Chương 1 Lươn Rừng U Minh những năm 1940…
Con kênh thứ Mười, phía trái tính từ Sông Cá Lớn, chảy ra biển, từ một năm nay có một gia đình từ xa đến định cư xây nhà ở ngay ngã ba kênh. Hai vợ chồng tuổi trên bốn mươi, chỉ có một mụn con, lại là gái, nhưng xem ra họ sống khá hạnh phúc. Người chồng giỏi giang. Ngoài nghề đi rừng mật ong, còn có biệt tài đặt trúm bắt lươn. Cả vùng gần đó điều thán phục tài đặt ba chục ống trúm thì tất cả đều có lươn chui vào. Có người cho rằng Năm Tỵ, tên người đàn ông, có bí quyết pha chế mồi, cho nên quyến rũ lũ lươn bằng mọi cách phải chui vào trúm. Cũng có người đồn rằng do Năm Tỵ có “bùa ngãi” nên lươn hay rắn hễ đi ngang qua trúm đều phải chui vô!
Năm Tỵ mặc cho những lời đồn đại, anh ta cứ ngày ngày làm công việc của mình, kiếm cơm nuôi vợ con. Mùa nước nổi năm đó lươn cá quá nhiều, nên có đêm Năm Tỵ phải ra đồng thăm trúm hai lần, mà lần nào cũng bắt được vài chục con lươn vàng ngậy. Bà vợ Năm Tỵ đem ra chợ bán đến đỗi “dội chợ”, nên có người khuyên sao không chế biến ra những món ăn khác bán cho thiên hạ ăn bớt vì số lươn quá nhiều.
Và Năm Tỵ đã nghe theo. Vợ chồng anh cùng cô con gái 16 tuổi mỗi buổi sáng sớm và xế trưa đều nấu nồi cháo lươn bán cho mọi người ăn sáng và ăn giặm buổi chiều. Ban đầu tính làm chơi, không ngờ hàng cháo ở ngã ba kênh lại bán chạy như tôm tươi! Thứ nhất là do cây nhà lá vườn nên chủ quán bán giá rẻ, vừa túi tiền của người nghèo, nhưng quan trọng hơn có lẽ là do chất lượng cháo.
Nhiều người ở xa nghe nói một nông dân mà nấu cháo lươn ăn ngon thì không tin. Nhưng khi đã một lần đến ăn thử thì đều phải công nhận là đúng. Có người thắc mắc hỏi bí quyết nấu thì Năm Tỵ thật thà nói:
- Đâu có gì đâu, bởi trước đây tui sống ở Biển Hồ Campuchia, nên có học theo cách nấu cháo lươn của bản xứ, họ nấu cháo bỏ thêm huyết lươn, nên nước ngọt hơn bình thường.
- Hèn chi…
Nhìn cái màu cháo hơi nâu nâu, có người hơi nhợn, nhưng nhiều người vẫn công nhận:
- Đúng là có máu lươn vào nó ngọt lạ thường!
Từ ấy người ta gọi luôn món cháo đó là cháo huyết lươn.
Cái quán lá của Năm Tỵ bắt đầu nổi tiếng như cồn! Đến nỗi ông chủ quán không còn đủ sức đêm đêm đi ra ruộng đặt trúm bắt lươn nữa, mà phải dặn nhiều mối lái mang lươn tới mới đủ bán.
Qua mùa nước nổi thì lượng lươn bắt được ít đi, nên vợ Năm Tỵ phải đi ra các chợ xa để thu mua. Một hôm Năm Tỵ bảo:
- Để tui qua bên chợ Thứ Mười Một coi có mối chở lươn từ vùng khác tới bán không, tôi sẽ mua rồi dặn họ mang tới tận nhà cho mình.
Anh chèo ghe đi từ sáng sớm mà mãi tới khi mặt trời lên khá cao mới tới nơi. Chợ đã tan gần hết, nhất là dãy bán cá, lươn, chỉ còn lại đúng một người bán. Năm Tỵ hơi thất vọng, nghĩ là mình đã lỡ chuyến chợ hôm nay, tuy nhiên cũng bước tới hỏi thăm:
- Chị còn gì để bán không?
Câu trả lời thật bất ngờ:
- Chỉ còn có lươn, còn cá tôm thì hết sạch rồi.
- Ừ, thì lươn. Tôi cần mua lươn.
Chị bán hàng mau miệng:
- Lươn còn nhiều, tui bán hạ giá cho anh, để còn về sớm.
Nhìn chiếc thùng thiếc lớn đậy nắp kín. Năm Tỵ biết là nhốt lươn trong đó, tiện tay giở nắp ra,vừa hỏi:
- Còn nhiều không chị?
- Cả một thùng luôn! Chẳng biết bữa nay gặp ngày gì mà bán từ sáng tới giờ chỉ được có nửa ký lươn buồn ngủ gần chết.
Những con lươn theo truyền thuyết thì nếu sống quá mười năm sẽ biến hình thành con vật khác, chúng là những con vật có linh hồn, máu của nó giống như máu người