Chương 20 Amy Elliott Dunne 21 tháng 7 năm 2011 -Nhật ký-
Tôi đúng là một con ngu. Đôi khi tôi tự nhìn mình và nghĩ: Chẳng trách sao Nick thấy tôi nực cười, nhỏ mọn, hư hỏng, so với mẹ anh ấy. Maureen đang yếu dần. Bà che giấu căn bệnh của mình đằng sau những nụ cười rạng rỡ và những chiếc áo thêu chui đầu rộng thùng thình, đáp lại mọi lời hỏi thăm về sức khỏe của bà với câu như: "Ồ, mẹ ổn, nhưng con thì thế nào, con yêu?" Bà đang quỵ dần, nhưng không chấp nhận sự thực đó, vẫn chưa. Vì vậy sáng hôm qua bà gọi điện cho tôi, hỏi tôi có muốn đi một chuyến với bà và bạn bè của bà không - bà đang có một ngày cảm thấy khỏe, nên muốn ra khỏi nhà mỗi khi có thể - và tôi đã đồng ý ngay lập tức, mặc dù biết họ sẽ chẳng mấy thu hút tôi: chơi bài pinochle, bridge, hoặc tham gia hoạt động nào đó tại nhà thờ.
"Mười lăm phút nữa chúng ta sẽ có mặt ở đó." Bà nói. "Mặc áo cộc tay nhé."
Lau dọn. Chắc hẳn là lau dọn rồi. Một việc gì đó cần phải để khuỷu tay được thoải mái. Tôi mặc chiếc áo cộc tay, và chính xác mười lăm phút sau, tôi mở cửa đón Maureen, đầu trọc đội chiếc mũ len đan, đang cười khúc khích với hai người bạn. Họ đều mặc áo phông có những miếng đính trang trí giống nhau, đều là hình chiếc chuông thắt dải nơ, với dòng chữ Các bà mẹ huyết tương được sơn ngang qua ngực áo.
Tôi tưởng họ vừa lập một nhóm nhạc doo-wop, nhưng rồi tất cả chúng tôi leo lên chiếc Chrysler cũ kỹ của Rose - chiếc xe thất thập cổ lai hy, một trong số những chiếc có ghế trước xoay được khắp tứ phía, một chiếc xe bà già sặc mùi thuốc lá phụ nữ. Chúng tôi vui vẻ khởi hành tới trung tâm hiến tặng huyết tương.
"Chúng ta đến đó mỗi thứ Hai và thứ Năm." Rose nhìn tôi qua gương chiếu hậu và giải thích.
"Ồ." Tôi đáp. Có lời nào khác được nữa chứ? Ồ, những ngày huyết tương thật tuyệt vời!.
"Con được phép hiến tặng hai lần một tuần." Maureen nói trong khi chiếc chuông trên áo bà kêu leng keng. "Lần đầu tiên con sẽ được hai mươi đô-la, lần thứ hai là ba mươi. Đó là lý do hôm nay ai cũ̃ng vui vẻ."
"Cháu sẽ rất thích cho mà xem." Vicky nói. "Mọi người chỉ ngồi và buôn chuyện, như ở tiệm làm đẹp vậy."
Maureen siết chặt cánh tay tôi và thì thào. "Mẹ không thể hiến tặng được nữa, nhưng mẹ nghĩ có thể ủy quyền cho con. Đấy có thể là một cách hay để con có thêm chút tiền để dành - sẽ tốt cho một cô gái khi có ít tiền riêng cho mình."
Tôi cố nuốt cơn giận đùng đùng: Con đã từng có nhiều hơn một chút tiền riêng cơ, nhưng con đưa cả cho con trai mẹ rồi.
Quanh quẩn bên ngoài khu vực đỗ xe là một người đàn ông gầy gò khoác chiếc áo jeans nhỏ xíu. Dù vậy, bên trong bãi đỗ khá sạch sẽ, sáng sủa, có mùi gỗ thông và những tấm áp-phích Công giáo được treo trên tường, hình những chú chim câu và lớp sương mù. Thế nhưng, tôi biết rằng mình không thể làm được việc này. Những mũi kim. Máu. Tôi không chịu được thứ nào cả. Thực sự tôi không có nỗi ám ảnh sợ hãi nào khác thuần túy ngoài hai thứ đó. Tôi là một cô gái có thể ngất lịm đi chỉ vì bị cạnh giấy cứa vào tay, hay bất cứ những gì là sứt da như lột, cắt, hay chích. Trong các đợt hóa trị của Maureen, tôi chưa bao giờ nhìn khi họ chích kim cả.
"Chào, Cayleese!" Maureen lớn tiếng chào khi chúng tôi bước vào. Một người phụ nữ da màu trông nặng nề trong bộ đồng phục y khoa lơ đãng đáp lại. "Chào bà, Maureen! Bà khỏe không?"
"Ồ, tôi khỏe, khỏe thôi - còn chị khỏe không?"
"Mẹ đã làm việc này được bao lâu rồi?" Tôi hỏi.
"Một thời gian rồi." Maureen trả lời. "Cayleese được mọi người yêu mến, chị ta chích kim rất nhẹ nhàng. Như thế rất tốt cho mẹ, bởi mẹ có băng cuộn rồi." Bà chìa cẳng tay với những tĩnh mạch xanh xao yếu ớt ra. Lần đầu tôi gặp Maureen, bà béo mập, nhưng giờ không còn thế nữa. Thật kỳ quặc là trông bà khi béo thực ra lại đẹp hơn. "Thấy không, thử đặt ngón tay của con lên tĩnh mạch mà xem."
Tôi nhìn quanh, mong là Cayleese sẽ đưa chúng tôi vào.
"Thử đi, nào."
Tôi chạm đầu ngón tay vào tĩnh mạch và cảm giác nó giật giật lên từ phía dưới. Một luồng khí nóng đột ngột ập đến tôi.
"Vậy ra, đây là lính mới của chúng ta sao?" Cayleese hỏi khi đột nhiên xuất hiện bên cạnh tôi. "Maureen khoe về chị suốt. Nào, chúng tôi cần chị điền vào một số giấy tờ..."
"Tôi xin lỗi, tôi không thể. Tôi không chịu được những mũi kim, tôi không chịu được máu. Tôi mắc chứng sợ máu trầm trọng. Thực sự tôi không thể làm được."
Tôi nhận ra là hôm nay tôi chưa ăn gì cả̉, và một cảm giác choáng váng ùa đến. Cổ tôi như nghẹn lại.
"Mọi thứ ở đây đều rất vệ sinh, chị đến đúng nơi rồi đấy." Cayleese nói.
"Không, không phải vấn đề đó, thật đấy. Tôi chưa bao giờ hiến máu cả. Bác sĩ của tôi đã rất bực mình vì tôi thậm chí còn không thể làm xét nghiệm máu hàng năm để kiểm tra các chỉ số, như cholesterol chẳng hạn."
Vậy là chúng tôi chờ đợi. Sẽ mất hai giờ đồng hồ, Vicky và Rose đã được gắn các thiết bị lọc máu. Trông như thể bọn họ đang được thu hoạch vậy. Họ thậm chí còn được đánh dấu trên các ngón tay để họ không thể hiến tặng hơn hai lần một tuần ở bất cứ nơi nào - những dấu hiệu này sẽ hiện lên dưới ánh sáng tím.
"Đó là mục James Bond." Vicky nói và tất cả bọn họ đều khúc khích cười. Maureen đang ngâm nga một bản nhạc nền của phim Bond (tôi đoán vậy), còn Rose thì đưa ngón tay mình lên tạo hình một khẩu súng.
"Mấy bà già các người không thể kiềm chế một lần được sao?" Một phụ nữ tóc trắng ngồi cách đó bốn hàng ghế nói lớn. Bà ấy rướn người lên nhìn qua ba người đàn ông đang nằm ngả ra sau, người đầy dầu mỡ - những hình xăm pha lẫn màu xanh dương và xanh lục chằng chịt trên cánh tay bọn họ, râu mọc lởm chởm trên cằm, kiểu đàn ông hiến huyết tương mà tôi hình dung - rồi bà ấy nâng cánh tay lòng thòng của mình lên khoát một ngón tay ra hiệu.
"Mary! Tôi tưởng mai bà mới đến chứ!"
"Tôi đã định thế, nhưng tôi đâu có thất nghiệp chỉ trong một tuần, mà tôi cũng không còn đủ tiền để mua một hộp ngũ cốc và một hộp ngô sốt kem nữa chứ!"
Tất cả bọn họ cùng cười phá lên như thể sắp chết đói là điều rất thú vị vậy - thị trấn này đôi khi thật quá mức, quá tuyệt vọng và quá phủ nhận. Tôi bắt đầu thấy phát ốm, thứ âm thanh lọc máu đó, những ống nhựa dài dẫn máu từ cơ thể sang những chiếc máy đó, sự có mặt của những con người đó, chuyện gì vậy, như đang bị khai thác vậy. Tôi nhìn khắp mọi nơi đều thấy máu, ở bên ngoài kia, ở đó sẽ không có máu. Sâu thẳm và tối sầm, gần như tím lịm.
Tôi đứng dậy đi ra nhà vệ sinh, hất nước lạnh lên mặt. Tôi bước được hai bước thì hai tai ù đặc, hình ảnh trước mắt méo mó, tôi cảm nhận được nhịp tim của mình, máu của mình, và khi khuỵ̣u xuống, tôi đã nói. "Ôi. Xin lỗi."
Tôi không nhớ rõ mình đã về̀ nhà như thế nào. Maureen dìu tôi lên giường, bên cạnh giường là một cốc nước táo ép và một bát súp. Chúng tôi cố liên lạc với Nick. Go nói anh ấy không có ở Quán Bar, mà anh ấy lại không nghe điện thoại di động.
Người đàn ông đó đã biến mất.
"Hồi nhỏ nó cũng như thế đấy - nó là một đứa rất hay lang thang." Maureen nói. "Điều tệ nhất có thể làm là phạt nó ở trong phòng." Bà đặt chiếc khăn lạnh lên trán tôi, hơi thở của bà nồng nồng mùi aspirin. "Việc của con là phải nghỉ ngơi, được chứ? Mẹ sẽ liên tục gọi cho đến khi nó về nhà mới thôi."
Khi Nick về tới nhà thì tôi đang ngủ. Tôi tỉnh dậy nghe tiếng anh ấy đang tắm, và nhìn đồng hồ: 11:04 tối. Chắc hẳn anh ấy đã tạt vào Quán Bar sau cùng - anh ấy thích tắm sau mỗi ca làm việc, để tẩy sạch da mình khỏi mùi bia và mùi bỏng ngô mặn. (Anh ấy nói thế.)
Anh ấy nhẹ nhàng lên giường, và khi tôi quay sang với đôi mắt mở to, anh ấy trông có vẻ giật mình vì tôi đang tỉnh.
"Cả nhà đã cố liên lạc với anh hàng giờ liền." Tôi nói.
"Điện thoại của anh hết pin. Em bị ngất à?"
"Em tưởng anh nói điện thoại của anh hết pin cơ mà."
Anh ấy khựng lại, và tôi biết là anh ấy sắp sửa nói dối. Đó là cảm giác tồi tệ nhất, khi bạn chỉ phải đợi và chuẩn bị tinh thần để nghe một lời nói dối. Nick cần tự do của mình và anh ấy không thích phải biện minh cho bản thân. Anh ấy có kế hoạch với những người bạn cả tuần liền, nhưng sẽ đợi đến khi chỉ còn một giờ trước khi trò poker bắt đầu để nói với tôi một cách lãnh đạm rằng: "Này, anh nghĩ là tối nay anh sẽ chơi poker với mấy thằng bạn, nếu em thấy ổn." Và rồi anh ấy khiến tôi trở thành một kẻ xấu xa giả như tôi có lên một kế hoạch khác rồi. Chẳng ai lại muốn trở thành một người vợ ngăn cấm chồng mình đi chơi poker cả - bạn sẽ không thích sắm vai người đàn bà đanh đá với cả đống lô cuốn tóc và kẹp gài trên đầu. Vì thế bạn sẽ phải cố nuốt nỗi thất vọng và nói ổn thôi. Tôi không nghĩ anh ấy cố ý làm thế, mà đó chỉ là cách mà anh ấy được nuôi dưỡng. Bố anh ấy làm việc của mình, lúc nào cũng vậy, còn mẹ anh ấy thì chịu đựng điều đó. Cho tới khi bà ly dị chồng.
Anh ấy bắt đầu nói dối. Tôi thậm chí chẳng buồn nghe nữa.