Jên Erơ Chương 35


Chương 35
Ngày hôm sau anh không đi Cambritgơ như đã nói. Anh hoãn ngày đi lại một tuần lễ,

và trong thời gian đó anh đã làm tôi phải thấm thía cái hình phạt khắc nghiệt mà một người tốt nhưng cứng rắn, tinh tế nhưng không khoan dung, có thể dùng để trừng trị kẻ đã xúc phạm mình. Không hề để lộ một dấu hiệu thù ghét nào, cũng không trách móc nửa lời, anh đã khiến tôi có lúc phải tin chắc mình không còn được anh quý mến nữa.

Chẳng phải là Xanh Jôn nuôi dưỡng một tinh thần thù oán trái với đạo Cơ đốc, cũng chăng phải anh muốn động chạm gì đến một sợi tóc của tôi, nếu anh có khả năng làm thế. Vì bản tính và vì đạo lý, anh đã vượt lên trên cái thỏa mãn thấp hèn của sự trả thù, anh đã tha thứ cho câu tôi nói là khinh bỉ anh và tình yêu của anh, nhưng anh không quên những lời ấy, và chừng nào anh và tôi còn sống, anh sẽ không bao giờ quên được. Qua vẻ mặt khi anh quay lại nhìn tôi, tôi nhận thấy rằng những lời ấy lúc nào cũng được viết ở không khí giữa tôi và anh, bất kỳ lúc nào tôi nói, anh cũng nghe thấy nó vang lên trong giọng nói của tôi cũng như tôi nghe thấy tiếng vọng của nó trong mỗi câu anh trả lời.

Anh không tránh trò chuyện với tôi. Sáng sáng anh vẫn gọi tôi đến cùng làm việc bên bàn học như thường lệ. Tôi sợ rằng con người phàm tục ở anh đã cảm thấy một vui thú, tuy không được con người Cơ đốc thuần túy trong anh đồng tình và chia sẻ, khi bề ngoài anh vẫn hành động và nói năng đúng như mọi ngày, nhưng thật ra anh đã vô cùng khéo léo tước bỏ trong mỗi việc làm, mỗi câu nói, cái tinh thần quan tâm và đồng tình trước đây đã khiến ngôn ngữ và cử chỉ của anh thắm đượm một ý vị có phần nào hấp dẫn tuy khắc khổ. Đối với tôi, trong thực tế, anh đã trở thành con người không phải bằng xương bằng thịt, mà bằng gỗ đá, mắt anh là viên ngọc xanh lẹo lẽo, long lanh, lưỡi anh chỉ là một vật dùng để nói - không hơn.

Tất cả những điều đó giày vò tôi, giày vò một cách dai dẳng và tinh vi. Nó duy trì một ngọn lửa phẫn nộ âm ỉ, và một sự bối rối phấp phỏng và đau đớn, cả hai đều dằn vặt, vò xé tôi. Tôi cảm thấy, ví thử tôi là vợ anh, thì người đàn ông tốt bụng, tâm hồn trong vắt như nước suối sâu trong bóng râm ấy, có thể giết tôi chóng vánh như thế nào, giết mà không hề làm tôi mất một giọt máu, cũng như không hề làm lương tâm trong suốt như pha lê của anh phải mang một thoáng gợn nhỏ của tội lỗi. Đặc biệt tôi cảm thấy điều đó mỗi khi tôi cố gắng làm cho anh dịu lòng. Không một chút trắc ẩn đáp lại lòng thương hại của tôi. Anh không hề tỏ ra đau khổ vì sự xa cách, cũng chẳng có ý hòa giải, và dù đã nhiều lần nước mắt tôi rơi lã chã, thấm ướt cả trang sách mà tôi với anh cùng cúi xuống đọc, xong những giọt nước mắt ấy cũng chẳng có tác dụng gì đối với anh, dường như tim anh bằng sắt, bằng đá thực. Trong khi ấy, đối với hai cô em gái, anh lại tỏ ra có phần ngọt ngào hơn thường ngày. Hình như sợ rằng riêng thái độ lạnh nhạt chưa đủ khiến tôi thấy mình đã bị hắt hủi, ruồng bỏ tới chừng nào, nên anh phải lấy sự tương phản làm tăng thêm sức mạnh, và tôi tin rằng anh làm thế không phải vì ác ý, mà chính là theo nguyên tắc.

Buổi tối trước hôm anh ra đi, ngẫu nhiên trông thấy anh đang dạo chơi trong vườn lúc hoàng hôn, và ngắm nhìn anh, tôi chợt nhớ lại rằng con người ấy, tuy bây giờ xa lạ đối với tôi thật, nhưng đã có lần cứu sống tôi, và chúng tôi là thân thích với nhau, tôi thấy động tâm và muốn cố gắng một lần chót lấy lại tình thân của anh. Tôi bước ra, tiến lại gần anh, lúc ấy anh đang đứng tựa vào cổng rào. Tôi nói ngay vào chuyện.

- Anh Xanh Jôn, tôi rất buồn vì anh vẫn còn giận tôi. Thôi, chúng ta hãy thân mật với nhau đi.

- Tôi mong rằng chúng ta vẫn thân với nhau - anh dửng dưng trả lời, mắt vẫn ngắm vầng trăng đang lên như lúc tôi chưa đến gần anh.

- Không, anh Xanh Jôn, chúng ta chẳng còn thân với nhau như trước đây. Anh cũng biết đấy.

- Thật thế ư? Cô nhầm rồi, về phần tôi, tôi không cầu mong cho cô điều gì xấu, mà chỉ gặp toàn điều tốt thôi.

- Tôi tin anh, anh Xanh Jôn, vì tôi biết chắc anh không bao giờ lại cầu mong điều gì xấu cho ai. Nhưng, vì tôi với anh là chỗ họ hàng, tôi mong được anh tỏ tình thân ái đậm đà hơn một chút, chứ không phải chỉ có lòng nhân ái chung chung như đối với bất cứ người xa lạ nào.

- Cố nhiên, - anh nói, - ý muốn của cô rất hợp lý, nhưng nào tôi có coi cô là người xa lạ đâu.

Câu ấy nói bằng một giọng lạnh lùng, bình thản, làm tôi rất phật ý và thất vọng. Giá tôi chỉ nghe theo sự xúi giục của lòng kiêu hãnh và giận dữ, thì tôi đã bỏ đi ngay, nhưng trong lòng tôi có một cái gì còn mạnh hơn những tình cảm đó. Tôi kính phục sâu sắc tài năng và đạo đức của anh họ tôi, tôi coi trọng tình bạn của anh, để mất nó, tôi thấy buồn khổ lắm, nên tôi không vội từ bỏ ý định cố gắng lấy lại tấm tình ấy.

- Chúng ta đành chia tay nhau như thế này sao, anh Xanh Jôn? Và khi anh đi Ấn Độ, anh sẽ xa tôi mà không nói lời nào ngọt ngào hơn những câu vừa rồi sao?

Anh không ngắm vầng trăng nữa, quay hẳn lại, nhìn thẳng vào mắt tôi.

- Khi tôi đi Ấn Độ, tôi sẽ bỏ cô lại ư, cô Jên? Sao! Cô sẽ không đi Ấn Độ à?

- Anh nói rằng tôi không thể đi, nếu không lấy anh.

- Thế cô sẽ không lấy tôi ư? Cô cứ khăng khăng một mực như vậy sao?

Bạn đọc, bạn có biết như tôi rằng những con người lạnh lùng ấy có thể khiến những câu hỏi của họ trở thành băng giá như thế nào chăng?

- Không, anh Xanh Jôn ạ, tôi sẽ không lấy anh được. Tôi đã nhất định như thế.

Núi tuyết lở đã rung chuyển và trườn lên phía trước một chút, nhưng chưa sập xuống hẳn. Anh hỏi:

- Một lần nữa, tại sao cô từ chối?

- Trước đây vì anh không hề yêu tôi, còn bây giờ, tôi xin trả lời, vì anh hầu như ghét bỏ tôi. Nếu tôi lấy anh, anh sẽ giết chết tôi. Bây giờ, anh cũng đang giết tôi.

Môi anh và má anh nhợt hẳn đi.

- Tôi sẽ giết cô?... tôi đang giết cô? Cô ăn nói thực không phải chút nào, thô bạo, không hợp với phụ nữ, và sai lầm. Nó để lộ một tâm thần thảm hại, nó đáng bị chê trách nghiêm khắc, nó có thể coi như không sao tha thứ được. Song bổn phận của con người là phải tha thứ cho đồng loại dù đến bảy mươi bảy lần chăng nữa.

Thế là xong công việc của tôi. Trong khi tha thiết muốn xóa bỏ trong tâm trí anh dấu vết những lời tôi xúc phạm anh bữa trước, tôi đã khắc thêm lên cái bề mặt vững chắc ấy một ấn tượng khác, còn sâu xa hơn nhiều, tôi đã khắc nó bằng dấu sắt nung đỏ.

- Bây giờ thì anh sẽ ghét tôi thực sự. Cố gắng làm lành với anh thực là vô ích, tôi thấy đã làm cho anh trở thành kẻ thù vĩnh viễn của tôi rồi.

Mấy lời này lại gây thêm xúc phạm nữa, xúc phạm tàn tệ nhất, vì nó chạm tới sự thật. Cặp môi nhợt nhạt thoáng rung lên bần bật. Tôi biết tôi đã thổi bùng một cơn giận ghê gớm. Lòng tôi đau như xé.

- Anh đã hoàn toàn hiểu sai câu nói của tôi - tôi nói, và nắm ngay lấy tay anh - tôi chẳng hề có ý làm anh đau khổ hay buồn phiền, quả thực thế.

Anh mỉm cười chua chát bao nhiêu, thì cũng dứt khoát rút bàn tay ra khỏi tay tôi bấy nhiêu. Yên lặng một lúc lâu, anh hỏi:

- Bây giờ cô nuốt lời hứa, và xem chừng sẽ nhất định không đi Ấn Độ phải không?

Tôi đáp?

- Có, tôi vẫn đi, với tư cách là người giúp việc anh.

Sau đó, yên lặng một hồi lâu, trong khoảng thời khắc đó, trong người anh, bản tính và lòng khoan dung đấu tranh với nhau như thế nào, tôi không thể biết, chỉ thấy trong mắt anh lấp lánh những tia sáng kỳ dị, và mắt anh tối sầm lại từng lúc một cách lạ lùng. Sau cùng anh nói:

- Trước đây tôi đã nói cho cô hiểu một người con gái chưa chồng đang tuổi cô mà đi ra nước ngoài với một người đàn ông chưa vợ trạc tuổi tôi, thì là một sự phi lý. Tôi đã nói cho cô rõ bằng những lời lẽ mà tôi thiết tưởng đủ khiến cô không bao giờ còn nhắc lại chuyện ấy nữa. Thế mà cô cứ nhắc lại, tôi rất tiếc, vì cô...

Tôi ngắt lời anh, bất cứ một lời trách cứ rõ ràng nào cũng lập tức giúp tôi thêm can đảm:

- Hãy giữ lấy cái lương tri thông thường, anh Xanh Jôn ạ, anh đang nói những lời gần như là vô nghĩa. Anh làm ra vẻ chối tai vì những lời tôi đã nói. Thực ra anh chẳng chối tai tí nào, vì anh có trí óc hơn người, đời nào anh lại ngờ nghệch hay phù phiếm đến nỗi không hiểu ý tôi nói. Tôi xin nhắc lại, tôi sẽ làm người trợ lý của anh, nếu anh muốn, nhưng không bao giờ làm vợ anh.

Một lần nữa, mặt anh lại tái nhợt đi, nhưng rồi cũng như lần trước, anh lại hoàn toàn kiềm chế được sự tức giận. Anh trả lời giọng kênh kiệu nhưng bình tĩnh:

- Một người trợ lễ phụ nữ mà không phải là vợ tôi thì không bao giờ thích hợp với tôi cả. Vậy xem chừng cô không thể đi cùng tôi được. Nhưng nếu cô thành tâm thì trong thời gian ở lại thành phố, tôi sẽ nói với một vị giáo sĩ mà bà vợ ông đang cần đến một người giúp đỡ. Cô có của riêng, không cần nhờ Hội Truyền giáo giúp đỡ, và như thế cô khỏi bị mất danh dự vì nuốt lời hứa, và bỏ trốn khỏi hàng ngũ cô đã giao ước gia nhập.

Như bạn đọc biết đấy, nào tôi có hứa hẹn hẳn hoi hay giao ước một điều gì đâu, sự thể như vậy mà anh nói những lời sao quá khe khắt và độc đoán. Tôi đáp:

- Chẳng làm gì có chuyện mất danh dự, nuốt lời, hay đảo ngũ. Tôi không bị bó buộc phải đi Ấn Độ một chút nào, nhất là với những người lạ. Với anh thì tôi có thể liều mà đi đấy, vì tôi kính phục, tôi tin cậy, và tôi yêu anh như anh trai, nhưng tôi vẫn tin chắc rằng, bất luận đi với ai, và đi bao giờ, tôi cũng chẳng sống được bao lâu trong cái khí hậu ấy.

-À, thì ra cô sợ cho bản thân - anh bĩu môi nói.

- Có thể. Chúa ban cuộc sống cho tôi không phải để bỏ đi. Tôi bắt đầu nghĩ rằng hành động theo ý anh muốn chẳng khác tự tử mấy tí. Hơn nữa, trước khi dứt khoát quyết định rời khỏi nước Anh, tôi cần biết chắc chắn ở lại hay đi, đằng nào là có ích cho đời hơn,

- Cô nói thế là thế nào?

- Cố giải thích cho anh thì cũng chẳng có kết quả gì, nhưng từ lâu nay tôi vẫn đau khổ nghi hoặc về một điểm, và tôi cần phải giải quyết mối nghi hoặc ấy bằng cách nào đó rồi mới có thể đi đâu thì đi.

- Tôi biết trái tim cô đang hướng về đâu, đang gắn bó với cái gì. Những ý nghĩ mà cô ấp ủ trái với pháp luật và trái với giáo lý. Đúng ra cô phải bóp chết mối tình ấy từ lâu, và bây giờ nhắc lại cô phải lấy làm hổ thẹn mới phải. Cô nghĩ đến ông Rôchexơ chứ gì?

- Đúng thế. Tôi thú nhận bằng sự yên lặng.

- Cô định đi tìm ông Rôchextơ?

- Tôi phải tìm biết ông ấy hiện nay ra sao.

- Vậy tôi chỉ còn biết nhớ đến cô trong những kinh cầu nguyện và hết sức thành tâm cầu Chúa sao cho cô không phải đến nỗi bị Chúa ruồng bỏ. Tôi tưởng đã tìm thấy ở cô một người được Chúa lựa chọn. Nhưng điều Chúa thấy không giống như con người thấy. Ta phải tuân theo ý Người.

Anh mở cổng bước ra, và đi về phía dưới thung lũng, lát sau đã không trông thấy anh nữa.

Trở lại phòng khách, tôi thấy Đyana đang đứng bên cửa sổ, có vẻ tư lự. Đyana cao lớn hơn tôi nhiều, cô đặt tay lên vai tôi và cúi xuống nhìn vào mặt tôi:

- Jên, độ này trông cô lúc nào cũng băn khoăn và xanh lắm. Tôi chắc là cô có chuyện gì đây. Xanh Jôn và cô đang bàn chuyện gì thế, cho tôi biết với. Tôi vừa đứng ở cửa sổ nhìn cả hai người đến nửa tiếng đồng hồ, cô tha thứ cho tôi cái tội rình mò ấy, nhưng đã lâu tôi cứ phỏng đoán chẳng đâu ra đâu. Xanh Jôn thật là người kỳ lạ.

Cô ngừng lại. Tôi không nói gì, cô lại tiếp:

- Tôi chắc ông anh tôi có ủ ấp những dự kiến đặc biệt gì đó về cô, đã từ lâu anh ấy chăm sóc và quan tâm đến cô hơn bất cứ người nào khác - để làm gì? Tôi mong rằng anh ấy yêu cô. Có đúng không, Jên?

Tôi đặt bàn tay mát của cô lên trán nóng bừng của tôi:

- Không, Đyana ạ, không đúng tí nào.

- Thế tại sao anh ấy cứ nhìn cô chăm chú thế, và cứ tìm cách ngồi một mình với cô luôn, lúc nào cũng giữ cô bên cạnh. Mary và tôi hai đứa đã kết luận rằng anh ấy mong muốn cô lấy anh ấy.

- Có thể, anh ấy có hỏi tôi làm vợ.

Đyana vỗ tay:

- Thực đúng như chúng tôi nghĩ và mong mỏi! Thế cô lấy anh ấy chứ, Jên? Vậy thì anh ấy sẽ ở lại nước Anh.

- Trái lại, Đyana ạ, anh ấy muốn lấy tôi là chỉ cốt tìm một người bạn cùng kham khổ thích hợp với công việc của anh ấy ở Ấn Độ thôi.

- Sao? Anh ấy muốn cô đi Ấn Độ à?

- Vâng.

- Có mà điên? - Cô kêu lên, - cô không sống nổi ba tháng ở đấy đâu, tôi dám chắc thế. Chớ bao giờ nên đi, cô không bằng lòng đấy chứ, Jên?

- Tôi đã từ chối không lấy anh ấy.

- Và vì thế anh ấy bực mình phải không? - Cô gợi hỏi.

- Bực lắm. Tôi sợ anh ấy sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi. Vậy mà tôi đã ngỏ ý muốn đi cùng anh ấy với tư cách một người em gái.

- Làm thế là hoàn toàn rồ dại, Jên ạ. Hãy thử nghĩ đến công việc cô sẽ phải gánh vác mà xem, mệt lắm, không lúc nào được nghỉ ngơi đâu, ngay những người khỏe mạnh cũng đến chết, huống hồ là cô yếu đuối thế. Xanh Jôn, cô biết tính anh ấy đấy, sẽ thúc cô làm những việc không kham nổi đâu. Với anh ấy thì đừng nói đến chuyện nghỉ ngơi những khi nóng nực. Mà tôi đã để ý, khổ cái rằng anh ấy đòi hỏi cô làm gì cô cũng cứ cố làm cho bằng được. Cô có can đảm từ chối làm vợ anh ấy, khiến tôi lấy làm lạ đấy. Vậy cô không yêu anh ấy à, Jên?

- Không yêu như một người chồng.

- Nhưng anh ấy đẹp trai đấy chứ.

- Đyana, chị thấy đấy, còn tôi thì xấu xí thế này, chúng tôi sẽ không xứng hợp nhau.

- Cô mà xấu à? Chẳng xấu tí nào. Cô xinh xắn như thế và tốt bụng như thế, ai lại đưa cô sang Cancuta mà thui sống đi bao giờ!

Rồi Đyana lại tha thiết khuyên tôi từ bỏ ý định cùng đi với anh cô. Tôi nói:

- Tất nhiên tôi phải từ bỏ, vì vừa rồi tôi nhắc lại đề nghị đi theo anh làm trợ lễ, anh ấy tỏ ra rất bất bình vì sự khiếm nhã của tôi. Hình như anh ấy cho rằng tôi đề nghị đi theo anh ấy mà không lấy anh là chuyện ngược đời, tuồng như ngay từ đầu, tôi đã không mong muốn coi anh như anh ruột, và thường vẫn không đối với anh như thế!

- Vì sao cô bảo rằng anh ấy không yêu cô, Jên?

- Giá chị được nghe chính anh ấy nói về chuyện ấy!

Anh luôn luôn giải thích rằng anh muốn tìm một người bạn đời không phải cho bản thân, mà cho công việc của anh. Anh bảo rằng tôi sinh ra không phải để yêu đương mà để lao khổ. Điều đó tất nhiên đúng. Nhưng theo ý tôi, nếu tôi sinh ra không phải để yêu đương, thì do đó cũng chẳng phải để lấy chồng. Ràng buộc mình suốt đời với một người đàn ông chỉ coi mình như một dụng cụ có ích thôi, Đyana nghĩ xem có quái lạ không?

- Ai chịu được! Trái lễ tự nhiên! Mà cũng không thành vấn đề nữa!

Tôi lại tiếp:

- Và rồi, mặc dầu bây giờ đối với anh ấy tôi chỉ có tình thân của một người em gái, nhưng nếu tôi bắt buộc phải lấy anh ấy, tôi thấy rất có thể cũng sẽ sinh ra một thứ tình yêu không tránh khỏi, một thứ tình yêu kỳ dị, nó giày vò tôi, vì anh ấy có tài như thế; và trong mắt nhìn, trong ngôn ngữ, trong cử chỉ của anh, thường vẫn có một vẻ vĩ đại anh hùng. Trong trường hợp ấy, số phận tôi sẽ đau khổ không thể nói được. Anh ấy chẳng cần đến tôi yêu, và nếu tôi tỏ tình yêu thì anh ấy sẽ làm cho tôi hiểu chuyện đó là thừa, anh ấy chẳng thiết, mà cũng không thích hợp với tôi. Tôi biết anh ấy sẽ làm thế. Nhưng Xanh Jôn là một người tốt.

- Anh ấy là một người tốt, Đyana nói.

- Anh ấy là một người tốt và vĩ đại, nhưng anh ấy không thương xót bỏ qua những tình cảm, những yêu cầu của những con người bình thường nhỏ bé, trong khi anh theo đuổi những mục tiêu lớn lao, vì thế, tốt hơn hết là những kẻ tầm thường nên lánh xa con đường anh ấy đi, kẻo bị anh ấy giẫm bẹp trong khi tiến bước. Anh ấy đang đến kia! Đyana chị ở lại nhé.

Và trông thấy anh ấy đi vào vườn, tôi vội vã bước lên cầu thang.

Nhưng đến bữa ăn, tôi bắt buộc phải gặp lại anh.

Trong khi ăn, anh tỏ ra bỉnh thản như mọi khi. Tôi tưởng anh sẽ ít trò chuyện với tôi, và tôi chắc anh đã bỏ ý định lấy tôi, nhưng sự việc sau đó chứng tỏ rằng tôi lầm cả về hai điểm. Anh vẫn chuyện trò với tôi dáng vẻ đúng như thường lệ, hay với thái độ gọi là dáng vẻ thường ngày của anh gần đây, nghĩa là cực kỳ lễ độ. Hẳn anh đã cầu xin đấng Tối Linh giúp anh nén sự giận dữ mà tôi đã dấy lên ở anh, và bây giờ anh tin rằng đã tha thứ cho tôi một lần nữa.

Lúc đọc sách trước giờ cầu kinh buổi tối, anh đã chọn chương XXI trong kinh Thiên khải. Được nghe những câu trong Thánh kinh từ môi anh truyền ra bao giờ cũng rất thú vị, chưa bao giờ cái giọng trong trẻo của anh lại ngọt ngào và âm vang như lúc anh đọc lên những lời phán dạy của Chúa, chưa bao giờ cử chỉ của anh lại oai nghiêm trong sự giản dị cao quý như lúc ấy, và đêm nay, giọng nói ấy lại mang một âm hưởng trang trọng hơn, cử chỉ ấy lại mang một ý nghĩ thấm thía hơn, anh ngồi ở giữa, gia đình quây quần chung quanh (ánh trăng tháng năm rọi qua cửa sổ không buông rèm gần như át hẳn ánh sáng của ngọn nến trên bàn) - anh ngồi đấy, đầu cúi xuống cuốn Thánh kinh cũ đồ sộ, và từ những trang sách mô tả lại cái ảo tưởng về thiên đường mới, một thế gian mới, anh nói Thượng đế sẽ xuống sống chung với con người, lau sạch những giọt lệ trên mắt họ như thế nào, và hứa hẹn sẽ không còn sợ chết chóc, không còn buồn khổ, khóc than, hay đau đớn nữa vì tất cả những chuyện ấy đã qua rồi.

Những câu sau đây, khi anh đọc lên, đã làm tôi xúc động một cách kỳ lạ, đặc biệt vì giọng anh có khác đi một cách khó tả, khiến tôi cảm thấy rằng anh đã đưa mắt nhìn tôi khi đọc.

"Kẻ nào thắng sẽ được thừa hưởng hết thảy, ta sẽ là Chúa của nó và nó sẽ là con ta nhưng..." đến chỗ này, anh đọc chậm rãi, rành mạch: "những kẻ sợ sệt, không có đức tin v.v... sẽ bị đày ải nơi hỏa ngục để bị chết một lần nữa".

Từ đó, tôi đã hiểu Xanh Jôn sợ cho tôi phải chịu cái vận mệnh như thế nào.

Một vẻ đắc thắng lặng lẽ, kín đáo, hòa lẫn với một niềm mong muốn tha thiết, thấm vào giọng anh khi đọc những lời xán lạn cuối cùng của chương đó. Người đang đọc tin rằng tên mình đã được ghi trong quyển sách đời của con Chiên(1) và khát khao giờ phút mình được bước vào chốn kinh thành, nơi được các vị vua chúa ở thế gian kính cẩn trọng vọng, nơi chẳng cần đến mặt trời, mặt trăng soi sáng, vì vinh quang của Chúa đã chiếu rọi, và chính con Chiên là ánh sáng rồi.

Trong đoạn kinh đọc tiếp theo chương đó, tất cả nghị lực của anh đều tập trung lại, tất cả nhiệt tình trang nghiêm của anh đều thức tỉnh, anh đang suy tưởng sâu sắc, cảm thông với Chúa, và nhất quyết giành được thắng lợi. Anh cầu xin cho kẻ tâm hồn yếu đuối được thêm sức mạnh, cho những con chiên lạc bầy được chỉ dẫn, cho những kẻ bị những cám dỗ của thế gian và của xác thịt làm cho lạc bước ra khỏi con đường đạo lý chật hẹp có thể trở về, dù là đến giờ thứ mười một rồi. Anh cầu xin, anh thúc giục, anh đòi hỏi cái ân huệ cho cành cây được giằng ra khỏi lửa, thoát khỏi bị cháy(1). Lòng nhiệt tình bao giờ cũng biểu lộ một cách trang nghiêm sâu sắc khi nghe anh cầu kinh, lúc đầu tôi còn ngạc nhiên về lòng nhiệt thành của anh, rồi khi thấy nó tiếp tục và vươn lên cao hơn, tôi cảm động và sau cùng run sợ. Anh cảm thấy sự vĩ đại và tốt đẹp của lý tưởng anh đang theo đuổi một cách chân thành quá, những ai nghe anh bênh vực nó đều không thể không cảm thấy như anh.

Buổi đọc kinh xong, chúng tôi cáo từ anh, sáng mai anh phải đi rất sớm, Đyana và Mary hôn anh, rồi rời khỏi phòng - hình như anh đã nói nhỏ với hai cô, yêu cầu như vậy. Tôi giơ tay bắt tay anh, và chúc anh đi đường bình an.

- Cám ơn, Jên. Như tôi đã nói, trong vòng nửa tháng nữa tôi sẽ từ Cambrigiơ trở về đây, vậy cô còn khoảng thời gian này để suy nghĩ. Nếu tôi chỉ nghe theo lòng kiêu hãnh của con người, thì tôi sẽ chẳng nhắc lại chuyện hôn nhân với cô làm gì nữa, nhưng tôi chỉ nghe theo bổn phận và vẫn giữ vững ý định đầu tiên - là làm mọi việc vì vinh quang của Chúa. Chúa của tôi đã từng đau khổ lâu, tôi cũng sẽ như vậy. Tôi không thể để mặc cô chìm đắm như chiếc bình trôi giạt. Cô hãy ăn năn, và quyết định trong khi hãy còn thì giờ, hãy nhớ rằng chúng ta phải làm việc từng ngày còn sáng, rằng ta đã được báo trước là khi đêm đến, sẽ không ai còn làm được việc gì nữa. Hãy nhớ lại số phận của Đaivơ(2) khi sinh thời đã được hưởng đủ điều sung sướng, cầu chúa ban cho cô nghị lực để lựa chọn cái phần tốt đẹp nhất mà cô sẽ không bị mất!

Anh đặt tay lên đầu tôi khi anh nói những lời cuối cùng đó. Anh đã nói một cách trang nghiêm và dịu dàng, vẻ mặt anh quả thực không phải vẻ mặt của người tình ngắm nhìn người yêu, nhưng là của một mục sư kêu gọi con chiên lầm đường trở lại, hay đúng hơn của vị thần hộ mệnh đang coi sóc linh hồn cho kẻ được bảo hộ. Tất cả những người có tài năng, dù họ là người đa cảm hay không, dù họ có cuồng tín, nhiều tham vọng hay độc đoán, miễn là họ thành thực, đều có những phút cao cả như vậy, ấy là những lúc họ chế ngự và sai khiến. Tôi cảm thấy kính nể Xanh Jôn, kính nể sâu sắc đến nỗi sức thúc đẩy xô ngay tôi đến điểm mà từ lâu tôi đã tránh được. Tôi bị cám dỗ đến mức muốn thôi không đấu tranh với anh nữa, muốn lao mình vào dòng thác ý chí của anh, và 2217 trôi xuống vực sâu của cuộc sống của anh, và chịu cho cuộc sống của tôi chìm mất ở đấy. Tôi đã gần bị anh bao vây ráo riết, cũng như một lần trước tôi đã bị bao vây một cách khác. Cả hai lần tôi đều ngu dại. Lần trước nếu tôi nhượng bộ thì là một sai lầm đạo đức, lần này, nếu tôi nhượng bộ thì là một sai lầm về xét đoán. Ngày nay, khi nhìn lại cơn khủng hoảng ấy qua sự trung gian êm dịu của thời gian, tôi đã nghĩ như thế; nhưng lúc đó tôi không hề có ý thức về sự điên dại của tôi.

Tôi đứng yên, không động đậy, dưới bàn tay vị trưởng giáo của tôi. Tôi đã quên những lời cự tuyệt, tôi vượt qua được những lo sợ, sự chống đỡ của tôi bị tê liệt. Điều không thể - bỗng nhanh chóng trở thành có thể được, mọi sự đều thay đổi như chợt có phép tiên. Tôn giáo kêu gọi, các Thiên thần vẫy tay, Thượng đế phán truyền. Cuộc sống cuốn lại như một tấm màn, cánh cửa của cõi chết mở ra, cho thấy cõi vĩnh hằng ở xa xa, dường như, để đổi lấy sự bình yên và lạc thú ở đó, có thể hy sinh tất cả mọi thứ ở đây ngay lập tức. Căn buồng mờ tối tràn ngập những ảo ảnh.

- Bây giờ cô đã quyết định được chưa? - Nhà truyền giáo hỏi tôi, bằng một giọng dịu dàng, anh nhẹ nhàng kéo tôi đến bên anh. Ôi! Thái độ dịu dàng ấy! Sao mà nó còn có mãnh lực ghê gớm hơn cả sức mạnh! Tôi có thể chống lại sự giận giữ của Xanh Jôn, thế mà trước thái độ ngọt ngào của anh, người tôi cứ mềm lả đi như một cây sậy. Tuy thế, tôi vẫn biết nếu lần này tôi nhượng bộ thì chắc chắn có ngày tôi sẽ phải ân hận rằng đã không giữ được tính ngang bướng cố hữu của tôi. Bản chất anh không hề thay đổi vì một giờ đọc kinh trang trọng, nó chỉ được nâng lên cao thôi. Tôi trả lời:

- Tôi có thể quyết định, nếu tôi không còn nghi hoặc, nếu tôi được tin tưởng chắc chắn rằng ý muốn của Chúa là tôi phải lấy anh, nếu như thế thì tôi có thể nguyện lấy anh ngay bây giờ, ngay tại đây, dù sau này ra sao thì ra.

- Chúa đã nghe thấu những lời cầu nguyện của tôi? Xanh Jôn thốt lên, áp mạnh tay xuống đầu tôi, như muốn đòi hỏi tôi thuộc về quyền sở hữu của anh. Anh vòng cánh tay ôm lấy tôi, hầu như là anh yêu tôi (tôi nói hầu như thôi vì tôi biết rõ sự khác biệt giữa hai mức độ, vì tôi đã từng cảm thấy khi được yêu thực sự thì như thế nào, nhưng cũng như anh ấy, bây giờ tôi gác hẳn chuyện yêu đương ra ngoài, và chỉ nghĩ đến bổn phận). Tôi chân thành sâu sắc và nhiệt tình khao khát được làm điều phải, và chỉ có thế thôi. "Xin hãy chỉ đường vạch lối cho con!", tôi khẩn cầu Thượng đế. Chưa bao giờ tôi bị kích thích như vậy, và việc xảy ra sau đó có phải là do tác dụng của sự kích thích ấy không, xin để tùy bạn đọc phán đoán.

Khắp trong nhà đều im lìm, vì tôi tin rằng ngoài Xanh Jôn và tôi ra, mọi người đều đã ngủ yên cả. Ngọn nến độc nhất cũng đã tắt, căn buồng ngợp ánh trăng.

Tim tôi đập thình thình, tôi nghe rõ cả tiếng đập. Đột nhiên nó dừng lại, do một cảm giác xúc động khó tả thấu qua tôi, truyền ngay lên đầu và tới tứ chi tôi. Cảm giác ấy không giống như khi bị điện giật, nhưng nó cũng mạnh, cũng lạ, và cũng làm nảy người lên, đúng như thế. Nó tác động lên giác quan tôi, tựa hồ những hoạt động cũng căng thẳng nhất của giác quan từ trước đến nay chỉ là trạng thái trì trệ, bây giờ được đánh thức bắt buộc chúng phải tỉnh dậy. Chúng dấy lên chờ đợi, tai và mắt trông ngóng trong khi các thớ thịt run rẩy trên xương cốt.

- Cô nghe thấy gì, trông thấy gì vậy? - Xanh Jôn hỏi.

Tôi không trông thấy gì cả, nhưng tôi nghe thấy ở một nơi nào đó có tiếng kêu:

"Jên! Jên! Jên!" có thế thôi.

- Trời ơi, cái gì vậy?? - Tôi hổn hển nói.

Đáng lẽ tôi phải nói "ở đâu vậy", vì tiếng kêu ấy hình như không phải ở trong phòng, cũng không phải ở trong nhà hay trong vườn, mà cũng chẳng phải từ không trung, từ dưới đất, hay từ trên đầu tới. Chỉ biết tôi đã nghe thấy nó - còn nó ở đâu, và từ đâu lại thì thực không bao giờ tôi có thể nói rõ được. Và đó là tiếng nói của một con người, một tiếng nói quen thuộc, rất thân yêu mà tôi còn nhớ rất rõ, tiếng nói của Êđua Fefăc Rôchextơ, tiếng nói ấy thốt lên trong đau đớn và khổ não, một cách khẩn thiết, kỳ quái, cấp bách.

- Tôi đến đây! - Tôi kêu lên. - Chờ tôi với! Ồ! Tôi sẽ đến ngay!

Tôi chạy bay ra cửa, nhìn vào hành lang, chỉ thấy tối om. Tôi chạy ra vườn, hoàn toàn vắng vẻ.

- Ông ở đâu? - Tôi kêu lên.

Nhưng ngọn đồi bên kia thung lũng Mac Glen vọng về câu trả lời yếu ớt - "Ông ở đâu". Tôi lắng nghe. Gió khẽ thở dài trong lùm cây phong, tất cả chỉ là sự hiu quạnh của đồng hoang và sự tĩnh mịch của đêm khuya.

- Hãy tránh ra, hỡi ảo tưởng! Tôi ra lệnh khi thấy một cái bóng ma hiện lên đen sì bên hàng cây thủy tùng tối om ở cổng ra vào - đây không phải là lừa dối hay ma thuật của người, đây là tác động của tự nhiên. Tự nhiên đã bị kích thích và đã làm nên không phải là một phép lạ, mà là một việc với hiệu quả cao nhất.

Tôi rời Xanh Jôn, anh vẫn đi theo tôi và muốn giữ tôi lại. Bây giờ đến lượt tôi tỏ rõ ưu thế của mình, quyền lực của tôi đang hoạt động, đang trỗi dậy. Tôi bảo anh đừng hỏi han, đừng nói năng gì hết. Tôi tỏ ý muốn anh hãy lui đi, tôi cần và tôi muốn ngồi một mình. Anh ấy tuân theo ngay. Khi người ta có nghị lực để sai khiến, thì bao giờ người ta cũng được vâng lời. Tôi lên buồng mình, khóa cửa lại, quỳ xuống và cầu nguyện theo lối riêng của tôi - khác hẳn với lối Xanh Jôn, nhưng có hiệu quả của nó. Hình như tôi đã đến gần một đấng Toàn Năng, và linh hồn tôi bay lên phủ phục dưới chân Người, đầy lòng biết ơn. Tạ ơn Chúa xong, tôi đứng dậy, quyết định một việc, và ngả mình nằm xuống, không lo âu, tâm trí lâng lâng, chỉ ngóng đợi bình minh tới.



1. Sách đời của con chiên: lòng từ bi của Jesu (trong thánh kinh, Jesu được gọi là "con chiên của thượng đế").

1. Ý nói cho kẻ có tội được cứu vớt.

2. Một người giàu có nhưng độc ác, nên khi chết bị đày xuống địa ngục (theo Thánh kinh).

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86037


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận