt đầu tìm được niềm say mê trong văn học.

Phát hiện của mẹ tôi khá ngẫu nhiên.

Nguyên là thế này:

Những học sinh của mẹ tôi tuy tuổi đã lớn nhưng không hiểu sao học không vào, mẹ tôi cứ phải giảng đi giảng lại nhiều lần mà các ông anh ấy vẫn cứ không hiểu nổi. Còn tôi, theo mẹ từ thuở nhỏ, khi mẹ giảng bài, tôi thường ngồi bên bậu cửa "dự thính". Có một hôm, mẹ đang dạy bài "Chim lành hót đêm", trong đó có hai câu thế này:

Đêm, đêm, đêm chim hót

Người nghe nao nao lòng.

Vì là có ba chữ đêm, các ông anh lẫn lộn mãi. Mẹ giảng khô rát cả cổ họng, các anh vẫn lắc đầu không hiểu. Mẹ có phần hoài nghi năng lực giảng dạy của mình. Đang khi bối rối, thấy tôi ngồi trên bậu cửa, mẹ kéo tôi vào lớp hỏi:

- Phượng Hoàng, con có hiểu ý nghĩa hai câu này không?

- Hiểu chứ ạ! Tôi trả lời dứt khoát, mẹ tôi đỡ người.

- Thế thì con trả lời xem nào! Mẹ tôi định hỏi thử vậy thôi.

Tôi giải thích thật rành rọt, chi li, cặn kẽ. Từ hôm đó, mẹ tôi đắc ý lắm, mẹ bắt đầu dạy tôi Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị. Tôi cũng học rất chăm chỉ, tôi học thuộc thơ Đường, bảy tuổi mà tôi đã thuộc lòng "Lương thượng song nhạn", và "Từ điểu dạ thí đề". Tôi nghĩ, sau này tôi mê viết văn ắt có liên quan rất lớn đến những ngày học thơ Đường hồi đó.

Thời gian ở Trung học Lô Nam, nhà chúng tôi lại có chuyện đại sự. Ấy là chuyện em bé gái tôi chào đời. Nguyên là sau khi thắng lợi, mẹ tôi lại có mang, với cái bào thai này, mẹ tôi gởi gắm rất nhiều hy vọng. Chiến tranh đã đi qua, gian khổ cũng phải lùi dần về dĩ vãng. Tuy cuộc sống trước mắt còn gian truân, vợ chồng chưa được đoàn tụ. Nhưng, viễn cảnh vô cùng tươi đẹp. Mẹ tôi cũng thừa nhận rằng, thời kỳ thai nghén em gái tôi, là thời gian mẹ tôi thấy tràn ngập yêu thương ngọt ngào.

Tháng hai năm 1946 em gái tôi chào đời, đứng vào hàng ngũ gia đình. Em càng lớn càng giống mẹ, da dẻ mịn màng, mặt mũi tươi đẹp, không chê vào đâu được. Vừa lọt lòng mẹ, em đã thành cục cưng của cả nhà. Mẹ yêu em, chị em chúng tôi cũng rất yêu em. Năm ấy tôi tròn tám tuổi, con gái tám tuổi rất ham chơi búp bê, tôi không chơi búp bê (và cũng làm gì có búp bê mà chơi), mà là ẵm em gái của tôi. Tôi rất vui mừng vì mẹ tôi sanh em gái chứ không sanh em trai, hồi đó tôi khác những đứa con trai cùng ở chỗ ước muốn có một đứa em gái để kết bạn, nguyện vọng của tôi đã được toại nguyện.

Ông nội tôi ở tít tận Hồ Nam đã theo dõi biết hết đoạn đường đầy gian khổ của chúng tôi. Giờ đây biển yên sóng lặng, nhà lại muốn có thêm cháu nội gái. Chẳng phải em gái sanh đúng mùa xuân đầy trời hoa nở như gấm thêu, nên ông chọn tên Cẩm Xuân, ba thấy tên em chưa hợp ý mình, nhưng ông nội đã chọn, ba cũng chịu vậy. Nhưng, cả nhà đều gọi em là út chứ không gọi tên, cũng giống như gọi em trai út là bé Tam chứ không gọi là Xảo Tam vậy.

Bốn anh chị em nhà tôi đều đủ mặt.

Năm thứ hai, ba được thư mời đi dạy học của đại học Đông Tế, Thượng Hải, cả nhà chúng tôi sum họp. Rời trường trung học Lô Nam, cả nhà dời về Thượng Hải, bắt đầu một cuộc sống khác trước.

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/50442


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận