Con Bim Trắng Tai Đen Chương 7


Chương 7
Tiếp tục đi tìm

Buổi sáng hôm ấy Bim phát khóc lên được. Mặt trời đã lên quá cửa sổ mà vẫn chưa thấy ai tới. Nó lắng tai nghe bước chân của những người sống chung quanh lối cửa ra vào. Họ đi qua cửa phòng nó, đi từ tầng trên xuống hay từ tầng dưới lên. Mọi tiếng chân đều quen, nhưng tiếng chân của chủ thì tuyệt nhiên chẳng thấy. Cuối cùng nó nghe chính xác thấy tiếng giày của Đasa. Cô ấy! Bim lên tiếng để báo cho biết mình ở đây. Tiếng sủa của nó dịch sang tiếng người có nghĩa là "Tôi đã nghe thấy cô, cô Đasa ơi!".

- Có tôi đây, có tôi đây, - cô gái cất tiếng trả lời và bấm chuông gọi bà Xtêpanôvna.



Cả hai cùng bước vào phòng Bim. Nó chào từng người, rồi nhảy ra phía cửa, dừng lại ở đó, quay đầu nhìn về phía hai người phụ nữ và vẫy đuôi khẩn khoản, ý như đòi: "Mở cửa ra. Phải đi tìm".

Đasa đeo cho nó chiếc cổ dề, ở đó có gắn một tấm biển dạng huy hiệu, bằng đồng thau có khắc dòng chữ: "Tên nó là Bim. Nó đang chờ chủ. Biết rõ đường về nhà. Nó sống một thân một mình. Xin đừng ai chòng ghẹo nó!". Đasa đọc dòng chữ đó cho bà Xtêpanôvna nghe:

- Cô phúc đức quá! - Bà Xtêpanôvna vung tay tỏ vẻ ngạc nhiên. - Thế nghĩa là cô quý chó lắm nhỉ?

Đasa vuốt ve Bim và trả lời, giọng không bình thường:

- Chồng bỏ, con trai chết... Cháu ba mươi tuổi đầu rồi. Ở nhà có một thân một mình. Đi vắng suốt.

- Một thân một mình. Ôi! Cháu ơi... - Bà Xtêpanôvna than vãn. - Thế thì thật là...

Nhưng Đasa ngắt lời bà:

- Thôi cháu đi đây, - ra đến cửa, cô nói thêm: - Khoan hãy thả Bim, nó chạy theo cháu mất.

Bim cố chen ra cửa cùng Đasa, nhưng cô đẩy nó trở lại và đi ra cùng với bà Xtêpanôvna.

Sau gần một tiếng Bim bắt đầu rền rĩ, rồi rít lên thành tiếng thảm thiết, rống lên như người ta vẫn thường nói: "Gì mà rống lên như chó ấy!".

Bà Xtêpanôvna bèn thả nó ra. (Bây giờ Đasa đã

đi xa).

- Nào đi đi. Chiều ta sẽ nấu cháo kê cho mà ăn.

Bim chẳng để ý đến lời nói cũng như ánh mắt của bà, bổ nhào luôn xuống thang rồi chạy ra sân. Như con thoi, nó chạy ngang dọc trong sân, rồi chạy ra đường, dừng lại giây lát như suy nghĩ, sau đó bắt đầu xem xét đánh giá các loại mùi, lần từng đám một, chẳng để ý đến cả những cây ở đó các bạn đồng nghiệp của nó đã để lại những bức ký họa mà bất kỳ con chó biết tự trọng nào cũng bắt buộc phải ngó qua.

Suốt cả ngày Bim không phát hiện ra được dấu hiệu nào của Ivan Ivanưts. Đến gần chiều, như để phòng xa, nó tạt vào công viên mới xây ở vùng ngoại vi thành phố. Có bốn thằng bé đang chơi bóng ở đó.

Nó ngồi lại một tí, nhìn kiểm tra quanh quẩn, ngán ngẩm đã định bỏ đi. Song lúc ấy một đứa khoảng mười hai tuổi tách ra khỏi bạn chơi, tiến lại gần Bim, tò mò nhìn nó.

- Mày là chó nhà ai? - Thằng bé hỏi, cứ làm như Bim có thể trả lời câu hỏi của nó được.

Bim trước hết chào nó: vẫy vẫy cái đuôi, nhưng vẻ buồn bã ngoẹo đầu sang bên này, rồi sang bên kia. Cái đó có nghĩa là nó hỏi: "Còn cậu, cậu là người thế nào?".

Thằng bé xem chừng hiểu con chó chưa hoàn toàn tin mình, liền mạnh dạn tiến đến, chìa tay ra.

- Xin chào, Tai đen.

Đến khi Bim đưa chân ra bắt tay thì thằng bé kêu lên:

- Chúng mày ơi! Lại đây, lại đây!

Bọn trẻ chạy lại và đứng ở phía xa.

- Các cậu xem kìa, mắt nó nom khôn không! - Đứa trẻ đầu tiên trầm trồ.

- Có thể, chó được huấn luyện rồi đấy nhỉ? - Một thằng khác mặt bụ bẫm hỏi ra vẻ hiểu biết. - Tôlia, cậu thử nói xem nó có hiểu không?

Đứa thứ ba, lớn hơn các đứa khác, tuyên bố rất quyết đoán:

- Huấn luyện rồi. Thấy chưa, cổ có đeo biển kia kìa.

- Huấn luyện đâu mà huấn luyện. - Thằng bé gầy gò cãi lại. - Nếu không thì sao lại phờ phạc và buồn rũ ra thế kia.

Thật quả vắng Ivan Ivanưts, Bim gầy đi khủng khiếp, mất cả hình dáng trước đây: bụng thì thót, bộ lông không chải chuốt bị bết lại, màu lông trên lưng trước bóng bẩy thế nay xỉn đi. Buồn và đói làm cho đến chó cũng xấu hẳn mã.

Tôlich đụng vào trán con Bim, con chó thì nhìn cả bọn và tỏ ra đã tin cậy hẳn. Sau đó chúng nó lần lượt vuốt ve Bim, và Bim không phản đối. Mối quan hệ lập tức trở nên tốt đẹp, và trong không khí hoàn toàn hiểu biết lẫn nhau chẳng mấy lúc sẽ dẫn tới tình bạn thân thiết. Tôlich đọc to dòng chữ khắc tên tấm biển bằng đồng thau và reo lên:

- Nó là con Bim. Sống có một thân một mình thôi! Các cậu ơi, nó muốn ăn đấy! Thôi giải tán về nhà, đứa nào tha được thứ gì đến đây thì tha.

Bim ở lại với Tôlich, còn bọn trẻ chạy toán loạn. Lúc này thằng bé ngồi trên ghế, Bim nằm bên chân nó và thở dài thườn thượt.

- Mày buồn lắm hả Bim? - Tôlich tay vuốt ve đầu con chó, miệng hỏi. - Thế chủ mày đâu?

Bim rúc mũi vào kẽ hai chiếc giày cao cổ và cứ thế nằm. Chỉ lát sau đứa này tiếp đứa kia xuất hiện. Thằng Bụ Bẫm mang đến chiếc bánh rán, Thằng Lớn mẩu xúc xích, Thằng Gầy hai cái bánh xèo. Chúng bày tất cả thứ đó trước mặt Bim, nhưng con chó cũng chẳng buồn ngửi đến nữa.

- Nó ốm đấy, - Thằng Gầy nói, - Không khéo lây thì chết. - Nói đoạn nó lùi xa Bim ra.

Thằng Bụ Bẫm chẳng hiểu vì sao chùi tay vào quần và cũng tránh ra xa. Thằng Lớn lấy mẩu xúc xích quệt quệt vào mũi Bim rồi cũng kết luận một cách dứt khoát:

- Nó chẳng ăn đâu. Không muốn.

- Mẹ mình bảo chó nào cũng truyền bệnh cả, - Bụ Bẫm lo ngại. - Con này hẳn là bị bệnh đấy!

- Vậy thì cút đi! - Tôlich phát cáu mắng luôn. - Đi cho khuất mắt tao... "Truyền bệnh"... Truyền bệnh thì đã bị sở chó người ta bắt rồi, còn con này... Xem đây, chẳng đeo biển là gì.

Lý lẽ chắc nịch ấy đã tác động mạnh mẽ: bọn trẻ lại vây quanh Bim. Tôlich kéo cái vòng cổ lên cao. Bim ngồi dậy, Tôlich vạch miệng nó ra, thấy có kẽ hở phía cuối hàm răng, lấy một mẩu xúc xích đút vào đó. Bim nuốt. Lại mẩu nữa, lại nuốt. Cứ như thế con chó đã ăn hết khúc xúc xích dưới sự tán thưởng của khán giả. Cả bọn tập trung theo dõi. Thằng Bụ Bẫm mỗi khi Bim nuốt cũng nuốt theo, mặc dù trong miệng chẳng có gì cả: cứ như nó muốn hỗ trợ cho Bim vậy. Nhưng những mẩu bánh rán thì không tài nào nhét vào được, nó rơi vãi lung tung. Lúc này Bim bèn tự ăn lấy, nó nằm sấp xuống, đặt bánh lên hai chân, ngó nghiêng nhìn rồi tự ăn. Nó làm như vậy rõ ràng là do nể Tôlich. Cậu bé này có bàn tay ân cần quá, có đôi mắt dịu dàng quá, thậm chí hơi buồn buồn, cậu ta thương Bim quá đến nỗi Bim không cưỡng lại được tình thân mật ấm cúng ấy. Trước đây Bim cũng đã có quan hệ đặc biệt với trẻ con, và lúc này nó tin tưởng dứt khoát rằng những người bé đều là tốt, còn những người lớn thì khác nhau, có cả những người xấu bụng. Tất nhiên nó không thể hiểu nổi là những người bé sau này sẽ trở thành lớn và rồi cũng khác nhau, nhưng đâu phải việc của chó suy xét tại sao có những người bé tốt bụng khi lớn lên lại trở thành những người xấu tính, đại loại như Bà Thím và Ông Mũi Hớt. Thật ra nó ăn bánh rán là vì Tôlich và chỉ thế thôi. Do đó mà nó thấy dễ chịu hơn, cho nên cũng không từ chối mấy cái bánh xèo. Và thế là suốt một tuần nó ăn lần này là lần thứ hai.

Nó ăn xong, Tôlich lên tiếng trước tiên:

- Ta thử xem nó biết làm gì nào.

Thằng Gầy nói:

- Trong rạp xiếc, nhảy thì người ta hô: "Hấp!".

Bim nhổm dậy và chăm chú nhìn thằng bé như muốn hỏi: "Hấp, nhưng qua cái gì?".

Hai đứa cầm hai đầu chiếc dây lưng, còn Tôlich thì ra lệnh:

- Bim, hấp!

Bim dễ dàng nhảy qua vật chướng ngây thơ ấy. Cả bọn khoái lắm. Bụ Bẫm ra lệnh rành rọt:

- Nằm xuống!

Bim nằm (các bạn bảo thì mình vui lòng lắm!).

- Ngồi dậy. - Tôlich đề nghị (Bim nhổm dậy). - Nhặt về, - Tôlich ném mũ lưỡi trai đi.

Bim mang mũ về. Tôlich ôm lấy Bim mừng rỡ, còn Bim thì đáp lại, liếm ngay vào má thằng bé.

Bên những người bé này, tất nhiên là Bim cảm thấy nhẹ nhõm hẳn đi. Thế nhưng chợt một lão già đi tới, tay múa cái can, đi rất khẽ, khẽ đến nỗi bọn trẻ không ai để ý đến trước khi lão cất tiếng hỏi:

- Chó ai đây?

Lão nom vẻ quan trọng, đầu đội mũ xám hẹp vành, cổ đeo chiếc nơ xám thay cho cà vạt, mình mặc áo vét xám, quần xám nhạt, bộ râu ngắn xám bạc, mắt đeo kính. Nhìn Bim không rời mắt, lão nhắc lại:

- Các em, chó này của ai vậy?

Cả hai đứa, Tôlich và Thằng Lớn cùng trả lời

một lúc.

- Không của ai. - Thằng Lớn ngây thơ trả lời.

- Của cháu, - Tôlich cảnh giác nói. - Đến giờ phút này là của cháu.

Tôlich đã nhiều lần nhìn thấy lão xám: lão ta thường đi dạo một mình quanh công viên vẻ trịnh trọng. Có lần lão còn kéo theo một con chó, nó cứ ghì lại không chịu đi. Một hôm lão tới chỗ lũ trẻ và ngứa miệng bảo chúng rằng đến chơi đùa chúng cũng chẳng biết chơi, như ngày xưa, rằng lễ độ chúng cũng chẳng có, rằng người ta giáo dục chúng cũng không đúng, không được như ngày xưa, rằng vì chúng, vì chính những loại như thế này đây mà người ta đã chiến đấu từ tận hồi nội chiến cơ, ấy thế mà chúng có biết giá trị đâu, và chẳng biết cái gì hết, tóm lại, thật là đáng xấu hổ. Cái ngày lâu lắm rồi ấy, khi mà Lão Xám lên mặt răn dạy lũ trẻ, Tôlich lên chín tuổi. Bây giờ nó đã mười hai, nhưng nó còn nhớ rõ lão. Lúc này Tôlich ngồi ôm con Bim và cứ khăng khăng: "Của cháu".

- Thế là thế nào? Không phải của ai hay là của nó? - Lão ta quay về phía bọn trẻ hỏi và chỉ vào Tôlich.

- Kia kìa, nó có một tấm biển đấy. - Thằng Bụ Bẫm gở miệng nói chen vào.

Lão xám tiến đến bên Bim, vén tai chó và đọc dòng chữ ghi trên cổ.

Bim đánh hơi thấy chính xác, hoàn toàn chính xác rằng Lão Xám có mùi hôi chó, mùi phảng phất thoang thoảng, lâu ngày rồi, nhưng vẫn có mùi, Bim nhìn vào mắt lão lập tức đã không tin lão, không tin giọng nói, cái mắt nhìn, thậm chí cả đến hơi người lão. Chẳng lẽ người ta không dưng lại để hơi chó đủ các loại bám vào mình như thế sao. Bim nép sát vào người Tôlich, cố sức tách ra khỏi Lão Xám, nhưng lão không buông tha.

- Không được nói dối, cháu ạ, - lão trách móc Tôlich: - Cứ như điều ghi trên biển này thì chó này không phải của cháu. Đáng xấu hổ lắm, cháu ơi. Chẳng lẽ bố mẹ cháu lại dạy cháu nói dối à? Liệu sau này lớn lên cháu sẽ thành người như thế nào? Ề, ề, ề... - Lão rút trong túi ra một đoạn dây và buộc ngay vào cổ dề chó.

Tôlich giật lấy đoạn dây và quát lên:

- Ông không được động vào! Cháu không cho đâu!

Lão Xám gạt tay nó ra.

- Bác có bổn phận đưa chó về nơi quy định. Có khi còn phải lập phiên bản nữa là đằng khác (lão nói thành "phiên bản"). Có khả năng riệu cồn thịt mất chủ nó rồi (lão nói thành "riệu"). Nếu quả như vậy thì con chó này phải trừ khử. Trách nhiệm của bác là như vậy đó. Mọi việc là phải vì danh dự và nhân đạo mà làm. Thế đấy. Bác sẽ thẩm xét nhà cửa của nó xem có đúng hay không.

- Thế ông không tin vào tấm biển này à? - Tôlich gạn hỏi, giọng trách móc, gần như khóc.

- Bác tin chứ, các cháu ạ, bác hoàn toàn tin mà. Thế nhưng... - Lão giơ một ngón tay và lên mặt nói, gần như trịnh trọng: - Muốn tin phải xác minh! - Rồi dắt Bim đi.

Bim ghì lại, ngoái nhìn Tôlich và thấy thằng bé tức quá phát khóc, nhưng - biết làm sao được! - cũng đành phải đi theo Lão Xám, cúp đuôi, mắt nhìn xuống đất, nom chẳng có vẻ gì là nó nữa. Bộ dạng nó như muốn nói: "Cuộc đời chó má của chúng mình là như thế đó, một khi chẳng còn thấy chủ đâu". Chỉ còn cách là ngoạm vào bắp đùi lão ta rồi bỏ chạy, nhưng Bim là con chó trí thức: muốn dắt nó đi đâu cũng được thôi.

Cả hai cùng đi vào dãy phố có những ngôi nhà mới. Nhà nào cũng mới, toàn bộ một màu xám, và hệt như nhau đến nỗi đi có thể bị lạc. Đến một ngôi nhà giống những nhà khác như đúc ấy, họ đi lên tầng ba, ở đấy Bim quan sát thấy cả các cửa nữa cũng đều

giống nhau.

Một bà mặc váy xám mở cửa cho họ:

- Lại lôi đâu về thế? Giời ơi là giời!...

- Làm gì mà gào lên thế! - Lão Xám nghiêm nghị ngắt lời bà ta rồi tháo cổ dề Bim, chìa ra: - Này đây, nhìn xem.

Bà kia đeo kính vào nhìn, đã hiểu ra, còn lão nói tiếp:

- Bà chẳng hiểu quái gì cả. Khắp cả nước cộng hòa chỉ độc nhất có tôi là người chơi huy hiệu chó. Và cả cái biển này là cả một của quý! Vị chi là chiếc thứ năm trăm!

Bim chẳng hiểu gì cả, tuyệt nhiên chẳng hiểu gì cả, không một tiếng nào quen thuộc, không một cử chỉ nào hiểu được - mù tịt. Chợt Lão Xám ở hành lang vào phòng, tay cầm chiếc cổ dề. Rồi từ trong phòng lão gọi vọng ra.

- Bim, lại đây!

Bim chần chừ ngẫm nghĩ rồi dè dặt bước vào. Trong phòng nó nhìn quanh, nhưng không tiến lại chỗ Lão Xám, và ngồi phệt luôn xuống bậc cửa. Trên tường treo lơ lửng những cái bảng bọc nhung trên đó treo lủng lẳng thành hàng thành lối những huy hiệu chó: số hiệu chó, thẻ chó, huy chương màu xám, huy chương màu vàng, đoạn dây và cổ dề khá đẹp, mấy cái rọ mõm hoàn hảo cùng những trang bị thông thường khác, thậm chí có cả một dây thòng lọng bằng tơ để thắt cổ chó (mà dĩ nhiên Bim không hiểu được công dụng). Kẻ sở hữu bộ sưu tập ấy đã xoay được cái dây ấy ở đâu ra thì ngay người cũng chẳng hiểu nổi. Còn đối với Bim đó chỉ là sợi dây bình thường, không hơn không kém.

Bim chăm chú nhìn thấy Lão Xám mân mê trong tay cái cổ dề của mình, lấy kìm tháo tấm biển ra và gắn vào khoảng giữa một cái bảng bọc nhung kia. Lão cũng làm như vậy với tấm thẻ. Sau đó lão đeo cổ dề vào cho Bim và nói:

- Mày là con chó khôn đấy!

Giống y như chủ nó có lần nói, nhưng lúc này thì nó không tin. Nó đi ra ngoài hành lang và đứng lại bên cửa, ý muốn nói: "Thả tao ra! Tao chả có công việc gì ở đây cả".

- Thôi thả nó ra đi! - Người đàn bà nói. - Giữ nó ở đây làm gì? Lẳng nó ra đường kia.

- Không thể được - bọn nhãi quấn nó lắm. Cho nên ngay bây giờ thì không thể được: Chúng nó thấy mất tấm biển có thể sẽ đi báo... Vì vậy cứ để nó ở đây qua đêm đến sáng. Nằm xuống! - Lão ra lệnh cho Bim.

Bim nằm xuống ngay bậu cửa: biết làm thế nào! Sau nó lại nghĩ: chỉ cần rít lên thành tiếng, chạy lung tung khắp phòng, lao vào Lão Xám, thế là xong. Thế nào nó cũng được thả đây. Nhưng Bim đã quen chờ đợi. Vả lại nó cũng đã mệt, kiệt sức đến nỗi nó đã ngủ thiếp đi một lúc bên bậu cửa nhà người, cho dù chỉ là ngủ chập chờn.

Đây là đêm đầu tiên Bim không về phòng mình. Nó cảm thấy như thế lúc đang mơ mơ màng màng, và cũng không hình dung ra hiện mình đang ở đâu. Đến khi nhận ra rồi thì nó buồn quá. Nó lại vừa mơ thấy Ivan Ivanưts; cứ mỗi lần chợp mắt nó lại nhìn thấy chủ, khi tỉnh dậy vẫn còn cảm thấy hơi ấm bàn tay ông, quen thuộc với nó từ thuở nó còn là chó cún con. Giờ đây ông ở nơi đâu? Buồn không sao chịu nổi. Cảnh cô đơn nặng nề cứ bám riết lấy nó, chẳng tha. Và lại còn cả cái Lão Xám kia đang ngáy khò khè, như con thỏ bị chó săn đè cổ. Từ những cái bảng nhung tỏa ra mùi chó chết. Buồn. Bim rên rỉ ư ử, về sau hai lần bật lên thành tiếng sủa, với tiếng gừ khẽ tiếp theo, giống như con chó lài khi nhìn thấy dấu vết thỏ. "Ối cha... ôi! Các ông... các bà ôi... - Nó khóc, - khổ thân tôi quá... ôi... ôi... Không có bạn, đau đớn quá... ôi... ôi... Thả tôi ra cho tôi đi tìm bạn!... Ôi... ôi..., các ông... các bà ơi!".

Lão Xám chồm dậy, bật đèn rồi cầm gậy bổ vào người Bim, vừa đánh vừa rít lên:

- Câm đi, câm ngay, đồ quỷ! Hàng xóm người ta nghe thấy bây giờ. Này kêu này, kêu này! - Bim tránh đòn, theo bản năng cố bảo vệ lấy cái đầu, và rền rĩ như người: "Ối... ối... ái... ối".

Nhưng con người kia vẫn cứ tìm cách đánh đập vào đầu nó. Bim bị choáng đi vài giây, bất tỉnh, quờ quạng chân, nhưng sau lại tỉnh lại ngay. Nó nhảy ra khỏi bậu cửa, tựa lưng vào góc nhà và nhe răng ra. Lần đầu tiên nó nhe răng.

Lão Xám lùi lại tránh Bim.

- Ái chà! Lại cắn hả, đồ quỷ... - Rồi lão mở tung cửa ra.

Nhưng Bim không tin ngay cả vào cái việc cánh cửa thực sự đã được mở tung ra, không tin cả lúc Lão Xám nói:

- Cút ra! Cút ra! Đi đi, Bim! Đi chơi,... đi, đồ chó, đi đi.

Nó không tin cái lời dịu dàng ngọt xớt ấy, không tin vào sự xoa vuốt phỉnh phờ sau những đòn roi vọt ấy. Đánh rồi xoa, ồ đây là một phát hiện mới trong đời Bim. Bà Thím và ông Mũi Hớt chỉ là người không tốt thôi. Còn cái lão này... lão này thì Bim căm thù. Căm thù! Bim bắt đầu mất lòng tin vào con người. Vâng, đúng như vậy!

Bim vươn cổ, nhe răng và... tiến đến Lão Xám, rón rén, nhưng rất cương quyết, chậm chạp, nhưng đầy tự tin. Lão Xám nép vào tường:

- Mày làm gì? Làm gì?

Người đàn bà mặc áo cánh ngủ quát bảo Lão Xám:

- Nó chồm đến kìa! Ca-ắ-ắn kìa!

Bim thấy rằng lão già sợ nó hết hồn, rằng nó đang làm lão chết khiếp. Do đó Bim càng tăng thêm quyết tâm: Nó chồm đến, ngoạn vào chỗ phần mềm của kẻ thù đang lẩn tránh, rồi nhảy tót về phía cửa mở tung. Bim vừa chạy vừa cảm thấy trong mồm mình có vị thịt mông người, con người mà nó căm hờn đến tận xương tận tủy. Không, Bim không cho rằng mình bất hạnh và đáng thương, ngược lại, giờ đây nó trở nên dũng mãnh, mà sự dũng mãnh thì thường hòa với lòng tự hào cùng cảm giác về phẩm giá của mình - ngay cả ở loài thú dữ.

Bim chạy trên đường trong sương mù lúc trời gần sáng nhưng trong vòng cổ không còn số hiệu "24" nữa. Lúc đầu trong lúc vội vã, nó chạy không đúng hướng, nghĩa là không vào thành phố mà chạy ra ngoài (ra xa không còn nhà cửa nữa). Nó quay trở lại và lại quay đúng vào cái nơi rối rắm những ngôi nhà y như nhau. Chạy quanh, ngoằn ngoèo mãi rồi cuối cùng lại đâm vào căn nhà mà nó vừa ở đó chạy ra. Đến đây nó cũng vội vã đổi hướng, chạy về phía cần phải chạy, và như thế cũng là nhờ một sự việc có tính quy luật mà con người ít biết đến: hôm qua, khi người ta lôi nó đến đây, nó đã phát hiện được ở một góc này ký hiệu của một con chó thứ hai. Thế là bây giờ, cứ lần từ cái góc này sang cái góc kia mà nó đã nhận ra nhờ các ký hiệu ấy, nó đã đi đúng hướng cần thiết. Quả thực muốn không những tìm thấy nhà cửa, mà còn vượt ra khỏi nơi này nữa thì cần phải biết đánh hơi thật giỏi. Bim có cái tài đánh hơi rất giỏi, mà lại sáng dạ tuyệt vời.

Gần sáng thì nó về tới nhà, lên đến phòng, vào tới ngưỡng cửa thân yêu. Nó cào cào vào cửa. Không có tiếng đáp lại. Lại cào lần nữa - vẫn thế. Im lặng như tờ. Cái chính là ở chỗ cửa không có dấu vết của Ivan Ivanưts. Lúc này hãy còn sớm, bà Xtêpanôvna đang ngủ ngon không nghe thấy tiếng gọi cửa của Bim. Nó ngồi xuống một lát bên cửa, trầm ngâm.

Toàn thân bị đòn đau như dần, trong đầu tiếng ong ong và rất buồn nôn, không còn sức nữa. Nhưng nó vẫn lại ra đi. Đi tìm chủ của nó. Vì ngoài Bim ra còn có ai đi tìm ông nữa?

Một con chó chạy nhông trong thành phố, nom vẻ buồn bã, nhưng đó là con chó trung thành, tin tưởng và gan góc.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86700


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận