Đến giữa tháng giêng thì cả võ lâm đều biết Kim Hoàn môn đã tiêu diệt được Mai Hoa Banh và đuôỉ phái Mật Tông về Tây Tạng. Thanh danh Thiết Phiến công tử Bách Lý Tống Thu rạng rỡ như mặt trời xuân. Các phái hoan hỷ cử người đến Chúc mừng và kết tình giao hao. Chỉ có một nơi không biết mùi vị của Xuân đó là Hoàng Hoa cung. Đúng ngày rằm, một cỗ xe song mã chở thi hài Triệu Sư Ẩn, lóc cóc đi vào cửa cốc. Ngàn mai rực rỡ chỉ khiến lòng người thêm đau đớn. Cung chủ phu nhân lặng lẽ tổ chức tang ma cho trượng phu Sơn Tây Quân Tử. Trước lúc hạ huyệt, bà rút trường kiếm, đâm xuyên qua nắp linh cữu rồi mới cho chôn.
Hôm sau, bà phân phát tài sản cho đám đệ tử, đuổi họ ra khỏi cốc, rồi xuống tóc qui y. Chỉ còn lại huynh muội Bạch Ngọc và Hoàng Hoa tam tiên, cùng bốn nữ tì thân tín nhất. Vài ngày sau, Bạch ngọc dẫn Đông Song rời Hoàng Hoa cung. Họ không thể chịu nổi nỗi ám ảnh nặng nề của nơi ấy. Cuối tháng giêng, Tống Thu cùng Song tà đi Sơn Đông thăm Động Đình hồ chủ Hiên Viên Đạo. Thượng Sương và Bích San mang thai đã năm tháng nên chẳng thể đi cùng.
Giữa tháng ba họ trở lại Hán Dương thì gặp Tổng tiêu đầu Ngân Long tiêu cục Bàng Thu Nhạn và Chấn Thiên Kiếm Bàng Vạn Lý. Phụ tử họ Bàng đã chờ Tống Thu đúng năm ngày. Thấy gương mặt thiểu não của Bàng lão, Tống Thu vội hỏi :
- Có chuyện gì mà sắc diện Tổng tiêu đầu ảm đạm như vậy!
Bàng Thu Nhạn buồn bã kể :
- Trong tết, bổn tiêu cục nhận áp tải một ngàn cân vi cá từ Hán Châu đi Ngân Xuyên. Trị giá số hàng này chỉ độ hơn hai ngàn lạng vàng và lại là loại ít bị cướp. Vì vậy lão phu chỉ phái Phó tổng tiêu đầu Trường Sa Thần Thương Chu Tứ Phi, cùng mười tiêu sư đi mà thôi. Nào ngờ, sau tết chỉ có một người trở lại. Gã là tên chạy cờ trong đoàn bảo tiêu, mọi người thường gọi là Trương Điếc. Nhưng cũng nhờ cái khuyết điểm ấy mà họ Trương thoát chết để kể lại vụ thảm sát. Hung thủ là một toán thanh y bịt mặt, tay cầm đàn tì bà bằng sắt. Chúng chỉ gảy một hồi là gần bốn mươi người của Ngân Long tiêu cục ôm đầu lăn lộn, mất hết khí lực. Một số chết ngay, một số có công lực thâm hậu hơn thì bị chúng đập vỡ sọ. Trương điếc không nghe gì cả, khôn ngoan giả chết. Khi bọn cường đạo đẩy mười xe tiêu đi rồi gã mới nhanh chân chạy về Trường Sa báo hung tin. Địa điểm xảy ra thảm án là một đoạn quan đạo vắng vẻ, cách thành Hàm Dương bốn trăm dặm về phía Bắc.
Lão dừng lại một hồi, hậm hực nói tiếp :
- Lão phu đã bồi thường cho chủ hàng nhưng không thể bỏ qua cái chết của mấy chục anh em. Mong Môn chủ vì tình đồng đạo mà ra tay trừ bạo.
Tống Thu gật đầu :
- Tổng tiêu đầu yên tâm. Tại hạ đã biết rõ lai lịch bọn hung thủ Nhưng việc truy tìm không cần thiết vì bọn chúng sắp dương cờ chống lại võ lâm. Lúc đó ta hỏi tội cũng không muộn. Kim Hoàn môn đã theo dõi tà hội này từ lâu rồi.
Bàng Thu Nhạn phấn khởi cáo từ. Bàng Vạn Lý Cười bảo :
- Bữa nào mời công tử giá lâm tệ xá, cùng nhau say một bữa.
* * * * *
Ngay tối hôm ấy, Tống Thu triệu tập Tứ đại hộ pháp và Bát long để bàn việc đối phó vóí Cầm Ma Tô Hồi Lâu. Đây cũng là tiệc tẩy trần do nhị vị phu nhân và Địch Yến Bình chiêu đãi. Thất long tự biết mình muốn Tống Thu để mắt trước hết phải được lòng nhị vị phu nhân. Trừ nhưng lúc công việc, Yến Bình luôn lúc trực bầu bạn, giúp đỡ hai người đàn bà đang mang nặng này, nhờ vậy, họ rất yêu thương nàng.
Tiệc bày xong, Tống Thu và hai ái thê ngồi lại dùng cơm chung. Địa Tà nghiêm mặt.
Hai con sắp đến ngày lâm bồn, không được làm việc quá nhiều.
Bích San vội nói :
- A nương yên tâm, bọn tiểu nữ chỉ đứng xem còn mọi việc đều do Bình muội và đám nữ tì đảm nhận.
Địa Tà hài lòng, khen Yến Bình :
- Bình nhi giỏi lắm!
Thiên Tà bối phận, tuổi tác đều cao nhất, nâng chén mời :
- Ta cứ ăn uống no say đi còn bàn đại sự.
Bát long giờ đã là Đường chủ Đường phó của Kim Hoàn môn. Dưới trướng có bốn mươi thủ hạ. Đường thứ năm tên gọi nguyên Lão đường gồm toàn các lão nhân, nhiệm vụ của họ là bảo vệ Tổng đàn. Bốn đường kia lấy tên theo thứ tự :
Phong đường: Độc Thu Linh Hồ và Thanh Y kiếm khách.
Diện đường: Lãnh Diện Thái Tuế và Vô Diện Yên Hồ.
Lôi đường: Phấn Diện Long Tâm và Trại Dương Tiễn.
Vũ đường: Sách Huyết Kiếm và Truy Mệnh Kim Cáng.
Nguyên Lão đường nằm dưới quyền thống lãnh của Nhị hộ pháp Địch Thanh Phần.
ăn được vài chén, Tống Thu buông đũa nhấp rượu, từ tốn kể lại nội dung vụ cuớp tiêu ở Thiểm Tây. Toán Mệnh Diêm La Thở dài :
- Đó mới chỉ là đám đệ tử của Cầm Ma. Nếu lão đích thân ra tay thì hậu quả chắc thảm khốc hơn nhiều.
Sau trận đại thắng Mai Hoa bang, Tống Thu rất tin tưởng vào tài trí của Tạ Giang Thiên, chàng cười hỏi :
- Tứ hộ pháp có cao kiến gì không?
Tạ lão vội nói :
- Bẩm Môn chủ! Đối với đám thuộc hạ của họ Tổ, chúng ta có thể lấy sáp ong bịt tai, dùng cung tên mà tiêu diệt. Nhưng đối với bản thân Cầm Ma thì lão phu hoàn toàn bất lực. Nếu lão dùng khinh công thượng thừa chạy quanh thì cung tên cũng vô dụng.
Tống Thu cau mày :
- Có lẽ bổn nhân phải lên Thiếu Lâm tự bàn bạc với Phổ Luân thiền sư. May ra còn có bậc cao tăng tinh thông Phạn Âm Thiền Xướng.
Không bàn đến việc nữa, Địch Thanh Phần báo cáo việc đầu tư của Kim Hoàn môn.
* * * * *
Cuối canh hai, trong lúc Thượng Sương và Bích San sắp hành lý, Tống Thu ngồi trầm ngâm nhìn qua song cửa. Trời vẫn lạnh nhưng tuyết đã thôi rơi, trăng rằm tỏa sáng, vài đóa mai nở muộn trong hoa viên. Bóng dáng Hồng Lăng Phượng hiện về, đem theo biết bao nhiêu sầu muộn. Chàng định bụng sẽ cải táng nàng và phụ mẫu, đem về chôn trong vườn hoa này.
Giọng nói của San nhi cắt ngang hoài niệm :
- Tướng công! Lần này xin chàng đừng đi lâu. Chị em bọn thiếp chỉ còn hơn tháng là đã đến kỳ khai hoa nở nhụy.
Tống Thu cười đáp :
- Chỉ hơn mười ngày là ta về đến, hai nàng yên tâm.
Chàng đưa hai mỹ nhân vào giường, trò chuyện rất lâu mới thiếp đi.
Sáng hôm sau, trong bữa để tâm, chàng chỉ định Độc Thủ Linh Hồ và Thanh Y kiếm khách tháp tùng. Địa Tà không chịu :
- Dù Mai Hoa bang đã tiêu tan nhưng Cầm Ma lại tái xuất, phải có ít nhất bốn người hộ vệ Thu nhi ta mới yên tâm. Bình nhi là phận gái, tính tình cần mẫn chu đáo, cho y đi theo để chăm sóc cơm nược. Bọn hòa thượng chỉ ăn toàn rau cải, Thu nhi không nuốt nổi đâu. Gã Điêu Kim Cừu kia nữa là đủ bốn.
Tống Thu nào dám cãi lời mẫu thân, cúi đầu phụng ý. Người vui nhất là Yến Bình, nàng cúi nhìn Địa Tà với ánh mắt cảm kích. Bích San Cười bảo :
- Bình muội giữ chặt Môn chủ dùm chị em ta, kẻo không chàng lại sa vào lưới tình của một nàng nữ hiệp nào đó.
Thiên Tà vui vẻ nói :
- Nghe đâu lão Độc Thành sở núi cửu Hoa có người nữ đồ đệ rất xinh đẹp phải không?
Tống Thu thản nhiên đáp :
- Thưa phai! Cửu Hoa Yêu Cơ xinh đẹp phi thường và cũng có cảm tình với hài nhi.
Bích San nghe máu ghen dồn lên óc, tức tối nói như muốn khóc :
- Tướng công mà rược nàng ta về thiếp sẽ xé xác nó ra.
Địa Tà vội trấn an :
- Thu nhi chỉ nói đùa thôi. Làm gì mà con lồng lộn như hổ vậy?
Mọi người bật cười khiến Bích San đỏ mặt. Yến Bình thì ngán ngẩm lo sợ cho chính mình.
Trước lúc lên đường, Thượng Sương ra dấu bảo chờ một lát. Nàng rảo bước vào trong, mang ra một xấp giấy đã khâu thành quyển và một cục sáp ong to hơn nắm tay. Tống Thu mỉn cười, bỏ cục sáp vào túi hành lý treo nơi khâu yên rồi lật sách xem thử. Chàng vui mừng nhận ra khẩu quyết của pho Kim Tinh thần chưởng Thì ra Thượng Sương đã âm thầm nghiên cứu, sắp xếp lại hơn ngàn chữ vô nghĩa, hỗn loạn kia thành một bài thơ dài. Tống Thu có thiên bẩm võ học rất cao, chỉ đọc lướt qua đã biết Thượng Sương hoàn toàn chính xác. Chàng xiết chặt người vợ tàn tật vào lòng khen ngợi :
- Sương nhi giỏi lắm, xem ra nàng còn thông tuệ hơn cả ta nữa.
Bích San cười bảo :
- Thiếp cũng phải dập đầu bái phục trược tính kiên nhẫn vô song của thư thư. Thiếp chỉ giúp được mấy hôm là đã bỏ cuộc rồi.
Thượng Sương chỉ vào tai Tống Thu, nhắc nhở chàng đề phòng Cầm Ma. Chàng tươi cười :
- Lão còn ở mãi Lô Tử quan, nàng lo xa chi cho mệt? Thôi được, dẫu sao có cục sáp này ta cũng yên tâm.
Năm thớt ngựa phi mau, Tống Thu để mặc Vân nhi tung vó, lặng lẽ nghiên cứu pho chưởng pháp. Ba ngày sau chàng đã thuộc làu khẩu quyết và hiểu được tinh túy của thần chưởng
Đêm, Tống Thu tĩnh tọa trong phòng riêng, thử lưu chuyển chân khí, đưa ra mười đầu ngón tay. Đến gần cuối canh ba, chỉ kình xuất hiện, khoan sâu vào lớp vữa trên bức tường đối diện.
Chàng sửng sốt nhận ra chỉ phong từ tay trái có màu hồng nhạt, còn năm đạo chỉ phong từ tay hữu lại xanh biếc. Mùi khét lẹt thoang thoảng trong phòng. Tống Thu bừng tỉnh, thức ngộ rằng Càn Khôn chân khí đã gây nên hiện tượng này. Dương công từ mạch Nhâm khiến chỉ kình nóng như lửa, Âm công ở mạch Đốc tạo ra chỉ phong băng giá.
Tống Thu phấn khởi, luyện tập đến gần sáng hoàn thành pho Thần Chỉ. Chàng phát hiện ra rằng nếu chỉ xuất một đạo duy nhất qua huyệt Thương Dương, nơi đầu ngón trỏ thì uy lực tăng gấp bội. Chàng đã có sẵn hơn bốn mười năm công lực và căn bản võ học thượng thừa nên mới có thể hoàn tất pho tuyệt học trong chỉ vài ngày. Với màu sắc mới, chẳng ai có thể nhận ra đây chính là Kim Tinh thần chỉ. Tống Thu bèn đặt cho nó cái tên là Âm Dương chỉ pháp dưới tác dụng của Càn Khôn chân khí, pho chỉ pháp uy lực hơn hẳn nguyên gốc.
Hôm sau, đoàn người vượt sông Hoài, đi thêm hai ngày đường là đến chân rặng Tung Sơn. Tống Thu nhận ra trên núi Thiếu Thất, tiếng đàn réo rắt hòa với tiếng Đại Hồng Chung vang rền. Chàng biến sắc lấy cục sáp ong chia cho bốn thuộc hạ rồi nghiêm giọng :
- Phái Thiếu Lâm đã từng xả thân tương trợ bổn môn, chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn. Nhưng phải liệu sức mà làm chứ không thể liều mạng. Các ngươi theo ta thượng sơn tùy cơ ứng biến. Dẫu ta có mệnh hệ gì thì phải rút lui ngay, về báo lại với nhị vị lão nhân gia tìm cách đối phó.
Ánh mắt sắc lạnh của chàng khiến cả bọn thầm hiểu rằng tình thế rất hiểm nghèo. Chàng đã quyết liều thân để báo đáp ân tình của Thiếu Lâm tự. Mạng sống của chàng đến hôm nay cũng là do Giác Lâm thiền sư ban cho.
Gởi ngựa xong, Tống Thu dẫn thuộc hạ phi lên đỉnh núi. Họ dừng chân cách cổng chùa sáu trượng, trèo lên cây bồ đề già, quan sát tình hình.
Trên sân gạch trước cửa Đại Hùng bảo điện, một cuộc chiến thảm khốc đang diễn ra. Xác người ngổn ngang, đa số là đệ tử Thiếu Lâm. Trên thềm đại điện, Giác Lâm thiền sư đang đứng cạnh chiếc Đại Hồng Chung nặng bốn ngàn cân. Chuông không treo úp mà nằm nghiêng trên mặt đất, miệng hướng về một cỗ kiệu phủ sa xanh. Trong thấp thoáng bóng người đang gảy đàn.
Máu từ miệng Du Phương hòa thượng ứa ra ướt đẫm hàng râu bạc và ngực áo tăng bào cũ kỹ.
Mắt ông nhắm nghiền, lâu lâu vỗ mạnh vào Đại Hồng Chung. Khi tiếng ngân gần đứt mới vỗ tiếp. Quanh đó, mấy trăm tăng lữ đang liều chết chống cự với bọn Hắc y. Nhờ có tiếng chuông kia mà họ không bị ảnh hưởng bởi tiếng đàn ma quái. Nhưng nếu Giác Lâm thần tăng không còn trụ được thì chẳng một ai trong chùa Thiếu Lâm sống sót.
Tống Thu thấy Thần tăng hộc thêm một vòi máu, quyết định phải ra tay ngay. Chàng ra hiệu rồi nhảy xuống đất, nhanh tay cởi hết y phục, tay nắm giai khố, thi triển thần công Xúc Cốt Du Già đại pháp đến mức chót. Chàng xiết chặt khố vải và hạ giọng bảo :
- Lãnh Diện và Linh Hồ đưa ta lên ngọn cây, dùng toàn lực quăng về phía chiếc kiệu kia. Nếu không đả thương được Cầm Ma, phái Thiếu Lâm sẽ bị tận diệt.
Hai gã mau mắn thi hành. Lên đến đỉnh cây cổ thụ, họ nắm tay chân Môn chủ, vận toàn lực ném đi. Tống Thu giờ chỉ nhỏ như đứa bé lên ba, ít bị sức cản của không khí. Chàng lại phối hợp với cả sức của mình vào đấy nên đã vượt được khoảng cách tám trượng.
Mặc dù tai đã bịt chặt bằng sáp ong, huyệt đạo toàn thân đóng kín. Lúc đến gần đỉnh kiệu, Tống Thu cũng bị trấn động bởi tiếng đàn. Chàng nghiến răng giáng xuống một chiêu Lô Oanh Đoạn Mộc. Chưởng kình phá tan chiếc kiệu, vỗ vào thủ cấp người bên trong. Hắn chết ngay lập tức và tiếng đàn ma im bặt.
Quần tăng mừng rỡ thoát được đại nạn, không bị tiếng đàn chi phối trổ hết tài thần oai tàn sát bọn hắc y. Lúc này, bốn thủ hạ của Kim Hoàn môn cũng xông vào.
Tống Thu nới khố, xả công trở lại giáng vóc cũ, chàng tò mò giở lớp sa kiệu đang phủ lên xác chết, sững sờ nhận ra đó là một phụ nhân tuổi độ ngũ tuần.
Giác Lâm thần tăng lau máu miệng bước đến nói :
- Thí chủ đến thật đúng lúc, lão nạp cùng toàn phái Thiếu Lâm xin cảm tạ.
Tống Thu xua tay rồi hỏi ngay :
- Bẩm thần tăng, sao Cầm Ma lại là nữ nhân
Ông lắc đầu đáp :
- Đây không phải là Tô Hồng lão, mụ ta chỉ là Hộ pháp của Thiên Âm giáo mà thôi.
Tống Thu kinh hãi lẩm bẩm :
- Chỉ là một Hộ pháp mà đã lợi hại đến thế, nếu là Cầm Ma xuất thủ thì còn ai chống lại được?
Thần Tăng cười bảo :
- Có chứ, đó chính là thí chủ đấy.
Chàng ngượng ngùng đáp :
- Chỉ là đánh lén từ sau lưng nên mới đắc thủ. Nếu đối diện chắc không chống nổi Ma âm.
Tống Thu vái chào, nhảy vào tham chiến. Chỉ hai khắc sau, cuộc chiến đã tàn, ba trăm tên hắc y chẳng chạy thoát được đến một người Nhưng phái Thiếu Lâm cũng mạng vong không Dưới hai trăm.
Phổ Luân thiền sư Phương trượng chưởng môn, tăng bào nhuộm máu kẻ thù, bước đến chắp một tay lên ngực vái tạ :
- Phật tổ anh linh đã khiến thí chủ đến kịp. Lão nạp đã nghĩ đến chuyện qui hàng để bảo toàn mạng sống cho gần ngàn đệ tử. Mời thí chủ vào trong điện.
Tiếng khóc của quần tăng vang lên, họ xót thương hai trăm đồng môn đã nằm xuống. Phổ Hòa đại sự nóng tính nhất chùa, giận dữ quát vang :
- Không được khóc, hãy mau nhanh tay thu dọn, đem xác ra sau núi hỏa táng.
Yến Bình đem y phục đến, đỏ mặt thỏ thẻ :
- Đại ca mặc vào đi.
Bấy giờ chàng mới nhớ trên thân chỉ có độc một chiếc khố. Chàng nói lời tạ lỗi rồi ra sau gốc cây.
Phổ Luân cao giọng mời cả bốn kiếm thủ kia vào khách xá. Bọn Tống Thu ngồi nhấp trà lúc Giác Lâm và Phổ Luân vào thay áo.
Nửa khắc sau, Giác Lâm thần tăng và bốn vị cao tăng hàng chữ Phổ ra đến.
Ngoài Phổ Luân, Phổ Thứ, Phổ Hòa còn có Phổ Từ Thủ tòa La Hán đường.
Mọi người an tọa Xong, Tống Thu kính cẩn hỏi :
- Bẩm thiền sư, sự việc xảy ra thế nào mà số thương vong lại nhiều như vậy.
Phổ Luân rầu rĩ đáp :
- Sáng nay, Thiên Âm giáo đột nhiên xuất hiện. Lúc đầu lấy cớ báo thù cho Ma Cầm Tôn Giả, đòi gặp gia sư. Nhưng khi nghe nói người Viên tịch đã mấy chục năm, bọn họ đòi lấy hài cốt của người còn như nếu không đưa ra thì phải tuyên bố qui phục Thiên Âm giáo. Đương nhiên bổn phái không chịu, dùng công phu Sư Tử Hống để chống lại. Những chỉ được nửa canh giờ, gần hai trăm đệ tử La Hán đường đã chết vì kiệt sức. Thời may Giác Lâm sư thúc về đến, đem Đại Hồng chung ra đấu với tiếng đàn ma, duy trì cho tới lúc thí chủ xuất hiện.
Giác Lâm thần tăng buồn bã nói :
- Lão nạp đã đoán trược rằng tai họa sẽ giáng xuống bổn sư môn nhưng không biết rõ thời gian. Tượng quẻ lạ nói rằng vị cứu tinh từ phương xa đến. Lão nạp ỷ lại vào việc đó nên đi thăm một vị cố hữu đang hấp hối. Ai ngờ về trễ chỉ một bước mà mấy trăm người đã chết.
Phổ Trúc đại sư hiền hòa nói :
- Sư thúc đừng tự trách mình. Nếu người về sớm cũng chẳng cải thiện được tình hình đâu. Chính hai trăm đệ tử kia đã làm hao mòn công lực của đối phương nên sư thúc mới duy trì được đến lúc Bách Lý thí chủ xuất hiện.
Tống Thu lo lắng nói :
- Tiếng đàn ma lợi hại tuyệt thế như vậy, xin thần tăng chỉ giáo phương sách đối phó.
Giác Lâm tư lự nói :
- Trận này không một tên giáo đồ Thiên Âm giáo nào chạy thoát. Nhờ vậy Cầm Ma sẽ không biết rõ nội tình, sinh lòng sợ hãi. Lão sẽ án binh một thời gian để điều tra. Nhân lúc thí chủ đi Sơn Đông tìm cho được Phật Diện Hoa Đà. Mười lăm năm trước lão nạp có gặp gỡ ông ta ở chân núi Thái sơn Nếu học được công phu Tùy Tâm đạo khí của lão thì không còn sợ Thiên Âm ma công nữa. Đồng thời bổn tự sẽ phái võ lâm thiếp, kêu gọi các phái liên minh chống lại Thiên Âm giáo.
Tống Thu tỏ ý băn khoăn :
- Bẩm thần tăng! Nếu chỉ một mình vãn bối địch lại Ma âm cũng đâu thể phân thân lo liệu mọi nơi! Có biết rõ hành cung của Cẩm Ma mới mong ngăn chặn kịp thời. Đường xa ngàn dặm muốn thông tri cũng khó.
Thần tăng bùi ngùi nói :
- Trong thiên hạ chỉ có hệ thống Phi Cáp truyền thư của Cái bang là thần diệu nhất. Sức chim bay một ngàn bốn trăm dặm là chuyện thường. Nhưng rất tiếc từ ngày Bang chủ bị bức giam vào thiên lao thì bang hội không tồn tại nữa.
Tống Thu hiếu kỳ hỏi :
- Vì sao Bang chủ của thiên hạ đệ nhất đại bang lại bị triều đình bắt giam.
- Số là thế này! Mười năm trước, Cẩm Y Cái Tư Mã Thủy đến Bắc kinh thị sát Phân đà. Lão đi dạo trong thành tình cờ gặp cảnh một gã công tử đánh đập hành hạ tên tiểu cái ốm yếu. Tư Mã Thủy can ngăn thì bị đánh luôn. Lão động nộ gõ bể sọ tên thiếu niên ác ôn kia. Hóa ra gã này lại là cháu ruột Hoàng hậu. Cấm quân liền bao vây Phân đà Cái bang ở Bắc Kinh, bắt được Cẩm Y Cái, giam vào thiên lao chờ ngày xét xử. Tổng đàn Lạc dương hay tin, lập tức kéo một vạn đệ tử lên kinh đô. Họ mang theo tấm bảng sắc phong của Tiên hoàng Minh thành tổ. Triều đình không dám giết lão, đành giam cầm cho đến chết.
Tống Thu cười nhạt.
- Nếu thế thì vãn bối sẽ đi Bắc Kinh giải cứu Cẩm Y Cái. Trước là khôi phụ lại truyền thống Cái bang, sau là nhờ họ hỗ trợ trong cuộc chiến với Cầm Ma.
Phổ Luân thiền sư lo lắng nói :
- Mong thí chủ bảo trọng. Tội vào thiên lao cướp tù vương pháp xử rất nặng.
Độc Thủ Linh Hồ buột miệng :
- Phương trượng yên tâm. Bọn vãn bối đã ra tay thì quỷ thần cũng chẳng hay biết.
Tống Thu vòng tay cáo biệt. Phổ Luân thiền sư lấy ra một lọ ngọc nhỏ :
- Cuộc chiến với tà ma còn nhiều hung hiểm. Mong thí chu giữ lấy ba viên Đại Hoàn đan để phòng thân. Ơn thí chủ cứu vãn cơ nghiệp Thiếu Lâm, bọn lão nạp suốt đời ghi tạc, còn đây chỉ là chút quà nhỏ.
Tống Thu biết không thể từ chối, nhận lấy cho lão vui lòng.
Trời đã chính ngọ, năm người Vào huyện thành Tương dương ăn uống. Cuối bữa Tống Thu đắn đo hồi lâu mới quyết định được :
- Thời gian quá cấp bách, ta không thể vì việc sinh nở của nhị vị phu nhân mà quên đi đại cuộc võ lâm. Đàm đường phó mau trở lại Hán Dương kể rõ như vậy cho hai vị thái gia được rõ mà đề phòng. Ba người kia sẽ đi ngay Bắc kinh, điều tra đường đi nược bước vào thiên lao. Ta đi đường Đông gặp sư thúc tổ, sẽ đến Đế đô thành phối hợp hành động.
Ngồi thêm một lúc, Yến Bình đá chân Linh Hồ và nháy mắt. Đường Thái Bạch tinh minh như hồ ly, hiểu ngay ý thất muội. Gã cười bảo :
- Việc đi Bắc Kinh do thám chỉ cần hai người là đủ. Xin đại ca cho Bình muội đi theo. Nếu không sau này lão thái và nhị vị phu nhân không tha cho bọn tiểu đệ.
Yến Bình cũng phụng phịu nói :
- Đại ca đi một mình bọn tiểu muội sẽ rất lo lắng.
Tống Thu không nỡ từ chối, gật đầu chấp nhận. Kim kiều gọi tiểu nhị tính tiền rồi khởi hành.
Hết chương 13