Hình Danh Sư Gia Chương 111


Chương 111
Án công tử của tri phủ bị giết

Hạ Phượng Nghi nhìn tình cảnh ấy rất tức cười, nói: "Phu quân, hay là chúng ta đến Thiên Trúc tự dâng hương, thuận tiện giải nóng. Ở đó rừng cây dày đặc, rất thoải mái."

"Thiên Trúc tự hả?" Mạnh Thiên Sở quay lại nhìn tiểu nha hoàn Phi Yến đang đứng phía sau, cười hề hề ra vẻ rất tặc: "Ai, chúng ta có đi Thiên Trúc tự không?"

"Nô tì sao mà biết được, thiếu gia và thiếu phu nhân làm chủ đi." Phi Yến nhớ tới tình cảnh lăn xuống núi, hai má ửng hai đóa hồng.

Mạnh Thiên Sở ngẩng đầu nhìn trời, nói: "Đã sắp trưa rồi, hay là không đi Thiên Trúc tự nữa. Quá xa, đi không kịp đâu. Ta thấy gần ngoài thành có mấy ngôi chùa rất mát mẻ thanh tịnh, chúng ta đi thăm thử coi sao, thế nào?"

Hạ Phượng Nghi đáp: "Tướng công nói cũng đúng, trời nóng thế này đi tới Thiên Trúc sơn chỉ sợ nóng chết thôi. Chúng ta cứ đến mấy chùa nhỏ ngoài thành tùy hỉ hóng mát đi." Đối với nàng chuyện đi dâng hương chẳng qua là muốn đi ra ngoài chơi thôi, ở mãi trong nha môn thật là chán.

Mạnh Thiên Sở dặn dò Mộ Dung Huýnh Tuyết ở lại thư phòng xử lý công vụ, sau đó dẫn theo Hạ Phượng Nghi, Phi Yến ngồi xe ngựa của nha môn chuẩn bị xuất phát. Vừa ra khỏi cửa nha môn, thì họ đã gặp ngay bộ đầu Vương Dịch và bộ khoái Tống Tường Vũ hôm nay được nghỉ theo ca nên mặc đồ thường tùy tiện đi lòng vòng.

Mạnh Thiên Sở khi vừa mới đến Hàng châu đã giúp phá án đặt thây trước cổng nha môn, giải oan khuất cho Vương dịch và Tống Tường Vũ, cho nên hai người cảm kích hắn sát đất, thấy cả nhà định ra ngoài liền cười ha hả hỏi đi đâu, biết là ra ngoài thành dân hương liền anh dũng nhận đi theo xe bảo hộ.

Mạnh Thiên Sở rất hân thưởng tính cách sảng khoái của Vương bộ đầu, cũng lười không nói lời thừa, nhờ thay thêm càng xe, mỗi bên một cái để hai người ngồi rồi giục ngựa kéo ra cổng thành.

Lần này họ lên núi dâng hương du sơn ngoạn thủy mãi tới tối mới trở về thành Hàng Châu.

Xe ngựa của họ về đến cổng thành, Mạnh Thiên Sở đã từ song cửa xe nhìn cửa thành đã bị ngăn lại, có một đội ngũ rất dài đang đứng chờ các quan binh kiểm tra từng người một. Mạnh Thiên Sở vén rèm nói với Vương bộ đầu: "Vương bộ đầu, ông đi xem coi chuyện gì vậy."

Vuơng bộ đầu đáp ứng dừng xe lại, xuống dò hỏi tình hình.

Vương bộ đầu bước tới trước cổng thành, phát hiện sĩ tốt thủ cửa thành rất hung hăng, động tác kiểm tra rất thô lỗ. Những lão bá tánh hơi có chút không thuận heo, liền bị đè xuống ẩu đả. Ông ta không khỏi nhíu mày, chậm bước đến bên cạnh một trung niên thư sinh, hỏi: "Xin hỏi vị huynh đài này, sao cổng thành lại găng quá vậy?"

Thư sinh ấy hạ giọng đáp: "Công tử Kha Trù của tri phủ Kha Càn Kha đại nhân đã chết rồi, nguyên nhân không rõ, cho nên Kha đại nhân hạ lệnh lập trạm tra nghiêm, còn thu phí bảo chứng, nói là sau này tra ra chân tướng rồi sẽ trả lại."

"Làm gì có đạo lý đó chứ! Lập trạm tra xét lại còn thu phí bảo chứng?"

"Hừ, bộ không phải muốn nhân cơ hội này thu món tiền béo bở hay sao."

"Thu nhiều ít?"

"Một người một trăm văn!"

Vương bộ đầu cảm ơn thư sinh, quay trở lại xe ngựa: "Sư gia, chúng ta muốn qua cổng thành e là phải gặp chút trắc trở a."

Mạnh Thiên Sở thò đầu ra ngạc nhiên: "Vậy à? Vì sao?"

"Con trai của tri phủ đại nhân Kha Trù đã chết rồi, nguyên nhân không rõ."

Mạnh Thiên Sở nhíu mày: "Con trai của tri phủ đại nhân chết rồi? Chúng ta sao lại không hay vậy?"

"Có thể là hôm nay chúng ta rời khỏi thành thì hắn chết, tri phủ đại nhân hạ lệnh thiết lập trạm tra xét, còn phải thu phí bảo chứng."

"Tra cái gì a?" Mạnh Thiên Sở hậm hực nói, "Nếu như nguyên nhân chết người không rõ, ngay cả có phải là bị người ta mưu sát không còn chưa tra ra, thế mà lập trạm bắt hung thủ, bắt ai a? Còn không phải là muốn mượn cơ hội vơ vét cho mập sao?"

Vương bộ đầu vội hạ giọng nói: "Hư! Sư gia, lời này không thể nói loạn, đây là mệnh lệnh của tri phủ đại nhân đó a."

Mạnh Thiên Sở gật đầu, "Thôi được, lên xe thôi."

Vương bộ đầu nói: "Dạ!" Xong lên xe ngựa, giục xe quát: "tránh đường! Công vụ nha môn, mau tránh đường!"

Xe ngựa đến cửa thành bị một sĩ tốt cao ốm chặn lại, bước tới hỏi với vẻ rất dữ dằn: "Các ngươi từ đâu đến, đi đâu?" Nói xong, ánh mắt có vẻ gian tà nhìn vào trong xe.

Vương bộ đầu tuy là bộ khoái, nhưng gặp phải binh lính cũng không còn cách nào, chỉ đành ráng nuốt cơn giận đáp: "Chúng ta là người của nha mon huyện Nhân Hòa."

Sĩ tốt đó quay lại nháy mắt ra hiệu cho một sĩ tốt khác, người đó gật đầu, chuyển thân đến phong trực ở cửa thành. Sĩ tốt lưu lại hỏi tiếp: "Nha môn à? Yêu bài đâu?"

Hôm nay Vương bộ đầu và Tống Tường Vũ nghỉ phép, do đó chỉ mặc đồ thường. Y sờ sờ vào lòng, phát hiện không mang theo yêu bài, đành mỉm cười nói: "Chúng ta là bộ khoái của nha môn huyện nhân hòa thật, ngồi trong xe chính là sư gia của chúng ta..."

Trong lúc nói chuyện, một người trong bộ dạng quân quan bước tới, vóc dáng cũng không kém gì Vương bộ đầu, thân hình khôi ngô, mặt đầy râu, khoảng chừng ba bốn chục tuổi, trên trán có một vết thương rất rõ.

Sĩ tốt thấy người đó tới, lập tức cười toét mặt: "Tiểu kỳ đại nhân, những người này nói là người trong nha môn huyện Nhân Hòa, nhưng không đưa ra yêu bài, làm sao đây?"

Nghe theo lời thì vị quân quan này có chức vụ là tiểu kỳ, tương đương tiểu đội trưởng trong quân đội hiện nay.

Tiểu kỳ nghe thế sầm mặt bảo: "Lời thừa gì thế, không có yêu bài thì ai biết hắn là quỷ quái phương nào! Mẹ! nhất luật thu phí, đưa yêu bài ra thì thối tiền lại!" Nói xong đưa mắt nhì vào trong khoang xe, "Trong xe là người nào? Lão tử coi thử."

Nói xong bước đến trước xe ngựa, đưa tay định vén rèm, Vương bộ đầu vội chụp tay y lại. Vương bộ đầu trời sinh thần lực, đòn trảo này rất mạnh, tên tiểu kỳ đó chỉ cảm thấy thân người như điện giật, biết là gặp phải cao nhân, sắc mặt biến hẳn, nhưng không dám phát tác.

Những quân sĩ khác thấy chỗ này xảy ra vấn đề, án tay lên cán đao vây lại.

Tiểu kỳ thấy nửa người tê dại, vội quát lui quân sĩ, cười ruồi với Vương bộ đầu: "Vị huynh đài này, bổn quan là phụng mệnh hành sự, vào ra cổng thành đều phải kiểm tra, mong thông cảm."

Mạnh Thiên Sở ở trong khoang xe nói vọng ra: "Không sao, Vương bộ đầu, cứ để hắn xem đi, bọn họ cũng phụng mệnh hành sự, chúng ta đừng làm khó họ."

Vương Dịch cũng không dám làm quá, từ từ bỏ cổ tay tên tiểu kỳ ấy ra.

Tiểu kỳ xoa xoa cổ tay, bước tới trước cẩn thận vén một góc rèm xe ngựa nhìn vào trong, thấy có một nam tử trẻ tuổi ngồi cùng hai thiếu nữ. Nam dĩ nhiên là Mạnh Thiên Sở có thân hình vạm vỡ, dựa vào người hắn là Hạ Phượng Nghi, bên cạnh là nha hoàn Phi Yến.

Tiểu kỳ vừa nhìn thấy dung nhan xinh đẹp tuyệt luân của Hạ Phượng Nghi mặc bộ đồ hồng cánh sen, trên còn có khăn choàng màu đỏ, môi đỏ răng trắng, tức thời mắt sáng rực lên.

Người đời có câu Tô Hàng xuất mỹ nữ, trong khi đó bản thân y thân ở Hàng Châu thành mà chưa bao giờ nhìn thấy nữ tử tuyệt sắc thế này. Mắt tên tiểu kỳ này lạc lên người Hạ Phượng Nghi là không còn dời đi được nữa, nhịn không được nuốt nước bọt một cái ực.

Hạ Phượng Nghi chán ghét ngoảnh mặt sang một bên, Phi Yến thì trừng mắt nhìn hắn.

Vương bộ đầu đưa tay ngăn thị tuyến của tên tiểu kỳ, kéo rèm lại, mỉm cười nói: "Trong xe là Hình danh sư gia của nha môn cùng phu nhân và tiểu nha hoàn, không có ai khác."

"À, được, vậy thỉnh các vị trả ngân lượng rồi vào thành đi. Chờ các vị lấy yêu bài ra, thì sẽ trả bạc lại cho các vị." Tên tiểu kỳ cười mà thịt không động đậy nhìn Vương bộ đầu.

Vương bộ đầu cũng lười nói lời thừa với y, móc từ trong lòng ra một đĩnh bạc nhỏ, đại khái khoảng 1 lượng quẳng cho y.

Tiểu kỳ đưa hai tay hứng bạc, mặt cười tươi, nhịn không được nhìn về phía rèm, nhất mực thèm thuồng dung mạo tuyệt sắc của Hạ Phượng Nghi. Nhưng hiện giờ nghe nói đó là nội quyến của nha môn sư gia, hiện giờ đã lấy bạc, y thấy vừa tới thì dừng không dám làm quá, nên cười nói: "Quả nhiên là nhà hào sảng! Ha ha ha, được, các huynh đệ, cho đi!"

Xe ngựa tiến vào thành, Mạnh Thiên Sở nói: "Chúng ta trực tiếp đến Tây Tử Tửu Lâu ăn tối, ăn xong về nhà, thế nào?"

Hạ Phượng Nghi ngẫm nghĩ, đáp: "Tiện thiếp nghe nói ở bên Tây Hồ còn có tửu lên tên là 'Tri Vị Quan', làm món Hàng châu rất ngon, hay là chúng ta đến đó thuận tiện xem tình hình tửu lâu của người ta để cải tiến tửu lâu của chúng ta a."

"Được a, đến thỉnh kinh về xem cũng được!"

Xe ngựa đến Tri Vị Quan ở bên Tây Hồ, Mạnh Thiên Sở xuống xe trước, thấy đó là khách sạn ở cửa có treo một mộc bài, trên dùng lối chữ Khải cực nhỏ khắc một bài thơ:

"Tri vị quan lí hữu tư vị,

Lâu ngoại lâu tiền bất kiến lâu;

Hoa cảng quan ngư tư y nhân,

Khúc viện phong hà thị giai âm"

Tạm dịch:

"Vào Tri Vị Quán nếm vị riêng

Đến Lâu Ngoại Lâu chẳng thấy lầu;

Dựa hoa xem cá mơ người ấy

Một phớt gió sông đón tin vui."

(Chú: Tri vị quán, Lâu ngoại lâu, Hoa Cảng Quan Ngư đều là danh lam thắng cảnh của Hàng châu. ND)

Mạnh Thiên Sở quay đầu lại bảo Hạ Phượng Nghi: "Nương tử, xem bài thơ này nè, thật có ý tứ a!" Mạnh Thiên Sở trước đây đã nghe nói qua mấy cái quán "Lâu ngoại lâu", "Tri vị quán" gì đó rồi, xem ra tửu lâu này có lịch sử lâu đời, ắt là lão điếm trăm năm rồi (*).

Hạ Phượng Nghi bước tới đọc kỹ một lượt, cũng mỉm cười: "Rất có ý tứ". Lúc này, hai điếm tiểu nhị của khách sạn đã chạy đến đón, một tên lo đưa xe ngựa chạy vào hậu viện của tửu lâu, tên còn lại dẫn Mạnh Thiên Sở cùng bốn người còn lại vào đại đường.

Tửu lâu này làm ăn rất tốt, điếm tiểu nhị mời gọi khách lên nhã tọa trên lầu, trước hết đặt lên bàn một bình trà "Minh Tiền" thượng hảo (Chú: Trà búp Minh Tiền, loại trà ngon hái vào trước lúc Thanh minh. ND), rồi dọn ra khăn mặt nóng và hai phần điểm tâm, sau đó mới chào mời các món ăn.

Phi Yến hỏi điếm tiểu nhị: "Các ngươi có món Hàng châu gì ngon không? Ví dụ như Tây Hồ Thố Ngư (cá Tây Hồ sốt chua) gì đó, mau mau dọn lên để chúng ta nếm thử."

"Cô nương có khẩu âm không phải Hàng châu, sao biết Hàng châu chúng tôi có Tây Hồ Thố Ngư?" Tiểu nhị hiếu kỳ nhìn nha hoàn xinh có đôi mắt to trước mặt mình.

Phi Yến hừ một tiếng, nhưng vẫn đắc ý bảo: "Có gì đâu mà kỳ, cũng không phải bí phương cung đình gì, ai mà không biết. Tây Hồ Thố Ngư phải dùng cá côn của Tây Hồ làm mới ngon." Bạn đang đọc truyện được copy tại TruyệnYY.com

"Cô nương nói hoàn toàn chính xác!" Tiểu nhị đó nghe xong càng gật đầu lia lịa.

Mạnh Thiên Sở đã đói đến bụng sôi rột rột rồi, ra vẻ rất khoa trương lau lau miệng: "Xem này, nói mãi ta chảy nước miếng tới bụng rồi đây. Tiểu nhị ngươi quyết định đi là được, mau lên, chỉ cần món có danh của Hàng châu, đặc biệt là của Tây Hồ là được, chúng ta vừa ăn vừa nói."

"Được ạ, vậy tôi thay mặt các vị và phu nhân làm chủ vậy, chọn cho quý vị những món nổi danh Tây Hồ mà quán chúng tôi làm ngon nhất. Các vị trước hết hãy dùng tráng miệng đi đã." Tiêu nhị nói xong xoay người ra cửa, Mạnh Thiên Sở cùng mọi người vừa ăn chơi vừa nói chuyện.

Một lúc sau, tiểu nhị trở lại, trên tay có một cái mâm lớn, trên bày mấy món ăn và chén đủa, tay chân nhanh nhẹn bày lên bàn như cái máy, xong rót rượu rót nước cho mọi người, bới cơm xong cười cầu tài nói: "Các vị quan gia, đây đều là những món ăn đặc sắc của Tri Vị quán chúng tôi, các vị dùng thử."

Mạnh Thiên Sở nhìn các món ăn trên bàn, thấy quả thật rất phong phú, mùi hương xộc vào mũi, màu sắc cũng rất hài hòa, có gà có cá có tôm, liền thò đũa ra mời mọi người ăn lia lịa.

"Quan gia, ngài thấy mùi vị thế nào?" Tiểu nhị nhìn biểu tình của Mạnh Thiên Sở, dè dặn hỏi.

"Ngon! Quả nhiên là ngon, quả nhiên là phong phạm của lão điếm trăm năm a." Mạnh Thiên Sở vừa nhai vừa khen, "Khẩu vị tuyệt hảo như vầy nhất định sẽ lưu truyền cả trăm năm a. Nếu mà ăn không thấy ngon, thì chẳng phải chúng ta là những kẻ háo ăn không có khẩu phúc hay sao?"

Tiểu nhị nghe thế cười tươi như hoa, cảm ơn luôn miệng.

Hạ Phượng Nghi nói: "Hay là để tiểu nhị nói cho chúng ta nghe lai lịch của món Tây Hồ Thố Ngư này đi." Mỗi món ăn không những phải biết chúng được làm như thế nào, mà còn phải biết điển tích hay nguồn gốc xuất phát của nó từ đâu, như vậy mới khiến người ta hoan nghênh. Nàng tự nhiên không bỏ qua cơ hội này.

"Được được, vậy phiền tiểu nhị giảng giải cho chúng ta nghe thử." Mạnh Thiên Sở ăn Tây hồ thố ngư, ngon ngọt thích miệng, quả nhiên danh bất hư truyền.

Tiểu nhị đó hắng giọng định giảng, chợt nghe ở ngoài có tiếng ồn ào. Vương bộ đầu đứng lên mở cửa phòng nhìn, đột nhiên sầm mặt đóng ngay cửa lại.

Tiếng ồn ngoài cửa ngày một gần, trong đó có thanh âm nghe rất quen.

Có tiếng một điếm tiểu nhị nói: "Hồ lão gia, nhã tọa mà ông đòi đã có người ngồi rồi, hay là tiểu nhân an bài cho ông chỗ khác, ông thấy thế nào?"

"Cút con mẹ ngươi đi! Ngươi có biết bổn quan nhất mực ngồi ở chỗ nhã tọa đó không? Ai không biết nhã tọa đó chính là phòng tốt nhất trong Tri Vị quán này của các ngươi, vừa có thể ngắm Tây Hồ, vừa có thể ngắm bọn nha đầu ở Xuân lâu bên cạnh. Bảo những người đó dọn qua chỗ khác cho bọn ta, nhanh lên!" Tiếp đó là tiếng kêu thảm, ắt là điếm tiểu nhị đón khách đã bị đá một cước rồi.

Mạnh Thiên Sở đã nghe ra kẻ vừa nói là tên tiểu kỳ gặp ở cổng thành lúc nãy, nhíu mày bảo, "Sao lại có kẻ hoành hành bá đạo như vậy!"

Chú thích:

(*) Tri Vị quán và Lâu Ngoại Lâu: Là tên những quán ăn nổi tiếng của Trung Quốc, có lịch sử phát triển lâu đời (hơn 100 năm).

- Tri Vị Quán: Không như trong truyện, thật ra thì Tri Vị quán mới chỉ sáng lập 1913, do Tôn Dật Tề (Trai) mở ở khu thương nghiệp sầm uất ở đường Duyên An cạnh Tây hồ (hay Tây tử hồ - hồ của Tây Thi). Năm đó, Tôn Dực Tề hùn vốn với Nghĩa A mở Tri Vị quán, nhưng làm ăn bình bình. Tôn Dật Tề nghĩ món ăn của mình làm ra không thua ai, liền treo bản tám chữ lớn "Dục tri ngã vị, quan liêu tiện tri " (Muốn biết vị của tôi, vào xem thử là biết), gây sự hiếu kỳ cho khách, nên làm ăn ngày càng khắm khá. Ngoài ra, quán còn lấy tiêu chí "chất lượng chí thượng, siêu trị phục vụ" làm con đường phát triển xuyên suốt. Các món ăn đều là tinh hoa, ví dụ như "kê trấp ngân tuyết ngư ", "kiền thái áp tử ", "vũ lâm ngao áp ", "giải hoàng ngư ti", "long phượng song hội ", "lạt tử dương thối ", "giải hoàng cảm lãm ngư ", "nhất phẩm hải tiên chung " nghe rất kêu. Hiện nay, Tri Vị quan được mệnh danh là "Tri vị đình xa, văn hương hạ mã" (Biết vị thì dừng xe xuống ăn, nghe mùi thì xuống ngựa chén).

- Còn "Lâu Ngoại Lâu" cũng là một quán nổi tiếng Trung Quốc từ xưa, nhưng có từ đời Thanh chứ không phải đời Minh như bối cảnh của truyện.

"Lâu ngoại lâu" được sáng lập từ thời Đạo Quang, Đồng Trị, Quang Tự đời thanh, được cho là khoảng năm 1848. Chủ đầu là một văn nhân đời Thanh tên là Hồng Thụy Đường. Ông ta và vợ là Đào Thị Tú Anh từ khi song thân mất đã dời từ Thiệu Hừng Đông Hồ về gần sông Tiền Đường, định cư dưới chân núi Cô Sơn, cạnh Tây Linh kiều, đánh lưới bắt cá mưu sinh. Do hai vợ chồng có quê làm nghề cá ở Thiệu Hưng, nên rất giỏi chế biến các món ăn về cá. Mới đầu, hai người chỉ đánh cá bán, sau đó thấy cả dãi quanh Tây Linh kiều không có quán ăn nào, liền để dành tiền mở một quán nhỏ chỉ là mấy nhà ngang, sau đó từ từ phát triển.

Tên của quán này có hai cách giải thích. Một là từ bài Đề Lâm An Để của Lâm Thăng:

Đề Lâm An để (Đề nhà trạm Lâm An)

山外青山樓外樓,

西湖歌舞幾時休?

暖風熏得遊人醉,

直把杭州作汴州。

Sơn ngoại thanh sơn lâu ngoại lâu,

Tây Hồ ca vũ kỷ thời hưu?

Noãn phong huân đắc du nhân tuý,

Trực bả Hàng Châu tác Biện Châu.

Nam Trân dịch:

Lớp lớp non xanh, lớp lớp lầu

Tây Hồ múa hát đến bao lâu ?

Gió êm đã ngấm say lòng khách

Dám bảo Hàng Châu cũng Biện Châu

Từ câu đầu của bài thơ mà Lâu Ngoại Lâu được đặt tên cho quán. Tương truyền rằng Hồng Thụy Đường đến xin chữ đặt tên quán ở chỗ của đại học giả trứ danh Khúc Viên tiên sinh đường thời, Khúc Viên nói: "Nếu như quán ăn của ngươi có thêm lầu nổi ở ngoài bờ, vậy thì mượn câu của Lâm Thăng đời Nam Tống 'Sơn Ngoại Thanh Sơn Lâu Ngoại Lâu' gọi là "Lâu Ngoại Lâu" đi. Gọi như thế vì đây là một quán ăn có thêm phần quán nổi ở giữa sông, và có lẽ vì thế mà trong bài thơ tác giả dùng mới có câu hai là "Trước Lâu Ngoại Lâu thì không thể thấy được cái lầu ở phía sau, vì bị lầu trước che khuất rồi. (Xem hình)

Cách giải thích thứ hai là ở khẩu hiệu của quán: "Dĩ thái danh lâu, dĩ văn hưng lâu" (Lấy món ăn khiến quán nổi tiếng, lấy văn mà phát triển quán", cho nên mới nói ngoài lâu còn có lâu, chẳng những ăn mà còn có văn hóa ẩm thực bên trong đó nữa. Quả thật, quán này được nhiều danh nhân lịch sử của TQ tới viếng (như Tôn Trung Sơn, Lỗ Tấn, Úc Đạt Phu, Trúc Khả Trinh, Mã Dần Sơ, Phong Tử Khải, Phan Thiên Thọ, Triệu Phác Sơ). Trong lầu được trưng bày trang nhã, sắp bày đẹp đẻ, món ăn chú trọng đến các mặt sắc, hương, vị, hình, chất, lại còn có nhiều loại khác nhau, đặc biệt là cá! Như vậy trong quán còn có quán, quán bán món ăn, và bán cả văn hóa ẩm thực, nên mới gọi là Lâu Ngoại Lâu!

Hoa Cảng Quan Ngư (Dựa hoa xem cá): Đến Hoa Cảng Quan Ngư (Bên hoa xem cá), bạn sẽ vô cùng thích thú khi ngồi bên lầu ngắm đàn cá vàng nhảy múa tung tăng trên mặt nước. Khi màn đêm buông xuống, mặt hồ trở nên lung linh, huyền ảo bởi ánh đèn rực rỡ muôn màu hòa cùng giai điệu ngọt ngào của các nghệ sỹ tài hoa. Du thuyền trên Tây Hồ vào đêm trăng rằm sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp Tam Đàn Ấn Nguyệt nằm giữa Tây Hồ, nơi có ba chiếc tháp đàn bằng đá nhô lên trên mặt nước. Mỗi tháp đàn có 5 lỗ tròn, ban đêm thắp đèn trong tháp, ánh sáng in bóng qua các lỗ tròn xuống mặt hồ trông như một rừng trăng lấp lánh.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/67424


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận