Hương Hoa Tiêu Chương 5

Chương 5
Cuộc họp cán bộ, nhân viên của trường Phan Chu Trinh theo định kì diễn ra đúng như những gì họ đã dự tính.

 

Câu chuyện của thầy Anh Khoa bị đem ra mổ sẻ dưới nhiều gốc nhìn khác nhau. Thầy trở thành một “kẻ tội phạm” trong “xã hội giáo dục”, tiếng nói phản biện của thầy không có giá trị bởi: lý do mà ai cũng biết nhưng không bao giờ dám nói ra: đó là sự vào hùa của một bộ máy chống lại một cá nhân vì cá nhân ngày đi ngược lại guồng máy, muốn cải cách và sáng tạo. Phiên tòa, nơi mà chánh án, viện kiểm sát, luật sư, và bên nguyên về một phe thì “chống trả” chỉ là một thủ tục hành chính cho có màu mè, để việc kết án diễn ra đúng trình tự. Thầy hiệu trưởng của trường là một cán bộ “ưu tú”, năm nay thầy đã sáu mươi tuổi, dễ nhận thấy ở thầy những dấu hiệu đặc trưng là vầng trán tròn láng bóng, tưởng như một tấm gương lồi đặt ở những khúc đèo quanh nguy hiểm. Cặp lông mày đen như hai con sâu róm đang bò mỗi khi thầy cau mày nghĩ ngợi. Thầy rất ít cười, mà hình như chưa ai thấy thầy cười bao giờ, chỉ thấy khí chất của thầy lộ ra cái nét gì đó “cau cau có có”. Người ta bảo thầy rất khó tính, và những ai làm với với thầy phải bài bản và theo trình tự “một” và “hai”. Có một đặc điểm đã phần nào làm nên thương hiệu của thầy, đó là, phong cách ăn mặc. Phải chịu rằng thầy ăn mặc cũng “trình tự” giống như quan điểm sống của thầy. Quanh năm suốt tháng bộ độ vest, loại được may đồng loạt cho những cán bộ công nhân viên nhà nước. Người ta hỏi thầy tại sao thầy không ăn mặc có cá tính hơn? Thầy trả lời rằng: “Người ta sao thì mình vậy, hãy làm theo trật tự”. Cuộc họp hay nói đúng hơn là phiên tòa ngày hôm nay, còn có một nhân vật khác không kém phần quan trọng, góp phần luận tội để đưa đến một bản án khắc nghiệt cho thầy Anh Khoa. Đó là, thầy Hữu Luật. Nói ra người ta lại cười mai mỉa thêm cái trò đời, như màn hài kịch không ngừng tái diễn. Tình yêu đem lại hai trạng thái quen thuộc cho những người trong cuộc. Một là, yêu đời, yêu cuộc sống, yêu cả những loài côn trùng nho nhỏ… một tình yêu bao dung và cao thượng. Hai là, căm thù tất cả, muốn hủy hoại tất cả, ngay cả con ruồi, con muỗi cũng chẳng tha… một tình yêu ích kỉ, nhỏ nhen. Oái ăm thay, hai con người hai số phận, ngồi cùng một chiếc thuyền. Thầy Anh Khoa rơi vào trạng thái thứ nhất, tội nghiệp thầy Hữu Luật rơi vào trạng thái thứ hai. Những đồng nghiệp nữ thường thủ thỉ với nhau về số phận của người thầy đẹp trai nhất trường, nó bảo với nhau rằng: “lắm mối tối nằm không, như thầy Hữu Luật vừa tài giỏi, vừa đẹp trai mà lại ăn phải quả đắng, yêu phải người không thèm mảy may quan tâm đến mình” Thế là, có người bênh vực thầy ngay, cô đồng nghiệp mặt hoa, da phấn nói: “Cũng tội cho thầy, vì từ trước đến giờ có cô gái nào từ chối thầy đâu, làm thầy có tâm lý thắng chắc… ai ngờ gặp phải một “ả giang hồ”, ả này khéo mồi chài, nên bọn đàn ông trong trường này, cả “lão già” cũng bị mê hoặc thì nói gì đến một “thanh niên trai tráng” như thầy Hữu Luật của chúng ta.” Câu chuyện mau chóng kết thúc khi thầy Hữu Luật đi qua chỗ đám đông đang túm tụm, xì xào nhỏ to chuyện “gia đình nhà giáo”. Thầy giữ một thái độ lạnh lùng, điềm tĩnh đến đáng sợ. Mọi người nói đến thầy, rồi chưa đã họ còn đưa ra những nhận định chẳng khác gì đạp thầy xuống vũng bùn, đại loại như: “thầy Hữu Luật là kẻ chiến bại, mà bị bại bởi một tay “nhà quê””. Không có điều gì đau khổ hơn điều đau khổ làm kẻ chiến bại. Với thầy Hữu Luật, sinh ra là để làm người chiến thắng, chiến thắng trong mọi lĩnh vực. Thầy đã gần như đạt được mục đích, cho đến khi… “Hừm” thầy tức giận. Cho đến khi “hắn” xuất hiện. Một kẻ quê kệch đã đe dọa vị thế của thầy, “hắn” như những gì thầy Hữu Luật nhận xét. “Đã chạm vào chỗ cấm kị” của thầy. Ban đầu là dành của thầy sự yêu mến của học sinh và đồng nghiệp, sau đó là cách thức giảng dạy mới mẻ đem lại những hiệu quả không thể phủ nhận của thầy Anh Khoa. Công việc đã đành mà “chuyện nam chuyện nữ” hắn cũng không tha, hắn muốn đánh bại thầy, hèn gì hắn dùng thủ đoạn ngấm ngầm “cưa cẩm” Kiều Anh diễm lệ của thầy. Những hành động của hắn không thể tha thứ được, phải trừng trị bằng mọi cách có thể. Phải tàn nhẫn, lạnh lùng hơn nữa trước kẻ thù. Vả lại, trong tình yêu không có đúng, sai, tốt, xấu. Phải dành lấy tình yêu bằng tất cả nghị lực, phải chứng minh cho nàng thấy được tình cảm chân thành của ta. Với tư duy đó, thầy Hữu Luật luôn tìm cách để bới móc những khuyết điểm, dù chỉ nhỏ như con ruồi của thầy Anh Khoa để nâng cao quan điểm, hạ bệ uy tín của thầy Anh Khoa.

Cuộc họp cán bộ, nhân viên ngày hôm nay là dịp hay để thầy tung những đòn quyết định vào vị “thầy giáo khả kính” theo cách đánh giá của đám học sinh miệng còn hơi sữa. Các thầy, các cô ngồi vào vị trí của mình, xoay quanh chiếc bàn hình chữ U, thầy hiệu trưởng ngồi vào ghế chủ tọa. Thầy Anh Khoa được “lệnh” của thầy hiệu trưởng, ngồi cuối bàn, đối diện. Sau khi mọi người đã yên vị, chủ đề chính của buổi họp được đưa ra. Trọng tâm của vấn đề nhanh chóng được mổ xẻ khai thác. Cuộc họp bắt đầu vào giai đoạn kịch tính, những tiếng nói ủng hộ thầy Anh Khoa được xắp xếp “ổn thỏa”. Theo ý tưởng của thầy Hữu Luật, đồng thời con trai của thầy hiệu trưởng. Cuộc họp được chia làm hai nhóm, lấy lý do “đông người khó làm việc”. Những người có mặt trong phiên họp đầu đều thuộc phe cách của thầy Hữu Luật, những người thuộc phiên họp sau thuộc nhóm người ủng hộ thầy Anh Khoa. Điều đáng nói là cuộc họp sau, không ai biết trọng tâm cuộc họp sau sẽ bàn đến vấn đề gì. Nhưng thầy Anh Khoa thì đã rõ, họ muốn đánh bại thầy nên nghĩ ra thủ đoạn “chia để trị”. Nhưng biết làm sao được, đó là “lệnh trên”. Thầy hiệu trưởng nói giọng giả quân tử, có vẻ nhẹ nhàng, hai mắt thầy liếng thoắng, không dám nhìn thẳng mặt thầy Anh Khoa. “Tôi rất thất vọng vì thầy, đã nhiều lần tôi bỏ qua…nhưng lần này việc đã đến tai phụ huynh…” Thầy Anh Khoa cố giữ bình tĩnh, nói từng tiếng rõ ràng: “Thưa thầy! Tôi đã làm gì sai? Tôi không hiểu các thầy, các cô đã tính toán như thế nào mà trùng hợp như vậy. Tôi bị đưa đến đây để nghe các người kết tội vì một lẽ: “tôi đã nói lên sự thật”. Thầy Hữu Luật nghe vậy, cất tiếng nói, đe rằng: “Này thầy Anh Khoa, thầy hãy cẩn thận với lời nói của mình, thầy còn mặt mũi để ngồi đây hay sao? Sau những gì mà thầy đã làm.” Thầy Anh Khoa cười nhếch mép, khinh bỉ câu nói vừa rồi, thầy đáp lời. không chút cả nể: “Tại sao lại không? Chỉ có những kẻ gian mới sợ công lý thôi, tôi làm đúng tại sao tôi phải sợ?...” Cô Bích Trâm nghe vậy, liền ngắt lời thầy Anh Khoa, cô nói khinh thị: “nhưng thầy không được xuyên tạc sự thật, thầy đã bôi xấu hình ảnh mọi người trước học sinh…” Thầy ngắt ngay lời cô Bích Trâm, khi nghe cô nói “quá đáng”, vu cho thầy một tội danh không hề có: “Cô im đi! Tôi chỉ có sao nói vậy thôi, tôi chẳng bôi xấu hình ảnh của ai cả, tự cô thấy xấu nên nghĩ vậy thôi.” Thầy hiệu trưởng lúc này mới lên tiếng, “Thầy Anh Khoa, để tôi dạy thầy cách làm nhà giáo”. Đến lúc này thầy Anh Khoa đã thực sự điên tiết, thầy nói giọng tức giận: “Xin lỗi thầy! Tôi phải ngắt lời thầy, tôi rất tôn trọng thầy, nhưng hôm nay thầy làm tôi phải coi thường thầy. Thầy đòi dạy tôi làm nhà giáo ư? Thầy có tư cách gì? Thầy chỉ là một nhà quản lý, thầy không phải là một nhà giáo, vậy làm sao thầy có thể dạy tôi làm nhà giáo được.” Nói rồi thầy Anh Khoa quay sang phía những ánh mắt đang nhìn thầy một cách khinh miệt, thầy mỉm cười nói bình thản: “Được rồi, tôi  không còn gì để nói nữa, bây giờ tôi sẽ ngồi để lắng nghe mọi người nói. Tôi nói trước là tôi sẽ không trả lời bất cứ câu hỏi nào nữa, mọi người cứ nói hết những gì “chất chứa” trong lòng đi, tôi chịu được”. Nói rồi, thầy Anh Khoa cười hài hước, mọi người cảm thấy bực tức trước thái độ thản nhiên của thầy. Đâu đó còn nghe tiếng họ rỉ tai nhau: “Đúng là đồ mặt dày”. Thầy Anh Khoa ngồi khoanh tay trước ngực, nghe thầy hiệu trưởng nói trước, điều đáng nói là giọng điệu của thầy hiệu trưởng rất nhẹ nhàng nhưng lại rất thâm độc, thầy không nói thẳng mà khích cho những người khác nói. Đặc biệt là thầy Hữu Luật, thầy rất thích đả kích đối thủ: “Thầy Anh Khoa! Tôi không hiểu thầy lượm lặc đầu mớ lý thuyết ngu xuẩn của bọn Tây Âu về cái ngôi trường bé nhỏ này, nhưng sự thật thầy Anh Khoa à! Tư tưởng của thầy là “loài nấm độc”, nó đang tìm cách phá vỡ hệ thống mà những người như chúng tôi đã mất công cài đặt. Khái niệm “hãy làm những gì bạn thích” của thầy vô cùng nguy hiểm, không phải một lần, tôi xin nhấn mạnh với mọi người, đã nhiều lần thầy Anh Khoa có “tư tưởng âu hóa” này. Hèn gì học sinh trong lớp thầy đứa nào cũng cứng đầu, cứng cổ và lắm chuyện. Ví dụ điển hình là con bé Ngọc Lan. Nó dám cãi lời tôi đấy mọi người, thì ra thầy Anh Khoa dạy học sinh cãi lại người lớn, lừa thầy phản bạn.” Mọi người cười khúc khích trước lời nói cay độc của thầy Hữu Luật nhắm vào đối thủ truyền kiếp. Cô Cẩm Vân lúc này đang ngồi cạnh thầy Hữu Luật cũng hưởng ứng cùng thầy, cô nói giọng nhỏ nhẹ nhưng không kém phần mai mỉa: “Quả đúng là nguy hiểm, bây giờ em mới thấy sợ, hồi nào còn tin lắm chứ! Bây giờ thì rõ rồi, ai đời sống trong một tổ chức, hưởng lương của nhà trường mà lại đi bôi xấu nhà trường, quá nguy hiểm”. Thầy Hữu Luật bồi thêm vào, điệu bộ ra vẻ chính nhân quân tử: “Thầy Anh Khoa à! Tôi bắt đầu thấy sợ thầy, thái độ thản nhiên của thầy ngày hôm nay thật đáng sợ!” Nghe xong câu nói, thầy Anh Khoa cười lớn, “ha, ha, ha”, ai cũng nhận ra đó là một tràng cười gặng, cười chua cay. Thầy lại ngồi im lặng, khi nghe một điều gì đó trái tai lại mỉm cười bao dung. Cô Bích Trâm nhìn thầy khinh bỉ, cô rỉ tai thầy Minh Đức nói nhỏ điều gì đó không rõ. Thầy Minh Đức bấy giờ mới lên tiếng hỏi thầy hiệu trưởng, từ nãy giờ thầy Minh Đức chỉ ngồi cười “khằng khặc” sau khi nghe một đồng nghiệp nào đó “mạt sát” thầy Anh Khoa. Thấy thích thú hỏi: “Thưa thầy! Anh Khoa vào trường bao lâu rồi ạ?” Thầy hiệu trưởng nói giọng nhỏ nhẹ: “Anh Khoa đã vào trường ba năm rồi.” Thầy Minh Đức bấy giờ bắt đầu “bài thuyết trình” của mình. Thầy tìm cách đưa vào “bài thuyết trình” đủ mọi khuyết điểm trong đời tư của thầy Anh Khoa, nào là thầy Anh Khoa chưa có vợ nguyên nhân do đâu? Thầy Minh Đức đưa ra kết luận có vẻ đoan chắc lắm, không cần phải chứng minh rườm rà, thầy đưa mọi người đến hướng nhận định cho rằng thầy Anh Khoa sở dĩ không có vợ, và tình duyên luôn trắc trở ấy là bởi “tính cách đen tối” của thầy. Thầy Anh Khoa cần phải xem lại về mặt nhân cách, hành động của thầy chứng tỏ, thầy không coi hiệu trưởng và đồng nghiệp ra gì. Tôi còn nhớ những bài viết gây xôn xao dư luận của thầy mấy ngày gần đây trên mạng. Nó đả kích vào nền giáo dục của nước nhà nói chung và trường ta nói riêng, lời lẽ của thầy Anh Khoa sặc mùi châm biếm, trong đó có đoạn thầy nhắc đến “con lừa già”…” Nói đến đây, thầy Minh Đức liền im bặt, thầy bối rồi vì đã… nói hớ. “Con lừa già” ngụ ý thầy hiệu trưởng. Hình như, thầy hiệu trưởng cũng nhận ra tình thế không tốt cho hình ảnh của mình, thầy ngắt lời thầy Minh Đức, nói: “Thôi, thôi đủ rồi. Đừng đem mấy chuyện đó ra nói nữa, tôi sợ lắm!” Thầy Minh Đức nhường diễn đàn lại cho thầy Hữu Luật ‘chặt chém’. Thầy Hữu Luật trổ hết tài nghệ, cố sao hạ bệ cho được “kẻ thù nguy hiểm” trong ngày hôm nay. Mỗi lần thầy Hữu Luật nhục mạ mình trước mọi người, thầy Anh Khoa lại mỉm cười hiền hậu, thầy nhận ra một chân lý trong lúc này: “nói là bạc, im lặng là vàng”, vậy nên thầy lựa chọn phương án im lặng, và mỉm cười tha thứ. Thầy cảm thấy mỗi lần làm như vậy thầy trở nên to lớn, mạnh mẽ trước mọi ánh nhìn hiềm khích đang hướng về mình. Tâm hồn thầy trở nên thanh thản lạ kỳ, thầy đã hiểu được phần nào triết lý của đức Chúa. Vì sao Ngài đã xin tha thứ cho những người đã đóng đinh mình trên cây thập tự. Đúng vậy! Chỉ có lòng bao dung, chỉ có nụ cười Hương Tiêu Hoa mới gột rửa được mọi đau khổ nơi trần thế này. Thầy cám ơn Ngọc Lan đã giúp thầy hiểu được “giá trị của bệnh câm” và sự tĩnh lặng.

Nguồn: truyen8.mobi/t124731-huong-hoa-tieu-chuong-5.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận