Giữa Chúng Mình Từng Có Một Tình Yêu Sa mạc cần mưa_Võ Anh Thơ

Sa mạc cần mưa_Võ Anh Thơ
Mưa trút xuống bao nhiêu, thấm hết vào đất nhưng vẫn không thoả được cơn khát của đất sa mạc.

Cũng như khao khát hạnh phúc của một người phụ nữ chưa bao giờ là đủ…

Thuở bé vào những ngày mưa trái mùa, trong ngôi nhà tranh lạnh lẽo, mẹ thường ôm tôi vào lòng rồi kể những câu chuyện về các vị vua. Tôi luôn chăm chú lắng nghe và thường thắc mắc một điều: vị vua nào cũng nhiều vợ. Những người phụ nữ ấy tìm đủ mọi cách để được sủng hạnh. Họ thủ đoạn, hãm hại lẫn nhau. Tôi ngây ngô hỏi lý do họ làm thế là gì? Chỉ để tranh giành tình yêu của một người đàn ông ư? Luôn luôn thế, mỗi lần như vậy mẹ lại dịu dàng vuốt tóc tôi rồi mỉm cười đáp: “Vì họ quá cô đơn.”

Tôi tròn xoe mắt. Phát hiện trong cái nhìn bình thản của mẹ một nỗi buồn thương da diết. Tôi không biết rằng, câu trả lời đó đã ám ảnh tôi suốt nhiều năm sau, kể cả khi trưởng thành. Dự đoán về cuộc đời của một người phụ nữ mãi mãi không có hạnh phúc trọn vẹn…

Mẹ tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất cằn cõi như sa mạc. Nơi ấy chẳng có gì ngoài sỏi đá. Quanh năm thỉnh thoảng chỉ được vài trận mưa lớn. Trồng trọt khó khăn. Lương thực ít ỏi. Nghèo khổ. Nhưng vùng đất đó vẫn hiền dịu chở che bảo bọc hàng trăm đứa con dân đen. Dẫu vậy, nó không đủ sức giữ chân những người mang hoài bão lớn lao muốn vùng thoát khỏi nơi này. Họ dùng định mệnh để bứt đi hai từ “quê hương” ra khỏi mình. Lần lượt, những người đàn ông ra đi không quay về. Để những người phụ nữ ở lại chờ đợi trong mỏi mòn, tiếp tục khao khát hạnh phúc.

Cũng giống như đất sa mạc.

Dù có bao nhiêu trận mưa đi nữa vẫn không đủ thoả cơn khát.

Mẹ tôi hiểu rõ cảm giác mong chờ từ năm lên tám. Vào cái ngày bình minh rực rỡ nhất, ông ngoại rời khỏi nhà và từ đó không về nữa. Suốt năm năm sau, mẹ tôi luôn đứng ở cửa đợi. Cái nhìn khắc khoải nhưng vẫn sáng bừng niềm hy vọng. Gió reo khúc hát thuỷ chung, mưa trở về với đất hay những đám mây chờ buổi rạng đông, bốn mùa mười hai tháng xoay vần chẳng ngừng.

Nhưng cuối cùng, niềm hy vọng cũng tắt. Trong ngôi nhà tranh nhỏ, chỉ còn mẹ tôi và bà ngoại nương tựa vào nhau sống.

Năm mười sáu, mẹ tôi đi làm thuê. Bà xinh đẹp. Nhiều trai làng cứ nhìn trộm. Cũng có vài đám đến dạm hỏi nhưng bà không ưng, bảo chỉ muốn chăm sóc mẹ già. Nhưng bà ngoại hiểu, là vì con gái chưa yêu ai.

Lớn thêm chút, mẹ tôi theo người ta đi xa, tìm việc khác tốt hơn. Là con gái nhưng bà chẳng thua trai tráng. Hầu như vùng đất lạ nào bà cũng đặt chân đến. Khác với những người từ bỏ quê hương trước đây, mẹ tôi vẫn đều đặn về thăm nhà mỗi tháng một lần. Vào thời gian ấy, sức khoẻ của bà ngoại suy yếu dần. Ngoại cứ nằng nặc giữ mẹ tôi bên cạnh. Thương ngoại, mẹ tôi ở nhà lâu hơn.

Chưa tròn nửa năm, ngoại tôi qua đời. Mẹ khóc hết nước mắt vì từ giờ không còn ai thân thích. Sau cùng, bà đành gạt nỗi đau sang bên và tiếp tục sống.

Năm mẹ tôi đôi mươi, bà tình cờ gặp một người mà sau này tôi sẽ gọi bằng “bố”. Bố tôi là người vùng khác. Không giống mẹ, ông – thương buôn giàu có đi làm ăn xa. Và khi thấy mẹ, bố đem lòng yêu. Nghe mẹ kể, hồi đó bà thấy bố tôi rất đặc biệt. Ông nổi bật nhất trong nhóm người đi cùng mẹ. Có lẽ vì lý do ấy nên mẹ đồng ý khi bố ngỏ lời. Đơn giản, mẹ cần một người đàn ông bên cạnh. Sau bốn năm đi không ngừng, bà nghĩ đến lúc nên dừng lại.

Dù gì đi nữa, nỗi khao khát lớn nhất của một người phụ nữ vẫn là mái ấm gia đình, nơi có người chồng yêu thương mình cùng những đứa con nhỏ.

Cũng giống như đất sa mạc cằn cõi luôn khao khát những cơn mưa.

Mẹ theo bố tôi trở về quê hương ông. Đó là ngôi làng trù phú. Và gia đình họ nội của tôi thuộc hàng danh giá.

Ngày mẹ tôi ra mắt, ông bà nội tỏ ý không thích. Họ không chấp nhận người con dâu xuất thân từ nơi nghèo khổ như vậy. Dù bố tôi cố sức thuyết phục nhưng vô ích. Không còn cách nào khác, bố tôi phải để mẹ tôi ở trong ngôi nhà tranh nhỏ. Bố hứa với mẹ, nhất định ngày nào đó sẽ để bà đường hoàng bước chân vào gia đình ông. Mẹ tôi không nói gì, chỉ mỉm cười gật đầu.

Mỗi ngày bố tôi đều đến thăm mẹ tôi. Họ đã có khoảng thời gian hạnh phúc nhất. Khi mẹ sinh đứa con trai đầu lòng, tức anh hai tôi, thì bố bị ông bà nội ép hôn với con gái một nhà giàu có. Ban đầu bố nhất quyết cự tuyệt. Nhưng rồi sau cùng ông cũng nghe theo vì sợ “làm đau lòng bố mẹ”. Lúc biết tin, mẹ không trách ông nửa lời, vẫn mỉm cười gật đầu như thật sự hiểu cho nỗi khổ tâm của ông. Bố tôi lại tiếp tục hứa, chỉ thời gian ngắn thôi, sẽ đưa mẹ về nhà.

Vậy mà…

Hơn một năm sau, bố tôi lấy vợ thứ. Đến gặp mẹ tôi, ông quỳ gối trên giường, chẳng nói lời nào. Đối diện, mẹ không làm gì ngoài việc mỉm cười. Gật đầu.

Hai năm lần lượt trôi qua, bốn mùa thay màu áo. Xuân hạ thu đông vẫn tuần hoàn. Mẹ tôi sinh đôi, hai trai. Đó là anh ba và anh tư của tôi. Ấy thế trớ trêu thay, ông bà nội vẫn chưa chấp nhận mẹ tôi mà ép bố tôi lấy thêm vợ ba.

Bố tôi cứ thế. Im lặng nghe theo.

Ngày họ hàng bên nội mừng lễ cưới, mẹ tôi lặng lẽ bồng hai đứa con trai mới sinh nhìn bố tôi từ xa. Bà không nhớ gì ngoài vị mặn trên môi và nụ cười hạnh phúc của người đàn ông ấy. Bà không trách, chỉ buồn cho thân phận mình.

Bắt đầu từ lúc đó, bố tôi không đến thăm mẹ tôi nhiều như trước nữa. Ban đầu là mỗi ngày, tiếp theo là mỗi tuần rồi mỗi tháng, cuối cùng là nửa năm ông mới đến mái nhà tranh quạnh quẽ này. Không còn ánh mắt ân cần, cử chỉ dịu dàng hoặc những lời hứa hẹn yêu thương, bố tôi trở nên lạnh nhạt hơn. Ông ít nhìn mẹ tôi. Chỉ ôm ba đứa con trai chốc lát rồi lại trở về.

Đêm cuối cùng bố ở cạnh mẹ, để rồi sinh ra tôi. Sự ra đời của đứa con gái cũng là thời khắc kết thúc tình cảm của bố nó dành cho mẹ nó.

Kể từ dạo ấy, bố tôi không đến nữa. Trong mái nhà tranh, chỉ duy nhất bốn mẹ con sống cùng nhau. Giống hệt mẹ tôi và bà ngoại năm nào.

Để nuôi bốn con, mẹ tôi phải làm thuê. Mỗi ngày cứ sáng tinh mơ, bà rời khỏi nhà từ sớm và trở về lúc tối mịt. Lúc này, anh hai tôi đã mười tuổi, biết chăm em và nấu cơm. Lạ là, anh ba, anh tư và tôi rất ngoan. Không đứa nào quấy khóc dù còn nhỏ. Bốn chúng tôi thường ngồi sát vào nhau trên chiếc giường, trông ngóng mẹ về. Tôi nhớ nhất những ngày mưa lũ, mái tranh dột nước còn bên dưới nước ngập tràn hết vào nhà, chúng tôi ôm nhau co ro. Vừa lạnh vừa sợ, đôi mắt trẻ thơ non dại nhìn vào màn mưa trắng xoá mong ngóng mẹ.

Được thời gian, mẹ tôi không làm thuê vào những ngày mưa nữa. Bà không yên tâm khi để chúng tôi ở nhà. Dưới mái che của ngôi nhà nhỏ, ngắm nhìn những hạt mưa buông mình lên mảnh đất khô cằn, mẹ và bốn chúng tôi đều lắng nghe niềm mong nhớ cất tiếng sầu não qua những vết nứt nẻ trên đất. Thấm vào tận cõi lòng héo tàn của người vợ không chồng và những đứa con không cha.

Những ngày mưa qua đi, đến năm tháng đói khát vì mất mùa. Không ai thuê, mẹ tôi không có việc làm. Nhìn đám con khóc đòi ăn, bà kéo vạt áo lau nước mắt. Thương. Sau cùng, mẹ tôi phải qua nhà từng người xin bát cơm, bát khoai. Tôi còn nhớ như in cảm giác mừng rỡ khi thấy củ khoai lang luộc bốc khói nghi ngút. Tôi nghe rõ cái đói cồn cào trong mình. Thế là ngay lập tức, bốn anh em xúm vào giành lấy ăn. Vì tôi nhỏ nhất, lại là con gái nên bao giờ cũng thua và bị đá đít ra ngoài vòng tranh giành đó. Tôi mếu máo, ngồi khóc ấm ức. Những lúc như thế, mẹ hay xoa đầu rồi cẩn thận lấy củ khoái trong túi áo ra đưa cho tôi. Bà lúc nào cũng giành phần cho tôi từ trước. Nằm trong lòng mẹ, tôi chăm chú nhìn củ khoai nóng hổi được bà bốc vỏ. Rất nhanh, tôi đón lấy khoai và ăn ngon lành. Nhưng được một lúc, tôi ngước nhìn mẹ hỏi: “Mẹ không ăn ạ?”

“Mẹ no rồi. Con ăn đi.” Mẹ mỉm cười dịu dàng, ôm siết tôi vào lòng.

Tôi quá non nớt nên không hiểu rằng, mẹ đang nói dối. Bởi, vào những buổi tối, khi ba anh trai tôi đã chìm vào giấc ngủ thì tôi bắt gặp cảnh mẹ ngồi lặng lẽ vét từng hột cơm, miếng khoai còn sót lại của con, mà ăn.

Tôi nằm đấy. Lặng im, không nhúc nhích nhưng hiểu tất cả. Nước mắt lăn dài.

Khi tôi tròn mười tuổi, bố tôi ngã bệnh qua đời. Trước khi chết, ông vẫn không gặp mặt mẹ tôi và bốn đứa con mình đã lãng quên qua nhiều năm.

Đời cay đắng.

Ba người vợ của bố tôi tranh nhau quyền thừa kế cho con. Nhưng con của họ đều là gái. Chỉ duy mẹ tôi sinh đến ba trai. Cũng bởi vậy, ông bà nội bắt đầu lui tới ngôi nhà nghèo nàn này, với lý do con mất nên cần cháu.

Tôi biết họ hàng bên nội trọng nam khinh nữ. Vì tôi không bao giờ được ông bà nội để mắt đến. Đối với họ, chằng hề có tình thương dành cho cháu mà chỉ mong có người nối dõi tông đường.

Được một năm, ông bà nội muốn đưa ba anh tôi về nhà chăm sóc và cho ăn học tử tế. Ban đầu mẹ không đồng ý nhưng sau đó nghĩ đến tương lai của con nên sau cùng bà đành chấp nhận. Năm đó, anh trai lớn nhất của tôi tròn mười lăm.

Tôi ở lại với mẹ. Ngôi nhà tranh trước đây luôn rộn ràng tiếng cười đùa thì giờ đây hiu hắt buồn bã. Mẹ cố gắng làm việc để cho tôi được đến trường.

Năm mười ba, tôi học trong lớp của một thầy giáo trung niên hiền lành. Thầy rất yêu quý học sinh, đặc biệt là tôi. Thầy thỉnh thoảng vẫn ghé nhà cô học trò nhỏ mồ côi bố, đôi khi là để đưa nó bịch bánh, cây kẹo hoặc trái cây. Thầy gặp mẹ tôi vài lần và cũng biết chút ít về cuộc đời không may mắn của bà. Ban đầu mọi thứ vẫn bình thường nhưng dần dà, tôi để ý thầy lui tới nhà mình nhiều hơn. Đến nỗi, cứ hễ chiều tan học là thầy lại nắm tay tôi dẫn về tận nhà. Tôi thấy thầy và mẹ ngồi hàn huyên tâm sự rất lâu. Nhiều lúc, mẹ còn mời thầy ở lại dùng cơm. Và thầy thường đồng ý. Mãi tối mịt, thầy mới về.

Những chuyện lạ trong làng thường truyền đi rất nhanh. Chẳng hiểu vì sao những phụ nữ goá chồng càng bị để ý nhiều. Dĩ nhiên, mọi người bắt đầu dèm pha. Ngay cả trong lớp, tôi cũng nghe đám bạn xì xầm to nhỏ sau lưng. Thậm chí có đứa còn nói thắng trước mặt tôi: “Mẹ mày muốn làm bà giáo à?”

Tôi lắc đầu bảo không. Chúng bạn cười phá lên rồi đẩy ngã tôi và chạy đi, hét to: “Mẹ nó muốn dụ dỗ thầy giáo!”

Lúc đầu tôi mặc cảm kinh khủng. Tiếp theo, tôi bỗng dưng ghét thầy. Không còn niềm vui rạng rỡ khi nhận được bịch bánh cái kẹo. Không còn hớn hở khi được thầy nắm tay đưa về nhà. Giờ, tôi đẩy tất cả những sự quan tâm đó ra xa. Chẳng riêng thầy mà tôi còn bắt đầu mang suy nghĩ kỳ quặc đối với mẹ. Vì mỗi lần ra khỏi nhà đi đâu đó là tôi lại thấy người ta chỉ chỉ trỏ trỏ mình, nói to nhỏ với nhau. Hiển nhiên là đề tài xoay quanh mối quan hệ giữa mẹ tôi và thầy.

Một thời gian sau, lời bàn ra bàn vào này đến tai họ hàng bên nội tôi. Ông bà nội và vài người trong gia đình đến tận nhà tôi, tỏ rõ thái độ khó chịu với mẹ. Bà không nói gì, chỉ im lặng. Rồi cả ba người anh của tôi, lúc này đã học xong cấp III chuẩn bị lên thành phố học đại học, cũng đến đây vặn hỏi mẹ đủ điều.

Mẹ chỉ nhìn ba con trai, nhẹ nhàng nói rằng:

“Mẹ chẳng làm chuyện gì để các con phải xấu hổ cả. Mẹ và thầy giáo như hai người bạn tri âm tri kỷ. Mẹ mất chồng, thầy ấy không vợ. Dù cả hai có muốn đến với nhau cũng không trái với lẽ thường.”

Dẫu lời mẹ chẳng sai nhưng ba anh tôi nhất quyết không chịu để mẹ tiến thêm bước nữa. Họ bảo như thế thật không tốt.

“Mẹ đã có tuổi rồi, cứ sống yên ổn với con cháu là được.”

“Mẹ làm vậy, lối xóm bàn tán. Thật, chúng con cũng thấy mất mặt.”

“Phải đó. Nếu mẹ buồn thì cứ bảo con út nói chuyện cùng là được thôi.”

Mặc những lời của ba anh tôi, mẹ vẫn không phản ứng gì, lẳng lặng vào buồng.

Sau hôm đó khoảng vài ngày, vào buổi trưa nọ đang dùng cơm, mẹ liền hỏi tôi:

“Út này, con nghĩ gì về chuyện mẹ và thầy giáo con?”

“Con không biết nữa.” – Tôi đảo mắt, đáp như tránh né vấn đề này.

“Con có nghĩ giống như ba anh con?”

Tôi ngừng ăn. Rõ ràng là tôi cũng cùng suy nghĩ với ba người anh của mình. Tôi biết từ lâu bố không còn yêu mẹ và bà thật ra chẳng có danh phận gì trong gia đình chồng. Nói đơn giản rằng bà không được biết đến với tư cách một người phụ nữ đã có chồng. Nhưng kỳ thật, tôi vẫn khó chịu trước việc bà sẽ tiến thêm bước nữa, chưa kể đấy lại là thầy giáo tôi. Khi đó, tôi đã mang suy nghĩ ích kỷ: muốn mẹ sống mãi như thế. Vì vậy tôi trả lời chẳng chút ngần ngại:

“Con biết mẹ cô đơn nhưng cứ giống hiện tại vẫn tốt hơn. Con và ba anh cũng không muốn phải có thêm bố dượng.”

Tôi thấy mẹ nhìn mình. Rất lâu. Đôi mắt ấy dường như chẳng hề có cảm xúc nào hoặc cũng có thể bà muốn giấu đi những suy nghĩ thật sự trong mình.

“Mẹ hiểu rồi.”

Mẹ tôi gật đầu mỉm cười, vẫn với dáng vẻ nhẹ nhàng như lúc ban đầu…

Vào buổi chiều hôm đó, tôi thấy thầy đến nhà mình. Thầy và mẹ tôi nói chuyện ở sân sau. Khá lâu. Không như mọi lần, trời chưa tối là thầy đã ra về. Và đấy cũng là lần cuối thầy đến ngôi nhà quạnh quẽ này. Tôi biết, mẹ đã từ chối ông. Vì lối xóm. Vì những lời bán tán. Vì dòng họ bên nội. Và vì… bốn chúng tôi. Như một lẽ hiển nhiên phải đến, lời dèm pha về mẹ tôi dần dần không còn nữa.

Mọi người bên họ nội và ba anh trai tôi vui vẻ vì điều đó.

Tôi cũng thế.

Nhưng có một thứ đã không còn như xưa. Đó là nụ cười của mẹ. Từ dạo ấy, tôi ít khi thấy mẹ cười. Nhiều lần, tôi thấy bà trầm tư ngồi lặng lẽ bên cửa sổ. Đôi mắt nhuốm đầy mỏi mệt trở nên vô định và hướng về một nơi nào xa xăm. Đôi lần tôi hỏi thì bà lại bảo: “Mẹ nhớ cố hương.” Tôi mỉm cười, lặng im.

Khi chuyện “tái hôn” của mẹ qua đi thì lần lượt ba anh trai tôi lên thành phố học đại học. Rồi tiếp theo đến lượt tôi. Cái đêm trước ngày tôi đi, mẹ không nói gì lẳng lặng gói gém đồ đạc cho tôi thật cẩn thận. Thế mà ngày đưa tiễn, mẹ chợt nắm chặt tay tôi lúc tôi chuẩn bị lên xe lửa. Không nói gì, bà nhìn tôi buồn da diết. Những giọt nước mắt ứa ra từ các vết chân chim. Đối diện, mắt tôi đỏ hoe cay xè. Dẫu vậy, tôi vẫn phải buông tay mẹ và bắt đầu chuyến hành trình đầu tiên của đời mình. Tôi nhớ mãi bầu trời hôm ấy. Rạng nắng sáng.

Tôi đặt chân lên thành phố. Ngỡ ngàng với cảnh nhộn nhịp sa hoa của đô thị. Mọi thứ đều rất khác so với quê nội tôi. Tôi được anh hai cho học ở trường cấp III tốt nhất. Lúc đầu tôi còn lạ lẫm nhưng rồi quen dần với lối sống nhộn nhịp hối hả ở thành thị. Mỗi ngày đều đặn, trước khi ngủ tôi đều gọi điện cho mẹ. Nghe chất giọng trầm ấm của bà thì lòng tôi bình yên hẳn, bao mệt mỏi như tan biến. Nhưng việc này của tôi chỉ kéo dài hơn một năm. Lên lớp mười một, tôi không còn thói quen gọi điện cho mẹ vào mỗi tối. Vì tôi có nhiều thứ phải làm. Bài vở, học thêm và những cuộc đi chơi với lũ bạn. Dần dà, một tuần rồi một tháng sau đó là ba bốn tháng tôi mới chợt nhớ và cầm điện thoại lên. Nhiều lần mẹ nói tôi về thăm nhà, tôi gật đầu nhưng rồi lại thất hứa và hẹn lần sau. Và lúc nào mẹ cũng cười, bảo sẽ chờ.

Ngày qua ngày. Tháng qua tháng. Năm qua năm. Có nhiều thứ người ta dần quên lãng. Những cuộc gọi hay những lá thư gần như biến mất.

Tôi và kể cả ba anh.

Vì luôn nghĩ rằng, mẹ vẫn còn đó trong ngôi nhà ấy, chờ chúng tôi về.

Nhưng cho đến một ngày, mọi thứ hoàn toàn thay đổi.

Vào buổi tối nọ, vừa về đến nhà là tôi thấy anh hai chuẩn bị đồ đạc và nói gấp: “Út, thu xếp quần áo rồi anh em mình về quê ngay.”

“Chi vậy?”

“Mẹ mất rồi.”

Tôi đứng yên. Cảm tưởng mọi thứ xung quanh đột nhiên biến mất…

Đó là ngày rạng nắng sáng. Tôi và ba anh đeo tang, đưa tiễn mẹ về thế giới bên kia. Tôi đi cuối cùng, đầu óc trống rỗng không tồn tại suy nghĩ gì. Chỉ nhớ duy nhất lời kể lại của hàng xóm.

Vài tuần trước, mẹ tôi bất ngờ biến mất. Chẳng ai biết bà đi đâu, ở đâu. Người ta chia nhau đi tìm khắp làng mà không thấy. Nhưng khoảng năm ngày sau, mọi người nhận được tin mẹ tôi trở về cố hương và chết trong rừng.

Ai cũng lấy làm lạ về cái chết của mẹ tôi. Những người bên họ nội nói mẹ tôi già, đầu óc lú lẫn nên nghĩ quẩn tìm cái chết. Ba anh tôi không nói lời nào.

Riêng tôi, hiểu tất cả.

Mẹ tôi tìm đến cái chết là bởi bà muốn được giải thoát. Cuộc đời bà có gì?…

Lúc nhỏ, mẹ tôi chờ đợi ông ngoại.

Khi gặp bố tôi, bà lại chờ ông.

Khi chúng tôi lớn lên, bà tiếp tục đợi với mong mỏi tất cả sẽ quay về.

Và lúc nào, bà cũng luôn chờ hạnh phúc trọn vẹn sẽ đến với mình.

Nhưng, những thứ mà mẹ tôi bỏ cả đời để đợi chờ lại không bao giờ đến bên bà.

Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt của ba anh trai và của chính tôi, thiết nghĩ có lẽ đây là sự trừng phạt dành cho chúng tôi.

Những đứa con mang trái tim chỉ biết nhận mà không bao giờ biết cho đi.

Bỗng nhiên tôi nhớ lại câu trả lời của mẹ thuở xưa, khi tôi hỏi lý do vì sao những phi tần luôn tranh giành tình yêu của các đế vương: “Vì họ quá cô đơn.” Cố hương của mẹ tôi là vùng đất cằn cõi như sa mạc. Thỉnh thoảng chỉ có vài trận mưa lớn. Khi nước mưa trút xuống, dù thấm hết vào đất nhưng vẫn không thoả được cơn khát của đất sa mạc. Cũng giống như sự khao khát hạnh phúc của những người phụ nữ có chồng nhiều vợ, chưa bao giờ là đủ…

Năm mười tám, tôi mất mẹ.

Năm mười tám, tôi mới hiểu… Nhiều lúc ta vô tình đánh rơi mất yêu thương ở đâu đó trên chuyến hành trình của cuộc đời. Và khi nhớ ra, quay lại tìm thì đã quá trễ. Có những điều – cuộc sống không cho ta lần thứ hai.

Tôi quyết định mang tro cốt của mẹ rời khỏi đây – nơi mà bà chưa bao giờ hạnh phúc. Lúc còn sống, mẹ tôi đã không ở cạnh cố hương vì vậy tôi muốn lúc chết thân thể bà được về đó…

Ngồi trên xe, tôi ôm hủ cốt mẹ và đưa mắt nhìn lần cuối nơi mình sinh ra. Tôi sẽ không quay lại đây nữa vì người tôi muốn gặp đã không còn. Bất chợt, tôi tưởng tượng cảnh vài ngày trước mẹ về lại cố hương rồi chết…

Đôi khi trở về là để ra đi mãi mãi

Nguồn: truyen8.mobi/t122592-giua-chung-minh-tung-co-mot-tinh-yeu-sa-mac-can-muavo-anh-tho.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận