Là Bóng Hay Là Hình Chương 12

Chương 12
Petrushka ngông nghênh bước vào phòng Golyadkin.

Mặt hắn vênh váo, ra cái điều có quyền. Hắn không có vẻ một gia nhân, và cho dầu vẫn là gia nhân đi chăng nữa, ít ra cũng không phải là gia nhân của Golvadkin.

Người hùng cất tiếng :

- Sao bạn, mấy giờ rồi?

Petrushka không đáp, bước ra sau vách ngăn, trử lại với bộ tịch kènh kiệu cho biết đã gần bảy giờ rưỡi.

- Thôi được. Vậy thì... hình như đây là buổi gặp gỡ cuối cùng giữa chúng ta?

Petrushka im lặng.

- Vậy thì coi như chuyện gì cũng bỏ qua. Tao muốn hỏi thật mày vừa đi đâu về?

- Vừa đi đâu về à? Tôi đi thăm những người tử tế, thưa ông.

- Tao biết. Tao cũng rất hài lòng về cách làm việc của mầy. Tao sẽ viết một thư giới thiệu với hảo ý. Mầy sắp đi làm cho họ?

- Thì cũng như ông biết, có bao giờ học cái xấu từ nơi một người tốt đâu?

- Tao biết. Và cũng bởi lúc này hiếm người tốt, mầy cũng nên an phận làm cho họ. Họ thế nào?

- Thưa ông, họ thế nào à? Nhưng có điều chắc chắn là tôi không thể giúp việc cho ông nữa.

- Tao biết. Tao phục mày ở điểm đó. Tao luôn luôn biết phục những người tốt cho dầu họ có là tôi tớ hay là gì đi nữa.

- Đương nhiên. Người như chúng tôi cũng biết cải tiến vậy chứ. Tôi biết ông sẽ khó khăn khi không có người.

- Đúng vậy. Tao biết... Bây giờ tao trả tiền và viết thư giới thiệu. Tao muốn ôm mầy trước khi mình chia tay.

Xong xuôi rồi, Golyadkin nghiêm nghị nói :

- Bây giờ tao hỏi mầy lần cuối. Mày thấy nhiều khi ở lầu đài tráng lệ cũng thấy buồn bực như thường, phải không? Tao lúc nào cũng tốt với mày.

Chàng ngừng một lát, thấy Petrushka vẫn im lặng lại tiếp tục :

- Lúc nào tao cũng tốt với mầy... Tao còn bao nhiêu quần áo?

- Có đây. Sáu sơ mi, ba đôi vớ, bốn áo ngắn, một áo lót len, hai bộ đồ lót... Ông biết là tôi không hề... Với tôi, đồ đạc của chủ là thiêng liêng. Có lẽ tôi với ông... Ông cũng biết... Nhưng tôi không hề phạm những lỗi như vậy.

- Tao tin mày nhưng không phải tao có ý đó. Mày cũng thấy là...

- Tôi biết. Ông đã nói rồi. Hồi còn giúp cho tướng Stolbnyakov, lúc ổng bị đổi đi Saratov ổng cũng mang tôi đi. Ổng có cơ sở tại đó.

- Không, không phải chuyện đó. Đừng nghĩ lang bang...

- Tôi biết, nhưng như ông thấy hạng người như tôi thường hay bị rẻ rúng, nhưng dám nói là tôi làm đâu cũng được lòng, tôi đã giúp việc cho bộ trưởng, nghị viên, tướng tá, bá tước... còn làm cho ông hoàng Svinchatkin, đại tá Pereborkin, tướng Nedobarov, đã cùng đi với họ...

- Phải, phải, được rồi, tao cũng sẽ đi như các ông chủ của mầy. Mỗi người phải đi con đường riêng, không ai biết. Giúp tao thay đồ và sắp xếp áo quần mùng mền.

- Thưa ông, có cần bó lại một bó không?

- Phải đấy, vì ai biết việc gì sẽ xảy đến. Bây giờ làm ơn đi gọi giùm chiếc xe.

- Đi gọi xe?

- Ừ, gọi chiếc càng rộng càng tốt, vì tao cần lâu. Nhưng đừng có nghĩ gì.

- Thưa ông, phải chăng ông sắp đi xa?

- Tao cũng không biết. Có nên nhét khăn quàng cổ vào bọc không đây? Thôi tùy mầy.

- Ông đi ngay?

- Đúng, đi ngay. Phải đi.

- Tôi hiểu rồi. Tôi cũng thấy cảnh này trong đơn vị hồi tôi còn đi lính. Một ông trung úy. Ổng mang theo cô gái của ông điền chủ...

- Mang cô ta đi? Sao vậy?

- Ổng mang cô đó đi rồi làm lễ cưới ở làng bên. Họ đã sắp đặt trước rồi. Người ta đuổi theo, nhưng ông hoàng quá cố đã che chở họ và mọi chuyện yên thấm.

- À, cuối cùng họ lấy nhau. Nhưng sao mầy biết chuyện đó?

- Chuyện gì lại không biết? Chúng tôi biết rõ mọi người, không ai có thể nói với lương tâm là mình không hề phạm lỗi. Tôi nói với ông cái này, với tư cách một tôi tớ trung thành rằng ông có một kẻ thù. Ông có một kẻ ganh ghét, rất nguy hiểm. Nói ra để ông rõ.

- Mầy rất tốt. Nhưng tao biết rồi, biết rõ là khác. Theo ý mầy tao phải làm gì?

- Nếu thật ông muốn hỏi tôi, muốn biết ý kiến tôi thì tôi nhắc lại ông là ông cần gối mền cho một cái giường đôi, và một áo choàng phụ nữ. Bà ở dưới lầu có cái áo choàng đẹp muốn bán, đẹp thật đấy, cổ áo bằng da chồn viền sa tanh, ông nên xuống xem ngay.

- Được rồi, đồng ý. Tao tin mầy, dầu có lẽ cái áo choàng đó... Thôi được, nhưng nhanh lên. Nhanh lên, tao mua cái áo đó ngay. Gần tám giờ rồi, nhanh lên!

Petrushka bỏ mặc gói mùng mền chưa buộc chạy ra khỏi phòng.

Golyadkin lại lấy thư ra nhưng không tài nào đọc được. Chàng ôm mặt sung sướng, tựa vào tường, không biết phải làm gì. Một cảm giác lạ lùng xâm chiếm chàng. Đợi lâu không thấy Petrushka hay áo choàng gì cả, chàng quyết định đi xem. Vừa mở cửa phòng chàng nghe tiếng ồn ào, tiếng nói chuyện từ dưới lầu. Mấy bà hàng xóm đang bàn cãi với nhau. Chàng nghe có tiếng Petrushka và những bước chân đang đi lại.

- Trời ơi!

Golyadkin chán nản kêu lên, xoắn hai tay vào nhau. Cả phố sắp đến đây.

Chàng vội lùi vào phòng, buông mình lên giường, úp mặt vào gối. Như vậy một phút vẫn chưa thấy Petrushka trở lại, chàng lại ngồi dậy mang giày, khoát áo, đội nón, nhặt túi và tất tả đi xuống lầu.

Gặp Petrushka nơi thang lầu, chàng lí nhí :

- Không, không cần gì nữa. Tao... Tao sắp đặt xong rồi. Khỏi cần mầy. Có thể rồi đây mọi việc sẽ tốt đẹp.

Ra khỏi nhà, chàng băng qua sàn chạy ra đường. Chàng thấy hơi lo, không biết làm gì giữa cái lúc cuống quít thế này.

Chàng đi giữa đường phố, không hiểu đi về hướng nào, tự kêu thầm: “Trời ơi, ta làm gì đây? Sao thế này? Ai cần ta nhỉ? Nếu không có chuyện này chắc chắn mọi việc êm thấm rồi. Không thì ta đã bị mất ngón tay rồi. Thực tình ta biết lẽ ra phải thế này, ta phải bảo hắn: ‘Thưa ông, không nên làm như vậy. Chúng ta không quen với cái lối đó. Sự lừa bịp không ích gì cho tổ quốc, và bởi sự cố gẳng qua mặt kẻ khác là một chuyện vô ích, ông là một cá nhân vô dụng, tôi muốn ông biết như vậy’. Phải như vậy, nhưng... Không, thật ra thì không... Ta đang lảm nhảm gì vậy? Điên rồi chăng? Ta chỉ là thằng ngu tự làm hại mình... Đồ khốn, sao có thể thế được? Ta đang đi đâu đây? Đang định làm gì đấy? Ích lợi gì không. Golyadkin, mày có làm được gì không, đồ không xứng đáng, đồ vô tích sự, đồ liệt bại? Bây giờ sao đây? Nàng đang đợi mày đem xe đến tận cửa, vì các cô gái quyền quý thường sợ không có xe phải lội nước. Ai nói gì được? Thật là một cô gái đài các! Họ ca tụng cô lắm đấy! Ta đã biết những cái dễ ghét thường do không được dạy dỗ đàng hoàng mà ra! Đúng thế, cũng do chuyện đi ngược lại cái nguyên tắc vốn đã lỏng lẻo. Thay vì lúc cô ta còn bé phải lấy roi mà đánh, họ lại nuông chiều nàng, chính lão già cũng cưng nàng quá, cứ bảo là nàng đẹp, đáng yêu, và lão sẽ chọn một bá tước làm chồng nàng! Nhưng bây giờ nàng đã lật tẩy cho họ xem như muốn nói là ‘Xem này, xem tôi đang giữ con bài gì đây’! Và thay vì giữ nàng ở nhà, họ lại gởi nàng vào trường của con mụ Pháp di cư Falbalas, bây giờ để cho họ đi chiêm ngưỡng kết quả của cái dạy dỗ đó! ‘Đem xe đến chờ tôi nơi cửa sổ, hát cho tôi nghe bản dạ khúc Tây Ban Nha diễm tình đó! Vì tôi đang chờ chàng và biết là chàng cũng yêu tôi. Vậy chàng hãy đến, chúng mình cùng trốn đi và sẽ sống trong túp lều tranh’. Cô bé ơi, đâu có như vậy được, để tôi cho cô hay đem một cô gái nhà lành, ngây thơ khỏi nhà cha mẹ là một việc phạm pháp. Hơn nữa, có được gì đâu? Sao cô không lấy ai đó muốn cưới cô và chấm dứt cái vụ này đi? Tôi là một viên chức nhà nước có thể bị mất việc, còn dám bị ra tòa là khác, nếu cô không biết thì cho cô hay vậy đó.

Chính là do con mụ Đức đó mà ra. Mọi rắc rối đều do mụ ta cả. Mụ ta là người châm lửa đốt rừng. Vì có một kẻ bị chúng lừa. Andrei Filipovich còn bịa chuyện kẻ đó đã có vợ nữa. Nhưng sao Petrushka lại dây dưa vào? Hắn làm gì? Tên khốn đó nhờ nơi hắn cái gì? Cô bé ơi! Rất tiếc là khó có thể... Chính cô là đầu dây mối nhợ của bao rắc rối chứ chẳng phải con mụ Đức đó, mụ ta dù sao cũng là người tử tế. Chính do cô, cô ơi! Đang có người bị đày đọa, ngơ ngác không biết phải làm gì đây. Làm sao nói đến hôn nhân trong những điều kiện như vậy? Rồi sao đây? Ta muốn biết rồi sẽ thế nào?”

Golyadkin không nghĩ đến những cái chán nản này nữa, và thấy mình đang ở một nơi trên đường Liteinaya. Trời vừa tuyết vừa mưa. Y như cái đêm khủng khiếp khó quên, cái đêm khởi đầu mọi phiền muộn của Golyadkin. Chàng nghĩ thầm: “Thời tiết này mà nói chuyện đi xa. Có mà chết... Làm sao tìm được xe đây? Chấm đen nơi ngả tư là gì vậy? Để đến xem thử...”

Chàng tất tả chạy đến cái chấm mà chàng nghĩ là một cỗ xe. Không, ta sẽ làm thế này: trở lại quỳ xuống xin tha thứ. Sẽ nói đại khái “Thưa Ngài, tôi đặt đời tôi trong tay Ngài”. Rồi ta sẽ nói tất cả những việc phạm pháp đó, rồi bảo “Tôi tìm đến Ngài như tìm tới một người cha, xin đừng để tự ái, danh dự, tên tuổi tôi bị khinh khi. Hãy giúp tôi thoát tay tên quỷ quyệt... Hắn khác, tôi khác, tôi thề là tôi luôn giữ đúng cương vị của mình, và tôi luôn luôn chăm lo công việc. Xin Ngài tin tôi. Tuy nhiên tôi không thể như hắn, vậy xin Ngài cho ngừng ngay cái trò bắt chước lố lăng đó đi để khỏi thành cái lệ”. Thượng cấp dĩ nhiên rất khuyến khích chúng ta đến với họ như đến với một người cha. Về mặt này thái độ của ta còn anh hùng nữa là khác. Đến nói là “Ngài là cha tôi, tôi giao phó định mạng tôi trong tay Ngài, tuyệt đối nghe theo quyết định của Ngài”.

- Gì đó, phải xe không?

- Ông cần xe?

- Tôi cần xe cho cả buổi tối.

- Ông đi bao xa?

- Tôi thuê cả buổi tối, đi bất kỳ nơi đâu.

- Ông định ra khỏi thành phố?

- Có thể lắm. Tôi chưa biết nên không nói chắc được. Có thể là sau rốt mọi sự sẽ tốt đẹp.

- Dạ, tôi cũng mong như vậy cho tất cả mọi người.

- Cám ơn bạn. Vậy bạn có bằng lòng không?

- Ông muốn thuê tôi ngay?

- Phải, ngay lập tức... chắc là nơi đầu tiên bạn phải đợi tôi... Nhưng tôi tin là không lâu đâu.

- Nếu thuê cả buổi tối thì không thể dưới sáu roubles. Thời tiết như thế này...

- Được rồi, cám ơn bạn, bạn khỏi lo. Bây giờ đưa tôi đến đó.

- Mời ông lên, để tôi sửa lại cho ngay ngắn. Mời ông ngồi. Bây giờ ông muốn đi đâu?

- Đến cầu Izmailovsky.

Người đánh xe lên chỗ của mình, khó nhọc lắm mới kéo nổi cặp ngựa gầy trơ xương ra khỏi máng gỗ đựng cỏ, và xe khởi hành. Nhưng bất ngờ Golyadkin giật lấy dây và bằng giọng khẩn khoản bảo tên đánh xe quày ngựa lại đi ngả khác thay vì đến cầu Izmailovsky. Gã đánh xe theo lệnh, và lát sau chiếc xe dừng lại trước tư dinh Bộ trưởng.

Golyadkin bước xuống, dặn dò người đánh xe đợi chàng, rồi bước vào nhà, hồi hộp chạy lên lầu kéo chuông, cửa mở, và người hùng thấy mình đang ở lối dẫn đến phòng ông Bộ trưởng.

Golyadkin hỏi người gia nhân ra mở cửa :

- Có Ngài Bộ trưởng ở nhà không?

Người này nhìn chàng nghi ngờ :

- Ông muốn chi?

- Tôi là Yakov Golyadkin. Tôi là nhân viên của Bộ. Tôi đến để... để cắt nghĩa... để...

- Khoan đã, ông không thể vào như vậy.

- Bạn, tôi không chờ được, chuyện gấp lắm không thể trì hoãn được.

- Ai gởi ông đến? Ông có đem giấy tờ hay gì đó không?

- Không, bạn. Tôi đến có chuyện riêng. Làm ơn báo là tôi đến. Tôi đến giải thích một điều. Tôi sẽ đền ơn bạn.

- Thưa ông, không thể được. Ngài đang bận tiếp khách. Sáng mai mười giờ ông hãy đến.

- Bạn nên đi báo đi. Tôi không chờ được. Có gì bạn phải chịu trách nhiệm đấy.

- Gì thế? Bộ mầy sợ mòn đế giày sao? - Một người khác ngồi trên ghế đấu tự nãy giờ bỗng xen vào - Đi báo ông ấy đi.

- Đâu có phải tao sợ mòn đế giày. Ổng không tiếp khách ngoài buổi sáng.

- Cứ đi đi. Không bị cắt lưỡi đâu.

- Dĩ nhiên tao có thể đi báo mà không bị cắt lưỡi, nhưng mầy biết là chúng ta không được như vậy. Thôi được, vào đi.

Golyadkin tiến vào phòng thứ nhất ngoài lối vào. Chàng nhìn đồng hồ đặt trên bàn. Tám giờ rưỡi. Chàng thấy hơi khớp, đã tính chuồn đi thì tên hầu cao lêu khêu đã đứng trước cửa vào phòng và báo tên Golyadkin với giọng thật lớn. Golyadkin đâm lo: “Thằng đó la to quá. Tại sao hắn không nói nhỏ với ông Bộ trưởng là ta chỉ xin ông ta một phút thôi... Bây giờ hắn làm hỏng hết, bao nhiêu cố gắng của ta thành vô ích. Thôi đừng thèm nghĩ nữa...”

Golyadkin cũng chẳng có thì giờ nghĩ ngợi vì tên hầu đã bước lại bảo chàng: “Xin theo tôi”. Hắn đưa Golyadkin vào phòng khách.

Thoạt bước vào Golyadkin không thể thấy gì cả. Như là đã lòa dù vẫn có cảm tưởng trước mình có hai ba người gì đó. Chàng nghĩ: “Chắc là khách”.

Cuối cùng chàng nhận ra ngôi sao sáng chói trên bộ áo đen của ông Bộ trưởng, rồi chàng thấy rõ dần dần, thấy rõ hết.

Một giọng quen thuộc vang lên :

- Gì đó?

- Thưa Ngài, tôi là Yakov Golyadkin. Tôi làm trong Bộ.

- Sao?

- Tôi đến để giải thích...

- Giải thích cái gì? Anh muốn nói gì?

- Thưa ông Bộ trưởng, giải thích một vài việc.

- Nhưng anh là ai?

- Thưa Ngài, tôi là Yakov Golyadkin, làm trong Bộ.

- Anh muốn gì nơi tôi?

- Tôi muốn thưa với Ngài, tôi xem Ngài như cha tôi vậy, tôi đứng ngoài... Thưa Ngài, tôi xin Ngài bảo vệ tôi.

- Nhưng chuyện gì mới được chứ?

- Thưa Ngài, như Ngài đã biết...

- Biết cái gì?

- Tôi nghĩ là... đối với tôi, rất đáng xem cấp trên như cha mẹ. Tôi xin Ngài che chở cho tôi, tôi van Ngài. Khóc mà van Ngài, t... tôi... t... in rằng... rằng n... nỗ... lu... lực đó ph... phải được kh... khuyến khích.

Ông Bộ trưởng quay lưng lại phía Golyadkin lúc đó không còn nhìn thấy gì qua màn lệ. Chàng thấy tức ngực, khó thở. Chàng cũng không biết mình đang làm gì và thấy xấu hổ buồn bực ghê gớm. Chỉ có Trời biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Khi đã bình tĩnh lại đôi phần, Golyadkin thấy ông Bộ trưởng đang nói chuyên với những người khách, hình như đang bàn cãi sôi nổi chuyện gì đó. Rồi Golyadkin nhận ra một người khách. Đó là Andrei Filipovich. Chàng không biết người kia, dầu trông cũng quen lắm. Một người đứng tuổi, cao lớn, bộ râu rìa rậm xám, đôi mắt cương quyết. Cổ ảo được điểm xuyết rực rỡ, điếu xì-gà trên môi, ông ta phì phà mà vẫn không xê xích điếu thuốc mỗi khi gật đầu, và thường liếc nhìn Golyadkin.

Golyadkin luống cuống nhìn tránh đi và nhận ra một người khách đặc biệt nữa. Nơi phía cửa mà chàng cứ ngỡ là tấm gương, chàng thấy HẮN. Quý vị biết là ai rồi. Một người quen biết rất kỹ với Golyadkin. Golyadkin thứ nhì ngồi trong phòng nhỏ dang hí hoáy viết gì đó, nhưng giờ thì đã bước tới với chồng giấy tờ trên tay. Hắn đến bên ông Bộ trưởng và trong lúc chờ vị này lưu ý tới, hắn tìm cách chen vào cuộc nói chuyện, và đến ngồi phía sau Andrei Filipovich, khói xì-gà của người lạ che khuất hắn với Golyadkin.

Golyadkin thứ nhì có vẻ say mê cuộc nói chuyện, mặt hắn chăm chú, thỉnh thoảng lại gật gù, mắt vẫn nhìn ông Bộ trưởng, rồi nhìn mọi người như khẩn khoản muốn xin được góp lời.

Golyadkin bước tới một bước, nghĩ thầm: “Đồ bỉ ổi”.

Lúc đó ông Bộ trưởng xoay lại phía Golyadkin bảo chàng.

- Được rồi, về đi, tôi sẽ xét lại trường hợp của anh. Để kêu người đưa anh ra.

Nói đến đây ông ta liếc sang người lạ có râu, người này gật đầu đồng ý.

Golyadkin thấy ngay là mình bị ngộ nhận. Chàng nghĩ: “Phải tìm cách khác. Phải tự giải thích. Thưa ông Bộ...”. Lúc chàng cúi mặt chàng bỗng ngạc nhiên thấy có những đốm trắng trên giày vị Bộ trưởng “Bộ giày ông ta đứt chỉ à?” Chàng tự hỏi, nhưng nhận ra không phải vậy, mà chỉ là ánh sáng phản chiếu.

Golyadkin lại suy nghĩ: “Đó gọi là lung linh, nhưng chỉ các nghệ sĩ mới hay dùng tiếng đó, người khác gọi là chiếu”.

Chàng ngẩng lên, thấy đã đến lúc phải nói nếu không sẽ hỏng hết, và lại bước tới một bước, chàng lên tiếng :

- Thưa ông Bộ trưởng, tôi nói là làm sao có thể đi được khi giữa thời đại chúng ta vẫn còn lừa gạt.

Vị Bộ trưởng không trả lời. Ông ta lạnh lùng kéo dây chuông.

Người hùng lại bước thêm bước nữa, tiếp tục :

- Hắn là một kẻ tàn tệ, đáng khinh, thưa Ngài - Chàng đã thấy rét, nhưng vẫn làm gan chỉ vào tên nọ lúc hắn đang lăng xăng quanh vị Bộ trưởng - Đó, như thế đó, tôi định nói về một người như thế đó.

Những lời của Golyadkin gây nên cảnh hỗn độn. Andrei Filipovich và người có râu luôn luôn gật gù, ông Bộ trưởng hối hả kéo chuông gọi người hầu, và Golyadkin thứ nhì bước đến.

Hắn nói với vị Bộ trưởng :

- Thưa Ngài, xin Ngài cho tôi được phép trình bày.

Giọng hắn đầy tự tin. Hắn quay sang Golyadkin.

- Thưa ông, bây giờ tôi hỏi ông, ông cho là ông đang ở đâu đây, và trước mặt những vị như thế này, ông nói thế để làm gì?

Mặt hắn đỏ lên vì khích động và giận dữ đến nỗi nước mắt ứa ra.

Tên hầu bỗng xuất hiện và hô lớn :

- Có ông bà Bassavrukov!

Golyadkin ngẫm nghĩ: “Tên nghe rõ là quý tộc. Chắc gốc Ukraine”.

Ngay lúc đó chàng thấy một bàn tay thân mật đặt sau lưng, và một bàn tay nữa cũng để sau lưng. Tên đáng khinh bỉ kia đang xum xoe dẫn đường phía trước, và chàng thấy mình bị đẩy về phía cửa. Khi đứng ở lối ra vào, giữa hai tên hầu và cái tên như là song sinh với mình, chàng nghĩ: “Giống như lúc ở nhà Olsufy Ivanovich”.

- Cái áo choàng! Đưa cái áo choàng cho bạn thân của tôi! Cái áo của bạn thân nhất của tôi, đưa đây ngay!

Tên khốn nạn kia ví von, lấy đồ đạc từ tay tên hầu ném lên đầu Golyadkin, đùa nghịch một cách khả ố. Golyadkin cố gỡ đống đồ che cả mặt mũi, giữa tiếng cười của bọn gia nhân. Rồi thấy mình đã ra ngoài. Và cuối cùng ở dưới chân thang với cả bọn.

Golyadkin thứ nhì hét vào mặt Golyadkin thứ nhất :

- Thôi chào Ngài!

Người hùng điên lên :

- Đồ quỷ quyệt!

- Cũng được, rồi có sao không?

- Đồ tồi bại!

- Được rồi, tồi bại. - Golyadkin thứ nhì vẫn lì lợm nhìn thẳng vào mặt Golyadkin thứ nhất như muốn bảo chàng cứ việc tiếp tục.

Người hùng của chúng ta điên tiết lên, bỏ đi.

Chàng bấn loạn đến nỗi không biết ai đã đỡ mình lên xe, và mãi đến lúc gần đê Fontanka mới lại hồn một chút “Ủa, phải đến cầu Izmailovsky mà”. Chàng đoán thầm như vậy, cố nhớ lại mọi chuyện nhưng không tài nào nhớ được gì vì khủng khiếp quá... Lúc xe chạy về hướng cầu Izmailovsky chàng nghĩ thầm: “Thôi, chẳng cần để ý nữa”.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t133974-la-bong-hay-la-hinh-chuong-12.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận