Hồi Ký Tâm Si-đa Vượt Lên Cái Chết Chương 11


Chương 11
Tôi và các con

Tháng 3 năm 2003.

Bé Lý đi Phú Quốc về được mấy bữa thì ho quá trời, ho sáng đêm luôn. Thấy bé Lý sốt cao, tôi biểu em Tùng chở tôi và bé Lý vô bệnh viện Nhi Đồng 1 để khám. Vừa khám xong bác sĩ la tôi: “Chị là mẹ mà để con mình bệnh nặng như vầy mới đưa vào viện! Chị phải để ý con cái chứ!”.

Tôi ngậm bò hòn làm ngọt chứ biết nói sao bây giờ? Bé Lý nhập viện, tôi phải đưa xe cho Tùng đem về trả cho cháu gái của tôi, còn tôi thì ở lại trong bệnh viện chăm sóc bé Lý. Vừa vào phòng bệnh, bác sĩ bảo tôi phải cởi bỏ áo quần của bé Lý ra để lau nước nóng vì bé vừa sốt cao, sốt đến 41 độ. Bác sĩ túc trực bên cạnh để trông coi bé.

Nằm trong Nhi Đồng được bốn ngày, bé Lý được chuyển qua Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Bé bị lao rất nặng. Tiền thanh toán viện phí không có, tôi và cô Nguyệt phải chạy vạy xin điều trị miễn phí cho bé. Qua Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch lại gặp trở ngại với yêu cầu là phải đóng viện phí trước khi nhập viện. Lấy đâu ra tiền? Tôi lên gặp phó giám đốc bệnh viện để trình bày những khó khăn và mong ban giám đốc giúp đỡ. Cuối cùng bé Lý cũng được nhập viện miễn phí hoàn toàn. Bé Lý trở bệnh quá nặng do trước đây đang điều trị lao bị gián đoạn. Bé nằm viện, không có người phụ giúp tôi để thay phiên chăm sóc và nuôi bệnh. Khi tôi đềnghịthay tôi một vài đêm trông coi bé Lý, ai cũng viện lý do có quá nhiều công việc cần làm, bận việc gia đình…  Tôi dần hiểu ra, ai cũng sợ bị lây bệnh.

Mọi người bỏmặc tôi và bé Lý ởbệnh viện. Họchỉvào thăm một vài phút rồi về. Chính vì thế, những người nằm trong bệnh viện cứngỡtôi là mẹruột của bé Lý. Chỉcó các sơ, các bác sĩlà biết tôi là ai. Bác sĩcho tôi hay là bé Lý khó lòng qua khỏi vì hai lá phổi của bé không còn nguyên vẹn. Mỗi lần bé lên cơn mệt, hơi thởlại khò khè, đứt quãng, còn môi thì tím ngắt. Tôi ước ao có phép mầu đểtôi bệnh thay cho bé Lý. Chăm sóc cho bé thật không đơn giản chút nào. Ăn vào lại ói ra, trong một ngày bé vạt vã không biết bao nhiêu lần mà nói.

Đêm tôi ngủkhông yên cứphập phòng lo sợđiều không may xảy ra cho bé. Tôi cầu xin các đấng thiêng liêng phò trợ. Tôi chấp nhận bệnh thay, chết thay cho bé. Nhưng đó chỉlà mơ ước thôi, làm sao có thểthay đổi được sốmệnh con người? Mỗi lần bé mệt, tôi vừa đau khổvừa tức giận người đã sinh bé ra. Tại sao biết mình bịnhiễm HIV còn đẻbé ra làm chi, đểrồi bé phải côi cút trên cõi đời lại mang trong người căn bệnh quái ác? Bé có tội tình gì đâu mà phải gánh chịu hậu quảdo người lớn đểlại?

Vào một đêm mưa, bé trởbệnh nặng, người tím ngắt, hơi thởthoi thóp. Tôi điếng hồn chạy đi gọi bác sĩtrực. Cũng may có bác sĩDũng trưởng khoa trong phòng trực. Lập tức, bác sĩDũng đẩy bình oxy tới giường, thao tác rất nhanh cho bé Lý thởngay. Có bình oxy trợsức, gương mặt bé từtừhồng trởlại. Bác sĩnói: “Ổn rồi, chỉcần giữtay đừng cho bé gỡống thởra là được”. Liên tục ba ngày đêm tôi không dám chợp mắt. Bác sĩcũng liên tục thăm bệnh cho bé Lý. Lúc này không hiểu sao tôi cứđọc kinh cầu nguyện liên tục, hết cầu xin đức Phật đến cầu xin đức Chúa. Nói tóm lại, biết đấng thiêng liêng nào tôi đều cầu xin hết để cứu giúp bé Lý thoát cơn hiểm nguy.

Bé nằm mê man thì thôi, tỉnh lại thì bé đưa tay giựt ống thởra. Tôi giữtay của bé không cho bé giựt ống thở. Nước mắt bé chảy dài, bé nói: “Con nhột lắm, bỏra đi má”. Tôi vừa xoa tay nhè nhẹdọc sống mũi cho bé quên đi cảm giác nhột, vừa hỏi bé: “Con có muốn ở với má không? Con có thương má không?”. Bé gật đầu. Tôi thủthỉ: “Nếu con muốn ởvới má thì con không được giựt ống thởra nữa. Con giựt ra bác sĩsẽgiận con, bác sĩkhông cho uống thuốc thì làm sao con hết bệnh? Làm sao con vềởvới má? Con không nghe lời, má giận má bỏđi luôn không vềnhà nữa đó”. Tôi biết bé Lý rất khó chịu khi phải thởbằng ống thở. Nhưng vì tôi nói tôi sẽbỏđi nếu bé không nge lời nên bé cốgắng chịu đựng mà nước mắt cứchảy dài.

Một sựchịu đựng phi thường ởmột đứa bé lên năm! Suốt hơn hai tháng, tôi túc trực nuôi bệnh cho bé Lý trong bệnh viện. Tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu cảnh tượng đau lòng ởnhững đứa trẻbịbỏrơi vì bệnh AIDS. Không ai chăm sóc, ngoài các nữtu. Còn anh Hảo, người phụtrách thay tôi tại nhà Hy Vọng không một lần ghé thăm bé. Vậy mà khi có người nước ngoài đến thăm thì lại tỏvẻyêu thương, quan tâm đến bọn trẻ.

Nằm viện hoài không khỏi bệnh, bác sĩđềnghịcho xuất viện vềnhà điều trịngoại trú. Tôi lại đưa bé Lý vềnhà Hy Vọng,

Ngày 2 tháng 6 năm 2005.

Bé Lý nhập viện lần nữa. Các bệnh cơ hội lại hành hạ bé. Khi tôi vào thăm, bé nằm thiêm thiếp trên giường bệnh. Nghe tiếng tôi, nước mắt bé chảy dài hai bên khóe mắt. Bé Lý cứ nắm chặt tay tôi không muốn rời xa. Những người nuôi bệnh thắc mắc hỏi tôi là ai mà tại sao khi có mặt tôi, họ thấy nó có vẻ tỉnh táo hơn. Cô phụ trách nuôi bệnh của bé Lý giới thiệu: “Chị này là mẹ của bé Lý”. Mọi người nhìn tôi với ánh mắt lạ lùng. Tôi động viên bé Lý: “Con ráng lên! Má sẽ ở với con trong này vào thứ Bảy, Chủ nhật. Mai mốt con xuất viện, má xin cho con về nhà”. Những ngày ở hẳn bên Lý, tôi chứng kiến sự chịu đựng của nó. Thật phi thường đối với một đứa bé! Nước mắt chảy dài, rên khe khẽ dù cơn đau làm người nó tím tái, hơi thở đứt quãng. Bạn tôi hay tin bé Lý nằm viện vào thăm rất đông. Tôi biết mọi người muốn tạo cho bé Lý niềm vui. Nhưng nhìn ánh mắt nó, tôi đọc được nó đang nghĩ gì. Nó cần tình yêu thương gia đình. Nó cần vòng tay của người mẹ. Chỉ thế thôi.

Ngày 7 tháng 6 năm 2005.

Trung tâm Tam Bình điều cô Hoa vào nuôi bệnh bé Lý, đổi ca cho cô Ên về nghỉ. Khi tôi vào thăm, thấy bé mặc quần ướt đứng run lẩy bẩy ở góc phòng. Tôi lật đật quẳng đồ đạc xuống đất, lấy quần thay cho nó. Trong khi đó, cô Hoa tỉnh queo ngồi trên giường la mắng vì con bé lỡ tè ra quần. Tôi góp ý nhưng cô không hề thay đổi thái độ. Tôi gọi điện về trung tâm và gửi thư góp ý cho Ban Giám đốc. Lập tức, cô bị điều về trung tâm, cô Ên lại tiếp tục vào bệnh viện nuôi bé Lý. Ngày ngày, tôi vào thăm con bé, nấu những món ăn mà con bé thích. Dần dần, con bé tươi tỉnh hẳn. Ngày thứ Bảy, Chủ nhật, tôi ở trong bệnh viện với bé Lý cho cô Ên được nghỉ ngơi. Những người nuôi con bệnh nằm chung phòng với bé Lý nói với tôi: “Con nhỏ này chỉ cần có chị vào với nó. Mỗi khi nó tỉnh, nó thường nằm ngóng chị vào. Nó không nói không rằng với ai, nhưng khi có chị, nó líu lo như sáo”.

Tôi cũng muốn ở trong bệnh viện với bé Lý lắm chứ, nhưng điều kiện kinh tế của tôi không cho phép. Xin ai bây giờ trong hoàn cảnh của tôi hiện nay? Lo lắng riết, đầu óc tôi muốn nổ tung ra. Để có thể lo cho bé Lý trong bệnh viện, rồi còn bé Hiền, bé Mai ở nhà, tôi đã gõ cửa bạn bè để xin giúp đỡ. Mỗi khi nhìn bé Lý ho, cơn ho kéo dài khiến nó ôm ngực, người co rúm, lòng tôi buốt nhói. Tôi ước gì có thể san sẻ cơn đau ấy với bé Lý - đứa trẻ đã bị mất mát quá nhiều, cả sức khỏe, cả tuổi thơ… Nó không có ai ngoài tôi, cũng như tôi không có ai ngoài nó. Hai má con dựa nhau để sống. Lúc này, tôi gần như kiệt sức, bám được vào ai là tôi bám. Tôi làm đủ thứ việc để có tiền lo cái ăn cho mình và cho các con đáng thương của tôi.

Ngày 22 tháng 6 năm 2005

Cô Ên về trung tâm, cô Hợi lên thay. Hai ngày tôi không vào bệnh viện thăm, nó cứ đòi cô Hợi dẫn ra cổng bệnh viện ngồi chờ. Chờ mỏi mòn không có tôi, nó khóc, khóc đã rồi thôi. Khi tôi vào thăm, nó lại khóc vì tủi thân. Tôi phải nói cho con bé hiểu rằng sở dĩ tôi không vào với nó vì tôi bận phải đi lo giấy tờ cho nó về ở luôn tại nhà. Lúc đó, con bé mới thôi không khóc nữa.

Ngày 29 tháng 6 năm 2005

Bé Lý xuất viện. Tôi đóng tiền viện phí thay cho Trung tâm Tam Bình. Dù bé Lý chưa hết bệnh nhưng vẫn phải xuất viện. Tôi đi hỏi bác sĩ trưởng khoa về bệnh tình của bé Lý và tại sao cho xuất viện sớm, trong khi nó còn bệnh như thế. Bác sĩ giải đáp những thắc mắc của tôi rồi nói thêm: “Chúng tôi đành bó tay vì bệnh của bé Lý bây giờ đã đến giai đoạn cuối. Bé có thèm ăn cái gì thì chị cứ cho nó ăn”. Bước ra khỏi phòng trực của bác sĩ, lòng tôi ngổn ngang. Tôi đành chấp nhận sự thật này và chuẩn bị tâm lý cho chính mình. Mọi thủ tục xuất viện đã xong, má con tôi cùng về nhà.

Con bé bước vào nhà, mặt mày tươi tỉnh hẳn. Nhìn ánh mắt nó, tôi đọc được niềm hạnh phúc khi có tôi bên cạnh. Suốt ngày, nó cứ quấn quít bên tôi như sợ mất đi vật gì quí báu. Nó thường thỏ thẻ: “Con không muốn lên trường đâu. Con chỉ muốn ở với má, với anh Nam thôi à. Con muốn ở nhà mình”. Tôi nói với con bé: “Con ở trong trường con có quà, có quần áo mới, rồi còn có các bạn nữa, con không thích sao?”. Nghe nói vào trường, nó nhìn tôi rươm rướm nước mắt. Nó nói: “Con không thích quà. Con thích má. Con thích ở nhà mình”. Tôi phải ngoéo tay hứa cho nó yên tâm.

Bây giờ trong nhà có thêm bé Minh cùng tuổi với bé Lý, có bé Hồng là em, nó vui lắm. Tối tối, mấy chị em vui đùa bên nhau, tôi cũng vui lây với niềm vui con trẻ. Tôi thầm cám ơn cuộc đời này đã cho chúng tôi có nhau. Nhưng tôi luôn sống trong lo âu. Tôi biết sức khỏe của bé Lý như “chỉ mành treo chuông”, không biết giờ phút nào bé về với Chúa. Trong khi đó, bé Lý vẫn hồn nhiên vui đùa. Nó đâu biết rằng cuộc sống của nó rất ngắn ngủi bởi căn bệnh AIDS đã vào giai đoạn cuối. Càng ngày nó càng ăn ít hơn bởi nấm lưỡi đi vào cuống họng, làm nó bị ngứa. Ăn vào là nôn ra, dù nó rất thèm ăn. Con bé cứ đòi tôi mua hết thứ này đến thứ khác cho nó ăn, nhưng nó chỉ ăn được vài muỗng là bắt đầu ho, bắt đầu thở hổn hển. Tôi khổ sở không biết phải làm sao. Những món nó thích nhất cũng chỉ ăn được vài miếng. Cố vỗ về cho nó ăn chỉ càng làm nó đau thêm. Nó thường nhỏ nhẻ với tôi: “Má biết không, con thèm ăn thịt, thèm ăn cơm lắm nhưng ăn vô thì bị ngứa họng. Mà ngứa họng là con bị ho. Con tức quá, tại sao con ho hoài không hết? Con đâu có bỏ thuốc như các bạn ở trường, nhưng tại sao con không hết bệnh hả má? Kỳ cục thiệt, bệnh gì mà bệnh hoài không chịu bớt. Con muốn mau hết bệnh, đi học đặng mai mốt con lớn đi làm cô giáo, con nuôi má, con cho má tiền uống cà phê nè, mua quần áo mới cho má mặc nè, má thích không? Ai mà cho con tiền là con cho má hết, con không xài tiền đâu. Bố Linh về cho con tiền, con cũng cho má luôn”.

Cứ mỗi lần bé Lý thỏ thẻ với tôi là tôi lại thấy giận bản thân, giận cả những người đã sinh ra nó. Nó có tội tình gì mà phải gánh chịu hậu quả do người lớn gây ra? Họ hàng xa lánh, ông bà bỏ rơi. Nhìn bé Lý đau đớn trong cơn ho, mặt mày tái ngắt nhưng nó không khóc thét như những đứa trẻ khác mà cố gắng chịu đựng cơn đau, nước mắt chảy dài. Nó chỉ đưa ánh mắt mất thần nhìn tôi như cầu cứu: “Má ơi, con đau lắm!”. Bản thân tôi cũng không biết phải làm sao cho nó hết đau. Những lúc như vậy, tôi chỉ biết ôm nó vào lòng như để chia sẻ phần nào cơn đau cùng nó. Bởi tôi cũng không thể gánh chịu cơn đau giùm nó được. Phải chi cơn đau ấy lấy ra được để tôi đau thế thì tôi đã làm từ lâu rồi.

Trong nhà có thêm hai đứa trẻ, bé Lý có chị có em nên nó cũng vui được đôi chút. Nó luôn tủi thân. Mỗi lần nó nhắc đến bố Linh hoặc thầy Linh là tôi đâm ra lo sợ, dù tôi đã chuẩn bị tâm lý… Nhưng tôi vẫn sợ bởi những lời xin của nó: “Má ơi, mai mốt hết bệnh, con khỏe lại má dẫn con đi thăm thầy Linh, bố Linh, thăm cha Phụng nha má”. Tôi rất sợ vì từ trước đến giờ, nó chưa bao giờ đòi tôi dẫn đi thăm ai, nhưng sao bây giờ nó muốn đi thăm nhiều người thế? Thời gian đối với tôi bây giờ bỗng nhiên trở thành áp lực. Nặng trịch. Không hiểu những lo âu của tôi có quá đáng không? Tôi lo sợ đủ mọi thứ, sợ những mất mát có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với những đứa con của tôi. Những tiếng rên khe khẽ của bé Lý, những cơn ho kéo dài. Tôi biết bé Lý của tôi cũng rất muốn chạy nhảy, vui chơi cùng các bạn đồng trang lứa nhưng sức khỏe của nó quá yếu. Nó có cố gắng tham gia chơi với các bạn thì cũng chỉ được vài phút là ngồi thở hổn hển vì mệt, rồi lại ho, cơn ho kéo dài làm người nó nhũn ra, người tím tái. Tôi lại đau cái đau của nó cũng như vui với niềm vui của nó.

Ngày 1 tháng 7 năm 2005.

Tôi đưa bé Lý đi lên Tam Bình tái khám và lấy thuốc ức chế vi rút HIV. Một tháng trời ở nhà với tôi, tôi chăm sóc kỹ như thế mà con bé chỉ lên có nửa ký. Quả thật không đơn giản khi chăm sóc một đứa trẻ bệnh. Tôi vẫn không nản lòng. Tôi tìm đủ mọi cách để chăm sóc con bé cho tốt. Cùng lúc, bé Hiền lại nóng sốt liên miên. Hai đứa trẻ quay tôi như dế. Bác sĩ Tiến đến khám bệnh cho hai đứa bé, sau đó viết toa cho tôi đi mua thuốc về để truyền dịch cho bé Lý. Truyền liên tục một tuần lễ, con bé mới bớt ho, ăn uống cũng khá hơn. Còn bé Hiền, sau khi bác Tiến chích cho mũi thuốc đã hết sốt. Nhưng khi bác Tiến đi công tác xa, nó lại tiếp tục ho, nóng sốt cao, người phù và đỏ toàn thân. Tôi đành đưa con bé đi bác sĩ Khải khám và điều trị. May quá, nó hết bệnh sau mấy ngày uống thuốc, tốn hết mấy chục ngàn.

Khó khăn mọi thứ, tôi mới chợt hiểu ra lý do tại sao má tôi lại bỏ rơi mấy chị em tôi để đi lấy chồng khác. Đó là vì lý do rất ư đơn giản: Vì bà không còn cách nào khác hơn! Ba tôi theo người đàn bà khác, bỏ má tôi và chị em tôi trong căn nhà thuê, vốn liếng không có một đồng. Má tôi theo chồng xa quê, xa tất cả mọi người thân, sống lệ thuộc vào chồng. Đến khi bị ba tôi bỏ rơi, má hụt hẫng nên bà phải tìm người đàn ông khác nương tựa. Trên đời này đâu có người đàn ông nào tốt bụng mà chịu nuôi cùng lúc bốn đứa con của vợ? Vậy nên chị em tôi mới bị bỏ rơi. Khi tôi hiểu ra thì cũng đã hơn nửa đời người rồi...

Cuộc sống quá khó khăn, tôi bươn chải mưu sinh, hy vọng có được căn nhà do chính mồ hôi nước mắt của mình tạo ra. Nhưng tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Vả lại, làm công tác xã hội như tôi thì làm gì có dư mà hy vọng mua được nhà. Có bao nhiêu tôi đều chăm chút cho những đứa con bất hạnh của tôi hết cả rồi. Dù hiện tại có rất nhiều ân nhân thân hữu giúp đỡ nhưng chỉ đủ lo cái ăn, cái mặc cho bọn trẻ. Tôi cố gắng làm mọi công việc vẫn không thể nào dư. Hơn nữa, tôi tự nhủ phải luôn sống thật tốt, sống để trả nợ đời, để trả ơn tất cả những ân nhân đã từng cưu mang đùm bọc tôi suốt mười mấy năm qua. Tôi không có vật chất để đền đáp công ơn họ, cho nên tôi cần phải cống hiến quãng đời còn lại của mình để đi chăm lo cho những đứa trẻ bất hạnh, những đứa trẻ sớm bị mồ côi bởi cha mẹ chúng đều đã ra đi vì căn bệnh AIDS, chăm sóc các anh chị em bệnh AIDS ở giai đoạn cuối sống ở góc đường hè phố đang chịu cảnh phân biệt đối xử. Tôi tự nguyện chăm sóc họ với mong muốn đền ơn cho tất cả những ân nhân trong xã hội đã giúp đỡ tôi. Có như vậy tôi mới bớt ray rứt trong lòng. Tôi mang ơn rất nhiều người, trong đó người cận kề tôi, động viên, an ủi, giúp đỡ tôi nhiều nhất trong công việc chăm sóc các em vẫn là bác sĩ Tiến - một người ít nói về mình nhưng làm rất nhiều cho bệnh nhân nhiễm HIV, cho những con người nghèo khó nơi tận cùng xã hội, trong tận cùng của sự khổ đau.

Cuộc sống cứ trôi, em Nam, em Thu cũng đã tốt nghiệp lớp 12. Nhưng em Chiến không ở với tôi, em đã có chỗ ở mới là tiệm ảnh. Tùng làm thợ ảnh, còn Ngọc đi làm giáo dục viên như tôi, chăm sóc bệnh nhân AIDS ở giai đoạn cuối. Các em đang tiếp bước con đường của tôi. Nhìn các em chăm sóc và quan tâm người khác, tôi thấy như mình vừa hái được quả ngọt đầu mùa. Hạnh phúc trong tôi nhân lên gấp đôi khi chúng tôi vẫn chung mái nhà.

Ngày 16 tháng 8 năm 2009.

Tôi làm sinh nhật lần thứ 12 cho bé Lý. Con bé khỏe mạnh, nét mặt rạng ngời hạnh phúc bên chiếc bánh sinh nhật của chú Tòng vàcô Như Lịch mới đem đến tặng. Những món quà của mẹ Nguyệt, của má nhỏ Minh Phương, của bố Tiến làm đôi mắt của Lý vui như biết nói. Tôi càng hiểu tinh thần là rất quan trọng trong cuộc sống của người có HIV, giúp con người có niềm tin vào cuộc sống để vượt qua số phận. Bản thân tôi cũng vậy. Nếu không có sự động viên, giúp đỡ của tất cả bạn bè, anh, chị, em, có lẽ giờ này tôi đã đi về cõi xa. Và cũng chính vì sự quan tâm của anh, chị, em đối với tôi, tôi càng phải làm những điều có ích cho xã hội, cho những đứa trẻ bất hạnh vẫn còn đâu đó quanh mình.

Có lẽ tôi bị ám ảnh. Nhưng tôi lo lắm! Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra cho các con của mình, nếu một mai tôi không còn thức dậy được nữa. Tôi cố gắng quên đi những cơn đau đang hành hạ thể xác. Tôi cố diễn kịch một mình, rằng tôi đang khỏe mạnh trước mắt các con, trước mắt mọi người và trước cả chính tôi. Cuộc sống phía trước vẫn còn nhiều điều phải làm, cho gia đình nhỏ của tôi và cho những người cùng cảnh, dù việc tôi làm cho những mảng đời bất hạnh không thấm vào đâu so với những gì đã và đang xảy ra hàng ngày với những con người sống chung với HIV. Tôi cố gắng từng ngày một như con ong chăm chỉ xây tổ trên cành. Tuy sức khỏe của tôi không được như trước, tôi vẫn cố thực hiện những hoài bão của mình để đáp lại ân tình mà xã hội đã cho tôi và các con tôi. Vẫn biết rằng trong cuộc sống hàng ngày, tôi còn những thiếu sót trong cách cư xử. Nhưng được lòng người này thì mất lòng người kia, tôi đành chịu. Chỉ mong mọi người hiểu cho rằng cuộc sống không thể nào hoàn hảo, phải có những thiếu sót nhất định và xin hãy thông cảm cho tôi.

Mỗi ngày tôi đều phải học, học từ người lớn đến các em nhỏ, những điều hay, lẽ phải, để tôi có thể nuôi dạy các con cho tốt. Người ta đến trường để học lấy con chữ, học kiến thức, còn tôi thì tìm đến mọi người, tìm đến mọi tầng lớp anh, chị, em trong xã hội, từ những con người “hạ đẳng” cho đến tầng lớp trí thức, để học cách yêu thương con người, học cách sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời khốn khó như tôi. Bởi tôi còn có may mắn hơn họ, tôi đã được xã hội cưu mang, giúp đỡ để có thể sống và tồn tại đến ngày hôm nay.

Tôi cố gắng dành dụm, chắt chiu số tiền lương ít ỏi làm vốn buôn bán. Tôi mơ ước có một số vốn đủ mở một tiệm tạp hóa hoặc mở quán cơm xã hội. Như thế tôi có thể giúp được những người cùng cảnh nghèo khó như tôi, lại có thể tự nuôi thân và nuôi các con mình. Nhưng để dành hoài vẫn không tài nào có được bởi các con tôi luôn bệnh hoạn. Những đứa lớn trưởng thành, ra riêng cũng thường xuyên bệnh - chúng đều nhiễm HIV cả. Và tôi không thể làm ngơ khi các con tôi bệnh nặng không tiền chạy chữa. Vậy là số tiền ít ỏi lại đội nón ra đi, tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Có những đêm tôi nằm thao thức suy nghĩ, tôi có khác gì những người ăn xin trên đường phố. Lòng tự trọng của tôi biến đâu mất rồi. Chỉ vì những đứa bé mồ côi, bất hạnh mà tôi vô tình trở thành người ăn xin. Tôi không muốn thế, song lực bất tòng tâm.

“Người khác ăn mày trên lề đường, còn tôi ăn mày trên tấm lòng bác ái của các ân nhân thân hữu”. Nếu tôi không nhận những sự giúp đỡ của các anh, chị trong xã hội thì tôi không thể nào tôi đủ sức nuôi các con mình. Mỗi khi đưa tay nhận số tiền của ân nhân giúp đỡ, tôi đau khổ và xấu hổ vô cùng. Có ai thấu hiểu cho nỗi lòng của tôi không? Đồng tiền tôi làm ra bằng chính mồ hôi, nước mắt, không đủ để chi tiêu cho các con, tôi đành phải chấp nhận làm người đi xin. Những gì có dính đến dân sinh xã hội, nếu như có ai đó nhờ đến là tôi không hề từ chối. Tôi làm bằng tất cả nhiệt tình, làm hết khả năng của mình hầu đáp lại những tình cảm mà mọi người đã dành cho gia đình bé nhỏ của tôi, đã cho tôi niềm tin trong cuộc sống này rằng tôi còn có thể hữu ích cho xã hội, để tôi còn có điểm tựa làm những việc mà tôi yêu thích - những công việc không lợi nhuận, những công việc không giống ai, mà vẫn còn đâu đó một số người cho rằng tôi ham chuyện bao đồng.

Tôi quan niệm con người ta dù có giàu sang đến đâu, khi nhắm mắt lìa trần cũng chẳng mang được thứ gì. Thế thì tại sao khi còn sống ta không sẻ chia những gì ta có, dù là ít ỏi. Và tôi san sẻ yêu thương cho tất cả những đứa trẻ bất hạnh mà tôi biết. Khi các con nói: “Má Tâm ơi, con thích cái này. Má Tâm ơi, con thích cái kia!”, có tiền là tôi mua ngay cho chúng. Hôm nay mua cho đứa này, ngày mai mua cho đứa kia chứ không thể nào đủ tiền mua một lần cho tất cả các con - những đứa con ở trong nhà và những đứa con trên hè phố. Mỗi món quà là một niềm vui. Nhìn ánh mắt rạng ngời hạnh phúc của bọn trẻ, những món quà mà chúng mơ ước, có người nhìn tôi vẻ nghi ngờ. Có thật là tôi yêu bọn trẻ? Sao tôi dám cho chúng những món quà đắt tiền? Không ai hiểu tôi bằng chính bản thân tôi. Ai nghĩ sao cũng được, miễn tôi thấy lòng mình thanh thản, bọn trẻ vui sướng, hạnh phúc là đủ rồi.

Công dân không quốc tịch

Tôi cố gắng sống cho thật tốt với một niềm hy vọng sẽ được Đảng, Nhà nước, Chính quyền địa phương công nhận tôi là một công dân Việt Nam. Bởi tôi sinh ra và lớn lên trên đất nước Việt Nam, tôi ăn cơm Việt Nam, nói tiếng Việt Nam, nhưng đến giờ phút này tôi vẫn chưa có được một mảnh giấy xác nhận tôi là người Việt Nam. Có rất nhiều tổ chức nước ngoài hỏi tôi: “Chị cố gắng cống hiến sức lực cho xã hội, giành giật từng con người cho xã hội, tại sao Nhà nước không giúp cho chị giấy tờ tùy thân?”. Tôi cũng không biết nên trả lời thế nào, chỉ biết cười trừ. Thật ra, tôi cũng đi gõ cửa khắp nơi, nhưng chỉ được giải thích: “Khi nào chị có hộ khẩu thì chúng tôi làm chứng minh nhân dân cho chị”. Hộ khẩu ư? Nhà tôi còn chưa có thì làm gì có hộ khẩu? Nhưng tôi không nản. Tôi tiếp tục đến Văn phòng tư vấn Luật miễn phí cho người nghèo nằm trong khuôn viên Thành hội Phụ nữ thành phố để gặp Luật sư Nguyễn Đăng Trừng. Tại đây, tôi đã trình bày hoàn cảnh, quá khứ và hiện tại của tôi cho ông nghe. Ông bảo tôi: “Cháu về làm tờ tường trình gửi ra Trung ương xin được giúp đỡ, vì trường hợp của cháu rất khó”.

Tôi ra về trong tuyệt vọng. Trong khi tôi cố gắng sống tốt, làm gương cho những mảnh đời còn nằm sâu dưới đáy xã hội, cho các anh, chị, em thấy rằng nếu như chúng ta chịu khó thay đổi cuộc sống, chịu sống cuộc đời lương thiện, chịu làm tốt công việc gì đó có ích cho xã hội, cho bản thân, cho gia đình, thì xã hội không quay lưng lại với chúng ta. Nhưng khổ nỗi, tôi cố gắng sống tốt mười bảy năm, cũng có bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố, tôi mang niềm tin mãnh liệt, một ngày nào đó sẽ được công nhận là người Việt Nam và được cấp chứng minh nhân dân Việt Nam, vậy mà còn chưa được. Khi tôi đi tiếp cận các anh, chị sống trên đường phố, họ nói với tôi: “Tụi này biết chị hơn chục năm rồi. Chị ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Chị cố gắng sống tốt, nhưng chị được cái gì? Báo, đài nói về chị khá nhiều. Nhưng chị có được gì chưa? Chị có được công nhận là công dân Việt Nam chưa? Huống chi tụi này là bụi đời, xì ke, mại dâm, đầu trộm đuôi cướp? Chị chỉ được người trong xã hội công nhận là người tốt. Còn Chính quyền, Nhà nước có công nhận chị là người tốt chưa? Tại sao chị vẫn chưa có được tờ chứng minh nhân dân như mấy người bình thường khác? Chị có lý tưởng của chị, tụi này có lý tưởng của tụi này. Khi nào chị có được tờ chứng minh nhân dân đem ra cho tụi này thấy, tụi này mới tin vào ngày mai tương lai sẽ sáng nếu chịu khó sống tốt như chị. Chứ giờ chị nhìn lại đi, chị đã phấn đấu như điên, mà có ai giúp cho chị tờ giấy lận lưng chưa?”. Tôi cũng không biết giải thích làm sao bởi họ nói quá đúng. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng làm tốt, sống cho thật tốt đến hơi thở cuối cùng, cố gắng để cho các anh, chị trong xã hội tin yêu. Có như vậy, tôi mới được tạo điều kiện để tiếp tục nuôi dạy những đứa bé mồ côi, bất hạnh, đang bị AIDS lấy đi hạnh phúc tuổi thơ.

Má con tôi không có nhà. Mà đã không có nhà thì không có hộ khẩu, không có hộ khẩu thì không thể nào làm được giấy chứng minh nhân dân. Một vòng luẩn quẩn. 2cd3 Chẳng lẽ cứ để các bé sống như tôi bây giờ? Sống lay lắt trong xã hội, không được chứng nhận mình là công dân Việt Nam? Vì lý do không có nhà, không hộ khẩu dù có giấy khai sinh, tương lai các bé sẽ ra sao? Khi các bé trưởng thành không có lấy một mảnh giấy tùy thân thì làm sao các bé có được việc làm đàng hoàng, lương thiện để tự nuôi thân? Tôi mơ ước chính quyền giang rộng đôi tay chấp nhận chúng tôi. Chỉ bấy nhiêu thôi mà sao khó quá! Tôi mơ ước và cố gắng tiết kiệm tối đa những đồng tiền có được bằng chính công sức và mồ hôi của mình, dành dụm để có thể mua căn nhà nho nhỏ. Nếu lỡ tôi nằm xuống thì các con tôi còn có chỗ đi về, không phải chịu cảnh ở nhà thuê.

Viết đến đây, tim tôi như thắt lại. Tôi hoàn toàn bất lực bởi vì thời buổi gạo châu củi quế, giá nhà đất tăng vùn vụt, tôi càng tiết kiệm càng thấy mơ ước của mình vượt quá tầm tay. Các bé con của tôi nay bệnh mai đau. Mọi thứ đều phải lo toan, tôi vừa là cha vừa là mẹ của chúng. Tôi phải lo cho các con của mình có được một tinh thần lạc quan, hồn nhiên của tuổi thơ, phải lo dinh dưỡng đủ đầy, lo cho uống thuốc ARV[1] đúng giờ, để kéo dài cuộc sống của các con tôi. Giờ đây tôi là điểm tựa duy nhất của bọn trẻ. Chúng tôi dựa vào nhau để sống, dựa vào nhau để tìm những yêu thương đã mất mát và xem đó là phần máu thịt của mình mà tồn tại trên cõi đời này. Tôi dạy các con cách sống và đối nhân xử thế bằng chính những trải nghiệm cuộc đời mình, một cuộc đời có quá nhiều đau khổ, thiếu thốn tình yêu thương gia đình, sống lăn lóc giữa phố chợ đông người. Hơn nữa, tôi phải sống tủi nhục, ê chề, không dám ngẩng mặt nhìn ai, bởi tôi may mắn như các bé bây giờ, không có sự yêu thương dạy dỗ chân tình của người lớn, mà họ chỉ dạy tôi sống lọc lừa gian xảo.

Tôi đã từng khát khao có được tình yêu thương gia đình, được sự dạy bảo của cha, sự rầy la của mẹ mỗi khi vướng phải lỗi lầm. Và nửa cuộc đời còn lại, tôi mới gặp được may mắn, gặp được người tốt thật sự trong xã hội đưa tay vực tôi đứng lên làm người. Họ là những người xa lạ, nhỏ tuổi hơn tôi. Tôi đã học từ các bạn trẻ cách sống cho ra một con người.

Để giờ đây có được các con của tôi, tôi cố gắng góp nhặt những mảnh vỡ cuộc đời, đem về ghép lại thành những yêu thương, thành mái ấm gia đình nhỏ để các bé và tôi dựa nhau, để sống cho tốt. Tôi chỉ lo lắng một điều: Nếu chẳng may tôi qua đời sớm quá, các con của tôi lại mồ côi thêm lần nữa, khi mà tuổi của các bé còn quá nhỏ, chưa hiểu được hết những cạm bẫy của cuộc đời. Mà cuộc đời vẫn còn đầy rẫy những con người sống ích kỷ, hẹp hòi. Làm sao các con tôi hiểu hết được “lòng người”?

Tôi không phải là người tốt. Bởi quá khứ còn rành rành ra đấy, vẫn đeo bám tôi suốt chặng đường đời. Nhưng tôi làm việc gì cũng phải suy nghĩ thật kỹ cho hợp lòng người, để khi đối diện với chính mình, tôi không phải ray rứt, và khi tôi chết đi, tôi vẫn có thể nở nụ cười hạnh phúc với bạn bè đã từng cưu mang tôi trong suốt quá trình tôi phấn đấu học làm người tốt. Người ta phấn đấu vươn tới sự giàu sang, còn tôi phấn đấu để tìm lại chính mình, tìm lại những yêu thương mất mát mà tuổi thơ tôi không có được. Nghĩ cũng lạ phải không các bạn? Tôi cố gắng vươn lên trong khó khăn chật vật, làm đủ thứ việc để có tí tiền còm, tiết kiệm cho những mảnh ghép yêu thương, để phòng khi ốm đau bệnh tật… quả thật không đơn giản chút nào.

Những ngày tháng vừa qua, tôi bị tai nạn xe, cộng thêm cú sốc lớn khi tình cờ xét nghiệm máu biết mình mắc bệnh nan y. Tôi nằm liệt một chỗ và muốn buông trôi tất cả. Cũng may nhờ có các bạn quanh tôi động viên, giúp đỡ, mỗi người một chút. Sau trận bệnh, tôi nhận ra rằng cuộc sống này rất ngắn ngủi, tôi cần phải trân trọng nó và phải sống cho thật đúng nghĩa của một con người. Để khi bước ra đường, tôi không phải cúi đầu mà đi, không xấu hổ khi gặp mọi người, không bị lương tâm cắn rứt khi đối diện với chính mình.

Tôi phải cố gắng làm những gì có thể, để giúp cho bạn bè tôi, giúp cho các trẻ em bất hạnh dù chỉ là một nụ cười yêu thương, như thế cũng là hạnh phúc lắm rồi. Hỉ, nộ, ái, ố, tất cả tôi đã trải qua. Giờ đây có lẽ gần đi về nơi xa, tôi mới có thời gian nhìn lại. Tôi chưa làm được gì cho tôi, chưa làm được gì cho những mảnh đời bất hạnh quanh tôi. Tôi sống trong đau đáu một nỗi niềm của người mẹ đơn thân không thể cho con mình một ngôi nhà thật sự. Nếu chẳng may tôi ra đi đột ngột, các con tôi sẽ về đâu, ở đâu?

Tôi rất lo sợ, vì con tôi là con gái. Tôi sợ con tôi lại đi vào con đường của chính tôi trước đây. Viết đến đây đầu tôi đau buốt! Tôi cứ suy nghĩ hoài về tương lai của các con mình. Tôi cố gắng lo toan mọi thứ với mong ước các con có được ngày mai tốt đẹp, một tương lai tươi sáng hơn tôi bây giờ. Sống trên thế gian này không đơn giản, tôi cố gắng vun vén cho các con.

Người hiểu chuyện cho tôi là bà mẹ tốt, người không hiểu chuyện thì cho tôi là bà mẹ xấu. Cho dù thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn ngẩng cao đầu. Tôi sống không hổ thẹn với lương tâm, không để cho những anh, chị từng giúp đỡ tôi phải buồn lòng. Tôi cố gắng dẹp bỏ những ham muốn đời thường của bản thân để làm một bà mẹ đúng nghĩa, như bao bà mẹ bình thường khác. Tôi không dám lãng quên bổn phận làm mẹ của mình, dù chỉ một phút giây. Bởi chúng tôi có duyên phận mới có cơ hội làm mẹ con với nhau. Tôi dạy các con phải biết nhớ ơn những ân nhân từng cưu mang mình, biết quan tâm đến những người kém may mắn hơn mình. Sống, phải biết chia sẻ, đấy mới là hạnh phúc.

Các con càng lớn, tôi càng lo. Vì các con là con gái, tôi phải dạy cho chúng biết giữ khoảng cách với người khác phái, để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra. Lúc nào tôi cũng lo, cũng nghĩ đến những điều đáng tiếc. Tôi luôn quan sát từng cử chỉ, hành động của các con, tâm sự với đứa con gái lớn về những lo lắng của tôi, bởi nó là hình ảnh của tôi của mấy chục năm về trước. Ở độ tuổi 12 - 13 bắt đầu dậy thì, trẻ dễ ngộ nhận về tình cảm của người khác giới.

Tôi không muốn các con gái bé bỏng của tôi rơi vào vết xe đổ của tôi trước đây. Tôi sợ cuộc đời nó sẽ khổ. Dù con tôi trong người có HIV nhưng đâu phải như vậy là có thể sống bạt mạng, bất cần? Vẫn còn có tương lai phía trước, dẫu là ngắn ngủi. Có lẽ tôi quá đa nghi? Cũng phải thôi, bởi vì cuộc sống quanh ta quá nhiều bất ngờ có thể xảy ra. Dù tôi không muốn nghĩ tới những chuyện không hay, nhưng không thể không đề phòng những rủi ro cho các con của mình khi không có tôi bên cạnh. Có lẽ tôi bị ảnh hưởng về tâm lý của chính tôi từ thuở nhỏ nên tôi luôn sống trong đa nghi với người khác phái. Tôi vẫn biết người khác phái không phải ai cũng xấu.

Nhưng vì tôi chứng kiến quá nhiều chuyện đau lòng xảy ra cho các bé gái, cha dượng, chú, cậu và người hàng xóm đã từng lạm dụng tình dục trẻ em, cả trẻ trai lẫn trẻ gái. Những điều ấy khiến tôi luôn bất an. Những đứa trẻ sống thiếu thốn tình thương yêu của gia đình, nhất là thiếu tình thương yêu của cha mẹ, có nguy cơ bị lạm dụng tình dục nhiều hơn so với các trẻ em bình thường khác. Tôi chỉ có thể cho các con tình yêu thương của người mẹ, còn tình thương của cha thì không. Mà không có tình thương và sự dạy dỗ của cha, các bé gái dễ bị lạm dụng tình dục nhiều nhất.

Cứ như thế, từng ngày trôi đi. Cuộc sống vẫn đầy ắp những lo toan, nào tiền ăn, tiền học, mọi thứ đều phải tính bằng tiền. Tôi chạy vạy khắp nơi để lo cái ăn, cái mặc cho bọn trẻ, không còn thời gian để lo cho mình. Từng đợt trẻ mới về với tôi, rồi từng đợt trẻ lớn lên trưởng thành, xin ra ở riêng, tạo dựng cuộc đời, hòa nhập với cộng đồng.

Tôi mãn nguyện với hạnh phúc mà tôi có được. Các em cũng thế. Riêng những đứa trẻ hiện tại tôi đang nuôi dưỡng, mối lo toan còn lớn hơn. Bởi các bé không còn ai trên thế gian này, ngoài tôi. Tôi rất lo, bởi vì bản thân tôi còn chưa có giấy tờ gì. Rồi mai này các bé lớn lên, làm sao các bé có giấy chứng minh nhân dân? Làm sao các bé có tương lai? Làm sao các bé có thể tự tin để hòa nhập xã hội?... Nghĩ tới điều này, tôi thật đau lòng. Không ai hiểu được những điều gì sẽ xảy ra trong tương lai khi mà đứa trẻ lớn lên không có giấy tờ tùy thân, để chứng minh mình là công dân Việt Nam.


[1]Điều trị ARV nhằm giảm sự nhân lên của vi-rút HIV trong cơ thể, ngăn cản sự tiến triển HIV sang AIDS ở bệnh nhân.

 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/74229


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận