Bà Quế cùng chồng con lại lên ngay một chiếc máy bay khác về Mácxây. Vừa khoác tay ông Misen ra tới gần cửa, người mẹ đã dễ dàng nhận ra cô gái tóc vàng đang cầm hoa tươi cười đứng đón họ đó chính là Marian, con gái cả của mình. Chàng thanh niên thanh tú có bộ râu quai nón đứng cạnh nó vẫy vẫy chắc hẳn là chồng nó. Khi ra tới nơi, Marian trao hoa tặng mẹ và ôm lấy mẹ, giây lát, cô buông tay ngắm gương mặt của mẹ rồi đắc ý nói:
- Con vẫn hình dung ra mẹ, mẹ ạ. Bây giờ mẹ vẫn đẹp như hồi xưa, nhưng mà... già hơn.
- Thì con trai cô đã bằng ba lần tuổi cô hồi xa mẹ rồi còn gì. - Ông Misen nói nhanh một câu bằng tiếng Pháp để diễn đạt ý có chút hóm hỉnh của mình cho dễ hơn, nhưng thấy vợ ngơ ngác nhìn mọi người cười, ông vội cúi xuống nói với bà một câu tiếng Việt như để cắt nghĩa:
- Tôi nói, bà đã có thằng cháu ngoại 15 tuổi rồi.
Người đàn bà sung sướng gật đầu lia lịa, thoáng hình dung về một thằng cháu khôi ngô, bụ bẫm, áng chừng vừa bằng ba lần tuổi mẹ nó của 35 năm trước.
- Hôm nay chắc là cháu bận đi học? - Bà hỏi.
- Nó đang...
Thấy con gái diễn đạt khó khăn ý muốn nói, định chuyển sang dùng tiếng Pháp, ông Misen liền đỡ lời:
- Nó đang được nghỉ đông. Nhà trường cho đi trượt tuyết.
Về tới nhà, người đàn bà mới biết bố mẹ ông Misen đã mất từ lâu rồi.
Hai con gái đều ở riêng. "Ông ấy" chỉ ở có một mình trong một căn hộ khép kín đủ tiện nghi bên phố vắng. Đập vào mắt bà đầu tiên là hình ảnh phòng khách xinh xắn, gọn gàng, được trang trí theo phong cách Á Đông. Trên tường, ngoài hai bức tranh lồng khung kính về phong cảnh Việt Nam, còn có hai tấm ảnh bằng nhau được tráng trong hai cái đĩa men sứ, đó là ảnh "cô hàng xén" và ảnh ông Misen hồi còn làm việc ở tỉnh H. Ngoài sân thượng là một vườn cây nhiệt đới khá rộng, có điện điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng...
Người đàn bà sung sướng và vui mừng cảm nhận được rằng: "Ông ấy đã chuẩn bị tất cả những thứ ấy vì mình, để đón mình".
Vợ chồng, con cháu ông Misen sum vầy quây tụ với nhau được một tuần lễ, vui vẻ cùng nhau đón Nôen và Tết dương lịch. Khi các con ai đã về nhà nấy rồi, ông Misen nghĩ tới việc dạy cho vợ mấy câu tiếng Pháp để giao tiếp. Ông đưa bà ra phố, ra chợ, giới thiệu cho bà làm quen với người này, người kia. Biết bà nhớ nhà, nhớ quê và thiếu bạn bè, ông lại dẫn bà đi mấy ga tàu điện ngầm, đến Hội quán - trụ sở của những người ViệtNamở Mácxây. Được gặp đồng bào, đồng hương, bà Quế vui như được sống giữa quê mình.
Tết Nguyên đán năm đó, cái tết đầu tiên xa nhà, người đàn bà từ quê hương đất Việt mới sang nảy ra sáng kiến, bà đề nghị Hội tổ chức đêm văn nghệ dân tộc, và nấu bánh chưng, gói giò lụa bán cho đồng bào mình. Bà cũng sắm sanh trong nhà dưa hành, thịt đông... Đó là lần đầu tiên trên đất Pháp, ông Misen, cũng như những đồng bào của bà Quế ở Mácxây được đón một cái Tết Nguyên đán theo đúng phong cách cổ truyền của dân tộc ViệtNam. Đêm giao thừa, được cùng ăn bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, cùng đọc câu đối Tết và nghe hát dân ca, ai cũng rưng rưng xúc động nhớ quê, nhớ nhà. Đến khi nghe bà Quế, người đàn bà đã luống tuổi mà vẫn còn giữ được nguyên nét duyên dáng mặn mà cất giọng đầm ấm hát một bài ca trù và ca mấy câu vọng cổ thì tất cả cảm xúc dồn nén của mọi người như cùng òa vỡ ra thành những giọt nước mắt mang nặng tình cố hương, cố quốc.
2
Khi Misen đưa vợ trở về Mácxây thì thời tiết đã chuyển sang mùa hè. Cảng Mácxây đã nườm nượp khách du lịch. Ngày ngày, ông lái xe con, chở vợ ra bãi biển dạo chơi và tắm nắng. Biển trời Mácxây ngăn ngắt một màu xanh. Và họ đều có cảm giác rằng mình đang trẻ lại. Chưa lúc nào bằng lúc này, ông già Misen bỗng dưng nghĩ tới một đám cưới và những chuyến đi chơi trong "tuần trăng mật", "tháng trăng mật" của đôi vợ chồng "son".
Nhưng bà Quế không hề muốn định cư trên đất Pháp. Dầu được mãn nguyện sống gần chồng, gần con, bà vẫn không nguôi nhớ quê hương xứ sở của mình, và luôn lo lắng cho thằng Trung. Tháng tháng, bà lại lựa lời bày tỏ với ông Misen cái ý muốn trở về. Misen tìm cách trì hoãn thực hiện yêu cầu đó của vợ bằng cách liên tục tổ chức cho vợ những chuyến đi chơi xa. Ông nhẹ nhàng bảo:
- Bà muốn về nước thì cũng từ từ đã. Để tôi đưa bà đi chơi đó đây, thăm vài ba nước châu Âu, cho bõ mấy mươi năm tôi mong ngóng, chờ đợi bà.
Từ bữa đó, người đàn bà ý tứ thưa nhắc tới chuyện trở
Mùa hè năm sau, ông Misen đưa bà về vùng biển Noócmăngđi thăm ông già thuyền trưởng đánh cá đã về hưu ở đó. Từ ngày đi tìm tung tích của Quế, và gặp ông thuyền trưởng, Misen đã sắm sửa và gửi lại trên bãi biển Noócmăngđi một con thuyền buồm xinh xắn mang tên Quế, với ý tưởng gửi theo đó cả một niềm tin, một hy vọng sẽ gặp lại, và sẽ sống hạnh phúc mãi mãi với người ông yêu.
Khi được Misen âu yếm đỡ nhẹ xuống con thuyền buồm mang tên mình "Trần Thị Quế - Butê", người đàn bà tuổi ngoại lục tuần, mới lần đầu tiên cảm nhận hết cái hương vị ngọt ngào của hai chữ "hạnh phúc". Bà rưng rưng giọt lệ xúc động. Chưa bao giờ như lúc này, bà thấm thía và tin tưởng mối tình chung thủy trước sau như một ở Misen của bà.
Hai người, trong trang phục trẻ trung áo phao, quần tắm, nhanh nhẹn xuống thuyền. Người đàn ông thành thạo căng buồm, nổ máy đưa con thuyền vượt sóng ra khơi xa. Nhìn hai vợ chồng họ vui cười, ai dám nghĩ rằng họ đang ở tuổi "cổ lai hi" và ai biết mối tình của họ đã phải lận đận kéo dài ngót gần nửa thế kỷ?
Mỗi năm, ông Misen đưa vợ đi chơi vài ba nước. Mỗi nước, dừng chân vài ba tuần, thăm thú hết mọi danh lam thắng cảnh nổi tiếng của những miền đất lạ. Ông muốn đền bù cho bà những thiệt thòi, muốn ra sức đắp đổi cho người mình yêu được đầy đặn lại những khoảng thiếu hụt của cuộc sống tủi buồn khổ ải mấy mươi năm trước. Từ Mácxây, Misen lái ô tô về xuôi, đưa bà đi thăm những thành phố hiện đại của miền Nam nước Pháp, Nít và Can, nơi ấy, có vườn cây nhiệt đới khổng lồ, có viện Hải dương học đồ sộ, và là xứ sở quê hương của "Cành cọ vàng" - nơi từng diễn ra những cuộc liên hoan phim nổi tiếng thế giới... Rồi hai vợ chồng ngồi tàu hỏa một đêm, sáng ra họ đã thấy mình đứng giữa Vơnidơ - thành phố trên nước diệu kỳ của đất nước Italia nổi tiếng. Mấy ngày sau, Misen lại khoác tay vợ dạo bước giữa thành phố Rôma cổ kính, và mặc sức ngắm nhìn tận mắt vẻ huy hoàng tráng lệ của Tòa thánh Vaticăng - niềm tự hào khôn xiết của hàng tỷ giáo dân và là niềm mơ ước của hàng triệu du khách.
Những năm sau, tháng sau, ông Misen lại đưa vợ sang Thụy Sĩ, lướt "Batômút" trên hồ Giơnevơ... rồi sang cả Đức, sang Bỉ, sang Luýchxămbua nữa, nhưng ông Misen vẫn chưa cho là đủ, ông còn muốn đưa vợ đi tàu dưới biển để đến Anh, xứ sở của sương mù, và đến Amstécđam, quê hương của cối xay gió... Nhưng ông đành gác lại ý nguyện của mình vì bà Quế đã đến lúc không thể trì hoãn nữa. Thời gian thấm thoát thoi đưa, bà đã xa nhà tới 4 năm rồi. Nay thằng Trung đã lên cấp 3, mọi việc học hành, thi cử, định hướng ngành nghề... của nó sẽ ra sao đây nếu không có mẹ. Không thể chần chừ nữa, bà Quế bày tỏ để ông Misen thông cảm cái ý định nhất quyết trở về ViệtNamcủa mình. Sau khi kể vắn tắt hết sự tình, lai lịch của thằng Trung, bà Quế chân tình nói với ông già yêu thương của mình rằng đã từ lâu bà coi thằng Trung như con ruột, và bà đã tự nguyện ràng buộc cuộc đời mình với đời nó, bà tự nguyện lãnh trách nhiệm nuôi nó ăn học thành người để thực hiện lời hứa thiêng liêng của mình với vong hồn bố mẹ nó. Ông Misen thán phục tấm lòng của bà, vui vẻ tiễn bà về nước với một lời hứa hẹn rồi sẽ có một ngày ông đón cả hai mẹ con sang.
3
Từ giã Macxây, từ giã ngôi nhà thân thiết đã gắn bó mình với chồng con trong cả một thời gian dài, người đàn bà không nén nổi xúc động. Bà nhớ con, nhớ cháu, nhưng nhớ nhất là người bạn già thủy chung của mình. Những ngày tháng hội ngộ bên Misen, bà đã thật sự được làm vợ, được sống hạnh phúc trong tình cảm vợ chồng. Misen đã đưa lại cho bà niềm vui nối tiếp niềm vui. Tất cả quá khứ đau buồn, tất cả những nỗi tủi cực mấy mươi năm trước đều bị đẩy lùi về dĩ vãng. Bà hiểu rằng ông đã ra công bù đắp cho những thiệt thòi xa xưa của mình, ra công vun vén cho cuộc sống thực tại của hai người, và chỉ hai người, bên nhau và vì nhau. Vậy mà bây giờ, bà đã nỡ đành lòng để ông ấy ở lại có một mình. Các con đều lấy chồng xa. Vậy là từ nay, trong căn hộ rộng thênh thang chỉ còn lại có mỗi một mình ông. Rồi ông sẽ xoay xở ra sao đây ở cái tuổi đã gần tới 75?
Ngồi trên ô tô với chồng con suốt chặng đường dài ngót 800 km từ Mácxây trở về Pari, lòng người đàn bà ngổn ngang với bao nhiêu niềm lo nỗi nhớ. Có lúc bà cảm thấy việc hồi hương của mình hôm nay như có điều gì không phải với Misen. Và bà thoáng cảm thấy ân hận, nghĩ rằng để có hôm nay, đoàn tụ vui vẻ với mình, hẳn là "ông ấy" đã phải hy sinh rất nhiều, đã phải đấu tranh với chính bản thân mình và ngoại cảnh, đã phải để cho tuổi trẻ trôi qua để sống trong một sự chờ đợi thủy chung nhiều khi đã thành vô vọng. Thế mà mình chưa nghĩ tới chuyện bù đắp cho ông ấy. Nhưng tình thương nhớ pha chút ân hận đó không đủ sức níu giữ chân bà ở lại. Bố con ông Misen đã tiễn bà đến tận sân bay Đờgôn. Ba mẹ con ôm chặt lấy nhau trong phút chia xa. Ông già cao lớn, tóc ngả bạc vừa kéo vợ sát vào lòng mình thêm chút nữa, vừa nhắc lại lời hứa hẹn. Nhưng bà không tin rằng bà có thể trở lại Mácxây với cả thằng Trung.
Ngày hôm sau, máy bay hạ cánh. Trung vui mừng cùng cậu mợ Tráng ra sân bay đón mẹ. Người mẹ đi xa mấy năm về không ngờ thằng con mình đã lớn cao, ra dáng một thanh niên tuấn tú.
Vốn nền nã, lại giao tiếp lịch thiệp, chẳng bao lâu, bà Quế được nhận vào làm nhân viên giữ kho cho một công ty vật tư. Bà trở lại với cuộc sống của một người lao động cần mẫn, trung thực, hết lòng chăm chút cho thằng con ăn học nên người.
4
Một sáng đầu thu, có người cầm đến trao tận tay cho bà Quế những giấy tờ bảo lãnh của Misen. Người này còn nhận sẵn sàng giúp đỡ mẹ con bà nhanh chóng hoàn tất thủ tục để xuất ngoại.
Không biết tại bà Quế ở hiền gặp lành, hay là nhờ uy tín và quan hệ rộng rãi của Misen với bạn bè, mọi việc diễn ra thuận lợi hơn cả mong đợi. Sau Tết dương lịch vài hôm thì chiếc máy bay chở mẹ con bà Quế đã hạ cánh xuống sân bay Đờgôn. Bố con ông cháu Misen ra đón. Trung thoáng
chút ngỡ ngàng trước những người xa lạ. Nhưng Marian đã nhanh chóng đẩy thằng con ra làm quen với "cậu" trong khi ông Misen dang rộng cả cánh tay thân ái ôm gọn lấy cả hai mẹ con.
Mấy hôm sau, khi trong nhà chỉ còn ba người, ông Misen bắt đầu đặt chương trình cho thằng Trung học tiếng Pháp, với ý định một năm sau sẽ cho nó thi vào trường Đại học Soócbon. Bà Quế vui mừng thấy ông Misen cởi mở, ngày càng tỏ ra yêu thương, có trách nhiệm với thằng Trung như với con trai mình. Bà tin rằng, với ông Misen, thằng bé sẽ có được một tương lai sán lạn.
Một sáng đầu hè năm 1988, ở Mácxây, trong một khách sạn tầm cỡ, người ta thấy có một đám cưới lớn, tổ chức theo đúng phong tục cổ truyền ViệtNam. Những món ăn đặc sản thuần túy của dân tộc Việt đã được bày lên bàn, khách mời là đông đảo người Việt ở Mácxây đã đến, trong tiếng pháo nổ giòn giã hòa với những tràng vỗ tay như sấm dậy, cô dâu xuất hiện trong trang phục áo dài Việt Nam duyên dáng, thướt tha với chiếc khăn vành rây đội đầu, rạng rỡ khoác tay chú rể là một người Pháp cao lớn, dáng dấp đường đường phong độ. Nhìn thấy cô dâu lúc này, có ai đó bỗng dưng liên tưởng tới hình ảnh Nam Phương Hoàng hậu trong bức chân dung vẫn treo ở trong viện bảo tàng. Khi vị chủ hôn là ông Hội trưởng Hội những người ViệtNamở Pháp, mời chú rể phát biểu cảm tưởng, Misen xúc động nói:
- Năm 1938, ở Việt Nam, tôi phải lòng một cô gái thông minh lắm, xinh đẹp lắm. Năm mươi năm sau, tôi cứ yêu cô ấy như ngày xưa.
Tiếng vỗ tay không ngớt. Khi có một người bạn ViệtNamtặng đôi vợ chồng già mấy câu thơ tứ tuyệt:
Đằng đẵng ba lăm năm đợi chờ
Gặp lại nàng, anh ngỡ trong mơ
Người xưa nghĩa cũ còn nguyên mới
Duyên tình Pháp Việt kết nên thơ.
Sau khi kể lại mối tình nửa thế kỷ mới được chính thức nên vợ nên chồng của ông bà Quế - Misen, và giới thiệu với cử tọa đứa cháu ngoại của họ, đến dự đám cưới ông bà, là một chàng trai tuấn tú, 24 tuổi, đang là sinh viên năm thứ ba của trường Đại học Soócbon, thì cả hội trường như lắng lại trong một niềm mến mộ đầy xúc động.
Lúc ấy, ông Misen đã ở vào tuổi 78, còn bà Quế cũng
đã 68.
5
Từ ngày sang Pháp, mặc dù vẫn được chồng yêu quý và các con cũng quyến luyến lắm, thằng Trung lại cũng đã thi đỗ vào một trường đại học quốc gia ở Pari, nhưng lòng người đàn bà xa xứ vẫn không nguôi hướng về cố quốc. Những đêm lắng nghe chương trình thơ ca, nhạc cổ của Đài Tiếng nói ViệtNamphát cho đồng bào ta ở xa Tổ quốc, lòng bà Quế không sao nén nổi, nước mắt cứ trào ra. Bà nhớ quê hương da diết, mặc dầu quê hương đối với bà không ít những kỷ niệm buồn. Chưa bao giờ bằng bây giờ, hình ảnh một mom đê đầu làng, một ruộng ngô cuối bãi, một cây nhãn trước cửa đình cũng làm bà quặn thắt vấn vương. Càng nhớ nhung quê cha đất tổ, bà Quế luôn canh cánh trong lòng một nỗi băn khoăn muốn được làm chút gì có ích cho đồng bào, Tổ quốc mình. Và bà đã trở thành một thành viên chủ chốt trong Hội những người ViệtNamở nước ngoài. Đầu năm 1998, khi nghe cậu Tráng báo tin cả làng Thượng và làng Ghềnh (nay là hai xã Yên Bình và Yên Thái) đều đang có dự án xây lại hai trường tiểu học mà chưa được cấp kinh phí, vợ chồng bà Quế đã gửi tiền về, nhờ cậu Tráng gửi về quê nội, quê ngoại của mình để góp phần cho dự án xây trường học ở quê mình sớm thành hiện thực.
Mùa hè năm 2000, mặc dầu ông Misen không được khỏe, mình mẩy thường đau nhức và hai chân yếu phải chống gậy, ông vẫn quyết định cùng vợ con trở về thăm ViệtNam. Ông già còn hóm hỉnh nói đùa: "Chú rể phải được quyền trình diện quê vợ chứ".
Bà Quế đưa cả đại gia đình hồi hương. Vợ chồng, dâu rể, con cháu, tất thảy vừa trọn mười người. Trung đã lấy vợ cùng quê Việt và cùng tốt nghiệp đại học. Hai vợ chồng bác sĩ ấy dự kiến sẽ về làm việc trong một bệnh viện quốc gia. Ông Misen gợi ý nói với vợ chồng Marian: "Các con đều là những nhà kinh tế. Hãy tìm hiểu xem có thể làm việc trong một liên doanh Pháp - Việt nào đó để giúp ích cho quê ngoại một thời gian. Marian âu yếm ngả đầu vào vai chồng, đáp lời bố: "Chúng con cũng đang muốn thế, anh nhỉ. Thằng Jôn đã có thể tự lo cho gia đình riêng của nó được rồi".
Khi họ về tới xã Yên Thái, huyện Kiến Tĩnh, tỉnh H. thì ngôi trường Tiểu học ở đây cũng vừa xây dựng xong. Bà Quế được mời cắt băng khánh thành. Bà xúc động được cùng chồng con chứng kiến một công trình phúc lợi khang trang được hình thành trên mảnh đất quê nghèo của gần sáu mươi năm trước, nơi mà những đứa trẻ khốn khó như cái Mật khi xưa nào có biết trường lớp gì.
Rồi ông bà già dắt nhau dò dẫm từng bước trèo lên mom đê. Nơi khi xưa có cái tên Mỏ Kè ấy, nay đã xây một cái đập lớn, dẫn nước về tưới tiêu cho hàng trăm mẫu ruộng. Nhìn dòng nước phù sa đục ngầu, chảy xiết, ông già Misen nhớ lại một thời trai trẻ đã gắn bó với xứ sở đáng yêu này, còn bà Quế thì đang nhớ lại một thời thơ ấu gian truân, một thời chân đất, mình trần bẻ bắp ngô non lót dạ rồi vục tay uống nước sông Hồng.
Hà Nội, tháng 12-2000
-----------The end ---------------