Chương 25 Viên Đá Mở Mang Lão tiều phu gật đầu :
- Sao, tìm Cửu Nghi tiên sinh chứ gì?
Tiết Thiếu Lăng nói :
- Tại hạ thực ý muốn tìm Cửu Nghi tiên sinh, tại sao lão trượng biết được?
Lão tiều phu cười :
- Cửu Nghi tiên sinh có danh tiếng vô cùng lớn, biết bao nhiêu người từ xa đến đây mong được tiếp kiến? Song, người đến thì đông, mà chung quy có ai gặp được tiên sanh đâu?
Tiết Thiếu Lăng lấy làm kỳ :
- Tiên sanh không muốn tiếp ai cả?
Lão tiều phu lắc đầu :
- Không phải vậy đâu. Vì tiên sanh ẩn cư trong động sâu, có ai vào được tới tận nơi mà gặp mặt.
Tiết Thiếu Lăng trố mắt :- Cửu Nghi động lớn lắm sao?Lão tiều phu mỉm cười :- Trong đông có gò cao, có suối trong, có sông dài, có đất bằng trống trải, những người đến đây tìm tiên sinh mang cả lương thực theo, ăn ngủ luôn trong động. Họ chia nhau, người đi phía này, người đi phía khác, tốp này đến, tuyệt vọng mà về, rồi tốp khác lại đến, chung quy chẳng một ai tìm được tiên sinh cả. Tướng công thấy đó, động to lớn đến bậc nào!Tiết Thiếu Lăng càng kinh dị :- Nếu tiên sinh ở trong động, tự nhiên phải có người tìm gặp chứ, sao lại không?Lão tiều phu lại mỉm cười :- Cửu Nghi tiên sinh tinh thông khoa kỳ môn độn giáp. Quanh chỗ ở có bố trí một trận đồ, ai lọt vào trận rồi, mê mang không biết lối ra, như vậy thì còn tìm sao được?Tiết Thiếu Lăng tỏ vẻ lo ngại, thầm nghĩ :- "Không ai tìm được thì ta làm gì được? Thế này thì cầm như vô vọng rồi!"Lão tiều phu nhìn chàng một lúc, đột nhiên hỏi :- Tướng công tìm Cửu Nghi tiên sinh, có việc gì trọng đại khẩn cầu chăng?Tiết Thiếu Lăng đáp nhanh :- Tại hạ từ phương xa đến, muốn gặp Tiên sinh để nhờ chỉ điểm một điều nan giải, điều đó phải hệ trọng lắm.Lão tiều phu suy nghĩ một chút, rồi nói :- Nếu vậy, tướng công cứ vào động xem sao, biết đâu lại chẳng gặp may mắn hơn những người trước?Tiết Thiếu Lăng vòng tay :- Đa tạ lão trượng!Chàng toan quay mình tiến bước đến cửa động.Lão tiều phu vội chận lại :- Tướng công thư thả một chút Tiết Thiếu Lăng nhìn lão :- Lão trượng có điều chi chỉ giáo?Lão tiều phu điểm một nụ cười :- Tướng công có biết phương pháp tiến bước như thế nào chăng? Vào Cửu Nghi động, phải biết phương pháp đó mới được.Tiết Thiếu Lăng giật mình, không ngờ sự việc lại rắc rối đến như vậy.Chàng cung kính :- Mong lão trượng dạy bảo cho, tại hạ cảm kích vô cùng!Lão tiều phu điềm nhiên :- Có gì mà tướng công phải cảm kích. Bất quá lão phu biết thế nào, chỉ cho tướng công làm vậy, tướng công cứ theo đó mà làm, chứ lão phu có đưa đường tiễn lối gì mà gọi là có công?Lão hơi chênh đầu qua một bên, nói tiếp :- Tướng công có biết hình tượng động Cửu Nghi như thế nào không?Tiết Thiếu Lăng lắc đầu :- Tại hạ từ phương xa đến, không được rõ lắm!Lão tiều phu giải thích :- Động giống hình rồng. Ở đây người ta không gọi là Cửu Nghi động mà gọi là Thần Long động.Tiết Thiếu Lăng ngẫm nghĩ :- Phàm trên thế gian này, nơi nào có danh sơn thắng cảnh, người ta đều gắn cho một huyền thoại cả. Cửu Nghi động cũng không ngoại lệ.Lão tiều phu nghiêm sắc mặt, trịnh trọng tiếp nối :- Cửa động rộng độ vài mẫu, như miệng rồng há lớn, thạch nhũ lởm chởm như răng. Bên trong có một mô đá nhô ra thành hình chiếc lưỡi. Sâu hơn bên trong lòng động thì hẹp lại một chút không khác nào cổ họng rồng.Tiết Thiếu Lăng đưa mắt nhìn vào trong động, quả đúng như lời lão nhân.Càng nhìn, chàng càng thấy giống như hệt.Thực ra, chàng có thấy rồng bao giờ đâu mà so sánh, dù chỉ là rồng trên giấy, cũng chẳng bao giờ há miệng cho thấy bên trong. Song đại khái, cảnh tượng trước mặt, giống miệng một con thú khổng lồ có thân hình dài vô tưởng, chàng nghĩ đến rồng như một con thú đứng đầu trong tứ linh mà thôi.Chàng gật đầu, tỏ vẻ tán đồng sự nhận xét của lão nhân.Lão tiều phu thấy chàng đồng tình, cao hứng vô cùng, lão lại tiếp :- Còn bên trong, có đủ thạch hình địa thế, nhất nhất đều tượng trưng bộ phận tạng phủ của rồng. Qua khỏi yết hầu, động nhỏ hẹp lại đọ ba thước, cao vừa đủ cho người chui vào bên dưới yết hầu, có một khoảng rộng, nằm nghiêng, độ năm thước, phải bò mà đi xuống. Qua khỏi khoảng rộng đó, là vào phần trong động rồi. Nơi yết hầu, mặt đá trơn trợt, khó đi vô cùng, phải cẩn thận lắm mới khỏi tuột, Lão phu sợ tướng công ốm yếu như thế này, khó lòng lọt nơi đó...Lão nói hăng quá, bọt mồm bắn tung tóe theo từng tiếng, do đó âm thanh khó nghe. Chàng phải cố chú ý mà nghe, chốc chốc lại gật đầu ra chiều hiểu biết.Lão tiều phu lấy trong mình ra một chiếc bao bằng vải bố đen, đặt vào tay Tiết Thiếu Lăng, rồi cười, nói :- Từ yết hầu đi xuống là vào trong thân rồng, trong đó bóng tối tràn ngập quanh năm suốt tháng, một nơi có đêm không ngày, khó có thể phân biệt phương hướng mà đi. Trong bao này có ngọn đèn nhỏ, lão phu tặng tướng công, dùng nó soi đường mới mong đi tới được.Tiết Thiếu Lăng một tay tiếp nhận cái bao, tay kia mò vào bọc lấy ra một lượng bạc kính cẩn đưa cho lão :- Mang ân lão trượng chỉ điểm, vật mọn chứng tỏ lòng thành, lão trượng cứ...Lão tiều phu khoát tay chận lại :- Lão phu thực tâm giúp đỡ tướng công, nên chỉ đường, tặng đèn, chứ nếu mong cầu một lợi lộc gì, chả hóa ra mình làm một cuộc tính toán sao? Tướng công hãy thu lượng bạc đi, lão phu không nhận đâu.Tiết Thiếu Lăng không biết làm sao hơn, đành phải cất lượng bạc vào mình, cung kính thốt :- Lão trượng dạy thế, tại hạ phải vâng lời, nhưng dù sao thì trong lòng vẫn áy náy không yên.Lão tiều phu mỉm cười :- Lão phu chưa nói hết. Tướng công vào động rồi, phải đi qua mấy gò cao, mấy lạch suối rộng như sông, đến một bãi lớn, bãi đó là một thửa ruộng đá. Tương truyền xưa kia có tiên giáng hạ nơi đó, trồng trọt hoa màu, hiện nay vẫn còn dấu vết. Chính trên thạch điền đó, tại trung tâm, Cửu Nghi tiên sinh dựng lều, tiêu dao ngày tháng.Tiết Thiếu Lăng chăm chú nghe.Lão tiều phu tiếp tục :- Cửu Nghi tiên sinh thường ví mình như Ngọa Long Gia Cát Lượng, song lại chê Gia Cát Lượng để cho Lưu Bị dụ hoặc rời Ngọa Long Cương, chen mình vào cuộc tranh đấu nhỏ nhen, chung quy không làm sao cải biến được cái thế tam phân, đem nhất thống về cho nhà Mạc Hán. Vì thế chê trách Gia Cát Lượng còn nổi chìm trong hệ lụy của phù hoa. Tiên sinh vào tận động sâu ẩn cư, không muốn tiếp xúc với người đời, thì còn ai gặp mặt?Tiết Thiếu Lăng tán thành :- Tiên sinh quả có ý chí thanh cao đáng phục!Lão tiều phu bất bình :- Thanh cao thế nào chứ? Sư phụ của tiên sinh đem tất cả bí học truyền cho tiên sinh, mong tiên sinh mang cái sở đắc tiếp giúp người đời. Có ngờ đâu tiên sinh quá ích kỷ, chỉ nghĩ đén mình, không lý tới đồng loại, cái tài hữu dụng lại để mai một nơi động sâu, hưởng lấy thanh nhàn trong mấy mươi năm qua rồi, thế có uổng phí tâm cơ của người sư phụ đào tạo nên bậc kỳ tài, chung quy không khác nào một phàm phu tục tử, phụ chỗ kỳ vọng của ân sư chăng.Tiết Thiếu Lăng giật mình, nhận thấy khẩu khí của lão nhân quả bất phàm, lão dám phê phán Cửu Nghi tiên sinh như thế hẳn lão phải là nhân vật phi thường, chứ không thể là một lão tiều phu như chàng tưởng được.Lão tiều phu cười nhẹ :- Nhưng mình đã đi xa rồi đó! Cái tính của mỗi người ra sao mặc họ, mình cần gì phải tha thiết, hở tướng công?Lão trở lại câu chuyện bỏ dở :- Chung quanh ngôi lều ba gian, Cửu Nghi tiên sinh có bố trí một trận đồ, ai lọt vào trận rồi, đừng mong tìm được lối ra, dĩ nhiên cũng không phương đến gần lều của tiên sinh.Tiết Thiếu Lăng thầm nghĩ :- "Trương Quả Lão từng nói, đến trước cửa động, cứ ngâm nga bốn câu thơ ấy lên, tự nhiên tiên sinh sẽ xuất hiện. Lão nói thế, có thể từ bao lâu rồi lão chưa đến Cửu Nghi động lần nào. Lão có biết đâu, từ cửa động đến ngôi lều, dù sấm nổ cũng chẳng ai nghe, rồi còn cái sự trận đồ che khuất ngôi lều, còn biết nơi đâu mà đọc lên bốn câu thơ đó?"Tuy lão nhân bảo là không thể nào vượt qua trận đồ để vào tới ngôi lều, Tiết Thiếu Lăng vẫn không nản chí, quyết định phải vào đấy xem sao rồi hẳn hay.Chàng hướng sang lão tiều phu, toan vòng tay cáo từ.Lão tiều phu nhìn chàng, vuốt nhẹ chòm râu bạc, gật gật đầu :- Tướng công nhỏ tuổi mà ý chí thật đáng khen lắm. Lão phu phải liệu cách giúp cho tướng công được toại nguyện!Đã tin chắc lão tiều phu là một nhân vật phi thường, nghe lão nói thế Tiết Thiếu Lăng hết sức mừng rỡ.Lão không để chàng chờ lâu, nói tiếp :- Cửu Nghi tiên sinh án theo Cửu Cung Bát Quái, dùng toàn đá phiến, bố trí trận đồ, bằng vào sự sinh khắc của ngũ hành kiến tạo nên sự biến hóa kỳ diệu. Nếu không biết cách phá trận, thì đừng mong tìm thấy ngôi lều, bởi mây mù giăng mắc khắp nơi, quanh năm suốt tháng. Khi tướng công đến thạch điền, phải đi từ hướng Nam tiến về hướng Bắc, bước bên tả ba bước, rồi sang bên hữu bảy bước, thẳng tới trước chín bước, lùi lại một...Thốt đến đó, lão cúi mình xuống, nhặt một viên đá to bằng nắm tay, trao cho chàng, rồi tiếp :- Tướng công quăn viên đá này tới trước, làm thế nào cho nó rơi đúng cách năm thước.Tiết Thiếu Lăng nhận viên đá, hỏi :- Sau đó tại hạ sẽ làm gì?Lão tiều phu mỉm cười :- Tướng công đọc lên hai câu.Tiết Thiếu Lăng thầm nghĩ :- Lại mấy câu của Trương Quả Lão chứ gì!Tuy nhiên, chàng cứ hỏi :- Hai câu gì, xin lão trượng cho biết.Lão tiều phu đọc lên :- Lòng không nghi hoặc, trí chẳng hôn mê.Lão nhấn mạnh :- Đọc xong hai câu đó, tướng công phải hét khẽ: Mau!Tiếng "Mau" buông ra không lớn lắm, song chừng như lão dùng công phu nội lực phát ra, nên Tiết Thiếu Lăng nghen chấn dội màng tai, bất giác chàng ngẩn mặt nhìn lên.Chàng hết sức hãi hùng, nhận ra lão tiều phu đã mất dạng, chàng nhìn lên không, rồi nhìn ra bốn phía, không thấy lão đâu cả. Dù cho lão biết bay, hay nhanh như chim, cũng không thể biến dạng mau như thế được, ít ra cũng phải còn một điểm nhỏ. Com chim còn thế huống hồ là một con người có thân vóc to gấp mấy mươi lần?Chàng không tin trên đời này có người biến hóa như thần tiên như vậy, chàng phải nghĩ là lão nhân có thuật khinh công siêu việt.Chàng biết mình gặp bậc cao nhân, nhưng không rõ bậc cao nhân đó có danh hiệu gì.Đừng nói chi là chàng, đến sư phụ và Trương Quả Lão sánh với bậc cao nhân tuyệt thế đó, còn cách biệt như trời vực. Tự nhiên chàng sinh lòng cảm khái, nghĩ cõi học vô biên, tài nghệ như chàng khác nào hạt cát trên sa mạc, giọt nước giữa biển khơi? Biết đến khi nào chàng luyện võ công ngang bậc đó?Chàng thở dài mấy tiếng, đoạn vòng tay hướng lên không trung cung kính thốt :- Vãn bối thọ ân sâu của lão trượng chỉ điểm, không biết làm sao đáp tạ, chỉ xin lão trượng thấu đáo tấm lòng thành kính, vãn bối xin ghi nhớ công cao đức trọng của lão trượng vào phế phủ.Chàng quay mình lại, đối diện với cửa động, do dự một chút đoạn mạnh dạn bước tới.Qua khỏi cửa động, đến yết hầu, con đường hẹp lại như lão tiều phu đã nói.Tiết Thiếu Lăng phải cong lưng xuống, dè dặt chui qua khỏi yết hầu. Lòng động tối đen, ngửa bàn tay không thấy ngón, đường đi lại trơn trợt lạ thường.Ta có biết đâu bòng tối nơi đây dày đặc như thế này mà chuẩn bị đèn đuốc mang theo? Nếu không may mắn gặp lão nhân, có lẽ mình đã phải trở lại rồi.Chàng lấy chiếc bao bố nhỏ màu đen do lão nhân tặng, mở ra, đinh ninh bên trong có những vật đánh lửa và một chiếc đèn con, nhưng trái với sự tưởng tượng của chàng, chiếc bao chỉ chứa đựng một viên dạ minh châu to bằng quả trứng gà.Ánh sáng từ viên dạ minh châu phát ra làm chàng chói mắt, phải nheo nheo một lúc mới quen, rồi nhìn quanh, trông thấy những vật trong phạm vi hai trượng tròn.Nhận thức ra giá trị của viên minh châu, Tiết Thiếu Lăng nhớ lại vừa rồi chàng trao ra một lượng bạc đền bù cho lão nhân lòng không khỏi hổ thẹn.Qua ánh sáng của viên minh châu, Tiết Thiếu Lăng thấy trong bao còn một mảnh giấy. Chàng liền cầm lên đọc :"Sư thúc có chút quà ra mắt nhau!"Sư thúc?Tiết Thiếu Lăng hết sức kỳ quái, tự hỏi lão nhân là ai lại tự xưng là sư thúc của chàng. Nhưng lúc này không phải là lúc tìm hiểu sâu xa hơn, chàng bỏ qua việc đó, tay cầm viên minh châu đưa tới, soi đường bước đều.Đi như thế độ vài dặm đường, chàng đã đến đoạn có gò cao, có vũng thấp, có sông suối, có đất bằng.Chàng lại đi qua gò, qua suối, qua sông, qua đất bằng, sau cùng thì đến thạch điền.Đứng ở bờ thạch điền, Tiết Thiếu Lăng nhìn quanh bốn phía nhận định phương hướng.Chàng dè dặt không dám bước càn, tay thủ sẵn viên đá, do dự một chút, rồi y theo bộ pháp lão tiều phu đã chỉ dẫn nhắm hướng Bắc, theo bên tả ba bước, sang bên hữu bảy bước, tiến tới chín bước, lùi lại một bước, quăng viên đá tới trước đúng năm thước Đồng thời chàng đọc to :- Lòng không nghi hoặc, trí chẳng hôn mê. Mau!Rồi chàng đứng lặng người chờ xem diễn biến.Chỉ trong phút giây, vùng sương mù tại trung tâm thạch điền tan biến mất, trước mắt chàng cách ba trượng, một tòa thảo lư, có đám trúc rào quanh, hiện ra lồ lộ.Tiết Thiếu Lăng vô cùng mừng rỡ, không còn nghi ngờ gì nữa, tòa thảo lư đó chắc chắn là nơi ẩn cư của Cửu Nghi tiên sinh rồi!Song Tiết Thiếu Lăng còn hoang mang quá, bởi khoảng cách từ chàng đến tòa thảo lư, dù chỉ có ba trượng, song đá phiến chất chồng, ngăn đường lấp lối, chàng đâu dám bạ đâu đặt chân đó, nếu rủi đạp nhầm chỗ mấu chốt, trận thế giao động thì cầm chắc cái nguy trong tay.Vừa lúc đó, một người trong thảo lư bước ra, trầm giọng gắt :- Kẻ nào đó, lại dám phá trận của ta?Tiết Thiếu Lăng nhận thấy người đó trạc độ năm sáu mươi, tướng mạo văn nhã. Vận chiếc áo nho sĩ, gương mặt bất bình, có ẩn vẻ kinh dị.Chàng đoán người đó chính là Cửu Nghi tiên sinh chứ không còn ai khác nữa, vội vòng tay nghiêng mình hỏi :- Tiền bối có phải là Cửu Nghi tiên sinh chăng?Cửu Nghi tiên sinh đáp :- PhảiĐoạn nhìn Tiết Thiếu Lăng, mặt lộ vẻ nghi ngờ hỏi lại :- Chính các hạ phá Mê Tông trận của lão phu?Tiết Thiếu Lăng lắc đầu :- Không! Tại hạ chỉ quăng thử một viên đá thôi.Cửu Nghi tiên sinh cười lạnh :- Có cần gì hơn nữa, chỉ một viên đá nhỏ cũng đủ phá trận của lão phu rồi. Các hạ đứng đúng vị trí Thiên Khu, quăng một viên đá nhỏ, là mọi cửa trận đều đổ vỡ, còn chối cãi gì nữa?Tiết Thiếu Lăng hấp tấp nhận tội :- Nếu vậy, tại hạ vô tình phá hủy công trình bố trí của tiền bối, dám mong tiền bối tha thứ cho.Cửu Nghi tiên sinh lại hừ một tiếng :- Thạch trận bị phá rồi, các hạ còn đứng đó làm chi?Tiết Thiếu Lăng thử đưa chân tới trước, ấn mạnh chẳng thấy có biến chuyển gì, liền mạnh dạn bước tới.Cửu Nghi tiên sinh lạnh lùng tiếp :- Các hạ đã nhờ người chỉ điểm, lọt vào nơi đây, ý muốn như thế nào, hãy nói cho lão phu biết.Tiết Thiếu Lăng không do dự :- Tại hạ có việc nghi nan, mong tiên sinh chỉ điểm.Tiên sinh gật đầu :- Được rồi, các hạ cứ chờ đây một chút, lão phu vào trận bố trí lại như cũ, rồi mình đàm đạo sau.Lão không cần nghe Tiết Thiếu Lăng trả lời, thốt xong liền bước vào trận, dời tảng đá này, khuân tảng đá khác, loay hoay một lúc, trận thế được chỉnh trở lại, sương mù hiện ra dày đặc như trước.Tiết Thiếu Lăng hết sức kinh hãi, nghĩ thầm khoa kỳ môn độn giáp quả nhiên linh diệu vô cùng.Chỉnh xong trận đồ trở tình trạng cũ. Cửu Nghi tiên sinh từ trong đám sương mù bước ra, hai tay nâng bổng một viên đá cao khỏi đầu, tiến thẳng vào tòa thảo lư, viên đá đó do chính tay Tiết Thiếu Lăng quăng vào trận, chàng lấy làm lạ không rõ tại sao Tiên sanh quý trọng đến thế.Chàng tự hỏi có nên đi liều theo lão vào nhà hay chờ lão gọi, đang phân vân, chàng nghe giọng nói rất nhỏ văng vẳng bên tai :- Xin tiểu huynh theo lão phu vào nhà!Thì ra Cửu Nghi tiên sinh đã dùng pháp truyền âm nhập mật gọi chàng. Lão không dám to tiếng vì sợ thất kính đối với viên đá chăng. Điều đó lại làm Tiết Thiếu Lăng thêm kinh dị nữa!