“Thái tử điện hạ, bắt đầu lo lắng rồi hay sao?”. Người vừa nói là một văn sĩ tầm ba mươi tuổi, da dẻ trắng ngần, có bộ râu rất đẹp. Những lời vừa mới thốt ra gần như là đại nghịch bất đạo(*), nhưng lại nói một cách ung dung chậm rãi như đang đọc thư tình.
(*) Đại nghịch bất đạo: tội do giai cấp phong kiến gán cho những ai chống lại sự thống trị và lễ giáo phong kiến.
“Không được vô lễ”. Một giọng nói ung dung chậm rãi tương tự được người thanh niên đứng trước vị văn sĩ vừa rồi nói ra, nghe không ra anh ta thật sự có ý trách cứ hay không.
Vị văn sĩ nhìn thoáng qua người thanh niên, bình thản đáp lời: “Xin vâng lời”.
“Vẫn là dùng nước trên núi pha trà cho mùi vị tuyệt nhất, đến đây uống không?”.
“Vốn đã rất muốn, không dám để ngài mời”.
Hai người chậm chạp bước đi, gió núi khẽ thổi qua, khiến cho họ có phong thái như thần tiên, phía sau có người cầm quạt, xách bình trà, bê khăn lau lò hương đồng loạt đi theo. Trong đình nghỉ chân ở gần hồ, đã có hai, ba người ngồi sẵn, đồ pha trà cũng đã được bày ra, chỉ chờ người đến đủ để pha trà nói chuyện. Đây là một buổi uống trà đàm đạo sự tình. Chủ trì: hoàng thứ tử Tề Vương Tiêu Lệnh Nghiệp. Những người có mặt gồm: Lang trung lệnh(*) Cố Tuyên, Thường thị(**) Thẩm Xử Cương, Xá nhân(***) Âu Dương Thuật, Yết giả(****) Quách Thiệu. Chủ đề của hội nghị: có phải tâm tư của Hoàng đế đã thay đổi rồi hay không, Thái tử có phải là sắp bị phế truất hay không, Tề Vương có khả năng làm chủ Đông Cung hay không.
(*) Lang trung lệnh: một trong cửu khanh, phụ trách quản lý cảnh vệ ở hoàng cung.
(**) Thường thị: thời Tần và Tây Hán gọi là Trung thường thị, do hoạn quan đảm nhiệm; thời Ngụy, Tấn gọi là Tán kỵ thường thị, do quân lính hoặc trí thức đảm nhiệm.
(***) Xá nhân: một chức quan thời cổ đại; thời Tần, Hán có Thái tử xá nhân; thời Ngụy, Tấn có Trung thư xá nhân.
(****) Yết giả: một chức quan thời cổ đại; thời Xuân Thu chiến quốc quản lý việc truyền đạt các công việc ở xung quanh Quốc quân.
Cố Tuyên bình thản tráng cốc, Thẩm Xử Cương yên lặng nhìn non xanh nước biếc ngoài đình, Âu Dương Thuật ngồi vân vê chòm râu hoa râm của mình. Quách Thiệu nhìn quanh thấy chức vị của mình thấp nhất trong số những người đang ngồi ở đây, nên lên tiếng trước: “Bây giờ, cái chức Chiêm sự(*) của Đông Cung chẳng còn khiến ai có hứng thú nữa cả”.
(*) Chiêm sự: là một chức quan cấp “sự”, làm công tác quản lý quản lý công vụ. Ban đầu chức quan này quản lý các công việc của Hoàng hậu và gia đình Thái tử, sau này chỉ còn chức Chiêm sự quản lý công việc của Thái tử. Thời Minh, Thanh đều có lập Chiêm sự phủ, có chức quan Chiêm sự và Thiếu Chiêm sự là quan viên tam và tứ phẩm.
Trầm Xử Cương mỉm cười: “Đây cũng là chuyện dễ hiểu, mấy năm nay, Đông Cung cũng đổi không ít người rồi”.
Tiêu Lệnh Nghiệp cũng mỉm cười: “Hôm qua Đông Cung đốt mấy chục trang giấy, đều là giấy do Thái tử điện hạ viết hỏng”.
Âu Dương Thuật buông tay ra khỏi chòm râu: “Xem ra là thời tiết quá nóng, khiến Thái tử điện hạ tâm phiền ý loạn rồi đây”.
Những người ở đây đều xuất thân từ thế gia, không phải loại một thì cũng là nhân tài của một Quận. Chiêm sự ở Đông Cung vì hùa theo đề nghị của Quý Phồn mà bị trách mắng, từ một góc độ khác mà nói thì đó cũng xem như là bảo vệ lợi ích của thế gia, nhưng Chiêm sự bị Hoàng đế phê bình gay gắt, lại khiến cho những người xuất thân từ thế gia ở chỗ này vui vẻ. Điều đó cho thấy trong mọi chuyện đều không thể quơ đũa cả nắm được.
Từ khi Ngụy Tĩnh Uyên trở thành Thừa tướng, trên triều luôn vô cùng sôi động, hôm nay tố cáo chuyện gì đó bất hợp pháp, ngày mai lại tố cáo quan viên ở đâu đó không xứng đáng với chức vụ. Những kẻ được hưởng thừa kế thì bị tóm cổ đánh cho một gậy, kêu gào lên phản đối. Những kẻ hy vọng cướp được một cái rễ cây từ trong miệng hùm hang sói thì vướng vào các rắc rối về lễ nghi hoặc là bị cười nhạo, hoặc là vì “không tuân thủ lễ nghi” mà bị buộc phải từ quan. Cái loại chuyện tình này cho đến tận khi Ngụy Tĩnh Uyên chết, vẫn chưa từng thay đổi. Trái lại, sau khi Ngụy Tĩnh Uyên chết, lại có một hồi náo nhiệt lớn hơn. Đợi cho đến khi Ngụy Tĩnh Uyên chết rồi, rất nhiều người đã nghĩ đến chuyện, nên để mọi chuyện quay trở về vị trí cũ, mọi người dựa theo cách thức sinh hoạt như trước mà sống qua ngày chứ nhỉ? Hoàng đế nhất quyết không đồng ý chuyện này, rồi lại nhìn trúng Trịnh Tĩnh Nghiệp, tóm lấy ông đẩy lên phía trước để làm triều đình tiếp tục sôi động. Cái loại sôi động này thuộc về chuyện tranh đoạt và tái phân phối quyền lợi cùng với lợi ích.
Theo quan điểm vĩ mô mà nói, thì đúng là đánh thẳng vào địa vị chính trị của giới trí thức quý tộc, khiến cho càng ngày càng có nhiều người có tài tham dự vào các quyết định và hoạt động của quốc gia, có lợi cho sự phát triển của toàn dân tộc.
Theo quan điểm vi mô mà nói, thì chuyện này lại khá là tế nhị đấy. Quy luật khách quan vốn là thông qua rất nhiều trường hợp cá biệt để rút ra được xu thế chung, trước một quy luật khách quan vốn đã quen thuộc với mọi người và được sử dụng thường xuyên, thì bạn không thể yêu cầu mọi người xem xét mọi chuyện từ góc độ vĩ mô đúng không nào? Càng là những người thuộc thành phần trí thức thì lại càng thốt lên “ân huệ dành cho những người cũ không bằng trước đây”, lại có càng nhiều người chỉ nhìn vào những trường hợp cá biệt hơn nữa. Hôm nay Trương gia bị đánh, ngày mai Lý gia bị mắng. Sau đó, bọn họ sẽ nghĩ đến những phương diện khác rồi rút ra một kết luận kỳ quái. Mà kết luận này lại là: Hoàng đế đã không còn thích Thái tử nữa rồi – lấy danh sách quan lại của Đông Cung mười hai năm trước so sánh với hiện tại, bạn sẽ thấy, trừ những người nghỉ hưu bình thường, còn lại có đến một nửa là vì các loại tội danh mà bị giáng chức hoặc cách chức hoặc là bị chém. Chuyện này càng về sau lại càng rõ ràng, khiến cho người khác không thể nào mà không suy nghĩ sâu xa được. Tề Vương chính một trong số những người đó, anh ta cũng có đủ vốn liếng để mà suy nghĩ lung tung.
Năm nay sáu mươi tuổi, ba mươi năm trước vốn không có một đứa con nào. Cho đến tận khi đăng cơ, vẫn chưa có đứa con nào cả, nên không thể không tuyển thục nữ trong cả nước. Năm ba mươi tuổi, mới có cung nhân sinh ra Thái tử hiện tại. Từ đó về sau, Hoàng đế dường như đã tìm được bí quyết để sinh con, nên không ngừng sinh ra cả con trai lẫn con gái, hiện giờ lão nhân gia ông ta đã có hai mươi ba đứa con trai, hai mươi bảy cô con gái, còn sống đến hiện tại có mười lăm người con trai, hai mươi hai cô con gái. Mà trong số những đứa con này, không có ai là con vợ cả hết, báo cáo hoàn tất.
Sau đó vấn đề xuất hiện!
Hoàng trưởng tử là con trưởng, nhưng xuất thân lại không cao quý, hơn nữa trong lúc thế gia còn được coi trọng, có chung một người cha, thì xuất thân của người mẹ là vô cùng quan trọng. Mẹ đẻ của hoàng trưởng tử chỉ là một cung nhân có địa vị rất bình thường, vốn do Hoàng đế trong lúc mãi mà chưa có con lo lắng tìm mọi cách chữa trị mà sinh ra. Xuất thân không cao quý, cũng không được chiều chuộng như Miêu phi, đến lúc chết cũng chỉ là một Thục Viện(*). Trước khi bà mất, con trai của bà cũng không phải Thái tử, sau khi bà mất, bà cũng không được truy phong. Vị trí Hoàng thái tử, cũng là phải mở đường máu mới có được.
(*) Thục Viện: một trong những danh hào của phi tần thời cổ đại, theo Hậu cung Chân Huyên truyền thì Thục viện thuộc nhị phẩm, ngang hàng với Chiêu Nghi, Chiêu Viện, Chiêu Dung, Thục Nghi, Thục Dung, Tu Nghi, Viện, Tu Dung.
Những hoàng tử khác thì không như thế. Hoàng đế kết hôn đã lâu mà chưa có con, sốt ruột vì bệnh nên mới tìm mọi cách chữa trị, chỉ cần nghe nói nhà ai có đông con đông cháu, thì sẽ ra lệnh đưa những cô gái đến tuổi của những gia đình này tiến cung. Lúc này ông ta còn đang ở trong thời kỳ trăng mật ngắn ngủi với thế gia, nên Hoàng hậu của ông ta chính là con gái của thế gia, đáng tiếc là lại không có con.
Hoàng trưởng tử không phải con vợ cả, địa vị của mẫu thân thấp kém, trải qua cuộc sống vô cùng gian khổ trong thời kỳ coi trọng xuất thân từ dòng chính, chính là họa vô đơn chí, mà lại có vài cô gái xuất thân thế gia sinh được hoàng tử. Một loạt hoàng tử như hoàng thứ tử, hoàng tam tử, hoàng thất tử vân vân đều có mẫu thân xuất thân cao quý, cho đến mười năm sau đó, khi Hoàng đế không lo lắng về vấn đề hậu duệ nữa, thì những cô gái xuất thân thấp kém bên người ông ta mới lại xuất hiện nhiều hơn.
Hoàng đế bắt đầu loại trừ quyền lợi của thế gia trên triều, không phải là muốn đuổi tận giết tuyệt bọn họ, mà là muốn khống chế. Khác với những gì những người đứng ngoài quan sát thuận miệng nói “đả kích thế lực của thế gia vọng tộc”, hy vọng của Hoàng đế là có thể kiềm chế thế lực của thế gia vọng tộc trong một phạm vi nhất định. Đồng thời, hoàng thất cũng rất tôn trọng thế gia. Không những Hoàng hậu vốn xuất thân từ thế gia, Hoàng đế chọn lão bà cho con trai mình cũng là chọn lựa từ đám con cháu thế gia, gả con gái cũng hy vọng gả cho thế gia. Có dạo Hoàng đế lúc trung niên rất thích mấy cô gái xuất thân thế gia, trong đó có Thục phi là thân thích của Tưởng tướng.
Đối với một vị hoàng tử có mẫu gia địa vị không cao lên làm Thái tử, có rất nhiều người trong lòng không phải là không bàn luận, sợ Thái tử thiếu hiểu biết (đứa trẻ không có mẹ rất đáng thương), nói Thái tử hiếu học (đứa trẻ nghiêm túc rất đáng yêu), có ý thức vương lên (làm hỏng…), anh ta lại trưởng thành rất khỏe mạnh. Để củng cố quốc gia, năm anh ta mười hai tuổi đã được sắc lập làm Thái tử. Thế gia cũng hiểu có một vị Thái tử như thế không có gì là không tốt hết cả, bởi vì, nếu để cho cháu ngoại trai của Trương gia làm Hoàng đế thì Lý gia không đồng ý, mà để cho cháu ngoại trai của Lý gia làm Hoàng đế thì Vương gia lại không vui. Mà người này thì tốt rồi, không dính dáng đến bất cứ ai hết cả, mọi người lại bắt đầu cạnh tranh lại từ đầu. Những người phản ứng nhanh thì đã bắt đầu tiến hành đầu tư vào Đông Cung rồi, đúng lúc, mẫu gia của Hoàng thái tử không có thế lực, cũng muốn kết thân với triều thần.
Năm mười tám tuổi Hoàng thái tử Tiêu Lệnh Hành lấy Trần thị con gái dòng chính của thế gia loại một làm Thái tử phi, một năm sau đó lại sinh được một đứa con trai – địa vị vô cùng vững chắc. Con trai mới được một tuổi, tình thế lại thay đổi, Ngụy Tĩnh Uyên trở thành Thừa tướng. Người nào đó họ Ngụy trong lúc rèn giũa ở địa phương đã nổi danh là “không sợ cường hào ác bá”, thế gia gặp ông ta xem như là xong đời! Một khi đã vung bút lên, là tước quan chức, lôi những chuyện bị giấu kín ra, kiểm tra sự chuyên cần, điều tra những chuyện trái phép, chuyện gì cũng không tha. Trong ngoài triều đình khắp nơi vang lên tiếng kêu khóc, rất nhiều quan viên ngã ngựa, phương diện này có quan viên thuộc trung ương cũng có quan viên thuộc Đông Cung.
Nhân viên trên triều lại thay đổi, chỉ có dưới tình huống vô cùng đặc thù như thế mọi người mới cảm thấy Hoàng đế muốn kết liễu Đông Cung. Quan lại thuộc Đông Cung cứ dần dần rơi rụng mất, khiến cho ai cũng phải suy đoán.
Cho dù là Ngụy Tnh Uyên, hay là Trịnh Tĩnh Nghiệp, thì trong thâm tâm vốn không hề có ý chĩa mũi nhọn vào Thái tử. Nhưng mà quan hệ giữa Thái tử với thế gia lại quá sâu, nên nhìn qua thì giống như hai vị Thừa tướng một trước một sau đều thích gây khó dễ Thái tử, mà Hoàng đế cũng bị hai vị “gian thần” này chia rẽ tình cảm cha con. Ngoại trừ gian thần và Hoàng đế, những người khác ai cũng cho là như vậy hết cả. Oan uổng quá!!!
Lượng thay đổi làm cho chất thay đổi, ban đầu còn không có ai có hành động khác thường. Nhưng khi lượng thay đổi mười năm, năm nay Hoàng đế lại đã sáu mươi tuổi rồi, có rất nhiều người từ động tâm dẫn đến hành động. Đây đại khái là chuyện mà cả Hoàng đế lẫn hai vị Thừa tướng đều không nghĩ tới. Đây đúng là một sự hiểu lầm không hay ho tý nào cả!
—– o0o —–
Hi Sơn đã được gọi là núi, thì địa thế sẽ không bằng phẳng, xe ngựa của Trịnh Diễm đi qua nhiều chỗ ngoặt uốn khúc gập ghềnh hướng về phía Cung Thúy Vi. Diện tích của Hi Sơn cũng không nhỏ, nếu như tùy tiện bỏ rơi một người mù đường ở trong đấy, coi như may mắn thì người đó cũng phải bỏ lỡ mất ba bữa cơm mới tìm được đường ra. Cho dù là như vậy, Trịnh phủ cách Cung Thúy Vi cũng không quá xa. Một ngọn núi, không phải chỗ nào cũng là chỗ thích hợp để dựng nhà, chỗ nào cũng thích hợp để ngắm cảnh. Chỗ tốt nhất là biệt cung của Hoàng đế, các quan lại dựa theo sự khác biệt về địa vị mà chỗ ở cũng khác nhau. Cho dù biệt thự riêng của Trịnh gia vốn là tiếp nhận từ người khác, thì cũng là được chọn lựa để ở gần Hoàng đế nhất, phong cảnh cũng đẹp. Chính sự thuận tiện đó khiến cho Trịnh Diễm bị Miêu phi mời đến Cung Thúy Vi chơi.
Cung Thúy Vi so với Cung Đại Chính thì nhỏ hơn rất nhiều, phía trước có mấy tòa viện cũng chính là chỗ làm việc của các bộ. Trịnh Diễm ngồi trên xe, nghiêng nghiêng ngả ngả xóc lên xóc xuống đi vào Cung Thúy Vi.
Miêu phi đang buồn chán, nhờ ơn của Quý tiên sinh, khiến cho Hoàng đế trong lúc nghỉ phép cũng không thể nào không đứng ra hòa giải, vô tình đã bỏ rơi mỹ thiếp, Miêu phi đành phải tự nghĩ biện pháp để qua ngày. Trịnh Diễm nhìn Miêu phi, mà còn tưởng rằng mình đã đến nhầm chỗ rồi chứ, từ khi nào mà bên cạnh Miêu phi có thêm một cục bột tròn vo thế kia? Cục bột tròn vo là một tiểu chính thái, sinh ra đã mập mạp trắng trẻo vô cùng xinh đẹp, Trịnh Diễm nhất thời thất thần hai mắt trợn tròn lên nhìn – con cái nhà ai thế này? Trưởng thành không tệ chút nào – ngũ quan của nó không khắc sâu rõ ràng như Phó Tông Thuyên, thoạt nhìn thì thấy nhàn nhạt mà dịu dàng, da dẻ mềm mại, nhãn cầu đen nhánh mà sáng rực, đôi môi mềm mại như nước. Tâm lý bác gái của Trịnh Diễm trong nháy mắt đã quay về, trái tim cũng mềm nhũn – cảm giác sờ vào gương mặt bé nhỏ này nhất định là rất tuyệt, véo nó nhất định là rất dễ chịu rất đàn hồi.
“Không biết chứ gì? Đây là Lệnh Nghi”. Miêu phi giải thích rất nhiệt tình.
“…”. Rất nổi tiếng?
Miêu phi thấy gương mặt Trịnh Diễm tỏ ra không hiểu, tức giận nói: “Nhìn ngây người ra rồi sao? Thấy nhị thập tam lang của chúng ta lại không nói gì thế?”.
“Rốt cuộc đây là ai?”. Trịnh Diễm nghe thấy tiếng nói cắt ngang suy nghĩ rơi vào tai, liền sửa chữa lại sai lầm, lên tiếng hỏi.
“Nhị thập tam lang chứ ai?”.
“Của nhà ai cơ chứ?”. Đại tỷ, ngài đừng giỡn với tôi nữa có được không?
“Không phải đã nói rồi hay sao? Nhà của chúng ta mà”.
“Hả?”. Trịnh Diễm chợt phát hiện, nàng vừa mới dùng ánh mắt vô cùng dung tục mà ăn đậu hũ non nớt mềm mại của một vị hoàng tử.
Miêu phi cười nghiêng cười ngả: “Không ngờ?”.
Trịnh Diễm thành thật gật đầu, rồi cúi chào vị tiểu hoàng tử này. Tiểu hoàng tử vẫn ngồi nguyên như trước, lúc này mới gật đầu một cách nghiêm túc: “Miễn lễ”.
Trịnh Diễm không nghĩ tới người ở trước mặt là một vị tiểu hoàng tử bởi vì quần áo mà thằng nhóc này mặc trên người tuy là chất vải không tệ, nhưng cũng không phải là chế phục, hơn nữa, nàng chưa từng thấy thằng nhóc này.
Miêu phi vẫy tay, để Trịnh Diễm tiến lên ngồi gần mình, còn bản thân thì ôm Tiêu Lệnh Nghi: “Dù sao thì Cung Thúy Vi cũng không lớn bằng Cung Đại Chính, chúng ta có thể ở chung được thì ở chung. Đúng lúc, nhị thập tam lang đến đây ở với tôi”.
Vị Tiêu Lệnh Nghi trước mặt này là con trai nhỏ tuổi nhất của Hoàng đế, mẻ đẻ chỉ là một cung nhân bình thường. Cha nó vì đông con, chính sự cũng bận rộn, sinh hoạt cá nhân lại phong phú, vốn là không có thời gian để chơi đùa với tiểu nhi tử, tiểu nữ nhi, nếu như có thời gian, ông ta còn phải cùng với Miêu phi cố gắng để cho Tiêu Lệnh Nghi thêm một người đệ đệ nữa.
Mà Miêu phi, theo như Trịnh Diễm quan sát, thì đang trong hoàn cảnh rất khó khăn để đưa ra lựa chọn. Rốt cuộc là nhận nuôi lấy một đứa trẻ trong hậu cung, hay là cùng với Hoàng đế cố gắng để sinh ra một đứa con bây giờ? Đây là một vấn đề lớn. Trịnh Diễm cảm thấy, nếu như Miêu phi lo lắng về vấn đề dưỡng lão, thì hoàn toàn có thể vừa nhận một đứa trẻ để nuôi dưỡng vừa tự sinh lấy một đứa con, nhưng dường như Miêu phi cảm thấy không thể cùng lúc thực hiện được cả hai biện pháp này được. Bây giờ là nghĩ thông rồi nên muốn thực hiện luôn hay sao?
Trong lòng Trịnh Diễm tràn đầy nghi ngờ, thì Miêu phi đã giới thiệu nàng với Tiêu Lệnh Nghi: “Nhị thập tam lang, nhìn xem thất nương có xinh hay không?”.
Tiêu Lệnh Nghi gật đầu một cách nghiêm túc: “Rất xinh”. Giọng nói vô cùng mềm mại.
Trịnh Diễm: “…”.
Miêu phi cười vô cùng vui vẻ: “Thất nương đã đi học biết chữ rồi đấy, nhị thập tam lang cầm những chữ chưa biết đến hỏi thất nương xem, xem cô ấy có biết hay không”.
Cô ấy cũng bị ép phải chọn lựa, vốn cô ấy nghĩ, nhận nuôi con của người khác, không chắc đã có thể nuôi dưỡng tốt được, không thể bằng con đẻ của chính mình. Nhưng biết làm sao bây giờ, Hoàng đế qua lại với người khác có thể sinh con được, nhưng qua lại với cô ấy thì lại không thấy gì. Nếu như không phải vì tình hình hiện tại, cô ấy còn có thể chờ thêm chút nữa, nhưng bây giờ bên ngoài lại đang giương cung bạt kiếm, làm cho cô ấy cũng không thể chờ được nữa.
Miêu phi biết xuất thân của mình cùng với hiện tại địa vị của bản thân đang rất cao khiến cho rất nhiều nữ nhân ở hậu cung ngứa mắt, một ngày nào đó con trai của một trong những nữ nhân ấy lên làm Hoàng đế, nhất định sẽ ban cho mình một cốc rượu độc. Kể cả là vị Thái tử có mẹ đẻ đã mất lên đăng cơ, cuộc sống của cô ấy cũng sẽ không dễ chịu chút nào. Nếu như không sinh được, thì đành phải kiếm lấy một đứa con nuôi thôi. Đúng lúc, mẹ đẻ của Tiêu Lệnh Nghi đã mất, trong lòng cô ấy cũng cảm thấy dễ chịu hơn.
Trịnh Diễm nhìn cung nữ bê một quyển sách đến, Tiêu Lệnh Nghi cầm lấy rồi bắt đầu giở ra, mắt trợn tròn. Hoàng tử đến bảy tuổi mới bắt đầu đi học, trước đấy, dựa theo sở thích, thiên phú, hoàn cảnh xung quanh mà tiến hành học tập. Vị tiểu hoàng tử năm tuổi này đến chỗ Miêu phi để đọc sách? Quan hệ không bình thường chút nào!
Trong nháy mắt, sách đã được đưa tới trước mặt nàng, Miêu phi nói: “Tôi vốn không biết được mấy chữ, con lại bái một sư phụ giỏi, nên chuyện này giao cho con đi”.
Trịnh Diễm vừa nhìn Miêu phi vừa nhăn mũi: “Quý phi lại đùa con rồi, còn nói là không biết chữ nữa chứ. Những người khiêm tốn sẽ bị béo đấy”.
Miêu phi phì cười: “Nói ít thôi”.
Tiêu Lệnh Nghi giương mắt trông chờ Trịnh Diễm trả lời, nhất thời Trịnh Diễm mềm lòng, cầm lấy quyển sách. Sách dạy con trẻ bắt đầu học chữ vốn rất đơn giản, nhưng những chữ trong quyển sách này thì lại khá khó. Những chữ tượng hình trong truyền thuyết khiến cho người nước ngoài ngất xỉu “kỷ, dĩ, tị(*)” đã long trọng lên ngôi, quen thuộc đến mức làm cho khóe miệng Trịnh Diễm run rẩy.
(*) Kỷ: mình, bản thân; dĩ: ngừng, đã, sau đó, quá, lắm; tị (hay tỵ): giờ tị, tháng tị, năm tị.
Trịnh Diễm: “…”. Những chữ này nàng biết, nhưng phải nói thế nào để cho một tiểu chính thái nhớ được bây giờ? Suy nghĩ một lúc rồi nàng nói: “Điện hạ chỉ cần nhớ một câu thôi là được rồi”, chỉ tay vào nhật quỹ(*) ở ngoài điện, “Tự mình nhìn đi, đã đến giờ tị(**) rồi(***)”. Đồng thời không ngậm hết miệng lại.
(*) Nhật quỹ (hay sundial): dụng cụ tính thời gian ngày xưa bằng cách đo bóng mặt trời.
(**) Giờ tị: khoảng 9h – 11h sáng.
(***) Câu trên của Trịnh Diễm bao gồm cả ba từ “kỷ, dĩ, tị”, câu dịch gốc là “tự kỷ khán, dĩ đáo tị thì”.
Tiêu Lệnh Nghi đọc hai lần, mím môi rồi gật đầu: “Như vậy rất dễ nhớ”. Rồi ngậm miệng lại, cười một cái, nhìn Trịnh Diễm, khiến Trịnh Diễm cảm thấy tai cũng nóng lên, mất tự nhiên mà ho khan một tiếng, quay mặt đi đúng lúc nhìn thấy Miêu phi đang nhìn hai người bọn họ với gương mặt tràn đầy yêu thương.
Không phải đấy chứ?! Thật sự nghĩ rằng tỷ đây mới chỉ có bảy tuổi thôi à? Thật sự nghĩ rằng tỷ đây đọc nhiều truyện cung đấu trạch đấu như thế chẳng để làm gì à?
Dường như Trịnh Diễm nhìn thấy đằng sau ánh mắt của Miêu phi có một cuộc giao dịch “tôi giúp con trai cô thượng vị, cô để con gái tôi lên làm Hoàng hậu”, sau đó sẽ là tiết mục “sau khi đăng cơ vì để củng cố địa vị mà Hoàng đế đối xử với Hoàng hậu không tệ, một khi đủ lông đủ cánh rồi sẽ phế bỏ vị Hoàng hậu có ơn giúp đỡ những ngày đầu để lập một người khác mà anh ta thật sự yêu, sau đó phá hủy gia tộc của Hoàng hậu, giết cha của Hoàng hậu, để Hoàng hậu sống những ngày còn lại trong cảnh vắng vẻ lạnh lẽo ở lãnh cung”.
Bonus thêm hình “nhật quỹ”: