Khói Bay Về Trời Những Buổi Chiều Ngang Qua Đời Tôi

Những Buổi Chiều Ngang Qua Đời Tôi
Chiều nào tôi cũng cũng đạp xe trên con đường từ làng qua mấy khúc đường mòn ra bờ đê, ngồi trên đó ngắm chiều chậm chậm tìm về với bóng đêm.

Bờ đê này trước là con đường duy nhất đi ra bến đò Giải để qua bên Kim Thành.

Sau này người ta xây cầu, làm đường mới đẹp hơn chẳng còn mấy ai đi nên chiều thấy im ắng đến lạ. Triền đê bên trái song song đường quốc lộ, bên phải là một nhánh sông Hậu lững lờ trôi. Tôi đi từ khi bóng chiều khuất bóng, nắng cuối chiều vàng ươm đến khi mặt trời khuất sâu phía chân trời tôi mới trở về.

Nằm giữa đường quốc lộ và bờ đê là một khoảng là dải đất bằng trịn không ai ở, cũng chẳng biết nhà nước quy hoạch làm công trình gì nhưng để hoang mấy năm nay.



Mùa mưa thì có đôi nhà trồng củ mì, củ sắn đến mùa cạn thì ruộng khô nứt lẻ nơi đó trở thành khu thả diều cho dân làng. Chiều nay trời lặng gió, tôi đến rất lâu mà không có ma nào mò đến, cả khoảng đất rộng mênh mông lèo teo vài mống. Phía trước có một vài gia đình đưa nhau ra ngắm chiều buông. Dân quê tôi ai cũng dạy con mình cách ngắm chiều buông ngay từ khi tí xíu. Mấy cụ già ngồi tâm tình tuổi già đôi mắt mênh mông như dòng sông Hậu đang chảy dưới kia. Lũ con nít được đi chơi là thích chúng tranh nhau bắt châu chấu, cào cào trên bãi cỏ tiếng cười khanh khách phá tan cái cô liêu buổi chiều tà.

Mấy tháng trời không có lấy một giọt mưa những tưởng ông trời cho con người cây cỏ chết khô vì hạn. Ai dè ông vẫn thương dân làng đêm trước ổng cho cơn mưa to đã đời. Nước sông Hậu chảy về một màu phù sa đục ngàu, con người và cỏ dại như thêm có sức sống.

Loài cỏ dại có sức sống mãnh liệt, mới hôm trước héo quơ héo quắt tưởng chết vì hạn. Ấy vậy mà sau cơn mưa chúng lại mọc lên xanh mướt một vùng đất trống. Dân họ cũng giống những cây cỏ dại quê tôi có sức sống mãnh liệt dẫu cho ông trời không chiều lòng họ.

Trời hổng có gió nên hổng có ai đến thả diều, chỉ có mỗi chú Bảy xóm trên. Con diều lên được một đoạn nó quay vòng vòng rồi lại rúc đầu đâm thẳng xuống đất. Chú vẫn lúi cúi cố gắng thả hết lần này đến lần khác. Chắc chú nghĩ chỉ cần mình cố gắng trời sẽ không phụ lòng người. Chú Bảy vốn là thương binh từ thời kháng chiến chống Mỹ hay chống Pháp gì đó (Tôi nghe cha nói vậy) về được cấp đất làm nhà. Nhưng héo hon trời không thương con chú sinh ra đứa nào cũng dị dạng. Con Cúc bằng tuổi tôi mà nó bé xíu như tí hon không biết nói, cái đầu nó to mà cái chân thì tong teo nhìn nó mới đầu thấy sợ lắm. Nhưng tôi nhìn riết nó cũng thấy quen, ngẫm nghĩ sao thằng Mỹ nó ác thiệt là ác không những giết một thế hệ mà còn còn hủy hoại cả đời sau.

Tôi ngồi bó gối dõi mắt ra đường quốc lộ xe cộ xuôi ngược qua lại vội vã chắc họ cũng đang tìm về với gia đình sau ngày mệt mỏi. Quê tôi có những người bỏ xứ đi biền biệt hổng thấy về, nghe đâu họ đi tận mạn ngược, mạn xuôi nào đó làm ăn. Chú Tám nhà ông Tư lên tít miền núi cao nguyên Đăklăk hay Gia Lai gì đó vài ba năm mới về một lần.

Ngày còn sống ông thường ra bờ đê ngồi đó nhìn về phía chân trời đỏ quạnh quyện trong màu đỏ nước sông Hậu trông ngóng đứa con tha hương. Có lần tôi hỏi “Sao ông Tư ngày nào cũng ra ngắm sông hoài vậy?” ông nhìn tôi cười móm mém “Ông đang nói chuyện với sông” tôi ngơ ngác nhìn ông “Vậy sông nói chi vậy ông?” ông Tư xoa tóc tôi và nói rằng sau này lớn tôi sẽ hiểu.Trước ngày ông Tư mất ông biểu người nhà đưa ra sông ngắm hoàng hôn lần cuối rồi mới an lòng nhắm mắt.

Ông Tư là những con người cố gắng bám đất, bám làng vì tình yêu ông dành cho nó đã ăn vào máu rồi. Ông không phải gốc quê ở đây, thời chiến tranh ly tán gia đình ông dạt về ở đây rồi sinh con để cái cũng mấy mươi năm rồi. Từ đời ông bà ông đã có mặt ở vùng đất giáp bờ sông hậu đỏ lòm phù sa này, màu đất bám dày gót chân mỗi con người.

Tôi hỏi tía “Sao ông làm chi cực con cháu dữ vậy tía?” Tía vuốt tóc tôi không nói chi nhìn hoài ra sông. Sau này khi lớn lên đi rất nhiều nơi, đến rất nhiều vùng đất khác nhau nhưng triền đê ấy vẫn lạc vào trong giấc mơ của tôi. Tôi cũng thôi không còn thắc mắc tía tôi, ông Tư đã nói gì với sông chỉ biết đó là nơi duy nhất tôi khát khao quay về.

Ông Tư mất. Chú Tám về chịu tang có một mình hổng có vợ và con cái về theo nghe đâu chi phí đi lại lớn quá. Sau đám tang chú Tám thẫn thờ lên đê ngồi ngắm phù sa rồi ôm mặt khóc rưng rức mặc cho ngoài quốc lộ xe vẫn nối đuôi nhau xuôi ngược.

Chiều xuống ngang qua sông, ngang qua cuộc đời Ông Tư, Bác Bảy, Tía tôi, chú Tám và rất nhiều con người ở làng quê này chậm chậm và buồn tẻ.

Nguồn: truyen8.mobi/t127088-khoi-bay-ve-troi-nhung-buoi-chieu-ngang-qua-doi-toi.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận