Hai Vạn Dặm Dưới Đáy Biển Chương 1

Chương 1
ẤN ĐỘ DƯƠNG

Đến đây bắt đầu phần thứ hai của cuộc hành trình ngầm dưới biển của chúng tôi. Phần thứ nhất kết thúc bằng cảnh tượng xúc động dưới nghĩa trang san hô, đã để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc. Như vậy, chẳng phải chỉ cuộc sống của thuyền trưởng Nê-mô trôi qua giữa lòng đại dương mệnh mông, mà cả cái chết, ông ta cũng chuẩn bị ở dưới đáy biển sâu! Ở đó không một quái vật nào có thể quấy rối giấc ngủ cuối cùng của những người chủ tàu Nau-ti-lux, những người gắn bó với nhau lúc sống cũng như khi chết, những người “không ai có thể động tới được”, như Nê-mô đã nói.

Giả thiết Công-xây đề ra không làm tôi thỏa mãn. Anh ta cho Nê-mô là một trong số những nhà bác học vì bị hắt hủi nên tỏ vẻ khinh bạc đối với mọi người, hoặc là một thiên tài bất đắc chí nên từ bỏ những cám dỗ trần tục mà lui về ẩn náu trong biển cả, môi trường gần gũi với tâm hồn phóng khoáng của ông ta. Theo tôi, cách giải thích như vậy chỉ đúng một mặt của bản chất Nê-mô.

Bí mật của đêm nọ là chuyện gì vậy? Vì sao họ phải giam giữ chúng tôi? Vì sao họ cho chúng tôi uống thuốc ngủ? Vì sao Nê-mô lại giật phắt chiếc ống nhòm, khi tôi chưa kịp đưa lên nhìn chân trời? Và người thủy thủ bị tử thương trong trường hợp hết sức bí hiểm kia? Tất cả những câu hỏi đó khiến tôi phải suy nghĩ. Không! Thuyền trưởng Nê-mô không phải  chỉ trốn tránh mọi người! Chiếc tàu đáng sợ của ông ta có lẽ không chỉ là nơi ẩn náu của một người yêu tự do, mà còn là một vũ khí phục thù khủng khiếp!

Đó chỉ là những phỏng đoán, chỉ là ánh sáng le lói trong đêm tối dày đặc. Tôi buộc phải ghi chép các sự kiện theo thứ tự của chúng.

Chẳng có gì ràng buộc chúng tôi với thuyền trưởng Nê-mô cả. Ông ta biết rằng chạy trốn khỏi tàu Nau-ti-lux là một điều không tưởng. Nê-mô chẳng cần chúng tôi phải thề bồi, cam đoan gì. Chúng tôi là người bị giam, là tù nhân mà người ta gọi lịch sự là khách. Tuy vậy, Nét vẫn không mất hy vọng giành lại tự do. Có thời cơ thuận lợi là anh ta chuồn ngay. Tất nhiên tôi cũng sẽ theo gương anh ta. Nhưng dù sao tôi cũng ân hận sẽ phải mang theo cả những bí mật mà thuyền trưởng Nê-mô đã tin mà cho tôi biết. Cuối cùng, con người ấy đáng căm ghét hay đáng khâm phục? Con người ấy là nạn nhân hay đao phủ? Thực lòng, tôi cũng muốn, trước khi vĩnh biệt Nê-mô, làm một chuyến du lịch vòng quanh thế giới mà phần đầu đã hoàn thành một cách tuyệt mỹ! Tôi muốn được thấy hết những kỳ quan đang ẩn mình dưới các đại dương. Tôi muốn đi sâu vào những điều bí ẩn nhất, thậm chí dám hy sinh tính mạng để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu những cái chưa biết! Cho tới nay tôi đã khám phá ra điều gì? Chưa được hoặc gần như chưa được điều gì vì chúng tôi mới đi được sáu ngàn dặm dưới Thái Bình Dương...

Trưa ngày 21 tháng Giêng năm 1868, viên thuyền phó lại lên boong xác định độ nghiêng của mặt trời như  thường lệ. Tôi cũng lên boong châm lửa hút xì-gà và theo dõi việc làm của ông ta. Rõ ràng ông ta không biết tí tiếng Pháp nào. Tôi cố ý nói lên mấy nhận xét để ông ta phản ứng lại nếu ông ta nghe, hiểu. Nhưng ông ta vẫn bình thản và lặng thinh.

Trong khi viên thuyền phó đang quan sát thì có một thủy thủ lên boong. Đó chính là anh chàng lực lưỡng đã theo chúng tôi trong chuyến đi chơi ngầm ở đảo Crét-xpô. Anh ta lau kính đèn pha...

Tàu Nau-ti-lux chuẩn bị lặn. Tôi vội lui xuống phòng khách. Nắp tàu đóng lại và tàu bắt đầu chạy về hướng tây.

Chúng tôi đi trong Ấn Độ Dương mênh mông, năm trăm năm mươi triệu héc-ta, nước trong vắt, đến nỗi nếu nhìn từ trên xuống thì có thể bị chóng mặt. Tàu phần lớn lặn sâu từ một trăm đến hai trăm mét trong mấy ngày liền. Ở địa vị tôi có lẽ ai cũng cho cuộc hành trình này là mệt mỏi và đơn điệu. Nhưng vì tôi say mê biển nên không còn thì giờ để mệt mỏi và để buồn. Mỗi ngày dạo chơi trên boong tàu lộng gió biển khơi và ngắm nhìn những của báu dưới đáy biển, qua ô cửa phòng khách, đọc sách trong thư viện của thuyền trưởng và ghi nhật ký đi đường - tất cả những việc đó đã choán hết thời gian của tôi.

Tình hình sức khỏe của chúng tôi rất tốt. Khẩu phần thức ăn trên tàu khá đầy đủ. Tôi có thể chẳng cần món “cải thiện” gì của Nét Len. Ngoài ra, nhiệt độ trên tàu rất điều hòa, nên đến sổ mũi cũng chẳng có.

Đã mấy hôm nay chúng tôi gặp vô số chim biển, trong số đó có những con to có thể bay xa và dọc đường hạ cánh nghỉ trên con sóng, như chim báo bão. Loài chim này rất đẹp, tuy tiếng nó kêu giống tiếng lừa.

Còn về cá thì chúng tôi luôn luôn phải trầm trồ ngạc nhiên khi đi sâu vào những bí mật của chúng dưới đáy nước. Tôi phát hiện ra nhiều loài cá mà tôi chưa từng gặp trong môi trường tự nhiên.

Từ 21 đến 23 tháng Giêng, tàu Nau-ti-lux chạy với tốc độ hai trăm năm mươi dặm một ngày. Nói khác đi, nó chạy năm trăm bốn mươi hải lý trong hăm bốn tiếng đồng hồ, nghĩa là hăm hai hải lý một giờ. Chúng tôi chỉ quan sát được những con cá bơi theo tàu và lọt vào vệt sáng của đèn pha trên tàu. Nhưng vì tàu chạy nhanh nên đàn cá bơi theo cứ thưa dần và chỉ một số ít mới chạy đua thêm được với tàu một thời gian ngắn nữa.

Sau khi chạy ngang qua đảo Ki-linh, một hòn đảo san hô không người ở, tàu hướng về phía tây-bắc tới mỏm cực nam của bán đảo Ấn Độ. Hôm ấy Nét Len bảo tôi :

- Đó là những nước văn minh! Thưa giáo sư, ở Ấn Độ có đường cái rải nhựa và đường sắt, có những thành phố đẹp đẽ. Đi đâu cũng gặp người đồng hương! Thế nào, đã đến lúc chúng ta chia tay với thuyền trưởng Nê-mô chưa, thưa giáo sư?

- Không, không, ông Nét ạ! - Tôi trả lời rất cương quyết. - Thôi, cứ để mặc trời đất, như cánh thủy thủ các ông thường nói. Tàu Nau-ti-lux đang hướng về các lục địa, đang tiến gần bờ biển châu Âu. Cứ để nó đưa ta tới đó, rồi ta sẽ tùy tình hình cụ thể mà định liệu. Nhưng tôi nghĩ thuyền trưởng Nê-mô sẽ không cho ta lên bờ săn bắn như ở rừng Tân Ghi-nê đâu!

- Nhưng thưa ngài, cần gì đợi ông ta cho phép?

Tôi không trả lời Nét và chẳng muốn tranh luận làm gì. Trong thâm tâm, tôi muốn trải qua mọi thử thách của số phận đã đẩy tôi lên tàu Nau-ti-lux.

Tàu chạy chậm lại nhưng luôn luôn đổi hướng đi là lặn xuống rất sâu. Nhiệt độ những lớp nước dưới cố định là +4o. Tôi thấy ở những lớp nước trên, gần bờ, bao giờ nhiệt độ cũng thấp hơn ngoài biển khơi.

Ngày 25 tháng Giêng, đại dương hoàn toàn vắng lặng. Tàu Nau-ti-lux suốt ngày chạy trên mặt nước, cánh quạt làm nước bắn lên trắng xóa. Thật dễ lầm với một con cá voi khổng lồ! Tôi ở trên boong ba phần tư thời gian trong ngày. Tôi nhìn biển. Chân trời hoang vắng nhưng vào khoảng bốn giờ chiều thì xuất hiện một chiếc tàu ở phía Tây. Chúng tôi nhìn thấy nó, nhưng nó không thể nhìn thấy chúng tôi, vì tàu Nau-ti-lux chỉ hơi nhô khỏi mặt nước. Tôi nghĩ tàu này thuộc công ty tàu biển chạy đường Xây-lan - Xít-ni có ghé qua Men-buốc...

Hôm sau, 26 tháng Giêng, chúng tôi vượt qua xích đạo và vào vùng biển Bắc bán cầu. Một đàn cá mập đáng sợ đi “hộ tống” tàu. Nhưng một lát sau tàu tăng tốc độ, bỏ rơi những con cá mập hung hăng nhất.

Khoảng bảy giờ tối, tàu nổi lên mặt nước và chạy trên biển sữa. Biển xanh mênh mông biến thành màu trắng đục. Có phải vì ánh trăng không? Không! Trăng non mới được hai ngày và lúc đó chưa nhô khỏi chân trời. So với màu sữa của biển cả thì bầu trời sao hình như đen thẫm lại.

Công-xây không tin ở mắt mình và yêu cầu giải thích nguyên nhân của hiện tượng kỳ lạ đó. Cũng may là tôi có thể làm được việc này. Tôi nói :

- Đó gọi là biển sữa. Những vùng biển rộng lớn trắng như sữa là hiện tượng thường gặp ở độ vĩ này.

- Nhưng giáo sư có giải thích được nguyên nhân của hiện tượng đó không ạ? Nước biển thực ra đâu có biến thành sữa?

- Tất nhiên là không, anh bạn ạ! Màu sữa của nước làm anh ngạc nhiên chính là do hàng tỉ tỉ sinh vật hết sức nhỏ, không màu, phát ra ánh sáng, dày bằng bề dày sợi tóc và dài bằng một phần năm mi-li-mét. Các sinh vật này kết vào nhau và tạo thành từng mảng rộng vài dặm.

- Vài dặm cơ ạ! - Công-xây sửng sốt.

- Đúng anh bạn ạ! Và anh chớ uổng công tính đếm chúng làm gì cho mệt! Nếu tôi không lầm, một số người đi biển đã gặp những biển sữa rộng hơn bốn mươi dặm.

Tôi chẳng biết Công-xây có nghe lời tôi khuyên không, nhưng anh ta lặng im suy nghĩ. Chắc Công-xây đang tính toán xem có bao nhiêu con trong diện tích bốn mươi dặm vuông nếu mỗi con chỉ dài một phần năm mi-li-mét. Còn tôi thì tiếp tục quan sát hiện tượng kỳ lạ ấy.

Tới gần nửa đêm, biển trở lại màu xanh bình thường. Nhưng ở phía sau tàu, bầu trời phản ánh màu trắng của nước tựa như hắt lại ánh sáng của Bắc Cực quang.

Nguồn: truyen8.mobi/t85083-hai-van-dam-duoi-day-bien-chuong-1.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận