Trên bến Lú. Những cây gạo cổ thụ gốc lên vè sần sùi như gốc đa. Giữa tháng hai, hoa gạo đỏ cháy. Có phải sông Lú đến bây giờ mới đáng là sông lúa, sông thóc sông gạo, như người xưa khi đặt tên cho con sông mong ước. Những thúng, những thuyền ve vé bơi ra. Suốt dọc bãi, ruộng ngô, đồng khoai lang, khoai sọ, những bãi vừng, bãi lạc xanh mởn. Quanh nhà, cả trên mái các vạn chài neo sát bờ, những dây bí, dây bầu, dây gấc leo lên, buông quả xanh, quả đỏ lủng lẳng. Con chim tu hú bay qua. Tiếng chim báo hiệu quả vải chín và nắng mới đã về, lại mùa mưa rào sắp tới. Làng mạc hai bên sông san sát. Ngày trước với bây giờ, mỗi thì mỗi khác, nhưng vẫn làng ấy, phường ấy, đồng bãi ấy. Người ta dệt vải, đan lát, đơm đó, đánh chão, đánh lưới... Mọi nghề, mọi cách lo toan sinh nhai, mỗi ngày một đông đàn hơn trước kia. Điều ấy thật phải với công sức con người. Nhưng không hợp với cảnh đất nước lại bị gông đóng lần nữa. Hai bên sông Lú, mới hôm nào các làng sửa lễ rước trâu ra đất ra đồng, cây lúa cắm xuống, rồi mở hội. Từ những ngày mưa phùn, mưa dây mưa rợ, cho đến khi nắng mới, hoa xoan tím thơm ngan ngát quanh làng. Một tàu cau vàng chóe rụng xuống. Bẹ hoa cau tõe ra, vàng hây, phảng phất hương cau cả vùng. Đâu đâu cũng mở gióng vật, đấu voi, đánh phết, đánh còn, hát xoan, hát mới, cả các lão bà, con gái, người nạ dòng, các chạ các làng đi hội.
Điều lạ lùng, cõi nào cũng đồn đại phen này đàn bà các cõi sắp nổi tướng. Chưa biết thế nào, nhưng nghe khắp nơi đã mở hội. Trông vào các bãi quanh làng trước bến Lú, những mái trúc, mái cọ, phên nứa, những chõng tre cật, những tấm phản, từng chiếc chiếu của các lão ông lão bà đương tất bật cất lên. Chỉ làm ngoãm mái bếp mà kỹ lưỡng như nhà mới. Rồi khuân ra nhan nhản nồi niêu bếp núc. Đầu gò cỏ, giữa cánh đồng cao, các chân bãi đã được san phẳng phiu thành những gióng vật, rào giậu cẩn thận. Ai ở đâu về hội cũng sà vào ngồi ăn uống, chỗ nào cũng tự nhiên như nhà mình. Những chõng mâm cỗ, bát đàn, bát uống nước chè tươi, sừng trâu và chén tướng uống rượu. Trên vách cài cây đèn, đĩa đèn... Cạnh những ông đầu rau, nhấp nhô một dãy vại, thạp, chum đựng gạo, đỗ. Lại dao, thớt, rá, rổ, nồi, vò, bình, xếp ra hàng khiên, hàng xấp. Chập tối, gió se se còn hơi lạnh. Những đống củi sưởi um khói lên, lẫn với sương chiều buông thấp, giăng kín một vùng. Có làng dắt đến từng đàn bò, đàn dê. Lại còn vịt, còn ngỗng. Và cả phường săn ngày nào cũng khiêng hươu, nai, cả lợn rừng, gấu trong rừng về. Các vạn chài đội lên bờ những mẻ lưới cá trôi, cá trắm, cá anh vũ. Không biết nhà ai, mà nhà ai cũng ganh đua làm thế -người ta đặt ra các ngã ba ngã tư đường, những chiếc nong đại đựng cau tươi đã bổ sẵn, những xếp trầu không, bình vôi, cây vỏ đỏ sẫm. Có chỗ trầu đã têm ra miếng, cẩn thận đặt trong tàu lá chuối lót. Có chỗ để nguyên, người ăn cúi xuống nhặt, têm lấy.
Mùi trầu cau đầm ấm quyện khói hương đen tỏa nồng nàn. Các làng hai bên bờ sông Lú đương rộn ràng vào hội. Tiếng sáo, tiếng kèn lá, cả đến cái kèn cọng rơm con trẻ cũng tíu tít chộn rộn như đàn chim ri vừa bay vừa kêu. Đông vui còn hơn cả làng xóm vào mùa gặt hái chuyển ra ở đồng bãi cho gần hạt thóc. Người ta đem khung dệt, cối giã nâu phơi vải. ống nước dựng hàng dãy. Những bếp cơm lam đã đỏ rực. Ăn vội, còn đi xem ngay đây. Các gióng vật đã đùng đùng nổi chiêng. Mấy đám trẻ đương xúm xít mải chơi cờ chân chó dưới bãi cũng bỏ chạy lên. Ai cũng biết, nhưng ai cũng kín miệng. Hội này hội luyện quân to. Làng xóm nào cũng ra cả đám hội đấy. Độc có quân quan người Hán không biết. Quan Hán thủ thành các quận huyện chỉ biết tục lệ hằng năm làng nào cũng vào hội. Nhưng không chút nghi ngờ khác. Điều ấy cũng đúng sự thật. Hội các tướng ả, các tướng ông ngoài bãi đầu bến quần tụ cơ man là người. Toàn những tay đô, những cô gái son rỗi, tóc quấn ngược đỉnh đầu, vừa đi vừa chạy sầm sập như voi, như ngựa. Nhiều nơi từ xa tới. ả Xoan xưng tướng trên động Đại Man kéo hàng trăm người ở núi về hội hát. Từ khi người anh của ả Xoan, ông đầu họ ở Đại Man, bị quan thái thú lừa gọi về Luy Lâu rồi giết đi, người Đại Man đã có ý khác. Mối thù của ả Bát Nàn ở Phượng Lâu với quân Hán, cả đến người ngoài cõi cũng đã rõ. Bởi đâu Bát Nàn tụ tập có đến hàng nghìn người về Phương Lâu vỡ bãi, làm quân. Cô Nàn xưa kia đẹp nức tiếng một vùng. Tiếng đồn đại đến Luy Lâu.
Quan thái thú Tô Định gọi bố Nàn về nói muốn đem con gái ông lão vào làm nàng hầu. Ông lão lắc đầu: con gái tôi có chồng rồi. Thái thú hỏi: chồng nó là ai? Rồi giết lão, giết cả Phạm Danh, chồng cô Nàn. Cô Nàn trốn xuống đất kẻ bể Tiên La. Rồi mộ người kéo về Phượng Lâu. Hai chị em Ngọc Trinh đều bị quan thứ sử thành Mi Linh bắt làm thiếp. Chỉ có Ngọc Trinh thoát được về Lũng Ngòi. Boa nhiêu các ả khác. Nguyệt Diệu ở Lũ. Chị em Hà Liễu, Hà Tơ ở Thản. Phật nguyệt, ả Lam trên ngọn sông Cái. ả Quế, ả Lã, ả Chúa Bầu...
Mấy năm nay, suốt các dọc sông, ngược đến các man động, đâu đâu cũng có các tướng ả ngấm ngầm nổi quân. Người các cõi trẩy hội, chẳng thể phân biệt chỗ quân tướng các ả kéo về. Thế nào bọn chim mồi quân Hán cũng có nghe ngóng. Nhưng không sao rõ được. Người đi hội cũng một bụng như quân trẩy. Người đi hội cũng là quân ta. Ngay ở ngã ba sông Cái, có ả Đề với em là chàng Hác, lại các ả Lự, ả Nương, ả Nang, đưa cả nghìn người đến ở Mạc, ở Náng -ở những nơi khuất nẻo quanh năm đêm ngày tha hồ tập luyện. Trên bến, một gióng vật đương đông nghịt người xem. Khéo sao mà các tay đô hôm rày đều là các ả ở lò Thản, ở Lũ, ở Tiên La vùng bể. Ai cũng trầm trồ khen các đô nữ kẻ bể, bước ấn gót như chân tượng, nặng trình trịch tưởng lún cả đất. Các đô nam bên Chu Diên, các lò ở Mi Linh mới vào gióng đã thua ngay. Cả bọn lủi về lều nằm thẳng cẳng từ sáng. Đến phiên các ả đô ở Tiên La, ở Lũ, ở những lò toàn các ả đô, từ hôm vào gióng chưa thua keo nào. Người xem lại càng nô nức. Các ả đô kẻ bể Tiên La thật quả được như tiếng đồn. Chắp tay bước vào gióng, ngẩng mặt lên chững chạc trình làng chạ. Cô nào cũng lưng cánh phản, ngực yếm cổ xẻ đầy như mâm xôi, cổ tay đung đưa vắt vẻo, tròn mà chắc như cuộn chão quăng ra chỉ rình giựt ngã người ta. Lại đóng khố ba khố bảy, như đàn ông. Hai đầu gối xuống tấn ngang như thạch bàn trên hai bắp chân thon thon. Lạ thay, suốt mấy lò nam, đến các tay sừng sỏ cũng chỉ cố vào đến "miếng tay tư", đã không chịu nổi cái lẳng giựt ngã chỏng gọng.
Có đô lò đuối đến nỗi mới vờn chạm tay các ả mà đã bổ nhào. ở đám nào, các ả cũng tranh được hết các chức đô, chức xứ, chức dù, chức lực. Bao nhiêu giải vật, các ả lĩnh cả. Tiếng cồng vào vật âm vang xuống mặt nước. Người hai bên sông đổ lên bến, tíu tít, hối hả. Các nan, các thúng lao như thoi rúc tua tủa vào bờ. Đến các hội nỏ càng nghịt người. Nghề nỏ vốn được chuộng nhất trong phép võ. Từ thời trước vẫn thế. Các tay nỏ giỏi cả bắn bộ, bắn ngựa, bắn trúng đích tên cắm lên nhau một chuỗi dài như cây roi. Người xem càng mê mải. Càng tấm tắc, vì các ả tay nỏ về đông vô kể. Có bãi toàn nỏ nữ. Một ả tay nỏ thoăn thoắt bước ra. Người mảnh khảnh như thanh trúc. Váy ngắn ngang gối. Tóc quấn tròn kín vành tai bằng chít khăn vuông. Nhấc cánh nỏ trên vai xuống, một tay nỏ trai cũng bước tới. Tay nam tay nữ cách nhau vài sải, nửa bàn chân trước cùng đặt chấm giữa bờ cỏ. Trai, nỏ ngang ngực. Gái nhấc lên cao, đỡ đuôi nỏ tựa má bên phải. Cánh nỏ, dây da trâu, nặng nhẹ đã được so bằng như nhau. Nhưng giơ nỏ khác nhau, trai tì ngực, gái kề lên má. Xa nghìn bước chân, những mũi tên vút ra liên tiếp theo cánh nỏ bật. Mũi trên người nọ cắm trúng lên đuôi tên người kia. Một làn tên rúc vào một chỗ, chốc lát, chắp thành chiếc giáo dài đâm giữa cây gỗ đích.
Mỗi khi mũi tên trúng đuôi tên, tiếng reo lại sôi lên từng đợt. Cả dưới sông, các vạn chài cũng vang động như cồn sóng. Bốn phía ầm ầm tiếng chiêng, tiếng trống các đám vật, đám đấu roi, đám thi nỏ. Lều lá gồi cột ngoẵm cắm chi chít từ quanh bãi ra khắp đồi đất xung quanh. Phường thui trâu, thui lợn đã nhóm, khói um lên cao bằng ngọn tre. ở đầu bến, khuất giữa một lùm tre kín đáo, các tướng ả đương có cuộc hội quan trọng. Đàn voi nằm như gò nhấp nhô ra tận cửa rừng. Quản tượng vẫn ngồi trên bành, tay cầm ngang chiếc vồ. Những con voi canh gác, lúc nào quản tượng cũng phấp phỏng. Nhỡ có việc khẩn, cốp một vồ hiệu xuống trán voi, cả trăm con voi trận cùng đứng lên. Nhác trông chỉ thấy những lều lá lều rơm dựng tạm lúp xúp trong chân tre. Như nơi trú chân của các chòm xóm xa về hội. Nhưng bên trong, quân tướng đã khuôn phép đâu ra đấy. Các ả Bát Nàn, Ngọc Trinh, Nguyệt Diệu, Hà Tơ, Hà Liễu, Quế Lan, Chúa Bầu đã về kịp. ả Lê Chân dưới đường bể. ả Thanh Thiên tận cửa Hợp Phố trên Nam Hải cũng tới. Ai nấy gọn con cón, thắt lưng bó que, váy quai cồng ngang đầu gối, bước xăm xăm, như vừa từ gióng vật ra. Mọi người nghiêm nghị, đăm đăm nhìn Trưng Trắc. Giữa bãi cỏ, Trưng Nhị bị trói, hai cánh khủy trần tay ghì vào một gốc tre đã phạt ngọn. Trưng Nhị cúi mặt, nước mắt ròng ròng. Trưng Trắc đứng dậy, đương cơn giận dữ, cắm cây giáo ngập cả mũi xuống đất. Trưng Trắc nhìn các ả tướng đứng đôi bên:
- Việc quân chẳng phải trò đùa của trẻ trâu, ai cũng biết thế rồi.
Hai bên im phắc. Bàng hoàng, thảng thốt, Trưng Nhị ngẩng mặt lên, nghẹn ngào:
- Lạy chị, tội em đáng chết. Em chỉ xin chị cho em được nói, rồi em chết mới nhắm mắt được.
Trưng Trắc lạnh lùng như không. Trưng Nhị vẫn giàn giụa nước mắt, dõng dạc nói to:
- Nhưng mà cả năm mươi tên quan Hán chết hết rồi. Còn tên nào, voi đã tung xác tan xương ngay đấy. Tay em giết Ngụy Húc, chính tay em hạ nó. Mà chậm thì cũng chỉ nội đêm nay, hổ báo trong rừng kéo ra, tha hết xương thịt chúng nó đi. Bọn quân quan Hán ở Mi Linh còn biết dấu vết đâu.
Lời Trưng Nhị quả quyết, cứng cỏi. Xung quanh cứ lặng ngắt. Dạo ấy, các quận huyện khắp cõi, quân quan Hán đi đốc thúc nộp cống. Đã đến kỳ bộ Giao Chỉ phải đưa đồ triều cống về Tràng An. Năm nay gánh vác thật nặng nhọc. Năm voi trắng. Trăm con công đực múa. Với hàng nghìn trai tráng khỏe nhất đem đi làm lính. Lại thêm nghìn cân, nghìn nén hồ tiêu, hương đen hương trắng... Lại thợ khéo đúc trống, bắt cả phường đi. Từ Luy Lâu đến các thành, quân quan Hán tỏa khắp. Quan trấn thủ thành Mi Linh sai tướng Ngụy Húc xuống đốc thúc các làng hai bên sông Lú. Đâu đâu cũng đã được tin dữ ấy. Không thể yên, không thể chịu được nữa. Chỉ còn đợi lệnh tướng bà Trưng Trắc thế nào. Voi trắng, chim công chưa nã đâu ra đủ, đã lại ra lệnh mới. Đồ tiến cống đi Tràng An hay nộp cho các quan thái thú, thứ sử ở đây. Không ai biết được. Nào lợn đen tuyền phải biện đủ cả trăm. Người lên rừng bóc quế. Người xuống bể làm muối. Nơi nào không đủ lệ thì xử giảo, xử chém. Có chỗ bêu đầu. Có chỗ họp người lại bắt đứng xem voi giằng xác. Mỗi năm một cơ khổ hơn. Người các nơi đi tha hương, trốn vào rừng ở. Đương giữa hội Trưng Trắc đã kịp sai Trưng Nhị lên dò la đường Nguỵ Húc xuống. Trưng Nhị cho mấy người đưa thuyền ngược, giả làm phường chài, làm bọn người đi đón lúa. Quân Hán chặn thuyền lại, lấy thuyền sang sông. Sang được bờ bên này rồi, quân Hán giơ dao bắt những người chở thuyền phải bỏ thuyền lên đưa đường. Thế là đàn voi Trưng Nhị trong cửa rừng xông ra. Cả năm mươi tên quan quân Hán tan tành. Trưng Nhị vung búa đánh ngã tướng Ngụy Húc, rồi thúc voi xéo lên. Voi quật, voi xéo, cày xác người lẫn với cây đổ. Lá cây cũng lấp lánh dính mưa máu. Trưng Nhị ngước mắt, nhìn chị:
- Chị ơi!
Trưng Trắc nói:
- Bọn thủ thành Mi Linh đã biết Ngụy Húc đương xuống đây. Đằng nào chúng nó cũng đi tìm. Thế là nhỡ cả. Đã bảo việc quân không trò chơi trẻ trâu. Nay chỉ có một lệnh. Các ả đã biết.
Trưng Nhị kêu to:
- Cho em được chuộc tội. Chị ơi! Cho em...
Lúc ấy, tiếng chân ngựa bỗng rầm rập trước bãi. Mọi người cùng hốt hoảng nhìn ra mấy người đương hấp tấp xuống ngựa. Đặng Thi Bằng. Em lạc tướng Thi Sách, c hạy vào đầu tiên. Mọi người sửng sốt. Bởi cả đám người ngựa ấy, đến những cánh nỏ đeo lưng cũng đều xám đen. Không biết tại ám khói hay đấy là máu khô. Đến tận nơi mới biết người nào cũng bê bết máu khắp mình. Vừa trông thấy Trưng Trắc, Thi Bằng sụp xuống. Một lúc vẫn không ngẩng lên. Mấy người phải đến vực Thi Bằng dậy. Thi Bằng kêu to:
- Tô Định giết quan lạc tướng rồi.
Ở Vũ Ninh, ở Chu Diên cũng đương hội đám như ở Mi Linh đây. Bọn chim mồi đánh hơi được những điều khác mắt đã báo cáo việc tụ quân của Thi Sách với bọn quân quan Hán ở Luy Lâu - vốn chúng đã nghi quan lạc tướng từ lâu. Giữa đám chọi trâu ngoài thành Chu Diên, thình lình, quân Hán ập đến đâm chết Thi Sách đương đứng đánh trống thúc quân đấu. Tất cả người về hội, một vùng làng mạc đều bị giết chết hết. Chỉ còn Thi Bằng với mấy người thân tín chạy thoát được về đây. Bấy lâu, vợ chồng Trưng Trắc cũng như bao người tâm huyết các cõi, đâu cũng ngày đêm lo công cuộc chống quan quân Hán. Thi Sách và Thi Bằng - hai anh em họ Đặng ở Chu Diên. Các quan người Hán thủ thành vẫn coi họ Đặng ấy như những quan làng làm mọi việc sai dịch. Nào đốc người đi đào mỏ đồng, bóc quế, nào săn bắn chim công, nào bẫy voi cho quận huyện lấy của nộp cống. Thi Sách ở bên Chu Diên. Chị em Trưng Trắc vẫn ở lại quê Mi Linh. Tảng như mê mải đồng bãi, nông trang, quanh năm cặm cụi chẳng khác mọi người. Nhưng cứ đến tháng hai, các nơi lại trẩy hội, tụ quân... Câu nói của Thi Sách với quân gia, các cõi nghe biết đều ngẫm mà đau.
- Tần ở Hàm Dương. Hùng ở Phong Châu. Thục ở thành Loa lẫy lừng đất kẻ chủ. So với Tần Hán, các vua chủ ta trước nay chẳng đời nào kém cạnh. Kịp khi phải Triệu Đà kiêm tính, vận nước nghiêng ngửa, nhà Hán mới nhân cơ hội xâm chiếm, bắt chia quận huyện, ta phải mang vạ mất nước từ đấy. Ai là người phải nhớ, trước bảo lại sau: nước ta không phải quận huyện nhà Hán. Nước ta có chủ, có vận hội, có kỷ cương ta. Người dòng dõi lạc tướng mưu lược ấy bây giờ bị quân Hán sát hại rồi.
Trong quân đương im, bỗng nhốn nháo lên. Ngọn giáo ở tay Trưng Trắc rơi xuống lúc nào không biết. Các ả Chúa Bàu, Hà Tơ, Hà Liễu, Nguyệt Diệu bối rối rảo bước về chỗ quân đóng. Trưng Trắc nói to:
- Các ả, các ả nghe lệnh tôi. Đêm nay về chiếm Mi Linh.
Trưng Nhị vẫn bị trói quì chơ vơ giữa nhốn nháo. Trưng Nhị hét to:
- Cởi trói cho tôi! Cởi trói cho tôi!
ả Bát Nàn bước tới, rút dao lưng cắt thừng trói Trưng Nhị. Trưng Nhị lật đật đến trước mặt Trưng Trắc, sụp xuống:
- Xin cho em được theo chị về làm cỏ giặc Hán ở Mi Linh.
Các đám hội bỗng hóa thành đoàn quân trẩy rầm rộ. Những voi ngựa, đoàn người cưỡi trâu, những xe trâu của các đám cơm thi đã thành đội thổi cơm cho quân và những gông cỏ quẩy theo cho ngựa cho voi. Giữa trưa mà dọc sông Lú bụi lầm lên như sương chiều bốc. Tang tảng sáng, đến chân thành. Các trạm canh trên thành tuyệt nhiên không hay biết. Đầu cầu qua hào đã bắc từ gà gáy. Như mọi sớm, người trong ngoài thành ra vào lấy nước, cắt cỏ, kiếm củi, trông thấy quân ta, thế là nhập bọn luôn. Quân Hán trong thành không kịp mở mắt. Các trại quân bốc cháy trong lúc chúng còn ngái ngủ.
Nỏ bắn xuyên lửa, người chết cắm trên giường. Trời dựng sáng. Làn sương mỏng phủ chân núi Ba Vì bên kia sông Cái loãng ra, cất cao lên. Khói nghi ngút trên khắp các vùng thành. Những con voi vẫn đương lồng lộn quăng quả, vớ những chiếc cột gỗ, cột đá, tung lên. Trưng Nhị thúc voi đến trước voi Trưng Trắc. Hai con voi chiến khắp mình vấy máu đen sẫm. Trưng Nhị cắp búa, chắp tay:
- Chúng em đã làm cỏ sạch bọn Hán trong thành này.
Trưng Nhị giàn giụa hai hàng nước mắt. Rồi suốt ngày đến tận đêm, trong ngoài thành Mi Linh đuốc đóm như sao sa. Các ngã ba ngã năm lửa củi rừng rực lẫn sáng trăng, đêm tỏ như ban ngày. Con cáo chạy qua lạch nước cũng trông rõ mồn một. Từng đám, mỗi người một bó đuốc, đi xoi mói các khe vách, gốc cây, bụi cây, hố cỏ. Xem có còn đứa nào trốn quanh quẩn. Người các làng ven nội cũng kéo vào. Tù và rúc ánh ỏi bốn phía. Tiếng hò hét suốt đêm. Có người chạy qua kể lại đằng kia tìm được một quân Hán núp trong hốc cây thị. Lôi ra, đã chết cứng. ánh đuốc, tiếng tù và, người reo đã làm nó đứt hơi từ bao giờ. Vừa sáng, lại nghe các phía xung quanh dậy lên ầm ầm. Đấy là người dọc các vùng ngoài sông nghe tin các tướng bà hợp quân về đánh Mi Linh. Cứ thế, các làng ùa theo những đoàn quân trẩy về phía ánh lửa cháy. Suốt đêm chạy bộ, ngựa voi bồn rầm rập. Tiếng reo không ngớt. Những toán quân nghĩa đã về tới. Quân ông Mệnh Đạo, quân ông út ở Ngọc Lũ. Anh em Nguyễn Trĩ, Nguyễn Lĩnh ở Hợp Lý. Ông Cả Công dưới Thanh Oai lên. Ông Lê Tuấn trên ngọn sông Cái đưa về mấy trăm con trâu, vừa trâu tải lương, vừa trâu trận. ánh lửa thiêng thành Mi Linh đã gọi về được cuộc hội quân to nhất. Các cõi trông thấy nhau cả mừng, mới biết bây giờ cũng có người nổi lên. Trưng Trắc nói:
- Trăm cõi nước ta đã bao lâu sa vào kế hiểm giặc Triệu rồi lại sang tay giặc Hán, trải mấy đời khổ nhục. Nhưng lòng người không ai quên việc quân, vẫn lấy cánh nỏ mũi tên làm trọng. Chư ông đã biết quan lạc tướng ta phải thái thú Tô Định sát hại, cả vùng Châu diên bị đốt trụi. Thế là giặc biết được chí căm thù của ta rồi. Tôi thiết nghĩ nhân lúc này, cần tức khắc đánh Luy Lâu, trừ sạch hậu họa mới được.
Mọi người đều reo lên:
- Cơ trời chính là lúc này đây.
Từ Mi Linh lên Vũ Ninh không phải đường sá chốc lát. Những cánh rừng tre trúc bạt ngàn, những ngon sông ngọn suối trong núi đổ ra. Quãng quãng đồng bãi người ở đều có thành lũy quân Hán. Phải diệt nhanh, không để một đứa nào thoát được về Luy Lâu. Có phải cơ trời chính là đây. Đã bao năm, các quan Hán thủ thành quận huyện đều sướng tai nhớ câu nói của thái thú Tô Định:
" Ở đất nào có tên thổ hào ngỗ ngược thì quan thứ sử hẵng bóp cổ nó. Có đám thổ hào càn rỡ thì ta đánh. Thổ hào cả bộ Giao Chỉ này bạo hành thì quân triều ta sang dẹp. Đấy trông, thế ta như núi Thái Sơn, làm sao chúng nó dám ngóc cổ". Câu nói ngông cuồng đã làm cho các quan Hán ngước mặt lên cười hê hê như đười ươi giữ ống. Mọi việc phòng giữ quả có phần trễ tràng từ lâu. Các đạo quân từ Mi Linh đã tới bãi Trường Sa ngoài cửa sông hát. Người, ngựa, voi, xe tải lương, giáo, đinh ba, tên nỏ đóng lại giữa vùng cát đỏ rực. Trưng Trắc hỏi:
- Quân ta phải tiến gấp lên. Quyết làm cỏ Luy Lâu, không để chúng nó kịp trở tay. Được không?
Mọi người cùng nói được. Trưng Trắc ra lệnh:
- Các tướng ông đưa quân đánh vào thành lũy quân Hán theo dọc chân núi. Không để một mống sống sót chạy về Luy Lâu báo trước. Các ả cùng tôi trẩy quân thẳng Luy Lâu.
Ông Mệnh Đạo rút dao lưng, giơ lên, cười to:
- Hay lắm! Hay lắm! Ta nhổ quân đi thôi.
Lễ tế cờ xuất quân giữa bãi cát. Một cây bương đã chặt ngọn cắm trên gò. Dưới chân cột, một con bồ nhìn mình vặn rơm, mặt gõ bằng mảnh gỗi mộc. Mỗi đạo quân cả hai mươi mốt tướng cử đến một đội mười người. Mỗi chiến sĩ giơ nỏ thét:
- Tô Định! Mày phải chết!
Phát nỏ cắm giữa mặt bồ nhìn. Mười mũi tên quân cắm chăm chắm xung quanh chân tên nỏ tướng. Mặt Tô Định chi chít như lông nhím mọc dựng ngược. Trưng Trắc giương nỏ sau cùng:
- Tô Định! Mày phải chết!
Hai hàng nước mắt đổ ròng ròng. Tất cả các tướng nhổ quân cùng một lúc. Quân các tướng ông tiến ngược, tỏa như tên bắn vào vùng dọc chân núi. Các thành lũy quân Hán phòng giữ thế xa cho Luy Lâu đều đóng phía ấy. Vừa bắt đầu mùa nắng. Buổi sáng nắng chang chang. Giữa trưa ập đến cơn mưa rào kéo suốt đêm. Những cánh bãi ngập nước, lầy lội. Thấp thoáng, cái thuyền thúng, chiếc độc mộc qua lại như lá tre rụng có gió đưa quanh các đảo nhỏ nhấp nhô chơ vơ giữa đồng nước trắng. Quân các tướng ông thình lình ập vào lũy quân Hán trong đầm nước. Người làng kín đáo đã đưa thuyền ra chở quân. Voi, ngựa, trâu lội theo từng đàn. Quân Hán trên thành bước xuống, giơ dùi đánh mõ tan canh. Bỗng dưng thấy một con voi đứng cao vòi vọi giữa sân. Tên quân canh vừa há miệng, một phát nỏ đã xuyên suốt sang gáy. Tiếng tù và đốc trận nổi lên. Cả đến các làng quanh vùng cũng vang động như vỡ con nước. Chốc lát, bao nhiêu quân Hán trong thành đã vùi giữa đống lửa nhà sập. Dãy thành cuối cùng quân Hán trên địa đầu Vũ Ninh trơ trọi giữa cánh đồng chiêm trũng. Liên miên, sầm sập những trận mưa rào suốt sáng. Nước còn lên nữa. Trời đất lẫn lộn trong màu trắng mờ. Những đàn voi chiến lầm lũi tiến trong mưa. Cả vùng dinh lũy bốc cháy. Trời vừa ngớt mưa, đã lại thấy lửa ngất trời. Đến nay, mấy chục thành cháy trụi, mà không bắt được một tên chim mồi nào. Tịnh chẳng thấy một tên. Ai cũng biết chắc có bọn chim mồi ở cùng với quân Hán. Thành nào cũng lúc nhúc những đứa đã giàu có. Chúng họ tích trống làm của đem bán cho quân quan Hán tải về Tràng An. Hàng trăm trâu bò, cả chục con voi mới đổi được một tang trống. Của cải chúng nó nhiều lắm. ở các thành lũy, xác giặc chất thành gò. Thế mà không nhận diện ra một đứa chim mồi. Các tướng đã lệnh bắt được phải xử bọn hình người dạ thú ấy mười mũi nỏ, mười mũi đinh ba, chết tùng xẻo...
Nhưng chẳng bắt được đứa nào. Dễ có khi chúng nó đã mặc áo lửng nhuộm cây, để răng trắng, mang giày cỏ bồng. Chúng nó lộn kiếp thành người Hán rồi. Bói đâu cũng không thấy, thảo nào. Người các nơi kéo về theo quân, mỗi lúc một đông hơn. Trong các thành lũy vừa phá được, các làng, các phường, người gầy giơ xương chui ra từ những túp lều lợp cỏ lau. Những liễn dưa muối với vừng, vại cà. Không thấy đâu một hạt gạo. Chỉ rặt nõn cau bắp chuối thái ăn trừ bữa. Nhưng quân Hán chết rồi, người già, các mẹ bồng bế cả trẻ con đi theo trai làng, theo quân kéo về đánh Luy Lâu. Trong khi ấy, ở Luy Lâu, cả vùng Vũ Ninh đương nhớn nhác chạy giạt lung tung. Chưa ai biết đâu có những đạo quân tướng ả đương tiến đến. Người ta chạy giặc Hán. Khắp nơi, Vũ Ninh cũng như Mi Linh, quân Hán đương đi lùng các phường bẫy công, săn voi. Lại bắt trai tráng cho quan thái thú lựa người cống về Tràng An. Con công, con bạch tượng phải nộp đủ. Phường săn trốn vào núi. Người trẻ chạy chớn mắt. Thế là cả vùng hoảng hốt. Trên bãi cỏ rộng giữa thành, suốt ngày, thái thú Tô Định ngồi cầm trịch giữa hội đong người. Những bậc đá vây quanh một vùng đất hũm xuống, to bằng mấy cái giếng đất. Những gióng gỗ nghiến bắc thưa, chỉ vừa một người kéo lách nghiêng mới lọt. Dưới hầm đất nhốt một con hổ đen to gấp đôi con trâu mộng. Người lính Hán đưa một người trai tuyển ra giữa bãi. Tiếng trống khẩu nổi lên. Người lính Hán đẩy người trai kia chúi xuống khe gỗ. Con hổ đen đã đợi sẵn mồi, xông lên. Người bị hổ quật chết tươi lập tức. Ba tiếng trống khẩu nổi lên. Một người khác phải nhét xuống. Con hổ đen vồ đến. Người ấy nhanh chân nhảy thoắt sang góc đằng sau. Con hổ đen quật đuôi, húc tới. Người ấy đã lõa lợi máu trong vuốt hổ. Ba tiếng trống khẩu lại nổi lên. Một người trai tuyển khác lại phải đẩy xuống hầm. Người này nhanh, hai lần hổ vồ đều trượt mồi. Con hổ đen quật đuôi, gầm lên, vụt tới. Người ấy nhảy như bay qua đầu hổ. Năm tiếng trống khẩu hồn dập. Người trai ba lần bị hổ vồ hụt băng mình qua khe gỗ nắp hầm vọt lên mặt đất. Thoát được ba tiếng trống khẩu, ba lần hổ vồ trượt, thế là người nhanh nhẹn gan dạ ấy được đong vào quân để đợi ngày đưa về Tràng An. Quá trưa, xác người chết ứ nơi lưng hầm. Mùi máu tanh làm đất bốc ngùn ngụt như khói.
B 5a5d n quân Hán thả móc câu xuống hầm, kéo xác người lên. Xung quanh bãi đong người không một bóng ngấp nghé. Chỉ phía đằng xa có một đám người nhà những ai bị bắt đến đẩy xuống hầm, bấy giờ người ta mới lúi húi chạy lại, bớt đống xác. ánh nắng gay gắt trên mặt tường thành oi bức, ngột ngạt. Lại mưa rào. Những tiếng trống khẩu vẫn nhỏ giọt rợn người. Tiếng hổ gầm rung đất dưới gót chân. Một người quan hầu đến trước mặt thái thú Tô Định.
- Phía tây thành có đám khói lạ.
Tô Định đứng dậy, buông dùi. Không để ý chiếc trống khẩu mới gióng có một tiếng. Dưới hầm đất, tiếng người rú trong tiếng hổ gầm xé mồi. Mặt trời đã gác xuống lưng núi Ba Vì. Khoảng không vàng rực các triền núi càng lô xô xanh thẫm. Xa xa, một làn mây đục lờ, lan dài.
- Có người thành nào về báo không?
- Không.
- Mây hay khói đằng ấy?
- Sắp mưa đến nơi rồi.
Tô Định hạ lệnh đóng cổng thành. Chạng vạng, những đám lính phòng thành trông ra thấy như những đám mây đen nham nhở lừng lững đến ngoài bãi. Những trận mưa rào đầu mùa thường kéo cơn thấp như thế. Nhưng không thấy lạnh ngắt như lúc sắp mưa. Làn mây xám ngắt lăn đến cuồn cuộn. Bốn góc thành, tiếng ốc nổi dồn dập. Nhìn ra, quân Hán nhớn nhác, run cầm cập. Đám mây đen từ chân trời cuốn lại, ấy là đàn voi, đàn ngựa, đàn trâu, những quân quan của các tướng ông, tướng ả với làn sóng người các làng bãi dọc đương ào theo. Thành Luy Lâu bị trói chặt lại. Quân tuần thành vừa thò lên, tên nỏ đã xuyên thủng đầu chết nằm ngửa. Không dám ló lên nữa. Mỗi lúc các đoàn quân bao vây lại bắn một loạt nỏ. Chập tối nhá nhem, quân Hán thập thò ra. Cả hàng trăm đứa chết lăn. Đã ngoài nửa tháng, thành Luy Lâu bị hãm. Không một bóng ra sông lấy được ống nước. Phía trại ngựa, ngày nào cũng thấy bốc khói. Phải thịt ăn cả ngựa. Nao núng lắm rồi. Đêm đến, quân Hán nhảy từ mặt thành xuống hào. Chạy chết hay nhảy tự vẫn, không biết. Một hôm, một đám quân dẫn vào mấy người đóng khố, trần trùng trục. Người vác đòn ống, người ôm cái nẹp gông cỏ. Người nào cũng lấm như vùi. Run rẩy bước không vững. Hai con mắt thao láo.
- Đám người này đương bơi qua hào ra. Sắp chết ngạt dưới bùn mới gặp được chúng tôi lôi lên.
Một người lù lù như cục bùn lập cập quì xuống.
- Chúng tôi ở ngoài thành, phải đi cắt cỏ ngựa cho quân Hán. Từ hôm ta vây thành, không về làng được.
Tướng ông Mệnh Đạo nhìn lũ người lấm lên tận tóc, nói:
- Bọn Hán quỷ quyệt lắm.
Trưng Trắc hỏi lại:
- Ông bảo thế nào?
Ông Mệnh Đạo nói:
- Muốn biết bọn này là ta hay là Hán a? Lột truồng chúng nó ra, bắt xuống sông gột hết bùn. Người làng ta đều chân lấm tay bùn, còn đứa nào chân trắng, lưng trắng thì cứ việc đem chặt đầu. Có khó gì đâu.
Một ả tướng nói:
- Răng nó đen kia thôi.
Một tướng ông nói:
- Từ hôm ta vây thành, nó đã nhuộm xong hàm răng đen rồi. Làm như ông Mệnh Đạo nói ấy mà phải.
Bọn người gồng gánh ngẩn ngơ, dúm dó lại, ngồi đấy. Đợi đi. Đợi chết. Mặt cúi gằm. Trưng Trắc nói:
- Mấy hôm nay, ta đã cho người làng mắc nạn trong thành được về. Thôi lũ này ta cũng sinh phúc cho. Cả nghìn giặc trên thành vẫn đợi chết kia. Ta cốt phanh thây cho được giặc già Tô Định trong bọn ấy.
Đám người với cái gông cỏ, tất tưởi bước ra. Hôm sau. Tất cả các đạo quân đánh vào thành một lúc. Chỉ giập bã trầu, những nhát rìu bổ xuống, rồi trâu húc, bốn cửa thành vỡ toang. Những tay nỏ lia khắp loạt như mưa. Những vòi voi hoa lên như múa. Cả xác giặc, cả những cột nhà đương cháy, văng tứ tung. Trưng Nhị cưỡi voi đến. Đàn voi tung vòi dồn đẩy bọn giặc Hán đương bước loi thoi một đám.
- Trình chị, quân tướng Tô Định ta bắt được tất cả đây.
Mấy chục quan Hán quỳ gục. Trưng Trắc hỏi:
- Đứa nào là Tô Định?
Không ai ngước đầu. Tướng Mệnh Đạo quát:
- Cho chúng bay ngẩng mặt!
Các tướng Mệnh Đạo, anh em ông Nguyễn Trĩ, nhiều người đã tường mặt thái thú Tô Định. Mặt nó phị trắng, ba chòm râu ria dài ngang rốn. Nhưng không thấy ai dung nhan như thế. Mệnh Đạo quát:
- Giặc già Tô Định đâu?
Một quan Hán sụp xuống chân ông Mệnh Đạo:
- Thái thú Tô Định giả làm người cắt cỏ ngoài nội, bỏ trốn hôm qua rồi.
Trưng Trắc quay nhìn tướng Mệnh Đạo:
- Ông là người đã trông thấy bụng dạ bọn quỷ quyệt. Chỉ vì tôi thấp cơ thua trí mà nó buột đi mất rồi.
Trưng Trắc, chắp tay, ngửa mặt lên, nước mắt giàn giụa:
- Thù chồng tôi chưa trả được.
Rồi ngã xuống, nức nở. Trưng Nhị chạy đến, nâng chị. Mệnh Đạo nói:
- Cho tôi đi đuổi bắt. Còn có thể kịp.
Trưng Nhị và Thi Bằng cùng xin đi. ả Thánh Thiên, ông Thuông Nhu nói:
- Chúng tôi là người ở Hợp Phố. Thế nào Tô Định cũng phải chạy về qua đấy. Chúng tôi thuộc đường, xin cho về đón đường nó.
Quân đuổi theo Tô Định ngay lúc ấy. Nhưng Tô Định không qua Hợp Phố mà chạy về Nam Hải. Các đạo quân ta đánh ngược lên. Chiếm hơn sáu mươi thành lũy cho tới cửa bể Hợp Phố. Mà không tìm thấy Tô Định. Một tháng sau. Mi Linh vào hội lớn. Chưa bao giờ đất Mi Linh được hội to đến như thế. Quanh thành, những dãy cây xoan, cây đề đương mùa rậm lá. Từng tầng lá xanh thẫm, người về hội tránh nắng tụ lại dưới bóng mát tán cây, trông như mở chợ. Quân tướng các nơi, các cõi lặn lội tới. Vùng kẻ bể lên, các xách động trên nguồn sông xuống. Các núi, các ngọn nước ở Hoàng Nham, Khuất Liêu, Mai Sơn thường khi ra Lâm Tây đổi trâu bò, ngựa, ngà voi, sừng tê, trầm hương, sáp ong lấy bát đĩa, thạp sành, cày đồng cày sắt, muối... bây giờ cũng rủ nhau nô nức xuống hội Mi Linh. Suốt một dải từ bên kia núi Ngũ Lĩnh ra đến phía cửa bể Hợp Phố lũ lượt người kéo tới. Đất nước không còn bóng một tên quân Hán. Hàng trăm năm các cõi mới lại được một khi vận hội thế này. Bao nhiêu tin về nỗi vui nỗi lo dồn dập đến một lúc. Có tin vua Hán đã bỏ ngục thái thú Tô Định, rồi đem đầy ra bãi hoang ngoài Trường thành. Lại có tin vua Hán quyết rửa cái thẹn quan thái thú phải cởi giáp cắt râu đắp bùn lên người, chạy trốn. Vua Hán đã gọi quân các cõi Quế Lâm, Linh Lăng, Thương Ngô, giao cho Phục Ba tướng quân Mã Viện lo liệu. Hàng vạn quân, hàng nghìn xe thuyền, bạt ngàn dân phu thủy bộ đã đợi sẵn. Mọi việc tiến quân, tướng Mã Viện đương gấp gấp sửa soạn. Một quân bộ kèm một dân phu. Quân thủy có cả vạn dân chài phải theo phục dịch. Phương nam xa xôi hiểm trở, việc quân phải kỹ lưỡng. Khinh xuất mảy may không được. Từ đời Ân, đời Tần, đã có gương tày liếp. Vua Ân chết tại trận.
Tướng Đồ Thư mất mạng. Lại đến thái thú Tô Định để nhục phải đến nhuộm răng, cắt râu mới thoát thân. Mã Viện đêm ngày suy tính, sắm sửa mọi mặt. Các quận huyện từ Quế Lâm lên Trường Sa, nộp thóc, đậu, cỏ khô, cả dê, lợn, rượu và đệm cỏ, giày cỏ, nón lá tích lại. Bao nhiêu dân phu bắt ra lập doanh trại, ngồi tụ đấy. Có lệnh thì khuân vác trẩy theo. Tháng tư, trăng vằng vặc suốt đêm, trời Mi Linh. Khắp các bến đò ngang, đò dọc, người chen chân đổ về. Trên thành, ngoài bãi, khói thui trâu thui lợn, khói thổi cơm thi nghi ngút từng đám. Trai gái hát xoan, múa mỡi, lên chiêng đâm đuống vui nhởi canh thâu. Những đám đấu vật, đấu roi, ném còn, kéo co, đấu giáo, bắn nỏ. Hội đua tài cũng lại là hội quân trẩy. Trai gái đến hội khấp khởi mừng mong được vào quân ngũ. Những cây đu tung người tay đôi tay ba ríu rít thướt tha hoa cà hoa cải. Khắp các dòng sông Cái, sông Lú, sông Thiếp nghìn nghịt thuyền mảng.
Huầy dô Huầy dô Bái hồ là huậy Là hới lên dô Bái hồ là huậy ớ hơ ớ hơ Hầu chạ một mái Cắt dây kéo thuyền Huầy dô huầy dô Huầy dô huầy dô Là huầy dô huậy...
Mấy ngày đã qua, thì nỏ ngựa, nỏ bộ. Đêm nay, đến cuộc thi đấu roi ra quân. Những đống lửa, những cây đình liệu khắp từ trong thành ra đã rừng rực cháy từ chập tối. Phía đồi đất quanh cánh đồng trũng đã được san một vùng viền phẳng. Người về xem đấu roi ngồi khắp từ chân ruộng lên đỉnh đồi. Tướng bà Trưng Trắc đứng giữa gióng, nói:
- Bờ cõi ta xưa rày vốn dài rộng ra đến ngoài Ngũ Lĩnh. Dưới chân Ngũ Lĩnh, hàng trăm năm trước, người xưa đã dựng lên vách đá thành Tần thành Việt, chỉ một người một ngựa đi lọt, rành rành như thế. Giặc Hán ngông cuồng đã phải bỏ chạy, phen này quyết không để giặc trở lại được. Tám cõi đã về đây ra quân ngày mai. Đêm nay vào hội đấu roi cho thiên hạ cả nước được nức lòng.
Những đội cồng khắp nơi đều lên tiếng một lượt. Tiếng cồng âm u như sấm động rền dài xa mãi. Rồi từng đợt trống đồng giọt xuống, tiếng đanh mà trầm, sôi nổi, dạt dào. Chốc chốc, một đoàn quân trẩy tới, hai bên đường rừng rực những cây đuốc giơ cao, trong tiếng người reo, tiếng hát, náo nức cực kỳ đến tận quanh bãi đấu. Các tướng đều vào tay roi. Tướng ả yếm cổ xẻ trần lưng, váy xắn, bước thoăn thoắt. Tướng ông, tay dài như tay vượn, quơ một lèo dựng ngang cây roi. Những ngọn roi va nhau chan chát. Ngọn roi chặn xuống, im phắc, rồi lại đột ngột vùng lên, như chớp giật. Cánh tay tướng ông nổi chão. Cánh tay tướng bà trắng ngó cần, thoăn thoắt như cá lượn. Các đỉnh đồi reo à à hơn sấm rền. Người khiêng cả những cây gỗ chất vào đống lửa giữa bãi. Hàng chục tay đấu đứng một dãy hai hàng. Trưng Trắc đọ roi với ả Bát Nàn, ả Xoan với Mệnh Đạo. Ông Thi Bằng với ả Lan, ả Ngọc Trinh so với ông út ở Lũ. Anh em Nguyễn Trĩ, Nguyễn Lĩnh với chị em Hà Tơ, Hà Liễu, ả Phật Nguyệt ở Thản, ả Chúa Bầu với ông Cả Công ở Thanh Oai. Đô Dương ở Cửu Chân, ả Lê Chân ở Ninh Hải. Các tướng ông Thuông Nhu, tướng ả Thánh Thiên ở Hợp Phố. Tít đằng xa, các ông Trần Tuấn, ông Cao Minh, ả Nguyệt Doanh, ông Hùng Báo, ông Cả Lợi, ông Hai Lạ, ả Lự, ả Nương, ả Nang... Bao nhiêu cây roi rập rờn lên trong ánh lửa. Ngọn roi, thân roi gãy đôi, giập nát. Nhưng những bọc nhọ nồi đầu roi vẫn nguyên. Chưa ai đụng được vào ai. Các tay đấu lại hăm hở thay roi. Cho đến nửa đêm, đống roi đã vơi quá nửa. Đám người xem, người đấu càng mải mê. Đến sáng bạch, không còn một cây roi lành. Suốt bãi, các tướng ông, tướng ả mồ hôi lấp lánh trong ánh lửa đã nhạt vào buổi sáng mà vẫn phóng roi, vẫn ngang tầm nhau, ngang tài. Các hội chiêng khắp nơi vẫn vang tiếng mười hai chiêng. Suốt đêm đến sáng, đều một nhịp, không một lúc chùng tay.
Chiêng đủm, chiêng boòng beng đánh đôi bốn tiếng vuông đều như bàn cờ. Chiêng chót nhảy vào như chim hót, Chiêng khõ giòn hơn phách trúc. Cho đến trời sáng bạch, hội chiêng vẫn vững tiếng như lúc chiêng đàm dõng dạc lên chiêng đầu tiên cầm nhịp. Ngay sáng hôm ấy, quân trẩy rầm rộ qua các cửa thành. Quân ta nhổ đi giữa các cõi. Người tiễn quân như hội chợ. Từng xe cơm nén mo cau đưa đến cho người đi ăn đường. Mỗi người, tay lại cầm khẩu trầu mời. Đống nhất, các đạo quân lên đường đi trấn cõi xa. ả Lên Chân xuống miền bể Ninh Hải. Ông Đô Lương trở về Cửu Chân. Cửa Hợp Phố ngoài Ngũ Lĩnh, có quân ông Thuông Nhu, ả Thánh Thiên trở về. Lại có quân tướng Hác, người sông Cái, quân ông Cả Công miền Thanh Oai theo lên. Các làng đem dừa ra mời quân uống đi đường xa đỡ khát nước. Những quả dưa hấu lòng đỏ xạn cát mát ngọt như đường. Người Lý, người Đồng, người Dao ở hồ Động Đình, người Cật, người Linh, người Miêu ở Tam Miêu cũng xuống hội quân với các tướng ông, tướng ả đi giữa cửa bể Hợp Phố. Người đi, người tiễn. Những đạo quân trẩy giữa cả ngàn người từ bóng các dãy cây xoan, cây đề lá xanh đậm xanh nhạt trong cổng thành ra. Người đi nửa ngày chưa qua hết. Tiếng hò hát, tiếng cồng, tiếng trống đồng vang khắp đồng bãi ra suốt mặt sông.
* * *
Trên khoảng đồi trông ra sông Cái. Những tàu lá cọ xòe như chiếc tán. Lá cọ đựng nắng, bóng mát xanh đọng thành vũng. Dưới kia, mặt nước cuồn cuộn phù sa đỏ rực. Hai bên quang cảnh mênh mang làng mạc trù phú. Đồi chè, đồi sơn như những bát úp xanh mượt.
Rừng cọ liền rừng mía suốt một dải. Những cánh nương đương vào đòng trải màu xanh thẫm lẫn với chân ruộng lúa nước khuất trong rộc. Bãi ngô, bãi khoai lang quanh từng nếp nhà sàn lửng, làng xóm quây quần chi chít. Trẻ con chơi nhởi, một đám đương bẫy chim cuốc đem thui dưới rặng vải, rặng nhãn tròn tán như những cái nấm lùn. Mùi hoa cau thơm ngào ngạt. Cả rừng cau lủa tủa, thân thẳng vút lên như đan phên. Người trẩy hội tiễn quân ở Mi Linh đương tản về các ngả. Một ông lão, nhác trông vẻ đã quá già, cánh tay trần nhăn nheo xù xì như vỏ gốc gạo. Nhưng không thể đoán được tuổi thọ của cố. Ông lão vẫn mạnh mẽ, vững chãi. Ông lão đi một mình. Không phải con cháu người theo người dắt, như mọi cố tuổi cao nhường ấy đã đuối sức. Ông lão đầu trọc, quần xắn móng lợn, chân đất. Tấm áo năm thân buộc dải, rộng ống -vải nâu vỏ dà lẫn màu đỏ son đường đồi. Ông lão chống gậy thong thả bước. Đến một tảng đá. Ông lão dựng chiếc gậy lên, ngồi nghỉ. Bờ tre gió dạt dào, ngả nghiêng. Dưới bến, mấy chiếc nan sang ngang trôi ve vé như những chiếc lá tre đuổi nhau. Tiếng hát vời vợi sang sông theo con đò.
Khăn vuông ai đội Khăn điều ai vắt vai Ai đi nhớ Về thương Ai thương ai nhớ Ai về ai nhớ ai thương
Lối bến vào qua dưới những vòm tre hun hút mát rượi. Bóng tre lăn tăn xanh. Trai gái Mi Linh dưới đò lên còn đương ríu rít những chuyện đêm hội roi lúc gà gáy quân trẩy. Tiếng hát vương theo người vào mãi những con đường đất đỏ trong đồi khuất xa. Một người to lớn, lực lưỡng, đội chiếc nón bứa, quần buông lá tọa, đầu quấn vểnh lằn khăn chàm tai chó, bước chen trong đám. Người ấy quẩy một gánh củi. Đầu bó củi đằng trước giắt chiếc rìu to. Đám người dưới bến vẫn rập rìu lên. Lại rộn ràng đám khác đi tới rồi đi qua. Người quảy củi đứng lại. Có lúc nhìn đăm đăm. Như trông thấy được tiếng hát cô Tàm ngày xưa đương theo đám trai gái cùng về. Người quảy củi khe khẽ thở dài -như buông cái mệt nhọc lên dốc ra, rồi đặt gánh củi cạnh tảng đá ông lão vừa ngồi. Người quảy củi vái chào rồi sôi nổi kể với ông lão:
- Suốt đêm xem đấu roi! Tuyệt trần! Tuyệt trần. Nghĩ người ta cũng nực cười. Lúc chưa đi đâu thì chỉ biết có mình giỏi. Kịp khi học được mấy miếng võ hiểm của cố Ông Trọng, mới vỡ ra ngoài lò có người hơn mình. Đến lúc ra thiên hạ, thấy trong thiên hạ người tài không đếm xuể được. Xem các tướng ông, tướng ả đấu roi, cứ vừa xem vừa nhớ lại, lại cười thầm mình như thế.
Ông lão gật đầu ra vẻ chịu chuyện. Bỗng người quảy củi hỏi một câu dường như chẳng ăn nhập gì vào những chuyện đương nói:
- Vua chủ có còn nhớ cái khi vua tôi bàn mưu giết Đồ Thư ở Núi Trâu. Tốn thêm một con trâu mà phải tính lại mãi. Cũng mê mải suốt đêm đấy.
Ông lão chậm rãi nói:
- Đến cái tuổi lão, mà lão cũng quên rồi. Còn nhớ gì nữa đâu!
Rồi ông lão im lặng. Một lúc, như chợt nghĩ thấy, lại nói:
- Miếng roi các tướng ra quân đêm qua, chư ông nói phải, giỏi quá. Các tay nỏ bắn đôi cũng tài hơn ngày trước nhiều.
Người quảy củi chưa thấy ông lão bắt lời câu mình hỏi lúc nãy, lại sẽ sàng nói:
- Còn nhớ đã cùng cố Ông Trọng xem đất Kẻ Nhồi, Kẻ Vang.
- Lão không nhớ thế nào!
Người quảy củi nói:
- Trên đồi đá ong, cố Ông Trọng dặn ta việc xây thành, giữ thành...
Ông lão lắc đầu:
- Lão không phải Thục Phán đâu.
Người quảy củi nhìn ông lão:
- Vua chủ có còn nhớ Cao Lỗ không?
Ông lão tần ngần rồi gật đầu:
- Cũng may, lão vẫn còn nhớ chuyện ông Cao Lỗ xây thành. Nhưng mà cứ gì lão, đâu trong thiên hạ, ai chẳng thuộc chuyện Cao Lỗ xây thành Loa.
- Vua chủ còn nhớ tôi không?
- Vậy ông là ai?
- Tôi là Cao Lỗ đây.
Ông lão im lặng. Rồi nhìn mênh mông ra vùng đồi đất đỏ trước mặt.
- Cao Lỗ! Cao Lỗ! Ông là Cao Lỗ ư? Có nhẽ lão chưa được biết bao giờ. Hay là lão đã gặp ông mà lão không biết. ừ, ngày trước vua chủ đã qua lại bao lần đất Kẻ Nhồi, Kẻ Vang, thế mà phải đến khi cố Ông Trọng bảo cho mới nhìn ra được nơi thế hiểm. Thôi thôi, dễ có khi đã gặp nhau mà không biết cũng nên.
Rồi lặng im. Người quày củi nhấc gánh, cúi chào ông lão, rồi cười ha hả, lại rong ruổi đi.
Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!