Đức là nước đầu tiên tôi đặt chân đến khi có cơ hội ra nước ngoài. Tôi đã đi hơn hai mươi thành phố của nước Đức nhưng gắn bó nhất với miền Nam nước Đức, nơi đậm chất văn hóa Alps vốn dĩ đã thân thuộc với tôi. Kể về nước Đức, tôi muốn dành ưu tiên của mình cho những lâu đài của vua Ludwig II, bởi với tôi, chúng không chỉ đẹp mà còn có chút gì bản lĩnh, cô độc và mang màu sắc thâm trầm bí hiểm, dạt dào tình cảm ẩn chứa trong nét lạnh lùng, tựa như tính cách của người Đức vậy.
Những lâu đài với kiến trúc đẹp hơn cả cổ tích, ý tưởng trang trí siêu thực, khuôn viên khoáng đạt bao la nhưng man mác buồn giữa hồ và núi của rặng Alps chỉ có thể là những lâu đài của vua Ludwig II xứ Bavaria miền Nam nước Đức, vị vua có cuộc đời như một vở kịch bi tráng với kết thúc mãi còn là dấu hỏi với hậu thế.
Vì một cơ duyên kỳ lạ, tôi và những người bạn thân có cơ hội ghé thăm gần như tất cả những lâu đài của vua Ludwig, từ Nymphenburg nơi ông được sinh ra, đến Hohenschwangau nơi trải qua tuổi thơ cùng cha mẹ, rồi đến những lâu dài do ông chủ công xây dựng: Herrenchiemsee, Linderhof và đặc biệt nhất là Neuschwanstein.
Chẳng hiểu sao, sau những hành trình đến với lâu đài của vua Ludwig II, tôi chợt tò mò tìm hiểu về cuộc đời của ông vua trẻ rất đỗi đẹp trai với mái tóc bồng lượn sóng, yêu kịch Schiller, là bạn tâm giao của nhà soạn nhạc Richard Wagner, yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên của Alps đến mức rất ít khi ông sống ở München, thủ phủ của Bavaria mà thường ẩn về rừng Alps. Tôi chợt nhận ra rằng những lâu đài do ông chủ công xây dựng đã phản ánh cả tính cách và số phận đặc biệt của ông: lãng mạn, siêu tưởng, mộng mị, hơi lập dị nhưng tràn đầy tình yêu với nghệ thuật và thiên nhiên.
Có thể trên cương vị của một ông vua, Ludwig II chưa phải là một cái tên đáng nhớ với những vấn đề tài chính phát sinh theo bao tham vọng xây lâu đài, với những xung đột chính trị và cái chết bí ẩn, nhưng những lâu đài, nhà hát và cả những đóng góp cho âm nhạc mà ông để lại đáng để người ta mãi nhớ đến ông - vị vua cổ tích xứ Bavaria.
Lừng danh nhất trong những lâu đài của vua Ludwig phải kể đến Neuschwanstein, vốn xuất hiện trong rất nhiều bộ phim và là nguồn cảm hứng xây dựng mô hình lâu đài ở công viên Disneyland, thế giới cổ tích của tuổi thơ. Neuschwanstein cũng là điểm đến quan trọng của các du khách khi đến với nước Đức, dù để đến với Neuschwanstein bạn phải mất hơn hai giờ tàu từ Munich đến thị trấn Füssen và thêm hai giờ xe buýt đến với lâu đài sừng sững giữa vách núi đá
Trước khi nói về Neuschwanstein, tôi buộc lòng phải thú nhận một điều: mọi miêu tả về lâu đài, mọi bức ảnh chụp Neuschwanstein có lẽ đều bất lực trước vẻ tráng lệ, huyền ảo và nên thơ của nơi này. Neuschwanstein có thể tạm dịch là: new swan stone, lâu đài thiên nga giữa núi đá Alps. Hình ảnh những chú thiên nga xinh đẹp yểu điệu, niềm đam mê của vua Lugwig luôn xuất hiện trong mọi chi tiết trang trí tại những lâu đài của ông. Nội thất lâu đài thì bạn không được phép chụp, muốn nhìn toàn cảnh lâu đài bạn phải đi một quãng đường xa hơn để leo lên cây cầu Marienbrücke cheo leo giữa vách đá bên kia. Thế nhưng tôi vẫn muốn tả về lâu đài này cho dù tôi có lẽ mới chỉ chạm khẽ đến vẻ đẹp đầy ám ảnh của nó.
Người ta hay đến Neuschwanstein vào mùa thu, khi những chiếc lá chuyển màu để vẽ nên bức tranh họa đồ với mây trắng, núi xám phủ tuyết, hồ xanh ngắt và lá đỏ lá vàng cùng tòa lâu đài ẩn hiện trong sương khói. Chẳng hiểu sao, mấy lần chúng tôi đến Neuschwanstein đều là những ngày đông lạnh giá, khi nhiệt độ ngoài trời xuống đến âm hai mươi độ C, âu cũng là để cảm nhận một vẻ đẹp khác, mong manh, u uẩn và cô tịch. Ngỡ ngàng làm sao, hồ Alpsee bên lâu đài rộng và xanh là thế, mà nay đã trở thành một sân băng phủ tuyết. Thường thì mùa đông, một phần hồ hay đóng băng để chiều lòng bọn trẻ tập làm ngôi sao trượt băng nghệ thuật, nhưng lần này thì toàn bộ hồ đông cứng, một lớp tuyết mịn vẫn còn phủ trắng hồ. Tôi đi lại lạo xạo trên mặt hồ phẳng lì, tưởng chừng như có thể chạy một mạch sang đầu trái núi bên kia. Khi tia nắng đầu tiên bắt đầu xuyên qua lớp mây dày đặc rọi lên mặt hồ, tôi bỏ lại Alpsee đằng sau để thong thả bắt đầu cuộc hành trình đầu tiên lên Hohenschwangau, lâu đài mùa hè của vua Maximilian II cha của Ludwig II. Qua Hohenschwangau, đường lên Neuschwanstein xa và dốc. Tôi để ý thấy thường chỉ có du khách Nhật hoặc Trung Quốc là chọn những cỗ xe song mã để đến với Neuschwanstein, chắc để tìm cảm giác của ông hoàng bà chúa ngày xưa, còn đa số mọi người đi bộ. Tôi cũng đi bộ để làm ấm người sau màn trượt băng bất đắc dĩ trên hồ, hơn nữa đi bộ thì mới chụp được ảnh khu rừng mùa đông, cho dù tôi chụp hoàn toàn bằng... niềm tin. Trời lạnh đến mức tay không hề có cảm giác là đã bấm máy hay chưa nữa.
Khu rừng mùa đông đẹp như huyền thoại! Cành cây phủ trắng tuyết, suối cũng trắng xóa mà nếu để ý kỹ, bạn có thể nhận thấy tiếng nước ngầm chảy khẽ dưới lớp băng. Những chiếc lá cây còn sót lại trĩu nặng tuyết, thỉnh thoảng giật mình làm đổ tuyết phát ra tiếng “soạt soạt” bên tai người. Nắng mùa đông xuyên qua những chiếc mạng nhện trong suốt tinh khôi óng ánh. Sương và khói ở đâu thỉnh thoảng bay ra la đà, làm bóng dáng đội ngựa chở khách ẩn hiện bên đường núi thêm phần cô độc. Thỉnh thoảng những chú ngựa phì lên một tiếng, những chú chó loăng quăng giật mình sủa vang làm tôi tưởng tượng đến đoàn tùy tùng của vua Ludwig II trong những chuyến đi săn ngày xưa. Yên bình và tinh khôi quá, chẳng trách mà vua Lugwig II thường trốn cái xa hoa của München để về với nơi đây.
Cuối cùng thì tòa lâu đài hiệp sỹ tráng lệ cũng bừng lên dưới ánh nắng cuối con đường mòn. Tôi tranh thủ đọc thêm vài trang của cuốn sách về Neuschwanstein trong khi hòa vào dòng người xếp hàng dài để khám phá lâu đài. Neuschwanstein không phải do kiến trúc sư thiết kế mà là tác phẩm của họa sỹ sân khấu Christian Jank. Phải chăng vì thế mà khi tham quan các phòng của lâu đài, tôi luôn có cảm tường mình đang xem những vở kịch với các lớp lang, chương hồi khác nhau, từ khán phòng có ngai vàng xa hoa, phòng ngủ dành cho những giấc mơ siêu tưởng, phòng dành cho dạ tiệc và kịch nghệ ở trên cùng với màu sắc ấn tượng. Và thật ngạc nhiên trong lâu đài có cả một hang động nhân tạo. Kiến trúc lâu đài thiết kế dựa trên ý tưởng về sự tôn kính dành cho hiệp sĩ thiên nga Lohengrin trong truyền thuyết của Đức. Chủ điểm trang trí của các căn phòng cũng lấy cảm hứng từ nhiều vở opera do nhà soạn nhạc Richard Wagner viết. Những chàng cảnh vệ Đức mắt xanh dịu dàng nhưng cương quyết khiến mọi du khách đều lặng lẽ cất máy ảnh vào túi, cho dù ai cũng dường như mê đi trước chiếc vương miện lộng lẫy cẩn đá quý, đồ gỗ tinh tế khắc chạm cầu kỳ, những bức rèm ánh lên vẻ phú quý. Hình ảnh thiên nga ở khắp mọi nơi trong tòa lâu đài: con thiên nga chạm vàng và pha lê giữa phòng, bầy thiên nga tung cánh ở bốn cột giường, đến ngay cả tay nắm cửa cũng yểu điệu hình một nàng thiên nga cúi đầu e lệ. Điều đặc biệt nữa trong tòa lâu đài này là ở bất cứ chỗ nào, bạn đều có thể bắt gặp những ô cửa sổ xinh xắn, nơi có thể phóng tầm mắt nhìn ra những đỉnh núi sương mờ xa xa, những khu rừng trùng điệp, khiến bạn có cảm giác mình không bị bó buộc giữa xa hoa mà vẫn vô cùng gần gũi với thiên nhiên.
Đẹp như cổ tích nhưng quá trình xây dựng tòa lâu đài ấy không lung linh như mơ, bởi vua Ludwig đã ra đi khi chưa kịp về đây sống. Hơn mười chín căn phòng của tòa lâu đài vẫn chưa và có thể không bao giờ được hoàn thiện, một số bức tranh còn đang chờ những nét vẽ cuối cùng. Nhưng chính sự dang dở ấy phải chăng cũng là một phần sự quyến rũ của Neuschwanstein, khiến bạn phải trăn trở và tưởng tượng, khiến bạn mơ đến một thế giới cổ tích với lâu đài, hoàng tử, những đêm nhạc opera trong khán phòng sang trọng và cả những đêm trong rừng chỉ có trời, mây, núi, trăng sao…và ta.
Tôi gọi Linderhof là giai điệu giữa rừng xanh bởi Linderhof tọa lạc giữa bạt ngàn núi đồi xanh thẳm của khu vực Oberammergau và ba công trình tiêu biểu của lâu đài: động nhân tạo mang tên Venus, lều Hunding cùng tu viện Gurnemanz đều là những hồi tưởng cho các vở opera của nhà soạn nhạc đã gắn với cuộc đời của vua Ludwig II: Richard Wagner.
Trái với lâu đài cổ tích Neuschwanstein, Linderhof là nơi vua Ludwig II đã sống và chứng kiến lâu đài hoàn thiện từng ngày. Ai cũng nói rằng Linderhof là “bản sao thu nhỏ” của cung điện Versailles do vua Pháp Louis XIV - thần tượng của vua Ludwig II xây dựng. Linderhof không thiếu vẻ xa hoa của những lâu đài vua chúa với những chùm đèn làm bằng ngà voi, thảm làm từ lông đà điểu, đồ sứ Trung Hoa, nội thất chạm bạc dát vàng… nhưng tôi vẫn thấy dấu ấn không thể lẫn của ông vua xứ Bavaria ở đây. Bất kể nơi đâu trong lâu đài bạn cũng có thể bắt gặp hình ảnh mặt trời vì Louis XIV được coi là “Sun King” vậy nên Lugwig tự coi mình là “Night King”. Vua Ludwig II cũng thường ngủ vào ban ngày và về đêm, ông hay ngồi một mình đọc sách suy tư ở góc đại sảnh mang tên: Căn phòng của những chiếc gương, nơi ánh nến huyền ảo lung linh được phản chiếu bốn bề. Có những đêm, vua Lugwig một mình chèo chiếc thuyền riêng thiết kế theo dáng thiên nga vào bên trong động nhân tạo Venus phía sau lâu đài, nơi ánh sáng huyền ảo, tiếng nhạc thánh thót như nước rơi xuống từ vách đá đủ để mê hoặc lòng người. Tu viện Gurnemanz nằm lọt trong rừng cây gợi cho tôi nhớ về những ngôi đền phương Đông huyền bí với mái vòm, những bức rèm màu xanh turquoise. Đẹp thì đẹp thật, nhưng sao tôi vẫn thấy tất cả đều có nét gì đó cô đơn, đều là nơi chốn dành riêng cho những suy tư trăn trở một mình chứ không dành cho những cuộc vui đông người.
Khu vườn và rừng cây bao quanh cung điện Linderhof quả không hổ danh là một trong những “tác phẩm” đẹp của thiết kế vườn thời phong kiến châu Âu bởi sự kết hợp giữa phong cách Baroque, phục hưng Italia và vườn kiểu Anh. Đấy là nghe người hướng dẫn viên nói thế, còn tôi chỉ biết thả mình lang thang trong vườn hồng, ngắm những chùm nho rớt vụ và chạy đuổi theo lũ sóc trong những cánh rừng đến cuối thu mà lá vẫn chưa chịu vàng. Phía bắc lâu đài là thác nước với ba mươi bậc đá cẩm thạch như những phím đàn trong trẻo giữa rừng.
Tôi đến Herrenchiemsee, lâu đài tọa lạc trên hòn đào Herreninsel (đảo Quý Ông) giữa hồ Chiemsee trong xanh, hồ lớn nhất của bang Bavaria. Lúc ấy là dịp nghỉ lễ Phục Sinh, trời đang chuyển giữa mùa đông và mùa xuân nên tôi có thể thưởng thức một khung cảnh rất nên thơ: hoa đầu xuân, hoa thủy tiên vàng ươm đã nở nhưng tuyết vẫn rơi và trời thì bảng lảng sương khói. Hình như khung cảnh này càng tô đậm cho vẻ đẹp sang trọng nhưng u hoài của lâu đài Herrenchiemsee, lâu đài thứ ba do vua Ludwig II chủ công xây dựng, nhưng ông cũng chỉ kịp ở đây vài ngày một năm trước khi ra đi, để lại hơn năm mươi trong tổng số bảy mươi căn phòng chưa kịp hoàn thiện.
Không phải là một Versailles thu nhỏ, tham vọng của vua Ludwig là xây dựng một lâu đài tương tự như Versailles của vua Louis XIV. “Đại sảnh của những chiếc gương”, một trong những căn phòng được hoàn thiện còn lớn hơn cả phòng ở Versailles với không biết bao nhiêu đèn trần, đồ sứ khoe sự hào nhoáng, thịnh vượng và thẩm mỹ tinh tế của vua Ludwig. Một lần nữa bàn tay của họa sĩ Christian Jank đã làm nên kì tích. Herrenchiemsee cũng mang hơi thở của thế kỷ hai mươi với hệ thống sưởi trung tâm, hệ thống nước thiết kế linh hoạt.
Một lần nữa, điều hấp dẫn chúng tôi ở Herrenchiemsee của vua Ludwig không chỉ là tòa lâu đài sang trọng mà là cảnh quan xung quanh. Chiếc thuyền đưa tôi ra đảo đủ để tôi bập bềnh với phong cảnh lãng mạn của hồ Chiemsee, với những rừng cây, đám lau um tùm, những đàn thiên nga, vịt trời sải cánh xa xa. Quãng đường dài đi bộ vào lâu đài cũng là những khoảng rừng rậm rạp cây đầu xuân mới nhú lên màu non xanh. Đó đây, những bác xà ích thong dong tẩu thuốc đưa khách bằng những cỗ xe song mã đi lại trong rừng. Tôi cứ ước mình biết vẽ, bởi vì khung cảnh trước mắt tôi dường như đã là một bức tranh mùa xuân châu Âu hoàn thiện, chỉ cần nhẹ nhàng đặt lên khung mà thôi. Tôi ngồi trong khu vườn trước lâu đài, vườn tượng, thác nước dường như sống động hơn bởi xa kia, hồ Chiemsee đưa vào từng đợt sóng vỗ nhẹ và chiếc thuyền độc mộc của ai vừa lướt qua tạo cho khung cảnh một vẻ hữu tình mà cô liêu hiếm thấy.
Ngồi trên ghế đá trong lâu đài Herrenchiemsee trên “đảo của các quý ông”, quý ông duy nhất của nhóm chúng tôi chợt tư lự: “Không biết niềm đam mê xây lâu đài cổ tích của vua Ludwig II xứ Bavaria nên gọi là tham vọng hay là giấc mơ nữa”. Chẳng ai trong chúng tôi trả lời được câu hỏi này và có thể cả những nhà nghiên cứu lịch sử cũng thế. Ông vua cô đơn Luwig II từng đính hôn nhưng chưa bao giờ kết hôn. Sinh thời, ông chỉ có hai người bạn tâm giao nổi tiếng nhất là nhà soạn nhạc Richard Wagner và hoàng hậu Sissi của nước Áo, những người bạn còn lại của ông là những vở operas, những công trình kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên của núi rừng Alps, nơi ông sinh ra và lớn lên. Những ngày cuối đời, mặc dù chưa có cuộc khám nghiệm chính thức nào nhưng người ta vẫn quy cho ông căn bệnh tâm thầm, quản thúc ông ở chính lâu đài huyền thoại Neuschwanstein. Ông và người bác sỹ đã không bao giờ trở về sau một buổi đi dạo và chèo thuyền bí hiểm trên hồ Stanberg gần lâu đài. Hồ Stanberg cách đó không xa và cây thánh giá tưởng niệm ông vẫn còn ở đó, nhưng tôi không muốn đến thăm bởi tôi muốn tin rằng sự ra đi của ông chỉ nhẹ nhàng tựa như chuyến viếng thăm hành tinh này của hoàng tử bé trong câu chuyện của Antoine de Saint Exupéry, hay như cảm tưởng của Richard Wagner sau cuộc gặp đầu tiên với vua Ludwig II: ”Trời ơi, ngài thật đẹp và thông thái, thú vị và đầy cảm xúc, đến nỗi tôi e rằng cuộc sống của ngài sẽ tan chảy trong thế giới trần tục này, tựa như một giấc mơ phù du của Thượng đế”.
Và sự thật đúng là như thế, ông đã lướt qua thế giới này và để lại cho xứ Bavaria cũng như chúng ta những lâu đài cổ tích, đẹp hơn cả một giấc mơ.