Kafka Bên Bờ Biển Chương 41


Chương 41
Lần này vào trong rừng, tôi tự trang bị cho mình tất cả những gì có thể cần đến:

la bàn, dao, bi-đông, một số lương thực phòng khi bất trắc, găng tay lao động, một bình xịt sơn vàng và chiếc rìu trước đây tôi đã dùng. Tôi nhét tất cả vào một chiếc ba lô nilông nhỏ cũng lấy ở trong kho chứa dụng cụ và tiến vào rừng. Tôi mặc một chiếc sơ mi dài tay, cổ quấn một chiếc khăn, đội chiếc mũ Oshima cho và xịt thuốc xua côn trùng lên khắp mọi chỗ còn hở trên người. Trời đầy mây và nóng, nồm tựa như có thể mưa bất cứ lúc nào, nên tôi bỏ phòng sẵn một chiếc áo mưa trùm vào ba lô cho yên trí. Một đàn chim vừa gọi nhau choe chóe vừa bay qua bầu trời thấp, nặng như chì.

Tôi dễ dàng tới được quãng phát quang trong rừng. Kiểm tra la bàn để đảm bảo thường xuyên nhắm hướng Bắc, tôi dấn sâu vào rừng. Lần này, tôi xịt sơn vàng đánh dấu các thân cây trên dọc đường. Khác với những mảnh vụn bánh mì của Hansel và Gretel, loại sơn xịt này chẳng sợ làm mồi cho lũ chim đói.

Chuẩn bị tốt hơn, nên tôi không sợ. Cố nhiên, tôi vẫn căng thẳng, nhưng tim tôi không đánh trống làng. Óc tò mò là động cơ thúc đẩy tôi. Tôi muốn biết những gì nằm dọc con đường này. Ngay cả nếu không có gì, tôi cũng muốn biết chắc là không có gì. Tôi cần phải biết. Ghi nhớ trong đầu cảnh quan đã đi qua, tôi kiên quyết và thận trọng tiến từng bước, từng bước.

Thi thoảng, một âm thanh kỳ lạ vang lên - tiếng thịch như vật gì rơi xuống đất, tiếng kẽo kẹt như ván sàn rên lên dưới sức nặng, và những tiếng khác mà tôi không biết mô tả như thế nào. Tôi không tài nào xác định được đó là những tiếng gì, cũng như chúng phát ra từ đâu. Lúc thì nghe xa xa, khi lại ngay kề bên - tựa như khái niệm về khoảng cách hết mở rộng lại co vào. Tiếng chim vỗ cánh trên đầu tôi vang to khác thường như được khuyếch đại. Mỗi lần nghe thấy thế, tôi đều dừng lại dỏng tai, nín thở, chờ một điều gì xảy đến. Chẳng có gì và tôi lại bước tiếp.

Ngoài những âm thanh đột ngột, bất ngờ ấy, mọi thứ khác đều im ắng. Không gió, không xào xạc lá trên ngọn cây, chỉ có tiếng chân tôi bước trên cỏ, mỗi khi giẫm lên một nhành cây rơi, tiếng rắc lại vang động không trung.

Tôi nắm chặt cán chiếc rìu vừa mài sắc, cảm thấy nó ram ráp trong lòng bàn tay trần. Cho đến lúc này, chưa phải dùng đến nó, nhưng sức nặng của nó khiến tôi yên tâm và cảm thấy được che chở. Nhưng che chở chống lại cái gì? Trong rừng không có gấu hay sói. Có lẽ chỉ có mấy con rắn độc. Hẳn chính tôi mới là sinh vật nguy hiểm nhất ở đây. Vậy có lẽ thần hồn nát thần tính, tôi đã sợ cái bóng của chính mình.

Tuy nhiên, trong khi đi tiếp, tôi có cảm giác như một cái gì đang nấp ở một chỗ nào đó, lẩn vào các bụi cây, nín thở theo dõi, nghe ngóng tôi, quan sát từng động tác của tôi. Đâu đó, từ xa, một cái gì đang nghe ngóng từng tiếng động do tôi phát ra, cố đoán xem tôi định đi đâu và tại sao. Tôi ráng không nghĩ về nó. Càng nghĩ về những ảo ảnh, nó càng phình to ra và hiện hình rõ nét, không còn là ảo ảnh nữa.

Để lấp đầy im lặng, tôi thử huýt sáo bắt chước giai điệu kèn saxophone soprano của Coltrane 1 trong My Favourite Things. Tất nhiên, tiếng huýt sáo khó có thể gọi là chuẩn của tôi còn cách xa nguyên bản phức hợp và nhanh như ánh chớp hàng ki-lô-mét. Tôi chỉ chắp vá những chỗ tôi nhớ được, cho nó ang áng thôi. Còn hơn là chẳng có gì, tôi nghĩ thế. Tôi nhìn đồng hồ: mười giờ ba mươi. Oshima hẳn đã chuẩn bị xong xuôi mọi thứ để mở cửa thư viện. Hôm nay là... thứ Tư. Tôi hình dung anh tưới nước trong vườn, lau bàn, đun nước và pha cà phê. Tất cả những công việc mà bình thường tôi vẫn làm. Nhưng bây giờ tôi đang ở đây, tận trong rừng, mỗi lúc một dấn sâu thêm. Không ai biết là tôi đang ở đây. Chỉ mình tôi và chúng biết.

Tôi tiếp tục đi theo con đường mòn trước mặt. Gọi là đường cũng khí hơi quá. Đó chỉ như một vệt trũng tự nhiên, nước chảy qua lâu ngày khoét thành rãnh. Khi có mưa lớn trong rừng, nước chảy mạnh dần hõm đất, cuốn băng cỏ, làm trơ ra những rễ cây, gặp đá tảng lớn thì chảy men theo rìa. Khi tạnh mưa, ta thaasy hiện ra một lòng sông cạn giống như một đường mòn. Cái gọi là đường ấy phủ đầy dương xỉ và cỏ xanh, nếu lãng đi không chú ý là chẳng thấy đâu nữa. Thỉnh thoảng lại dốc đứng, tôi phải bám vào các thân cây và leo lên.

Giai điệu saxophone soprano của Coltrane chấm dứt từ quãng nào không biết, và bây giờ vang lên trong tai tôi bản độc tấu piano của McCoy Tyner, tay trái chạy một tiết tấu lặp đi lặp lại trong khi tay phải rải những hòa âm đậm đặc, u ám. Như trong một cảnh huyền thoại, nhạc mô tả quá khứ u tối của một ai đó không tên, không diện mạo, với tất cả các chi tiết được bày ra rõ ràng như những khúc ruột lôi ra từ bóng tối. Ít nhất đó cũng là cách hiểu của tôi khi nghe nó. Khúc nhạc kiên nhẫn lặp đi lặp lại, dần dần đập vỡ thực tại, rồi chắp những mảnh vỡ lại. Nó có một mùi thôi miên nguy hiểm như khu rừng này.

Tôi tiếp tục dấn bước, vừa đi vừa xịt sơn đánh dấu các thân cây, thỉnh thoảng ngoái lại để kiểm tra cho chắc là những dấu màu vàng ấy vẫn rõ. Tốt - những dấu chỉ đường về cho tôi giống như một dãy phao đều tăm tắp chạy dài trên biển. Để bảo đảm chắc chắn gấp đôi, chốc chốc tôi lại lấy rìu khía hình chữ V trên một thân cây. Chiếc rìu nhỏ của tôi không được sắc lắp nên tôi chọn những thân cây nhỏ trông có vẻ mềm hơn để khắc. Đám cây lặng lẽ đón nhận những nhát rìu đó.

Những con muỗi đen to tướng vo ve quanh tôi như những tốp thám báo, nhè những khoảng da hở quanh mắt và tấn công. Khi nghe thấy chúng vo ve, tôi vung tay đập hoặc xua chúng đi. Đập trúng con nào, nó kêu đánh bép, bụng đã mọng những máu nó hút của tôi. Phải một lát sau mới thấy ngứa. Tôi chùi tay vào chiếc khăn quấn quanh cổ cho sạch máu.

Những người lính hành quân qua khu rừng này, nếu vào mùa hè, chắc cũng bị muỗi quấy rầy như thế. Toàn bộ trang bị chiến đấu nặng bao nhiêu nhỉ? Những cây súng trường kiểu cổ tựa như một cục sắt, thắt lưng bao đạn, lưỡi lê, mũ sắt, một cặp lựu đạn, lương thực và khẩu phần (tất nhiên rồi), càmèn, xẻng đào hố cá nhân... Tất cả cộng lại chắc phải đến trên hai chục ký. Nặng thấy mồ, hơn cái ba lô nhỏ của tôi nhiều. Tôi có cảm giác rõ ràng là mình sắp đâm sầm vào những người lính ấy ở chỗ ngoặt tới, mặc dù họ đã biến mất từ hơn sáu mươi năm trước.

Tôi nhớ đến đạo quân của Napoléon tiến vào nước Nga mùa hè năm 1812. Chắc hẳn họ cũng đã bị muỗi hành suốt chặng đường dài đến Mátxcơva. Dĩ nhiên, muỗi không phải là vấn đề duy nhất. Để sống còn, họ đã phải vật lộn với đủ mọi thứ khác nữa: đói, khát, đường sá lầy lội, bệnh truyền nhiễm, cái nóng nung người, những đội biệt động Côzắc tấn công tuyến hậu cần mong manh của họ, thiếu thuốc men, đó là chưa kể những trận giáp chiến lớn với quân đội chính quy Nga. Cuối cùng, khi lực lượng Pháp thất thểu vào một thành phố Mátxcơva vắng tanh, thì quân số từ 500.000 đã giảm xuống chỉ còn 100.000.

Tôi dừng lại uống một ngụm nước từ bi-đông. Đồng hồ tôi chỉ đúng mười một giờ. Đến giờ thư viện mở cửa. Oshima đang mở khóa cửa vào, ngồi vào chỗ quen thuộc của mình sau quầy, một mớ bút chì dài vót nhọn để trên bàn. Anh cầm một chiếc lên xoay xoay trong tay, khẽ ấn đầu có gắn tẩy vào thái dương. Tôi có thể thấy cảnh đó rõ mồn một. Nhưng nơi đó mới xa làm sao!

Mình không bao giờ có kinh nguyệt, Oshima đã nói thế. Mình sinh hoạt tình dục bằng hậu môn, không bao giờ làm tình bằng âm hộ. Âm hạch của mình nhạy cảm nhưng vú thì không.

Tôi nhớ lúc Oshima ngủ trên giường trong căn nhà gỗ, quay mặt vào tường. Và những dư ảnh anh/chị để lại. Thế rồi tôi nằm ngủ luôn trên chiếc giường ấy, với những dư ảnh ấy bao quanh mình.

Tôi thôi không nghĩ đến chuyện ấy nữa. Thay vào đó, tôi nghĩ về chiến tranh. Những cuộc chiến Napoléon, cuộc chiến tranh mà những người lính Nhật Bản đã phải tham gia. Tôi cảm thấy sức nặng của chiếc rìu trong tay. Cái lưỡi rìu sắc lấp lánh trắng khiến tôi quay mắt đi không dám nhìn nữa. Tại sao người ta phải tiến hành chiến tranh nhỉ? Tại sao hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người lại tập hợp để tiêu diệt lẫn nhau như thế? Người ta phát động chiến tranh vì phẫn nộ hay vì sợ? Hay phẫn nộ và sợ hãi chỉ là hai khía cạnh của cùng một tinh thần?

Tôi đẽo một dấu V nữa bằng rìu trên một thân cây. Nó thốt lên một tiếng kêu câm lặng, ứa ra những giọt máu vô hình. Tôi vẫn hì hụi đi. Giai điệu saxophone soprano của Coltrane lại cất lên. Một lần nữa, tiết tấu điệp làm vỡ vụn thực tại, rồi lại chắp những mảnh vỡ lại.

Chẳng mấy chốc, tâm trí tôi lang bang vào miền mộng mơ. Rất lặng lẽ, những giấc mơ trở lại. Tôi đang ôm Sakura. Sakura trong vòng tay tôi và tôi nhận sâu trong Sakura. Tôi không muốn phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài nữa, không muốn bị ném vào thế hoang mang bối rối bởi những sự vật tôi không kiểm soát nổi. Tôi đã giết cha tôi và cưỡng hiếp mẹ tôi và giờ đây tôi đang nhận sâu trong chị gái tôi. Nếu có một lời nguyền trong toàn bộ chuyện này, tôi muốn trực diện đương đầu với nó và hoàn tất cái phận đã được hoạch định của mình. Cất cái gánh nặng khỏi vai và sống đúng là mình chứ không bị mắc kẹt trong những kế hoạch của một người nào khác. Đó là điều tôi thực sự muốn. Và tôi xuất tinh bên trong Sakura.

"Ngay cả trong mơ, cậu cũng không nên làm thế," cái thằng tên là Quạ nói. Nó đi ngay sau tôi, trong rừng. "Tớ đã cố hết sức ngăn cậu. Tớ muốn cậu hiểu ra. Cậu có nghe thấy, nhưng cậu không nghe theo. Cậu cứ thế dấn tới."

Tôi không trả lời, cũng chẳng ngoái lại, chỉ lặng lẽ bước tiếp.

"Mày tưởng bằng cách ấy, mày có thể hóa giải được lời nguyền, hở? Nhưng có được không?" Quạ hỏi.

Nhưng có được không? Mày đã giết cái người là cha mày, cưỡng hiếp mẹ mày và bây giờ đến chị gái mày. Mày tưởng làm thế sẽ dứt điểm được với lời nguyền mà cha mày yểm vào mày, cho nên mày làm tất cả những gì được dự báo về mày. Nhưng chẳng có gì thực sự chấm dứt. Mày chẳng hóa giải được gì hết. Lời nguyền đó đã được khắc dấu bằng sắt nung đỏ lên hồn mày, thậm chí còn sâu hơn trước. Giờ đây, mày nên nhận chân ra điều đó: rằng lời nguyền nằm trong gien của mày. Nó thoát ra bằng hơi thở của mày và gió cuốn nó đi bốn phương trời, nhưng hỗn độn t tăm vẫn ở lại bên trong mày. Nỗi sợ hãi, phẫn nộ, khắc khoải nơi mày không hề biến mất. Chúng vẫn ở trong mày, vẫn hành hạ mày.

"Nghe đây, không có cuộc chiến nào chấm dứt mọi cuộc chiến," Quạ bảo tôi. "Chiến tranh nuôi chiến tranh. Bạo lực làm đổ bao nhiêu máu, nó cũng liếm hết, thức ăn của nó là da thịt đầy thương tích. Chiến tranh là một sinh vật tự tạo hoàn hảo. Mày cần hiểu điều đó."

"Sakura... chị gái tớ," tôi thốt lên. Lẽ ra tôi không nên hiếp chị ấy. Ngay cả trong mơ. "Tớ nên làm gì đây?" tôi hỏi to, mắt nhìn trân trân xuống đất phía trước mặt.

"Mày phải vượt lên nỗi sợ hãi và phẫn nộ bên trong mày," cái thằng tên Quạ nói. "Hãy để cho một luồng sáng rực rỡ rọi vào tim mày, làm tan băng giá trong đó. Chính vì thế nên mày mới phải luyện trí kiên cường. Hãy làm thế và mày sẽ thực sự trở thành trang thiếu niên mười lăm tuổi kiên cường nhất hành tinh. Mày có nghe thấy không? Vẫn còn kịp. Mày vẫn có thể vãn hồi bản ngã của mày. Hãy vận dụng cái đầu của mày. Nghĩ xem mày cần phải làm gì. Mày đâu phải là thằng đần. Mày ắt có thể nghĩ ra."

"Có thật là tớ đã giết cha tớ không?" tôi hỏi.

Không có câu trả lời. Tôi quay ngoắt lại, nhưng cái thằng tên Quạ đã biến mất, chỉ có im lặng nuốt chửng câu hỏi của tôi.

Trơ trọi một mình trong rừng sâu, cái thằng tôi này cảm thấy trống rỗng, phải, trống rỗng kinh khủng. Oshima có lần dùng cụm từ những con người rỗng. Ờ, đích xác là tôi đã trở nên như thế đó. Có một khoảng trống trong tôi nó cứ bành trướng dần, nuốt hết những gì còn lại từ con người vốn là tôi. Tôi có thể nghe thấy điều ấy đang diễn ra. Tôi đi tong hoàn toàn rồi, mất tiêu bản sắc. Nơi tôi đang ở không có phương hướng, không có bầu trời, không có mặt đất. Tôi nghĩ đến Miss Saeki, đến Sakura, đến Oshima, nhưng họ ở cách xa tôi hàng năm-ánh-sáng. Như thể tôi nhìn ngược đầu một cái ống nhòm vậy. Dù có vươn tay ra xa đến mấy, tôi cũng không thể chạm tới họ. Tôi hoàn toàn đơn độc trong một mê cung tối om. Hãy lắng nghe gió, Oshima đã bảo tôi. Tôi lắng nghe, nhưng không có ngọn gió nào thổi qua. Ngay cả cái thằng tên là Quạ cũng đã biến mất tăm.

Hãy vận dụng cái đầu của mày. Nghĩ xem mày cần phải làm gì.

Nhưng tôi không thể nghĩ được nữa. Bất kể tôi cố gắng đến đâu, chung cuộc tôi vẫn tắc nghẽn trong mê cung. Cái gì trong tôi tạo nên tôi vậy? Nó có đủ sức đương đầu với khoảng trống kia không?

Giá như tôi có thể xóa bỏ cái thằng tôi đây, ngay tại chỗ và ngay bây giờ! Tôi xem xét ý tưởng này một cách nghiêm túc. Giữa bức tường-cây dày đặc này, trên con đường không ra đường này, nếu tôi ngừng thở, tôi sẽ lặng lẽ chôn vùi ý thức của mình vào bóng tối, dòng máu đen màu bạo lực của tôi sẽ rỉ ra đến giọt cuối cùng, gien của tôi sẽ rữa nát giữa đám cỏ dại. Lúc đó, cuộc chiến của tôi sẽ kết thúc. Bằng không, tôi sẽ mãi mãi tiếp tục giết cha tôi, cưỡng hiếp mẹ tôi, cưỡng hiếp chị gái tôi, mãi mãi, quất roi vào thế giới. Tôi nhắm mắt lại và cố tìm trung tâm của mình. Bóng tối phủ lên nó, xù xì và lởm chởm. Có một khoảng trống giữa những đám mây đen, tựa như nhìn qua cửa sổ thấy đám lá sơn thù du lấp lánh như hàng ngàn lưỡi dao dưới ánh trăng.

Đúng lúc ấy, tôi cảm thấy một cái gì đang tái tụ lại dưới làn da và nghe thấy một tiếng lanh tanh trong đầu. Tôi mở mắt ra và hít một hơi thật sâu. Tôi ném bình xịt sơn, chiếc rìu và la bàn đi. Tôi nghe thấy chúng rơi xuống đất, tiếng lách cách như vọng lại từ rất xa. Tôi cảm thấy mình nhẹ bỗng. Tôi trút ba lô khỏi vai và vứt sang bên. Xúc giác của tôi đột nhiên nhạy bén hẳn lên. Không khí quanh tôi trở nên trong hơn. Tôi cảm nhận sự hiện diện của rừng mạnh mẽ hơn. Khúc độc tấu ngoắt ngoéo như mê cung của Coltrane lại vang lên bất tận trong tai tôi.

Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thọc tay vào ba lô lấy ra con dao săn và bỏ vào túi. Con dao sắc như lưỡi dao cạo tôi lấy trộm ở bàn giấy của cha tôi. Nếu cần, tôi có thể dùng nó để rạch cổ tay cho từng giọt máu trong tôi nhỏ xuống đất. Như thế sẽ hủy được cái cơ chế đó.

Tôi hướng vào tim của khu rừng - một con người rỗng, cái khoảng trống nuốt tiêu tất cả những gì là thể chất. Không còn gì để mà sợ nữa. Tuyệt đối không.

Và tôi hướng thẳng vào tim của khu rừng.

John William Coltrane (Hamlet, Bắc Carolina 1926 - New York 1967), nghệ sĩ saxophone và nhà soạn nhạc jazz. Được coi là một trong những người cách mạng nhất trong nghệ thuật biểu diễn nhạc jazz và có ảnh hưởng nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/72935


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận