Lạc Lối Chương 26


Chương 26
Hy vọng

 

 

Ngày 5 tháng Chín 2007

Vậy là tôi đã đỗ kỳ thi hết kỳ và tôi vẫn ở Paris. Tôi 19 tuổi, một năm mới bắt đầu. Tôi đã tiếp tục làm việc tại nhà hàng trong suốt mùa hè, cố gắng để dành nhiều tiền nhất có thể. Tôi vẫn ở nhà người bạn cùng làm và, trái ngược với những gì tôi đã nghĩ, chuyện đó diễn ra khá tốt. Tôi trả cho cô ấy tất cả những gì tôi có thể, coi như tiền thuê nhà, việc đó giảm bớt phần nào gánh nặng chi phí cho cô ấy. Việc chúng tôi chung sống chẳng có gì giống với cuộc sống chung mà tôi đã có với Manu. Cô ấy cũng khó khăn, cô ấy hiểu tôi.



Tôi liên lạc thường xuyên với bố mẹ mình qua điện thoại: mối quan hệ của chúng tôi đã tiến triển nhiều. Năm trước tôi hẳn đã trưởng thành nhanh hơn bất cứ ai và điều đó thể hiện trong cách cư xử của tôi. Tôi cảm thấy họ ủng hộ tôi. Qua mẹ, tôi biết rằng bố xúc động trước thành công của tôi ở các kỳ thi và trước lòng dũng cảm của tôi. Họ chưa hiểu được tại sao tôi ra đi và tôi hy vọng họ sẽ không bao giờ hiểu ra điều đó. Tôi cũng biết họ tiếc vì không thể luôn giúp đỡ tôi về mặt tài chính, nhưng sự động viên về tinh thần của họ khuyến khích tôi. Giờ bố mẹ chứng minh cho tôi thấy điều tôi vẫn luôn biết: rằng họ sẽ luôn ở đó, bất kể tôi có lựa chọn thế nào.

Tuy vậy tôi vẫn tiếp tục tìm nhà. Tôi sẽ đăng ký học năm thứ hai tại Paris và tôi phải làm việc trong những điều kiện tử tế. Tôi không muốn trở lại V. Ở đó, tôi biết, tất cả đã được viết trước. Tôi cũng không muốn lợi dụng sự tử tế của cô bạn đồng nghiệp lâu hơn nữa. Nhà hàng đã đề nghị với tôi một hợp đồng không kỳ hạn làm việc bán thời gian mà tôi sẽ chấp nhận. Với sự đảm bảo về thu nhập này, tôi cho rằng mọi thứ hẳn sẽ dễ dàng hơn.

Nhưng việc đó có vẻ khó khăn hơn dự kiến. Hết các phòng khép kín rồi đến phòng áp mái, tôi nhận ra rằng hồ sơ của tôi không có sức nặng trước những hồ sơ khác. Tôi không có người bảo lãnh, và thậm chí với một hợp đồng không kỳ hạn, những người chủ nhà vẫn thích giao chìa khóa căn hộ cho một bạn trẻ sẽ có ai đó đằng sau họ trong trường hợp cần thiết. Điều mà tôi không có. Bố mẹ tôi, có vẻ như, không kiếm được nhiều. Không phải chuyện đùa đâu.

Như thế tương lai của tôi vẫn không chắc chắn. Tôi có biết bao ước mơ trong đầu, nhưng xã hội luôn dẫn tôi tới thực tế. Tôi muốn tiếp tục chuyện học hành, tôi muốn tiếp tục học, nhưng những trở ngại vẫn luôn ở đó. Liệu tôi có tìm được một căn hộ không? Liệu tôi có thể vừa học vừa làm không? Nhưng trên hết, liệu tôi có đủ mạnh mẽ để không sa chân lần nữa vào nghề làm gái không? Tiền kiếm bằng tình dục quá nhanh chóng, quá nhiều để tôi có thể ngăn mình nghĩ đến nó. Tôi biết những gì mình muốn, nhưng tôi cũng biết rằng không phải lúc nào chúng cũng phù hợp với thực tế. Hy vọng lớn nhưng phương tiện nhỏ.

Lời bạt của Eva Clouet

Gái bán hoa sinh viên trong thời đại Internet

[Eva Clouet, 23 tuổi, là sinh viên cao học năm thứ hai khoa xã hội học - ngành "Thể loại và Chính trị xã hội". (chú thích trong phần lời bạt này là của tác giả)]

"Tại Pháp, gần 40.000 nam/nữ sinh viên bán thân để có thể tiếp tục học tập." Thông tin này, do nghiệp đoàn của sinh viên SUD-Étudiant đưa ra vào mùa xuân năm 2006 trong một phong trào chống luật "bình đẳng cơ hội", có mục đích thu hút sự chú ý của chính phủ Pháp đối với "thực tế sinh viên". Trong những yêu sách của mình, nghiệp đoàn sinh viên viện dẫn những điều kiện sống khó khăn hiện nay của một số đông sinh viên (chỗ ở hiếm hoi và đắt đỏ, tiền nong eo hẹp, khó khăn trong chuyện đảm bảo đồng thời việc làm kiếm tiền và việc làm tại trường đại học, v.v... ), và chỉ ra các mâu thuẫn trong những giải pháp do chính quyền đề xuất nhằm giải quyết tạm thời những bất cập nêu trên.

Kể từ mùa thu năm 2006, các phương tiện thông tin đại chúng (chủ yếu là báo chí và truyền hình) nắm được thông tin, nhờ đó làm sáng tỏ tình trạng kinh tế bấp bênh của sinh viên dưới một góc nhìn mới và gây chú ý. Trong bối cảnh trước cuộc bầu cử, con số "40.000" vang lên như một tiếng chuông gây chấn động. Tò mò, ngạc nhiên, phẫn nộ, không thể hiểu nổi, hoài nghi, ảo tưởng... chủ đề sinh viên bán thân đã bung ra trước công luận, gây ra nhiều cuộc tranh luận và phản ứng.

Trong xã hội chúng ta, bán thân - dưới bất kỳ hình thức nào - vẫn là một hành vi bị lên án mạnh mẽ và hình ảnh của người bán thân 1, trong trí tưởng tượng của mọi người nói chung, vẫn thường gắn với một nguời "ở ngoài rìa" bởi "tuyệt vọng đến mức bán cả cơ thể mình". Như thế, khi là sinh viên, sự xấu xa tăng lên. Hình ảnh gái điếm trong mắt chúng ta - một phụ nữ nước ngoài đợi khách hàng trên vỉa hè 2 - có vẻ không tương thích với hình ảnh chúng ta vẫn quen thuộc về các sinh viên của chúng ta. Tuy nhiên, như lời kể của Laura, sinh viên bán thân là một thực tế thực sự tồn tại tại đất nước chúng ta. Nhưng vậy thì, tại sao tại Pháp, một cường quốc lớn của thế giới, nơi hệ thống giáo dục - dù bị phê phán và đáng phê phán - thường xuyên được nêu ra làm gương, một số sinh viên lại bán thân?

Nếu như cho đến giờ không một nghiên cứu nghiêm túc nào có thể quy ra thành số biểu hiện của hiện tượng này -, con số "40.000" ở đây không hề dựa trên một công trình khoa học nào và vì thế chỉ là một sự ước tính-, thì câu chuyện Laura cùng với nghiên cứu của tôi về thế giới của các gái hộ tống là sinh viên đang góp phần làm sáng tỏ một số yếu tố, và qua đó cung cấp một vài chìa khóa để hiểu được câu hỏi lớn về tình trạng sinh viên bán thân.

1.SINH VIÊN BÁN THÂN, MỘT THỰC TẾ KHÔNG THUẦN NHẤT

Ngày nay, tồn tại rất nhiều đối tượng bán thân 3, cũng như địa điểm và cách thức bán thân. Trong bối cảnh này, nhà nhân loại học và chính trị học Janine Mossuz-Lavau giải thích rằng từ giờ có lẽ sẽ thích hợp hơn khi gọi "những tình trạng bán thân" (số nhiều) hơn là "tình trạng bán thân" "vì những tình huống rất đa dạng" 4. Mỗi địa điểm (phòng ở, quán bar, hộp đêm, Internet, nơi massage, bãi đỗ xe trên xa lộ, rừng, xe tải nhỏ... ) lại tương ứng với một thực tế bán dâm cùng những đối tượng của riêng nó,với luật lệ riêng, các nét đặc thù riêng, giá cả riêng, khách hàng riêng, ràng buộc riêng và được mất riêng của nó. Những sinh viên bán thân dĩ nhiên không tránh khỏi sự đa dạng này. Như thế, một số sinh viên chọn hè phố như là địa điểm bán thân 5, số khác chèo léo khách ở trường đại học hoặc bằng những "thông báo nhỏ" và tiếp khách của họ tại cư xá của trường, số khác nữa bán thân trong những phòng khoang tại các "bar tiếp viên" nổi tiếng (hay những "bar nút chai") hay trong các salon massage, và số khác - như Laura - dùng Internet để kiếm tiền từ những dịch vụ tình dục. Vì thế sinh viên bán thân không phải là một thực tế thuần nhất bởi nó đa dạng về hình thức và cách thức thực hiện.

Do đó, đại chúng hóa việc tiếp cận với các phương tiện thông tin liên lạc như Minitel trong những năm 1980, Internet và điện thoại di động ngày nay, có vẻ như đã tăng cường sự phát triển của hoạt động bán thân "không chuyên" (đối lập với hoạt động bán thân "chuyên nghiệp") và "thời vụ", ở đó dễ thấy giới sinh viên.

Trong số rất nhiều những gương mặt bao trùm tình trạng bán thân ở sinh viên, lời bạt này mong muốn làm sáng tỏ đôi chút về một hình thức bán thân đặc biệt - chính hình thức Laura đã thực hiện - như một hình thức bán thân tự nguyện (lựa chọn), do sinh viên tiến hành một cách độc lập (không có những kẻ ma cô dắt gái) thông qua Internet.

Internet và hình ảnh sinh viên "gái hộ tống"

Trong chuyện bán thân, mạng Minitel vào những năm 1980 cùng với những "tin nhắn hồng" nổi tiếng của nó, và giờ là Internet, có những lợi thế không thể bỏ qua, kể cả ở phía khách hàng (cầu) cũng như ở phía những người muốn bán thân (cung). Ngoài tầm lựa chọn rộng và việc cập nhật thường xuyên, Internet còn cho phép ấn định những cuộc gặp kín đáo hoàn toàn yên tĩnh vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu với chi phí rất thấp, bởi nó cho phép người ta "giấu tên dễ dàng và an toàn 6". Hơn nữa, Internet còn khiến cho công việc của cảnh sát rõ ràng trở nên khó khăn hơn: "Những gái bán hoa hoạt động trên Net không gặp nguy cơ gì đáng kể, bởi ngay cả khi có thể lo lắng về chuyện bị bắt, họ cũng không phải là đối tượng ưu tiên của cảnh sát 7". Trong bối cảnh ấy, rất nhiều cựu gái đứng đường và những thành phần "vô danh" khác - trong đó có sinh viên - lao vào hoạt động này theo cách của mình.

Trên Net, những tin chào mời dịch vụ quan hệ tình dục có trả tiền dễ thấy nhất là của các "gái hộ tống". Ban đầu, "gái hộ tống" phải "hộ tống" một khách hàng, tức là đi theo một người (thường là đàn ông) đến một buổi dạ hội, đến nhà hàng, rạp hát... Trong phạm vi này, quan hệ tình dục không phải là một phần của hợp đồng nhưng là một mục đích ngầm, được coi như một hành động riêng tư giữa gái hộ tống và khách hàng của mình. Sự mập mờ này giải thích cho việc gái hộ tống thường được coi là "gái điếm cao cấp", bởi họ đáp ứng một yêu cầu đặc biệt. "Người ta đòi hỏi cô ấy phải quyến rũ, đẹp và tao nhã, nhưng đồng thời cũng phải có những phẩm chất trí thức, để đi cùng với khách hàng của mình, thường là những người đàn ông giao thiệp rộng 8." Ngày nay, hoạt động "đi cùng" này vẫn tồn tại, đặc biệt là thông qua các trung tâm môi giới. Nhưng thuật ngữ "gái hộ tống" từ giờ được dùng với toàn bộ những cô gái bán thân qua Net, và là như thế cho dù họ cung cấp dịch vụ "hạng" gì. Vì vậy, đằng sau từ "gái hộ tống" ẩn chứa những thực tế đa dạng: "Những gái điếm già bị đánh bật khỏi vỉa hè, những gái bán hoa chuyên nghiệp với lịch làm việc kín đặc, những cô gái nước ngoài bị các mạng lưới khai thác 9", hay, "người yêu qua đêm thời vụ 10."

Những cô gái hộ tống, dù là "chuyên nghiệp" hay "không chuyên" như Laura, chèo léo khách và liên lạc thông qua những thông báo trên các địa chỉ chuyên biệt hoặc những địa chỉ chung chung có mục mang tên "gặp gỡ trả tiền" hay "gặp gỡ cho người lớn". Những thông báo này chủ yếu chứa đựng thông tin cụ thể liên quan đến những dịch vụ được chào hàng. Ví dụ chúng ta thấy ở đây số đo của các cô gái hộ tống, tuổi của họ, vùng hay thành phố họ hành nghề, giờ giấc, giá cả, và đôi khi cả một đoạn ngắn trình bày chi tiết những dịch vụ kể cả "những điều kiêng kỵ 11" của họ.

Một số gái hộ tống có trang web riêng của chính mình hoặc blog 12. Những trang web cá nhân này, nói chung có thiết kế và giao diện cơ bản, thường được trình bày theo cùng một cách. Đầu tiên, một cửa sổ mở ra và chỉ rõ rằng người sử dụng Internet phải ở tuổi thành niên để tiếp tục xem xét. Khi vào trang này, một bài viết, thường là do chính gái hộ tống soạn, giới thiệu ít nhiều chi tiết về bản thân cô gái đó. Một số cô bằng lòng với việc chỉ miêu tả mình về mặt hình thể, trong khi một số khác nêu lên những mối quan tâm của họ, tình trạng hôn nhân của họ, những lý do các cô bán thân... Bài viết này cũng cho phép gái hộ tống thể hiện những mong đợi của mình đối với cuộc gặp gỡ mua bán và với thái độ cư xử của khách hàng (điều kiện gặp gỡ, sở thích về hành vi tình dục, típ đàn ông... ). Sau đó, rất nhiều mục xác định rõ kiểu dịch vụ mà gái hộ tống chào hàng. Nói chung, chúng ta có thể thấy những danh sách dịch vụ có thể phục vụ và những dịch vụ mà gái hộ tống từ chối thực hiện; giá cả (theo giờ, cả buổi tối, cả đêm hoặc hơn nữa); những giờ rảnh rỗi ("giờ làm việc"); và cuối cùng là trang liên hệ ở đó gái hộ tống ghi địa chỉ thư điện tử và/hoặc số điện thoại di động của mình. Thường thường, "bộ sưu tập ảnh" minh họa cho blog và cho thấy gái hộ tống dưới nhiều góc độ ánh sáng. Chúng ta có thể nhận thấy rằng rất hiếm gái hộ tống"không chuyên" để lộ mặt mình trên các tấm ảnh. Nhìn chung, các cô chọn cách giấu mặt. Họ làm thế chủ yếu để giữ kín nhân thân bởi những người xung quanh không biết về hoạt động bán thân của họ và/hoặc làm gái hộ tống không phải hoạt động duy nhất của họ. Thường thì những cô này có một hoạt động "chính thức" khác (ví dụ sinh viên) và bán thân theo từng dịp (với tần suất vài cuộc hẹn thỏa thuận giá một tháng).

Với những cô "bán thân thời vụ" này - họ là thư ký, phụ nữ nội trợ, luật sư, người đang tìm việc, sinh viên, v.v... -, việc bán thân là phụ. Trong trường hợp ấy, gái bán thân theo thời vụ thường làm việc độc lập (họ làm việc vì họ, kiếm tiền cho họ) và bán thân là một lựa chọn cá nhân, ít nhiều bị chi phối, nhưng dù gì cũng là một lựa chọn lý tính. Về vấn đề này, Malika Nor 13 chỉ rõ rằng những cô bán thân độc lập theo thời vụ thường xa lạ với các trợ cấp xã hội (vả lại đây cũng là lý do không một tổ chức nào, mang tính thể chế hay hiệp hội, có ý định làm rõ xem tình trạng bán thân ở sinh viên là gì). Nữ tác giả này cũng nói thêm rằng hình thức "bán thân tự nguyện thường có động cơ tiền bạc, hoặc bởi hoạt động đó tỏ ra cực kỳ xa hoa và có lợi, hoặc bởi đối với những người này nó chỉ là một nguồn thu nhập thêm hoặc cần thiết ở mức tối thiểu."

Việc lựa chọn bán thân - khả năng có một "cuộc sống kép" - chắc chắn trở nên dễ dàng nhờ Internet. Theo phân tích của Yann Reuzeau, "ngày nay, nhiều gái bán thân bắt đầu vào nghề qua Internet. Trong số họ, rất nhiều người có lẽ sẽ không làm việc đó nếu không có cơ hội "có vẻ" ảo này [..], bởi sự mới lạ to lớn của Internet là mở ra nghề này hoàn toàn với bất kỳ ai. Một máy tính bình thường, kết nối Internet, hai/ba tấm ảnh, nhiều là một phần tư giờ, và thế đấy, bạn là gái hộ tống 14!" Vả lại, nếu người ta căn cứ vào lời kể của Laura, thì thực sự trong khi lướt Web, cô nhanh chóng và dễ dàng rơi vào một loạt những lời quảng cáo rõ ràng. Bị thôi thúc bởi nhu cầu tiền bạc và trí tò mò, trong khi vẫn có cảm giác được "bảo vệ" trước màn hình máy tính của mình, Laura tìm thấy trên Internet "giải pháp mà cô mong đợi": "tiện lợi, và nhanh... ".

Thoạt tiên, có vẻ dễ ngạc nhiên khi thấy sinh viên trong môi trường bán dâm. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng đối tượng này còn lâu mới được "nằm trên đống vàng" và rất nhiều nam/nữ sinh viên có một "nghề" bên cạnh những nghĩa vụ ở trường đại học của họ 15. Hơn nữa, phần lớn những công việc dành cho sinh viên và phù hợp với thời gian biểu của nam/nữ sinh viên thường được trả công rất thấp, thậm chí còn bị trả thấp hơn công sức lao động. Vì vậy, cuối cùng chẳng có gì quá ngạc nhiên khi nghĩ rằng "đối với một người trẻ trong tình trạng kinh tế bấp bênh, sức cám dỗ rất lớn khi người ta thấy khả năng hấp dẫn của số tiền sinh ra từ loại hoạt động này 16."

2. SINH VIÊN BÁN THÂN QUA INTERNET HỌ LÀ AI?

Rất khó xây dựng được một "dạng điển hình" của sinh viên bán thân trên Internet. Tuy nhiên, xem xét số đối tượng này, người ta có thể nhận thấy một điều: phần lớn những lời quảng cáo trực tuyến được đưa ra bởi các cô gái trẻ. Vả lại, nếu người ta chú ý đến các bài báo về chủ đề này xuất hiện trong năm vừa qua, các tác giả tuyệt không dẫn ra một trường hợp bán thân ở nam giới nào. Với nhiều người, hành vi bán thân chỉ là "một việc làm của nữ giới", và từ đó suy ra, tình trạng bán thân ở sinh viên chỉ liên quan đến sinh viên nữ. Chắc chắn những lời quảnh cáo bán thân của nam sinh viên là gần như không thấy trên mạng, nhưng điều đó không vì thế mà có nghĩa là tình trạng sinh viên nam bán thân không tồn tại 17. Trong vấn đề này, thay vì nghĩ rằng bán thân chỉ có thể "dành" cho nữ giới, nên tự hỏi về thực tế sự khác biệt về giới nói trên. Nếu như trong chuyện bán dâm, nữ giới quá tải về cung và nam giới quá tải về cầu, thì đó là bởi việc bán dâm ăn sâu vào một hệ thống phức tạp các quan hệ giới bất bình đẳng. Trong hệ thống này, giới tính nữ - theo cách giáo dục của xã hội - nằm dưới sự kiểm soát xung năng - được cho là "tự nhiên" theo cách giáo dục của xã hội - của đàn ông. Việc ý thức được cơ chế thống trị ấy về quyền lực của nam giới đối với nữ giới là không thể thiếu để hiểu được việc bán thân và vấn đề bán thân ở sinh viên.

Như vậy chúng ta biết rằng phần lớn sinh viên bán thân là nữ. Hơn nữa, theo nhiều nguồn tài liệu báo chí thu nhập được về vấn đề này, những sinh viên nữ bán thân chủ yếu là vì nhu cầu tiền bạc và vì họ thiếu thời gian để làm một công việc kiếm đủ bên cạnh việc học. Để giải thích cho lựa chọn bán thân của nữ sinh viên, các phương tiện truyền thông vì vậy nhấn mạnh đến tình trạng kinh tế bấp bênh có liên quanh tới chi phí cuộc sống đang không ngừng tăng lên. Vả lại chính các lý do này thúc đẩy Laura bán thân. Giống như nhiều sinh viên tại các trường đại học công lập, Laura xuất thân từ tầng lớp trung lưu và mức sống của cô phụ thuộc nhiều vào mức sống của gia đình cô. Theo những tiêu chuẩn và định nghĩa thuộc về thể chế, gia đình cô tuy nhiên không "thiếu tiền" bởi cả bố lẫn mẹ cô đều đi làm toàn thời gian và nhận mức thu nhập được cho là "đủ" để chu cấp cho nhu cầu của tất cả các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, ngay cả với hai mức lương tối thiểu, nhiều gia đình "trung lưu" vẫn phải tìm cách "thắt lưng buộc bụng" để sống tạm ổn.

Dù vậy, tình trạng kinh tế bấp bênh - liên quan đến môi trường xã hội xuất thân của sinh viên nữ 18 - �không thể là lý do duy nhất giải thích cho lưa chọn bán thân của các sinh viên nữ. Quả vậy, không phải tất cả các sinh viên nữ "khó khăn về tài chính" đều bán thân! Và tất cả những gái hộ tống là sinh viên đều cần tiền tới mức sống còn 19. Trong bối cảnh này, hình ảnh "nữ sinh viên" nghèo mà các phương tiện truyền thông viện dẫn cần được hiểu tinh tế hơn.

3. CÁC SINH VIÊN NỮ LỰA CHỌN BÁN THÂN VÌ NHỮNG LÝ DO NÀO

Theo nghiên cứu của tôi, tình trạng bán thân ở sinh viên là một câu trả lời đáp lại những tan vỡ khác nhau, ít nhiều đáng nhớ, trong chuyện đời của họ. Vì vậy, những lý do và động cơ đã thúc đẩy họ tới sự lựa chọn này có thể thay đổi từ người này sang người khác, góp phần làm phong phú thêm các dạng sinh viên nữ bán thân.

Đối với một số, như hình ảnh Laura, bán thân trước hết thuộc về một mục đích "vị lợi" - kiếm tiền - để tiếp tục theo đuổi chuyện học hành. Với một số khác, nó là hiện thân của một dạng "giấc mơ bị cấm đoán" cho phép họ từ bỏ những giá trị gia đình truyền thống. Cuối cùng với một số khác nữa, đó đúng ra là một cách "trả thù" những người đàn ông mà họ đã giữ mối quan hệ tự nguyện. Thông qua những thực tế phong phú này (nhưng không phải là tất cả), chúng ta có thể rút ra ba dạng thức tan vỡ: những tan vỡ xã hội và tài chính, những tan vỡ đối với đạo đức gia đình, và những tan vỡ đối với các mối quan hệ yêu đương tự nguyện. Rõ ràng những dạng thức này không cố định, và ở một số sinh viên nữ hội tụ hai hoặc ba trong số những tan vỡ này.

a) Những tan vỡ về mặt xã hội và tài chính - Những nữ sinh viên sẵn sàng làm tất cả để thành công

Để trang trải chuyện học hành, trả tiền thuê nhà hay qua giai đoạn cuối tháng, các sinh viên nữ chọn cách bán thân. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi này chắc chắn liên quan tới tình trạng nghèo đi ở giới sinh viên. Về vấn đề này, Guillaume Houzel - chủ tịch hội đồng Quan sát Đời sống Sinh viên (OVE) - cho biết: "Từ vài năm nay, chúng tôi nhận thấy một áp lực ngày càng tăng đối với sức mua của sinh viên. Cùng với sự tăng giá bất động sán, chi tiêu cho chỗ ở của họ cũng tăng lên... nhưng học bổng thì không 20." Theo báo cáo của Dauriac 21 về tình trạng kinh tế bấp bênh của sinh viên, 100.000 học sinh ở bậc giáo dục đại học sống dưới chuẩn nghèo được xác định ở mức khoảng 650 euro một tháng một người. Theo OVE, có lẽ có hơn 45.000 học sinh hiện đang sống trong tình trạng rất nghèo khổ, và 225.000 khó nhọc để trang trải được chuyện học hành của mình 22. Nên nhắc lại rằng tình trạng nghèo đi này tác động đến một nhóm sinh viên nào đó, như những sinh viên mà bố mẹ họ không muốn hoặc không thể ủng hộ về mặt tài chính, và vì vậy những sinh viên này phải tự xoay sở một mình - hoặc gần như thế - để đáp ứng các nhu cầu của bản thân và theo đuổi chuyện học hành.

Như hình ảnh Laura, những cô gái hộ tống là sinh viên xuất thân từ tầng lớp bình dân hoặc trung lưu, chịu một số thiếu thốn trong cuộc sống sinh viên hiện tại, về mặt xã hội và tài chính, chúng ảnh hưởng - tương đối mạnh mẽ - đến quá trình học đại học của họ. Mà đối với những sinh viên này, thành công về mặt học vấn là quan trọng hàng đầu. Ngoài sự thỏa mãn cá nhân, theo đuổi việc học đại học tạo cho họ khả năng củng cố hoài bão của mình - như "trở thành một ai đó" - và đảm bảo một lối sống "thoải mái" hơn lối sống mà họ đã từng biết trong gia đình mình. Trong khi đó, những nữ sinh viên này, và cả gia đình họ đều không có đủ nguồn tài chính để đáp ứng đầy đủ hoài bảo ấy. Trong bối cảnh đó, bán thân tỏ ra là một giải pháp thay thế đề có thể "theo đuổi những ước mơ [của họ]".

Nhiều tác giả 23 nhất trí cho rằng các sinh viên không bình đẳng trong việc chu cấp cho quá trình học tập của họ, và rằng những lợi thế - đặc biệt là về mặt kinh tế - mà những thanh niên thuộc tầng lớp khá giả được hưởng và thanh niên xuất thân từ các tầng lớp ít thuận lợi hơn không có được, đang làm nảy sinh một sự bất bình đẳng trong tiếp cận với giáo dục đại học. Nhà nước, ý thực được "sự bất bình đẳng về cơ may này" , đã tạo ra một cơ chế cho phép trợ giúp về mặt tài chính cho một số thanh niên (học bổng dựa trên các tiêu chuẩn về mặt chính sách xã hội, học bổng theo thành tích học tập, trợ cấp nhà ở, v.v... ), như thế là tạo cho họ một "công cụ cơ bản để thăng tiến trong xã hội 24". Trong khi đó, hệ thống này đương nhiên không phải không có nhược điểm (hãy nhớ lại rằng Laura không có quyền nhận học bổng) và chỉ đáp được một phần nhu cầu của sinh viên. Trong năm năm, những khoản chi tiêu bắt buộc - phí đăng ký học, Bảo hiểm xã hội, nhà ở, ăn tại căng tin trường, vân vân - đã tăng thêm 23% trong khi đó học bổng đại học và trợ cấp nhà ở chỉ tăng them 10%. Trước thực trạng này, nhiều sinh viên bắt buộc phải có một hoạt động được trả công bên cạnh việc học hành của họ.

Năm 2003, 45,5% sinh viên Pháp làm một công việc được trả công trong năm học đại học (không tính kỳ nghỉ hè 25). Qua lời kể của Laura, người làm việc mười lăm giờ một tuần tại một trung tâm quảng cáo qua điện thoại, ngoài hai mươi giờ học tại trường và thời gian để ôn bài, chúng ta thấy được việc có một "việc làm sinh viên" gây bất lợi thế nào với cô để có thể học hành một cách tử tế. Cô luôn mệt mỏi và đùa giỡn sức khỏe của mình. Thực tế này gây tiếng vang cho những công trình do cơ quan Quan sát Đời sống Sinh viên thực hiện, cơ quan này đã viện dẫn ra rằng việc thực hiện một công việc được trả công song song với việc học làm tăng "nguy cơ thi trượt và bỏ học 26". Những nguy cơ ấy bắt nguồn từ sự cạnh tranh - đặc biệt là về thời gian - giữa "việc làm sinh viên" và những đòi hỏi của công việc học hành tại trường đại học. Vả lại chính trong bối cảnh này mà theo OVE, càng phải chỉ ra và hiểu khái niệm tình trạng bấp bênh ở sinh viên. Từ quan điểm đó, bán thân cho phép các sinh viên nữ xuất thân từ những môi trường xã hội hạn chế hơn tiếp tục việc học hành của mình trong những điều kiện vật chất thuận lợi - những nhu cầu hàng ngày như tiền thuê nhà hay thực phẩm được đảm bảo - trong khi vẫn để cho họ có đủ thời gian để học tập và vì vậy hy vọng hoàn thành năm học đại học.

Nếu như chiến lược 5d13 có vẻ hợp lý, thì người ta vẫn có thể đặt câu hỏi về cái giá mà những sinh viên nữ thuộc tầng lớp trung lưu và bình dân này phải trả để tiếp cận được với giáo dục đại học và tốt nghiệp ra trường. Rõ ràng, nấc thang xã hội và con đường dẫn đến "thành công" còn lâu mới bình đẳng cho tất cả mọi người!

b) Những tan vỡ đối với đạo đức gia đình - Các sinh viên nữ mong muốn thoát ra khỏi sự gò bó

Đối với một số sinh viên nữ, bán thân không trực tiếp phục vụ nhu cầu tiền bạc, mà đúng hơn là thuộc về một mong muốn cắt đứt với các giá trị gia đình truyền thống và thỏa mãn một "giấc mơ bị cấm đoán".

Ngày nay, ngay cả khi tình dục không "tự do", bởi nó khắc sâu - giống như bất kỳ sự tương tác xã hội nào khác - trong một số quan hệ (quan hệ về giới, về tầng lớp, về thế hệ, văn hóa... ), nó đã được nhìn nhận, thoạt tiên, ngày càng bớt khuôn phép hơn 27. Về vấn đề này, Michel Bozon nhấm mạnh rằng một trong những thay đổi lớn trong quan hệ giữa các thế hệ giữa những năm 1960 và những năm 2000, là việc "thế hệ cha mẹ từ giờ đã thôi đặt ra các quy định giới hạn cho giới trẻ 28." Khả năng sống "một tuổi trẻ thực sự" dần dẩn trở nên phổ biến, và "quyền tự chủ cá nhân� của những bạn trẻ này nói chung đã được chấp nhận. Trong bối cảnh ấy, các bậc phụ huynh không chỉ trích việc con cái mình có một đời sống yêu đương thoải mái nữa - đời sống ấy thậm chí đôi khi có thể diễn ra dưới mái nhà họ. Đương nhiên, nhận định này không đúng với tất cả các gia đình hiện đại. Một số gia đình vẫn bảo lưu những giá trị truyền thống - liên quan đến tinh thần tôn giáo - và giữ một sự kiểm tra gắt gao đối với chuyện tình dục của con cái họ.

Trong những gia đình bảo thủ này, việc giới trẻ bước vào chuyện tình dục diễn ra dưới cái nhìn chăm chú và dưới sự kiểm soát của cha mẹ (và có thể là của anh chị em). Các bậc phụ huynh đặt ra những quy định theo đó con cái họ - đặc biệt là các cô gái - có thể tiếp cận với hoạt động hợp lệ của tuổi trưởng thành này 29. Trong bối cảnh đó, sự giao du và những cuộc đi chơi của con cái - chủ yếu là ở tuổi thiếu niên - thường xuyên được cha mẹ kiểm tra chặt chẽ. Cũng như vậy, tình dục vẫn còn là chủ đề kiêng kỵ và hiếm khi được đưa ra trong các cuộc thảo luận gia đình.

Với những sinh viên nữ sinh trưởng trong kiểu gia đình này, bán thân được coi như là một phương tiện để giải phóng khỏi những giá trị và quy chuẩn của gia đình. Bằng cách bán thân, những sinh viên nữ này thoát khỏi khuôn mẫu của cha mẹ, và như thế khẳng định được mong muốn tự chủ của mình đối với mong muốn của cha mẹ họ. Về phương diện này, họ muốn là người đóng vai trò quyết định trong cuộc sống của mình - dù có ra sao cũng là cuộc sống riêng tư của họ - và tham gia xây dựng con người riêng của họ.

c) Những tan vỡ đối với tình yêu và quan hệ nam/nữ - Những sinh viên nữ thất vọng và mất hết ảo tưởng

Với một số sinh viên nữ làm gái hộ tống, bán thân là phương tiện để bù đắp lại một sự thiếu hụt tình cảm và tình dục. Thường thường, những phụ nữ trẻ này bị thất vọng bởi quan hệ yêu đương và "quan hệ cho không" đã từng có, trong những quan hệ ấy họ có cảm giác không được coi trọng ở đúng giá trị của mình. Quả thực họ đã "cho không" những người đàn ông không biết đáp ứng lại mong đợi của họ về cam kết và sự công nhận lẫn nhau. Trong kiểu quan hệ này, họ cảm thấy bị "phản bội", bị "lợi dụng", bởi thiếu vắng sự tôn trọng và quý mến với chính họ.

Vì vậy, những sinh viên nữ đó mong muốn duy trì chuyện tình dục, và cải thiện khả năng tình dục của mình bằng việc học hỏi những cách thức và kinh nghiệm mới. Trong bối cảnh này, hành vi bán thân của họ phát huy tác dụng. Tiền trong quan hệ tình dục cho phép làm minh bạch tình huống. Những gái hộ tống sinh viên biết rằng các cuộc gặp gỡ trong khuôn khổ hoạt động bán dâm của họ không vượt ra ngoài quan hệ "hợp đồng", và vô ích khi hy vọng vào "một câu chuyện" vượt ra ngoài cuộc hẹn mua bán. Như thế họ có thể sống hết mình với cuộc gặp gỡ và tập trung vào chính ham muốn tình dục của họ mà không lo lắng đến chuyện sau đó.

4. CHÚNG TA NGHĨ GÌ VỀ CHUYỆN NÀY

Dù cho lý do và động cơ dẫn các nữ sinh viên bán thân là gì, hành vi này cũng không thể được coi như là vô hại. Vả lại, những rủi ro của Laura đã chứng minh cho nhận định này. Tương tự, nếu lựa chọn này mang tính cá nhân, nhưng nó cũng nằm trong - giống như bất kỳ lựa chọn nào - một bối cảnh đặc biệt. Người ta không tình cờ bán thân. Cần tiền, mong muốn giải phóng, hay thêm nữa là sự thất vọng với quan hệ yêu đương, chỉ riêng chúng không đủ để giải thích cho việc một số sinh viên nữ bán thân.

Theo một nghiên cứu về "nguy cơ bán thân ở sinh viên", tồn tại một "mảnh đất nền tảng" nơi một số những rối loạn chức năng "nảy mầm" - liên quan đến chuyện riêng tư và xã hội của các cá nhân - và những rối loạn ấy có lẽ đã dẫn một số bạn trẻ đến việc bán thân. Cuộc điều tra này chỉ ra rằng những "rối loạn chức năng" có nhiều kiểu khác nhau và tự tác động qua lại lẫn nhau. Nó có thể đặc biệt là những "biến cố trong tiểu sử" (bạo lực thân thể, tinh thần và tình dục), những vấn đề về cá tính và sự thừa nhận đối với những khuôn mẫu của cha mẹ, một sự cô lập nào đó về mặt xã hội, một sự bấp bênh về tâm lý, việc gia đình của bạn trẻ đó bị xã hội gạt ra ngoài lề, nhữn đại diện cho phương thức thành công trong xã hội bị biến dạng, hay hơn nữa là việc tồn tại - trong mạng lưới của bạn trẻ đó - những hiểu biết về giới bán dâm.

Như vậy lựa chọn bán thân không phải là kết quả của một yếu tố duy nhất, mà là sự kết hợp giữa nhiều tan vỡ - ít nhiều đáng nhớ - về mặt cá nhân và xã hội. Nghịch lý thay, đối với một số nam (nữ) sinh viên, bán thân trở thành một giải pháp thay thế tạo ra ý nghĩa cho hành vi và lực chọn sống của họ. Việc "chuyển sang hành động" của các nữ sinh viên trong chuyện bán thân xảy ra trong một bối cảnh đặc biệt, một thời điểm đặc biệt của cuộc sống của họ. Nếu hoạt động này cho phép họ thoát khỏi một tình huống "khó khăn", thì nó không phải là không để lại hậu quả. Ngày nay, chưa có một nghiên cứu nào đi theo hành trình của những sinh viên ấy và ghi nhận những hậu quả - đối với cá nhân xã hội - mà hành vi này có thể để lại về lâu dài.

5. GIẲI PHÁP

Sự cầu viện đến việc bán thân - dù dưới hình thức nào - cũng cho thấy mặt yếu kém của xã hội. Chúng ta đã biết rằng hành vi này nằm ở vị trí trung tâm các quan hệ xã hội, ở đó vị thế vượt trội của nam giới và kinh tế ngự trị. Trước thực trạng này, người ta chỉ có thể mong muốn một sự tiến bộ về tư tưởng nhằm ngăn chặn những bất bình đẳng hiện có. Chúng ta biết rằng giáo dục là một trong những chìa khóa của sự thay đổi tư tưởng. Tuy nhiên, những phương tiện mà chính quyền sử dụng để làm thay đổi các thói quen trong lĩnh vực này còn chưa đủ (thậm chí còn không tồn tại).

Trong xã hội chúng ta, tình dục vẫn còn là một chủ đề khá kiêng kỵ và in dấu những tín ngưỡng cùng khuôn mẫu trọng nam khinh nữ, chúng giam hãm nữ giới cũng như nam giới trong những vai trò tình dục khu biệt và theo thứ bậc. Sự thẹn thùng, khả năng hạn chế nhu cầu tình dục, sự đúng mực, không ham muốn, vẫn còn được coi là những phẩm chất "tự nhiên" của phụ nữ. Ngược lại, ham muốn, hung hăng, chủ động, được coi như đặc điểm của nam giới 30. Nếu nhiều thể chế - và cả cá nhân - ngày nay đã tính đến tầm quan trọng của quan hệ xã hội nam/nữ trong những phân tích và hành động của mình, thì tình dục có thể được xem xét như một phương thức bình đẳng và tự do.

Từ gần mười năm trở lại đây, các chính phủ khác nhau khi cầm quyền đều mong muốn "biến đổi" trường đại học và nêu ra mong muốn chống lại tình trạng kinh tế bấp bênh ở giới trẻ như là lý do chính thức. Tuy nhiên, nhiều cải cách khác nhau đã được đề xuất (cải cách LMD 31, luật về "bình đẳng cơ hội" và Hợp đồng Tuyển dụng Lần đầu nổi tiếng, và hiện nay là luật về quyền tự chủ của các trường đại học... ) trên thực tế chỉ làm gia tăng sự phân biệt đã tồn tại giữa các sinh viên xuất thân từ giới bình dân và những sinh viên sinh trưởng trong những môi trường thuận lợi. Nếu dự án của chính phủ thực sự nhằm tới việc bình đẳng cho mọi sinh viên, một số giải pháp cụ thể có thể được áp dụng: hệ thống trợ giúp dựa trên tiêu chuẩn xã hội sẽ được điều chỉnh (như thế những sinh viên như Laura có thể được nhận học bổng), tăng đáng kể lượng phòng ở trong ký túc xá, những "việc làm sinh viên" được trả công đúng mức và phù hợp hơn với nhu cầu cũng như khả năng của mỗi người, vân vân.

Nhưng với các vấn đề về bình đẳng giới cũng như bình đẳng của cải, các nhà lãnh đạo vẫn luôn rụt rè...

--------------------------------

1Chúng ta quy ước sẽ sử dụng cụm từ "người bán thân" để chỉ cả nam giới, nữ giới và người chuyển giới cung cấp các dịch vụ liên quan đến tình dục đổi lấy thù lao.

2Tháng Hai năm 2006, 138 sinh viên nam/nữ năm thứ hai khoa y và tâm lý thuộc trường đại học Nantes đã thực hiện điều tra thông qua bảng câu hỏi về các chủ đề liên quan đến tình trạng người bán thân là sinh viên và không phải là sinh viên. Kết quả của cuộc điều tra ấy chỉ ra rằng theo mẩu này, "biên dạng điển hình" của một người bán thân tại Pháp tương ứng với một "phụ nữ (97,8% số người trả lời) trẻ (84,8%) nước ngoài(82,6%) chèo kéo khách trên phố (71,3%)". "Biên dạng" này phân hồi lại biên dạng vẫn thường được truyền đi trên các phương tiện thông tin đại chúng - nhất là khi chúng nói về các mạng lưới bán dâm - trong khi hoàn toàn nhấn mạnh về hình thức bán thân dễ thấy nhất (đó là hình thức chèo kéo khách được thực hiện trên đường). Trong khi đó, theo các công trình nghiên cứu về "vấn đề bán thân" của hiệp hội Bác sĩ Thế giới (Antenne nantaise), bán thân trên đường phố tại Pháp có lẽ chỉ mới chiếm 40% số vụ bán thân nói chung.

3Cá nhân thuộc một tầng lớp trong xã hội được thừa nhận là làm việc đó; ví dụ: sinh viên, thanh niên thuộc các tầng lớp trung lưu,v.v...

4Janine Mossuz-Lavau và Marie-Élizabeth Handman, Bán thân ở Paris, Paris, Nhà xuất bản Martinière, 2005, trang 13.

5Về vấn đề này, chúng ta có thể tham khảo lời kể của Sélénia, nữ sinh viên đã bán thân trên đường phố Toulouse trong một năm, trong bài của E.Philippe, "Là sinh viên, tôi bán thân", Esprit Femme (nguyệt san), tháng Hai 2007, số 21, trang 56-57.

6Pascal Lardellie, Trái tim của Net - Độc thân và tình yêu trên Web, Paris, Belin, 2004, trang 65.

7Đoạn trích trong "Những điểm lưu ý" của tác giả kịch bản và đạo diển Yann Reuzeau trong vở Những người mới vào nghề - Gái bán hoa qua vài nhấp chuột, được công diễn từ tháng Mười một 2006 đến tháng Hai 2007 tại Manufacture des Abbesses, Paris.

8Christelle Schaff, Bán hoa tại Pháp: điều tra, Nhà xuất bản Lagune, 2007, trang 50.

9Dĩ nhiên không phải gái bán dâm trên Net đều độc lập: rất nhiều người làm việc cho những "đại lý", một số dưới sức ép của những tên cò gái, nhất là với việc tổ chức thành các "cuộc lưu diễn", những mạng lưới nô lệ thực sự. Gái bán hoa lưu diễn: Chỉ một gái bán hoa/gái hộ tống làm việc cho một tên ma cô. Tên này lập tour trong một khoảng thời gian - thường là ngắn - tại khách sạn của một thành phố lớn ở phương Tây nơi hàng ngày một tour tiếp đón một lượng lớn khách hàng (thường là hơn 10 khách một ngày), sau đó hắn lại thay đổi thành phố. Những mạng lưới tuyển mộ (phần lớn là tại các nước phương Đông) và chèo kéo khách được thực hiện qua Web. Thuật ngữ "lưu diễn" chỉ rằng gái bán thân đang đi "lưu diễn", rằng cô ấy đang đi "tour" tại các thành phố phương Tây lớn. Tháng Năm 2000, một cơ quan bổ sung cho OCRETH (Cơ quan trung ương chịu trách nhiệm trấn áp tình trạng buôn người) đã được thành lập để chống lại tình trạng phạm tội liên quan đến những công nghệ mới. OCLCTIC (Cơ quan trung ương phụ trách việc chống lại tình trạng tội phạm liên quan đến các công nghệ thông tin và truyền thông) chịu trách nhiệm giải quyết các vụ vi phạm cũng như trọng tội liên quan đến nghề dắt gái.10Matthieu Franchon và Andreas Bitesnich, "Làm công ăn lương ban ngày, gái hộ tống ban đêm", Choc (tuần san), 28 tháng Sáu 2007, số 87, trang 26-33.11Trong tiếng lóng của nghề gái hộ tống, �những điều kiêng kỵ" chỉ các hành vi tình dục mà gái hộ tống từ chối làm trong khuôn khổ mua bán. Ngược lại, thuật ngữ "không kiêng kỵ" chỉ một gái hộ tống chấp nhận tất cả các loại hành vi.

12Blog (hay blogue): Site Web được lập nên bởi sự tập hợp nhiều file được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái. Mỗi file (cũng được gọi là �bản ghi chép" hay "bài viết") là một phần them vào blog dưới hình thức một sổ lịch trình hay nhật ký. Blogueur (người viết blog) đưa vào đây một bài viết, thường được làm phong phú thêm bằng những siêu liên kết và những yếu tố đa phươn tiện, ở đó nói chung mỗi người đọc đều có thể đưa ra những lời bình luận.

13Malika Nor, Bán dâm, Paris, Nhà xuất bản Le Cavelier Bleu, 2001, trang 54.

14Vả lại tình trạng bán thân tự nguyện và không chuyên này còn là đề tài cho vở kịch mới đây của cô. Đặc biệt cô đưa lên sân khấu Marion, 19 tuổi, sinh viên y khoa, để tiếp tục theo đuổi việc học, đã bán thân theo từng dịp thông qua Internet. Yann Reuzeau, Những người mới vào nghề - Gái bán hoa qua vài lần nhấp chuột, kịch (2006), công diễn từ tháng Mười một 2006 đến tháng Hai 2007 tại La Manufacture des Abbesses, Paris.

15Theo tổ chức Quan sát Đời sống Sing viên (OVE): Tại Pháp, 47% sinh viên làm thêm bên cạnh việc học tập và 15% trong số họ làm ít nhất sáu tháng một năm, ít nhất là làm bán thời gian.

16Christelle Schaff, tác phẩm đã dẫn, trang 140.

17Để phục vụ nghiên cứu của mình, tôi đã gặp một nam sinh viên trẻ từng bán thân trong hai năm trên phố và hiện đang sử dụng Internet - được đánh giá là "ít mạo hiểm hơn trên phố" - để tìm khách hàng. Anh ta không đăng quảng cáo cũng không có blog, nhưng kết nối vào những trang gặp gỡ "gay" để thiết lập các quan hệ mới. Theo anh ta, việc thiếu bóng nam giới - và vì thế cả nam sinh viên - với tư cách "người cung cấp" các "dịch vụ tình dục có trả tiền" là chuyện về cung cầu. "Cầu của nam giới về các quan hệ khác giới "miễn phí" cao hơn cung - từ đó nảy sinh tình trạng bán dâm ở nữ giới để "giải quyết tạm thời" sự chênh lệch này. Ngược lại, khoảng cách giữa cầu và cung về quan hệ đồng giới nam "miễn phí" thấp hơn. Những nam giới bán dâm vì vậy ít hơn các đồng nghiệp nữ, vì cầu bị cạnh trang bởi "tầng lớp miễn phí".

18Sự giúp đỡ của cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình chiếm gần 44.6% những nguồn thu của sinh viên (số liệu của CREDOC, 1992) - Olivier Galland và Marco Oberti, Sinh viên, Paris, La Decouverte, 1996, trang 67.

19Để phục vụ nghiên cứu của mình, tôi đã gặp hai gái hộ tống sinh viên mà công việc kiếm tiền không xuất hiện trong mục địch đầu tiên của việc họ đi bán thân. Cả hai người đều được trợ cấp tài chính (một cách thoải mái) từ cha mẹ họ.

20Jean-Marc Philibert, "Tình trạng bán thân lan đến ghế giảng đường", Le Fifaro, ngày 30 tháng Mười 2006, trang 11.

21Jean-Fran�ois Dauriac đã liên tiếp là gián đốc Crous của học viện Créteil (từ năm 1992 đến măn 2001) sau đó là học viện Versailles (đến năm 2004). Năm 2000, Claude Allègre - khi đó là bộ trưởng bộ Giáo dục quốc gia - ủy thác cho J.-F. Dauriac xây dựng thực trạng tình trạng kinh tế của sinh viên tại Pháp nhằm đưa ra một "Kế hoạch xã hội sinh viên". Jean-Fran�ois Dauriac, Ghi chép tổng kết báo cáo trình bộ trưởng bộ Giáo dục quốc gia, Nghiên cứu và Công nghệ về việc triển khai kế hoạch xã hội sinh viên, Paris, 2000.

22Jean-Marc Philibert, tác phẩm đã dẫn. - Nước Pháp hiện có 2 200 000 sinh viên.

23Lấy ví dụ như Pierre Bourdieu và Jean-Claude Passeron, Những người thừa kế: sinh viên của nền văn hóa, Paris, Nhà xuất bản Minuit, 1989; Raymond Boudon, Bất bình đẳng về cơ may - Sự linh hoạt về mặt xã hội trong các xã hội công nghiệp, Paris, Amand Colin, 1979; Fran�ois Dubet, "Sinh viên", trong F. Dubet et al., Trường đại học và thành phố, Paris, L�Harmattan, 1994; Stéphane Beaud, 80% tốt nghiệp trung học... và sau đó?, Paris, La Découverte, 2003; M. Euriat và C. Thelot, "Xã hội tuyển lựa những tinh hoa trường học tại Pháp", Tạp chí xã hội học Pháp, XXXVI-3, tháng Bảy-tháng Chín 1995, trang 403-438.

24Năm 2006, những trợ cấp dành cho sinh viên chiếm 6 tỉ euro và 2,2 triệu sinh viên được hưởng. Nguồn: Laurent Wauquiez, Trợ cấp dành cho sinh viên: làm thế nào để hồi phục sự thăng tiến trong xã hội?, Paris, 2006.

25Claude Grignon (chủ tịch Ủy ban khoa học của OVE), Những sinh viên khó khăn: Nghèo khổ và bấp bênh - Báo cáo trình lên bộ trưởng bộ Thanh niên, Giáo dục quốc gia và Nghiên cứu, Paris, 2003.

26Claude Grignon, tác phẩm đã dẫn.

27Thomas Laqueur, Công xưởng tạo giới tính - tiểu luận về cơ thể và giới tại phương Tây, Paris, Gallimard, 1992.

28Tuy nhiên cha mẹ vẫn không rời mắt khỏi những hành vi tình dục của con cái họ, đặc biệt là đối với các nguuy cơ nhiễm những bệnh lây qua đường tình dục hay có thai ngoài dự kiến - Michel Bozon, Xã hội về tình dục, Paris, Armand Colin, 2005, trang 54.

29Michel Bozon, tác phẩm đã dẫn, trang 16.

30Michel Bozon, tác phẩm đã dẫn, trang 25.

31LMD: Licence-Master-Doctorat (cử nhân-thạc sĩ-tiến sĩ), hệ thống giáo dục đại học và sau đại học mà một số nước châu Âu đang tiến hành xây dựng đồng bộ. (chú thích của người dịch)

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/89422


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận