Khô Lâu Họa Chương 36

Khô Lâu HọaTác Giả: Ôn Thụy An

Hồi 36 - Thánh Chỉ

Dịch giả: Ngọc Diện Hồ
Nguồn: Nhanmonquan


Sau bữa cơm, Thần Uy Tiêu Cục sáng bừng lên bởi những chiếc đèn hoa đã nhiều ngày không được đốt lên. Bọn Đinh Thường Y, Đường Khẩn đều đã thay kình trang, ngồi xung quanh chiếc bàn tròn. Cao Phong Lượng mục quang như hai ngọn đuốc, phân phối mọi việc xong rồi nói:
– Chúng ta có thể xuất phát chưa?
Đường Khẩn đưa mắt nhìn Đinh Thường Y.
Đinh Thường Y mỉm cười, dù là trong chiến trận sát phạt, nàng cũng vẫn cao quý, thanh lệ.
Cao Phong Lượng nói:
– Được.
Nói đoạn quay người lại nói vài câu với Cao phu nhân đang nước mắt lưng tròng.
Đó tự nhiên là lời dặn dò trước lúc ra đi vào nơi sinh tử bất định của gã hán tử giang hồ với gia đình và người thân.


Đường Khẩn chợt cảm thấy vạt áo bị người giật nhẹ.
Gã quay đầu lại nhìn, thì ra là Cao Hiểu Tâm.
Cao Hiểu Tâm lệ trước chưa khô, thì lệ sau đã lã chã tuôn rơi.
Nàng gục đầu lên vai gã thút thít nói:
– Muội biết, vừa nãy là do muội không tốt, Đường đại ca, dù huynh có không tốt với muội, muội vẫn luôn luôn đối tốt với huynh. Muội đã nghĩ thông rồi, muội muốn làm muội muội của huynh, như vậy huynh vẫn còn thương muội, vẫn còn nhớ đến muội, muội cũng có thể nhớ đến huynh ... cả đời này muội đều nhớ đến huynh.. Cao Hiểu Tâm kiên định nói.
Đường Khẩn nghe thấy giọng nói ngây thơ lãng mạn mà chân thành khẩn thiết của nàng, trong lòng không khỏi cảm thấy mình đã phụ tấm chân tình của nàng, quả thực vô cùng áy náy.
Chỉ thấy Đinh Thường Y thắp lên một nén hương, cắm ra trước hiên nhà. Nhìn từ phía sau lưng, bất kể nàng nhấc tay hay động chân, tư thái đều mang vẻ bi thương vô hạn.
Cao Phong Lượng vỗ nhẹ lên bờ vai đang co rúm của Cao phu nhân, đằng hắng một tiếng, cất cao giọng nói:
– Đi thôi!
Đi, con người luôn phải đi đến một nơi nào đó. Chỉ là lần này, không biết còn có thể gặp lại nhau nữa không? Không biết còn sống được nữa hay không?
Đáng buồn thay, đã là người, thì không thể không tiếp tục đi về phía trước.
oo Lãnh Huyết dựa lưng vào cửa.
Nếu như Lý Ngạc Lệ từ bên trong đâm ra một kiếm, với thư thế của chàng hiện giờ, e rằng không thể không chết.
Nhưng chàng không thể không cố thủ như vậy.
Bởi vì Lý Huyền Y không thể bại.
Nếu Lý Huyền Y bại, không chỉ cả hai người chết, mà cả Thần Uy Tiêu Cục cũng bị hủy diệt, bá tánh huyện Thanh Điền cũng không tránh khỏi tai ương.
Chàng tin tưởng Lý Huyền Y quyết không để Lý Ngạc Lệ đâm ra một kiếm đoạt mệnh ấy.
Nơi chàng đang cố thủ, chỉ có một thông đạo, vừa một người đứng.
Thông đạo chỉ có bảy thước.
Địch nhân muốn tấn công vào mật thất, chỉ có thể công vào từ chính diện, bước qua thi thể của chàng mà vào.
Ai muốn bước qua thi thể của Lãnh Huyết, cũng đều phải trả giá.
Một cái giá rất đắt.
Nhưng câu nói của Lý Ngạc Lệ trước khi cửa mật thất đóng lại, quả thật có sức hấp dẫn vô cùng lớn.
Được làm phó sứ cho Lý Huyền Y, ở dưới một người mà trên vạn người, ai mà chẳng muốn đem tính mạng mình ra mạo hiểm một phen, đổi lấy vinh hoa phú quý tột đỉnh.
Sau một hồi tán loạn ầm ĩ, kẻ đầu tiên đã dài người bước lên, tay chấp giới đao, lớn giọng nói:
– Phật Đăng Giới Đao Môn, Biện Tinh Văn, xin được lĩnh giáo.
Lãnh Huyết gật đầu làm lễ.
Chàng đã trọng thương nên không muốn nói nhiều.
Biện Tinh Văn vung giới đao lên, bảy đao một chiêu, một đao lại biến hóa bảy lần, chiêu chiêu thức thức đều lang độc vô tỷ.
Lãnh Huyết giương kiếm lên.
"Phập!".
Biện Tinh Hoà đã ôm cổ họng lảo đảo ngã xuống.
Một gã hán tử vạm vỡ khác, tay cầm nguyệt nha sản bước lên cất giọng sang sảng như chuông đồng:
– Di Sơn Điền Hải Đồng Bá Án xin được lĩnh giáo.
Chưa đầy ba chiêu Lãnh Huyết đã đâm ngã y.
Lại thêm một gã hán tử dũng mãnh khác bước lên, cao giọng nói:
– Vi Đà Môn Lợi Đảm Sơn đến đây!
Nói đoạn Ngưu Đầu Thang đã nhằm đầu Lãnh Huyết kích xuống.
Lãnh Huyết dùng năm chiêu đả thương gã, song hổ khẩu của chàng cũng bị chấn thương.
Đến kẻ thứ bảy Trầm Kha Giáo Thượng Phong Vân bị giết chết, thì vết thương của Lãnh Huyết đã chảy máu không ngừng. Chàng cũng thầm cảm thấy mình sắp chi trì không nổi nữa.
Đến tên thứ mười một, Tây Côn Lôn Chủy Tiểu Kim lên khiêu chiến, Lãnh Huyết phải nhận thêm một vết thương trên người mới giết chết nổi y.
Lãnh Huyết vốn đã trọng thương, tình hình càng lúc càng trở nên nghiêm trọng.
Cánh cửa mật thất vẫn đóng im ỉm.
Kẻ khiêu chiến thứ mười hai là Qua Đại Sơn tay xách trường thương bước lên, sắc mặt Lãnh Huyết càng trắng bệch, nụ cười trên miệng Qua Đại Sơn càng ác độc.
Đột nhiên có người nói: truyện copy từ tunghoanh.com
– Ta thay ngươi trận này được chăng?
Thanh âm vang lên từ sau lưng Qua Đại Sơn.
Qua Đại Sơn vội vàng quay người lại, chỉ nghe một tiếng hú dài.
Cùng với tiếng hú, kim thương trong tay Qua Đại Sơn gãy vụn ra từng mảnh nhỏ, xương cốt gã cũng kêu lên răng rắc, người bị đánh bay ra khỏi thông đạo, đụng ngã mấy gã khác đang chực xông lên.
Người đến có mái tóc đen tuyền, dáng người thập phần quắc thước, tinh anh.
Lãnh Huyết cười cười nói:
– Ngươi đến rồi!
Nhiếp Thiên Sầu đáp:
– Ngươi thọ thương rồi!
Lãnh Huyết nói:
– Nếu muốn quyết đấu, ngươi đến thật không đúng lúc.
“Không”. Nhiếp Thiên Sầu nói:
“Ta đến rất đúng lúc”.
Thanh âm của lão hết sức ôn hòa:
– Ngươi đã khiến huynh đệ của ta hồi tâm chuyển ý, hối cải chuyện sai lầm trước đây. Ta có thể thay thế ngươi trận chiến này được không?
Lãnh Huyết còn chưa kịp trả lời, kẻ khiêu chiến thứ mười ba đã huy vũ trường mâu đâm tới.
Nhiếp Thiên Sầu lập tức phản kích.
Lão xuất thủ trong tiếng hú, người kia cũng mất mạng trong tiếng hú.
Cho đến kẻ khiêu chiến thứ ba mươi mốt xông ra, trên thân lão đã bắt đầu lưu huyết.
Đến lúc tên thứ ba mươi chín ngã xuống, lão đã trúng phải bảy tám vết thương.
Lãnh Huyết hét lớn:
– Để cho ta.
Nhiếp Thiên Sầu thở hổn hển cười cười nói:
– Ngươi cũng chẳng hơn ta là bao!
Lão vận lực bẻ gãy cổ một tên địch, song cũng trúng phải một cước của đối phương, lảo đảo thổ ra ba búng máu.
Kẻ khiêu chiến thứ bốn mươi mốt vung hổ vĩ tiên công tới.
Lãnh Huyết muốn thay Nhiếp Thiên Sầu chống đỡ trận này, nhưng thông đạo quá chật hẹp, chàng không thể xông lên phía trước.
Đột nhiên bên ngoài trở nên hỗn loạn, tiếng giao thủ không ngớt truyền vào trong.
Lãnh Huyết cầm kiếm xông ra, còn Nhiếp Thiên Sầu thì cố thủ mật thất.
Chỉ thấy đám cao thủ bên ngoài đang khổ chiến với mấy dạ hành nhân.
Lãnh Huyết cảm thấy một thứ cảm giác sinh tử đồng tâm dâng trào trong dạ, vui mừng kêu lên:
– Các người đến rồi!
Cao Phong Lượng huy vũ đại đao, chém ngã một người, vui mừng hô lớn:
– Bọn ta đến rồi!
Cao Phong Lượng, Đinh Thường Y, Đường Khẩn, Dũng Thành đều đến cả.
Người giang hồ có khoái ý hào tình của người giang hồ. Dù là trong lòng có trở ngại, bận tâm, nhưng chỉ cần có bằng hữu kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ, dù có phải chiến tử sa trường, họ cũng quyết không lùi bước.
oo Lý Ngạc Lệ dẫn theo gần trăm thủ hạ.
Gần trăm người này không kẻ nào là không phải hảo thủ.
Bất quá, người võ công cao nhất là Nhiếp Thiên Sầu đã trở mặt thành thù, Dịch Ánh Khê, Ngôn Hữu Tín, Ngôn Hữu Nghĩa đều đã trước sau táng mạng, ngay cả Phúc Huệ Song Tu cũng đã chết, khiến cho thực lực của đám người này giảm đi đáng kể.
Nhưng Lãnh Huyết và Nhiếp Thiên Sầu cũng đã như cây cung kéo căng hết cỡ.
Đối phương ít nhất cũng còn tới năm mươi hảo thủ.
Cao Phong Lượng, Đinh Thường Y và Đường Khẩn, Dũng Thành xung sát một trận, đối phương ít nhất cũng mất thêm mười người, nhưng bốn người họ cũng bị thương không nhẹ.
Chính vào lúc này, đột nhiên bên ngoài có tiếng người quát tháo ầm ĩ, một đám quan binh khôi giáp sáng ngời xông vào, đứng dạt sang hai bên, sau đó một người hai tay nâng hộp gấm bước vào trong đại đường nha phủ.
Người này không ngờ là tên tiểu quan Văn Trương.
Gã võ quan đi đầu hét lớn:
– Dừng tay! Tiếp chỉ!
Thánh chỉ của hoàng đế có tác dụng hơn bất cứ thứ gì trên đời, hơn bốn mươi tay thủ hạ còn lại của Lý Ngạc Lệ liền lập tức quỳ cả xuống.
Còn lại Lãnh Huyết, Cao Phong Lượng, Nhiếp Thiên Sầu, Đinh Thường Y, Đường Khẩn, Dũng Thành đưa mắt nhìn nhau đầy vẻ nghi hoặc, song thiên mệnh khó chống, nên cũng lần lượt quỳ xuống tiếp chỉ.
Không biết lần này vị hoàng đế hoang đường, coi thường tính mạng con người như cỏ rác này lại hạ Thánh chỉ hồ đồ gì nữa?
Chỉ là trừ những kẻ đã chết, những kẻ bị thương nặng không bò dậy được, và hai người đang quyết tử chiến trong mật thất ra thì tất cả đều phải quỳ xuống tiếp chỉ.
Thánh chỉ chỉ có phân lượng và ý nghĩa trong lòng những người thừa nhận nó mà thôi, còn đối với những một số người khác, tỷ như là người chết, hay những cao nhân hóa ngoại, những kẻ coi thường triều đình thì nó chẳng hề có tác dụng gì hết.
Với những người không nghe thấy cũng vậy.
oo Trận quyết đấu giữa Lý Huyền Y và Lý Ngạc Lệ còn kịch liệt, hiểm ác hơn trong tưởng tượng của họ nhiều lần.

Lý Huyền Y vẫn vũ lộng song quyền, nhằm vào những bộ vị quan trọng và cực khó phòng ngực trên người đối thủ.
Hai người đánh nhau đã được nửa canh giờ, tai trái của Lý Ngạc Lệ đã bị giật đứt, máu chảy như suối, ngón chân út bàn chân trái cũng bị dẫm nát, ngón chân cái bàn chân phải bị đá gãy, cánh tay phải cũng trúng một cước, ngón tay út bàn tay trái cũng bị đánh gãy, đầu tóc tán loạn, cả đầu mũi cũng bị đấm cho chảy máu.
Tuy người y bị đánh đến lôi thôi lếch thếch, vết thương tuy nhiều, nhưng nguyên khí vẫn còn nguyên vẹn.
Kiếm của y vốn chỉ dùng một tay thi triển, vô luận là kiếm pháp có cẩn mật, lăng lệ đến đâu cũng không thể đả thương được Lý Huyền Y.
Thế nhưng, khi hai tay y đồng thời chấp kiếm, tình thế sẽ hoàn toàn thay đổi.
Vô luận là Lý Huyền Y đào tẩu, né tránh, luồn lách, nhảy lên thụp xuống thế nào cũng không tránh khỏi được sự truy kích của song thủ kiếm của y.
Đúng vào lúc sinh tử quan đầu này, Lý Huyền Y đã làm một chuyện.
Lão đá đổ ngọn tọa đăng.
Trong mật thất chỉ còn lại một cây nến đang cháy bập bùng.
Lão bổ người về phía cây nến.
Lý Ngạc Lệ sợ lão sẽ đánh tắt nốt ngọn nến còn lại, vội vàng hồi kiếm ngăn trở.
Kiếm phong lăng lệ.
Lý Huyền Y đột nhiên nhảy vọt về phía sau.
Kiếm chém vào khoảng không, kiếm phong vụt qua, làm cây nến tắt phụt.
Mật thất lập tức tối đen như mực.
Lý Ngạc Lệ không ngờ trúng phải kế của Lý Huyền Y, dùng kiếm phong của mình thổi tắt nến cho đối phương.
Trong bóng tối, không ai có thể nhìn thấy ai.
Lý Ngạc Lệ một mực cố thủ, nhưng đối phương dường như đã biến mất không còn tăm tích.
Cuối cùng y cũng không nhịn được, huy kiếm quét một vòng xung quanh người, quyết định lục tìm từng thước đất trong căn mật thất này. Chỉ cần Lý Huyền Y vẫn còn trong phòng, y nhất định có thể đâm cho lão lỗ chỗ như tổ ong.
Kiếm vẫn trong tay Lý Ngạc Lệ.
Vì vậy y rất yên tâm.
Kiếm phong tràn đầy mật thất.
Trong làn kiếm phong, có hai người đang đứng giữa ranh giới giữa sinh và tử.
Ai tử?
Ai sinh?
oo Bất ngờ.
Cao Phong Lượng, Đường Khẩn, Dũng Thành tuyệt đối không thể ngờ rằng lại có một bất ngờ như vậy.
Ngay cả Lãnh Huyết cũng không ngờ.
Ý chỉ của hoàng thượng là:
vụ án cướp tiền thuế đã được điều tra rõ ràng, Thần Uy Tiêu Cục đích thực bị vu oan giá họa, thủ phạm chân chính là bọn quan tham do Lý Ngạc Lệ đứng đầu, vì vậy lệnh cho các bộ khoái Lãnh Huyết, Lý Huyền Y lập tức bắt người này về kinh chịu sử. Còn về tiền thuế của huyện Thanh Điền thì không cần phải thu lại lần nữa, chỉ dặn dò các quan viên phụ trách phải mau chóng thu hồi số bạc bị mất, đưa về triều ca là được. Còn chuyện cướp ngục chống người thi hành công vụ, tất cả đều do thủ lãnh Vô Sư Môn Quan Phi Độ sách động, không liên quan đến người khác.
Quan Phi Độ đã chết, nên chuyện này không cần truy cứu nữa. Thần Uy Tiêu Cục trung dũng hộ tiêu có công, được sắc phong làm Hộ Quốc Tiêu Cục, cục chủ Cao Phong Lượng chuẩn bị hồi kinh nhận phong. Những thủ hạ của Lý Ngạc Lệ tham dự chuyện này đều không biết nên không luận tội mà cho phép đoái công chuộc tội, nhận trọng trách tiêu diệt dư đảng của họ Lý.
Trong Thánh chỉ còn đề cập đến chuyện này có thể làm rõ ngọn ngành hoàn toàn là nhờ công lao của thừa tướng Phó Tông Thư minh tra ám vấn mới có thể rửa sạch hàm oan, bắt kẻ có tội về chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Lý Huyền Y tuy quan cao lộc hậu, nhưng cao mấy cũng không bằng một nửa của Phó Tông Thư.
Huống hồ đây là Thánh chỉ.
Cục thế thay đổi quá nhanh, toàn bộ thuộc hạ của Lý Ngạc Lệ không còn ai dám động thủ, ai ai cũng muốn đứng ngoài chuyện này, còn hận không thể bắt lấy Lý Ngạc Lệ phân thây muôn đoạn để tiết hận, để tỏ rõ mình thanh bạch vô tội.
Người bất ngờ nhất là Cao Phong Lượng.
Lão vốn là một phạm nhân bị truy nã.
Thần Uy Tiêu Cục đã đổ vỡ, đã bị hủy, đã không còn gì cả, vậy mà trong chốc lát, cục thế thay đổi, Thần Uy Tiêu Cục đột nhiên biết thành Hộ Quốc Tiêu Cục, hơn nữa còn biến thành tiêu cục của triều đình, bản thân lão thì thành đại quan. Sự "khởi tử hồi sinh" trong sát na này khiến Cao Phong Lượng kinh hỉ có dư, chỉ biết vập đầu không ngừng, miệng hô lớn:
– Hoàng thượng thánh ân, hoàng thượng thánh ân, vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế.
Sau đó lão nhảy dựng người lên, quên cả vết thương trên người đang đau đớn, nhảy câng câng như một con chích choè, ôm lấy Đường Khẩn, hét to như muốn nói cho cả thiên hạ biết vậy:
– Hoàng thượng thật là thánh minh, hoàng thượng thật thánh minh!
– Hoàng ân như biển, cả đời này ta cũng không thể báo được rồi!
Lại nói:
– Phó thừa tướng đúng thật là nhìn rõ sự việc đến chân tơ kẽ tóc, thật đúng là một bậc hiền thần.
Đường Khẩn tự nhiên cũng rất vui mừng.
Chỉ có Đinh Thường Y là ngây người không nói.
Ý chỉ của hoàng đế rõ ràng là thập phần minh hiển, để xoa dịu lòng dân nên mới lật lại vụ án, đem hết tội danh đổ lên đầu Lý Ngạc Lệ, còn lại những chuyện khác, tất cả quy về cho Quan Phi Độ, dù sao thì Quan Phi Độ cũng đã chết, chuyện này tự nhiên cũng theo đó mà kết liễu.
Nhưng Đinh Thường Y biết Quan Phi Độ không hề phạm phải những tội trạng đó, chàng ở trong lao ngục cứu khốn phò nguy, giúp kẻ yếu hèn nên mới bị thủ hạ của Lý Ngạc Lệ hại chết.
Nàng không thể chấp nhận chuyện này.
Nàng không thể để Quan đại ca của nàng chết một cách oan khuất được.
Vì vậy, nàng liền cất cao giọng nói:
– Không phải Quan đại ca ... Quan Phi Độ không có tội!
Chúng nhân đều đưa mắt nhìn Đinh Thường Y, ánh mắt mang theo sự khinh miệt và địch ý.
Cao Phong Lượng vội nói:
– Đinh cô nương, chớ nên nói bậy!
Đinh Thường Y vẫn cao giọng nói:
– Cướp ngục là ta do ta làm, không liên can đến Quan đại ca! Chàng chỉ cướp phú tế bần, nhưng vì một lần ngộ thương kẻ vô tội nên mới tự thú thụ hình, trước giờ chưa hề có dã tâm phản kháng triều đình!
Cao Phong Lượng ngắt lời:
– Đinh cô nương ...!
Văn Trương chau mày lại quát:
– Không thức thời vụ ... dám chống lại Thánh chỉ!
Những thủ hạ còn lại của Lý Ngạc Lệ và đám quan binh Văn Trương dẫn theo đều đã chuẩn bị vây lấy Đinh Thường Y vào giữa.
Đường Khẩn vội nói:
– Đinh cô nương ...
Đinh Thường Y ngắt lời gã nói:
– Không thể để Quan đại ca phải hàm oan mà thác xuống cửu tuyền được.
Cao Phong Lượng vội quát lên:
– Đinh cô nương, Hoàng thượng thánh minh, chuyện này từ từ rồi người sẽ tra xét lại. Cô nương chớ nên cố chấp như vậy mà ảnh hưởng đến chuyện lớn.
Đinh Thường Y chầm chậm quay đầu lại, lạnh lùng nhìn Cao Phong Lượng như nhìn một người chưa từng quen biết:
– Bây giờ các người đã được như sở nguyện, oan khuất được rửa sạch, nỗi oan của người khác, đương nhiên cũng không cần tra xét làm gì nữa.
Cao Phong Lượng đỏ mặt gắt giọng quát:
– Nói bậy!
Lúc này chúng nhân đã vây lấy Đinh Thường Y vào giữa, chỉ đợi Văn Trương phát lệnh là tấn công.
Đường Khẩn đột nhiên nhảy vọt lên đứng sánh vai với Đinh Thường Y.
Đinh Thường Y thoáng chấn động trong lòng, vội thấp giọng quát:
– Đi ra!
Đường Khẩn cao giọng nói:
– Ta không đi. Chúng ta đã đi cùng nhau từ đầu con đường này ...
Gã ưỡn ngực hào sảng nói tiếp:
– Bây giờ, chúng ta vẫn cùng nhau đi ...
Đinh Thường Y vô cùng cảm động, thứ cảm giác này ngoại trừ đối với Quan Phi Độ ra, thì không ai khiến nàng cảm thấy thân thiết như thế này.
Vậy mà, giờ đây nàng lại cảm thấy "nó".
Lãnh Huyết chợt lên tiếng:
– Đinh cô nương, cô nương ...
Đinh Thường Y ngắt lời chàng nói:
– Ngài bất tất phải khuyên ta nữa.
Lãnh Huyết chợt cất bước tiến đến bên cạnh Văn Trương. Tên họ Văn sợ hãi lui lại một bước, nhưng chàng đã ghé sát vào tai y nói nhỏ một câu:
– Ta biết Phó thừa tướng vì biết Gia Cát tiên sinh nhúng tay vào chuyện này nên mới thuận thủy thôi châu, làm người tốt một phen, giả vờ đại nghĩa bẩm cáo Thánh thượng hạ chỉ luận tội bọn Lý Ngạc Lệ, ngươi làm kẻ thông phong báo tín cũng có công ...
Văn Trương thấp giọng hỏi:
– Ngài muốn thế nào?
Lãnh Huyết nói nhanh:
– Đinh cô nương là người của Gia Cát tiên sinh.
– Ồ?
Trên mặt Văn Trương lộ ra nét ngần ngừ, cuối cùng cao giọng nói:
– Chuyện Quan Phi Độ có bị oan hay không ta sẽ bẩm cáo lên trên, khẩn thỉnh Thánh thượng phái bậc hiền năng đi tra xét. Chuyện này tạm thời dừng lại ở đây, mong cô nương kiên nhẫn đợi chờ!
Nói đoạn liền cùng những người y dẫn theo đứng sang một bên. Đám thủ hạ còn lại của Lý Ngạc Lệ tên nào tên nấy nhìn nhau lo lắng, không biết Lãnh Huyết sẽ xử trí mình ra sao.
Lãnh Huyết chỉ cảm thấy mệt mỏi phi thường.
Chàng đã mất máu quá nhiều, nếu không phải có Nhiếp Thiên Sầu đến trợ trận, chàng sớm đã không tri trì nổi từ lâu rồi.
Thương thế của Nhiếp Thiên Sầu cũng không nhẹ, nhưng lão vẫn cười ha hả vỗ vai Lãnh Huyết nói:
– Ân nghĩa của ngươi, ta đã báo đền.
Nói đoạn dúi vào tay Lãnh Huyết một vật, rồi ghé sát miệng vào tai chàng nói nhỏ:
– Bức Khô Lâu Họa này, ta vì không hiểu phụ tử họ Lý định làm gì, nên đã thừa cơ hỗn loạn lúc bọn Vô Sư Môn cướp ngục mà tiện tay dắt dê, tránh chuyện lột da người tàn nhẫn ấy lại diễn ra lần nữa ... ta cũng không biết thứ này dùng để làm gì? Có điều hình như ai ai cũng muốn có được nó ... Ta tặng ngươi coi như quà chia tay vậy!
Lãnh Huyết cảm kích vô ngần, cất tiếng hỏi:
– Ngươi ...
Nhiếp Thiên Sầu đã tung mình lao ra khỏi nha môn. Trước khi đi còn ném lại một câu:
– Ta đi tìm huynh đệ của ta.
Nói xong cười lên ha hả:
– Bởi vì họ là sự tịch mịch, cũng là sự hào tráng của ta.
Đường Khẩn vốn muốn ngăn Nhiếp Thiên Sầu lại để báo mối thù giết chết Viên Phi, song gã chợt nghe thây hai câu nói của họ Nhiếp, nhất thời ngẩn ra, không kịp xuất thủ.
– Một ngày làm huynh đệ, cả đời là huynh đệ.
Lúc nói câu này, thân ảnh của lão đã gần như biến mất trong màn tuyết trắng.
Lãnh Huyết bần thần một lúc, chợt nghe thấy "bình" một tiếng, cửa mật thất bật mở!

Nguồn: tunghoanh.com/kho-lau-hoa/chuong-36-R69aaab.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận