Suốt gần một nghìn năm, đây là nhà thờ lớn nhất thế giới, và thậm chí bây giờ vẫn khó có thể nghĩ ra thứ gì lớn hơn. Nhìn lại tòa nhà lần nữa, Langdon nhớ rằng Hoàng đế Justinian[57], khi hoàn thành Hagia Sophia, đã bước lùi lại và tự hào tuyên bố, “Này ngài Solomon, tôi đã vượt qua ngài rồi!”.
Sinskey và Brüder quả quyết tiến nhanh về phía tòa nhà đồ sộ, như càng lúc càng phình lên khi họ lại gần.
Các lối đi ở đây đều có hai hàng đạn súng thần công được lực lượng của Mehmet Người Chinh phạt[58] sử dụng - một hình thức trang trí gợi nhớ rằng lịch sử của tòa nhà này thấm đẫm bạo lực vì sau khi bị chinh phục, nó được chuyển đổi công năng để phục vụ nhu cầu tinh thần của những thế lực chiến thắng.
[57] Justinian I (482-565) là hoàng đế Đông La Mã từ năm 527 đến khi qua đời. Ông được phong thánh bởi các tín đồ Chính Thống giáo Đông phương. Triều đại của Justinian được đánh dấu bởi tham vọng phục hồi lãnh thổ của đế quốc Tây La Mã nhưng chỉ có thể thực hiện được một phần ở Bắc Phi, khôi phục lại Dalmatia, Sicilia, Ý và Rome trở về đế quốc sau hơn một nửa thế kỷ nằm dưới sự kiểm soát của người man di. Justinian là người san định và hệ thống luật pháp La Mã. Ông đã thành lập một bộ luật được biết dưới cái tên “dân luật đại toàn” (Corpus Juris Civilis).
[58] Mehmed II (được biết là Mehmed Người Chinh phạt) (1432-1481) là vị Sultan thứ bảy của đế quốc Ottoman trong một thời gian ngắn từ năm 1444 tới tháng Chín năm 1446, và sau đó là từ tháng Hai năm 1451 tới 1481. Ở tuổi hai mươi mốt ông chinh phạt Constantinople, dẫn tới sự sụp đổ của đế quốc Đông La Mã. Mehmet tiếp tục chinh chiến ở châu Á, thống nhất lại Tiểu Á, và mở rộng lãnh thổ tới Beograd ở châu Âu.
Khi họ tiến gần đến mặt tiền phía Nam, Langdon liếc nhìn sang bên phải, chỗ ba khu phụ trông như những hầm chứa có mái vòm nhỏ ra khỏi tòa nhà chính. Đây chính là lăng của các vị Sultan, một trong số đó – vua Murad III - theo lời đồn đại, có tới một trăm người con.
Có tiếng chuông điện thoại di động vang lên trong không gian về đêm, và Brüder lấy điện thoại ra, kiểm tra nhận dạng người gọi, rồi trả lời cộc lốc: “Chuyện gì?”.
Trong lúc nghe thông tin, anh ta lắc đầu lia lịa như không tin nổi. “Sao có thể thế được?” Anh ta lắng nghe thêm và thở dài. “Được rồi, liên tục thông báo cho tôi. Chúng tôi sắp vào trong.” Anh ta tắt máy.
“Chuyện gì vây?”, Sinskey hỏi.
“Cần để mắt dè chừng”, Brüder nói, liếc nhìn toàn khu vực. “Chúng ta có thể có bạn đồng hành.” Anh ta đưa mắt nhìn Sinskey. “Có vẻ như Sienna Brooks đã có mặt tại Istanbul.”
Langdon nhìn sững Brüder, vô cùng ngạc nhiên khi nghe nói rằng Sienna đã tìm được cách lọt vào Thổ Nhĩ Kỳ và thêm nữa, sau khi trốn thoát khỏi Venice, cô còn dám bất chấp khả năng bị bắt và thậm chí bị giết để đảm bảo rằng kế hoạch của Bertrand Zobrist sẽ thành công.
Sinskey cũng cảnh giác không kém và hít một hơi dài như thể chuẩn bị hỏi thêm Brüder, nhưng rõ ràng bà đã suy nghĩ lại, nên quay sang Langdon. “Lối nào đây?”
Langdon chỉ sang trái chỗ góc tây nam của tòa nhà. “Đài phun nước Tẩy uế đằng kia”, anh nói.
Điểm gặp gỡ của họ với nhân viên của bảo tang là một nguồn nước có rào chắn trang nhã từng được sử dụng cho các nghi lễ tẩy uế trước khi thực hiện việc cầu nguyện của đạo Hồi.
“Giáo sư Langdon!”, một giọng nam giới gọi to khi họ tới gần.
Một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ tươi cười bước ra từ bên dưới vòm bát giác che bên trên đài phun nước. Anh ta vẫy vẫy tay. “Giáo sư, ở đây!”
Langdon và hai người vội vã đi tới.
“Xin chào, tên tôi là Mirsat”, anh ta nói, giọng tiếng Anh nặng trịch đầy nhiệt tình. Đó là một người đàn ông mảnh dẻ với mái tóc lưa thưa, cặp kính nhìn tri thức, và mặc bộ đồ màu xám. “Thật vinh hạnh cho tôi.”
“Chúng tôi cũng rất vinh hạnh”, Langdon đáp, bắt tay Mirsat. “Cảm ơn vì lòng hiếu khách của anh dù chúng tôi đến thông báo vội vàng.”
“Vâng, vâng!”
“Tôi là Elizabeth Sinskey”, tiến sĩ Sinskey nói, bắt tay Mirsat và sau đó ra hiệu về phía Brüder. “Còn đây là Cristoph Brüder. Chúng tôi đến đây để hỗ trợ giáo sư Langdon. Tôi rất xin lỗi vì máy bay của chúng tôi bị trễ. Anh thật chu đáo khi tiếp đón chúng tôi thế này.”
“Không sao! Không phải suy nghĩ gì đâu!”, Mirsat rối rít. “Vì giáo sư Langdon, tôi sẽ phục vụ riêng bất kỳ giờ nào. Cuốn Những biểu tượng Thiên Chúa giáo trong thế giới Hồi giáo của anh ấy rất được ưa chuộng trong cửa hàng quà tặng của bảo tàng chúng tôi.”
Thật sao. Langdon nghĩ thầm. Giờ thì mình biết nơi duy nhất trên đời đón nhận cuốn sách đó.
“Chúng ta đi chứ?”, Mirsat nói, ra hiệu cho bọn họ đi theo.
Cả nhóm vội vã băng qua một khoảnh sân nhỏ, đi qua lối vào dành cho khách du lịch và tiếp tục đi tới nơi ban đầu là lối vào chính của tòa nhà - ba cổng tò vò khắc sâu với những cánh cửa đồng đồ sộ.
Hai nhân viên an ninh có vũ trang đang đợi sẵn để đón họ. Ngay khi nhìn thấy Mirsat, những nhân viên này mở khóa một cánh cửa và đẩy mạnh ra.
“Sağ olun”, Mirsat nói một trong những cụm từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ mà Langdon quen thuộc - một cách nói “cảm ơn” đặc biệt lịch thiệp.
Cả nhóm bước qua, và các nhân viên an ninh lập tức đóng những cánh cửa nặng nề phía sau lại, tiếng va chạm vang vọng khắp không gian nội thất bằng đá.
Giờ Langdon và mấy người kia đang đứng ở sảnh của Hagia Sophia - một dạng phòng chờ hẹp vốn rất phổ biến trong các nhà thờ Thiên Chúa giáo, có chức năng như một khu đệm kiến trúc giữa không gian linh thiêng với không gian trần tục.
Đường hào tinh thần, Langdon thường gọi khu vực này như vậy.
Cả nhóm đi về phía những cánh cửa tiếp theo, và Mirsat đẩy một bên cửa mở ra. Phía sau, thay vì nhìn thấy điện thờ như dự đoán, Langdon lại thấy một sảnh thứ hai, lớn hơn cái đầu tiên một chút.
Sảnh nội, Langdon nhận ra ngay, dù quên mất rằng điện thờ của Hagia Sophia có đến hai tầng bảo vệ cách ly với thế giới bên ngoài.
Như thể để chuẩn bị cho khách tham quan về những gì nằm ở phía trước, khu sảnh nội này được trang trí cầu kỳ hơn hẳn khu sảnh ngoài, các bức tường đều được làm bằng đá mài bóng loáng nên bắt sáng từ những ngọn đèn chùm rất đẹp. Langdon chăm chú ngắm nhìn bốn cánh cửa ở đầu bên kia của không gian trầm lắng này, phía trên có những bức gốm khảm vô cùng ngoạn mục.
Mirsat bước tới cánh cửa lớn nhất - một cánh cổng đồ sộ bọc đồng. “Hoàng môn”, Mirsat nói khẽ, giọng anh ta nhẹ hẫng nhưng vẫn hết sức nhiệt thành, “cho tôi hỏi, có cái gì các vị đặc biệt muốn xem ở bên trong không?”
Langdon, Sinskey và Brüder đều nhìn nhau.
“Có”, Langdon nói. “Có rất nhiều thứ cần xem, dĩ nhiên rồi, nhưng nếu được, chúng tôi muốn bắt đầu từ mộ Enrico Dandolo.”
Mirsat nghiêng nghiêng đầu như thể không hiểu rõ. “Sao cơ ạ? Các vị muốn xem… mộ Dandolo à?”
“Vâng.”
Mirsat đầy vẻ thất vọng. “Nhưng, thưa… mộ Dandolo rất đơn giản. Không hề có biểu tượng gì cả. Không phải là đề xuất tuyệt nhất của chúng tôi.”
“Tôi biết thế”, Langdon nhã nhặn nói. “Tuy nhiên, chúng tôi rất biết ơn nếu anh có thể đưa chúng tôi đến đó.”
Mirsat nhìn Langdon một lúc lâu, và sau đó anh ta đưa mắt nhìn lên phần gốm khảm ngay trên cánh cửa, nơi Langdon vừa ngắm nhìn. Phần gốm khảm này là hình ảnh từ thế kỷ IX của Chúa Jeus Toàn năng - hình ảnh đã trở thành biểu tượng mô tả Chúa Jeus cầm Kinh Tân ước bên tay trái trong khi tay phải ban phước.
Sau đó, như thể có một tia sáng lóe lên trong tâm trí, khóe miệng Mirsat nhếch lên thành một nụ cười đầy hiểu biết, và anh ta bắt đầu ngoắc ngoắc ngón tay. “Quả là sắc sảo! Rất sắc sảo!”
Langdon nhìn sững. “Tôi không hiểu?”
“Không sao, thưa giáo sư”, Mirsat nói bằng một giọng thì thào đầy mưu mô. “Tôi sẽ không nói cho bất kỳ ai biết lý do thật sự khiến giáo sư tìm đến đây đâu.”
Sinskey và Brüder cũng nhìn Langdon vẻ khó hiểu.
Langdon chỉ biết nhún vai trong khi Mirsat đẩy cửa mở ra và dẫn họ vào trong.