Kim Kiếm Lệnh
Tác giả: Đông Phương Ngọc
Đà Giang Tử dịch
Hồi 47
Diện kiến Giáo chủ Thiên Diện giáo
Nguồn: kiếm hiệp thư quán
Không đợi con nữ tỳ trả lời, Thôi thị đã lễ phép nói :
- Xin Phó giáo chủ tha lỗi. Tiện thiếp chính là môn hạ của Tuyết Sơn thần ni. Nãy giờ vì thời gian cấp bách chưa tiện giới thiệu sư tôn.
Lão bà quay sang phía Vệ Thiên Tường tươi cười nói :
- Hài tử, nãy giờ mày cũng tiếc lời không nhắc cho lão bà một tiếng. Tuyết Sơn thần ni là ai, mày biết không? Đó là vị Bồ Tát cứu mạng lão bà xưa kia đó, suýt chút nữa mày làm cho lão bà đắc tội cùng ân nhân.
Nói xong liền quay lại phía Thôi thị nghiêng mình đáp lễ rồi nắm tay Lăng Vân Phụng kéo vào mình vuốt ve ra chiều thương mến.
Con nữ tỳ xách đèn đi trước hướng dẫn mọi người ra ngoài hang núi.
Té ra trong rừng anh đào lại có một con đường nho nhỏ rải sạn trắng phau mà không để ý.
Mọi người cứ theo con đường ấy mà đi.
Đi không bao lâu đã xuyên qua khu rừng anh đào đến một vùng trồng cây đủ loại mát mẻ xanh tươi giữa đám cây ấy có lộ ra một nếp nhà tịnh xá, xinh xinh nho nhỏ, nhưng kiến trúc cổ kính, lan can xây đá trắng, cột bằng danh mộc, chạm trổ tinh vi.
Mọi người theo mấy bậc thềm bước lên. Qua một dãy hành lang đi đến cửa chính, ngay phía trước cửa có bốn người thiếu nữ xinh đẹp, lưng đeo trường kiếm đứng dàn hầu, cung kính chắp tay chào tân khách.
Lão bà áo đen mời ba người vào trong vìđây là tòa khách sảnh, căn phòng chưng bày thanh tao trang nhã, tường cao nền sạch, đèn thắp sáng như ban ngày.
Hai tên nữ tỳ cầm đèn quay lại nói cùng Thôi thị :
- Giáo chủ đang chờ nơi đại sảnh, xin mời phu nhân vào trong sẽ gặp.
Nói xong đi trước đưa Thôi thị vào. Lăng Vân Phụng nối gót theo sau, nhưng lão bà đã mỉm cười bảo :
- Cô bé, Giáo chủ chỉ mời riêng lệnh đường vào trong có lẽ để bàn một việc gì khác. Hai cháu hãy ở ngoài nầy mà cùng lão này trò chuyện cũng vui vậy.
Nói xong âu yếm kéo Lăng Vân Phụng ngồi xuống cạnh mình.
Vệ Thiên Tường nhìn lão bà nói :
- Lão tiền bối, câu chuyện ngày xưa liên hệ như thế nào, nhân có dịp rảnh rang, xin lão tiền bối vui lòng kể lại cho tiểu sinh nghe có được không?
Lão bà thở dài nói :
- Được lắm, cháu ngồi xuống đây già kể lại cho mà nghe.
Đây là câu chuyện mấy chục năm về trước.
Ngày xưa ấy, vị Thượng đại sư tổ Tu La môn gọi là A Tu La Pháp Vương. Ngày nay là Tu La phái, nhưng thuở xưa trên giang hồ gọi là vị Đại pháp vương ấy cùng vị Sư tổ phái Bạch Đà bên Tây Cương là Tây Cương song tôn, tức là hai nhân vật chí tôn, chí kính thời bấy giờ.
A Tu La Pháp Vương không có con trai chỉ sanh được một gái tên gọi là Minh Châu. Sau này có kết nạp hai đồ đệ một trai một gái. Nam đồ đệ là Tu Bá Tỵ, nữ đồ đệ là Cưu La Thu Nương. Sư huynh, sư muội tuổi tác bằng nhau, chung sống ngày ngày cùng đào luyện võ nghệ không hề câu chấp chuyện kiêng kỵ gái trai.
Tu Bá Tỵ là người thiên tư đỉnh ngộ, tánh lại chịu khó, Thu nương cũng là người bền chí siêng học, nên chẳng bao lâu cả hai đều có một trình độ võ công tột bực.
Hai người bản lãnh suýt soát nhau, tuy nhiên xét cho kỹ so với Minh Châu có phần trội hơn chút ít.
Người là động vật nhiều tình cảm, năng đi lại tiếp xúc lâu ngày, giữa đôi nam nữ thiếu niên, trai tài gái sắc, một mối tình đã ngấm ngầm nảy nở. Nhưng cả hai đều giấu nhẹm trong tim, chưa hề đem ra bộc lộ cùng sư phụ.
Bà thở dài, nghĩ một lát và nói tiếp :
- Thật ra thì Minh Châu cũng đã âm thầm luyến ái Tu sư huynh. Nàng là con gái duy nhất được nuông chiều. Mặc dù Tư Bá Tị là đại ca nhưng trong mọi trường hợp đều nhường nhịn nàng và xem như một người em út.
Một ngày kia Tu La Pháp Vương đột nhiên gọi cả ba người đến trước mặt bảo :
- Nay ta thấy không còn sống bao nhiêu ngày nữa. Nhưng trước khi xa lìa cõi thế, muốn phó thác tâm nguyện hai điều, mong các con hết lòng để khỏi phụ lòng ta tin tưởng. Điều thứ nhất là sau khi ta chết rồi, Tu Bá Tỵ sẽ kế điều khiển Tu La môn. Điều thứ hai là ta còn một con gái duy nhất muốn gả cho Tu Bá Tỵ, nhưng mấy lúc nay thấy cả hai hãy còn nhỏ tuổi, sớm nói ra e trở ngại đến việc đào luyện võ công. Hôm nay biết mình sắp đến ngày tạ thế không thể không nói được. Ta muốn thấy hai con nên kết nghĩa vợ chồng trước khi mình được nhắm mắt. Các con nếu nghĩ đến nghĩa thầy hãy cố gắng giúp ta thỏa mãn hai điều ước nguyện.
Tu Bá Tỵ tự thấy không còn cơ hội nào để chứng tỏ lòng mình biết nghĩ đến ân sư nên không dám trái lệnh và cũng không dám bàn cãi điều gì nữa.
A Tu La đại pháp vương thấy tâm nguyện đã thành cười khanh khách mấy tiếng rồi nhắm mắt qua đời.
Cưu La Thu Nương vốn là người con gái mồ côi, được sư phụ nuôi nấng dạy dỗ từ tấm bé, tự xem mình cũng như con cái trong nhà, cho nên sau khi Đại pháp vương qua đời, nàng vẫn sống chung dưới mái nhà không nghĩ đến chuyện đi đâu hết.
Từ nhỏ đến lớn lúc nào nàng cũng một mực nhường nhịn Minh Châu, lần nầy phải nhường luôn cả người yêu, chia sẻ cả niềm hạnh phúc một đời người, làm sao tránh nỗi điều đau xót.
Tuy nhiên vì là lời thác mà cũng là nghiêm lệnh của ân sư nên nàng không thể nào cưỡng lại, chỉ ngậm ngùi cho con tim, không oán trời, chẳng trách người, cam phận với cảnh bẽ bàng của định mệnh.
Ngày lại tháng qua, nàng chung sống với vợ chồng Tu Bá Tỵ, xem hai người như tình anh chị, không bao giờ hé môi phàn nàn hiềm khích, dốc lòng chuyên chú vào võ học.
Qua năm sau, Minh Châu hạ sinh được một đứa con trai tròn trịa kháu khỉnh, vừa trắng vừa xinh. Thu Nương hết lòng yêu mến luôn luôn săn sóc bồng bế xem như con mình. Chính thằng bé cũng mến nàng, xem như mẹ nó.
Mùa đông năm ấy sắp mãn. Tu Bá Tỵ đi ra đô thị mua sắm một ít hàng hóa vật thực chuẩn bị ăn tết.
Hồi ấy gặp lúc Bích Nhãn Thần Quân vừa lên thừa kế Sư mệnh điều khiển môn hộ phái Bạch Đà nên có phái một người sư muội là Bồ Hồng Ngọcđích thân đến nơi mời vợ chồng Tu Bá Tỵ đến dự lễ.
Giữa phái Bạch Đà và Tu La môn trước sau vẫn có giao tình mật thiết, ngày ngày vẫn qua lại, thăm viếng lẫn nhau cho nên Bồ Hồng Ngọc cũng là người quen thuộc.
Trong khi Minh Châu đang ngồi tiếp khách, Thu Nương sợ đứa bé đòi má làm nũng khóc lóc quấy rầy nên bồng cháu ra trước cửa đứng chơi.
Vì đứng lâu buồn lòng, nàng liền dùng tay phải vạch mấy thế trong Tu La thất kiếm vừa học được ra ôn luyện.
Không ngờ đúng lúc Tu Bá Tỵ đi mua đò cũng vừa về đến nơi.
Tu Bá Tỵ thấy Thu Nương có nhiều chỗ còn non yếu chưa tinh diệu nên cao hứng đứng lại chỉ điểm thêm.
Hai người đang mải mê luyện tập thì Minh Châu lại tiễn chân Bồ Hồng Ngọc bước ra vừa gặp.
Nhìn thấy trong những cử chỉ có nhiều điểm thân mật, hơn nữa vì có thành kiến ghen tuông sẵn nên Minh Châu trong bụng đã tức rồi.
Khi Bồ Hồng Ngọc đã đi xa, nàng vật mình khóc lóc, thêm nhiều lời nặng nhẹ làm tổn thương đến danh dự và tự ái của hai người. Đại ý nàng muốn ám chỉ Thu Nương muốn nhân lúc nàng bận tiếp khách, dùng thủ đoạn cám dỗ, dự định đánh cướp chồng mình.
Bình nhật Thu Nương vẫn kiên tâm nhẫn nhịn. Nhưng lúc này vì có nhiều lời trái tai nặng óc, vừa chạm đến tự ái vừa tổn thương đến danh dự nên không thể nào dằn được cơn giận.
Dù hết lời phân giải, Minh Châu vẫn một mực buộc tội cho nàng. Vì không còn lời lẽ gì để biện bạch, hơn nữa lòng bực tức thêm cảm nghĩ tủi nhục dồn dập khiến Thu Nương không chịu nổi, liền tuốt kiếm chặt phăng một cánh tay phải để chứng minh lòng trong trắng của mình rồi bỏ núi ra đi không một lời từ biệt.
Vừa buồn vừa tức, vừa chán nản, Tu Bá Tỵ phẫn chí cũng rời khỏi Tây Vực tìm đường vào Trung Nguyên lánh mặt.
Vào Trung Nguyên, Tu Bá Tỵ lấy hiệu là Tu Linh Quân và sống một cuộc đời ẩn dật chẳng thiết tha đến một mảy may gì nữa.
Minh Châu lên tiếp chưởng Tu La môn đến nay giang hồ kêu là Tu La mỗ mỗ.
Cưu La Thu Nương phẫn chí, mang vết thương ra đi, ngày nọ đến gần một con suối nhỏ, nước trong suốt đến tận đáy. Soi mình xuống dòng suối, nàng thấy dung nhan mình xinh đẹp mỹ miều bao nhiêu thì trong lòng càng buồn tủi thấm thía bấy nhiêu.
Nhìn mặt mình dưới đáy nước nàng tự thấy số phận hồng nhan bạc mạng, chẳng còn thiết tha cái sống nữa. Nếu mình không có cái nhan sắc thiên kiều bá mị nầy thì đâu có thể gợi được lòng ghen tuông của Minh Châu rồi đến nỗi cuộc đời phải nổi cơn sóng gió.
Căm hận vì cái dung nhan đã gây nên sự ghen hờn của kẻ khác, nàng chợt nhiên nổi giận, rút chiếc đoản đao rạch bừa trên mặt mình để hủy hoại đi cho rảnh.
Ngờ đâu ngay lúc ấy trước mặt nàng bỗng xuất hiện một Lão ni, dáng điệu đáng hiền từ nhưng uy nghi nghiêm nghị. Lão ni nhìn nàng dịu dàng bảo :
- Trấn đồ của con tươi như gấm, đẹp như hoa, hà cớ lại dẫn thân vào địa ngục.
Thu Nương cảm động quỳ ngay xuống đất ôm chân Lão ni khóc ròng rồi lạy xin tôn bà, làm sư phụ và tình nguyện từ nay mõ sớm chuông chiều quy y cửa Phật.
Nhưng lão ni chỉ nhận lời tế độ giúp đỡ trên đường võ học chứ không thể xuất gia vì rằng nghiệp chướng còn nhiều, chưa có duyên cùng cửa Phật.
Ngừng lại một lát, lão bà nói thêm :
- Vị lão ni hiền từ khả kính đó là Tuyết Sơn thần ni, còn Cưu La Thu Nương trên giang hồ thường gọi Cưu La bà bà tức già nầy.
Cưu La bà bà suốt đời cô độc chưa có học trò lại có lòng yêu mến Lăng Vân Phụng, muốn đem các công phu khổ luyện bốn mươi năm của đời mình chân truyền tuyệt kỷ cho nàng.
Lăng Vân Phụng thừa biết Tu La thất kiếm là môn đệ nhất võ công tuyệt học, nếu được lão bà thương tình truyền dạy cho thì không có gì may mắn cho bằng.
Cưu La bà bà tay trái phát thề “Tu La thất kiếm tả thức” truyền dạy cho nàng. Sau nầy nếu gặp phải cường địch, tay phải dùng kiếm pháp bổn môn, tay trái có thể đồng thời sử dụng Tu La thất kiếm. Như thế dù kẻ địch tài giỏi đến đâu cũng khó lòng chống đỡ nổi.
Thế rồi trong phòng khách, Cưu La bà bà vừa giảng giải vừa múa kiếm thực hành, chỉ cho nàng từng thế một.
Lăng Vân Phụng đã có một căn bản võ học khá vững vàng cho nên đối với Tu La thất kiếm tuy là ảo diệu, nhưng chỉ nghe giảng qua một lần đã lãnh hội được ngay.
Tuy nhiên sự tinh vi biến hóa không phải chỉ một sớm một chiều mà nên, cần từ từ nghiên cứu, khổ tâm luyện tập chu đáo mới có thể phát huy hoàn toàn tất cả uy lực của nó.
Nàng học ít biết nhiều, khiến Cưu La bà bà không ngớt lời khen ngợi.
Vừa giảng dạy xong mấy chiêu thế chính, bỗng từ bên ngoài một tiểu tỳ chạy vào thưa lớn :
- Vi thiếu hiệp! Lăng cô nương! Giáo chủ có lời mời hai vị.
Cưu La bà bà cười xòa đứng dậy nói :
- Thôi, hai cháu hãy vào đi. Lão bà đang có chút việc cần phải đi ngay.
Vệ Thiên Tường cúi mình nói :
- Xin lão tiền bối cứ tự nhiên cho.
Sau khi Cưu La bà bà đi rồi, Vệ Thiên Tường và Lăng Vân Phụng liền bước theo con tiểu tỳ đi vào phía trong.
Qua khỏi một bức bình phong còn phải vượt qua một dãy hành lang khá dài. Hai bên hành lang có giàn hoa, mấy bồn Xuân Lan mùi hương thoảng qua thơm diu. Trên trần hành lang có treo mấy hàng lồng đèn đủ màu, gió thổi hiu hiu, đèn soi le lói tỏa ánh sáng dịu dàng tao nhã.
Đi hết dãy hành lang là ba gian nhà tịnh xá, từ các khung cửa sổ buông rèm xanh nhạt, có ánh sáng chiếu ra sáng rực.
Khi đến gần nơi đã có một nữ tử áo xạnh chạy đến trước cửa nghiêng mình làm lễ đón chào rồi né sang một bên, đưa tay kéo tấm rèm thưa lên cao rồi khe khẽ nói :
- Xin mời Vi thiếu hiệp và Lăng cô nương bước vô nhà.
Vừa qua ngưỡng cửa, hai người bỗng nhìn thấy trước mặt sáng choang, đồng thời có một luồng hơi ấm từ bên trong đưa ra, vô cùng dễ chịu.
Đây là một phòng khách rộng, bài trí cực kỳ tao nhã, trên nền nhà có trải một tấm thảm dầy, thêu nhiều màu. Ở giữa phòng có đặt một lò lửa. Xung quanh bài trí rất nhiều danh hoạ, cổ thư sách vở sắp đầy tủ, quang cảnh cổ nhã và thanh tao.
Ngay trên bức tường giữa có treo một bức tranh sơn thủy thật lớn, phía trên có đề bốn chữ “cao sơn ngưỡng chỉ” nét bút linh hoạt vô cùng. Trong tranh có vẽ núi cao chọc trời, cổ thụ xanh mát, giang sơn hùng vĩ, thêm nét chữ sắt bén, quả nhiên do một danh gia thủ bút.
Hai bên bức tranh có hai câu đối dài, mỗi vế tám chữ :
- “Danh sĩ phong lưu anh hùng bản sắc”
- “Chỉ lan kỳ khí hà nhạc tinh thần”.
Nét bút như rồng bay phượng múa, vừa mềm dịu vừa cứng rắn, càng trông càng đẹp. Phía dưới có chú thêm bảy chữ nhỏ :
“Võ Đang Tử Dương Tử bái thư”.
Võ Đang Tử Dương Tử quả nhiên là Tử Dương chân nhân, tiền Đại chưởng môn của đại phái Võ Đang, lừng danh thiên hạ.
Vệ Thiên Tường đọc xong mấy hàng chữ trong lòng ngạc nhiên tự hỏi :
- “Lạ nầy, Thiên Diện giáo là một môn phái thuộc loại bàng môn tả đạo trên giang hồ, nhưng tại sao lại treo một câu đối do chính tay Tử Dương chân nhân thủ bút, thật quả nhiên là một điều mâu thuẫn kỳ dị vô cùng.
Cứ như nội dung hai câu đối nầy thì Tử Dương chân nhân lại hết sức tôn trọng chủ nhân nhà nầy, sao lại có điều kỳ quái như vậy nhỉ?”
Hàng đầu khách sảnh có hai chiếc ghế lớn làm bằng gỗ đàn hương bóng lộn, có trải nệm gấm. Ngồi trên ghế ấy, chủ, khách hai người, đều là đàn bà đứng tuổi.
Khách không ai khác hơn là Tuyết Sơn thần ni truyền nhân, Thôi thị đối diện với Thôi thị là một người đàn bà dáng điệu quý phái, ung dung nhàn nhã, mặt che một tấm the đen.
Phía sau hai chiếc ghế đàn hương có bốn người thiếu nữ áo xanh đứng hầu, người nào cũng mặt hoa da phấn, xinh đẹp mỹ miều nhưng thái độ rất kính cẩn, đứng im phăng phắc.
Vệ Thiên Tường vừa trông thấy đã sửng sốt nghĩ thầm :
- “Người đàn bà này là Giáo chủ Thiên Diện giáo ư? Sao một giáo phái hiểm ác thuộc hàng hắc đạo lại có một vị Giáo chủ có vẻ cao quý đáng mến như thế này! Hay là một kẻ nào khác chăng? Nếu đêm nay không phải chính mắt mình được gặp thì không thể nào tin được bà ta là đại ma đầu của Thiên Diện giáo”.
Người đàn bà đứng tuổi quay sang phía Thôi thị hỏi :
- Phu nhân nói môn hạ của Tu Linh Quân có phải là người này không?
Thôi thị mỉm cười đáp :
- Thưa phải.
Rồi nhìn hai người bà bảo :
- Vệ hiền điệt, Phụng nhi, các con mau mau ra mắt Giáo chủ.
Hai người vội vàng cúi mình làm lễ và nói :
- Vãn bối Vi Hành Thiên, Lăng Vân Phụng xin kính chào Giáo chủ.
Thiên Diện giáo chủ nở một nụ cười hiền hòa, tay tả đưa lên khoát nhẹ rồi từ tốn nói :
- Vi thiếu hiệp và Lăng cô nương xin chớ đa lễ.
Tiếng nói của bà phát ra nghe âm ấm như xoa dịu cõi lòng, Vệ Thiên Tường có cảm tưởng như một lời nói rất quen thuộc, nhưng nghĩ mãi không ra. Tựa hồ như đây là tiếng nói của một người rất thân, âm thanh dịu dàng khiến cõi lòng chàng cảm xúc không ít.
Lúc ấy người thiếu nữ áo xanh đã đem hai chiếc ghế khác đặt phía dưới Thôi thị một chút.
Một thiếu nữ khác dâng trà lên.
Thiên Diện giáo chủ liếc mắt sáng rực như muốn soi vào tâm trạng hai người rồi nhẹ nhàng nói :
- Mấy lâu nay già này có phong thanh trên giang hồ mới xuất hiện một thiếu hiệp lấy danh hiệu Tu La thư sinh, tuổi còn nhỏ nhưng võ công rất cao siêu, hành động lại quang minh chính đại nên đã có lòng mong mỏi được găp. Không ngờ hôm nay được diện kiến, quả nhiên tiếng đồn không sai. Tu Linh Quân được một môn đồ như vậy thật đáng quý.
Nói đến đây, bà quay sang phía Thôi thị tiếp :
- Còn lệnh ái quả nhiên đoan chính, già nầy hết sức mến yêu.
Thôi thị mỉm cười nói :
- Cám ơn Giáo chủ quá khen. Vi hiền điệt, trên con đường hành hiệp giang hồ từ nay về sau còn mong được Giáo chủ chỉ bảo trao dồi thêm kinh nghiệm và bản lãnh. Còn như tiểu nữ cũng nhờ sự nâng đỡ của Giáo chủ để mau tiến thân kịp người cùng trang lứa.
Thiên Diện giáo chủ tủm tỉm cười nói :
- Thôi phu nhân nói như vậy há chẳng ra đã xem lão như người ngoài sao? Hai cháu nầy quả là đôi người ngọc, xứng đáng một cặp thiên thành, thế gian hiếm có, kẻ nào làm cha mẹ được con cái như vậy thật là hạnh phúc nhất trần đời.
Nhìn thấy hai người vẫn còn đứng yên, Thiên Diện giáo chủ cười nói :
- Ồ, già nầy không phải người ngoài đâu, hai cháu đừng e ngại, hãy ngồi xuống tự nhiên để cùng nhau trò chuyện.
Vệ Thiên Tường nghe tiếng nói có vẻ quá quen thuộc, chàng chưa chịu ngồi, chắp tay nói :
- Vãn bối có hai vấn đề thắc mắc xin thỉnh tội cùng Giáo chủ. truyện copy từ tunghoanh.com
Thiên Diện giáo chủ có vẻ sửng sốt nhưng thoáng qua một chút đã hết ngay, rồi dịu dàng nói :
- Cháu khỏi cần câu nê, hãy tự nhiên ngồi xuống, rồi sẽ nói chuyện nhiều.
Vệ Thiên Tường và Lăng Vân Phụng song song ngồi xuống. Đoạn chàng cất lời nói :
- Cách đây mấy tháng, vì căm giận Đường chủ quý Giáo là Nhân Yêu Hách Phi Yên đã đánh thuốc mê tìm cách hãm hại nên vãn bối đã mạo muội khiêu khích và náo loạn Bạch Sa phân đường của quý Giáo.
Thiên Diện giáo chủ không mảy may tức giận, cười lạt nói :
- Hách Phi Yên hai lần xuất sơn, già nầy thấy y có chút ít võ nghệ nên ủy thác cho được giữ chức Ngoại tam đường, Đường chủ bổn Giáo với dụng ý tạo điều kiện cho y cải tà quy chánh, đổi ác làm lành. Không ngờ y vẫn giữ thói nào tánh ấy, không chịu sửa chữa, ngoài ra còn làm điều xằng bậy, rủ rê một số người lập ra “Thất Lão hội” và gây sự hiểu lầm đáng tiếc giữa bổn Giáo cùng thiếu hiệp, vậy thiếu hiệp chẳng qua cũng là sự vạn bất khỏi cần phải để ý đến nữa.
Vệ Thiên Tường lại nói tiếp :
- Quý giáo Tử phẩm hộ pháp là Thiếu Lâm Trí Giác thiền sư sau khi thất bại về tay vãn bối đắc dĩ mà thôi. Thế mà hai vị Kim phẩm hộ pháp của quý giáo là Nhâm thị song kiệt lại chận đường trả thù, quyết ra tay hạ độc thủ. Vãn bối trong lúc quá giận đã lỡ tay ngộ sát, thật là...
Thiên Diện giáo chủ xua tay nói :
- Việc này già cũng biết qua rồi. Trí Giác thiền sư vì có chút lý do riêng không tiện lộ tiếng trên giang hồ, còn Nhâm thị song kiệt, do Hách Phi Yên đã giới thiệu và tiến dẫn, vốn là môn hạ của phái Bạch Đà, Sư trưởng của chúng cùng Phó giáo chủ bổn phái cũng là chỗ quen biết nên già này mới lưu lại trong hàng ngũ Thiên Diện giáo. Vì chúng đã tự tác nghiệt Vi thiếu hiệp lỡ tay ngộ sát, già này cũng không có gì trách cứ. Thôi, việc đã vậy cũng nên bỏ qua cho xong. Nhưng chỉ có điều...
Nói đến đây bà ngưng lại một chút rồi chép miệng tiếp luôn :
- Chỉ đáng ngại một điều là Bích Nhãn Thần Quân xưa nay nổi tiếng bênh vực môn đồ. Vì vậy nên già này đã phái Phó giáo chủ là Cưu La bà bà đến tận nơi giải thích để cảm thông. Tuy nhiên sau này trên giang hồ, thiếu hiệp cũng nên lưu ý quan tâm cho lắm đấy nhé.
Vệ Thiên Tường thấy Thiên Diện giáo chủ chẳng những hỏi tội mình mà còn đặc phái Cưu La bà bà đi hòa giải dàn xếp thì cảm thấy trong lòng rất kỳ dị, chẳng hiểu vì sao?
Chàng nói tiếp :
- Vãn bối mang ơn Giáo chủ đã rộng lòng đại xá, nhưng ngoài ra còn một vấn đề nữa, muốn xin thỉnh ý Giáo chủ luôn.
Nói xong lấy hai tấm da người bịt mặt đưa ra và nói :
- Trong khi vãn bối đang học nghề tại Hành Sơn, chẳng biết có một kẻ nào bí mật đem cho hai tấm mặt nạ này rồi hẹn với vãn bối cùng gia thúc đến núi Nhạn Đãng sơn gặp mặt. Không ngờ kẻ đó có âm mưu thâm độc, vãn bối chỉ đến chậm một bước mà gia thúc đã bị y hạ độc thủ, cùng chết một cách vô cùng thảm thiết.
Vì những mặt nạ màu vàng này vốn của quý giáo, nên vãn bối tha thiết cầu mong Giáo chủ cho tra cứu hộ vụ này.
Thiên Diện giáo chủ như suy nghĩ một chặp rồi nói :
- Bổn giáo cách đây mấy chục năm vốn do Thiên Diện Thần Ma Hàn Tương sáng lập. Về sau, từ khi già này đứng ra chấp chưởng đem những mặt nạ phân chia ra làm màu sắc khác nhau và có định lại là “Tử, Kim hộ pháp; Thanh, Hắc hương chủ” chia cho mỗi người một cái để sử dụng.
Nguyên nhân những tấm mặt nạ sau này đều có đánh dấu riêng để dễ phân biệt với những mặt nạ trước kia. Vậy hai tấm da người của cháu đâu, hãy đưa ra xem thử để già này có thể tìm ra kẻ sử dụng.
Con tiện tỳ đứng hầu bên cạnh vội vàng tiếp lấy hai chiếc mặt nạ rồi hai tay dâng lên.
Thiên Diện giáo chủ cầm lấy lật qua lật lại xem một chặp rồi trao trả lại, đoạn mỉm cười nói :
- Hai tấm mặt nạ của Vi thiếu hiệp không có dấu hiệu riêng ngầm của bổn Giáo. Đây chỉ là những di vật của Hàn Tương trước kia còn lưu lại trong giang hồ, cho nên già này không có đủ điều kiện để tra cứu được.
Xem tiếp hồi 48 Vừa hạ sơn đã gặp cường địch