Hồi ức của một Geisha - Đời kỹ nữ Chương 21


Chương 21
Tôi nghĩ ông Nam tước nói đùa, nhưng thú thực, tôi nghĩ đến cảnh sung sướng khi được cùng ông Chủ tịch đi dạo quanh dinh cơ lộng lẫy của ông Nam tước mà không có ông Nobu, hay là bác sĩ Cua, hay thậm chí cả Mameha.

Khoảng một tuần sau vào buổi xế chiều, trong giờ giải lao của buổi diễn tập, Mameha đến tìm tôi, trông cô ấy nôn nóng muốn nói về chuyện gì đấy. Tôi biết vào ngày hôm trước, ông Nam tước bất thần nó cho cô ấy biết ông muốn tổ chức một buổi tiệc vào cuối tuần sắp đến để chiêu đãi một ông thợ may áo kimono nào đấy tên là Arashino. Ông Nam tước có rất nhiều áo kimono đẹp nổi tiếng khắp nước! Hầu hết số áo của ông đều xưa, nhưng thỉnh thoảng ông mua một cái rất đẹp do một họa sĩ trang trí. Quyết định mua cái áo của Arashino khiến cho ông có ý định mở buổi tiệc chiêu đãi.

- Chắc tôi biết cái người tên Arashino này – Mameha nói với tôi – nhưng khi nghe ông Nam tước nói, tôi không nhớ ra cụ thể. Ông ta là một trong số bạn thân nhất của Nobu. Cô không thấy đây là một dịp tốt hay sao? Tôi sẽ thuyết phục Nam tước mời cả Nobu và ông bác sĩ đến dự buổi tiệc nhỏ này. Hai người chắc chắn không ưa nhau. Khi việc hô giá về chuyện mizuage của cô bắt đầu, cô sẽ thấy họ không ngồi yên đâu, vì người này sợ người kia ra giá cao hơn.

Tôi cảm thấy mệt nhưng vì Mameha mà tôi làm ra vẻ phấn khởi và cám ơn cô ấy hết lời, vì cô ấy đã nghĩ ra được kế hoạch hay ho như vậy. Và tôi nghĩ đây là kế hoạch hay ho thật, nhưng điều hay ho rõ ràng nhất là cô ấy tin chắc cô không gặp khó khăn gì trong việc thuyết phục ông Nam tước mờI hai người đàn ông này đến dự tiệc. Rõ ràng hai người này sẽ bằng lòng đến – trường hợp của ông Nobu vì ông Nam tước là nhà đầu tư ở công ty đồ điện Iwamura, còn trường hợp của ông bác sĩ Cua thì vì…ờ phải, vì ông bác sĩ tự xem mình là người thuộc giai cấp quý tộc, mặc dù ông có một vị tổ tiên không chắc có dòng máu quý tộc, và chắc ông ta xem việc này là bổn phận của một người quý tộc đến dự tiệc do ông Nam tước mời. Còn chuyện ông Nam tước có muốn mờI họ hay không thì tôi không biết. Ông ta không ưa ông Nobu, rất ít người ưa ông ta. Còn phần ông bác sĩ Cua, ông Nam tước chưa bao giờ gặp ông ta lần nào, và xem như ông mời một người xa lạ.

Nhưng Mameha rất có tài thuyết phục, tôi biết rất rõ. Buổi tiệc đã được thu xếp, cô ấy tin cô giáo dạy múa của tôi sẽ cho tôi nghỉ diễn tập vào ngày thứ bảy sắp tới để tôi có thể đến dự. Buổi tiệc bắt đầu vào buổi chiều và kéo dài qua buổI ăn tối – nhưng tôi và Mameha đến lúc buổi tiệc đang diễn tiến. Cho nên chúng tôi đã lên xe kéo lúc ba giờ để đến dinh cơ của ông Nam tước tọa lạc dưới chân đồi nằm phía Đông Bắc của thành phố. Đây là lần đầu tiên tôi đến một chỗ sang trọng như thế này, và tôi đã hoàn toàn choáng ngợp trước những gì tôi thấy, vì bất cứ cái gì ở đây cũng gợi lên cho nhà nghệ sĩ những chi tiết để họ sáng tạo ra áo kimono. Ngôi nhà chính xây theo kiểu thời ông nội của ông ta, nhưng các khu vườn, những khu vườn làm cho tôi sửng sốt vì trông giống các bức thảm thêu khổng lồ, được bố ông ta tạo mẫu thiết kế xây dựng. Ngôi nhà và các khu vườn không ăn khớp vườn nhau cho đến khi người anh cả của ông Nam tước đã di chuyển vị trí cái hồ đi – trước khi ông ta bị ám sát một năm – lại còn thiết lập một vườn hoa có đường đi lát đá chạy từ lầu vọng nguyệt nằm ở một bên nhà. Những con thiên nga đen lướt trên mặt hồ với vẻ hiếu kỳ, làm cho tôi cảm thấy xấu hổ vì đã sinh ra làm phận con người vụng về xấu xí như thế này.

Chúng tôi phải chuẩn bị buổi uống trà theo nghi thức cổ truyền để các ông đến dự khi họ đã chuẩn bị sẵn sàng, cho nên tôi rất bàng hoàng kinh ngạc khi chúng tôi đi qua cổng chính rồi đến nơi uống trà, nhưng không phải là phòng trà bình thường. Mà đi thẳng đến bờ hồ để lên một chiếc thuyền nhỏ. Thuyền rộng bằng một cái phòng nhỏ. Chỗ ngồi hầu hết bằng gỗ sắp dọc hai bên mạn thuyền, nhưng ở một đầu thuyền nhô lên một cái lều nhỏ có mái riêng che một cái bệ trảI chiếu rơm. Vách lều làm bằng màn giấy có thể đẩy mở ra cho thoáng khí, và ngay giữa lều có một cái hộc gỗ hình vuông đổ đầy cát, cái hộc này xem như cái lò than để Mameha đốt than nấu nước trong một cái ấm trà bằng sắt rất đẹp. Trong khi cô ấy làm việc này, tôi cũng tỏ ra mình là người hữu dụng bằng cách sắp xếp các dụng cụ dùng cho nghi lễ. Tôi đang cảm thấy lo lo trong lòng, bỗng Mameha quay qua phía tôi sau khi đã bắc ấm nước lên lò lửa và nói:

- Sayuri, cô là người thông minh. Tôi không cần nói đến tương lai của cô ra sao nếu ông bác sĩ Cua hay ông Nobu không quan tâm đến cô. Cô không được để cho người này nghĩ là cô để ý đến người kia. Nhưng dĩ nhiên ghen tuông là sự thường tình. Tôi tin chắc cô xoay sở được việc này.

Tôi không biết sao, nhưng tôi hiểu là tôi phải cố gắng. Nửa giờ sau, ông Nam tước và khoảng 10 người khác đi ra khỏi nhà, chốc chốc dừng lại để ngắm cảnh sườn đồi từ nhiều góc cạnh khác nhau. Khi họ lên thuyền, ông Nam tước dùng sào đưa thuyền ra giữa hồ. Mameha pha trà, còn tôi đem tách ra để trước mặt các quan khách.

Sau đó, chúng tôi đi qua vườn với các ông, rồi lát sau đến một cái bệ gỗ treo lơ lửng trên mặt nước, ở trên bệ, các cô hầu mặc kimono giống nhau sắp nệm cho các ông ngồi, và để những chai rượu sake đã hâm ấm trên khay. Tôi tìm chỗ quỳ bên cạnh bác sĩ Cua, và đang loay hoay tìm câu chuyện gì để nói với ông ta, thì ông bác sĩ quay qua nhìn tôi và hỏi:

- Vết rách trên đùi của cô lành có đẹp không?

Anh biết, khi ấy là tháng ba, mà lúc tôi bị cắt chân là vào tháng 11 năm trước. Thời gian đã qua nhiều tháng rồi, tôi đã gặp bác sĩ Cua không biết bao nhiêu lần rồi, cho nên tôi không biết tại sao ông ta đợi đến lúc ấy mới hỏi tôi về vết cắt, và hỏi trước mặt nhiều người. May thay, tôi nghĩ là không ai nghe hết, cho nên tôi trả lời nho nhỏ với ông ta:

- Cám ơn bác sĩ rất nhiều. Nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ mà nó lành rất tốt.

- Tôi hy vọng vết thương không để sẹo nhiều lắm – ông ta nói.

- Ồ không, chỉ một đường nho nhỏ thôi.

Tôi có thể chấm dứt câu chuyện ngang đó bằng cách rót thêm rượu cho ông ta, hay là thay đổi đề tài, nhưng tôi chợt trông thấy ông ta lấy tay thoa lên ngón tay cái của bàn tay kia. Ông bác sĩ là loại người không bao giờ làm việc gì mà không có mục đích. Nếu ông thoa vào ngón tay cái theo kiểu ấy trong khi nghĩ đến cái chân của tôi …phải rồi, tôi thấy nếu tôi thay đổi đề tài thì quả là điên.

- Cái sẹo không lớn – tôi nói tiếp – thỉnh thoảng khi em ở trong phòng tắm, em chà ngón tay lên cái sẹo và… nó chỉ là một đường gồ lên nho nhỏ. Quãng như thế này.

Tôi lấy ngón tay trỏ chà lên khớp đốt ngón tay ở bàn tay kia rồI đưa khớp ra cho ông bác sĩ để ông ta làm như thế. Ông ta đưa tay lên, nhưng rồi ông ngần ngừ. Tôi thấy mắt ông nhìn vào mắt tôi. Bỗng ông rút tay về và chà lên khớp ngón tay của ông thôi.

- Một vết cắt như thế sẽ lành trơn tru thôi – ông ta nói.

- Có lẽ nó không lớn như em nói đâu. Chân em rất …ờ, nhạy cảm. Chỉ một giọt nước giọt vào cũng đủ làm cho em giật mình.

Tôi nói chân tôi nhạy cảm là không nói ngoa. Một đường gồ nho nhỏ không làm cho chân tôi mất nhạy cảm, nhưng lần tôi cảm thấy nước gịot lên cái chân trần của tôi là khi nào? Nhưng thế là tôi đã hiểu lý do tại sao ông bác sĩ Cua quan tâm đến tôi, tôi thấy tôi vừa ghê tởm lạI vừa say sưa thích thú khi nghĩ đến những gì đang diễn ra trong óc ông ta. Bỗng ông bác sĩ đằng hắng giọng và nghiêng qua gần tôi, ông hỏI; – Và…có phải cô có thực tập?

- Thực tập à?

- Cô bị vết thương trong khi cô mất thăng bằng trong khi cô…ờ, chắc cô biết tôi muốn nói gì rồi. Cô không muốn việc như thế xảy ra lại, Cho nên tôi nghĩ là cô đang thực tập. Nhưng tại sao người ta lại thực tập một việc như thế?

Nói xong, ông ta tựa người ra sau và nhắm mắt lại. Tôi thấy rõ ràng ông ta đợI nghe tôi trả lời nhiều chứ không phải chỉ nói một hai tiếng.

- Phải, chắc chắn ông cho em là đồ ngu ngốc, nhưng mỗI đêm – tôi nói, rồi dừng lại một lát như con chim con chờ mỏ chim mẹ mớm mồi – mỗi đêm – tôi nói tiếp – trước khi vào phòng tắm, em thực tập giữ thăng bằng với nhiều tư thế. Thỉnh thoảng em run vì lạnh, hơi lạnh phả lên da thịt để trần của em, nhưng em trải qua được như thế năm hay mười phút.

Ông bác sĩ đằng hắng giọng, tôi thấy như thế là co dấu hiệu tốt.

- Trước hết em giữ thăng bằng trên một chân rồi đổi qua chân kia, nhưng chuyện rắc rối là… Mãi cho đến bấy giờ, ông Nam tước ngồi phía bên kia bệ trước mặt tôi, bận nói chuyện với những người khách khác, nhưng khi ấy ông thôi nói với họ. Những lời tôi nói tiếp theo rõ ràng như thể tôi đứng trên bục mà nói ra:

- Khi em không có áo quần trên người… Tôi đập tay lên miệng nhưng trước khi tôi có thể suy nghĩ được điều gì để làm tiếp thì ông Nam tước đã nói:

- Trời đất! Hai người nói chuyện gì với nhau thế. Nghe ra có vẻ hấp dẫn hơn chuyện của chúng tôi nhiều.

Những người đàn ông cười lớn khi nghe thế. Sau đó, ông bác sĩ tỏ ra tốt bụng đã lên tiếng giải thích:

- Vào cuối năm ngoái, cô Sayuri đã đến nhờ tôi chữa một vết thương ở chân. Cô ấy bị thương vì té. Do đó tôi khuyên cô ấy nên tập giữ thăng bằng cho tốt.

- Cô ấy tập giữ thăng bằng nhiều lắm – Mameha nói – Áo quần cồng kềnh nên khó di chuyển lắm.

- Vậy thì ta cởi hết chúng ra! – một ông nói, nhưng đấy chỉ là một câu nói đùa, nên mọI ngườI cườI vang.

- Đúng, tôi đồng ý – ông Nam tước nói – Tôi không hiểu tại sao đàn bà cứ bận tâm đến việc mặc kimono như thế. NgườI đàn bà khi không mặc áo quần là tuyệt vờI nhất.

- Nếu mặc kimono của ông bạn thân Arashino của tôi may, thì điều ông vừa nói không đúng – Nobu lên tiếng.

- Ngay cả áo của Arashino may rất đẹp đi nữa cũng không bằng – ông Nam tước nói, và cố để ngay ngắn cốc sake xuống bệ, nhưng rượu vẫn bắn ra ngòai. Ông ta không say, nhưng ông đã uống quá chén hơn mọI khi nhiều – Đừng hiểu sai ý của tôi – ông ta nói tiếp – tôi xác nhận áo của Arashino may là tuyệt vời. Nếu không thì chắc ông ấy đã không ngồi bên tôi như thế này, phải không? Nhưng nếu ông hỏi tôi là tôi thích nhìn phụ nữ mặc kimono hay thích nhìn phụ nữ ở truồng thì…ôi!

- Không ai hỏI ông đâu – Nobu đáp – tôi muốn nghe ông Arashino trong thời gian gần đây đã may được bao nhiêu áo đẹp mà thôi.

Nhưng ông Arashino không có cơ hội để trả lời, vì ông Nam tước vừa nốc hết rượu trong tách, vội vã lên tiếng xen vào khiến cho ông ta gần như bị sặc.

- Chà…chà…này nhé – ông ta nói – bộ không phải tất cả đàn ông trên trái đất này đều thích nhìn đàn bà lõa thể hay sao? Ông Nobu này, tôi muốn hỏi ông, bộ cơ thể đàn bà lõa lồ không làm cho ông chú ý à?

- Tôi không muốn nói thế – ông Nobu đáp – Điều tôi muốn nói là theo tôi thì đã đến lúc chúng ta nghe Arashino nói về sự nghiệp sáng tác của ông ta lâu nay ra sao.

- Ồ đúng, chính tôi cũng muốn thế – ông Nam tước đáp – nhưng xin ông biết cho điều này, tất cả đàn ông chúng ta đều chẳng khác gì nhau, tất cả chúng ta đều có ham muốn như nhau. Ông đừng giả vờ làm ra vẻ ta đây hơn người. Ông Nobu à. Chúng ta đều biết sự thật hết, phảI không? Không có người đàn ông nào ngồi ở đây mà lại không muốn trả một số tiền lớn để nhìn Sayuri tắm trong bồn, phải không? Tôi xác nhận chính tôi cũng ao ước như thế. Này ông ơi, đừng giả vờ làm ra bộ ta đây không muốn như thế.

- Sayuri chỉ là một cô tập sự tội nghiệp – Mameha lên tiếng – có lẽ chúng ta nên tha cho cô ấy khỏi nghe chuyện này.

- Không được! – ông Nam tước đáp – cô ấy thấy rõ thực chất cuộc đời sớm chừng nào thì tốt chừng ấy. Nhiều người cứ làm ra vẻ ta đây không chạy theo đàn bà để có cơ hội chui vào dưới áo họ, nhưng cô hãy nghe tôi nói đây, Sayuri: ở đời chỉ có một loại đàn ông mà thôi! Và trong lúc chúng ta đang bàn về vấn đề này, thì đây là điều cô nên ghi nhớ trong óc: bất kỳ người đàn ông nào đang ngồi ở đây đều cũng rất muốn nhìn cô ở truồng. Cô nghĩ sao về chuyện này?

Tôi ngồi để hai tay trên lòng, mặt nhìn xuống và cố làm ra vẻ e thẹn. Đằng nào tôi cũng phải trả lờI câu hỏi của ông Nam tước, nhất là khi mọi người đều im lặng để chờ đợi, nhưng trong lúc tôi đang tìm ý để nói thì bỗng ông Nobu có một hành động rất tốt. Ông để tách rượu sake xuống bục rồI đứng lên, xin lỗi mọi người để đi đến nhà vệ sinh.

- Xin lỗi ông Nam tước, tôi không biết đường đến nhà vệ sinh – ông ta nói. Dĩ nhiên đấy là dấu hiệu báo cho tôi biết để dẫn ông đi.

Tôi cũng không biết đường đi đến nhà vệ sinh như ông Nobu, nhưng tôi để mất cơ hội đi khỏi đám người đang chờ tôi nói. Khi tôi đứng lên, một cô hầu chỉ đường cho tôi, dẫn tôi đi vòng quanh hồ, có ông Nobu đi theo sau.

Vào trong nhà, chúng tôi đi theo hành lang dài bằng gỗ vàng có cửa sổ một bên. Phía bên kia, nhiều tủ kính lên tận nóc đựng các vật quý giá sáng long lanh dướI ánh mặt trời. Tôi định dẫn Nobu đi đến cuối hành lang, thì bỗng ông ta dừng lại trước một cái tủ đựng bộ sưu tập về gươm cổ. Ông ta có vẻ đang nhìn vào đồ trưng bày ở trong tủ, nhưng ông gõ mấy ngón tay lên mặt kính, mũi thở phì phò, vì ông đang còn tức giận. Tôi cũng cảm thấy bối rối trước những việc đã xảy ra, nhưng tôi rất cám ơn ông ta đã cứu tôi ra khỏi tình trạng ấy, tôi không biết làm sao để nói lên lòng biết ơn của mình. Đến tủ kế bên – trưng bày đủ thứ hình chạm trổ trên ngà voi – tôi hỏi có phải ông thích đồ cổ không.

- Cô muốn nói là đồ cổ như ông Nam tước à? Dĩ nhiên là không.

Ông Nam tước không phải là một ông già lụ khụ – ông ta còn trẻ hơn ông Nobu. Nhưng tôi hiểu ông ta muốn nói gì, ông ta cho ông Nam tước là di sản của thời đại phong kiến.

- Em xin lỗi, em muốn nói đến đồ cổ trong tủ này.

- Khi tôi nhìn vào các thanh gươm trong tủ kia, chúng làm cho tôi nghĩ đến ông Nam tước. Ông ta là người nâng đỡ công ty của chúng tôi, và tôi nợ ông ta rất nhiều. Nhưng không vì thế mà tôi phí thì giờ để nghĩ đến ông ta. Tôi trả lời như thế được chưa?

Tôi cúi người chào ông ta, ông ta bỏ đi theo hành lang về phía nhà vệ sinh, đi rất nhanh đến nỗi tôi không theo kịp để mở cửa cho ông ta.

Sau đó khi chúng tôi về lại bên bờ hồ, tôi vui mừng thấy bữa tiệc đã tan. Chỉ còn vài người đàn ông ở lại để dùng cơm tối. Mameha và tôi đưa những người khác ra tận cổng.Chúng tôi chào tạm biệt cho đến người cuối cùng và tôi quay lại đã thấy một gia nhân của ông Nam tước đứng chờ dẫn chúng tôi vào nhà.

Mameha và tôi ngồi cả một giờ sau đó trong khu của gia nhân, ăn bữa tối ngon lành gồm có món tai so usugiri – những lát cá vền biển cắt mỏng như giấy trải trên cái đĩa có hình ngọn lá và ăn với nước sốt ponzu. Nếu Mameha không có vẻ buồn rầu thì chắc tôi sẽ cảm thấy vui vẻ. Cô ấy chỉ ăn vài lát cá rồi đưa mắt nhìn qua cửa sổ. Trông vẻ mặt của cô ấy, tôi nghĩ chắc cô ấy muốn trở ra ngoài hồ và ngồi ở đấy, có lẽ để cắn môi giận dữ nhìn bầu trời đang phủ màn đêm.

Chúng tôi ra nhập vào nhóm vớI ông Nam tước khi họ đã ăn được nửa chừng, trogn căn phòng mà ông Nam tước gọi là “phòng tiệc nhỏ” . Thực ra, phòng tiệc nhỏ có thể dùng thết đãi đến 20 hay 25 người, nhưng khi ấy buổi tiệc đã giảm bớt người, chỉ còn ông Arashino, ông Nobu và ông bác sĩ Cua. Khi chúng tôi đi vào, họ đang lặng lẽ ăn. Ông Nam tước đã say mèm, tròng mắt như muốn văng ra ngoài.

Ngay khi Mameha bắt đầu nói chuyện, bác sĩ Cua lấy khăn ăn lau bộ râu mép hai lần rồi xin lỗi đi vệ sinh. Tôi dẫn ông ta đi qua hành lang hồi nãy ông Nobu và tôi đã đi. Khi ấy trờI đã tối rồi, tôi không thấy rõ đồ vật gì hết, vì ánh sáng trên cao phản chiếu vào mặt kính trên cái tủ trưng bày. Nhưng bác sĩ Cua dừng lại ở tủ đựng các thanh gươm, ông ta nghiêng đầu cho đến khi trông thấy các đồ vật trong đó.

- Chắc cô biết rõ đường đi trong nhà ông Nam tước – ông ta nói.

- Ồ không, thưa ông, em hoàn toàn bị lạc trong ngôi nhà đồ sộ như thế này. Sở dĩ em biết đường là vì hồi nãy em đã dẫn ông Nobu đi trên hành lang này.

- Tôi chắc ông ta đã đi khắp nơi – ông bác sĩ nói – một người như Nobu không đủ trình độ để thưởng thức những thứ trong các tủ này.

Tôi không biết trả lời ra sao, nhưng ông bác sĩ nhìn tôi đăm đăm.

- Cô chưa tiếp xúc nhiều vớI mọi người – ông ta nói tiếp – nhưng đã đến lúc cô nên học cách đề phòng những người kiêu ngạo đã nhận lời mời của một người như ông Nam tước, rồi nói năng lôm côm với ông ta ngay trong nhà ông ta, như ông Nobu đã nói vào chiều hôm nay.

Tôi cúi người chào khi nghe ông ta nói thế, và khi thấy bác sĩ Cua không nói gì thêm nữa, tôi dẫn ông ta đến phòng vệ sinh.

Khi chúng tôi về lại phòng tiệc nhỏ, các ông đã nói chuyện rôm rả, nhờ vào tài của Mameha, cô ấy chỉ ngồi lặng lẽ phía sau để chuốc rượu thôi. Cô ấy thường nói vai trò của người geisha là chỉ khuấy tô canh cho đều. Nếu có khi nào anh thấy người ta dùng đũa để khuấy tô canh cho đều trước khi múc vào chén của mình, thì anh sẽ hiểu được ý cô ấy muốn nói gì.

Chẳng bao lâu sau câu chuyện quay qua đề tài áo kimono, và chúng tôi đi xuống phòng chứa áo của ông Nam tước ở dưới tầng hầm. Dọc theo tường phòng là những chiếc tủ gỗ khổng lồ treo đầy áo kimono. Ông Nam tước ngồI trên chiếc ghế dựa ở giữa phòng, chống hai khuỷu tay lên đầu gối – mắt vẫn kèm nhèm – và không nói một tiếng trong khi Mameha dẫn chúng tôi đi xem bộ sưu tập áo. Tất cả chúng tôi đều nhất trí chiếc áo đặc biệt nhất là chiếc áo có hình vẽ phỏng theo cảnh của thành phố Kobe, thành phố này nằm trên sườn đồi thoai thoải chạy ra tận biển. Bức hình bắt đầu ở hai vai áo với cảnh trời xanh mây trắng, ở hai đầu gối vẽ cảnh sườn đồi, dưới đó là cảnh biển màu xanh lục chảy thành một đường dài ra phía sau áo, trên mặt biển, lốm đốm những ngọn sóng vàng đẹp đẽ và những chiếc tàu li ti.

- Mameha này – ông Nam tước nói – tôi nghĩ chắc em phải mặc cái áo ấy để đến dự tiệc thưởng hoa của tôi tại Hakone vào tuần sau. Mặc áo ấy, em đẹp phải biết, đúng không?

- Em thật rất thích – Mameha đáp – nhưng như em đã nói hôm kia rồi, em sợ năm nay em không đi dự tiệc được.

Tôi thấy ông Nam tước có vẻ bất bình, vì cặp lông của ông ta sụp xuống như hai cánh cửa khép lại.

- Em nói thế nghĩa là sao? Ai đã ký hợp đồng với em khiến em không hủy hợp đồng được?

- Em rất thích đến đấy ghê lắm, ông Nam tước à. Nhưng năm nay thì không được. Em đã có hẹn bên y tế nên không đi dự tiệc được.

- Hẹn với bên y tế à? Như thế nghĩa là sao? Mấy ông bác sĩ có thể thay đổi thời gian kia mà. Ngày mai em hãy đổi lại buổi hẹn, và có mặt ở buổi tiệc của anh vào tuần sau như mọi khi em thường làm.

- Em xin lỗi – Mameha nói – em đã hẹn với bên y tế cách đây mấy tuần và có sự bằng lòng của Nam tước rồi, kế hoạch này không thể thay đổi được.

- Tôi không nhớ đã bằng lòng cho em hẹn với họ khi nào. Đâu phải là chuyện cần kíp như thể em cần phải phá thai, hay là việc gì như thế… Mọi người im lặng và có lẽ bối rối một hồi thật lâu. Mameha chỉ sửa lại tay áo cho ngay ngắn trong khi tất cả chúng tôi đứng yên lặng, đến nỗi chúng tôi nghe được cả hơi thở khò khè của ông Arashino. Tôi nhận thấy ông Nobu có vẻ không chú ý gì hết, bỗng quay qua để xem phản ứng của ông Nam tước ra sao.

- Được rồi – cuối cùng Nam tước nói – chắc là tôi quên, bây giờ nghe em nhắc đến…dĩ nhiên chúng ta không thể để có những chú nhóc nam tước rơi rớt chạy rong ngoài đường, đúng không? Nhưng Mameha này, tôi không biết tại sao em không nhắc tôi chuyện này trong chốn riêng tư… – Em xin lỗi, Nam tước.

- Nếu em không đến Hakone được thì thô! Nhưng còn quý vị đây thì sao? Buổi tiệc này tuyệt lắm, tổ chức tại nhà tôi ở Hakone vào cuối tuần sau. Quý vị phải đến mới được! Tôi tổ chức hàng năm vào mùa hoa anh đào nở!

Ông bác sĩ và ông Arashino không thể đến được. Nobu không trả lời, nhưng khi ông Nam tước thúc ông, ông ta đáp:

- Ông Nam tước này, thực tình ông không muốn tôi đến Hakone để xem hoa anh đào nở đâu.

- Ồ việc hoa nở chỉ là cái cớ để ta mở tiệc – ông Nam tước nói – nhưng cũng chẳng sao. Chúng tôi sẽ có ông Chủ tịch của ông rồi. Năm nào ông ấy cũng đến hết.

Tôi kinh ngạc thấy mình đỏ mặt khi nghe nhắc đến ông Chủ tịch, và suốt cả buổi chiều, nhiều lúc tôi đã nghĩ đến ông ta. Bỗng tôi cảm thấy như thể mọi người đã biết chuyện bí mật của tôi.

- Tôi thật bực mình khi các vị không ai đến với tôi, – ông Nam tước nói tiếp – chúng ta đã có một buổi tối tuyệt vời cho đến khi Mameha nói đến chuyện mà đáng ra cô ấy phải nói riêng. Này Mameha, tôi phải phạt em mới được. Năm nay thế là tôi không mời được em đến dự tiệc của tôi. Thế nhưng tôi muốn em cho Sayuri đến thay em.

Tôi nghĩ ông Nam tước nói đùa, nhưng thú thực, tôi nghĩ đến cảnh sung sướng khi được cùng ông Chủ tịch đi dạo quanh dinh cơ lộng lẫy của ông Nam tước mà không có ông Nobu, hay là bác sĩ Cua, hay thậm chí cả Mameha.

- Ý kiến thật tuyệt, thưa Nam tước – Mameha nói – nhưng buồn thay là Sayuri bận diễn tập rồi.

- Vô nghĩa – ông Nam tước đáp – Tôi hy vọng sẽ gặp cô ấy ở đấy. Tại sao em cứ khăng khăng không chịu nghe lời tôi yêu cầu em một việc nhỏ nhặt như thế?

Ông ta có vẻ giận dữ, và khốn thay, vì ông ta đang say, nước dãi chảy xuống ròng ròng hai bên khóe miệng. Ông ta lấy lưng bàn tay lau đi, nhưng chỉ làm cho nước dãi lấm lem vào những sợi lông đen dài trên bộ râu cằm.

- Em có quan tâm đến yêu cầu này của tôi không? – ông ta nói tiếp – Tôi muốn thấy Sayuri ở Hakone. Em chỉ việc trả lời “Dạ được thưa Nam tước” là xong.

- Dạ được, thưa Nam tước.

- Tốt – ông Nam tước nói. Ông ta dựa người ra sau ghế, lấy cái khăn trong túi ra lau mặt.

Tôi rất buồn cho Mameha. Nhưng nói sao cho hết nỗi lòng hân hoan sung sướng của tôi khi nghĩ đến ngày dự tiệc ở nhà ông Nam tước. Khi ngồi trên xe kéo trở về Gion, mỗi lần nghĩ đến chuyện ấy, tôi cảm thấy hai tai tôi đỏ rần. Tôi sợ Mameha để ý thấy, nhưng cô chỉ nhìn ra ngòai, cho đến khi về tới nơi mới quay qua nói với tôi:

- Sayuri, cô phải rất cẩn thận khi đến Hakone.

- Vâng thưa chị, em sẽ cẩn thận.

- Hãy nhớ rằng một cô tập sự sắp sửa bán mizuage, giống như bữa cơm đã dọn trên mâm. Nếu người ta nghe nói đã có kẻ khác ăn vụng một miếng thì chẳng có ai muốn ăn mâm cơm ấy đâu.

Sau khi nghe thế, tôi không dám nhìn vào mắt cô ấy. Tôi thừa biết cô ấy muốn nói đến ông Nam tước.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/49646


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận