con ngõ, phạm vi hẹp dần như thu lưới bắt cá, chưởng quầy của Tố tâm trai lòng như lửa đốt. Từ khi A La bước vào, chìa ra miếng ngọc bội của Tử Ly, ông đã hiểu tầm quan trọng của người này đối với chúa công. Nhưng bây giờ bốn cổng thành đã bị bịt chặt, quan binh nhan nhản, tuần tiễu khắp thành, làm sao bình an đưa tiểu thư ra khỏi Phong thành? Chúa công không nhận được tin, tất muôn phần lo lắng, kế hiện nay có thể làm là giấu thật kỹ.
A La nhắm mắt nghĩ, xem ra chỉ cần là cửa hiệu của Tử Ly, miếng ngọc bội này chính là tấm thẻ hội viên kim cương, ăn uống miễn phí, hầu hạ chu đáo. Duy có điều nàng không hài lòng là mấy hôm nay ăn thanh đạm chán rồi, bắt đầu hối hận ngày xưa mở nhà hàng chủ yếu phục vụ các món thanh đạm này! Nàng muốn ăn nhiều thịt cá! Lưu Giác sao vẫn chưa tìm đến chỗ này, đúng là đầu lợn! Nàng cười khúc khích, nghĩ đến vẻ mặt xanh xám vì tức giận của chàng, nàng dùng đũa chấm nước chè vẽ một cái mặt lợn trên bàn, lẩm bẩm: “Thiếp chưa bao giờ tham dự lớp diễn kịch, chàng không được làm thiếp bật cười, thiếp sợ đau, sợ chết, chàng không được đánh thiếp”. Nàng than thở, chống cằm nhìn ra ngoài, còn phải đợi bao lâu mới qua cơn sóng gió xung quanh vương quyền này?
Tiếng bước chân nện gấp trên cầu thang, chưởng quầy cuống quýt bước vào: “Tam tiểu thư, quan binh đến rồi, mau theo tôi!”.
A La mình vận đồ nam nhi, lập tức đi theo ông ta xuống lầu, vào kho chứa củi ở hậu viên. Chưởng quầy dịch chuyển một đống củi, lộ ra một gian gác xép nhỏ, A La né người đi vào, gian gác xép rất tối, chỉ có chút ánh sáng lờ mờ hắt qua một viên ngói trong trên mái. A La nằm lên giường, dỏng tai nghe ngóng động tĩnh bên ngoài.
Không lâu sau Tố tâm trai đã chật ních quan binh, chưởng quầy cười nịnh: “Quan gia, tiểu quán xưa nay luôn tuân thủ phép công”. Vừa nói vừa nhét vào tay viên đội một thỏi vàng .
Người này vội nhét vàng vào tay áo, tay vẫn vẫy ra lệnh: “Lục soát thật kỹ, không được bỏ qua bất kỳ xó xỉnh nào!”.
Chưởng quầy cười nịnh tưởng là bọn họ chỉ tìm kiếm qua loa rồi rút đi, không ngờ thấy binh lính lục soát rất kỹ, lòng bắt đầu lo lắng. Hai tay buông xuôi, một lưỡi đoản kiếm từ trong ống tay đã trượt xuống, nằm gọn trong tay.
Một lát sau thấy lính bẩm báo với viên đội không tìm thấy người. Chưởng quầy thở phào, mặt hớn hở tiễn khách ra cửa, đang định cài then, thì thấy bên ngoài một toán kỵ binh chạy đến.
Lưu Giác nghe quan binh báo cáo, ngẩng đầu nhìn biển hiệu Tố tâm trai, suy nghĩ giây lát, rồi xuống ngựa đi vào trong quán: “Mang những món đặc sắc nhất của các ngươi lên đây, ta muốn ngồi đây nghỉ một lát”.
Chưởng quầy sững người, sắc mặt vẫn tươi cười: “Vương gia, mấy ngày nay nhà bếp chúng tôi nghỉ, ngài xem quán chúng tôi đóng cửa...”.
Lưu Giác cười nhạt: “Ông xuống nhà bếp xem còn gì nấu được thì nấu, có rượu là được!”. Nói xong đi thẳng vào trong quán.
Chưởng quầy vâng dạ liên hồi, quay người đi vào nhà bếp. Bụng thầm kêu khổ, vương gia này sao sớm không đến, muộn không đến lại đến đúng lúc này.
Lưu Giác quan sát Tố tâm trai, hình dung cảnh A La từng đến đây dạy Tử Ly nấu ăn, khẽ rên một tiếng, đầu chợt nảy ý nghĩ, qua khóe mắt liếc thấy bóng chưởng quầy. Chàng trầm tư, sau một cái liếc mắt binh sĩ Huyền tổ Ô y kỵ đã chia nhau tiến vào trong quán, không lâu sau, một binh sĩ xuống lầu, nói nhỏ điều gì vào tai Lưu Giác.
Lưu Giác cười khẩy đi lên lầu, đạp tung cửa phòng, đến bên chiếc bàn, trên bàn vẫn còn bộ ấm chén vừa uống trà, trên mặt bàn vẫn lờ mờ nhìn thấy chiếc mặt lợn được vẽ bằng nước trà còn chưa khô. Chàng vừa xuống lầu ngồi, chưởng quầy đã bê rượu và đồ ăn bày lên, cười xun xoe: “Tay nghề mọn không bằng đại sư phụ, vương gia không chê, xin mời dùng tạm”.
“Toàn thành giới nghiêm, các ngươi cũng khó làm ăn đấy nhỉ!”. Lưu Giác buột miệng hỏi.
“Đa tạ vương gia quan tâm, bản quán đâu dám mở cửa, vương thượng vừa băng hà, Phong thành không được náo nhiệt ồn ào, nhà bếp mới tạm nghỉ”. Chưởng quầy e dè trả lời.
“Mấy ngày nay không có khách hàng nào ư?”
“Phải, quan binh đi lại tứ phía, ai còn dám ra khỏi cửa. Chắc là phải qua ngày mười tám tháng ba, tân vương đăng cơ, Phong thành mới náo nhiệt trở lại”.
Lưu Giác “ờ” một tiếng, mắt lóe sáng: “Vậy người uống trà trong kia là ai?”.
Chưởng quầy trấn tĩnh: “Tiểu nhân trông nhà cảm thấy vô vị pha trà uống chơi”.
Một tay Lưu Giác đột nhiên vung lên, chưởng quầy theo phản xạ né tránh, lòng biết đã bại lộ, tay vừa động đậy, một lưỡi đoản kiếm đã đâm về phía Lưu Giác, người vọt ra ngoài, nhưng trong chớp mắt một đám đen sì lố nhố trước mặt, Ô y kỵ đã vây chặt ông ta, chưởng quầy cười khẩy: “Bình Nam vương nhãn lực như thần, tiểu nhân khâm phục, nói thực, tiểu nhân đã đưa người đi rồi”. Nói xong xuất chiêu, tung hoành chiến đấu với đám người vây quanh.
Một binh sĩ khẽ cười, trường kiếm lóe lên, nháy mắt đã công phá thế phòng thủ của chưởng quầy, một mũi kiếm đâm trúng đùi ông ta. Chưởng quầy nghiến răng, nhưng vẫn gắng sức đấu lại, máu trào ra như suối, hai mắt bắt đầu đỏ ngầu. Cuối cùng trước khi cạn sức gục xuống, ông ta ngửa cổ cười ngất: “Chúa công, quyết không chết nhục!”. Nói đoạn cắt đứt mạch máu mà chết.
Mọi người kinh hoàng, thủ hạ của Ly Thân vương can trường dũng mãnh, khinh thường sống chết, có thể thấy chủ nhân quản giáo thuộc hạ nghiêm thế nào.
Nghe tiếng đấu đá bên trong, quan binh chạy vào. Lưu Giác liếc nhìn viên đội vừa bẩm báo tình hình ở đây không có gì khác, lạnh lùng ra lệnh: “Dỡ nhà, lục soát!”.
Lát sau quan binh tràn vào hậu viên, A La nghe thấy bên ngoài có tiếng dỡ củi, bụng nghĩ, cuối cùng chàng đã đến. Nàng chỉnh lại xiêm y, vận động chân tay, nấp sau cửa chờ đợi.
Đột nhiên bên ngoài có tiếng nói: “Ở đây có cái cửa bí mật!”.
A La nhắm mắt, mở cửa, xông ra, chân tay xuất chiêu không nể tình, nháy mắt đã đánh gục mấy quan binh. Nàng chạy khỏi kho củi, ngẩng đầu nhìn thấy Lưu Giác. Đồng tử trong mắt chàng lay động không biết là thần sắc gì, miệng hé nụ cười châm biếm: “Nàng tưởng chạy thoát được sao?”.
“Ta chạy hay không can hệ gì đến chàng? Ta đâu có vi phạm vương pháp, chẳng qua muốn đến đây ăn chút đồ mà thôi”. Nhìn thấy chàng, tim nàng bỗng đập rất nhanh, nhưng mặt vẫn tỏ vẻ bất cần.
Những đường gân xanh hằn lên hai bên trán của Lưu Giác, nụ cười thê lương trên môi: “Ha ha, không can hệ đến ta ư? Vương phi của ta!”.
“Ta vẫn chưa lấy chàng, bây giờ ta đổi ý rồi, không thấy ai mặt dày như chàng. Hừ!”. A La lòng đau ngấm ngầm, thầm kêu khổ, lão vương gia cáo già, lẽ ra ông phải hiểu tính khí con trai, giày vò chàng ấy thế này, ta là người chịu tội lớn nhất.
Nàng bị người của Lưu Giác mang đi, lòng nàng thật sự rất nhớ chàng. Nỗi đau như những lưỡi câu móc vào tim chàng, đau đến không bước nổi. Lưu Giác phẫn nộ, ngửa mặt cười: “Nàng tưởng nàng là ai? Nàng tưởng có thể tùy tiện chà đạp lên sự tôn nghiêm của vương phủ ta như vậy, nói không lấy là không lấy? Lại còn định tư thông với người khác bỏ trốn, đừng mơ!”.
A La ngang nhiên đứng đó: “Đánh chết ta cũng không về cùng chàng! Có bản lĩnh chàng ra tay đi, không cần khinh công, không cần điểm huyệt?”. Nàng thủ thế, ngang nhiên thách thức Lưu Giác.
Lưu Giác tức khí hét lên: “Lui hết cho ta!” Chàng vừa xoay người, không dùng khinh công đấu với nàng. A La người nhẹ như chim yến, né tránh như tia chớp mọi phản kích của chàng, hai người đấu khoảng chục chiêu, sức nàng yếu dần, lưng đau nhức, bị chàng trở tay đánh ngã trên nền.
A La rủa thầm, sao ra tay mạnh thế, nàng bị đánh đến suýt tắc thở. Nàng thở hổn hển gắng gượng đứng dậy. Lưu Giác nhìn nàng, dáng ương ngạnh, tóc mai xõa bên tai, nhưng không hề bơ phờ khó coi. Mối thâm tình chất chứa bao năm dồn cho nàng, bỗng chốc như hoa tuyết bay xuống sông, hòa vào nước tan biến không vết tích. Uổng công chàng bảo vệ nâng niu như ngọc trên tay. Vậy mà nàng trả ơn như thế! Tim nàng làm bằng thép hay sao? Không! Còn cứng hơn thép, lạnh hơn băng, trong huyết quản nàng ta chỉ có dòng máu vô tình và phản bội! Hận thù sục sôi trong lòng chàng, mặt đen sạm như ngạ quỷ, mối thâm hận trong ánh mắt khốc liệt không thể hóa giải.
A La run rẩy trước uy thế đáng sợ của chàng, lòng thắt lại, ngoảnh mặt, không dám nhìn chàng. Bên tai bỗng có tiếng gió rít, tay nàng đã bị Lưu Giác xiết giữ, chàng trói rất chặt. A La nghiến răng không kêu, thầm tức giận, nhất định có ngày chàng cầu xin ta cũng không tha thứ!
Lưu Giác một tay cắp nàng ra khỏi Tố tâm trai, vừa lên ngựa, phía trước đã thấy một đội thị vệ chạy đến, đi đầu là Chung Hữu Sơn thống lĩnh của đội thị vệ trong cung. Y thấy Lưu Giác liền mỉm cười: “Thái tử nghe nói vương gia đã tìm thấy tam tiểu thư tướng phủ, xin mời vương gia đưa tam tiểu thư vào cung”.
A La dựa vào lòng Lưu Giác, nghe người khác nói muốn chàng đưa nàng vào cung, vội hé mắt nhìn chàng. Khuôn mặt chàng vẫn trầm ngâm, chắc vẫn đang giận. Nàng lại thầm thở dài, bụng nghĩ, lần này vào cung e lành ít dữ nhiều.Tử Ly sao vẫn chưa đến, nếu trò này còn diễn tiếp, mình không chết cũng mất nửa mạng.
“Thông báo cho Lý tướng, nói tam tiểu thư bị bắt cóc trúng thương, bản vương đưa về vương phủ chữa trị”. Lưu Giác không thèm để ý lời của thị vệ trong cung, sai một binh sĩ Ô y kỵ đi đến Lý phủ.
“Ngươi là Chung Hữu Sơn phải không?”. Lưu Giác lúc này mới thong thả nói với Chung Hữu Sơn.
“Chính là tiểu nhân, Bình Nam vương trí nhớ như thần”. Chung Hữu Sơn tươi cười, chắp tay hành lễ.
“Tặc tử bắt tam tiểu thư đã tự vẫn, tam tiểu thư bị thương, rất hoảng sợ, ngươi về bẩm báo thái tử điện hạ, bản vương đưa về phủ xem xét vết thương, đợi chữa trị xong sẽ vào cung tạ ơn”.
“Chuyện, chuyện này...”. Chung Hữu Sơn vô cùng bối rối. Tam tiểu thư tướng phủ lúc này bị Lưu Giác dùng chiến bào trùm kín, co ro trong lòng chàng không động đậy, không nhìn ra bị thương ở đâu, y quay về phải bẩm báo thế nào?
Lưu Giác bỏ mặc y, giật nhẹ dây cương, đi đến dừng bên cạnh y: “Bản vương đưa vương phi tương lai về phủ trị thương, thế nào, Chung thống lĩnh muốn làm thay bản vương sao?”.
Chung Hữu Sơn sợ run cầm cập: “Vương gia đi từ từ, tiểu nhân sẽ quay về bẩm báo”.
Lưu Giác “hừ” một tiếng, nói tiếp: “Nghe nói đây là sản nghiệp của Ly Thân vương, không biết bọn tặc tử trà trộn vào từ lúc nào, cảm phiền Chung thị vệ niêm phong cẩn thận”. Nói đoạn, vòng qua Chung Hữu Sơn, đi về vương phủ.
Trên đường đi, lòng chàng vừa chua xót vừa thống hận, sao mình vẫn bảo vệ nàng ta? Chàng biết sau khi A La vào cung, chỉ cần vẫn dám quan hệ với Ly Thân vương, thì đừng nghĩ chuyện rời cung nửa bước, chỉ có thể ngồi đợi làm vật tế khi Lưu Phi tranh vương vị. Tử Ly đối với A La thế nào chàng không phải không biết, một khi để người của Đông cung biết tình cảm của anh ta đối với A La, cái mạng nhỏ của nàng hẳn là khó giữ. Lưu Giác thầm hạ quyết tâm, dù thế nào cũng sẽ không để A La hy sinh tính mạng. Nhưng sao nàng không hiểu mà lại cứ nói rằng người trong lòng nàng chỉ có Tử Ly? Nàng nói nàng hối hận, lại còn đánh nhau với chàng, nói rằng đánh chết cũng không theo chàng. Hỏa khí trong lòng Lưu Giác lại bùng lên, chàng thúc ngựa chạy nhanh, phi thẳng vào Tùng phong đường.
Chàng ôm A La đi vào tẩm thất, nói với Thanh Ảnh: “Lệnh cho Thanh tổ cảnh giới nghiêm mười hai canh giờ, bất cứ kẻ nào chưa xin phép dám vào Tùng phong đường, giết!”.
Thanh Ảnh là tổ trưởng Thanh tổ sau khi Lưu Anh ra đi, nghe vậy có phần do dự: “Thế còn, lão vương gia...”.
“Cũng ngăn lại, ngăn không được, cứ để ông già bước qua xác ngươi mà vào!”. Lưu Giác nghĩ, nếu để ông già xông vào, không chừng sẽ giết chết A La, vẫn nên đề phòng một chút, rồi lại ra lệnh: “Huyền Y, ngươi đi dò xem tại sao Đông cung biết tin nhanh như vậy?”.
“Thuộc hạ tuân mệnh!”. Thanh Ảnh và Huyền Y đồng thanh trả lời.
Lưu Giác ôm A La đi vào nội thất, ném nàng lên giường, A La bị ngã, đầu nhức mắt hoa, lúc lâu sau mới định thần, hét to: “Cởi trói ra, đau quá!”.
“Đau? Như thế này là đau? Nàng có biết đau là gì không? Hả?”. Lưu Giác nâng cằm nàng lên, ánh mắt dữ dằn: “Nàng có biết lòng ta đau thế nào không?”.
A La bất giác co người lùi về sau, Lưu Giác tóm chặt cằm nàng không cho nàng nhúc nhích: “Ồ, ta quên mất, ba năm trước lẽ ra ta phải hiểu, nàng là kẻ không tim, nàng trước sau bất nhất, chưa bao giờ cho ta một câu trả lời khẳng định, ngay một câu nói dối thích ta nàng cũng không nói! Bây giờ ta mới hiểu, nàng nhớ Tử Ly đúng không? Chàng ta với nàng quả thật tình sâu nghĩa nặng biết mấy, đêm tân hôn còn bỏ mặc tân nương chạy đến phủ tìm nàng! Chàng ta cần ngôi báu, chàng ta không thể làm khác, nàng thương chàng ta nên đã chấp nhận để chàng ta toại nguyện đúng không? Nhưng nàng lại không thể quên được chàng ta đúng không? Thì ra trong lòng nàng đúng là có chàng ta!”.
Giọng Lưu Giác cao dần, nỗi đau đớn trong lòng nặng dần, trong mắt nổi lên một làn máu màu đỏ, phẫn nộ khôn cùng: “Sao ta lại quên, quên là trong đêm nàng lén trốn khỏi tướng phủ chạy đến thảo nguyên ngắm sao với chàng ta, thản nhiên ngủ trong lòng chàng ta! Sao ta có thể quên cảnh hòa tấu sáo tiêu, hai lòng đồng điệu! Thậm chí sau khi chạy trốn nàng cũng không đến Biên thành, nàng sợ liên lụy đến chàng ta phải không? Nàng sợ làm hỏng đại mưu đại kế của chàng ta đúng không?”.
A La kinh ngạc, lắc đầu thật mạnh: “Không phải như thế!”. Trong mắt trào ra hàng lệ, như đá quý ngâm trong nước, lóng lánh lung linh.
“Vậy là thế nào?”. Lưu Giác thét lên.
Nếu chàng tin thiếp, sao lại trách, hỏi thiếp như vậy? Nếu như không vì giúp chàng hoàn thành trách nhiệm, không vì đại kế của chàng, sao thiếp phải khổ thế này? Sự tủi thân vô hạn, hai hàng nước mắt ứa ra, nhưng nàng không nói được.
“Uổng cho ta ba năm ngày đêm thương nhớ, uổng cho ta lo lắng ưu phiền, nàng báo đáp ta như thế sao? Hóa ra sự dịu dàng của nàng ở Lâm Nam, tỉ mẩn chế ra mảnh ngọc băng tặng ta chỉ là đối phó phải không?”. Lưu Giác càng nói càng giận, mắt trừng trừng nhìn A La nước mắt như mưa, không nói nên lời. Nàng còn khóc vì Tử Ly? Chàng gào to, tay vung lên.
A La chỉ cảm thấy một luồng gió mạnh ghê gớm tạt vào mặt, vội vàng nhắm mắt thầm nghĩ, chàng cứ đánh chết thiếp đi. Ai ngờ bàn tay chệch hướng đấm nát mấy thứ trên giường! Nàng vùng vẫy tức giận, mở mắt: “Cởi trói ra, ta sẽ nói rõ với chàng, cứ trói thế này ta sẽ tàn phế mất!”.
“Tàn phế thì tốt! Ta đã hối hận không chặt chân nàng, để nàng không đi đâu được nữa!”. Lưu Giác đã tức tới mức không thể kìm chế, A La chớp mắt, thôi mặc chàng ta, dù gì cũng đã về được phủ An Thanh vương, lão vương gia cáo già khắc có cách giải vây cho mình.
Nàng không biết thái độ đó càng khiến Lưu Giác nổi đóa. Ý nghĩ vừa lóe lên, chàng vung tay cởi trói cho nàng. A La xoa xoa hai cổ tay, có một vết bầm lớn trên đó. Nàng tức giận nghĩ, nếu không phải chàng làm ta cảm động, ta đã không thèm giúp chàng, lại còn phải chịu tội này nữa? Tính chàng như thế chẳng trách ông già giấu chàng. Nàng đang nghĩ, bỗng thấy người nhẹ bỗng, Lưu Giác đã ôm nàng đi vào phía hậu đường: “Chàng làm gì vậy? Bỏ ta ra!”.
Lưu Giác không động lòng, vòng qua bức bình phong, phía sau lớp lớp những bức trướng rủ, bên trong hơi nước mờ mịt, Lưu Giác ném nàng xuống bể, A La hét lên rồi chìm nghỉm trong nước. Khi ngoi đầu kên, đã thấy Lưu Giác mặt lanh tanh đang cởi y phục, nàng sợ hãi kêu thất thanh: “Chàng chớ làm bừa, Lưu Giác! Đừng làm ta hận chàng!”.
“Hận à? Tùy thôi, ta quá nuông chiều nên mới khiến nàng sớm nắng chiều mưa!”. Lưu Giác thong thả cởi áo choàng, rồi cởi áo trong.
A La bơi thục mạng sang đầu bể bên kia, xiêm áo ướt đẫm quấn chặt lấy người, vô cùng khó chịu. Tháng hai trời còn lạnh, chiếc áo hai lớp ngấm nước vừa ướt vừa nặng trĩu. Nàng đảo mắt nhìn quanh, cả gian phòng thênh thanh chỉ có mỗi cái cửa Lưu Giác vừa ôm nàng đi vào, “Lưu Giác, chàng cứ hỏi...”. Lời chưa nói hết, Lưu Giác đã áp đến, A La quẫy đạp dữ dội, chân đá ra, tay chém. Lưu Giác né người tránh, tay vươn ra vừa tóm lấy vạt áo nàng, ra sức kéo lại. A La tõm một tiếng lặn xuống nước.
Vuốt nước trên mặt, vồng ngực rắn chắc của Lưu Giác đã ở ngay trước mắt. A La ngẩng đầu nhìn, ánh mắt chàng lóe lên cái nhìn nguy hiểm, nước ròng ròng từ mặt chảy xuống, ngũ quan rõ nét như tạc, đẹp ngời ngời. A La thoáng đỏ mặt, bực mình lắc đầu, bụng nghĩ, đây là lúc nào, sao mình còn tâm tư ngắm nhìn chàng ta như một kẻ si tình. Lưu Giác giơ tay kéo nàng lại gần, A La hai tay chắn đỡ ngực chàng, nghiêng đầu, trấn tĩnh nói: “Không phải bây giờ, bây giờ không nên, chàng cứ thế này làm sao ta nói rõ được”.
Lưu Giác “hừ” một tiếng, nắm tay nàng kéo giật về sau, vừa vận công nhấc nàng lên khỏi mặt nước, A La cố vùng vẫy. Chàng bất chợt cúi đầu ép miệng vào môi nàng, nước tràn lên, A La cuống quýt há miệng thở, môi chàng đã vít chặt miệng nàng, đắc ý nhìn nàng tham lam cố hít, nhưng đành bất lực để cho chàng truyền cho chút không khí để thở.
Đầu nàng nặng dần, tứ chi cũng mất dần sức lực, Lưu Giác nhìn khuôn mặt kiều diễm đỏ hồng mê ly kề sát, không thể buông ra. Cảm giác ép vào nhau thực tuyệt vời, khiến chàng không thể buông tay, ham muốn bùng lên mãnh liệt, “soạt” một tiếng, tay chàng đã xé toạc áo ngoài của nàng. Tiếng xé áo đập thẳng vào tai, A La bừng tỉnh, ánh mắt cầu khẩn, đẫm nước nhìn chàng.
Lưu Giác sững người, nhấc nàng lên, chàng buông tay, tỳ người vào bờ thở gấp: “A La, tại sao? Tại sao?”.
A La kiệt sức do bị hôn đến nghẹt thở, dựa vào chàng khẽ nói: “Không phải như vậy”.
Hai mắt Lưu Giác vằn đỏ, đột nhiên đập tay lên mặt nước, nước vọt bắn tung tóe. Chàng thở dài nhảy lên bờ, không kịp khoác áo, lao ra ngoài.
A La cuối cùng đã thở phào, ngã nhào xuống làn nước ấm áp. Cuối cùng Lưu Giác không làm tổn thương nàng. Nàng thở dài, cởi áo ngoài, tắm một trận thoải mái.
Lưu Giác cầm kiếm xông khỏi Tùng phong đường, lao vào rừng vung gươm múa. Ánh kiếm loang loáng, hoa bay tơi tả theo từng nhát kiếm, An Thanh vương hoa mắt đứng nhìn, thở dài từng cơn.
Cảm xúc trong lòng Lưu Giác không thể nào tả xiết, chàng hận bản thân, hận mình cho dù sự thể đã đến nước này chàng vẫn không thể nào ra tay. Chàng muốn tác thành cho nàng hay sao? Nhưng ý nghĩ vừa nảy sinh đã khiến chàng đau như xé tâm can, yêu nàng là phải chịu giày vò như thế này ư? Chàng vận đủ nội lực ném thanh gươm về phía An Thanh vương, hét lên một tiếng bi phẫn, như con sói mùa đông trúng thương, cô đơn không nơi bấu víu.
An Thanh vương giật nảy mình né tránh, lưỡi gươm “phập” một tiếng cắm sâu vào thân cây bên cạnh, rung bần bật. Ông vừa nhảy dựng vừa mắng: “Nghịch tử, định mưu sát cha đẻ hay sao?”. Chân vội di chuyển về phía rừng cây. Mới được hai bước, Thanh Ảnh nhảy ra: “Vương gia, chúa thượng có lệnh...”.
“Lệnh con khỉ, ta giẫm lên ngươi hay là ngươi nằm im giả chết! Tiểu tử kia chẳng phải lo sợ lão phu giết người của nó hay sao!”. An Thanh vương xua tay, trợn mắt.
Thanh Ảnh nén cười, nằm ra đất, giả đò chết thật. An Thanh vương đá anh ta một cái, vòng qua người anh ta đi vào rừng.
Lưu Giác nằm thẳng trên đất, hai hàng nước mắt chảy xuống má.
“Chà chà, con trai ta còn khóc cơ đấy”.
Chàng vùng dậy, ôm chầm lấy ông: “Cha, lòng con đau lắm, đau lắm cha ơi!”.
Bao nhiêu năm nay, ngay từ khi con còn nhỏ ông đã để nó lại trong vương phủ cho Ô y kỵ trông nom, mình ông dấn thân đến tận Biên thành xa xôi, không thăm hỏi, để nó sống tự lập. Mắt ông mờ ướt, lòng xót xa. Con trai đã lớn, cuối cùng đã tìm được người nó yêu thương. Ông rất tự hào về nó, Lưu Giác là đứa trẻ nồng nhiệt, đã yêu là yêu hết lòng, chí tình chí nghĩa, thật quá giống ông!
“Con trai, con là con trai của An Thanh vương ta, là Bình Nam vương lừng danh của Ninh quốc, con có hiểu bổn phận của con không?”.
“Cha, con làm chưa tốt hay sao?”.
“Rất tốt, đến bây giờ, con đã làm rất tốt, khỏi cần giấu con thêm nữa. Đứa con dâu này cha rất hài lòng”. An Thanh vương cười khe khẽ.
Lưu Giác sững người: “Cha nói gì?”.
An Thanh vương nhảy ra hai bước, nói giọng nghiêm túc: “Con đi theo cha!”.
Lưu Giác theo ông đi vào thư phòng. Khuôn mặt ông toát lên một vẻ trang nghiêm, trịnh trọng khác thường, không hiểu sao khiến chàng bất an, lòng lờ mờ đoán ra chuyện gì, nhưng không thể nào nói rõ được.
“Xích Phong, ngươi đứng gác ngoài thư phòng, trong vòng năm chục thước, một con thỏ lọt vào cũng chém cho ta. Kẻ nào liếc mắt tò mò, giết!”. An Thanh vương dõng dạc truyền lệnh.
Lưu Giác kinh ngạc đứng nghe ông truyền lệnh, buột miệng nói: “Cha!”.
An Thanh vương chốt cửa thư phòng, vặn sang phải xoay sang trái, dùng tay đẩy, án thư trên tường dịch sang trái, lộ ra một cái ngăn bí mật. Ông thận trọng lấy ra một đạo thánh chỉ màu vàng cuộn thành hình thoi: “Bình Nam vương Lưu Giác tiếp chỉ”.
Lưu Giác sững người, vội vàng hất áo quỳ xuống. An Thanh vương mở đạo thánh chỉ, nhưng không tuyên đọc, chỉ đưa cho con trai. Lưu Giác đón xem, miệng há, mắt mở càng to. Chàng mỉm cười trả lại cho cha, trong lòng lớp lớp sục sôi như sóng bể. Bão táp chưa đến gió đã quay cuồng, thánh chỉ của Ninh vương không chỉ viết rõ tứ hoàng tử là người kế vị ngai vàng, mà còn liệt ra bao tội ác tày trời của hoàng hậu và thế lực họ Vương, ngay cả nguyên do cái chết của Trần hoàng hậu cũng viết rõ ràng. Đạo chỉ này sẽ bật tung triều đình Ninh quốc, uy hiếp thái tử, nhưng nếu bại lộ ra trước khi Lưu Phi yên ổn lên ngôi, sẽ dẫn đến thảm họa khôn lường.
“Tại sao tiên vương không trực tiếp phế thái tử? Chúng ta vẫn ủng hộ Tử Ly như vậy”. Lưu Giác băn khoăn.
An Thanh vương thở dài: “Ba năm trước, tiên vương đã trao Hữu quân cho Tử Ly, giao Nam quân cho con và Cố Thiên Tường, nhưng Nam quân và Hữu quân cách Phong thành quá xa, hơn nữa không thể đưa toàn bộ binh mã trở về Phong thành tranh giành vương vị. Một khi Đông cung bị bức ép, hơn hai mươi vạn Đông quân trong tay Vương Thái đồn trú gần Phong thành nhất sẽ ra tay trước chiếm Phong thành. Hai bên khai chiến, Ninh quốc đại loạn, bốn nước kia sẽ thừa cơ nhảy vào, cơ nghiệp mấy trăm năm của Ninh quốc... Đây là kết cục chúng ta không muốn nhìn thấy!”.
“Con xin tuân lệnh cha”. Lưu Giác nói.
An Thanh vương hạ giọng: “Ly Thân vương hiện cách Phong thành không quá một trăm dặm, đem theo hai v 7fca ạn binh mã, nhưng vào thành phục tang nhiều nhất chỉ được mang năm ngàn cận vệ. Nếu hai bên khai hỏa ở Phong thành, một là trăm họ khốn khổ, hai là vương thành đại loạn, đây là điều mấy nước kia trông đợi”.
“Cho nên, cha muốn con tỏ ra có chung mối thù với thái tử, cố gắng giảm thiểu thưong vong, để Ly Thân vương thuận lợi đăng cơ?”.
“Phải, lẽ nào thật sự phải dùng mười vạn Nam quân, hai vạn Hữu quân và hai mươi vạn đại quân Đông lộ khai chiến? Theo tin tình báo của An Thanh vương phủ và Ly Thân vương phủ, trong tay họ Vương vẫn giấu một đội tinh binh. Trong khu rừng Hắc sơn phía đông mấy năm nay có những dấu hiệu kỳ lạ, chúng ta nghi ngờ đội quân này ẩn náu trong đó, quân binh bao nhiêu, sức chiến đấu thế nào vẫn chưa làm rõ. Hơn nữa, địa thế vương cung dễ thủ khó công, nếu họ Vương chiếm cung đình, chúng ta buộc phải tấn công mạnh, thương vong khó lường, chưa biết chừng Ninh quốc vì thế sẽ suy yếu, đây là điều vương thượng và cả Lưu tộc không muốn nhìn thấy”.
“Vậy ý cha là...”.
“Ta đã liên hệ với Ly Thân vương, phải nắm chắc và khống chế cục thế trước lễ đăng cơ ngày mười tám tháng ba, tuyên đọc thánh chỉ của vương thượng, loại bỏ thế lực họ Vương, triệt tiêu hậu họa! Hiện chỉ còn hai mươi ngày nữa là đến ngày mười tám tháng ba, chúng ta không chỉ phải hoàn toàn khống chế cục diện Phong thành, đồng thời còn phải thâm nhập vào vương cung, nắm được động tĩnh của họ Vương, nhất cử thành công. Trước ngày đó, không thể để bọn họ mảy may phát hiện. nếu không chỉ còn cách tấn công trực diện!”.
An Thanh vương nói rõ tình hình trước mắt, ánh mắt tinh anh nhìn con trai. Bây giờ Lưu Giác là nguyên soái thống lãnh thiên binh vạn mã, không còn vẻ vương tôn an nhàn hưởng lạc nữa.
“Con hiểu ý cha, trước khi chuyện kia xảy ra con phải tìm cớ giao chiến với Ly Thân vương một trận, loại bỏ nghi ngờ của Đông cung đối với vương phủ chúng ta”.
“Không chỉ có thế. Cuộc chiến giữa con và Ly Thân vương là riêng tư, hoàn toàn chỉ có hai người, nhưng như thế cũng có nghĩa sẽ đặt con và Tử Ly vào vòng nguy hiểm, Đông cung hoàn toàn có thể thừa cơ ra tay trước, bắt cả hai người. Mặc dù có Nam quân khống chế, hai mươi vạn Đông quân không thể tất cả vào Phong thành, nhưng đội quân bí mật trong tay Vương thái úy mà chúng ta chưa nắm rõ lại hoàn toàn có khả năng xuất hiện. Cho nên, trận đấu này giữa hai người có tác dụng lớn nhất là quăng mồi, nhử đội quân bí mật của họ Vương lộ diện!”.
Lưu Giác trầm ngâm một lát: “Tại sao không thể bất ngờ tập kích Vương cung và phủ thái úy, giam lỏng Vương hoàng hậu, thái tử và Vương thái úy?”.
“Thế lực họ Vương đã củng cố nhiều năm, không tuyên đọc tội trạng của họ trước bàn dân, thiên hạ sẽ không tin, quần thần khó phục. Đừng quên, thái tử vẫn danh chính ngôn thuận là người kế vị ngôi báu! Tử Ly đăng cơ, phải có nguyên cớ xác đáng, chỉ có để thái tử ra tay trước. Vả lại nếu động binh nhưng lại không tiêu diệt hết thế lực họ Vương, không biết chúng ta phải mất bao nhiêu năm mới dẹp hết phản nghịch. Trần quốc đang nôn nóng, sở dĩ lần trước dám tấn công Lâm Nam, chính là đã nhìn thấy Ninh quốc mấy chục năm không có chiến tranh, quân đội mặc dù hùng hậu nhưng không có kinh nghiệm thực chiến. Từ đó có thể thấy mấy nước đang hau háu nhòm ngó nước ta, chỉ chờ chúng ta xảy ra nội chiến để ra tay”.
“Nhưng nếu đội quân này không xuất hiện?”. Lưu Giác nghi ngờ.
“Thái tử muốn diệt Ly Thân vương, tất phải chờ sau khi Ly Thân vương trở về Phong thành phục tang mới có thể ra tay, tang lễ hoàn tất chỉ cách lễ đăng cơ không quá năm, sáu ngày. Ba ngày trước lễ đăng cơ, con phải hẹn Tử Ly giao chiến, đối với vương gia, đây là thời cơ tốt nhất, thái tử hoàn toàn có thể mượn đội kỳ binh này tiêu diệt con và Ly Thân vương mà thần không biết quỷ không hay, hơn nữa lại có thể phủi sạch trách nhiệm. Cho nên, đội quân này nhất định sẽ lộ diện”.
“Cho nên, ba ngày trước đại lễ, con hẹn tư đấu với Ly Thân vương, chính là cố ý cho Đông cung một cơ hội, để đội quân bí mật kia hoàn toàn lộ mặt, ra sau đó triệt để tiêu diệt?”.
“Đội quân này nếu không loại trừ, một khi thái tử tẩu thoát, sẽ trở thành nòng cốt để thái tử tái dựng cơ nghiệp, cũng chính là mầm họa lớn nhất gây rối loạn Ninh quốc!”.
Lưu Giác khâm phục nhìn cha, ông đã suy tính mọi bề chu đáo, tiên lượng trước mọi hậu họa về sau. Nhưng “Phụ thân, Đông cung hoàn toàn có thể ra tay trước khống chế chúng con, cho dù chúng con tìm mọi cách để họ tin. Bán tin bán nghi, chi bằng dứt khoát tiêu diệt chẳng phải càng yên tâm sao?”.
An Thanh vương cười ha hả: “Con trai à, nên biết hiện ba cổng thành đều do chúng ta trấn giữ, Đông cung không dám ra tay trước, binh lực Nam quân nằm trong tay con và Cố Thiên Tường, binh lực Tây quân nằm trong tay Ly Thân vương, họ cũng không muốn va chạm trực diện, sợ cá chết lưới rách. Ngộ nhỡ Tử Ly cầu viện binh hai nước Khởi, Trần đánh trực tiếp, thái tử cho dù lên ngôi cũng khó ứng phó. Nếu chúng ta làm cho Đông cung tin, họ Vương sẽ tưởng rằng Cố Thiên Tường chỉ nắm thủy quân của Nam quân, mười vạn binh mã trong tay con, thái tử có thể dùng, như vậy, Nam quân vào cuộc sẽ là một đòn chí mạng. Huống hồ...”. An Thanh vương cười, “Cho dù họ không tin hoàn toàn, cũng không thể không dựa vào chúng ta, mười vạn binh mã này quá mê hoặc thái tử, nếu thật sự có thể đứng về phía Đông cung, Ly Thân vương cầm chắc đại bại!”.
Mọi sắp đặt đều là để Lưu Phi đăng cơ, vì tương lai ổn định của Ninh quốc. A La nói thích Lưu Phi, e cũng là mưu kế để Lưu Giác chiếm được niềm tin của Đông cung. Lưu Giác bỗng thấy lòng nhẹ nhõm, mọi đau buồn phẫn uất mấy ngày qua bỗng chốc tiêu tan, chàng liếc nhìn cha, nghĩ tới A La, được lắm, cả hai liên thủ giỡn chàng! Tấm lưng thẳng cứng của chàng mềm lại, trở lại vẻ bông lơn không thể kìm chế, mặt tươi như hoa, hai đồng tử bắt đầu bốc hỏa: “Con hiểu rồi, cha! Cha được lắm, cha làm thế nào thuyết phục A La tuyên bố thoái hôn, tạo ra mối thù giữa con và Ly Thân vương?”
An Thanh vương đảo mắt, tính đường rút lui, ánh mắt tinh tường nhấp nháy, nói: “Cha chỉ nhắc một chút, nó đã hiểu, nó đối với con, ha ha đúng là rất tốt!”.
“Đúng thế, không tồi, kế hay lắm! Sao con có thể chịu để hôn thê của con làm mất mặt vương phủ chúng ta, hai người quả thực quá hiểu con!”.
“Ha ha, con trai à, qua chuyện này cũng có thể thử xem lòng A La đối với con thế nào? Cha chẳng qua cũng chỉ muốn tốt cho con!”. An Thanh vương cười, trong lòng cũng có chút băn khoăn.
Lưu Giác bỗng hét lên: “Vì con, cha để nàng làm bia hứng mũi giáo đường tên? Cha có biết như vậy, nếu hai bên giao chiến, nàng sẽ trở thành con tin để uy hiếp Ly Thân vương, thực chất uy hiếp ai? Uy hiếp Lưu Phi hay chính con trai cha?!”.
“Cái này, cũng đành hy sinh một chút, không phải sao? Huống hồ, nếu không phải vạn bất đắc dĩ, không nguy cấp đến tính mạng A La. Cha nó chẳng phải vẫn đang là tả tướng đương triều hay sao!”. An Thanh vương không dám nhìn con trai.
“Lại còn giấu con? Hả? Ai đã xúi nàng ấy to gan dám làm chuyện đó? Chẳng phải chính là cha hay sao! Nói cho cha biết, không thể lôi nàng ấy vào cuộc! Đây là cuộc đấu giữa đàn ông với nhau, chuyện này đủ rồi, không cần A La làm thêm gì nữa”.
An Thanh vương mặt hơi biến sắc: “Nếu Đông cung đòi người?”.
“A La là vương phi của con, con hoàn toàn có thể từ chối, cứ coi A La không bằng lòng, con cũng sẽ lấy nàng ấy, không ai được phép đưa nàng ấy đi!”.
“Con phải hiểu, nếu A La không đứng trước mặt họ, tuyên bố trở mặt với con, Đông cung có thể dễ dàng tin sao?”.
Lưu Giác ngớ người, đúng thế, nghe đồn A La tuyên bố suốt đời gắn bó với Tử Ly, hai người đã có thệ ước thủy chung, bản thân mình đã nổi giận đùng đùng trước mặt những người ở Đông cung. Nhưng nếu tưởng chỉ cần như vậy họ đã tin, tức là quá coi thường người của Đông cung. Muốn để họ tin, không chỉ cần Tử Ly phối hợp, còn cần diễn tốt vở kịch trước mặt họ, Nhưng, diễn thế nào? Phản ứng của một người đàn ông bình thường sẽ là hận đến mức giết chết người mình yêu? Giết là không thể? Nhưng lúc phẫn nộ không thể không ra tay, làm sao chàng có thể ra tay? Biết rõ A La vì mình đã dấn thân vào nguy hiểm, lại còn muốn mình ra tay với nàng?
“Con phải làm thế nào? Tỏ ra tức giận trước mặt họ? Chẳng phải cũng còn nể mặt tả tướng hay sao?”.
“Hừ, e là lúc đó người ra tay trước chính là tả tướng! Lúc đó ông ta còn không dám ra tay dạy con, sau này còn nói được ai?”.
Lưu Giác lại nổi đóa: “Ai bảo cha nghĩ ra trò này? Nếu A La có mệnh hệ gì, con sẽ cho vương phủ tuyệt tử tuyệt tôn!”.
An Thanh vương tức giận rung râu: “Nghịch tử! Những lời như vậy cũng dám nói với cha ngươi sao? Con ngốc thế? Sao không biết thể hiện một chút truyền thống của vương phủ? Con che giấu điểm yếu một chút không được sao? Mặc kệ A La thích ai, đằng nào con cũng đã đính ước, ai dám nôn nóng với ai. Mặc nó khóc lóc cự tuyệt, con mặc kệ, cướp người về phủ hẵng hay! Sao ta lại sinh ra đứa con ngốc thế chứ?!”.
Lưu Giác lại ngây ra, mãi mới bình tĩnh trở lại: “Hình như con đã làm A La tức giận, hôm nay còn đánh nàng một chưởng!”.
“Vậy còn đứng ngây ra đó làm gì? Nếu bây giờ A La không thèm để ý đến con, con cướp về cũng chẳng ích gì!”. An Thanh vương đá vào mông Lưu Giác.
Lưu Giác xoa mông, nói dỗi: “Ai bảo hai người giấu con, không hề thương con tí nào! Để mọi chuyện xong xuôi, còn sẽ tính sổ với hai người!”.
“Bây giờ ta hối hận vì đã nói với con, với tính cách của con, liệu có làm hỏng chuyện không? Con cần diễn tốt tấn trò này, nếu để cho Đông cung sinh nghi, hỏng việc lớn của ta, lão phu sẽ tự tay quất nát mông con!”.
Lưu Giác lại thở dài, không biết là vui hay buồn. Vui vì A La đã vì chàng mà dám mạo hiểm tính mạng, tuy không nói ra, nhưng rất nặng tình với chàng. Buồn vì không muốn A La chịu khổ, sợ nàng nguy hiểm. Chàng bỗng hối hận, nếu không biết thì tốt, biết rồi thật khó diễn. Chợt nghĩ đến sự lỗ mãng vừa rồi đối với nàng ở Tùng phong đường, đột nhiên không dám quay về đối mặt với nàng.
Gió lạnh thổi từng cơn, Tùng phong đường ẩn hiện trong rừng, ánh đèn thấp thoáng, Lưu Giác lặng lẽ đứng trong rừng, nhìn ánh đèn chập chờn. Ở đó có một người, người chàng yêu, thương nhớ bao nhiêu? Chàng không đong đếm được, nhớ nhung cơ hồ tự nhiên như hít thở, tình yêu của chàng như thấm vào không khí đi vào phổi trở thành một phần dưỡng khí nuôi sống sinh mệnh chàng, mất đi tựa hồ bóp cổ họng chàng, chàng sẽ ngạt thở mà chết. Chàng ngửa đầu nhắm mắt, cảm nhận hơi gió đêm như bàn tay ấm ve vuốt mặt chàng, khiến cho nỗi xúc động căng tràn dào dạt dịu đi. A La tại sao nàng không nói với ta? Tại sao không dùng đôi mắt lóng lánh như thủy tinh của nàng mách bảo ta? Sao lại khiến ta đau khổ, khiến ta băn khoăn, khiến ta bất an như vậy. Nàng tự nhiên như nhiên bước vào cuộc tranh giành quyền lực giữa những người đàn ông, chỉ là vì ta. Nàng khiến ta lấy tình nào bù đắp cho đặng? Lưu Giác thẫn thờ không dám quay về.
Xưa nay chàng luôn cho rằng, chỉ có tình yêu của chàng là sâu đậm, tưởng là chỉ có bản thân chàng đang cho đi, còn A La chỉ thụ động nhận về, bây giờ mới biết nàng đã vì chàng tự nguyện dấn thân vào vòng xoáy hiểm nguy, tận đáy lòng bỗng xúc động run run. Lưu Giác trấn tĩnh, vẻ kiên nghị nặng dần trong ánh mắt, cuối cùng chàng trở bước.
Chàng nhẹ nhàng đẩy cửa tẩm thất, A La mặc áo choàng của chàng, nằm cuộn tròn ngủ trên giường. Lưu Giác đứng cách vài bước, mắt nhìn nàng không chớp. A La gầy đi chút ít, cằm nhòn nhọn, những ngày trốn ở Tố tâm trai chắc hẳn ăn uống kém. Hàng mi dài rủ bóng, giống như con bướm dừng cánh nghỉ, đẹp đến nỗi khiến chàng không dám thở, sợ kinh động làm con bướm bay đi, giấc mộng sẽ tan biến. Ánh mắt chàng dừng trên tay nàng để trên chiếu, vết tím nơi cổ tay nổi bật giữa làn da ngọc. Nỗi xót xa tràn ứ khiến chàng tự đánh vào mình, sao ra tay mạnh thế?
A La nghe thấy tiếng động, hé mắt mơ màng, nhìn thấy Lưu Giác đứng cạnh giường, sắc mặt rất xấu. Nàng bỗng giật mình, tự nhiên co người lùi vào trong.
Nhìn thấy động tác của nàng, tim chàng run lên, mình làm nàng sợ ư? Mình khiến nàng sợ hãi hay sao? Chàng không kìm được nữa, bước tới.
“Chàng định làm gì?”. A La hoảng hốt nhảy lên, vô ý thức kéo chặt áo ngoài rộng thùng trên người.
Lưu Giác không trả lời, kéo tay nàng, xoa nhẹ chỗ vết trói: “Ta ra tay mạnh quá, đau không?”.
A La nghiêng mặt: “Không đau!”.
Xoay mặt nàng lại, Lưu Giác nói: “Ta quá giận mới ra tay mạnh thế, nàng... ai bảo nàng liên thủ với cha lừa ta?”.
A La nghi ngờ nhìn chàng: “Chàng đang xin lỗi hay đang trách?”.
“Cả hai”.
“Ồ, vậy thì thôi, khỏi cần xin lỗi, thiếp tự làm tự chịu. Trách ư, cũng không cần, vốn giấu chàng là sợ chàng diễn không tốt”. A La từ từ giải thích.
“Ta... hôm nay... hôm nay, chuyện đó, nàng còn trách ta không?”. Nghĩ đến chuyện ban sáng, mặt chàng lập tức bay qua một vệt đỏ hoài nghi.
“Trách chàng gì cơ? Là chàng trách thiếp mới phải, thiếp đã phụ chàng, người trong lòng thiếp là Tử Ly!”. A La nói cứng, nàng vẫn chưa hết giận.
“Nói nhảm, rõ ràng nàng tốt với ta”. Nụ cười ngọt ngào vụt hiện trên miệng chàng.
“Chàng tưởng chàng là ai? Nói thật, người thiếp thích là Tử Ly. Dẫu thiếp không thích Tử Ly thiếp cũng sẽ không lấy chàng!”. A La rút tay về, nằm xoay lưng lại.
“Không được nói thích Tử Ly, ta nghe rất khó chịu!”.
“Chàng khó chịu là không cho thiếp nói sao? Những điều thiếp khó chịu nhiều lắm! Dựa vào đâu hai người tranh giành đế vị lại cuốn thiếp vào? Thiếp chỉ muốn vui vẻ sống bên mẹ, là ai đã một mực bắt thiếp về Phong thành?”.
“Nàng là vương phi của ta, những gì cần đối diện, không nên né tránh, đi đâu tránh được phân tranh? Ví như những kẻ áo đen ở thành Lâm Nam, nàng có làm gì bọn chúng không, vậy sao vẫn bị dao kề cổ, họa đến nhà!”.
“Thiếp không lấy chàng không được sao? Nếu lại gặp bọn áo đen áo trắng nào nữa thì đó là số thiếp không tốt, thiếp xui xẻo!”. A La bắt đầu giở trò, bất chấp lễ nghĩa! Việc gì phải lễ nghĩa? Chàng tưởng thiếp thích đến đây sao, thiếp đang muốn mơ một giấc là trở về thế giới của thiếp.
“Nàng nói không lấy là không lấy ư?”. Chàng lại bị nàng chọc tức, nhưng lời vừa ra đã thấy hối hận, tại sao mới nói vài câu, đã lại nặng lời.
“Thiếp không lấy, thì sao nào?”. A La ấm ức, bụng nghĩ, nhận lỗi chưa xong còn uy hiếp người ta.
Lưu Giác lại tức phát điên, đột nhiên bật cười: “Nếu đúng là lòng nàng không có ta, sao lại cùng ông già vạch mưu? Hả?”.
A La đỏ mặt: “Thiếp ra điều kiện. Từ bây giờ, muốn thiếp giúp hai người thực thi mưu kế, lão vương gia phải đồng ý với thiếp, khi mọi chuyện kết thúc, sẽ hủy hôn, thả cho thiếp đi!”.
“Đừng mơ!”. Lưu Giác cười khẩy, “Không lớn hơn chuyện ta động binh tấn công, ta không tin trận đánh này đánh không nổi! Nói thật, nếu sớm biết đó là mưu kế của ông già, ta tuyệt nhiên không chấp nhận!”.
A La ngây người, tức giận vô cùng: “Bất luận chàng nói thế nào, từ bây giờ hủy hôn, thiếp và chàng không liên can!”.
Lưu Giác tự nhủ phải nhẫn nhịn nhường nàng, gặp chuyện như thế, A La bực tức muốn trút giận thế nào tùy ý. Chàng đổi giọng nhẹ nhàng: “Vậy phải thế nào nàng mới chịu nguôi giận? Hả? A La? Là ta đã sai, ta không nên bị cuốn vào mưu kế của nàng và cha mà không biết, lại còn nghi ngờ nàng, ra tay không nhẹ. Là ta đã sai, nàng đừng giận nữa được không?”. Quả thực, cả đời chàng, Lưu Giác chưa bao giờ hạ mình như vậy. Chàng đã dùng ánh mắt da diết nhất, chân thành nhất để nhìn nàng. Còn nhớ trước đây, đào nương Hồng Ngọc nổi danh nhất Vãn hoa lâu đã hát cho chàng nghe một khúc tuyệt vời, chàng động lòng, cũng nhìn người ta với ánh mắt như thế, Hồng Ngọc lúc đó đã thở dài nói, giai nhân trong thiên hạ không một ai không nghiêng ngả bởi ánh mắt thâm tình như thế của tiểu vương gia.
A La nhìn Lưu Giác đang định nói gì, lại khẽ ngáp. Nàng dùng tay che miệng, mắt chớp chớp: “Thôi, xin lỗi là không sao, không tính toán với chàng nữa, thiếp buồn ngủ rồi”. A La thật sự không muốn nói nhiều. Nếu Lưu Giác nhận ra, màn kịch này chàng sẽ diễn không thật, để chọc tức chàng nàng buộc phải nói như thế. Nhìn Lưu Giác đang cố nén tức giận, nàng dịu giọng: “Thôi cho qua!”. A La nói xong, lại ngáp.
Lưu Giác tức điên xông lại: “Ta thật lòng xin lỗi nàng, vậy mà nàng nghe lại buồn ngủ?”.
A La lườm: “Vậy chàng muốn thiếp làm gì? Cảm động khóc lóc hay sao? Thiếp biết tâm tư của chàng, tha lỗi cho chàng rồi”.
Nói xong nàng làm ra vẻ buồn ngủ. Lưu Giác dở khóc dở cười, những lời nói chuẩn bị sẵn hoàn toàn trái ngược với những gì diễn ra, nhưng chàng vẫn không cam lòng rời đi, mặt sa sầm nói: “Được, chuyện cũ không nhắc lại nữa, không biết ai cho nàng cái gan làm chuyện này. Nàng không biết nguy hiểm hay sao? Tự đẩy mình vào mũi tên ngọn giáo!”.
Nhìn thấy vẻ mặt sa sầm của Lưu Giác, nỗi bực trong lòng A La lại bùng phát: “Chàng vẫn còn nói thế? Nếu người ta không vì...”.
“Cái gì? Vì cái gì?”. Lưu Giác hỏi dồn. Hôm nay không nhân cơ hội này ép nàng nói ra, với tính cách A La, e là có thể chết vì chàng nàng cũng không chịu nói là nàng thích chàng.
“Vì Tử Ly đại ca đăng cơ làm hoàng đế!”. A La nghiêng mặt sang một bên nói, tránh ánh mắt Lưu Giác.
“Thật không? Vậy nàng nói ra thế này chẳng phải hại huynh ấy hay sao? Nàng đang giúp huynh ấy hay hại huynh ấy?”. Lưu Giác hỏi vẻ thản nhiên.
“Khỏi cần chàng quan tâm! Đây là chuyện giữa thiếp và Tử Ly đại ca, khỏi phiền Bình Nam vương bận lòng!”.
Lưu Giác kéo mặt nàng quay lại, A La đẩy tay chàng: “Đừng động chân động tay làm hại thanh danh của thiếp!”. Nàng cúi rèm mi, trong lòng không hiểu tại sao thấy ngượng vô cùng.
Lưu Giác đột nhiên buồn cười, A La không biết vẻ ương ngạnh của nàng lúc này rất trẻ con, đâu có giống người đang nổi giận. Rõ ràng vịt chết còn cứng mỏ! Bây giờ chàng có rất nhiều thời gian và lòng kiên nhẫn, bụng nghĩ, lần này quyết không để nàng bỏ trốn. Chàng một tay ôm A La lên: “Ta thích nàng động thủ. Nếu làm hại thanh danh của nàng, nàng sẽ lấy ta, chủ ý này rất hay!”. Chàng cười ha hả, ôm A La đi về phía bể tắm.
A La kinh ngạc: “Xấu xa! Chàng lại định...”.
“Nói đúng rồi, hôn thê của ta thay lòng đổi dạ, bản vương mừng lắm, muốn ra tay trước để tỏ rõ uy phong. Một khi nàng trở thành người của ta, để xem Tử Ly đại ca của nàng có cần nàng nữa không? Hình pháp Ninh quốc sẽ tuyên phạt thế nào? Kẻ tư thông với người khác thích chữ vào mặt, đánh đòn, chà chà!”.
A La giơ tay chém lên cổ chàng, chưa kịp chạm vào, cả người nàng đã bay về trước, nàng hoảng hốt kêu lên nhưng đã rơi tõm xuống nước: “Lưu Giác, nói cho chàng biết chàng chớ làm bừa. Thiếp, thiếp với chàng vẫn chưa hết!”.
Lưu Giác khoanh tay đứng trên bờ, khoái trá nhìn A La cả người ướt sũng: “Áo của ta, nàng mặc quá rộng, để lộ như vậy lại càng mê ly”.
A La cúi đầu nhìn, quả nhiên chiếc cổ rộng hoác lộ ra một mảng ngực lớn, nàng vòng hai tay che lại, chui người xuống nước, thò mặt lên mắng: “Dâm tặc!”.
Lưu Giác cười ha hả: “Hình như đây là lần thứ ba nàng mắng ta là dâm tặc, cũng phải, để cho nàng chứng kiến một chút dâm tặc là thế nào!”. Nói xong chàng làm động tác cởi y phục.
A La cuống quýt: “Đừng, chàng đừng thế!”.
“Đừng cũng được, nhưng nói đi, tại sao nàng muốn giẫm lên vũng lầy này? Nói xong ta sẽ không động đến nàng!”
A La lườm chàng một cái, ngâm mình trong bể, bối rối vô cùng. Thấy Lưu Giác đứng trên cao nhìn xuống, ung dung đùa giỡn mình để giải khuây. Nàng tức giận hai tay đập nước, miệng nhệch ra, òa khóc: “Chàng bắt nạt thiếp, thiếp muốn về nhà! Thiếp muốn cha, muốn mẹ! Thiếp không muốn sống với chàng và những người ở đây!”. Nàng vừa khóc vừa đập nước tung tóe, mặc cho cổ áo rộng để lộ xuân quang. A La khóc vì không hiểu tại sao bị đẩy đến đây, lại bị giày vò bởi người đàn ông này. Nàng càng khóc càng tủi thân.
Kinh ngạc đau đớn cùng với tiếng khóc xoáy vào lòng, Lưu Giác không kịp nghĩ lao xuống nước, ôm chặt A La. “Đừng khóc, A La đừng khóc!”. Lòng chàng xót xa, đau nhói từng cơn: “Ta không ép nàng, không ép nàng nữa, nàng muốn về nhà, ta sẽ đưa nàng về tướng phủ!”.
“Thiếp không muốn về tướng phủ, thiếp không muốn nhìn người cha bán con cầu vinh ấy. Cha thiếp tốt hơn ông ta nhiều, cha thiếp là quan thanh liêm, thiếp ghét ông ta! Rất ghét!”. A La nước mắt nước mũi chan hòa, nói như mê sảng, khiến Lưu Giác không hiểu thế nào: “Được rồi, được rồi, không về thì không về! Đừng khóc nữa!”.
A La đã khóc to hết cỡ, mặc cho Lưu Giác dỗ dành, nàng càng khóc to hơn. Lưu Giác không biết làm thế nào, đành nâng mặt nàng lên hôn. A La khóc tắc cả mũi, miệng lại bị bịt chặt, không thở được, khó chịu cố vùng vẫy thoát ra. Lưu Giác luống cuống, sợ nàng thoát khỏi tay mình, hai tay càng xiết mạnh, ôm riết nàng vào người. A La bị ép chặt, mặt đỏ lựng, không thoát ra được, trợn mắt nhìn chàng, không duy trì được bao lâu, không thở được một hơi, người nàng đã nhũn ra, ngất đi.
Lưu Giác thấy người nàng mềm ra, vội vàng dùng tay dìu nàng, thấy nàng đã ngất. Sao A La lại bị ngất như thế? Chàng lo lắng đứng trong nước một lát, thở dài, ôm nàng lên bờ đi vào phòng ngủ. Chàng cởi chiếc áo rộng thùng ướt đẫm, da thịt A La non nớt như đứa trẻ sơ sinh hiện ra trước mắt chàng. Lưu Giác mỉm cười, trong lòng không một gợn dục vọng, lấy khăn khô lau người cho nàng, dùng tấm mền bọc lại cẩn thận, xong xuôi mới đi thay y phục.
A La tỉnh lại, cảnh tượng đầu tiên nhìn thấy là Lưu Giác khoác chiếc áo ngoài rộng, lộ nửa vồng ngực, tủm tỉm nhìn nàng. A La cựa quậy, lập tức hét lên: “Chàng muốn gì?”. Nàng co người lủi trong chăn, chỉ thò đầu ra.
Lưu Giác phục bên cạnh nàng, cách tấm chăn ép chặt người vào nàng: “Yên tâm, ta không làm gì nàng đâu”.
Ánh mắt sâu thẳm của chàng bám riết ánh mắt nàng: “A La, ta biết... ta chỉ rất muốn nghe nàng nói một câu, nàng thích ta đúng không?”.
A La cảm thấy mắt chàng như có nam châm, hút hết mọi ánh sáng vào đó, tàng ẩn tình yêu máu thịt, dập dồn giông bão như biển cả. Một màn ánh nước hiện lên lên trong mắt nàng.
“Chúng ta phải ở bên nhau, bất luận thế nào cũng ở bên nhau”. Lưu Giác khẽ nói. Chàng cúi đầu hôn nhẹ vào má nàng, ôm nàng vào lòng. A La nhắm mắt, thoáng mỉm cười, từ từ ngủ thiếp đi.
Đêm khuya dần. Ánh hồng bừng lên, một ngày sắp tới. A La mở mắt, mặt trời đã chan hòa trong phòng. Nàng cựa mình, Lưu Giác cũng tỉnh giấc, lúc này chàng mới nhận ra mình đã ôm A La trong lòng ngủ suốt đêm. Ánh mắt hai người gặp nhau, lại né tránh, A La nói khẽ: “Lấy quần áo cho thiếp!”.
Lưu Giác ngây người nhìn khuôn mặt đỏ hồng ngượng nghịu của nàng: “Nàng đẹp lắm!” Chàng in nhanh nụ hôn lên mặt nàng, nhảy khỏi giường, ngoái đầu nhìn nàng: “Ta thấy nàng cứ như thế này là tốt nhất”.
A La đỏ mặt, không chấp.
Lát sau, Tư Họa bê một chồng quần áo mỉm cười bước vào: “Chúa thượng sai Tư Họa đến hầu tiểu thư!”.