Cô đang ở đâu? Cô đang ở cái chỗ chết tiệt nào vậy?
Chuyện này đang vượt quá giới hạn một trò đùa. Tôi đã mất ba ngày tìm kiếm. Tôi đã tới tất cả các cửa hàng thập niên hai mươi mà tôi nghĩ ra và khẽ gọi “Sadie?” vọng qua các giá quần áo. Tôi đã gõ cửa tất cả các căn hộ của tòa nhà này và gọi với vào “Tôi đang tìm cô bạn Sadie!” ở ngưỡng cửa, đủ to để cô nghe thấy. Tôi đã tới câu lạc bộ Flashlight và ngó nghiêng các đôi nhảy trên sàn. Nhưng chẳng thấy bóng dáng cô đâu.
Hôm qua tôi tới nhà bà Edna và bịa chuyện con mèo của tôi bị mất, kết quả là cả hai chúng tôi đều đi quanh ngôi nhà và gọi “Sadie? Meo meo meo?” Nhưng không thấy tiếng đáp lại. Edna rất tử tế, bà đã hứa là sẽ báo nếu thấy có con mèo lạc nào quanh quẩn ở đó. Nhưng chuyện đó cũng không hẳn là có ích gì với tôi.
Hóa ra đi tìm những con ma mất tích quả là cực khổ. Người ta không thể nhìn thấy họ. Người ta không thể nghe thấy họ. Người ta không thể ghim ảnh lên cây với dòng chữ “Mất tích: Ma”. Người ta không thể hỏi bất cứ ai là “Anh chị có nhìn thấy cô bạn ma của tôi không, trông như một cái váy flapper, giọng the thé ấy?”
Lúc này tôi đang đứng trước Viện Phim Anh quốc. Có một bộ phim đen trắng cũ đang chiếu và tôi ngồi ở cuối, nhìn khắp các hàng đầu người. Nhưng chẳng ích gì. Làm sao tôi nhìn thấy cái gì trong khoảng không đen như hắc ín này?
Lấy hết can đảm, tôi bắt đầu luồn xuống lối đi, ngồi thụp xuống, nhìn trái ngó phải lần lượt những khuôn mặt nhìn nghiêng trong ánh nhập nhoạng.
“Sadie?” Tôi rít khẽ, kín đáo hết cỡ.
“Suỵt!” Ai đó kêu.
“Sadie cô có đấy không?” Tôi thì thào khi tới hàng ghế tiếp theo. “Sadie?”
“Im nào!”
Ôi Chúa ơi. Cách này sẽ chẳng ăn thua. Chỉ còn một cách duy nhất. Thu hết can đảm tôi đứng thẳng dậy, hít một hơi sâu và gọi toáng lên.
“Sadie! Lara đây!”
“Suỵt!”
“Nếu cô có ở đây, hãy cho tôi biết! Tôi biết là cô thất vọng, tôi xin lỗi và tôi muốn chúng ta là bạn và...”
“Im đi! Ai đấy! Trật tự đi!” Một loạt đầu quay lại và những tiếng kêu giận dữ rộ lên khắp các dãy ghế. Nhưng không có tiếng trả lời của Sadie.
“Xin lỗi?” Một người chỉ chỗ xuất hiện. “Tôi sẽ phải mời cô ra khỏi đây.”
“OK. Tôi xin lỗi. Tôi sẽ đi.” Tôi theo người chỉ chỗ ngược lối đi tới cửa ra, rồi đột nhiên quay lại cố gắng lần cuối. “Sadie? Sa-die!”
“Làm ơn im lặng đi!” người chỉ chỗ kêu lên giận dữ. “Đây là rạp chiếu phim!”
Tôi nhìn săm soi vào khoảng không tối đen một cách tuyệt vọng nhưng không thấy bóng dáng cánh tay trắng gầy guộc của cô đâu, không thấy tiếng những chuỗi hạt kêu leng keng, không thấy những chiếc lông chim phất phơ giữa những cái đầu.
Người chỉ chỗ đưa tôi ra hẳn khỏi Viện Phim Anh quốc, tuôn ra những lời cảnh cáo nghiêm khắc và giáo huấn cho tôi một bài suốt đường đi, rồi bỏ tôi lại một mình trên lối đi bộ vào rạp, cảm thấy mình giống như một con cún bị đá ra khỏi nhà.
Tôi ủ rũ lê bước, nhún vai khoác áo vào. Tôi sẽ đi uống một tách cà phê và sốc lại tinh thần. Dù nói thật là tôi gần như hết cách rồi. Khi tôi đi về phía con sông, Con mắt London ở đó, vút lên bầu trời, vẫn quay đều vui vẻ, như chẳng hề có chuyện gì xảy ra.
Tôi ủ rũ quay đầu đi. Tôi không muốn nhìn thấy Con mắt London. Tôi không muốn phải nhớ lại chuyện hôm đó. Tôi đã phải trải qua một khoảnh khắc đáng xấu hổ, đau khổ ở thắng cảnh nổi bật nhất của London. Tại sao tôi không chọn một địa điểm hẻo lánh nhỏ bé nào đó để giờ đây tôi có thể tránh được?
Tôi đi vào hàng cà phê, gọi một tách cappuccino đặc gấp đôi và ngồi phịch xuống ghế. Cái vụ tìm kiếm này bắt đầu khiến tôi chán nản. Adrenaline cung cấp sức lực cho tôi đã bắt đầu cạn dần. Nhỡ tôi không bao giờ tìm thấy cô thì sao?
Nhưng tôi không thể để mình nghĩ thế được. Tôi phải tiếp tục. Một phần bởi vì tôi không chịu chấp nhận thất bại. Phần vì Sadie càng bỏ đi lâu tôi càng lo lắng cho cô. Phần nữa là vì, nói thật ra là tôi không muốn từ bỏ chuyện này. Khi đi tìm Sadie, tôi cảm thấy như thể phần đời còn lại của mình vẫn đang tiếp tục. Tôi không phải nghĩ về chuyện Giờ-sự-nghiệp-của-tôi-sẽ-đi-về-đâu? Hoặc chuyện Tôi-sẽ-phải-ăn-nói-với-bố-mẹ-thế-nào? Hoặc chuyện Sao-tôi-có-thể-ngu-ngốc-như thế-về-Josh?
Hoặc thậm chí là về chuyện với Ed. Chuyện đó vẫn làm tôi thấy khốn khổ mỗi lần tôi để mình nghĩ tới nó. Nên... đơn giản là tôi sẽ không nghĩ tới nó. Tôi sẽ chỉ tập trung vào Sadie, Chén Thánh của tôi. Tôi biết thế thì thật buồn cười nhưng tôi có cảm giác là chỉ cần tìm được cô, mọi chuyện khắc sẽ đâu vào đấy.
Tôi lẹ làng mở tờ danh sách ghi những ý tưởng “Tìm kiếm Sadie” ra, nhưng hầu hết đều đã bị gạch đi. Rạp chiếu phim là nơi hứa hẹn nhất. Chỉ còn những mục khác là “Thử đến những câu lạc bộ nhảy đầm khác?” và “Viện dưỡng lão?”
Tôi cân nhắc viện dưỡng lão một lát khi nhấp cà phê. Sadie sẽ không trở lại đó, chắc chắn vậy. Cô ghét nó. Thậm chí cô còn không thể đối diện với chuyện vào trong đó. Vậy thì giờ cô tới đó làm gì?
Nhưng cứ thử xem sao.
Suýt nữa thì tôi cải trang trước khi tới Viện dưỡng lão Fairside, tôi quá hồi hộp. Ý tôi là, giờ tôi đã tới đây, cô gái đã buộc tội nhân viên ở đây giết người xuất hiện trước ngưỡng cửa ngôi nhà.
Họ có biết đó là tôi không? Tôi cứ lo sợ tự hỏi vậy. Cảnh sát có nói với họ không, “Chính Lara Lington đã bôi nhọ danh tiếng của các vị?” Vì nếu vậy thì đời tôi tiêu rồi. Các điều dưỡng viên sẽ vây quanh tôi thành một hội và đá tôi bằng những đôi giày trắng tinh đế bọc da. Những người già sẽ đập tôi bằng những cái khung kẽm. Và tôi đáng bị thế.
Nhưng khi Ginny mở cửa ra, cô không hề tỏ một dấu hiệu gì cho thấy cô biết tôi là kẻ vu oan giá họa. Mặt cô hiện lên những nếp nhăn khi cô mỉm cười ấm áp và đương nhiên là tôi lại càng cảm thấy tội lỗi hơn bao giờ hết.
“Lara! Ngạc nhiên chưa! Để tôi giúp cô nhé?”
Tôi hơi khòng xuống vì mấy cái thùng các tông và một bó hoa vĩ đại đang sắp tuột khỏi tay tôi.
“Ồ, cảm ơn cô,” tôi cảm kích nói, đưa cho cô một món đồ. “Trong đó có mấy hộp sô cô la tặng mọi người đấy.”
“Chúa ơi!”
“Và những bông hoa này cũng là để tặng cho các nhân viên...” Tôi đi theo cô vào gian sảnh thơm mùi sáp ong và đặt bó hoa lên bàn. “Tôi chỉ muốn nói lời cảm ơn tới tất cả mọi người vì đã chăm sóc bà dì Sadie của tôi rất chu đáo.”
Và không sát hại bà cụ. Ý nghĩ đó chưa bao giờ xuất hiện trong đầu tôi.
“Đáng yêu quá! Mọi người sẽ rất cảm động!”
“Ờ,” tôi nói ngượng nghịu. “Thay mặt gia đình, tất cả chúng tôi đều rất cảm kích và cảm thấy thật tệ là chúng tôi đã không tới thăm bà dì của mình... thường xuyên hơn.”
Chưa bao giờ.
Khi Ginny mở hộp sô cô la ra, kêu lên vì thích thú, tôi lén đi tới chỗ cầu thang và ngước nhìn lên.
“Sadie?” tôi gọi khẽ. “Cô có ở đây không?” Tôi nhìn khắp đầu cầu thang trên gác nhưng không thấy một dấu hiệu nào.
“Thế còn đây là cái gì?” Ginny đang nhìn vào một cái hộp các tông khác. “Lại là sô cô la nữa à?”
“Không. Thật ra đó là mấy cái đĩa CD và DVD. Dành cho các cụ ở đây.”
Tôi mở thùng và lôi đống đĩa CD ra. Điệu Charleston. Những bản nhạc hay nhất của Fred Astaire. Thập niên 1920-1940 - Tuyển chọn.
“Tôi chỉ nghĩ là thỉnh thoảng có lẽ họ sẽ thích nghe những điệu nhạc mà họ vẫn hay nhảy theo khi còn trẻ?” tôi ướm lời. “Nhất là những cụ ông cụ bà đã cao tuổi lắm rồi ấy? Nó có thể khiến họ vui lên.”
“Lara, thật chu đáo không thể tưởng tượng nổi! Chúng ta sẽ mở một đĩa, ngay bây giờ!” Cô đi thẳng vào phòng sinh hoạt chung đầy những cụ già ngồi trên ghế và sofa xem những talk show om sòm trên ti vi. Tôi đi theo, nhìn khắp lượt những mái đầu trắng phơ tìm Sadie.
“Sadie?” tôi rít khẽ, nhìn quanh. “Sadie, cô có ở đây không?”
Không có tiếng đáp lại. Lẽ ra tôi nên biết chuyện này là một ý tưởng ngớ ngẩn. Tôi nên đi thôi.
“Được rồi!” Ginny đứng thẳng lên chỗ chiếc đầu đĩa. “Chờ một phút nữa là nhạc sẽ chạy.” Cô tắt phụt ti vi đi và cả hai chúng tôi cùng đứng bất động, chờ cho nhạc cất lên. Thế rồi nhạc cất lên. Một điệu jazz tưng bừng của một ban nhạc thập niên hai mươi hỗn tạp. Tiếng hơi nhỏ, giây lát sau Ginny tăng âm thanh lên tới mức kịch kim.
Phía bên kia phòng, một cụ ông đang ngồi đắp tấm chăn kẻ ô vuông với một bình ôxy đặt bên cạnh quay đầu lại. Tôi có thể thấy những khuôn mặt quanh phòng ngời lên khi nhận ra. Ai đó bắt đầu ngân nga theo nhạc bằng một giọng run run. Một người phụ nữ thậm chí còn bắt đầu vỗ tay, cả người tươi tỉnh hẳn lên vì thích thú.
“Họ thích nó!” Ginny nói với tôi. “Quả là một ý hay! Thật tiếc là trước đây chúng tôi chưa bao giờ nghĩ ra điều này!”
Tôi chợt cảm thấy nghẹn lại ở cổ họng khi nhìn họ. Tất cả bên trong đều là Sadie, phải không? Tất cả bên trong đều đang ở độ tuổi hai mươi. Tất cả những mái tóc bạc và làn da nhăn nheo này chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Cụ ông với cái bình ôxy có lẽ đã từng là một người bốc đồng sôi nổi. Cụ bà có đôi mắt ướt át xa xăm kia hẳn từng là một cô gái tinh nghịch hay chơi khăm đám bạn. Họ đều từng là những người trẻ, với những mối tình, bạn bè, tiệc tùng và cuộc sống bất tận ở phía trước...
Và khi tôi đứng đó, điều kỳ dị nhất xảy ra. Như thể tôi có thể nhìn thấy họ, trong phong thái ngày trước. Tôi có thể nhìn thấy những bản thể sôi nổi, trẻ trung bay lên khỏi cơ thể họ, rũ bỏ sự già nua, bắt đầu khiêu vũ với nhau trong tiếng nhạc. Tất cả họ đều đang nhảy theo điệu Charleston, đá gót chân cao, tóc họ thẫm màu và khỏe khoắn, chân tay lại mềm mại uyển chuyển, và họ đang cười khanh khách, tóm lấy tay nhau, hất đầu ra sau, say sưa trong điệu nhảy...
Tôi chớp mắt. Ảo ảnh biến mất. Tôi đang nhìn vào căn phòng đầy những cụ già bất động.
Tôi liếc rất nhanh sang Ginny nhưng cô vẫn đang đứng đó, mỉm cười nhã nhặn và ngân nga theo đĩa, sai nhạc.
Tiếng nhạc vẫn phát ra, vang vọng khắp viện dưỡng lão. Sadie không thể ở đây. Nếu có cô ta đã nghe thấy tiếng nhạc và tới xem có chuyện gì đang diễn ra. Lại không lần ra dấu tích.
“Tôi biết mình định hỏi cô gì rồi!” Đột nhiên Ginny quay sang tôi. “Cô đã tìm thấy chuỗi hạt của cụ Sadie chưa? Chuỗi hạt cô tới đây tìm ấy?”
Chuỗi hạt. Không hiểu sao bây giờ khi Sadie biến mất thì tất cả dường như cũng trở nên xa tít mù khơi.
“Không, tôi chưa hề tìm thấy.” Tôi cố gắng mỉm cười. “Cô gái ở Paris đã được dặn phải gửi nó về cho tôi, nhưng... tôi vẫn đang chờ.”
“Ồ vậy à, mong là may mắn!” Ginny nói.
“Mong là may mắn.” Tôi gật đầu. “Mà tôi nên đi thôi. Tôi chỉ muốn tới chào.”
“Vâng, được gặp cô thật thú vị. Để tôi tiễn cô ra.”
Khi chúng tôi đi qua gian sảnh, đầu tôi vẫn đầy ắp ảo ảnh những cụ già ở đây khiêu vũ, trẻ trung và hạnh phúc như tôi nhìn thấy lúc nãy. Tôi không thể vũ bỏ chúng được.
“Ginny,” tôi buột miệng nói khi cô mở cánh cửa trước to đùng ra. “Hẳn cô đã chứng kiến rất nhiều cụ già... qua đời.”
“Vâng,” cô nói bình thản. “Đó là mặt trái của nghề này.”
“Cô có tin vào...” tôi ho, cảm thấy xấu hổ. “Vào thế giới bên kia không? Cô có tin rằng linh hồn sẽ trở lại và những chuyện đại loại như thế không?”
Điện thoại của tôi đổ chuông nheo nhéo trong túi xách trước khi Ginny kịp trả lời và cô gật đầu bảo tôi nghe. “Cô cứ nghe đi.”
Tôi rút điện thoại ra, và thấy số của bố trên màn hình hiển thị tên.
Ôi Chúa ơi. Sao bố lại gọi? Chắc bố đã nghe được chuyện tôi vừa bỏ việc qua ai đó rồi. Bố sẽ cuống cả lên và hỏi xem tôi dự định sẽ làm gì. Mà tôi thậm chí không thể tránh cuộc gọi khi Ginny đang nhìn thế này.
“Con chào bố,” tôi vội nói. “Con đang bận chút việc. Bố chờ con một phút được không?” tôi nhấn nút chờ và nhìn lên Ginny.
“Vậy điều mà cô đang hỏi là tôi có tin có ma không chứ gì?” cô nói, mỉm cười.
“Ờ... đúng vậy, tôi nghĩ là vậy.”
“Thành thực? Không, tôi không tin. Tôi nghĩ tất cả là do đầu óc tưởng tượng ra thôi, Lara ạ. Tôi nghĩ nó là cái mà người ta muốn tin. Nhưng tôi có thể hiểu nó hẳn sẽ là một sự an ủi đối với những người bị mất người thân.”
“Đúng vậy.” Tôi gật đầu, nghiền ngẫm điều này. “Ờ... tạm biệt. Cảm ơn cô.”
Cánh cửa đóng lại và tôi đã đi xuống được nửa đường rồi mới nhớ ra bố vẫn đang kiên nhẫn chờ trên điện thoại. Tôi chộp lấy điện thoại và ấn nút nghe. “Chào bố! Con xin lỗi vì đã để bố chờ.”
“Không sao, con yêu! Bố xin lỗi vì đã quấy rầy con lúc đang làm việc.”
Làm việc? Vậy là bố không biết.
“À vâng!” Tôi nói nhanh, bắt tréo ngón tay. “Làm việc. Vâng. Đương nhiên rồi. Làm việc! Con còn ở đâu khác được nữa chứ?” Tôi bật cười the thé. “Mặc dù thật ra, đáng ngạc nhiên là con lại không ở văn phòng...”
“À. Ừ, vậy thì đúng lúc quá.” Bố ngập ngừng. “Bố biết chuyện này nghe có vẻ kỳ quặc. Nhưng bố có chuyện cần phải nói với con và nó khá quan trọng. Mình gặp nhau nhé?”
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !