Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 28< /a>

Truyện ngắn 28
Tiếng vọng

Đang ngủ, nàng bỗng ngồi bật dậy. Chàng thức giấc, đôi mắt ngái ngủ nhìn nàng:

- Em làm sao thế? - Rồi chợt nhận ra có tiếng trẻ nhà bên khóc ặt ẹo, chàng làu bàu - Trẻ con làm khổ người lớn. Giữa đêm khóc như xé vải, còn ai ngủ nghê gì được.

Nàng ngồi, đôi chân duỗi dài, hai tay khoanh trưước ngực như giữ cho con tim khỏi đập loạn, giọng rời rạc:

- Anh đừng gằn hắt con người ta thế. Em tự thức giấc, chứ đâu phải tại con cô Vân.

Nàng nói đúng. Mới vừa nãy nàng còn chìm sâu vào cơn mộng mị, mà có lẽ gần hai năm lên Hà Nội sống với chàng, nàmg chưa lần nào mơ một cơn khủng khiếp đến thế.

Ba đứa trẻ nhỏ không biết bằng cách nào lại dắt nhau lên được Hà Nội, hỏi đúng vào nhà nàng. Chiều cuối năm gió rét như cắt thịt. Thằng anh chỉ mặc bên ngoài chiếc áo len xanh vạt dài, tay dài lụng thụng. Chiếc áo của bố nó do nàng đan từ thời len còn phân phối bốn người một cuộn. Đứa em gái mặc đắp vào người hai, ba chiếc áo sơ mi cái trong dài hơn cái ngoài, trông vừa lùng thùng lại vừa cộc cỡn. Thằng bé út trông người lùn tịt, khoác chiếc áo bông xanh người lớn trùm kín từ đầu đến chân, nhác trông lại ngỡ thằng người-cóc có lần nàng gặp ở chợ Bắc Qua, vội quay đi nhổ nước miếng. Ba đứa trẻ như từ trên trời rơi xuống, đứng co ro ngay trước cửa nhà nàng. Bấy giờ nàng đang sắp bữa cơm chiều. Nghe tiếng thằng lớn hỏi một bà đi qua cửa: "Cô ơi, cho cháu hỏi nhà bà Diên...". Bà kia vội hỏi lại: "Bà Diên nào? Ở đây những mấy Diên. Diên lòng lợn tiết canh. Diên hành tỏi mùi tầu húng láng. Diên nhà thơ nhà báo....". Tiếng bé gái vội chen ngang: "Dạ, bà Diên làm thơ ạ". Nghe đến đấy nàng vội bước ra. Nhưng mới đến cửa đã sững lại. Nàng không còn tin vào mắt mình khi nhìn ba đứa trẻ đứng nép vào nhau, quần áo lôi thôi lếch thếch như trẻ ăn mày, mặt mũi tím tái vì rét. Mãi khi thằng lớn mắt nhìn nàng chằm chằm, miệng giục hai em: "Nguyệt, Trung chào mẹ đi!", thì nàng mới như bừng tỉnh sau một giây sửng sốt ngỡ ngàng. Nàng như khuỵu xuống, hai tay dang ra ôm ghì lấy ba đứa trẻ ép vào ngực mình. Ba đứa trẻ như đến lúc ấy mới trút được nỗi buồn tủi, khổ đau, bật lên tiếng gọi: "Mẹ! Mẹ ơi!", rồi cùng òa khóc tức tưởi như chưa bao giờ được khóc thế.

Nàng bỗng thấy thót đau nơi lồng ngực, giật mình tỉnh giấc thì bỗng nghe tiếng đứa trẻ nhà liền vách khóc thét lên. Nàng không còn hiểu tiếng khóc của đứa trẻ nào làm nàng giật mình hoảng hốt như vậy. Từ khi nàng đến ở với chàng trong căn phòng này, có đêm nàng cũng mơ, thường là những giấc mơ tràn trề sướng vui hạn h phúc, chứ chưa lần nào trong cơn mơ nàng lại nghe tiếng trẻ khóc thét rỡ lên như thế. Mà thực ra, từ ngày nàng đến đây, xung quanh hàng xóm cũng không nhà nào còn trẻ nhỏ. Hai nhà liền kề, thì bên phải là vợ chồng một chị làm ở viện quy hoạch đô thị, có hai con gái đều đang học đại học. Còn bên trái là căn hộ của vợ chồng ông Mân, trước làm cùng cơ quan chàng, về hưu hơn chục năm, con cái đã ra ở riêng nhưng ông bà vẫn sống ở đây. Mới hôm qua hai ông bà dọn xuống ở với vợ chồng con cả dưới Kim Ngưu, nhượng lại căn nhà cho vợ chồng cô Vân, mới có đứa con nhỏ lẫm chẫm tập đi. Hồi chiều, dọn dẹp về nhà mới xong, cô Vân tong tả đi lượt các nhà cùng tầng mời sang xơi với vợ chồng em chén nước. Nàng cũng sang, ngồi ghé vào mép giường. Cô Vân có lẽ muốn gây thiện cảm với người hàng xóm kề nhà, liền đưa con cho nàng: "Bác Diên bế cún con tí nào". Nàng chìa tay bế thằng bé, ngắm nhìn khuôn mặt thơ ngây, đôi mắt trong trẻo, nụ cười hồn nhiên của nó mà bỗng đờ đẫn cả người. Đến khi thằng bé như nhận ra người lạ khóc thét rỡ, thì nàng mới như bừng tỉnh sau giây phút đờ đẫn như người mất hồn.

Thằng bé như đã bớt khóc, nhưng tiếng ru của người mẹ vẫn không chuyển giọng, cứ buồn buồn ngân trong đêm vắng: "Ầu ơ... Trời mưa ướt áo em rồi; Kiếm nơi bếp lửa em ngồi em hơ". Nàng nghe buồn như muối xát. Từ đấy đến sáng, nàng không tài nào ngủ lại được nữa. Một tính khí thất thường vừa xuất hiện ở nàng. Xưa nay nàng có bao giờ mất ngủ đêm. Bởi nàng không phải là người hay lo cả nghĩ. Ngay đến việc hệ trọng nhất của người đàn bà nàng cũng không thích nghĩ lâu, nghĩ nhiều. Hồi nàng còn son trẻ làm thợ sắt ở xí nghiệp xây lắp, chỉ mỗi cơn mưa mà thành vợ anh chàng Bỉnh. Tưởng như đùa, nhưng với nàng thì không. Bỉnh là anh chàng đẹp trai, đẹp từ dáng người cao ráo, bước đi dứt khoát, giọng nói ôn hòa, đến nước da thì không thể chê vào đâu được. Ai đời làm thợ xây, suốt ngày phơi ngoài nắng gió mà nước da lúc nào cũng phơn phớt trắng như nước da con gái. Bỉnh được điều từ đội bốn về đội hai có vài hôm, nàng đã bắt thân ngay được với Bỉnh. Và cái gì đến tự nó sẽ đến. Nửa chiều hôm ấy, nàng đang đẩy chiếc xe từ công trường lên kho lấy sắt thì trời sập mưa. Nàng vội vứt xe ngoài đường, chui tọt vào cái lán công trường bỏ trống. Bỉnh cũng tất tưởi đạp xe từ đâu đến, lao bừa vào lán tránh mưa. Cơn mưa bất chợt giữa ban ngày ào ào như trút nước, trời vần vũ tối sầm. Cái lán bỏ lâu ngày dột tứ tung, tránh chỗ này ra chỗ kia lại bị mưa hắt. Loay hoay mãi hai người mới tìm được một góc lán không bị dột. Bỉnh ý tứ đứng lùi ra phía ngoài, như tránh hơi thở gấp gáp của nàng càng lúc càng phả gần sau gáy mình. Nàng nhắc, với giọng như hờn dỗi: "Giời đày anh à! Đứng vỏng ra ngoài, mưa ướt hết còn gì". Bỉnh quay lại, bắt gặp cái nhìn chằm bặp của nàng, hơi sững lại. Thì nàng đã nhanh tay kéo giật tay Bỉnh: "Đứng lui vào đây, anh". Bỉnh bỗng ngã nhào vì cái giật tay đột ngột, đổ người xuống đống vỏ bao xi măng. Nàng nhìn Bỉnh cười khanh khách, và như vô tình ngã đè lên Bỉnh, rồi cuống quýt hôn lên khuôn mặt đẹp đến thánh thiện của chàng. Trong giây phút, chẳng ai còn nghĩ tới mình, và cũng không còn sợ những giọt mưa rơi qua kẽ lá xuống lưng, xuống tóc. Chỉ còn lại một niềm đam mê khoai cảm, đến quên cả ngoài kia sấm chớp đùng đùng và mưa tuôn xối xả.

Sau lần tránh mưa bất chợt ấy, nàng hối thúc Bỉnh tổ chức cưới. Nhà Bỉnh đông anh em, lại ở ngoại thành. Ăn ở tập thể lán công trường "xanh cỏ thì đến, đỏ ngói lại đi" mãi cũng chán. Bạn bè lại hùn vào. Mày lấy được con Diên bằng chuột sa chĩnh gạo, nhà ở phố, anh trai làm phó giám đốc xí nghiệp, gì chưa nói, chứ một căn hộ tập thể là cái chắc. Thế là Bỉnh chấm hết cái cảnh đến bữa vác bát xuống nhà ăn tập thể, về ở với Diên trong căn hộ gia đình công nhân xí nghiệp do chính anh trai Diên thu xếp. Vợ chồng sống với nhau suốt mười bốn năm trong căn hộ tập thể hăm bốn mét vuông. Nói là tràn trề hạnh phúc cũng chưa đến mức, nhưng khổ đến tận cùng thì cũng chưa gặp đận nào. Duy chỉ có lần con Nguyệt mổ ruột thừa.

Bấy giờ con bé lên ba tuổi, nghĩa là cách đây tám năm. Ai đời con bé đau ruột thừa đến bò lê bò càng trên giường lăn xuống đất, mà suốt từ sáng đến chiều hết ông thầy thuốc này đi lại bà thầy thuốc kia đến, xoa xoa nắn nắn chán lại ra. Mãi chiều tà, nàng chạy vạy khắp nơi mới vay lãi nóng được ba trăm nghìn đồng mang đến. Ông bác sĩ trưởng khoa nhìn nàng xỉa từng tờ giấy bạc năm nghìn, hai nghìn ra trước mặt đếm, liền cuời khẩy: "Chỗ ấy sao đủ kháng sinh". Nàng cũng là người thông minh, hiểu ngay ông trưởng khoa muốn gì. Nàng bình tĩnh gấp từng tờ giấy bạc cho vào túi xách, rồi bước nhẹ lại sau ghế ông trưởng khoa ngồi. Nàng đong đưa đôi mắt lá răm đen ánh, đượm nét buồn mông lung, và áp sát khuôn mặt trái xoan trắng trẻo với hai làn môi mềm óng ánh nước vào sát bộ mặt thiết bì của ông trưởng khoa, giọng nhỏ nhẹ: "Anh thương em. Cứu được cháu thì em không tiếc anh cái gì". Thì cũng chỉ nói cứng vậy, chứ thực cũng không nghĩ tới nước ông trưởng khoa như chỉ chờ có thế, quay ngoắt lại, bắt gặp cái nhìn khẩn cầu, nhưng cũng không kém phần khơi gợi của nàng, bỗng như thằng nghiện ngửi thấy mùi thuốc phiện. Trong giây lát, ông bác sĩ như người mất đà, xoay ngoắt cái ghế một trăm tám mươi độ, nghếch cặp mắt cá rói chằm chằm vào bộ ngực căng cứng và đặt vội cả hai bàn tay lên đôi má mát rượi của nàng, giọng thảng thốt: "Anh muốn... em...". Nàng khẽ rùng mình, nhắm mắt lại. Một giây thoáng qua. Đành liều. Cốt cứu lấy con bé. Bỗng chốc, nàng thấy toàn thân nhũn như con chi chi. Ông bác sĩ không để lỡ cơ hội, vội bế thốc nàng như bế một đứa trẻ, đi rảo vào căn buồng con vẫn dùng làm nơi khám bệnh nhân nữ. Trong đời nàng không biết có lần nào như lần ấy. Nhưng nàng vẫn còn niềm an ủi là đã cứu được con mà không mất đồng xu nào. Không những thế, sau này mỗi lần nàng đưa con vào bệnh viện, không gặp nàng thì thôi, hễ gặp thể nào ông ta cũng xuống tận buồng mẹ con nàng, khéo léo nhắc đồng nghiệp lưu tâm hộ ca này. Còn nàng, dĩ nhiên phải giấu kín, ngay cả với Bỉnh. Duy có một lần, suýt nữa nàng phải viện đến cái việc x ấu xa ấy để minh chứng cho tình mẫu tử của mình.

Ấy là hôm tòa xử ly hôn cho vợ chồng nàng. Sau đận phân chia tài sản không có gì tranh cãi nhiều, bởi tiếng là vợ chồng cũng có một căn hộ nhưng của nhà nước, bên nào có yêu cầu vẫn được ở. Nàng tuyên bố một câu xanh rờn: "Tôi không cần nhà". Phải, nàng cần nhà làm gì ở cái thành phố bụi bậm này, một khi người mà nàng sắp chung chăn gối đã có hẳn một căn hộ rộng rãi trên tầng hai một khu phố sầm uất ở Hà Nội. Nhưng đến đận chia con thì nàng không thể không cân nhắc. Tòa dành quyền cho nàng được nhận con trước. Nàng lặng đi đến mươi giây, rồi cất giọng rời rạc:

- Tôi nhận con Nguyệt!

- Nghĩa là chị chỉ nhận đứa con gái lên chín? - Vị thẩm phán


căn vặn.

 

Nàng hơi cúi xuống, không ra đồng tình cũng không ra bác bỏ. Vị thẩm phán như thấy ngỡ ngàng, hỏi lại:

- Thế còn thằng út lên bốn, rất cần có mẹ nuôi dưỡng, sao chị không nhận?

Nàng hơi ngẩng đầu, giọng nói như đã trấn tĩnh lại:

- Thưa quý tòa, người mẹ nào lại muốn xa con. Nhưng hoàn cảnh tôi những ngày tới không thể nuôi được hai đứa con riêng.

Chồng nàng hiểu nhanh cái" hoàn cảnh những ngày tới" mà nàng vừa nói. Liền nổi máu quân tử:

- Cô không phải nuôi đứa con nào cho khỏi vướng bận người khác. Tôi nuôi cả. Thưa quý tòa, xin cứ ghi vào biên bản con theo bố.

Tức thì, nàng như khuỵu đôi chân xuống nền nhà, giọng
hụt hẫng:

- Không! Con Nguyệt sống được đến ngày nay là tôi đã phải...

Nàng chỉ nói được đến đấy, rồi òa lên khóc tức tưởi.

Mãi sau này, nàng vẫn không hiểu sao lúc ấy mình lại buông lửng câu nói, mà lẽ ra có thể lấy làm minh chứng cho tình mẫu tử của mình thì đâu đến nỗi. Nhưng đấy là sau này. Còn lúc ấy, dẫu Bỉnh không nhận cả ba đứa con thì nàng cũng không thể nhận thêm đứa thứ hai, dù là thằng lớn hay thằng bé lên bốn, như lời bà thẩm phám có ý buộc nàng phải nhận. Bởi hoàn cảnh của nàng những ngày sắp tới, như nàng nói, lại chính là niềm khát khao cháy bỏng ở nàng từ hôm nàng được đăng quang.

Phải, nàng mới được đăng quang cách hôm vợ chồng nàng đưa nhau ra tòa tròn bảy mươi ngày. Có lẽ trên đời này hiếm có người đàn bà nào lại được may mắn một bước lên tiên như nàng. Chính nàng cũng không ngờ cái việc nàng chỉ làm chơi lại hóa ra ăn thật.

Sau ngày xí nghiệp xây lắp của vợ chồng nàng giải thể, vì không trụ nổi trong cơ chế thị trường, chồng nàng cùng mấy người bạn lập tốp thợ đi xây thuê. Còn nàng đóng chiếc sạp bán sách báo và tạp phẩm bên vỉa hè ngã ba gần mấy quán bia hơi, thịt chó suốt ngày ồn ào như cái chợ. Nhưng chính cái cảnh nhốn nháo, hẩu lốn của mấy quán hàng ngã ba lại làm nàng nảy nở những suy nghĩ đôi khi đến sâu xa và đầy hứng khởi về cuộc đời và số phận con người. Những lúc như thế, nàng lại lấy cuốn sổ tay dưới gầm sạp lên ghi lại cảm xúc vừa chợt đến. Việc đó với nàng không mấy khó khăn. Hồi còn học cấp ba nàng ghi nhật ký rất đều, còn chép vào sổ cả bài thơ dài Đồi thông hai mộ, nhớ đến thuộc lòng những câu đại loại: "Nỗi niềm em anh hay chăng nhỉ; Vẫn chờ anh bóng lẻ phòng không". Nhưng nàng chưa bao giờ làm trọn một bài thơ có mở, có kết nếu không có thời gian nghỉ việc ra ngồi vỉa hè, ngày ngày tận mắt thấy cảnh huyên náo của phố phường thời mở cửa. Lúc đầu, nàng làm thơ để giải cơn sầu, giết thời gian trong khi ngồi bên sạp sách báo và tạp phẩm cả ngày mới có mươi người vào mua thì ít, xem nhờ thì nhiều, và không ít người đến hỏi lúc thì tờ báo an ninh, khi lại tờ điện ảnh, sân khấu nhưng kỳ thực là để có cớ được ngắm khuôn mặt đẹp mê hồn và bộ ngực căng cứng phập phồng dưới làn áo trắng muốt của nàng. Nhưng một hôm, nhân lúc rỗi rãi nàng ngồi giở tờ báo một ngành nọ ra, bất chợt lướt thấy dòng chữ thông báo mở cuộc thi thơ với giải thưởng khá hậu hĩnh, nhất mười triệu đồng. Nàng liền gom nhặt một chùm gửi dự thi, có bài dài tới hai trang viết tay, nhưng cũng có bài cộc cỡn có hai câu, kiểu thế này: "Chiều lành lạnh bóng ai nhòa cuối phố; Để một người chết lặng dưới vòm cây". Mấy tháng sau, Bồ Tát phù hộ thế nào, nàng lại được mời lên Hà Nội nhận giải. Cuộc thi không có giải nhất. Cũng chẳng có giải nhì. Nàng được giải ba cũng coi như nhất. Thêm nữa, nàng là người phụ nữ duy nhất được trao giải. Các nhà báo quây đến phỏng vấn, chụp ảnh, ghi hình làm như nàng là một tài năng đầy triển vọng trên thi đàn vừa được phát hiện. Nhưng nếu chỉ có thế cũng không còn gì để nói. Cái đáng nói là sau buổi đăng quang có một không hai ấy, đời nàng đã rẽ sang một lối khác, mà trước đó, ngay trong mơ cũng chưa bao giờ nàng có ý nghĩ điên rồ đến thế.

Lễ trao giải kết thúc, anh chàng nhiếp ảnh của chính tờ báo ngành đứng ra tổ chức cuộc thi thơ nằn nì xin nàng một kiểu ảnh nàng đang trầm ngâm ngồi trước bàn vẻ đang tư duy sáng tác, kèm mấy chữ chính tay nàng viết: "Kính tặng bạn đọc báo...". Quả là một kiểu ảnh mà cả người cầm máy và người đứng trước ống kính cần có thời gian chuẩn bị, dàn dựng khung cảnh tự nhiên. Nhưng không sao, anh chàng phó nháy của chúng ta là một cao thủ trong việc dàn cảnh. Chàng mời nàng về ngay nhà mình, một căn hộ ba mươi tám mét vuông trên tầng hai phố Hàng Mã. Cửa phòng vừa mở, nàng như đã thấy choáng ngợp trước căn hộ rộng, sang trọng với những tiện nghi đắt tiền mà chỉ mỗi bộ dàn vi-đê-ô trên tủ kia, có lẽ đã hơn đứt giá trị mọi thứ đồ dùng trong nhà nàng ở Hải Phòng. Nhưng nàng còn sửng sốt đến không thể kìm nén sự rung cảm, khát khao khi trong bữa ăn, c ó hớp bia vào, chàng dốc bầu tâm sự về nghịch cảnh của chàng. Đời sống vật chất dư thừa mà làm gì, một khi chàng đi thì chớ, về đến nhà lại ăn một mình, ngủ một mình, và nhỡ có ốm đau cũng chỉ một mình mình biết, một mình mình hay. Vợ chàng đi lao động ở Đức từ năm 1984, để đứa con gái lại cho chàng trông nom, kèm cặp học hành. Những năm con bé còn ở nhà thỉnh thoảng vợ cũng gửi cho chồng ít quần áo, vòng bi, xích líp, bàn là, bếp điện, những thứ có ê hề ở nước người ta nhưng về đến bên mình lại thành "của hiếm". Nhưng từ khi con bé đi học ở Liên Xô, rồi Liên Xô tan rã, nó được mẹ chạy cho sang Đức thì hai mẹ con đều cắt cầu thư từ, tiếp tế về nhà. Năm ngoái có người cùng cơ quan chàng đi sang Đức về kể lại, mẹ con cô ấy bây giờ mở quán ăn to lắm, thuê đến mấy người làm. Mẹ sống với một người đàn ông lái xe quê Thanh Hóa như vợ chồng, con đang yêu một anh chàng người Đức gốc Việt. Hóa ra mỗi người đều có cảnh ngộ đáng thương. Chàng thì thế. Còn nàng, tài hoa đang phát tiết, nhưng hèn nỗi phải lao tâm khổ tứ quá nhiều vào cơm áo gạo tiền và ba đứa con nhỏ, thì còn hưng phấn đâu mà tư duy với chả sáng tạo nghệ thuật. Đã thế, nàng lại đang sống ở cái thành phố chẳng hơn gì thị xã, thơ nàng viết ra thiếu cả nơi in. Thật chẳng khác hạt giống tốt gieo nơi đất cằn. Cho đến lúc chia tay chàng ở ga, nàng lên tàu về Hải Phòng đầu vẫn bung bung một mớ bòng bong, chứ chưa có ý định nào rõ rệt. Nhưng chỉ được mươi ngày, nàng lại nghỉ bán sạp sách báo nhảy tàu lên Hà Nội. Lần thì bảo chồng: "Tôi mang thơ lên tòa báo". Lần thì bảo con: "Mẹ lên lĩnh nhuận bút". Cho đến hôm vợ chồng nàng đưa nhau ra tòa.

Nàng không muốn nghĩ đến cái hôm hai vợ chồng đối chất nhau ở tòa án. Nghĩ lắm chỉ thêm rối ruột. Nhưng nàng thấy hận, là hôm ấy đã không đủ can đảm nhận nuôi đứa con nào. Ngay đến con Nguyệt nàng đã phải đổi cả tiết hạnh để cứu sống nó, ban đầu nàng cũng định mang theo, phần vì nó là đứa con nàng yêu chiều nhất, phần nó là gái có thể đỡ đần cơm nước, giặt giũ khi mẹ ốm đau. Nhưng rồi nàng lại chần chừ. Cũng bởi vì chàng khi bày nước cờ cho nàng đã dứt khoát: "Cùng lắm em chỉ được nhận một đứa, mà chỉ nhận đứa lớn, chớ nhận đứa bé. Lại càng không nên nhận hai. Còn như hắn nhận nuôi cả thì càng hay". Sao ư? Chỉ là chàng lo cho nàng bận bịu con cái, cửa nhà làm chi phối thời gian, tản mạn tư duy, cạn nguồn hưng phấn. Nhưng chao ôi, tư duy, hưng phấn ở đâu kia, chứ không ở trong nàng. Nàng lên Hà Nội sống với chàng gần hai năm nay, hầu như không vướng bận vào công việc gì khó nhọc, kể cả việc cơm áo gạo tiền cũng không đến nỗi nào. Nhưng cũng chỉ được in có một bài thơ ở chính tờ báo ngành năm nọ đã trao giải cho nàng. Còn những tờ báo khác, năm thì mười họa nàng cũng gửi, nhưng người ta đều bảo thơ nàng không có hồn, mà chỉ toàn là những câu chữ uốn éo đọc cứ trơn tuồn tuột như lươn. Mà thực ra, từ ngày lên Hà Nội sống với chàng trong sự đầy đủ, sung túc nàng có làm được thơ mấy nữa đâu. Suốt ngày, nàng quẩn quanh ở nhà trông nom, lau dọn nhà cửa, giường tủ, giặt là quần áo, kẻ mắt tô son, chợ búa, cơm nước. Chẳng mấy ngày chàng không kéo về nhà mấy ông bạn bia trải chiếu, bày mâm ngay trên nền nhà lai ra vài giờ đồng hồ. Có lúc thư rảnh thì chàng lại làm ra vẻ tất bật, giục nàng: "Em cầm ngay cuộn phim ra hiệu tráng, rồi chờ in phóng lấy về cho anh nhá". Nhiều khi chàng vẻ mệt mỏi ngả người trên ghế xích đu xem vi-đê-ô, nhưng lại bảo nàng: "Em cầm mấy tấm ảnh kia đến đưa tận tay cho ông Quảng ở số nhà... Khi về nhớ vào bưu điện mua cho anh tờ báo An ninh. Mà sao hôm nay em lại quên mua báo nhỉ". Cứ thế, ngày này sang ngày khác, nàng thành người hầu gái tin cẩn, đáng yêu của chàng từ khi nào không hay.

Nàng ngồi bần thần nhìn ra cửa sổ. Trời đã rạng sáng. Bên kia đường, cái chợ cóc ồn ào tiếng người và còi xe chở rau quả, tôm cá đến. Dường như tiếng ồn ào dưới chợ làm thằng bé con cô Vân lại giật mình thức giấc. Tiếng trẻ khóc oe oe hòa tiếng ru rời rạc, buồn buồn ngái ngủ của cô Vân như xoáy vào óc nàng: "Ầu ơ... Trời mưa ướt áo em rồi; Kiếm nơi bếp lửa a á a... lần hồi em hơ ơ ớ ờ...". Nàng nghe mà bỗng rùng mình như có làn gió vừa hắt qua cửa sổ vào phòng. Bỗng chốc nàng như không còn nhận ra mình đang khỏe mạnh hay vừa bị cảm lạnh, người cứ gây gây như lên cơn sốt. Đã thế, tiếng khóc của đứa bé nhà bên vọng sang như những tiếng gõ bong bong trong đầu, làm nàng không còn giữ được sự bình lặng trong tâm trí. Nàng bỗng thấy lòng cồn cào nỗi nhớ con. Ba đứa trẻ như từ lỗ nẻ chui lên, đứng sừng sững trước mắt nàng. Thằng lớn đưa đôi mắt chằm chằm giận dữ nhìn nàng, mà miệng lại giục hai em: "Nguyệt, Trung chào mẹ đi!". Nàng bỗng kêu thất thanh: "Trời, con tôi!". Chàng giật mình, vội choàng dậy, hỏi gắt: "Làm sao thế? Điên à! Người ta đang ngủ...". Nàng bỗng sằng sặc cười: "Ha ha ha... Điên! Ta mà điên! Há há há há há con ơi! Con tôi...!". Nàng vừa gào lên những lời ngây ngây dại dại ấy, vừa đi như chạy ra khỏi nhà. Chàng vùng dậy, mặc vội áo quần, rồi lao xuống cầu thang. Nhưng khi ra đến đường đã thấy nàng ngồi sau chiếc xe ôm chạy về phía ga. Chuyến tàu tốc hành Hà Nội - Hải Phòng rời ga lúc sáu giờ. Chàng nhìn đồng hồ mới năm giờ bốn nhăm phút. Còn kịp.

Nguồn: truyen8.mobi/t86043-chuyen-gio-moi-ke-truyen-ngan-28.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận